CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN – năm A

Bài 1:

Is 55,1-3; Mt 14,13-21

Chủ đề: Thiên Chúa quan tâm nuôi dưỡng dân Người.

* Is 55,1: đến cả đây, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây…đến mua rượu, mua sữa không trả đồng nào.

* Mt 14,19-20: Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê.

Lời Chúa của Chúa Nhật XVIII A Mùa Thường Niên đề cập một vấn đề luôn mang tính thời sự, cấp thiết và nóng bỏng đối với cuộc sống của nhân loại, mọi nơi, mọi thời. Đó là chuyện ăn, chuyện uống; vấn đề LƯƠNG THỰC; Việc cung cấp NO ĐỦ LƯƠNG THỰC cho mọi người.

Nhưng con người là một tạo vật linh thiêng của Thiên Chúa: có XÁC và HỒN. Lương thực phần xác dù cần thiết vẫn là chuyện chóng qua, còn lương thực phần HỒN mới là điều quan trọng. Nên Lời Chúa hôm nay cũng kín đáo cho thấy YẾU TỐ CHÍNH GIÚP CON NGƯỜI NO ĐỦ CHÍNH LÀ LỜI CHÚA: “Hãy chăm chú NGHE Ta thì các ngươi sẽ được ăn ngon…Hãy NGHE thì các ngươi sẽ được sống”. Còn trong bài Tin Mừng, chính Đức Giêsu ra lệnh cho các môn đệ phải cho đám đông dân chúng ăn; Và trước khi dùng bánh nuôi phần xác đám dân, Đức Giêsu đã dùng lời nuôi đời sống tâm linh của họ: Người dạy dỗ họ (Mc 6,34); Người nói cho họ về Nước Thiên Chúa (Lc 9,11); chữa lành họ (Lc 9,11b; Mt 14,14). Tất cả đều phát xuất từ LÒNG CHẠNH THƯƠNG của Đức Giêsu, vị Thiên Chúa làm người, trước nỗi khốn cùng của con người (Mt 14,14).

Lời Chúa nhấn mạnh: chính Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu chạnh thương đã chủ động nhận ra các nhu cầu của con người và đi bước trước cung cấp lương thực cho những ai đi theo nghe lời Người. Và lương thực đó là ơn huệ nhưng không được Chúa ban rộng rãi cho ai đón nhận.

Từ của ăn vật chất, Chúa đã từng bước đưa kẻ tin vào của ăn thần linh, thiết lập Giao Ước với Thiên Chúa. Phép lạ hóa bánh ra nhiều được xem là hình ảnh báo trước lương thực thần linh là Bí Tích Thánh Thể.

Bài đọc một là sấm ngôn hi vọng được Isaia đệ nhị gởi đến dân đang bị lưu đày. Họ đã mất tất cả; Họ khao khát tự do, mong được ca ngợi, tôn thờ Chúa…Nhưng với sức riêng mình, họ bất lực; Bao toan tính, cố gắng của họ đều vô vọng…Chính trong cảnh tuyệt vọng ấy, lời ngôn sứ đột ngột vang lên: đừng phí tiền, phí sức cậy dựa vào những thứ không thể mang lại ơn giải cứu; Thay vì tính toán theo lối phàm trần thì hãy ĐẾN VỚI CHÚA, LẮNG TAI NGHE CHÚA thì sẽ được Chúa ban tràn mọi phúc lộc. Các hình ảnh nước, rượu, sữa, thịt…được mời dùng thỏa thuê, miễn phí là cách diễn tả biểu tượng cuộc sống an lạc, sung túc sắp được Thiên Chúa trao ban nhưng không. Thực tại tốt đẹp ấy báo trước cuộc giải cứu ngoạn mục Chúa thực hiện cho dân qua vua dân ngoại: Kyrô vua Ba Tư. Dân Chúa không tốn một mũi tên, một giọt máu nào mà vẫn được vua Kyrô cho tự do khỏi ách Babylon, được hồi hương, lại còn được vua ủng hộ trợ lực giúp xây lại Đền Thờ Giêrusalem. Qua cuộc giải cứu tuyệt vời ấy, Chúa mời dân hãy tin tưởng lắng nghe lời Chúa, đi sâu hơn vào mối thần linh với Người để rồi tự do cùng với Người “thiết lập một Giao Ước vĩnh cửu” như Chúa đã hứa với Đavít. 

Như vậy lòng nhân hậu, xót thương của Thiên Chúa mới là cội nguồn cho mọi thứ lương thực xác hồn cho kẻ tin. TIN NGHE lời Chúa là điều tiên quyết.

