CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH – năm C

Bài 1

Cv 15,1-2.22-29; Ga 14,23-29
Chủ đề: Vai trò Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo Hội

* Cv 15,28: Thánh Thần và chúng tôi quyết định: không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết.

* Ga 14,26: Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy… sẽ dạy anh em mọi điều.

Chúng ta bước vào Chúa Nhật VI C, Mùa Phục Sinh! Kể từ ngày đầu tiên Đấng Phục Sinh hiện ra cho Madalêna vào buổi sáng và Nhóm Mười môn đệ vào buổi chiều (x. Ga 20,11-23) thì hôm nay là ngày thứ 36. Thời gian mà Đấng Phục Sinh còn hiện diện giữa đoàn môn đệ sắp chấm dứt. Theo Cv 1,2-3 thì chỉ còn bốn ngày nữa, tức là vào thứ năm tới đây, Đấng Phục Sinh sẽ về trời, Đức Giêsu sẽ về lại cùng Cha. Giai đoạn sứ vụ công khai của Đức Giêsu trong xác phàm nhân hữu hạn đã hoàn tất. Một giai đoạn mới của lịch sử cứu độ bắt đầu! Giai đoạn mà đoàn môn đệ từ nay phải TỰ MÌNH (dĩ nhiên là với những hồng ân mà Đấng Phục Sinh sẽ trao ban, trang bị) đứng ra đảm nhận công cuộc mà Đấng Phục Sinh đã khởi sự trong giai đoạn Người đang tại thế.

Để chuẩn bị cho đoàn môn đệ đảm nhận hiệu quả sứ vụ thần linh lớn lao ấy, hồng ân lớn nhất mà Đấng Phục Sinh tuôn tràn trên họ là HỒNG ÂN THÁNH THẦN. Chính Thánh Thần sẽ đồng hành, hướng dẫn, sẽ cùng với đoàn môn đệ qua từng giai đoạn lịch sử cụ thể, đưa công trình cứu độ mà Đức Giêsu đã khởi công tới chỗ viên mãn.

Trong chiều hướng đó, Phụng vụ lời Chúa hôm nay trích lại một số lời tâm huyết cuối cùng của Đức Giêsu được Người ký thác lại cho đoàn môn đệ trong bữa TIỆC LY trước khi Người “được giương cao” (vừa ám chỉ thập giá, và Thăng Thiên: xem suy tư Tuần Trước Mùa Phục Sinh V C) ra đi về cùng Cha để dọn chỗ cho đoàn môn đệ (x. Ga 14,2).

Tin Mừng hôm nay đề cập đến ba hồng ân: – Hồng ân được Cha và Đức Giêsu đến ở lại với những ai yêu mến và giữ Lời dạy của Đức Giêsu (14,23-24) – Hồng ân Thánh Thần (14,26) – Hồng ân bình an (14,27). Tất cả là để chuẩn bị cho sứ vụ tương lai của đoàn môn đệ (14,29).

Phối hợp với bài đọc 1 thì hồng ân THÁNH THẦN là chủ đề chính trong Chúa Nhật hôm nay: VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẤN TRONG LÒNG GIÁO HỘI.

Tin Mừng hôm nay là trích đoạn những giây phút cuối cùng chan chứa tình yêu của Đức Giêsu với đoàn môn đệ: đó là bữa Tiệc Ly! Người đã rửa chân cho các môn đệ; đã loan báo sự bội phản của Giuđa và Phêrô; đã cho môn đệ biết ý nghĩa việc Người sắp ra đi và trấn an các ông (14,1-3); Nhưng các ông chưa hiểu nổi nên đã nêu lên cho Đức Giêsu ba câu hỏi. Bài đọc Tin Mừng hôm nay là BA lời đáp cho câu hỏi thứ ba. Đây là một mặc khải riêng cho đoàn môn đệ (x. 14,22): chỉ những ai thuộc về ĐÀN CHIÊN CỦA MỤC TỬ NHÂN LÀNH thì mới nghe, hiểu và đón nhận lời Người (x. 10,25-27).

