CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN – năm A

Bài 1

Is 55,10-11; Mt 13,1-23
Chủ đề: Hiệu năng của Lời Chúa: Lời Chúa chắc chắn sẽ sinh hoa kết trái.

* Is 55,11: Lời Ta một khi xuất phát từ miệng Ta sẽ không trở về với Ta nếu chưa chu toàn sứ mạng Ta trao phó.

* Mt 13,8: có những hạt rơi nhằm đất tốt nên sinh hoa kết quả.

          Lời Chúa của Chúa Nhật XV A Mùa Thường Niên mời chúng ta chiêm ngắm tính hiệu năng và sức sống tuyệt vời của Lời Chúa: Lời Chúa một khi đã được tuyên phán ra rồi thì chắc chắn sẽ sinh hoa trái cho dù có bao nhiêu khó khăn cản trở đi nữa.

          Tuy nhiên khi Lời Chúa chấp nhận nhập thể thì cũng chấp nhận luôn bị điều kiện hóa bởi những yếu tố giới hạn, yếu đuối của phận thọ tạo của nơi mà Lời Chúa nhập thể vào. Theo dòng lịch sử:

  1. Lời Chúa trước tiên nhập thể vào trong ngôn ngữ nhân loại với tất cả những khiếm khuyết, giới hạn của . Nhưng dầu gì đi nữa thì lời đó vẫn sinh hoa trái đem lại ích lợi tuyệt vời cho toàn thể nhân loại: đó là BỘ KINH THÁNH, bộ sách mà phần lớn nhân loại đều đọc và hiểu được “bằng tiếng mẹ đẻ của mình”.

  2. Tiếp đến, Lời Chúa nhập thể trong xác phàm nhân loại. Đó là con người Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật. Cho dù nhân loại có đón nhận hay chối từ thì kết cục ơn cứu độ vẫn thể hiện trọn vẹn nơi Người qua Thập Giá và phục sinh. Lời mang xác phàm là cội nguồn ơn cứu độ cho vũ hoàn.

  3. Lời Chúa nhập thể vào toàn bộ công trình sáng tạo của Thiên Chúa để phục hồi tất cả, biến đổi tất cả, cho toàn thể vũ trụ được thông dự vào sự sống thần linh. Đó chính là Bí Tích Thánh Thể: Đức Giêsu là CHÚA và là CON NGƯỜI thật hiện diện trọn vẹn trong tấm bánh, ly rượu. Mà bánh rượu đó là “hoa mầu ruộng đất và lao công của con người” đã được Tình Yêu, Quyền năng Chúa vui nhận và biến thành Thánh Thể nuôi dưỡng đoàn dân lữ thứ.

Tuy nhiên, vì tôn trọng tự do của con người nên hiệu năng, sức sống của Lời chỉ sinh hoa trái dồi dào nơi ai đón nhận Lời.

          Các bài đọc Phụng Vụ hôm nay phản chiếu lại một phần sức sống, hiệu năng chắc chắn của Lời Chúa đối với thân phận thụ tạo của ta.

          Bài đọc 1 là một dụ ngôn mượn từ thực tế cuộc sống để minh họa, công bố tính hiệu năng chắc chắn của Lời Chúa.

          “Mưa” và “Tuyết” là hồng ân Thiên Chúa thương ban làm đất đai nên phì nhiêu và hoa màu sinh nhiều bông trái. Do đó, một khi Chúa cho mưa, tuyết rơi xuống đất thì chúng không quay trở về trời mà phải thấm sâu vào lòng đất tạo điều kiện thuận lợi để đất đai, hoa màu trổ sinh bông trái. Làm một so sánh giữa “mưa”, “tuyết” với “Lời Chúa”, ngôn sứ Isaia kết luận cách chắc chắn rằng Lời Chúa khi được ban ra sẽ chu toàn sứ mạng được giao cho.

          Tin Mừng thuật lại dụ ngôn “Người đi gieo giống”. Có thể chia đoạn văn này làm ba phần:

  • Phần một là bài dụ ngôn: 13,1-9.

  • Phần hai là lời giải thích của Đức Giêsu cho các môn đệ hỏi Người tại sao lại giảng dạy bằng dụ ngôn: 13,10-17.

  • Phần 3 là lối giải thích luân lý bài dụ ngôn ứng dụng vào cuộc sống: 13,18-23.

  • Phần một là bài dụ ngôn đi trực tiếp vào chủ đề phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Do đó Giáo Hội cho phép đọc bài đọc ngắn chỉ đọc phần bài dụ ngôn là đủ. Bài dụ ngôn thuật lại việc “người gieo giống đi ra gieo giống”. Ông gieo rất thoải mái, không tiếc hạt giống. Đám ruộng của ông cũng lạ kỳ gồm nhiều dạng đất khác nhau: đất vệ đường, đất sỏi đá, đất đầy gai và cũng có phần đất tốt. Cho dù thất bại trên ba loại đất xấu, nhưng kết quả chung cuộc của Ngày Mùa là thật đáng kinh ngạc: “hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”. Bài dụ ngôn nhấn mạnh đến hiệu năng và sức sống tuyệt vời của HẠT bất chấp những khó khăn cản trở, cuối cùng HẠT vẫn có kết quả bội thu.

  • Chúng ta bỏ qua phần hai, vì bài đọc dài quá.

  • Qua phần ba, bài dụ ngôn được giải thích theo hướng ứng dụng luân lý. Trọng tâm không nằm ở HẠT GIỐNG nữa, mà đã chuyển qua CÁC LOẠI ĐẤT. Nghĩa luân lý bộc lộ khá rõ: các loại đất tượng trưng cho những hạng người khác nhau nên kết quả là KẺ được gấp trăm, KẺ được sáu chục, KẺ ba chục.

Ngày nay, con người dường như thờ ơ với Lời Chúa và nhiều người đã có thái độ bi quan. Nhưng Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh, khích lệ chúng ta hãy tin vào hiệu năng, nội lực, sức sống phi thường của Lời Chúa; từ đó hãy tiếp tục can đảm SỐNG và GIEO Lời Chúa cách hăng say trong niềm xác tín vào nội lực của Lời Chúa và phó thác cho Thiên Chúa sẽ cho vụ mùa bội thu.

