CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN – năm C

Bài 1

Đnl 30,10-14; Lc 10,25-37
Chủ đề: Tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa, đó là cội nguồn sự sống.

* Đnl 10,10a: Anh em hãy nghe tiếng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người.

* Lc 10,27-28: ngươi phải yêu mến ĐỨC CHÚA và yêu mến người thân cận. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.

Chúa Nhật trước, XIV C đã đề cập đến một mối quan tâm của kiếp người, đó là niềm vui, hạnh phúc. Nhưng trong thân phận hữu hạn của nhân loại thì niềm vui, hạnh phúc nào rồi cũng sẽ phải qua đi. Cái chết sẽ huỷ diệt mọi niềm vui và hạnh phúc mà con người suốt đời lo tích luỹ. Và đối với một số người thì các niềm vui, hạnh phúc mà họ bám riết ở đời này lắm khi lại trở thành nỗi bất hạnh không thể chịu nổi cho họ một khi phải giã từ tất cả để ra đi với hai bàn tay trắng: chết mà không đành lòng nhắm mắt vì của cải, chồng vợ, con cái, danh vọng… sẽ để lại cho ai? (x. Lc 12,20).

Thực tế phũ phàng ấy đã làm nẩy sinh một ảo vọng: làm cách nào để con người phải chết có được “sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Lc 10,25b). Người ta tìm cách kéo dài phúc lộc, nâng cao tuổi thọ, kể cả đi tìm thuốc trường sinh. Thế nhưng tất cả đều bị cái chết khuất phục. Sự sống đời đời không nằm trong tầm với của con người: kiếp người tội lỗi không đến được với “cây trường sinh” nữa (x. St 3,22-44). Tuy nhiên Thiên Chúa không bỏ mặc nhân loại cho sự chết: từng bước một, Chúa gieo lại mầm sống trường sinh và hơn nữa mầm sống thần linh vào trong nhân tính hay chết của con người. Chúa hứa đạp đầu Rắn, cho Lời Chúa nhập thể để chỉ cho nhân loại đường về lại cõi sống. Lời Chúa hôm nay không đưa ra một định nghĩa, một mô tả về sự sống đời đời, nhưng chiếu soi một luồng sáng chỉ cho con người “PHẢI LÀM GÌ?” để có lại được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Câu đáp là: “để anh em được sống, hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ” (x. Đnl 30,6) và biểu lộ cụ thể ra bên ngoài là “nghe tiếng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người đã ghi trong sách Luật này…” (x. Đnl 30,10). Chính Đức Giêsu cũng khẳng định “cứ làm như vậy là sẽ được sống” (x. Lc 10,28). Thật vậy, Thiên Chúa là cội nguồn sự sống và hiện hữu (x. St 1), bất tuân lệnh Chúa (x. St 2,17), xa Chúa là chết (x. St 3,23-24), do đó để có lại được sự sống vĩnh cửu, con người phải quay về kết hợp lại với Thiên Chúa, cụ thể là giữ Luật Chúa đã thương ban để hồi phục con người.

Bài đọc 1 trích vài câu trong Đnl 30. Đó là lời của Môsê khuyên dân hãy rút bài học từ cuộc sống để biết khôn ngoan chọn lựa sự sống và hạnh phúc, bằng cách nghe và đem Luật Chúa ra thi hành (x. Đnl 30,15-20). Để sống và sống dồi dào, con cháu đông đúc là “phải yêu mến ĐỨC CHÚA… đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người…” (x. Đnl 30,10.16).

Đối với dân ngoại, các mệnh lệnh, thánh chỉ nói trên thuộc lãnh vực thần linh, vượt quá tầm mức người phàm; Họ không thể biết, tiếp xúc được với Luật Chúa: “ai có thể lên trời để đem Luật Trời xuống cho họ, hoặc vượt biển khơi đi tìm được về cho họ?” (x. Br 3,29-30). Trái lại đối với Israel, dân được Thiên Chúa ưu đãi. Luật đã được Thiên Chúa ban cho dân tại núi Sinai, đó là Sách Luật mà “hôm nay” Môsê truyền lại cho dân (x. Đnl 4,8-14). Luật Chúa trở nên gần gũi đối với Dân, đồng hành với dân trên mọi nẻo đường của cuộc sống: lúc đi đường, lúc ở nhà, lúc ngủ cũng như lúc thức (x. Đnl 6,4-9). Do đó Dân không thể viện ra bất lỳ lý do nào để khước từ, thoái thác tuân giữ Luật Chúa. Vấn đề còn lại là Dân sống Luật Chúa như thế nào? Dân phải NỘI TÂM HOÁ LỜI CHÚA: Luật Chúa không thể là những văn tự chết (x. 2Cr 3,6), áp đặt trên Dân từ bên ngoài nhưng phải là sức sống của Chúa được khắc ghi trong tim con người (x. Gr 31,33). Nhờ đó Dân tự nguyện thi hành và được sống (x. Đnl 6,2-3).

