CHÚA NHẬT XIV A THƯỜNG NIÊN

“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã…mặc khải cho những người bé mọn…Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,25-28).

Lời Chúa của Chúa Nhật Mùa Thường Niên XIV A mời chúng ta chung hưởng NIỀM VUI mà Chúa đã yêu thương, qua Đức Giêsu, ban tặng cho mỗi tín hữu và cho toàn dân Chúa. Nghe nói tới “niềm vui” thì ai cũng thích! Nhưng liệu “niềm vui” mà Chúa muốn ban tặng có thực sự là điều mà chúng ta ưa thích? Thái độ của chúng ta sẽ là thế nào khi đứng đối diện với cái “niềm vui” mà Lời Chúa mang đến? Và điều quan trọng hơn, đó là “niềm vui” ấy phải tồn tại trong ta, sinh hoa kết trái dồi dào trong ta, rồi lan tỏa trở thành “niềm vui” cho mọi người Chúa gởi đến cho ta. Trước tiên cần nhận diện, “niềm vui” mà Lời Chúa mang tới là “niềm vui” nào?

Trong Tin Mừng Luca, niềm vui “ngợi khen Cha” của Đức Giêsu được đặt trong khung cảnh phấn khởi vui tươi sau đợt đi thi hành sứ vụ của Nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ được thành công. Thật vậy để dọn đường cho sứ vụ của Đức Giêsu nơi những địa phương mà Người dự định tới rao giảng, Đức Giêsu đã gởi tới trước Nhóm Bảy Mươi Hai, cứ hai người một đi trước chuẩn bị…Và sứ vụ đã kết thúc với những thành quả tốt đẹp. Nhóm trở về HỚN HỞ khoe các thành công đã gặt hái được: “…cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (x.Lc 10,17-19). Tuy nhiên Đức Giêsu cảnh báo: “niềm vui” đích thực không phải là những thành công trước mắt, làm được một vài dấu lạ, mà là “niềm vui” người môn đệ được thông hiệp vào cộng đoàn cánh chung của Đức Giêsu: “hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (x.Lc 10,20). Chính trong bầu khí đầy phấn khởi ấy, Đức Giêsu đã HỚN HỞ, VUI MỪNG dâng lên Cha lời chúc tụng (Lc 10,21).

Ngược lại, trong Tin Mừng Mathêu, lời Đức Giêsu ca khen Cha được đặt trong một văn mạch bị chống đối. Thật vậy, trong Mathêu 10, Đức Giêsu nói thật cho môn đệ biết những khó khăn, thách đố, đòi hỏi của sứ vụ truyền giáo: môn đệ như chiên đi vào giữa bầy sói (x.Mt 10,16), phải từ bỏ, phải vác Thập Giá, phải dám mất mạng…(10,37-39); Tuy nhiên, môn đệ vẫn vững tin, đầy niềm vui an ủi vì trong môn đệ, Thánh Thần hiện diện, hành động, ứng phó (10,20) và nhất là được Đức Giêsu đồng hóa với Người và với Cha (10,40).

Vậy “niềm vui” của môn đệ – trong Mathêu lẫn Luca – không cốt yếu nằm ở nơi những thành công bên ngoài, trước mắt của công việc mình làm, không phải là những hả hê đắc chí vì con người, bản lĩnh của cá nhân hay phe nhóm được thể hiện; Nhưng đó là “niềm vui” được có Thiên Chúa ở cùng, biến con người môn đệ thành nơi chốn, dấu chỉ về sự hiện diện, đồng hành của Ba Ngôi Thiên Chúa ngay tại thế (x.Mt 10,20.40), đến độ một việc làm nhỏ bé tầm thường được làm “cho môn đệ” hay “trong tư cách môn đệ” đều được Thiên Chúa bảo đảm có giá trị cứu rỗi (x.Mt 25,34-35…).