– Lời thứ nhất: 14,23-25, Đức Giêsu mặc khải mối tương quan thân tình, gắn bó giữa đoàn môn đệ – là những kẻ yêu mến Người – với Chúa Cha và với Người: mối tương quan đó là TÌNH YÊU. Đối với môn đệ, tình yêu được biểu lộ qua việc tuân giữ các lời dạy của Đức Giêsu; Còn về phía Thiên Chúa, tình yêu được thể hiện qua việc “đến và ở lại” với môn đệ: “ai yêu mến Thầy sẽ GIỮ Lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ ĐẾN VÀ Ở LẠI với người ấy”.

– Lời thứ hai: 14,26 là lời hứa ban THÁNH THẦN. Thánh Thần là hồng ân Cha ban cho đoàn môn đệ nhờ Đức Giêsu xin (14,16). Vai trò của Thánh Thần là

  1. “Đấng Bảo Trợ”: paraklêtôs là trạng sư, người bào chữa. Một khi Đức Giêsu ra đi, các môn đệ sẽ bị thế gian thù ghét, tố cáo, bách hại… Người trấn an: đừng lo lắng phải ứng xử thế nào vì chính Thánh Thần sẽ nói trong môn đệ (x. Mt 10,17-20).

  2. Đấng Dạy Bảo: Thánh Thần sẽ nhắc lại cho môn đệ những gì Đức Giêsu đã nói và dạy thêm cho họ những điều mà lúc Đức Giêsu còn sinh tiền họ chưa kham nổi (x. 16,12-13). Như vậy mầu nhiệm BA NGÔI THIÊN CHÚA đã được mặc khải ở đây, cùng với mối tương quan mật thiết giữa Ba Ngôi với môn đệ. Tuy nhiên phải đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống thì đoàn môn đệ mới dần bước vào mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

– Lời thứ ba là lời trấn an: khích lệ đoàn môn đệ hãy vui mừng vì cuộc ra đi của Đức Giêsu ở đây là “đi về cùng Chúa Cha” (14,28) để dọn chỗ cho môn đệ hầu mong Thầy ở đâu thì trò cũng ở đó (14,2-3). Cuộc ra đi chuẩn bị cho ngày gia đình sum họp.

Vai trò của Chúa Thánh Thần được loan báo trong Tin Mừng đã có được một minh họa cụ thể đầy thuyết phục trong bài đọc 1. Thật vậy, bài đọc 1 trích Sách Công Vụ, thuật lại quyết định của Công Đồng Giêrusalem, sau cuộc họp bàn về vấn đề có nên buộc dân ngoại, muốn gia nhập Kitô giáo, phải chịu cắt bì và giữ luật Môsê hay không. Bởi vì có một số kitô hữu gốc Do Thái đòi buộc các anh em dân ngoại phải giữ Luật Môsê thì mới được ơn cứu độ. Phaolô và Barnaba chống đối quyết liệt lập trường đó. Cho nên vấn đề mới được đem đệ trình lên các tông đồ ở Giêrusalem xem xét.

Kết quả là một bức thư mục vụ đã ra đời, được các tông đồ gởi tới cho các tín hữu gốc dân ngoại ở Antiokia với nội dung chính như sau: “THÁNH THẦN và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm… Chúc anh em an mạnh”.

Quả thật, Chúa Thánh Thần luôn đồng hành, hoạt động hữu hiệu trong Giáo Hội và trong mỗi tín hữu. Hãy mở rộng cõi lòng để hồng ân Thánh Thần mà chúng ta nhận được trong ngày chịu bí tích Thêm Sức luôn sinh hoa trái dồi dào trong ta như lòng Chúa mong ước.

Bài 2

Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy (Ga 14, 23) … Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều… (Ga 14, 26)

 Lời Chúa hôm nay tiếp tục mời gọi chúng ta chiêm ngắm hoa trái của mầu nhiệm Phục Sinh, đó là sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa – Đức Giêsu – tín hữu.

