CHÚA NHẬT XIII C MÙA THƯỜNG NIÊN

1V 19, 16b. 19-21; Lc 9,51-62

Chủ đề: Ơn gọi và đáp trả: dứt khoát theo Thầy

* 1V 19,19b. 21b: Ông Elia ném tấm áo choàng của mình lên người ông Êlisa… và ông này đứng dậy đi theo Êlia.

* Lc 9, 57b.59a: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo” … Đức Giê su nói: “Anh hãy theo tôi!”

 Trong năm phụng vụ 2019, hôm nay là Chúa nhật XIII C, các bài đọc phụng vụ quay về lại với MùaThường Niên sau mùa Chay. Chúng ta tiếp tục bước theo Đức Giêsu trên lộ trình rao giảng công khai của Người. Theo Luca, Đức Giêsu bắt đầu cuộc hành trình tiến về Giêrusalem, vì ngày mà Người phải hoàn tất sứ vụ đã gần tới (x.Lc 9,51). Trên hành trình tiến về Giêrusalem, có nhiều người đi theo Đức Giêsu; Nhưng khi đến với Người, họ lại mang theo trên mình những ước vọng, dự tính của họ. Đức Giêsu phải chỉnh sửa và MỜI GỌI họ. Nói theo kiểu dân gian Việt Nam thì người ta muốn “Đi Tu”, còn Chúa thì Người lại muốn chúng ta “THEO CHÚA”.

 – Cách nói “Đi Tu” gợi lên rằng vai trò chủ động đến từ phía con người: con người có một ước muốn, một dự tính và rồi tìm cách, nỗ lực để thực hiện lý tưởng đã được mình vạch ra. Và dĩ nhiên sẽ thực hiện, sẽ tu theo kiểu của mình; và đích đến của “đi tu” là sự hoàn thiện bản thân theo lý tưởng, phương thức mà mình vạch ra. “Đi Tu” là đi tìm chính mình, tìm thể hiện mình!

 –  Còn trong ngôn ngữ đời tu Ki tô giáo, việc đi theo Chúa được diễn tả bằng từ “ƠN GỌI” và phần con người là lắng nghe và đáp trả lại lời Gọi Mời đó. Như vậy vai chủ động trong “ơn gọi” là Thiên Chúa: Chúa có một dự tính của Người và Người muốn mời nhân loại cộng tác với Người để hoàn tất dự tính thần linh ấy theo gương Đức Giêsu (x.Ga 20,21), và thực hiện với những PHƯƠNG TIỆN CHÚA BAN (x.1Pr 4,10-11); Và điểm đến là để “Ý CHA THỂ HIỆN” (x.Mt 6,10).

    Lời Chúa của Chúa Nhật XIII C Mùa Thường Niên đề cập đến chủ đề nói trên: ơn gọi đến từ Thiên Chúa và lời đáp trả từ phía con người. Để việc theo Chúa được nên trọn, để có được sự hài hòa giữa “ơn gọi” và “lời đáp” thì phần Thiên Chúa, Người sẽ chỉnh sửa não trạng người được gọi; phần người được gọi phải hoán cải, đón nhận dự tính của Thiên Chúa, và nhanh chóng đáp lời, đừng để bất kỳ một lý do phàm trần nào làm trậm trễ việc thi hành dự tính của Thiên Chúa, làm chùn bước việc theo Chúa.