Bài đọc Tin Mừng thuật lại cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và một thầy thông luật. Ông này muốn thử Đức Giêsu bằng cách đặt ra một câu hỏi mà phận người phải chết ai cũng ước mơ: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu không trả lời trực tiếp: Người hỏi ngược lại ông thông luật với một chút gợi ý: “Trong Luật đã viết gì?”. Và ông thông Luật đã đưa ra một câu trả lời tuyệt hảo, ngắn gọn, tóm gọn hết toàn bộ Lề Luật: mến Chúa hết lòng hết dạ, và yêu người thân cận như chính mình. Đức Giêsu hoàn toàn đồng ý với câu đáp đó: “ông trả lời đúng lắm”. Vấn đề còn lại là “cứ làm như vậy là sẽ được sống”.

Lời Đức Giêsu xác nhận lại lời của Môsê trong bài đọc 1: Luật Chúa ở rất gần anh em, ngay trong miệng trong lòng anh em – vấn đề là đem ra thực hành” (Đnl 30,14) – Hoá ra những gì con người thao thức kiếm tìm thì Thiên Chúa đã ban cho rồi, đặt ngay trong lòng chúng ta… Thay vì đem ra thực hành, ta lại đặt thêm vấn đề cho Chúa: “ai là người thân cận của tôi?”. Câu hỏi trên làm lộ nét vụ luật của ông thông luật: đối với ông, yêu tha nhân vẫn còn nằm trong phạm trù quy định của Luật; chủ từ của “là người thân cận” là “Ai”; còn “Tôi” ở vị thế thụ động chờ “ai đó” trở thành “người thân cận” của tôi. Đức  Giêsu đáp lại: chủ từ là “Tôi” qua dụ ngôn “người Samari nhân hậu”. “Tôi” phải là người Samaritanô nhân hậu luôn ở tư thế sẵn sàng là “người thân cận” của những ai lâm cảnh bất hạnh.

Chúa đã thương trao cho ta Luật Chúa, trao luôn quyền chủ động “yêu tha nhân như chính mình” cho Ta, như vậy để có được sự sống đời đời ta chỉ còn tự nguyện giữ Luật Chúa để ý Chúa dần thấm nhuần trong ta làm sự sống đời đời của Chúa thành sự nghiệp của chúng ta.

Bài 2

Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? (c.25b) – Ngươi phải yêu mến Đức Chúa… và yêu mến người thân cận như chính mình (c.27). – Cứ làm như vậy là sẽ được sống (c.28b)… Nhưng ai là người thân cận của tôi? (c.29b)

Một vấn đề luôn mang tính thời sự và là nỗi day dứt, băn khoăn không ngớt của kiếp làm người, đó là cái chết! Đó là sự hữu hạn của thân phận con người. Tất cả mọi kết quả nỗ lực, thành công hay thất bại của con người cuối cùng đều đưa nhân loại tới cái chết. Thế là mất tất cả.

Cái chết lột sạch mọi điều con người đã tích luỹ, xây dựng và trả con người về lại với hư vô. Do đó con người mọi thời, mọi nơi luôn khát khao sự sống và muốn có được một sự sống đời đời. Và thế nhân, lịch sử đã cho thấy, đã không tiếc tiền của, danh vọng, thủ đoạn, thời giờ… để đi tìm thuốc trường sinh. Nhưng như Đức Giêsu đã mặc khải: tất cả đều không mang lại thêm được cho đời sống mình một gang tấc nào (x. Mt 6,27).

Sự sống trường sinh là hồng ân Thiên Chúa ban không, con người chỉ có thể đón nhận và thọ hưởng qua việc tuân theo lệnh Chúa (Cây Trường Sinh: St 2,9.16.17); Nhưng con người đã bất tuân lệnh Chúa nên dòng đời của nhân loại bị giới hạn lại và bị thống trị bởi cái chết. Vậy sự sống, nhất là sự sống đời đời không là hoa trái của những nỗ lực tìm kiếm của nhân loại; Mà là hồng ân nhưng không do Thiên Chúa trao tặng và con người phải đón nhận và gìn giữ bằng cách tuân giữ các mệnh lệnh của Thiên Chúa.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở rằng: sự sống đời đời không phải là phần thưởng cho một công nghiệp, một việc làm; Mà là một quà tặng Thiên Chúa tặng ban cho những ai sẵn sàng mở lòng đón nhận để cho ý Chúa thể hiện nơi bản thân mình: cụ thể đó là tuân giữ các giới răn mệnh lệnh của Chúa.

Lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở tính cách khả thi, gần gũi, vừa tầm sức con người của các lệnh truyền của Thiên Chúa: Thiên Chúa ban lề luật là để con người có thể thi hành nhờ đó mà càng đến gần Chúa. Con người không thể tự biện hộ cho việc mình không giữ lệnh truyền của Chúa vì Thiên Chúa đã đặt lệnh truyền, thánh chỉ của Chúa vừa trong tầm tay của con người (bài đọc 1); và ngay trong cuộc sống thường ngày cũng có sẵn ngàn muôn trường hợp để con người ứng dụng thực hành lời Chúa theo gương người Samaritanô nhân hậu (Tin Mừng).

Lời Chúa trong Vườn Địa Đàng, Lời Chúa trong Luật Giao Ước Sinai, Lời Chúa qua các sấm ngôn ngôn sứ và hiền nhân và nhất là Lời Chúa trong Đức Giêsu là những mệnh lệnh thần linh mang lại sự sống cho nhân loại; Thiên Chúa đã ban trọn vẹn đầy đủ cho con người; Phần chúng ta cứ chân tâm làm những điều ấy là sẽ được sống (Lc 10,28b). Điều quan trọng từ phía con người là phải thành thực với chính bản thân mình để nhận ra tình yêu của Thiên Chúa và lệnh truyền của Chúa đang ở ngay trong ta, trong tầm tay của ta và chân tâm thực hiện.

BÀI ĐỌC I: Đnl 30,10-14

Sách Đệ Nhị Luật được trình bày như là một di chúc của Môsê cho dân  Israel trước khi họ tiến vào Đất Hứa. Phần chính của sách là Bộ Đệ Nhị Luật (12,1 – 26,15) được xen vào giữa ba bài diễn từ của Môsê tạo thành một cấu trúc tổng quát như sau:

– Diễn từ 1: 1,1 – 4,43
– Diễn từ 2: phần đầu: 4,44 – 11,32

  • Phần chính: Bộ Đệ Nhị Luật: 12,1 – 26,15.

– Diễn từ 2: phần kết: 26,16 – 28,68
– Diễn từ 3: 28,69 – 30,20

Bài đọc 1 trích từ phần cuối của diễn từ 3, Môsê khích lệ dân Chúa hãy đem Lời Chúa ra thực hành. Phải chân tình, quyết tâm thực thi Lời Chúa, đừng viện ra lý do này nọ để chối từ. “Thực thi Lời Chúa” chính là nguồn cuội của hạnh phúc và sự sống của dân.

1/ Thực thi Lời Chúa là cội nguồn hạnh phúc và sự sống

Chính Thiên Chúa sẽ can thiệp giúp dân thực thi Lời Chúa, nội tâm hoá chớ không chỉ là hình thức bên ngoài: “Yavê, Thiên Chúa của anh em sẽ CẮT BÌ TÂM HỒN anh em và TÂM HỒN DÒNG DÕI anh em để anh em yêu mến Yavê, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, ngõ hầu anh em được SỐNG… Yavê Thiên Chúa của anh em sẽ cho anh em thành công trong mọi công việc tay anh em làm, cho anh em sinh nhiều con cái, gia súc anh em sinh sôi nảy nở, đất đai anh em sinh nhiều hoa trái, để anh em được HẠNH PHÚC. Thật vậy, Yavê sẽ lấy làm vui vì hạnh phúc của anh em, cũng như Người đã lấy làm vui vì hạnh phúc của cha ông anh em, miễn là anh em nghe tiếng Yavê, Thiên Chúa của anh em mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người ghi trong sách luật này…” (Đnl 30,6.9-10a).

2/ Hãy nghe tiếng của Yavê, Thiên Chúa của anh em (c.10)

Để có thể biết Lời Chúa rồi đem ra thực hành, điều kiện tiên quyết từ phía con người là phải LẮNG NGHE tiếng Chúa. Rồi giữa một thế giới ồn ào, xáo động, để nghe đúng tiếng Chúa cần phải thinh lặng, biện phân hầu nhận ra đâu là ý Chúa đích thực, đâu là những cám dỗ thế gian, đâu là những ước mơ riêng tư của mình. “Hãy nghe” đó là một mệnh lệnh được lập đi lập lại trong Sách Đệ Nhị Luật như một điệp khúc.