Trong Chúa Nhật IV C, hình ảnh được dùng để diễn tả sự hiệp nhất là mối tương quan mật thiết giữa chiên và chủ chăn: Chủ đàn chiên là Thiên Chúa; Mục Tử đích thực và nhân lành là Đức Giêsu và chiên là tín hữu. Thiên Chúa ban đàn chiên cho Đức Giêsu; Đức Giêsu hết lòng chăm sóc, lo cho chiên có được sự sống đời đời; Chiên luôn an toàn hạnh phúc trong bàn tay che chở, giữ gìn của Cha và của Đức Giêsu; Đáp lại chiên biết, nghe và đi theo Đức Giêsu.

Biểu tượng được sử dụng trong Chúa Nhật V C để diễn tả sự hiệp nhất Cha – Con – tín hữu là việc tôn vinh nhau: đã đến giờ Con Người tôn vinh Thiên Chúa và cũng là giờ Thiên Chúa tôn vinh Con Người; Về phía đàn chiên, yếu tố Đức Giêsu ban cho chiên để tôn vinh chiên là “yêu nhau như Thầy”. Qua việc thi hành giới luật “yêu như Thầy”, Đức Giêsu và môn đệ tôn vinh nhau: người ta nhận biết hai bên là “Thầy – Trò” khi môn đệ “yêu như Thầy”.

Đến Chúa Nhật VI C, yếu tố diễn tả sự hiệp nhất Cha – Con – môn đệ là mối tương giao mật thiết “Ở LẠI TRONG”. Để diễn tả tình yêu “ở lại trong” đó, môn đệ giữ LỜI của Đức Giêsu; Đức Giêsu “ở lại trong” môn đệ bằng việc ban Lời cho họ (Luật “yêu như Thầy”) và Khi ấy Cha và Đức Giêsu sẽ chọn tâm hồn của người môn đệ làm nơi ngự trị của Thiên Chúa.

Đoàn chiên được hiệp thông vào mầu nhiệm “ở lại trong” với Thiên Chúa và với Đức Giêsu, đó là công trình của Chúa Thánh Thần là Đấng mà Đức Giêsu và Cha sẽ ban tặng cho họ để giúp họ thực sự HIỂU Lời của Đức Giêsu. Nhờ đó họ sẽ được bình an và vui mừng về việc Đức Giêsu “tạm vắng” về lại cùng Cha.

Mầu nhiệm “ở lại trong” được đề cập đến trong Tin Mừng đã được minh họa cụ thể trong đời sống Giáo Hội qua việc cộng đoàn các tín hữu tiên khởi đã đồng tâm nhất trí trong đời sống đức tin.

Công đồng Giêrusalem đã kết hợp hài hòa với nhau trong cùng một đức tin hai cách thức biểu lộ niềm tin của mình: cách thức sống đức tin Kitô giáo của các tín hữu gốc Do Thái (phải giữ luật Môsê); và cách thức của các tín hữu gốc dân ngoại (không buộc giữ luật Môsê). Đó là hoa trái của hồng ân Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…”.

BÀI ĐỌC I: Cv 15,1-2.22-29

Cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất (x. Cv 13,1 – 14,28) dù có gặp những gian truân nhưng cách chung là thành công tốt đẹp: thành lập được nhiều giáo đoàn dân ngoại với hàng kỳ mục coi sóc. Trong khi Phaolô và Barnaba về lại Antiokia (Syri) tạm nghỉ, thì xảy ra sự cố: có nhóm kitô hữu gốc Do Thái đến từ Giuđa rao giảng rằng dân ngoại muốn được cứu độ, gia nhập kitô giáo thì trước tiên cũng phải chịu phép cắt bì và giữ đúng mọi điều luật Môsê đã truyền dạy cho người Do Thái. Phaolô và Barnaba kịch liệt chống lại quan điểm đó. Cuối cùng giáo đoàn Antiokia đã cử hai ông cùng vài người lên Giêrusalem gặp các tông đồ và kỳ mục để xin lời giải đáp của các vị có thế giá (x. Cv 15,2). Hai ông được Giáo Hội Giêrusalem tiếp đón tử tế (Cv 15,4) nhưng ở đó vẫn có những người Do Thái chống đối các ông (Cv 15,5).