Những gì Đức Giêsu chỉ mới báo trước trong bài giảng về sứ vụ, thì qua chương 11, Matthêu đã đưa ra hình ảnh minh họa sống động bằng chính cuộc đời của Gioan Tiền Hô:

  • Hoàn cảnh bên ngoài: Gioan Tẩy Giả bị ở tù vì đã can đảm sống theo đường công chính; Trong khi đó kẻ tội lỗi gian ác vẫn phây phây làm vua, cứ ngang nhiên giựt vợ của anh mình (x.Mt 14,3-5).

  • Các ngoại cảnh bất công ấy đã tác động mạnh đến nội tâm, tầm nhìn của Gioan; Cộng thêm thái độ sống hiền hòa, tha thứ của Đức Giêsu…đã khiến Gioan hoang mang; Không biết sứ điệp mình đã khổ công loan báo có đúng hay không? Vị Thẩm Phán công minh nghiêm khắc như ông đã khẳng định (x.Mt 3,10.12) đâu không thấy? Còn tội ác, bất công vẫn ngập tràn, người công chính bị hại…! Phải chăng ông đã lầm?

May thay, Gioan đã không quyết định theo cảm tính, tầm nhìn giới hạn của mình. Ông khiêm tốn chọn vị trí làm môn đệ trong tương quan với Đức Giêsu: dù bị tù, ông vẫn tiếp xúc với Đức Giêsu, ông sai hai môn đệ đến thỉnh ý Người. Chính trong cảnh tối tăm cả hồn lẫn xác đó, Gioan đã được Đức Giêsu tôn vinh. Ông đã làm mọi việc trong tư cách là người môn đệ, ông đã được Thiên Chúa (Đức Giêsu) tôn vinh ngay cả lúc ông đang ở dưới đáy vực tối tăm. Đó là “niềm vui” của Gioan, “niềm vui” Đức Giêsu phải lớn lên, còn ông phải nhỏ lại (x.Ga 3,29b-30).

Chính trong bối cảnh đó mà Tin Mừng Matthêu thuật lại lời ca khen Cha của Đức Giêsu. Thực ra lời của Đức Giêsu trong bài đọc Tin Mừng hôm nay gồm ba ý hướng khác nhau:

  1. Lời ngợi khen thờ lạy hướng trực tiếp về Cha (11,25-26).

  2. Mặc khải tương quan thần linh giữa Cha và Con; Qua đó Con có đủ tư cách, năng lực mặc khải Cha cho ai mà Người Con muốn (11,27).

  3. Từ đó mời thính giả hãy đến với Đức Giêsu và đón nhận “ÁCH” (tức mặc khải) của Người (11,28-30).

    NGỢI KHEN, THỜ LẠY Ý CHA (câu 25-26).

  • “Vào lúc ấy”: đó là thời kỳ khó khăn, cuối Matthêu 10 và đầu Matthêu 11 đã xác định như vậy. Thực tại trước mắt thì ta không thể thay đổi được; Vậy điều ta có thể làm là gì?

  • “lạy Cha…”: Đức Giêsu đã không thất vọng, Người chạy đến với Cha. Đây là sứ điệp trọng tâm mà Matthêu muốn gởi đến cho chúng ta khi phải đối đầu với các gian truân trong sứ mạng: – Gioan Tẩy Giả trong cảnh ngục tù đã chạy đến với Đức Giêsu; – Đức Giêsu chạy đến cùng CHA. Gioan còn hoang mang hỏi Đức Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến không hay chúng tôi còn phải đợi ai khác” (x.Mt 11,3). Còn Đức Giêsu thì hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Cha: “Con ngợi khen Cha!”; Đức Giêsu đọc được trong nghịch cảnh ý định, đường lối diệu kỳ của Cha: “vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (11,25b); và thờ lạy dự tính đó của Cha: “Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (11,26). Gioan đến với Đức Giêsu trong tâm trạng bất an, chao đảo; Còn Đức Giêsu đến với Cha trong tâm tình phó thác thờ lạy. Gioan đến với Đức Giêsu như một “thân chủ” đến xin tư vấn: học trò ông hỏi Đức Giêsu chỉ đơn giản bằng đại danh từ ngôi thứ hai số ít, dịch sát là “ông có phải là đấng phải đến…?”; Còn Đức Giêsu thân thưa với Thiên Chúa bằng danh từ “Bố ơi”, như một em bé đang tin cậy thỏ thẻ thưa chuyện với Ba của mình. Cho dù hoàn cảnh trái ngang, Đức Giêsu luôn xử sự như một người con thảo, hoàn toàn thần phục ý Cha.