“Hãy nghe, hỡi Israel” = “Shơma Israel” là lời kinh đầu tiên người Do Thái thốt lên khi cầu nguyện hằng ngày. Và trong Đnl 6,4, “Hãy nghe” = “Shơma” được coi như là Kinh tuyên xưng đức tin của Do Thái giáo (x.CGKPV “Kinh Thánh” 2011 trang 328 nốt “v”, “x”)

Vậy “Lời Chúa” là cội nguồn sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu.

Về phía con người, “lắng nghe Lời Chúa” là việc thiết yếu phải làm để cho Lời Chúa sinh hoa kết trái nơi mỗi người, ban cho họ sự sống đời đời. Điều phải làm là “yêu mến Yavê hết lòng, hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,5).

3/ Tính hiện tại và khả thi của Luật Chúa (c.11)

*Mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay. “Hôm nay” là một từ được thường xuyên lập lại trong sách Đệ Nhị Luật. Điều đó nói lên tính trường tồn của Lề Luật: “Trời đất qua đi nhưng một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi” (Mt 5,18). Luật Chúa luôn có giá trị “hôm nay” nghĩa là vĩnh viễn là kim chỉ nam cho nhân loại mọi nơi, mọi lúc. Ngày nào Lời Chúa còn được tôn trọng thì nhân loại được hưởng sự sống bình an, hạnh phúc; Trái lại ngày nào Luật Chúa bị coi thường thì bất an, hỗn loạn sẽ tràn lan đe doạ huỷ diệt nhân loại.

Lời Chúa không ban cho những người sống trong quá khứ, hay cho những thế hệ tương lai, mà trước tiên là cho chúng ta, những con người đang sống HÔM NAY (Đnl 5,2-3)

*Tính khả thi: “… không vượt quá sức lực hay tầm tay của anh em” – “không quá sức lực”, “không quá tầm tay” không có nghĩa là dễ dàng, không cần cố gắng. Thiên Chúa ban Luật, Thiên Chúa đưa ra các đòi hỏi không để hạ nhục, bắt bí con người mà để rèn luyện giúp con người sống đúng nhân phẩm như “hình ảnh Thiên Chúa”, như “con cái Thiên Chúa”. Những điều thoáng nhìn qua theo nhãn giới con người thì là “bất khả thi” nhưng đối với Thiên Chúa lại là chuyện khác.

Thực ra Thiên Chúa luôn đòi những điều vượt sức con người để con người ý thức được thân phận yếu hèn của mình; Nhưng ngay sau đó Chúa can thiệp, trợ lực, đưa ra những định hướng giúp con người thi hành được, hiệu quả điều Chúa đòi hỏi. Ví dụ Lc 9,12-17: phép lạ nhân bánh:

– Điều Chúa đòi hỏi các môn đệ cho năm ngàn người ăn: quá sức môn đệ.
– Các ông thấy mình bất lực.
– Nhưng rồi Đức Giêsu can thiệp: chỉ dẫn các ông từng bước một.
– Và khi các ông can đảm làm theo lệnh của Người thì tất cả đều ăn no.
– Chính tay các tông đồ phát bánh cho họ.

(xin xem thêm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Mình Máu Chúa năm C).

Và như thế là khi vâng nghe Lời Chúa, các môn đệ sẽ làm được những điều tưởng chừng là không thể làm được. Như vậy có nghĩa là điều Thiên Chúa đòi hỏi nằm trong tầm tay của chúng ta, những con người môn đệ đích thực, tín thác của Thiên Chúa.

Mọi việc đều khả thi nếu chúng ta là CÁNH TAY NỐI DÀI CỦA ĐỨC GIÊSU.

Phần Thiên Chúa, Người thông ban cho dân Chúa, cho các môn đệ quyền năng của Người để họ chu toàn được bổn phận.

*Câu 12 và 13

Là cách nói hùng biện khai triển ý của câu 11: “không vượt quá sức lực, hay tầm tay chúng ta”. Đây cũng là một lời cảnh cáo: không thể viện cớ lý do này, lý do nọ để khước từ lời mời gọi cộng tác của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời chúng ta sống tinh thần phó thác cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã có dự tính, thì Thiên Chúa cũng đã có sẵn phương thức để thực hiện, như thế việc Chúa ban Lề Luật, sứ mạng cho nhân loại chỉ là lời kêu mời cộng tác, cho Thiên Chúa mượn con người chúng ta để hoàn tất công cuộc của Người.

