CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM C

Lc 10, 25-37

       Trong cuộc sống đời thường rất nhiều lần chúng ta đã tự hỏi: Tôi phải làm gì để…: tôi phải làm gì để có nhiều tiền? phải làm gì để giữ vững công việc? phải làm gì để học giỏi? phải làm gì để nâng cao tay nghề? phải làm gì để khỏe mạnh, hạnh phúc? … nhưng có lẽ, ít khi chúng ta đặt vấn đề như thầy thông luật trong đoạn tin mừng hôm nay: Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? (Lc 10,25) 

       Chúa đã không trực tiếp trả lời câu hỏi trên, Người hỏi ngược lại: Trong luật đã viết gì? (Lc 10,26). Dựa vào Đnl 6,5 thầy thông luật đã trả lời rất chính xác về luật mến Chúa yêu người. Nhưng ông còn muốn hoạnh Chúa Giêsu: Ai là người thân cận của tôi? (Lc 10,29). Nhân đó, Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn người Samari tốt lành. 

      Có một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, đoạn đường gập ghềnh, nguy hiểm, nhiều trộm cướp. Anh ta bị trấn lột và bị đánh nhừ tử, nửa sống nửa chết.Có một thầy tư tế, rồi một thầy Lê vi đi tới chỗ ấy, trông thấy nạn nhân; nhưng cả hai ông cùng tránh qua bên kia mà đi. 

          Hai thày tư tế và Lêvi tránh sang bên kia mà đi. Có thể là vì hai thầy đang bận việc trong đền thờ, cũng có thể hai thầy sợ ô uế, vì với người Do Thái đụng chạm vào máu và người chết là ô uế, có thể sợ kẻ cướp còn đang rình rập đâu đó. Nhưng ta vẫn thấy một thái độ dửng dưng, vô tâm nào đó. 

       Ngày nay chúng ta chứng kiến những cảnh gây gỗ, đâm chém, cướp giựt trên đường phố, những cảnh bạo lực, đánh ghen trước cửa nhà, hay những cảnh các nữ sinh xé áo quần nhau, xô xát nhau ngay trong sân trường, nhưng các học sinh khác vây quanh cổ vũ hoặc quay phim, phát tán. Thái độ mackeno hầu như đang lan tràn khắp nơi. 

       Người ta thuật lại có một thiếu nữ bị té xe giữa đường phố. Bao nhiêu xe cộ qua lại không ai giúp đỡ. Hai thanh niên nước ngoài đi xe máy ngang qua, dừng lại đỡ người thiếu nữ kia lên và họ hỏi: cô này không phải người Việt Nam sao? Phải chăng ngày nay người ta không còn biết chia sẻ với nỗi thống khổ của kẻ khác? Thực ra, người ta chỉ thờ ơ để khỏi mang vạ vào thân giữa một xã hội mạnh ai nấy sống.

       Chúng ta không giúp được anh em là vì chúng ta không vượt qua được nỗi sợ. Chúng ta sợ phải thiệt thòi, sợ tốn công sức, sợ mất thời gian, sợ phải trả giá, sợ đụng đến sự an toàn, tiện nghi của mình. Chúng ta muốn được yên thân! 

       Nhưng một người Samari đi qua. Ông thấy và chạnh lòng thương, ông lại gần lấy dầu, rượu đổ lên vết thương và băng bó rồi đặt nạn nhân trên lưng lừa, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau ông nhờ chủ quán săn sóc và trả mọi chi phí. 

       Người Samari tốt lành đã xả thân vào một hành động vị tha đầy nguy hiểm.
Ông ta có một trái tim nhạy bén. Thấy đau khổ là chạy lòng thương.

      Cuối năm 1976, khi cha Bùi Đức Vượng, bề trên Đại Chủng Viện Kon Tum, bị bắt, Cha Đỗ Hiệu đã xé vòng vây công an và bộ đội, cha nói: các anh có trái tim không?  và cha đã nắm tay cha bề trên trước khi họ bắt ngài đi. 

       Người Samari phải vượt qua những nỗi sợ tự nhiên. Sợ bị nhơ uế. Sợ bọn cướp còn ẩn nấp quanh đây. Sợ cuộc hành trình bị chậm trễ. Sợ thương vụ dang dở. Sợ những phiền lụy phức tạp cho mình. Những nỗi sợ rất khôn ngoan và hợp lý.

     Ông chấp nhận đến gần và cúi xuống, ông chấp nhận liều lĩnh và trả giá. Cuộc hành trình bị chậm lại, chương trình phải thay đổi. Tiền bạc, thời giờ, công sức phải bỏ ra. Tất cả chỉ vì chạnh lòng thương, vì con tim biết nhói đau trước nỗi khổ của người khác.

      Yêu bằng việc làm. Yêu không chỉ trên đầu môi chót lưỡi, mà yêu chính là “miệng nói tay làm”. Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hành như vậy : “Hãy đi và làm như vậy”. 

      Thánh Gioan còn nói:“Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?(1Ga 3,17).

      Các giáo phụ còn giải thích: 

Người Samari được đưa ra làm tiêu biểu ấy chính là Đức Kitô. Nhân loại đang cơn hấp hối, Ngài không bỏ rơi mà còn từ trời cao xuống thế, cất bước lên đường, ân cần săn sóc nhân loại, cúi xuống, đổ tràn dầu và rượu, các nhiệm tích trên những vết thương do tội lỗi gây nên. Ngài đã dẫn đưa nhân loại vào Giáo Hội là quán trọ trong cuộc hành trình qua bao thế hệ, Ngài đã uỷ thác cho Giáo Hội việc ân cần chăm sóc chữa trị nhân loại; Ngài đã trả bằng giá máu Ngài và còn hứa thanh toán số còn lại trong ngày sau hết, tức là ngày Ngài Quang Lâm: khi ấy mọi thụ tạo được lành lặn toàn vẹn sẽ tiến về cùng đích của cuộc hành trình.

      Noi gương Thầy Chí Thánh, các tín hữu trong Giáo Hội mọi nơi, mọi thời luôn hướng về người đau khổ, nghèo khó. Cụ thể tại Việt Nam sau mỗi lần bão lụt, thiên tai hay đại dịch, cùng với các tôn giáo khác và các thiện nguyện viên, các linh mục, tu sĩ, tín hữu Việt Nam vượt qua nguy hiểm, vượt qua nỗi sợ lây bệnh, sợ chết, luôn sẵn sàng, mau lẹ giúp đỡ các nạn nhân, không kể lương giáo. 

     Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rõ luật bác ái của Chúa để chúng con mạnh dạn mau mắn vượt qua các nỗi sợ thông thường, để trung thành với luật yêu thương đó.

Nguyễn Đức Lân