Bài 2

Đức Giê su dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều, Người nói: Người gieo giống đi ra gieo giống (Mt 13,3). Có những hạt rơi xuống vệ đường…có những hạt rơi trên sỏi đá…có những hạt lại rơi vào bụi gai…(13,4-7): Có những hạt lại rơi vào đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được 30 (13,8).

Lời Chúa hôm nay tiếp tục mời tín hữu chiêm niệm và đi sâu vào chương trình cứu độ của Tình Yêu Quan Phòng của Thiên Chúa: Chúa luôn trung tín, kiên trì từng bước một dần đưa dự tính cứu độ của Người đến chỗ hoàn chỉnh. Kể từ khi con người bị đuổi ra khỏi Vườn Eđen vì sa ngã và cứng lòng không nhận sự sai trái (đổ lỗi cho kẻ khác), không dám đảm nhận trách nhiệm và những hậu quả của các sai trái mình đã làm, thì Thiên Chúa đã hứa ngay lời hứa cứu độ: ban cho nhân loại “Đấng Đạp Đầu Con Rắn” (St 3, 15); và không ngừng tìm đủ cách để thực thi lời hứa đó.

Và để đồng hành, thường xuyên nhắc nhở và động viên con người đừng quên điều Chúa hứa, thì Người đã kín đáo, khôn ngoan khắc ghi những điều đã hứa trong các định luật tự nhiên của cuộc sống hằng ngày. Các biến cố trong thiên nhiên, trong cuộc sống thường ngày, các quy luật nhân sinh đều được Chúa sử dụng để trấn an con người rằng có Chúa luôn đồng hành dù đời bao sóng gió và cuối cùng kết quả vẫn là sự hoàn tất tốt đẹp của ơn cứu độ: Tình vợ chồng, cha mẹ con cái, anh em, bè bạn, ngày mùa, vườn nho, đàn chiên, mục tử…đều là những hình ảnh sống động nói lên lòng trung tín, kiên trì của Chúa đang từng bước hoàn tất ơn cứu độ cho nhân loại.

Hình ảnh biểu tượng được lời Chúa của Chúa Nhật 15 TN A: Mùa Thường Niên vay mượn phát xuất từ thiên nhiên, cuộc sống nông nghiệp: mưa, tuyết, đất đai, hạt giống, cỏ dại, vệ đường…..; Với tất cả những hình ảnh đó, Lời Chúa hôm nay muốn gởi đến tín hữu sứ điệp này:

Thiên Chúa công chính chắc chắn sẽ hoàn tất dự tính cứu dộ của Người bất chấp những trục trặc, cản trở từ phía các thụ tạo, con người…

– Cụ thể, Lời Chúa MTN 15 A hé lộ mầu nhiệm Nước Trời tại thế được Đức Giê su mang đến.

– Lời Chúa một khi đã được gieo vãi chắc chắn sẽ đem lại kết quả dồi dào. Sức sống mãnh liệt, thần linh của Lời Chúa vượt thắng mọi trở lực để cuối cùng vẫn là một vụ mùa bội thu.

Trong bài đọc 1, các hình ảnh được vay mượn là: MƯA, TUYẾT, ĐẤT ĐAI VÀ HOA MÀU. Mưa, tuyết là ơn huệ Chúa ban, từ trời rơi xuống sẽ không quay về lại với trời cao, nhưng thấm vào lòng đất, làm đất nên mềm mại, phong nhiêu, nhả ra sức sống làm thực vật lớn lên trở thành lương thực cho loài người và các thụ tạo khác. Nghĩa là mưa và tuyết sẽ làm đổi bộ mặt của đất; Mưa và Tuyết trở nên sức sống cho đất, cho con người, cho vũ trụ.

Các hình ảnh cụ thể và ý nghĩa đó là biểu tượng cho Lời Chúa và sức sống thần linh của Lời: Lời Chúa đã ban ra chắc chắn sẽ đạt được mục đích, thực thi được ý Chúa, chu toàn được sứ vụ Chúa trao.

Hình ảnh trong bài đọc Tin Mừng cũng được vay mượn từ cuộc sống nông nghiệp và cũng mang đến cùng một sứ điệp với bài đọc 1: Hạt giống Lời, hạt giống Nước Trời đã được mang đến trần gian và rắc gieo rộng rãi…bất chấp những tiêu cực đủ mọi dạng thức từ phía con người, cuối cùng rồi HẠT GIỐNG vẫn đưa lại một vụ mùa bội thu.

Một chi tiết quan trọng: vụ mùa bội thu chỉ diễn ra vào NGÀY GẶT. Kết quả chung cuộc chỉ có được khi MÙA GẶT TỚI. Còn trong hiện tại vẫn còn đó nhiều mảnh đất khô cháy, đầy gai, sỏi đá khiến một số gạt giống không mọc được hoặc không đạt tới kết quả mong ước.

Sứ điệp Lời Chúa mời gọi hãy tin tưởng và chiến đấu: “ai có tai thì hãy nghe”. Chắc chắn vụ mùa sẽ BỘI THU, nhưng mỗi tín hữu, mỗi cộng đoàn các kẻ tin phải là một mảnh đất tốt, góp phần của mình vào trong kết quả chung cuộc của vụ mùa.

BÀI ĐỌC I, Is 55, 10-11

          Bài đọc thuộc về Isaia đệ nhị, còn được gọi là sách yên ủi Israel (Is 40-55). Vì sách được mở đầu bằng “ hãy an ủi, an ủi dân ta” (40, 1). Sách được một môn đệ của Isaia viết vào một trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử Israel: Lưu đày Babylon. Mục đích an ủi dân, nuôi dưỡng hy vọng, loan báo ơn cứu độ Thiên Chúa sẽ thực hiện. Người nhớ lại giao ước, quên tội của dân và sẽ ra tay cứu thoát. Dung mạo của Đấng Mesia được phác họa và hình ảnh Giêrusalem được hồi phục là hai chủ đề của Isaia đệ nhị. Kết quả đương nhiên là niềm vui, sung túc, hạnh phúc.

Các chương cuối của sách An Ủi gom tóm các nét chính của Sách này:

  • 52, 14 -53,12 phác họa dung mạo của Người Tôi Trung, Đấng sẽ đảm nhận nơi mình mọi hậu quả tội lỗi của dân, sẽ dùng chính những khổ nhục, cái chết của mình để cứu chuộc, giải thoát dân khỏi tội phạt và làm dân nên công chính.