4/ Nội tâm hoá Lời Chúa (c.14)

Bằng cách nào Thiên Chúa đặt Lời Chúa vào tầm tay chúng ta trong mọi nơi mọi lúc vì không gian, thời gian lẫn vị trí vật lý của con người chúng ta luôn thay đổi? Thiên Chúa đặt Lời Chúa, Luật Chúa ngay trong miệng, ngay trong lòng chúng ta (c.14). Nói cách khác là Chúa khắc ghi Lời Chúa vào tâm khảm chúng ta. Ý nghĩa này đã được Giêrêmia sau này chiêm nghiệm và hé lộ ra cho dân: “này đây sẽ đến những ngày… Ta sẽ lập với Israel một Giao Ước… Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau… vì chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta” (Gr 31,31-34).

Chóp đỉnh của việc Thiên Chúa ở gần chúng ta, Lời Chúa trong tầm tay của chúng ta là các công trình của Đức Giêsu:

– Với nhập thể Đức Giêsu đã là “Thiên Chúa – ở – cùng – chúng ta” = Emmanuel.

– Với Thánh Thể, Lời Thiên Chúa đã nên một với chúng ta, biến chúng ta nên Nhiệm Thể của Người và của nhau.

– Việc giữ lệnh truyền, giới răn không còn là gánh nặng nữa mà là biểu hiện của đức ái và trở thành phương thế để Cha và Con đến hiệp nhất với con người (x. Ga 14,23). Người tín hữu trở nên Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trị trong họ (1Cr 3,16), đến độ thân xác của họ cũng thành là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (1Cr 6,19).

TÓM LẠI, trích đoạn này của sách Đệ Nhị Luật gợi lên cho chúng ta một cái nhìn mới mẻ và phong phú về Luật: Luật không phải là một áp lực đến từ bên ngoài chèn ép ta, mà là một hồng ân Thiên Chúa đến ngự trong ta giúp ta yêu Chúa nên quyết tâm giữ Lời Người để nên một với Người. Luật là một nguyên lý nội tại vừa là lời bên ngoài vừa là thúc đẩy, linh hứng bên trong khiến ta hành động.

Luật này không là các thể chế nhân loại mà là sức sống thần linh Thiên Chúa ban tặng. Người ta chỉ có thể thực thi được Luật này như ý Chúa nhờ hồng ân Thánh Thần được ban tặng cho nhân loại trong Đức Kitô. Chính Thánh Thần khắc ghi trong ta Luật để tạo nên trong ta một năng động lực giúp ta yêu mến Cha và hoàn tất ý định của Người.

Một khi ta kết hợp mật thiết với Đức Giêsu thì Luật Chúa quả thật rất gần gũi, trong tầm tay, trên môi miệng, trong tim chúng ta.

TIN MỪNG: Lc 10,25-37

Đức Giêsu đang trên đường tiến về Giêrusalem để hoàn thành sứ vụ cứu thế đã lãnh nhận từ Chúa Cha. Tron sách Tin Mừng Luca, cuộc hành trình này (kéo dài đến 10 chương: từ 9,51 – 19,27), được dành đặc biệt để đào tạo Nhóm Mười Hai, nhóm môn đồ thân tín. Vì Người luôn di chuyển trực chỉ Giêrusalem, nên đối tượng theo nghe và chứng kiến việc Người làm cũng đổi thay theo lộ trình Người đi; Chỉ có Nhóm Mười Hai là được hưởng trọn vẹn mọi giáo huấn của Đức Giêsu từ lời nói đến việc làm, phép lạ… Vì họ luôn theo sát Người. Đây là giai đoạn Đức Giêsu đào tạo khẩn trương Nhóm Mười Hai ngang qua tất cả những gì diễn ra, gặp gỡ trên suốt lộ trình. Tất cả là để chuẩn bị cho các ông cùng với Người tiến vào Giêrusalem(xem thêm CGKPV “Tân Ước” 1995 trang 303 nốt “k”).

– Lc 9,51-62 trích đọc trong Chúa Nhật XIII C cho thấy những đòi hỏi quyết liệt mà những ai muốn theo Đức Giêsu phải có.

– Lc 10,1-20: Chúa Nhật XIV C: Đức Giêsu đào tạo 72 môn đệ bằng cách ban  cho họ quyền và cho họ thực tập thi hành sứ vụ của Người.

– Hôm nay Chúa Nhật XV C, qua trích đoạn Lc 10,25-37, Đức Giêsu dạy cho các môn đệ (10,23) tầm quan trọng của việc giữ Luật, nhất là Luật mến Chúa yêu  người trong việc đưa con người đến sự sống đời đời.

Nhưng trong giới luật yêu người, Tin Mừng hôm nay đưa ra một vấn nạn: ai là người tôi phải yêu mến và phải yêu đến mức độ nào. Phần thứ hai của Tin Mừng hôm nay cho ta lời giải đáp qua dụ ngôn “người Samari nhân hậu”.