Trong Tin Mừng, Matthêu thuật lại phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất. Trong văn mạch của Matthêu: cho dù Đức Giêsu đã bị dân Nadaret chống đối (13,53-58), cho dù người công chính Gioan vừa bị Herode giết (14,1-12). Thì Đức Giêsu cũng không vì thế mà từ bỏ sứ mạng cứu độ của Người: Người muốn tạm thời lui vào nơi thanh vắng để bớt căng thẳng, nhưng khi đến nơi thì thấy đám đông dân chúng đã có mặt ở đó thì Người vẫn sẵn sàng tiếp đón họ, đáp lại những nhu cầu họ đang cần: Người chữa lành và nuôi dưỡng họ. Cội nguồn của mọi hành động của Người là LÒNG CHẠNH THƯƠNG; Đó chính là TÂM TÌNH CỦA CHÍNH THIÊN CHÚA trước những đói khát khổ đau của Dân Người (x.Xh 3, 7-10): Chúa đã sai người của Chúa là Môsê đến cứu dân; Trong Tin Mừng, Đức Giêsu truyền các môn đệ “chính anh em hãy cho họ ăn”. Đức Giêsu không cho phép những người theo Chúa tránh né việc phải giúp đỡ vật chất cho nhân loại còn thiếu thốn. Giáo Hội không được viện cớ bất lực hay nghèo nàn để từ chối trách nhiệm: “chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Chúa muốn người môn đệ của Chúa phải sẵn sàng chia sẻ tất cả những gì mình đang có. Rồi từ sự đóng góp nhỏ bé ấy, Chúa ra tay.

Như vậy lòng thương xót Chúa bao trùm cả nhân loại từ vật chất tới tinh thần. Điều Chúa muốn môn đệ là HÃY BẮT CHƯỚC NGƯỜI: hãy cho họ ăn với những gì ít ỏi mình đang có: cứ đưa hết năm cái bánh mình đang có, rồi từ cái ít ỏi đó CHÚA NUÔI DÂN.

Bài 2:

“ Đức Giêsu bảo:…chính anh em hãy cho họ ăn…Rồi…Người cầm lấy năm cái bánh…dâng lời chúc tụng và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều ăn và được no nê” (Mt 14,16b.19b).

Matthêu mười ba đã trình bày Đức Giêsu như là “bậc Thầy” giảng dạy về Mầu Nhiệm Nước Trời (Người “ngồi”, tất cả dân đều đứng 13,1-2) trong mặc khải chung cuộc của thời cánh chung (“Hôm ấy” = ên te hemêra). Qua chương mười bốn, để củng cố cho lời giảng dạy trên, Matthêu qua một loạt phép lạ đã tỏ cho mọi người nhận ra uy quyền thần linh của Đức Giêsu: “quả thật Ngài là Con Thiên Chúa” (14,33).

Thế nhưng công trình tốt đẹp đó của Đức Giêsu không ngừng bị “kẻ thù” gieo “cỏ lùng” quấy phá: – chúng chạy theo những truyền thống tự mình bịa ra mà lãng quên điều răn của Chúa (x.Mt 15,1-9); – Vụ luật, chỉ giữ hình thức mà không hiểu việc mình làm (15,10-20); – Đui mù trước bao nhiêu phép lạ tỏ tường Đức Giêsu đã làm để rồi lại đòi dấu lạ từ trời để thử Đức Giêsu (16,1); – Trước sự cứng lòng, đui mù của họ, Đức Giêsu chỉ còn một dấu lạ tối hậu: dấu lạ Giona, tức mầu nhiệm Thập Giá, Phục Sinh (16,4).

Tin Mừng hôm nay là phép lạ lớn “hóa bánh ra nhiều”: chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, Đức Giêsu, với chút góp công của nhóm môn đệ đã nuôi sống 5.000 người đàn ông, chưa tính đàn bà, trẻ con. Dấu lạ đó đã là bước khởi đầu để sau đó, với phép lạ đi trên nước của Đức Giêsu, đoàn môn đệ đã sớm nhận ra Người là Con Thiên Chúa (Mt 14,33), trước cả khi Phêrô tuyên tín (Mt 16,16). Nhưng tình trạng tốt lành trên không được trọn vẹn vì những “cỏ lùng”, “đất xấu” đan chen vào: ngay sau “bài giảng bằng dụ ngôn”, Đức Giêsu về quê Nadaret liền gặp sự cứng tin, chống đối của dân làng và cho rằng đã quá quen biết Người (x.Mt 13,53-58); Ngay sau đó là hoạt động chống phá của “kẻ thù”, giết Gioan Tẩy Giả (14,1-12). Trước tình trạng đó, Đức Giêsu phải tạm lánh đi đến nơi hoang vắng riêng biệt (14,13) bằng đường thủy để tránh đám đông. Thế nhưng họ biết được dự tính đó nên kéo nhau đi bộ dọc theo bờ biển hồ đến tận hoang địa nơi Đức Giêsu định đến. Chính trong hoang địa Đức Giêsu đã “chạnh lòng thương”, chữa lành và dưỡng nuôi “đàn chiên bơ vơ không mục tử chăm sóc”. Hình ảnh gợi lại biến cố Xuất Hành và bánh Manna; đồng thời cũng nhắc lại lời Thiên Chúa hứa sẽ đích thân đến chăm sóc đàn chiên Chúa (Ed 34). Đức Giêsu đang làm lại công cuộc của chính Thiên Chúa Yavê xưa đã làm cho dân Israel. Chính trong tư cách là “Mục Tử – Yavê” mà Đức Giêsu đã đón tiếp đoàn dân. Và các môn đệ đang “ở trong thuyền” (hình ảnh Giáo Hội) đã nhận ra Người là Thiên Chúa và bái thờ (14,33).