  • Chương 54 loan báo niềm vui cho Giêrusalem (dù không nói rõ tên) là Thành sẽ được phục hưng. Những hình ảnh biểu tượng truyền thống được sử dụng: người nữ vô sinh sẽ trở nên người mẹ đông con (54, 1), vợ chồng tái hợp (các câu 4-7); thành đô được xây bằng hồng ngọc, đá quý (các câu 11-12)…Có được như vậy là nhờ Thiên Chúa giữ dân khỏi mọi âm mưu, bảo vệ dân khỏi mọi chống đối (các câu 15-17).

  • Chương 55: Sau khi loan báo ơn giải thoát đến từ Người Tôi Tớ (chương 53) và niềm vui do ơn cứu thoát mang lại (chương 54), chương 55 cho thấy bằng cách nào mà những điều trên sẽ thực hiện nơi Israel, dù đang chìm trong bóng tối lưu đày, hãy tin vào Thiên Chúa mà đến đón nhận ơn cứu độ nhưng không do Chúa ban tặng. Hãy tận dụng hồng ân và thời điểm thuận lợi Chúa sắp trao ban.

Bố cục  Is 55, 1-13

  1. Lời hứa cứu độ và điều kiện để được hưởng (Is 55, 1-7)

  • Chúa sẽ dưỡng nuôi dân no thỏa ( Is 55, 1-3a)

  • Hình ảnh minh họa: Nước, rượu, sữa (biểu tượng của ơn cứu độ) được mời dùng thoải mái, miễn phí (các câu 1-2a).

  • Chỉ cần một điều kiện: Lắng nghe và đến cùng Thiên Chúa (đức tin) (các câu 2b – 3a).

  • Chúa bắt chư dân quy phục (Is 55, 3b -7).

  • Hình ảnh minh họa là triều Đavít : Israel sẽ nên cường thịnh, hùng mạnh như thời như thời Vua Đavit (các câu 3b -5)

  • Điều kiện để được hưởng ân huệ trên (các câu 6-7).

+ Nắm bắt thời cơ: Kêu cầu Chúa khi Người còn cho gặp

+ Ăn năn, sám hối, bỏ tư tưởng riêng của mình.

  1. Những lời mời hứa trên chắc chắn sẽ được thực hiện trên (Is 55, 8-13).

  • Đường lối, tư tưởng của Thiên Chúa vượt trổi hẳn của con người. (cc 8-9)

  • Hình ảnh minh họa so sánh: “Trời” vượt cao hơn “Đất”

  • Đó là yếu tố bảo đảm rằng Lời Chúa hứa chắc chắn thành sự dù hiện tại còn nhiều tối tăm.

* Lời Chúa hứa chắc phải được hoàn tất, trổ sinh hoa trái (cc 10-19).

  1. Hoa trái cụ thể của lời hứa đó (Is 55, 12-13)

  • Dân Chúa mừng rỡ, hân hoan hồi hương, và vạn vật thiên nhiên cũng cùng chung vui với dân Chúa (c.12).

  • Những hình ảnh minh họa cho thấy sự thay đổi tận căn: “bụi rậm” “tầm ma” (loại thực vật thân thấp yếu biểu lộ phận nô lệ lưu đày) nay biến thành cây bách, cây sim to lớn (biểu tượng của sự tự do uy thế)

Các câu 12-13:  Lời hứa này của Thiên Chúa cũng là kết luận lạc quan cho cả SÁCH YÊN ỦI CỦA ISRAEL (Is 40-55)

Bài 1: Là phần xác quyết CHẮC CHẮN LỜI CHÚA SẼ PHÁT SINH HOA TRÁI (Is 55, 10 – 11).

Bố cục gồm 2 phần:

  • 1 dụ ngôn khẳng định Lời Chúa chắc chắn sinh hiệu quả tốt

  • 1 ứng dụng (x.CGKPV ngôn sứ 187 y)

  1. Dụ ngôn minh họa: hai hình ảnh “MƯA” và “TUYẾT” (c.10)

Mưa và tuyết rơi xuống phải thấm vào lòng đất và làm cho hạt giống nảy mầm, lớn lên, cây cỏ xanh tươi.

Và làm cho con người có hạt giống, có lương thực sống… Lời Chúa cũng vậy.

  1. Ứng dụng so sánh với Lời Chúa (c.11)

Lời Chúa một khi xuất từ miệng Chúa chắc chắn sẽ thực thi ý Chúa hoàn tất sứ mạng sẽ mang lại hoa trái.

*Mưa và tuyết: liên quan tới nước là nguồn sống, nhất là nơi xứ khô cằn như Palestin, chỉ làm mùa được dựa vào mưa. Mưa biểu lộ cho ân lộc bởi trời, mưa thuận gió hòa là hồng ân của Chúa.

          Thật thế, trong St 2,5 đất đai còn hoang vu là vì chưa có MƯA và chưa có con người để cày cấy. Mưa phối hợp nhịp nhàng với con người sẽ là nguồn phúc, ấm no cho vũ trụ, nhân loại. Mưa trở nên biểu tượng của sự sống, cho tính hiệu quả của việc tạo thành được bừng sống vươn lên. Con người trồng cây xuống nhưng chính mưa làm cho cây lớn lên. (x.Is 44, 14).

          Với các đặc điểm nêu trên, mưa có một “sứ mạng” phải hoàn tất một khi đã rời khỏi trời mà rơi xuống đất: Làm cho đất phì nhiêu, làm cho cây đâm chồi nảy lộc, làm cho con người có hạt giống, có bánh ăn. Vậy mưa giải gỡ, rũ bỏ bớt đi phần nào lời nói tuyên phạt của Thiên Chúa khi Ađam phạm tội (x.St3, 17-18). Điều này hàm ý Thiên Chúa thứ tha khi cho mưa rơi xuống với sứ mạng như c.10 mô tả. Ý hướng này phù hợp với cc 6-7 ngay trước đó mời gọi con người ăn năn sám hối.