    Bài đọc 1 kể lại chuyện ngôn sứ Elia kêu gọi Elisa bỏ mọi sự đi theo mình làm ngôn sứ của Chúa. Trước đó Elia đã rơi vào tâm trạng chán chường, thất vọng, xin Chúa cho được chết vì thấy mình bị kẻ thù Chúa truy đuổi, bách hại (x.1V19,4). Nhưng Thiên Chúa đã bồi dưỡng, vực ông dậy và cho gặp Người trên núi Khoreb (tức núi Sinai). Ông đã bỏ ý định tiêu cực của mình, vâng lệnh Thiên Chúa trở về thung lũng sông Giođan, tại thành Avên- Mơkhôla (1V19,16) để chọn gọi Elisa làm ngôn sứ kế tục sứ vụ của mình. Elisa lúc đó đang làm công việc thường ngày của một nông dân, cùng với gia đình canh tác đất đai. Elia không nói tiếng nào chỉ đi ngang qua và “ném tấm áo choàng của mình lên người ông Elisa”. Đó là dấu chỉ của một lời mời, một ơn gọi. Thật vậy, “áo choàng” là biểu tượng của năng lực sống, của sự sinh tồn mà ngày nay chúng ta gọi là linh đạo (x.Paroles sur le chemin C 1979 trang 328), nên khi “ném áo choàng của mình lên người Elisa” thì coi như ngôn sứ Elia đã thông truyền toàn bộ sứ vụ, thần lực của mình cho người môn đệ Elisa (x.1Sm 18,1.4; 2V 2, 10.13.14). Đó là tiếng gọi thần linh vì Elia đã làm điều ấy theo lệnh Thiên Chúa (x.1V 19,16b). Và thái độ đáp trả của Elisa thật tuyệt vời: hiểu ý thầy, Elisa mau chóng từ bỏ tất cả, đi theo thầy và trở nên ngôn sứ môn đệ kế nghiệp công trình của Elia theo dự tính của Chúa.

Bài đọc TiN Mừng gồm hai phần:

* Phần đầu là lời Đức Giêsu quở mắng thái độ bè phái hung hăng, cậy thế của hai tông đồ Giacôbê và Gioan: đòi “khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy” một làng của Samari vì dân ở đó không đón tiếp Đức Giêsu. Đó không phải là thái độ của người môn đệ.

* Phần thứ hai đi trực tiếp vào chủ đề “ơn gọi và đáp trả”. Nhưng điểm nhấn của Tin Mừng hôm nay là những đòi hỏi quyết liệt, dứt khoát của Đức Giêsu đối với những ai muốn theo làm môn đệ Người. Ba trường hợp cụ thể được nêu lên:

  1. Đối với những người muốn theo Đức Giêsu bất kỳ Người đi đâu thì Người đưa ra đòi hỏi là phải chấp nhận sự từ bỏ mà Người lữ hành, chấp nhận thân phận của các thừa sai di động không để bất kỳ một dính bén nào ràng buộc, níu giữ bước chân người đi loan báo Tin Mừng: “chồn có hang, chim có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu”.

  2. Đức Giêsu đi bước trước gọi mời: “anh hãy theo tôi!”. Anh ta xin được về “chôn cha” trước đã. Cách nói hàm ý là chờ anh ta về làm cho xong bổn phận chữ hiếu đối với cha mẹ; Rồi khi cha mẹ mãn phần, anh sẽ đến theo Đức Giêsu. Đức Giêsu đòi hỏi phải dành ưu tiên tuyệt đối cho sứ mạng “loan báo triều đại Thiên Chúa”.

  3. Còn đối với những kẻ muốn theo Người, nhưng xin về từ biệt gia đình trước đã. Đức Giêsu đòi người ấy “cầm cày rồi thì đừng ngoái lại đàng sau nữa”, hàm ý đừng lưu luyến bám víu vào những tương quan, giá trị của quá khứ nữa: Từ nay, người được gọi không còn biết một ai theo quan điểm loài người nữa …” người ấy đã là thọ mới (2Cr 5,16-17).

   Đức Giêsu đòi hỏi tuyệt đối như vậy là vì lợi ích cứu độ cho toàn nhân loại: qua sự đáp trả quyết liệt, người được gọi trở thành cánh tay nối dài của Đức Giêsu góp phần đưa công trình cứu độ của Chúa mau tới chỗ hoàn tất. Đáp lại lời mời gọi của Chúa cách tuyệt đối phải là chọn lựa ưu tiên của người môn đệ muốn theo Đức Giêsu.

Frères Đình Long FSC