1/ Bối cảnh của trích đoạn Tin Mừng:

Đức Giêsu sai 72 môn đệ đi rao giảng và các ông trở về tường trình những thành quả tốt đẹp thu lượm được với niềm phấn khích. Tuy nhiên Đức Giêsu nhắc nhở: niềm vui đích thực không là các thành công trong công việc mà là được hưởng ơn cứu độ (Lc 10,1-20); Tiếp đó Đức Giêsu cất lời ngợi khen Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho kẻ bé mọn (10,21-22); Rồi Đức Giêsu quay lại nói với các môn đệ về hạnh phúc mà họ đang được hưởng: biết bao ngôn sứ, vua quan mong được hưởng mà không được (10,23-24). Chính trong bầu khí Thầy trò đang cùng nhau phấn khởi như thế. Trích đoạn Tin Mừng hôm nay được xen vào. Chủ đề móc nối trích đoạn Tin Mừng hôm nay với các đoạn đi trước là “việc làm tốt đẹp” và “phần thưởng tương ứng”.

*Sự cố xảy ra: có người thông luật đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người.

Ông này đến với Đức Giêsu không vì thiện chí mà để gài bẫy làm khó Đức Giêsu. Tuy nhiên Đức Giêsu vẫn lợi dụng cơ hội này để giúp đưa đối tượng về lại chính lộ. Trong Luca, Đức Giêsu từng bước dẫn dắt và chính kẻ đến thử Người đã đưa ra lời đáp đúng đắn.

Nội dung vấn đề: “Thưa Thầy, tôi phải LÀM gì để được DỰ PHẦN VÀO (thừa kế) sự sống vĩnh cửu?”. Câu hỏi làm lộ rõ đặc nét của các kinh sư, biệt phái: vụ luật. Họ tưởng rằng họ có thể chiếm đoạt được sự sống đời đời bằng công đức của họ: Thiên Chúa buộc phải thưởng sự sống đời đời cho họ vì họ đã làm được việc này, lập được công đức nọ.

Câu hỏi ông này đặt ra sai từ bản chất vì:

– Bất kỳ việc làm nào của con người đều chỉ là nhất thời và có một giá trị hữu hạn; Rồi chính bản thân mình lẫn trời đất đều sẽ qua đi thôi (Lc 16,17; Mt 5,18)

– Trong khi đó sự sống đời đời là vĩnh cửu là ơn nhưng không của Thiên Chúa.

– Yếu tố để “được thừa kế”, để được hưởng một phần gia nghiệp cốt yếu không nằm ở việc người nhận làm được một công việc gì, mà nằm ở lòng quảng đại, ở di chúc của người ban tặng. Không việc làm nào vốn là hữu hạn từ phía con người có thể thay thế được tình yêu quan phòng, nhưng không từ muôn đời của Thiên Chúa.

*Đáp trả của Đức Giêsu (c.26)

Đức Giêsu không trả lời trực tiếp. Người hướng dẫn giúp đối tượng tìm ra câu đáp. Ở đây, người tìm ra đáp số và nói lên không phải là Đức Giêsu mà là chính người đã đặt ra câu hỏi. Đức Giêsu hỏi lại: Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?

Người khởi sự giải đáp bằng cách khơi gợi lại nơi ông những gì ông đã biết, đã xác tín. Rồi soi sáng giúp ông tổng hợp lại được và khám phá ra lời đáp ngay trong những gì ông ĐÃ BIẾT. Chi tiết này là một minh hoạ tuyệt vời cho những gì bài đọc 1 đã loan báo: “Lời Chúa ở rất gần anh em, ngay trong miệng trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,14).

Vậy vấn đề là: đã biết đúng rồi (vì Chúa đặt Lời Chúa trong tầm tay của ta mà) thì hãy đem ra thực hành. Biết không để đem ra “thử” kẻ khác, mà cùng giúp nhau thực thi ý Chúa.

2/ Điều Đức Giêsu bảo phải làm là gì? (c.27)

Điều ông thông luật trả lời Đức Giêsu không phải là những điều khoản phải làm hoặc điều cấm cụ thể, kể cả đó là những điều khoản của Mười Lời (so với Lc 18,20: Đức Giêsu đưa ra những điều cụ thể phải làm theo Mười Lời). Ở đây Đức Giêsu giúp người thông luật khám phá ra “cái hồn” của Mười Lời, của mọi điều khoản Luật: Đó là MẾN CHÚA, YÊU NGƯỜI. Là người thông luật, chắn chắn ông ta thông suốt hai đoạn Kinh Thánh Cựu Ước:

– Đnl 6,5: “ngươi yêu mến Yavê là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi”

– Lv 19,18: “ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình”.

