CHÚA NHẬT XX C MÙA THƯỜNG NIÊN

Chủ Đề: Sứ vụ và số phận những người dám can đảm nói lên sự thật.

  • Gr 38, 4: … xin vua cho giết Gieremia đi vì… con người ấy chẳng mưu hòa bình cho dân này, mà chỉ gây tai họa

  • Lc 12, 49: Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất…Thầy còn một phép rửa phải chịu…

 Lời Chúa của Chúa nhật 20c Mùa thường niên trình bày cho chúng ta một thực tại đau lòng trong đời sống tôn giáo: những ai trung thành với Thiên Chúa, dám can đảm nói lên sứ điệp của Chúa cho con người thì sẽ bị những kẻ cứng lòng chống đối và tìm cách bách hại. Tại sao? Bởi vì Lời Chúa đụng đến những quyền lợi phù vân đưa tới cái chết, đụng tới sự an toàn giả tạo do họ dựng nên chung quanh họ… nên họ phản kháng  tìm cách phủ nhận lời Chúa. Nhưng vì sự thật thì cứ sờ sờ ra trước mắt, cho nên cách thức hay nhất để trốn tội là tìm cách BỊT MIỆNG những ai dám nói lời Thiên Chúa cho họ.

Thật vậy, từ khi tổ tông phạm tội, phản ứng của tội nhân luôn là: tìm che đậy tội lỗi xấu xa của mình (x. St 3, 7), sợ hãi Thiên Chúa không dám gặp mặt Người (x. St 3, 12 – 13). Để cứu con người khỏi nguy cơ diệt vong, Thiên Chúa đã đi bước trước tìm đến với con người, nói cho con người biết phải đón nhận  sai trái của mình (x. St 3,9 -11) ; Chúa dùng ân sủng che dậy cái xấu hổ của họ (x. St 3,21) ; và quan trọng nhất, Chúa ban cho con người “ Đáng Đạp Đầu Rắn” ( x. St 3 , 15). Tóm lại, chỉ trong Thiên Chúa, con người mới được hồi sinh.

Bắt đầu từ đó, con người lóe lên ánh sáng hi vọng. kể từ đó, con người lao vào cuộc chiến đấu mới, chọn lựa số phận sống hay chết cho chính mình: hoặc là tiếp tục trốn chạy Thiên Chúa, phủ nhận tội mình,đổ lỗi hãm hại tha nhân, hoặc là về cùng Thiên Chúa, nhìn nhận sai trái của mình, lắng nghe lời Chúa qua những con người Chúa gởi đến với chúng ta.Có thể nói, công việc chính của ân sủng Chúa là ngăn chặn việc trốn chạy của con người, là miệt mài đem sứ điệp cứu độ cho nhân loại.

Sứ điệp cứu độ được Chúa trao cho nhân loại qua các thừa tác viên Chúa chọn. Và người của Chúa luôn đối đầu với hai thực tại đối nghịch nhau: được tiếp đón, hoặc từ chối (x. Mt 10, 11 – 14; Lc 9, 1- 6). Lời Chúa hôm nay đề cập đến nét chối từ, vì Lời Chúa phá tan cái an toàn giả tạo mà con người đang cố thủ trong đó.

Bài đọc 1 thuật lại số phận bi thảm, trên đe dưới búa của Gieremia trong một Đất nước đang loạn lạc, triều đình phân rẽ: kẻ theo phe Babylon, người theo phe Ai Cập. Ông vua đang trị vì là Xitkigiahu (598 – 587), chỉ là bù nhìn do đế quốc Babylon đặt lên (x. Gr 37, 1b); Trong khi đó thì triều đình, tướng lãnh lại theo phe Ai Cập để lật đổ ách Bbylon. Lập trường của họ lại được củng cố thêm nhờ một biến cố: đó là vào năm 588, quân Ai cập đã kéo sang Palestin và quân Babylon đang bao vây Giêrusalem phải tạm rút lui. (x. Gr 37, 5) . Thế nhưng,vâng lệch Chúa, Giêrêmia vẫn khăng khăng loan báo rằng Giêrusalem sẽ phỉa thất thủ dưới tay của Babylon ( x. Gr 37, 6 -10) ; Do đó các thủ lãnh Giuda chống đối, bách hại Giêremia . Đó là nội dung bài đọc 1 hôm nay.