  • Mưa không trờ về trời nếu…..đây là nét kỳ lạ của “mưa” trong c.10 này. Hàm ý: mưa sẽ về trời sau khi đã hoàn tất sứ mạng hồi phục cho đất, cây, người. Như vậy “mưa” ở đây có nguồn gốc thần linh và là tác nhân làm phát sinh sự sống, nảy nở sự sống như được đề cập trong St 2,5.

          Ý tưởng này không phù hợp với tự nhiên nhưng lại đúng khi được dùng để dọn đường cho c.11 “mưa” được áp dụng so sánh với “lời xuất phát từ miệng TC”.

  • Ứng dụng: Lời Chúa được so sánh với Mưa, tuyết.

Ở trong 1 xứ nóng cháy da, khô cằn thì hình ảnh được Isaia dùng thật là ấn tượng, hiện sinh: hoa trái chỉ có thể nảy mầm, hé nụ nhờ những cơn mưa đầu mùa, và sức sống tồn tại vươn lên là nhờ mưa. Chỉ có Lời Chúa mới làm cho mảnh đất tâm hồn của con người được hồi sinh và làm cho đất ấy trổ sinh hoa trái. “Tính hiệu quả” của lời TC là một chủ đề đặc biệt của Cựu Ước và nhất là sách Isaia đệ nhị mà bài 1 phụng vụ hôm nay là đoạn kết. TC của chúng ta là một TC nói và lời của Người đầy hiệu quả: “TC phán “Hãy có”, tức thì có….”(St 1); TC sẽ thi hành các lời của Người (x. Gr 1,12)…, mọi lời Chúa phán đều được thực thi đúng mức (x.1V 8,56). Nhiều đoạn khác cho thấy tính hiệu quả của lời Chúa ( x. Dr 23,18-19; Is 40,6-8; Tv 119,89…).

Ngoài ra tính chắc chắn của lời Chúa hứa luôn là cội nguồn hy vọng, trông cậy của Israel (x.Đnl 9,5). Hệ quả của chủ đề này là dân Chúa phải lắng nghe lời Chúa để thi hành và đó là sự sống và hạnh phúc của dân

  • Hình ảnh “mưa”, “tuyết” còn nói lên tính nhưng không của lời: Lời Chúa là ân huệ nhưng không (x.Is 55,1), tính phổ quát không thiên tư của Lời ; mưa trên mọi loại đất, không phân biệt kẻ lành người ác….Chỉ cần mở lòng đón nhận thì lời Chúa sẽ từ từ phát sinh hiệu quả.

  1. Sứ mạng của Lời và đặc biệt trong Is 55 là gì?

          Lời sáng tạo: đã hoàn tất cơ bản trong công trình sáng tạo với sự hiện diện của vũ trụ. Tuy  nhiên lời mang lại hạnh phúc cho nhân loại vẫn còn gặp trỡ ngại do sự bất tuân phục của con người: sự bất tuân phung phí này được chương 55 nhắc đến ở câu 2.

          Vậy sứ mạng của lời ở đây là thứ tha, hòa giải mời lắng nghe lời Chúa (c.3a), mời trở về với Chúa kiếm tìm Người (c.6), mời hoán cải thay đổi tư tưởng não trạng (c.7). Nhờ đó dân Chúa – hàm ý cả nhân loại –sẽ được hạnh phúc ; “ được ăn ngon…”(c.2) được sống” (c.3) “ được vinh hiển”(c.5),được hưởng lòng nhân từ xót thương , tha thứ của Thiên Chúa (c.7). Sứ vụ hòa giải hồng phúc này cơ bản đã hoàn tất trong thập giá và phục sinh của ĐGS; Và để tạo điều kiện thuận lợi cho con người hoản cải, TC đã tiếp tục công cuộc hòa giải qua sứ vụ của Giáo Hội và bí tích.

  1. TÓM KẾT:

Bằng một hình ảnh thiết thân ở xứ khô cằn: Mưa. Lời Chúa hôm nay mời chúng ta chiêm ngắm, tin tưởng vào tính hiệu quả của Lời TC, và sự hào phóng không tính toán của TC đối với con người. Sự hào phóng, hiệu quả ấy là cội nguồn mọi hy vọng của nhân loại, là bảo chứng cho ơn cứu độ chung cuộc mà TC sẽ hoàn tất cho con người được hạnh phúc.

TIN MỪNG Mt 13, 1-23

Chương 13 là trọng tâm bài giảng thứ 3 của Tin Mừng Mattheu: bài giảng bằng các dụ ngôn. Mattheu gom lại ở đây 7 dụ ngôn. Dụ ngôn là một thể loại văn chương truyền thống của Do Thái. Thể loại này quan sát những hình ảnh quen thuộc hằng ngày, những tập tục địa phương, rồi sử dụng phương pháp so sánh để đặt ra những câu chuyện ngắn dễ nhớ với những tình tiết phù hợp với thực tại đã được mọi người chấp nhận nhằm mục đích chuyển đạt một giáo huấn nào đó, thường là về đạo lý, cách sống, giúp thính giả thay đổi quan điểm của mình. Dụ ngôn không phải là một ám tỉ (ngụ ngôn: allégorie). Mỗi chi tiết trong một ám tỉ đều có một ý nghĩa, trái lại toàn bộ dụ ngôn chỉ mang lại một ý nghĩa chung (xem thêm CGKPV Tân Ước, 1995, tr 102, note “o”).

Thể văn dụ ngôn (sử dụng các hình ảnh so sánh) cũng tương tự như lối nói ví của người Việt Nam, cho phép chúng ta xác định được tính cách của tình huống mà không cần nói rõ ra tình huống ấy. Người ta làm vậy vì muốn để cho thính giả tự soi mình vào dụ ngôn và khám phá thực trạng riêng của mỗi người được ẩn giấu trong trình thuật đó.

Trong ch.13, Matthêu gom lại 7 dụ ngôn, phác họa ra tình trạng chính của Nước Trời tại thế:

  1. Dụ ngôn “Người gieo giống”: Nước Trời đã được Đức Giêsu mang vào trần thế. Dù bước đầu gặp nhiều khó khăn, thất bại, nhưng cuối cùng, khi đến Mùa Gặt, những HẠT GIỐNG đã được gieo xuống cùng mang lại kết quả bội thu.