Ở trong đoạn Tin Mừng này, Matthêu trình bày Đức Giêsu – Đấng “chạnh lòng thương xót” chỉ làm phép lạ mà không hề giảng dạy (x.Mt 14,14). Tại sao thế? Vì việc giảng dạy của Người (khía cạnh ngôn sứ của sứ mạng) đã bị dân Chúa khước từ (13,57) họ chỉ muốn đến với Người để hưởng các phép lạ (14,34-36), để kiếm ăn (x.Ga 6,26). Mặc dù thế, Lòng chạnh thương (thương xót) của Chúa vẫn không suy giảm, hễ có dịp là Người vẫn ban phát thiên ân (13,58). Trong giai đoạn hiện tại Đức Giêsu vẫn thực thi dự tính Nước Trời tại thế của Chúa Cha là “cỏ lùng” và “lúa” sống lẫn lộn; cả hai đều được hưởng đất tốt, dưỡng chất của Nước Trời. Họ chưa chịu nghe, còn cứng lòng thì Chúa tạm chờ đợi.

Đức Giêsu không giảng! Nhưng phương tiện chính Đức Giêsu dùng để làm phép lạ vẫn là LỜI, là những lệnh truyền; Và ở phép lạ này, các lệnh của Đức Giêsu được các môn đệ thực hiện triệt để. Cái lợi trước mắt là bánh ăn thể xác thì đám đông hưởng nhưng sứ điệp thần linh thì Đức Giêsu muốn gởi tới môn đệ qua phép lạ này. Thật vậy các lệnh truyền không được Đức Giêsu nói ra một chiều, nhưng được tỏ lộ dần dần qua một cuộc đối thoại: Đức Giêsu từng bước một đưa đoàn môn đệ đi vào trong dự tính của Thiên Chúa là biến các môn đệ thành cộng tác viên của Đức Giêsu trong việc dưỡng nuôi dân Chúa (14,16b: “anh em hãy cho họ ăn”) và trở thành “thợ gặt” trong vụ mùa chung cuộc (13,30a so với Mt 19,28).

DIỄN TIẾN CỦA PHÉP LẠ:

  1. Lời nhắc nhở của các môn đệ: (14,15) Đức Giêsu lòng tràn đầy thương xót mải mê trong công việc cứu giúp dân; Đám đông bị cuốn hút bởi lòng từ ái và quyền năng của Đức Giêsu, chìm ngập trong hồng ân được chữa lành. Họ như quên hết thời gian! Ở đây, trong việc chữa lành bệnh tật, các môn đệ chỉ đóng vai phụ, do đó họ đã nhận ra “chiều đến”, dân chúng và Đức Giêsu cũng như họ cả ngày chưa ăn uống tí gì (so với Mc 3,20). Và họ đã nhắc nhở Đức Giêsu. Các môn đệ rất thực tế: Trời đã về chiều, đám người lại quá đông, nơi đang diễn ra sự việc là hoang địa…làm sao có đủ lương thực để nuôi họ?.

Giải pháp các môn đệ đề nghị: xin Thầy GIẢI TÁN đám đông, để mặc họ tự túc tìm lương thực. Các môn đệ yên tâm phần mình vì đã có chuẩn bị sẵn cho nhóm “năm chiếc bánh và hai con cá” (14,17). Nhóm môn đệ đi tới nơi hoang vắng riêng biệt là có chủ ý nên dọn theo lương thực, còn đám đông chỉ bị lôi cuốn theo nên vội đi tay không (14,13). Chữa lành nhưng rồi lại bỏ mặc họ về lại với cuộc sống trong đói khát, phải tự mình bươn chãi tìm lương thực sống, đó không là đường lối của Thiên Chúa. Người mục tử nhân lành phải lo cho đàn chiên cách trọn vẹn về mọi mặt: chữa lành, bảo vệ, dưỡng nuôi…, kể cả phải hi sinh tiện nghi, mạng sống mình cho chiên.