Các thủ lãnh tâu lên cùng vua Xitkigiahu xin giết Giêremia  vì các lời sấm ông tuyên ra làm nản lòng dân, họ tố ông chỉ gây tai họa cho dân mà thôi (x. Gr 38 , 4) vì không có thực quyền, vau đành giao Giêremia vào tay họ (x. Gr 38,5). Họ đem nhốt ông vào hầm nước sâu đã cạn chỉ còn bùn và ông có nguy cơ bị chết đói (x. Gr 38, 6 – 9). May cho Giêremia là vua còn có chút can đảm và thương ông nên đã sai những người thân cận thân cận đến giải cứu ông (x. 38, 10 -13).

Cuối cùng quân Balylon quay trở lại Palestin vào 587, xóa sổ Giêrusalem, bắt vua, thủ lãnh, tư tế đày sang Babylon (x. 39, 4 -8).Vương triều Đavít chấm dứt!

Dám nói lên sự thật không hề mong đợi, Giêrêmia đã bị bách hại. Ông là hình ảnh báo trước của Đức Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai đến tỏ bày sự thật để đưa nhân loại về lại với Thiên Chúa. Tiếc thay có nhiều người không muốn nghe, họ tìm đủ mọi cách để bịt miệng Đức Giêsu, và cuối cùng họ đã giết người.

Tin Mừng thuật lại lời Đức Giêsu báo trước Thập giá (Lc 12, 50). Chính con đường Thập giá này là NGỌN LỬA mà Đức Giêsu mang đến trần gian và mong nó bùng lên ( Lc 12, 49). Đức Giêsu đã vác Thập giá  ( Lc 9,22) và muốn tất cả ai theo Người cũng phải “ từ bỏ mình”, “ vác Thập giá hằng ngày” mà theo ( Lc 9,23). Thập giá cứu độ đó chính là căn nguyên của những lời có vẻ như nghịch lý mà Tin Mừng hôm nay mang đến cho chúng ta: Thầy đến không để ban hòa bình, nhưng là đem sự chia rẽ (x. Lc 12, 51). Lời đó dường như ngược lại với sứ điệp bình an mà thiên sứ loan báo dịp giáng sinh (x. Lc 2, 14). Thật ra Đức Giêsu đến phá vỡ cái liên minh ma quỷ nhốt nhân loại trong gong cùm sự chết. Thế là có cuộc chiến đấu để chọn lựa : tiếp tục đường cũ hoặc bỏ theo Đức Giêsu.

Hình ảnh “lửa” do Đức Giêsu mạng tới cũng mang tính lưỡng diện: lửa thanh luyện và cũng là lửa thiêu hủy. Phải quyết định số phận cho mình! Ai đã chọn theo Đức Giêsu thì từ nay không còn sống cho cái cũ nữa mà là “Đức kitô sống trong tôi” (x. Gl 2, 20). Tạm mượn hình ảnh đại tu một chiếc xe Honda để minh họa cho quá trình đổi mới: trước tiên là phải phan rã. Tháo rời bộ máy; Rồi lọc lựa , chỉnh sửa  từng phần , làm mới tất cả; cuối cùng mới ráp lại : xe cũ thành xe mới.

Chúa không dạy chúng ta sống chia rẽ, bất trung, bất hiếu. Chúa mời chúng ta “đặc tu” nhân tính và gia đình nhân loại. Việc phải chấp nhận mình có hư hao, cần tháo gỡ. để tu chỉnh là cần thiết . Nhờ dó có dược NHÂN LẠI MỚI trong Đức kitô.

Frères Đình Long FSC