Trọng tâm của dụ ngôn này là động lực, sức sống thần linh của HẠT GIỐNG; Đó chính là yếu tố bảo đảm cho sự thành công chung cuộc.

  1. Dụ ngôn “Cỏ lùng”: cho thấy tình trạng cụ thể của Nước Trời tại thế, xấu tốt còn lẫn lộn, chưa phân biệt được ngay đâu. Phải đợi đến vụ mùa. Đó là chủ ý Chủ ruộng. Một khi đã được mang đến trần gian, Nước Trời cũng phải tôn trọng các định luật trần thế đã được ấn định trong công trình sáng tạo: Luật thời gian; không gian. Không đốt giai đoạn được.

  2. Dụ ngôn “Hạt cải” và Dụ ngôn “Men trong bột”: Cả 2 đều nói đến quá trình phát triển của Nước Trời tại thế: dụ ngôn “hạt cải” nhấn mạnh sự bành trướng về số lượng bên ngoài, còn “men trong bột” nói lên ảnh hưởng bên trong để biến đổi thế giới.

Mục đích 2 dụ ngôn này là để củng cố các tín hữu đang gặp khó khăn, bách hại, đừng thấy tình trạng nhỏ bé, ít ỏi ban đầu của Nước Trời mà nản lòng.

  1. Dụ ngôn “Kho báu” và “Ngọc Quý”: là lời mời gọi kẻ tin phải có thái độ như thế nào trước thực tại Nước Trời đã đến với những đặc nét đã được mô tả ở các dụ ngôn trước, một khi bất ngờ GẶP ĐƯỢC Nước Trời, cho dù là tình cờ (kho báu) hoặc có ý đi tìm (Ngọc quý). Nước Trời phải là ưu tiên số 1 và có thể nói là TUYỆT ĐỐI trong mọi chọn lựa của kẻ tin.

  2. Dụ ngôn “Chiếc lưới”: nói lên sự can thiệp chung cuộc và dứt khoát của Thiên Chúa vào thời điểm Cánh Chung để hoàn tất việc mặc khải trọn vẹn mầu nhiệm Nước Trời tại thế.

Điểm chú ý trong dụ ngôn 7 và 2, tác nhân biện phân, chọn lựa tốt xấu là “THỢ GẶT” do Cha sai đến (dụ ngôn 2) và các THIÊN THẦN (dụ ngôn 7)

Bài đọc Tin Mừng hôm nay là trích đoạn liên quan đến dụ ngôn thứ nhất “Người gieo giống” gồm có 3 phần:

  • Bài dụ ngôn (13, 1-9) được Đức Giêsu nói chung cho mọi người.

  • Phần giải thích vấn nạn tại sao Đức Giêsu phải nói bằng dụ ngôn (13, 10-17). Phần này chỉ dành cho môn đệ.

  • Cắt nghĩa ứng dụng bài dụ ngôn cũng chỉ cho các môn đệ (13, 18-23)

Tuy nhiên, phụng vụ cũng cho phép đọc bài đọc ngắn là trích đoạn bài dụ ngôn mà thôi (13, 1-9). Phần này ý tưởng đi song đôi với bài đọc 1:

  • Tính nhưng không và phổ quát: “hạt giống được gieo vãi thoải mái, không tiết kiệm, không chọn lựa đất đai. Cũng tương tự như vậy, “mưa” và “tuyết” cũng rơi xuống trên tất cả mọi vùng đất.

  • Nội lực và tính hiệu năng: hạt giống, chung cuộc, sẽ trổ sinh hoa trái dồi dào; Cũng vậy, “mưa” và”tuyết” phải làm xong sứ mạng làm tốt đất đai, mùa màng dồi dào…

         Phụng vụ nhấn mạnh tới “nội lực” và “hiệu năng” của Lời trong việc loan báo tin mừng Nước Trời.

  1. Bài dụ ngôn (Mt 13, 1-9)

  • Đối tượng 13, 2-3)

Bài dụ ngôn được nói cho đám đông dân chúng không trừ ai; hiểu rộng ra là nói cho tất cả mọi người. Chúa công bình mặc khải Mầu nhiệm Nước Trời cho đại chúng cũng như Người đã cho mặt trời mọc lên sáng soi kẻ xấu lẫn người tốt, cho mưa xuống trên người công chính lẫn kẻ bất chính (x. Mt 5, 45). Ai biết mở lòng nghe tin Đức Giê-su và trở nên Môn Đệ Người sẽ được hạt giống Nước Trời bám rễ vào lòng và mang lại mùa gặt phong nhiêu cho người ấy và cho Giáo Hội.

  • Cách thức gieo hạt: Khá kỳ khôi so với nhãn giới nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên khung cảnh của bài này là xứ Palestin cách đây hơn 2.000 năm. Xứ Palestin cằn cỗi chỉ có thể làm mùa khi mùa mưa đến. Trong thời nắng hạn giữa 2 vụ, ruộng đồng để trống. Vài bụi cây dại mọc đó đây. Để tiện việc đi lại, dân làng băng qua ruộng tạo thành những đường mòn đất chai cứng. Và trên vùng đất núi đá như Palestin thì một vài tảng đá nằm chêm dưới ruộng là chuyện thường tình. Khi mưa xuống người ta gieo hạt trên mảnh đất khô cằn ấy rồi sau đó mới cày lấp hạt sau.

  • Kìa người gieo giống đi ra gieo giống: Trong khung cảnh nông nghiệp như vừa trình bày trên, cách nói “người gieo giống đi ra…” gợi ngay lên hình ảnh: Vụ mùa đã khởi sự, thời gian phải nổ lực làm việc tối đa đã khởi đầu nếu muốn có một mùa gặt phong nhiêu. Mặc dù biết có những bất trắc từ thiên nhiên thời tiết (mặt trời thiêu đốt), từ tình trạng đất khô cằn, từ cỏ dại… nhưng người gieo giống vẫn lên đường tin vào mùa gặt dồi dào.

Vậy ngang qua dụ ngôn này, Đức Giêsu công bố Nước Trời đã đến trong trần gian, thời cùng tận, thời vương quốc cánh chung đã khai mạc. Thật vậy, các yếu tố của bản văn cho phép kết luận như vậy:

  • Người gieo giống (là chính Thiên Chúa) đã đi ra gieo giống (lời của Người = Đức Giêsu) xuống trần gian: vụ mùa đã khai mạc; và với sự xuất hiện của Đức Giêsu được tấn phong công khai làm Messia (Mt 3, 16-17) thì đây rõ ràng là vụ mùa cánh chung.