  • “giấu bậc khôn ngoan thông thái, nhưng mạc khải cho kẻ bé mọn”: để hiểu câu trên có lẽ phải trở về vườn Eđen với hai cây biểu tượng: cây trường sinh và cây biết thiện ác. Ơn cứu độ, Nước Trời là ân huệ Thiên Chúa cho không được biểu lộ qua Cây Trường Sinh: con người chỉ cần đơn sơ như một em bé, Cha cho thì cứ nhận và thế là hạnh phúc. Tiếc thay Adam, Eva lại muốn ăn Trái Cấm, muốn tự mình hiểu biết làm chuẩn cho mình nên như thần linh (x.St 3,5) trở nên “tinh khôn”, thông minh thông thái (x.St 3,6); khốn thay, ăn vào là mất tất cả. Do đó, ai muốn chạy theo “tinh khôn” thì đã tự mình làm ra mù trước mặc khải của Thiên Chúa; Còn ai cứ đơn sơ đón nhận Trái Trường Sinh thì ngày sẽ càng đi sâu vào dự tính yêu thương của Thiên Chúa. Cuộc đời vua Salomon cũng là một minh họa cho Mt 11,25b: lúc mới lên ngôi, Salomon thấy mình chỉ là một “thanh niên bé nhỏ”, “không biết cầm quyền trị nước” (1V 3,7), do đó ông mới xin Chúa ơn “biết lắng nghe” và ơn “phân biệt phải trái” để hoàn tất sứ vụ làm vua mà Chúa đã trao (3,9), kết quả là ông có tất cả. Thế nhưng khi ông đã nổi danh thông minh hiểu biết và chạy theo những thứ đó thì cuối đời ông đã rơi vào sai trái.

Như vậy, cách nói “giấu hạng khôn ngoan…mặc khải cho kẻ bé mọn” không thể hiểu là Thiên Chúa thiên vị. Bởi vì ngay trước đó, trong Bài giảng về sứ vụ, Đức Giêsu đã buộc các môn đệ phải cộng khai loan Tin Mừng cho tất cả mọi người (x.Mt 10,26-27). Tuy nhiên những ai “tự nhốt” tâm hồn của họ trong cái “pháo đài” “khôn ngoan thông thái” do họ tạo ra đến độ không còn chỗ nào cho tha nhân, cho Lời Chúa thì quả thật mặc khải của Chúa đành đứng bên ngoài tâm hồn họ (giống như trường hợp anh biệt phái trong Lc 18,9-14: hồn anh đầy tràn “công chính” đến độ trào ứa ra bên ngoài bằng thái độ khinh dễ tha nhân và không cần cầu xin Thiên Chúa điều gì. Kết quả, anh ta không được công chính hóa). Còn kẻ bé mọn là những người có cõi lòng luôn rộng mở ra cho Thiên Chúa, phó thác, để Thiên Chúa xâm chiếm con người mình bằng các dự tính yêu thương từ ngàn đời của Thiên Chúa (như Đức Maria, Thánh Giuse). Họ luôn chạy đến cùng Chúa như trẻ thơ tìm nơi nương náu trong vòng tay yêu thương của cha mẹ.