  1. Chỉnh sửa của Đức Giêsu: đối với đám đông, phản ứng của các môn đệ còn mang nặng tính cách của một người làm thuê, Đức Giêsu không đồng ý, Người muốn đào tạo các ông thành mục tử nhân lành, cụ thể bằng cách đổi não trạng của họ ngay trong công việc trước mắt: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn” (14,16). Một lệnh truyền dứt khoát ngỏ trực tiếp cho đoàn môn đệ. Không lý luận, không giải thích! Môn đệ thì phải có lòng chạnh thương xót đàn chiên như Thầy. Thế thôi!

  2. Phản ứng lại của môn đệ: môn đệ đưa ra một thực tại trần thế để biện minh cho giải pháp của mình: chúng con chỉ có năm cái bánh và hai con cá làm sao đáp trả được giải pháp Thầy vừa ra lệnh cho chúng con? Giải pháp của Đức Giêsu bị môn đệ cho là bế tắc vì họ đòi giải quyết hoàn toàn dựa trên sức phàm nhân. Đứng trước tình huống thế này, con người hoàn toàn bất lực!

  3. Giải pháp cụ thể của Đức Giêsu đề nghị cho môn đệ: tất cả những gì anh em đã mang theo với dự tính là lo an toàn cho riêng nhóm chúng ta, HÃY ĐƯA RA HẾT, “đem lại đây cho Thầy” (14,18).

Chúa không coi thường những chuẩn bị vật chất theo qui luật sáng tạo của các môn đệ; Chính Chúa đã dựng nên những định luật đó mà. Tuy nhiên các môn đệ Chúa không chỉ lo lắng riêng cho bản thân hoặc phe nhóm của mình mà phải mở rộng cõi lòng, chia sẻ những gì Chúa ban cho kẻ khác.

Tiếp đó, Đức Giêsu ổn định trật tự cho đám đông: ân huệ Chúa là cho không, là miễn phí nhưng khi đón nhận, kẻ thọ ơn cũng phải tôn trọng trật tự, nhường nhịn nhau chứ không xô bồ, giành giựt, chiếm đoạt phần hơn…Đức Giêsu cho đám đông “ngả mình trên cỏ”, được các tông đồ mang bánh, cá đến tận nơi phục vụ cách trân trọng xứng với phẩm giá của những người đã được Chúa chữa lành, giải cứu.

  1. Phép lạ: so sánh về văn chương, Matthêu sử dụng trong phép lạ này những từ ngữ đặc trưng mà ông dùng trong lúc Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể: – Mt 14,15 và Mt 26,20 đều dùng từ “chiều đến”; – Mt 14,19 và Mt 26,26 đều dùng: “cầm” lấy bánh…”dâng lời chúc tụng”…”bẻ ra”, “trao cho môn đệ”.

Rồi về “lương thực” Đức Giêsu nuôi dân: Đức Giêsu không làm phép lạ với “dấu lạ từ trời” như phái Pharisêu và Xađốc đòi hỏi (16,1). “Lương thực” đó phát xuất từ sự đóng góp tất cả những gì họ đang có rất giới hạn, nhưng với cái cho đi tất cả dù ít ỏi đó, Đức Giêsu can thiệp nuôi đám dân. Bí Tích Thánh Thể cũng là “hoa màu ruộng đất” và “lao công con người” làm nên tấm bánh, ly rượu và quyền năng Thiên Chúa biến bánh rượu ấy nên Mình Máu Đức Giêsu phục sinh.

  1. Vai trò trung gian của các môn đệ: trong Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu không trực tiếp phát bánh cho dân; Người trao cho các môn đệ làm công việc đó: đám đông hưởng nhờ ân lộc trời cho do Đức Giêsu làm, qua sự góp năm bánh của nhóm môn đệ và qua việc họ phát bánh cho dân. Giáo Hội, môn đệ phải là cầu nối Đức Giêsu với đám đông dân chúng.

Phép lạ là cho đám đông được ăn no, nhưng sứ điệp chủ yếu là cho đoàn môn đệ, mở rộng là cho Giáo Hội. Đức Giêsu nhắc môn đệ rằng Người mời gọi họ là để họ phục vụ cộng đoàn để được Người sai đi (x.Mc 3,14), để phục vụ đến quên mình (Mc 3,20), để giúp Người qui tụ dân về cho Chúa (x.Mt 4,19; 28,19-20), để cùng Đức Giêsu “cứu sống kẻ khác” (x.Lc 5,10). Và phương thức tuyệt vời nhất để thực thi sứ mạng chính là rao giảng, thực hiện tuyệt đối các LỆNH TRUYỀN của Đức Giêsu và phân phát “lương thực” mà Người đã “chúc tụng”, “bẻ ra”, “trao cho” cho dân Chúa.

Frère Pierre Đình Long FSC