  • Sau khi mô tả dài dòng việc gieo giống có vẻ cẩu thả, phi lý và những lần thất bại liên tiếp tưởng như mất trắng, bản văn đột ngột đề cập đến một vụ gặt bội thu, trúng mùa vốn là một biểu tượng mà Cựu Ước thường dùng để loan báo việc Vương quốc Thiên Chúa đến ( x.Is 9, 2; Gc 4, 13; Tv 126, 2…). Vì Nước Trời đã đến, thời giờ đã cấp bách lắm rồi nên toàn bộ “Bài giảng bằng dụ ngôn” trở nên lời kêu mời khẩn thiết mọi người phải lo sao để có thể đón nhận và thọ hưởng được Nước Trời: “Ai có tai thì hãy nghe: (cc9.43) bằng không thì sẽ đến lúc :Các thiên thần sẽ xuất hiện….quăng chúng vào lò lửa. Ở đó chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng”. (cc. 49b-50).

Làm cách nào để nhận ra Nước Trời đã đến và đón nhận? Nghe, tin Đức Giêsu và trở nên Môn đệ Người, nhờ đó ta được nghe những mặc khải của Người về mầu nhiệm Nước Trời và HIỂU. Đó là điều mà phần tiếp sau dụ ngôn từ c.10- c.23 sẽ trình bày.

  • Sứ điệp chính của dụ ngôn là gì? (13, 4-8):

4 lần gieo hạt, 3 lần mất trắng, chỉ có lần cuối thành công và đạt năng suất bất ngờ vượt sức mong chờ. Có thể cắt nghĩa nhiều cách:

  1. Cái nhìn lạc quan, nghĩa là không bận tâm đến những lần thất bại, chỉ nhìn vào kết quả chung cuộc do hạt giống mang lại: hạt kém nhất cũng mang lại hoa lợi gấp 30 lần số gieo. Trong cách hiểu này, sứ điệp của dụ ngôn là một lời khích lệ mang màu sắc cánh chung: Lời về Nước Trời, cuối cùng ra, rồi cũng có kết quả, Nước Trời chắc chắn sẽ hiện diện giữa trần gian và mang lại nhiều ảnh hưởng thay đổi trần thế. Theo Jérémias thì: giờ Thiên Chúa đã đến và cùng với giờ đó là cả một vụ mùa bội thu không thể tưởng; dù có những thất bại và bị chống đối, Thiên Chúa vẫn làm xuất hiện từ những bước đầu chẳng mấy hy vọng đó một chung cuộc huy hoàng vĩ đại như Người đã hứa. Lịch sử truyền giáo của Giáo Hội có thể coi như một minh họa cho cách hiểu này: có những nơi Lời Chúa chưa chen chân vào được; có những nơi Lời Chúa đang bị đe dọa bóp nghẹt bởi độc tài, bởi đam mê vật chất kỹ thuật…; có những nơi Lời Chúa được đón nhận cách hời hợt (theo đạo vợ, đạo chính trị, đạo đồng tiền công ăn việc làm…) nhưng Lời Chúa luôn phát triển, lúc nào cũng có những tâm hồn thực sự sống, nhận theo Lời Chúa.

  2. Cái nhìn toàn diện, nghĩa là lưu tâm đến những lần thất bại trước khi thành công. Lối nhìn này ăn khớp hơn nhiều với văn mạch chung của các chương trong bài giảng thứ 3 của Tin Mừng Mt: ch.11-12 mô tả phong trào chống đối ngày càng đi lên và chóp đỉnh là cái chết; Thế nhưng Đức Giêsu vẫn ca ngợi Cha vì dự tính của Cha đã được mặc khải cho kẻ bé mọn và được đón nhận. Vậy để đi đến thành công chung cuộc thì hạt giống phải trải qua nhiều thất bại, kể cả chết đi. Dụ ngôn trở thành một mặc khải về đường lối hành động của Cha để đem Nước trời vào trong trần thế này. Dụ ngôn trở thành một toát yếu cực ngắn về lịch sử cứu độ.

Thật vậy, Lịch sử cứu độ khởi sự với Abraham. Và qua mọi chuẩn bị, điều Chúa muốn là dọn đường cho Ngôi Lời nhập thể. Suốt gần 2000 năm chuẩn bị, Thiên Chúa đã nhiều lần, nhiều cách gieo Lời Chúa xuống Israel ngang qua việc sai các ngôn sứ, các hiền nhân, các người của Chúa đến với dân nhưng kết quả dường như chẳng có gì. Chúa không bỏ cuộc, Người tiếp tục công việc, kiên trì với số nhỏ, SỐ CÒN SÓT LẠI và qua đó Ngôi Lời giáng thế. Và rồi cả cuộc đời của ĐGS cũng là 1 chuỗi những thất bại mà chóp đỉnh là Thập Giá. Mất trắng? Không? Vì khi những thất bại qua đi, Mùa Gặt thành công bất ngờ lộ diện: Phục Sinh. Và với lần thu hoạch này, Lời Chúa bắt đầu tỏ lộ quyền năng và Nước Trời bắt đầu lan rộng trên khắp nhân gian. Vậy “điều làm nên mầu nhiệm vương quốc, mầu nhiệm mà chỉ một nhóm nhỏ gồm các người bé mọn mới có thể hiểu, chính là việc Đấng Mêsia CHỈ THÀNH CÔNG SAU KHI ĐÃ GẶP THẤT BẠI. Do đó có thể tóm kết ý nghĩa cảu dụ ngôn như sau: Như người gieo giống (xứ Palestin) chỉ thành công sau khi trải qua biết bao khó khăn trở ngại, thì cũng vậy, Nước Thiên Chúa do ĐGS khai dựng chỉ có thể thiết lập sau khi đã trải qua nhiều thất bại ê chề. Và đó chính là điều mà người biệt phái và đám đông không sao “hiểu” được.