Ở đây Luca đã gán cho người thông luật một ơn đặc biệt là đã nối kết hai luật trên của Cựu Ước thành một, tạo nên “hồn sống” cho tất cả mọi điều khoản khác của bộ Luật Do Thái. Trong Cựu Ước, hai điều trên là hai khoản Luật riêng biệt nhau. Và chắc là chẳng cá nhân hay quyền lực nào trong Cựu Ước dám nâng thế giá của “Luật yêu người” lên ngang bằng với “Luật mến Chúa”.

Nhưng ở đây, khi gặp gỡ Đức Giêsu dù là có ý xấu “để thử Người” thì ông thông luật đã được mặc khải nhận ra ý nghĩa thống nhất của hai điều răn; Và chính Đức Giêsu đã chuẩn nhận cho điều mà ông luật sĩ được mặc khải: ông trả lời đúng lắm”.

Đức Giêsu đã biến cuộc “thử” Người thành một yếu tố mặc khải, đồng thời thúc đẩy hãy chân tâm thực hành như thế. Như vậy ông ta đã tìm được lời đáp thoả đáng cho vấn nạn của mình. Lẽ ra ông phải có thái độ tích cực hơn đối với Đức Giêsu; Tiếc thay vì “muốn chứng tỏ là mình có lý” nên ông đã đặt ra một vấn nạn mới: “ai là người thân cận của tôi?”.

Ông không muốn đi tìm chân lý; ông chỉ tìm tranh luận hơn thua với Đức Giêsu vì ông biết mình thông luật mà. Đức Giêsu vẫn yêu thương nhẫn nại, kiên trì cứu ông. Người kể dụ ngôn “người Samaria tốt lành” và tiếp tục hướng dẫn ông tìm ra lời đáp cho vấn nạn mình đặt ra và mời ông “hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,36-37).

3/ Dụ ngôn “người Samaria nhân hậu” (10,29-37)

Ý nghĩa bài dụ ngôn này quá phong phú. Chúng ta không đi sâu vào từng chi tiết của dụ ngôn (biến dụ ngôn thành “ngụ ngôn” = allégorie), mà giới hạn suy niệm hôm nay vào việc trả lời câu hỏi “ai là cận nhân của tôi”.

*Nạn nhân trong dụ ngôn:

Người này đang trên con đường lữ hành. Cuộc hành trình của anh ta là hình ảnh cuộc sống trần gian của nhân loại chúng ta; một cuộc sống đầy gian nan trắc trở, luôn có những hiểm nguy rình rập.

 Bọn cướp và những tai hoạ là những hiểm nguy do tội lỗi và xa cách Thiên Chúa gây nên. Tất cả những thứ đó đưa nhân loại, khách lữ hành đến bờ vực thẳm, cận kề cái chết, diệt vong.

*Tư tế và Lêvi: chúng ta không nhìn vấn đề dưới khía cạnh luân lý. Chúng ta nhìn dưới khía cạnh thân phận con người với những lo âu vây bủa. Tư tế, Lêvi biểu tượng cho phận loài người với những lo toan hợp lý của phận người đang chiếm ngự tâm trí chúng ta. Một khi chúng ta có một bổn phận hợp lý phải lo toan, chúng ta thường chú tâm vào đó và lãng quên những khía cạnh cấp thiết khác. Ví dụ: nếu chúng ta đang chở một đứa con đến trường thi đại học, dễ gì chúng ta dừng xe lại để cứu giúp một người bị tai nạn giao thông đang trong cơn nguy kịch… Đó là chưa kể, ta có thể bị ăn đòn, bị thương tật, thậm chí là tử vong khi bị đám đông hiểu lầm ta là kẻ gây ra tai nạn.

*Người Samaritanô: đó là biểu tượng của những người dám đặt quyền lợi, sự sống của tha nhân vượt hơn những quyền lợi cá nhân, an toàn của bản thân mình. Nâng lên bình diện thiêng liêng, đó là những người biết đặt phần rỗi của tha nhân lên trên những quyền lợi vật chất phàm tục vủa mình. Ví dụ: những nhà thừa sai đã hy sinh những tiện nghi, tình cảm gia đình, hạnh phúc trần gian của mình, của người thân để tới những vùng truyền giáo đầy đe doạ để loan tin mừng, cứu những người chưa biết Chúa. Có khi họ mất tất cả: nhắm mắt lìa đời, bị giết oan… mà chẳng thấy được chút kết quả, hoa trái nào của những hy sinh, nỗ lực của mình.