  1. Tỏ lộ uy quyền thần linh của Người Con: “Cha tôi trao phó mọi sự cho tôi” (11,27a). Chính trong cảnh chống đối, Đức Giêsu bày tỏ uy quyền thần linh cho mọi người. Chi tiết này báo trước thời điểm mặc khải chung cuộc Người là Con Thiên Chúa ngay lúc gục đầu tắt thở trên cây Thập Giá (x.Mt 27,54; Mc 15,39). Trong giây phút lạ lùng ấy, nhóm được mặc khải về Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa lại là viên sĩ quan và đám lính Rôma đã đóng đinh Người (x.Mt 27,54).

Vậy điều mà Cha và Con muốn mặc khải cho nhân loại chính là cho họ biết Thiên Chúa chủ tể vũ hoàn là CHA và Đức Giêsu là CON và ơn cứu độ chính là cho họ thông hiệp với tương quan Cha – Con ấy của Thiên Chúa (x.Ga 17,3). Adam, Eva đã đòi làm chúa bằng cách khước từ ơn gọi làm người, kết quả là mất tất cả. Đức Giêsu đã hồi phục phẩm giá nhân loại bằng cách làm người cho đến cùng; chính khi đi đến tột cùng nỗi khốn cùng của nhân loại thì lúc ấy Mầu Nhiệm Thiên Chúa được tỏ lộ trọn vẹn cho con người và quyền năng thần linh cũng được biểu lộ nơi xác thân Giêsu nhân loại.

Chính vì thế lời tiếp theo Đức Giêsu ngỏ với nhân loại khổ đau là: 

  1. “Hãy đến cùng tôi”…“Hãy học với tôi”…:trong thân phận làm người bất lực, khổ đau…Đức Giêsu đã chạy đến với Cha, ca tụng đường lối của Cha, thờ lạy Ý Cha cho đến chết…Chính lúc đó Người được “nghỉ ngơi, bồi dưỡng”. Đức Giêsu mời nhân loại khổ đau hãy bắt chước Người, “vác Thập Giá của mình” mà theo Người. Đó chính là con đường hữu hiệu duy nhất đưa nhân loại đến ơn cứu độ.

Trong vườn Eđen đầy hạnh phúc, Adam lại đi vào cơn cám dỗ muốn “biết”, muốn “khôn ngoan thông thái” như Chúa, muốn tự mình giải quyết mọi vấn đề không cần đến Chúa…Rốt cuộc là mất tất cả, phải xấu hổ, sợ hãi trốn tránh Thiên Chúa; Nhân loại trầm luân!

Giờ đây Con Thiên Chúa đảm nhận phận làm người với tất cả những hậu quả đau thương đó, nỗ lực chiến đấu thắng vượt mọi cám dỗ để, trước mọi khó khăn, thay vì cho mình là “khôn ngoan thông thái” tự mình tìm giải pháp thì Đức Giêsu đã khiêm nhường, hiền hậu chạy đến trao phó mọi sự cho Cha, đón nhạn Ý Cha trong tâm tình ngợi khen, thờ lạy. Và nhân loại được hồi phục! Đức Giêsu đã mở ra con đường sống, mời nhân loại hãy như trẻ thơ đến với Thiên Chúa là Cha; hãy đến với Người (Đức Giêsu) để được nghỉ ngơi bồi dưỡng, mọi khổ nhục hãy phó thác cho Người. Phải can đảm nhìn nhận sự nhỏ bé, bất lực, vất vả, gánh nặng không sao đảm đương nổi của mình rồi “Hãy đến cùng Tôi…Hãy học với Tôi”…Học cái HIỀN HẬU, KHIÊM TỐN và sẵn sàng đón nhận cái ÁCH NHẸ NHÀNG của Tôi và tận hưởng hồng ân NGHỈ NGƠI BỒI DƯỠNG do Tôi mang tặng.

Frère Pierre Đình Long FSC