* Hạt được 100/60/30

Thu hoạch được gấp trăm là cách nói ám chỉ phúc lành dồi dào của Thiên Chúa, là dấu chỉ cho thấy chắc chắn Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa cho nơi nào dám tin, đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời được sinh trái hoa như thế (x.St 26,1-6.12).

Với Luca kết quả chỉ có 1 hạng: gấp trăm. Bất chấp những cứng lòng từ phía Do Thái, những khước từ của dân ngoại, những nản lòng bỏ cuộc của một số tín hữu nhẹ dạ…Chắc chắn Thiên Chúa sẽ hoàn tất trọn vẹn công trình gieo vãi Nước Trời vào trần gian. Với ĐKT, phúc lành của Chúa đã tuôn tràn chan chứa, thời hoàn tất lời hứa đã điểm. Luca nhắm tới cái đích chung cuộc.

Marco lại nói theo chiều đi lên: hạt 30/60/100. Có lẽ Marco quan tâm đến sự tiến bộ trong đức tin, lòng mến của mỗi tín hữu. Những tiến bộ tiệm tiến này có thể vọng lại con đường thiêng liêng của Thánh Phêrô trong việc đón nhận và làm cho lời sinh hoa kết trái nơi ông: được Chúa kêu gọi, gieo Lời vào lòng. Lời lớn dần lên có chút kết quả ( tuyên tín) nhưng cũng không ít lần vấp ngã rồi lại chỗi dậy. Mỗi lần chỗi dậy thì lại tiến bộ hơn. Cuối cùng là đã theo Thầy trên đường Thập Giá sinh hạt gấp 100.

Matthêu lại theo chiều đi xuống: 100/60/30. Cái nhìn của Matthêu có tính thực tế ứng dụng ngay vào đời sống cộng đoàn trong hiện tại: cộng đoàn có nhiều hạng người với những trình độ, tri thức, đạo đức khác nhau…Và đã có chuyện những kẻ bé mọn bị coi thường. Do đó, cố ý để chiều mũi tên đi xuống Matthêu muốn nói: Ngay cả kết quả được 30 cũng là có giá trị trước mặt Chúa rồi, miễn là mỗi người biết nỗ lực sinh hoa trái theo khả năng được ban cho và liên đới với Đấng đã ban ơn cho mình. Người được nghe lời vào giờ thứ 11 thì sẽ có hoa trái ít hơn là người làm từ sáng sớm, nhưng Thiên Chúa vẫn tính công trọn vẹn (Mt 20,1-15a); Người nhận 2 nén, 5 nén nếu làm hết mình cũng đều được thưởng như nhau (Mt 25,21-23).

* Ai có tai thì hãy nghe

Một lời mời hàm ý phải hoản cải, bởi vì những điều vừa được nói trên có vẻ nghịch với lẽ thường tình, nghịch với những gì trước giờ người ta vẫn cho là chân lý và vẫn sống theo như vậy.

          Thật vậy, cách hành động quá quảng đại( gần như khùng) của người gieo giống (Thiên Chúa) trong dụ ngôn (đất tốt, xấu, đá gai…đều gieo vãi hạt giống như nhau, không phân biệt đối xứ) rồi ý nghĩa dụ ngôn cho thấy con đường đi đến vụ mùa lại là con đường Thập Gía,chấp nhận bao thất bại, những điều ấy vẫn còn xa lạ đối với cái nhìn của Cựu Uớc: Thiên Chúa của Cựu Ước là một Thiên Chúa thưởng phạt công minh không có chuyện cào bằng ơn huệ giữa người lành kẻ dữ. Thiên Chúa của Cựu Ước là một Thiên Chúa uy hùng chiến thắng kẻ thù, Đấng Mesia của Người là một anh hùng bất bại sẽ thống trị vũ hoàn.

          Chính vì vậy, cần phải thay đổi não trạng, phải cố gắng lắm để nghe lọt tai những lời nghịch lý. Để được vậy , điều tiên quyết là đón nhận ĐGS, chịu làm môn đệ Người, để Người sinh hoa kết trái trong thửa ruộng tâm hồn ta. Người là Lời Thiên Chúa được chính Thiên Chúa gieo vãi rộng rãi trên mọi địa hình, mọi loại đất. “Chìa khóa” để mở cánh cửa dẫn vào mầu nhiệm Nước Trời là chính Người (ĐGS) đã được Thiên Chúa tung gieo cánh hào phóng giữa trần gian. Đó chính là cái “CÓ” mà Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại (x.c.12) để con người nhờ đó được ban thêm cho nhiều thứ khác.

Vậy qua dụ ngôn này, Mát thêu đưa ra cho dân Do Tháivà cho cộng đoàn của ông một lời nhắc nhớ nghiêm khắc: nếu Thiên Chúa không cho hiểu dụ ngôn, thì những kẻ không hiểu chính họ phải chịu trách nhiệm vì Thiên Chúa chỉ ban ơn hiểu cho những ai “CÓ” (C.12). “Có” ám chỉ việc nghe, tin, đón nhận Lời mặc khải của ĐGS. Vậy những ai không nghe, không tin ĐGS, không nhận sứ điệp của Nguời thì họ không “ Có” được năng lực để hiểu biết về Mầu Nhiệm Nước Trời. Mà cái ‘Có” đó, đã được Thiên Chúa trao ban, gieo vãi rộng rãi: Hạt giống Lời là chính ĐGS!

  1. Tại sao lại nói bằng dụ ngôn ? (Mt 13, 10- 17)

Phần này cũng như phần giải thích dụ ngôn được dành riêng chỉ cho các môn đệ mà thôi. Trả lời cho thắc mắc của các môn đệ, ĐGS đưa ra 2 lý do:

  • Để chọn lựa môn đệ (x.cc 11-12): ĐGS trả lời vì đó là ý định của Cha: ( chúng ta đã gặp ý này ở Mt 11, 25-26: Cha muốn mặc khải cho kẻ bé mọn, đó là ý Cha) Cha chỉ ban ơn hiểu biết cho các môn đệ ĐGS. Cách nói làm chúng ta cảm giác Thiên Chúa độc đoán. Muốn cho ai thì cho, muốn làm gì thì làm bất chấp mọi sự. Thật ra, như trên đã cắt nghĩa : Thiên Chúa đã ban rộng rãi, gieo hào phóng hạt giống Lời. Người gieo cùng một loại hạt giống trên mọi thứ đất. Ai không sinh hoa trái trên mảnh đất của mình thì không mong hiểu được mầu nhiệm Nước Trời.