Chúng ta hãy tin rằng Chúa vẫn luôn hoạt động nơi những người quảng đại ấy.

*Lưu ý đến thái độ của người Samaritanô:

Những gì Luca mô tả không phải là một sự trợ giúp tạm thời của kẻ qua đàng mủi lòng trước một tai hoạ của kẻ khác. Thật vậy, sau khi sơ cứu nạn nhân, người tốt bụng này đưa nạn nhân đến quán trọ, gởi gắm và trao trước một số lệ phí cho chủ trọ, dặn phải chăm sóc kỹ lưỡng, đồng thời hứa quay trở lại thanh toán thêm cho đủ mọi chi phí phát sinh.

Vấn đề không phải là chỉ cứu cho thoát một tai nạn trước mắt mà còn đi xa hơn nữa là sẵn sàng giúp HỒI PHỤC.

Trên con đường dương thế đầy trắc trở hiểm nguy này, bổn phận của người môn đệ Đức Giêsu, những người muốn có được sự sống đời đời làm gia nghiệp, thì phải hành động như Đức Giêsu: Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa đang hạnh phúc viên mãn bên Cha… đã dám “trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân” (Pl 2,7) để hồi phục hình ảnh Thiên Chúa cho nhân loại quyền làm con Thiên Chúa.

Vấn đề không chỉ là đưa ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, mà phải về tới Đất Hứa. Vấn đề không chỉ là sống an nhàn trong Đất Hứa cho hạnh phúc riêng mình, mà còn phải sẻ chia hạnh phúc đó cho toàn nhân loại. Đó là sự sống đời đời.

*Dịch chuyển trong tâm:

Vậy câu hỏi “ai là cận nhân của tôi?” đã được Đức Giêsu đổi thành “Tôi phải là cận nhân của ai?”. Lời đáp:

Tất cả những ai đang khốn cùng dưới ách của sự dữ, nô lệ ma quỷ, tà thần… đều là đối tượng mà Thiên Chúa muốn tôi coi họ như cận nhân.

Vấn đề không chỉ là một việc phải làm cho xong trước mắt mà là qua việc làm đó, phải thiết lập một tương quan mới phát xuất từ xác tín của tôi. Nói cách khác tôi cần ý thức rõ ràng: tôi làm việc đó trong tư cách nào? Với mục đích nào? Động cơ nào?

Tôi làm mọi sự trong tư cách mình là môn đệ Đức Giêsu, là con Thiên Chúa. Đích đến không phải là để xong một công việc, mà là để tạo điều kiện cho tha nhân được hồi phục, được cứu rỗi và bản thân mình phải nên giống Đức Giêsu.

Mỗi tín hữu phải là “kitô hữu”, là một Đức Kitô nối dài để Kitô hoá trần gian này chứ không là một tôi tớ, một người làm thuê phải thừa hành công việc.

*Lời đáp chung cuộc của Đức Giêsu

Đức Giêsu không trả lời bằng việc đưa ra một việc làm cụ thể, một giới răn phải giữ. Người kể một dụ ngôn, mời đối tượng suy nghĩ và tự trả lời.

Ở đây khác với Lc 18,20, câu đáp không là Mười Lời, tức là những điều khoản phải làm mà là một tương quan TÌNH YÊU liên kết Thiên Chúa – Tôi – tha nhân: đó là mến Chúa, yêu người là HỒN SỐNG cho Mười Lời. Và với HỒN SỐNG đó, Đức Giêsu bảo “hãy về và làm như thế”. Nghĩa là làm mọi sự với tình yêu.

Người môn đệ của Đức Giêsu không làm việc tốt để đối phó với một tình huống, để tạo uy tín, để xong một bổn phận, để khỏi vi phạm Luật… và kể cả làm để được nên thánh cho bản thân mình.

Mà làm vì mình là Con Thiên Chúa! Con thì phải giống Cha! Cha nhân lành thì con cũng phải nhân lành. Làm mọi sự vì mến Chúa, yêu người. Đó là “linh hồn”của mọi giới răn.

Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu là một minh hoạ cho luận cứ trên.

Hãy về và làm như thế thì ông sẽ được sự sống. Vậỵ Đức Giêsu đã từng bước dẫn người thông luật khám phá ra lời đáp rất cụ thể. Vấn đề còn lại là có chịu phục thiện để đón nhận mặc khải; Có thành thực đủ với bản thân để bắt tay vào việc hoán cải rồi kiên trì hoàn tất theo ý Chúa.

Frère Pierre Đình Long FSC