Vậy cách nói bằng dụ ngôn là cách thức chuẩn bị, tuyển chọn: mời gọi thính giả nghe rồi hoản cái, nếu không hiểu thì hãy đến với Đức Giêsu, thụ giáo với Người, làm môn đệ người, nhờ đó hiểu được Mầu Nhiệm Nước Trời. Nói bằng dụ ngôn là cách thức các bậc thầy phương đông thường dùng để chọn môn đệ ruột. Ví dụ chuyện Thầy của Tề Thiên đã dùng một ẩn dụ: gõ đầu 3 cái, chắp 2 tay sau lung đi vô nhà…để hẹn Tề Thiên. Anh ta hiểu ẩn dụ ấy, còn những môn đệ khác thì không, nên đã thành môn đệ ruột. Tuy nhiên nơi người Đông phương, việc chọn ấy mang tính bí truyền, còn nơi dụ ngôn Tin Mừng, Đức Giêsu chẳng bí truyền cho ai cả, Ngài nói công khai, mời tất cả và bất kì ai đến đều được ơn hiểu biết Mầu Nhiệm Nước Trời, chẳng những thế, chỉ những ai bé mọn mới hiểu còn ai thông thái thì lại không.

  • Để ứng nghiệm lời ngôn sứ: hay nói theo cách khác ở đây là để vạch mặt kẻ cứng lòng chiếu theo nội dung lời trích Is 6, 9-10 (x. nốt “g” và “s”- CGKPV-Tân Ước 1995, trang 103). Họ chưa sẵn sàng đủ để đón nhận mặc khải trực tiếp của Đức Giêsu. Thật vậy, thay vì nói dụ ngôn người gieo giống, nếu ĐGS nói thẳng Mesia phải đi qua Thập Giá mới tới Phục Sinh vinh hiển thì chẳng ai chịu nghe, kể cả nhóm 12 (x. Mt 16, 21-23); hoặc thay vì nói dụ ngôn “Viên Ngọc Quý”, “Kho Báu”, ĐGS nói thẳng hãy về bán hết mọi sự cho kẻ khó rồi đến theo ta thì rõ ràng người ta không đón nhận (x. 19, 16-22).

  • Tóm lại, 2 lý do ĐGS nêu ra chỉ là mặt trái/ phải cùng 1 vấn đề: có khiêm tốn chấp nhận mình bé nhỏ trước Thiên Chúa và đón nhận làm môn đệ ĐGS hay không? Nếu không thì mất trắng! Nếu có thì đã nắm được chìa khoá để đi vào Mầu Nhiệm Nước Trời.

  • Hạnh phúc của người môn đệ (cc 16-17).

Trong chiều hướng trên, ĐGS mặc khải hạnh phúc đích thật của người môn đệ không gì khác hơn là gặp gỡ và nghe ĐGS. Đó là điều mà các hiền nhân, ngôn sứ bao đời hằng mong đợi (x.Lc 2, 28-32, 36-38).

  1. Giải thích dụ ngôn (Mt 13, 18-23)

Vai chính: “ Người đi gieo giống” biến mất khỏi sân khấu.

“Hạt giống” không nằm ở vai chủ động nữa, ngay cả trong phần tích cực: không phải hạt giống sinh lợi gấp 100/60/30 nhưng là “KẺ” được 100/60/30.

Trong  dụ ngôn chính sự kiện gieo giống, nghĩa là hành động của Thiên Chúa trong lời rao giảng của ĐGS nằm hàng đầu. Trong khi ở đây, đó lại là cách thế đón nhận lời, là khía cạnh chủ quan, là lời đáp trả của mỗi người. Tâm điểm đã bị xê dịch: từ một giáo huấn về mầu nhiệm của một Đấng Mesia chịu thất bại về phưogn diện nhân loại trước khi đi đến thành công, người ta đi sang việc khuyến cáo đề phòng, sang lời huấn dụ hãy biết đón nhận sứ điệp Tin Mừng. Chiều kích luân lý được nhấn mạnh.

  1. Tóm kết:

Ngang qua dụ ngôn “Người gieo giống”, ĐGS công bố thời ân sủng cánh chung đã tới: Thiên Chúa đã tuôn ban ân huệ tối hậu, chung cuộc là Lời của Người Nhập Thể cho mọi người không trừ ai. Nước Trời đã đột nhập vào trần gian và đang biến đổi bộ mặt địa cầu. Tuy nhiên, phần mỗi người phải tích cực cộng tác với Lời để Mầu Nhiệm Nước Trời thực sự trở thành một thực tại hữu ích nơi mỗi cá nhân. Điều kiẹn để được thông hiệp vào Mầu Nhiệm Nước Trời là tin nhận, chịu làm môn đệ ĐGS.

Phần dụ ngôn là cái nhìn từ phía Thiên Chúa: Người bảo đảm cho kẻ tin rằng kết quả chung cuộc của Lời là chắc chắn và phong phú vượt bậc. Trong dự tính của Thiên Chúa, không ai bị loại khỏi Nước Trời. Những thất bại lẻ tẻ chỉ là giai đoạn phải qua để cuối cùng là một mùa bội thu chắc chắn.

Tuy nhiên, Thiên Chúa không áp đặt! Con người vẫn còn tự do lựa chọn. Phần giải thích dụ ngôn là cái nhìn ứng dụng nhằm giáo huấn con người về thái độ phải có trước mặc khải của Thiên Chúa. Mặc dù vụ mùa bội thu là điều chắc chắn, nhưng điều này không hề đảm bảo cho từng mảnh đất cũng sẽ bội thu. Số phận của mỗi mảnh đất là do tự mình quyết định. Mùa bội thu chung cuộc không miễn trừ trách nhiệm cá nhân, và sự trễ nải, hư đốn của cá nhân không đe doạ được vụ mùa bội thu chung cuộc.

Yếu tố then chốt để chắc chắn bội thu: làm môn đệ ĐGS. Đó là chân phúc của người môn đệ trước mọi sự thử thách gian nguy.

 Frère Pierre Đình Long FSC