Các tông đồ và kỳ mục đã họp bàn cứu xét – Hai trụ cột của Giáo Hội Giêrusalem là Phêrô (Cv 15,7-12) và Giacôbê, anh em của Chúa (Cv 15,13-21) đã lên tiếng và kết quả là một quy chế cho các kitô hữu gốc dân ngoại đã ra đời (Cv 15,19-21).

Khi đã đạt được sự nhất trí tốt đẹp như thế, Giáo Hội Mẹ Giêrusalem đã cử đại diện chính thức của mình đi cùng với Phaolô và Barnaba đến gặp các tín hữu gốc dân ngoại ở Antiokia, mang theo bức thư chứa đựng những lời tâm huyết và các quyết định của công đồng Giêrusalem liên quan đến việc các anh em dân ngoại có phải giữ luật Do Thái trước khi được gia nhập kitô giáo hay không. Bài đọc 1 của Chúa Nhật VI C Mùa Phục Sinh trích từ nội dung của bức thư này.

Bức thư này là công trình hiệp nhất “ở lại trong” của Thánh Thần và của Giáo Hội; Bức thư đã hiệp nhất dân ngoại và Do Thái nên một trong Thiên Chúa và mang lại sự bình an cho tín hữu dân ngoại.

1/ Vấn đề nảy sinh khi Kitô giáo mở ra cho dân ngoại (Cv 15,1-2)

*Nơi chốn phát sinh vấn đề: Antiokia.

Đây là thủ phủ của tỉnh Syri thuộc đế quốc Rôma, là thành phố lớn thứ ba sau Rôma và Alexandria. Các kitô hữu gốc Do Thái nhưng theo văn hóa hi lạp đã đến đây để tránh cơn bách hại ở Giêrusalem (x. Cv 6,8 – 8,3). Tại đây Tin Mừng được loan báo cho người Do Thái lẫn dân ngoại. Các tín hữu gia tăng, và chính tại đây chứ không phải tại Giêrusalem mà căn tính kitô của các tín hữu đạo mới, được khẳng định: “…lần đầu tiên các môn đệ được gọi là kitô hữu” (Cv 11,26b) (x. CGKPV “Tân Ước” 1995 trang 537 nốt “u và x”)

*Nội dung vấn đề: “nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê thì anh em không thể được cứu độ” (Cv 15,1). Đó là luận cứ của một số kitô hữu gốc Do Thái ở Giuđa. Cụ thể họ đòi buộc dân ngoại phải giữ luật Do Thái mới được gia nhập kitô giáo. Theo luận cứ đó của họ thì việc tin vào Đức Giêsu không đủ để mang lại ơn cứu độ cho dân ngoại, nên họ phải bổ sung bằng việc giữ luật Do Thái.

Điều sai lầm là họ đã “nhốt” Đức Giêsu vào trong khung của lề luật Môsê. Họ quên mất rằng với đức tin của đạo mới này thì ơn cứu độ chỉ đến từ Đức Giêsu (x. Cv 4,12).

*Giải pháp của cộng đoàn Antiokia (Cv 15,2)

Phaolô và Barnaba cực lực chống lại quan điểm trên. Và để giải quyết vấn đề, việc cùng nhau lên Giêrusalem thỉnh ý các tông đồ và các kỳ mục ở đó là giải pháp tối ưu đã được mọi người nhất trí. Điều đó hàm ý rằng Giêrusalem là Giáo Hội Mẹ của các giáo hội vào thời đó. Quyết định của Giêrusalem có giá trị phổ quát cho toàn Giáo Hội.

Tuy nhiên, khác với Gl 2,1-2 đã trình bày việc lên Giêrusalem là sáng kiến của Phaolô được thúc đẩy dưới ánh sáng mặc khải của Thiên Chúa; còn trong Cv 15,2 Luca đã đặt Phaolô vào trong vận hành chung của Giáo Hội toàn thể, nên đã trình bày sáng kiến và quyết định đi lên Giêrusalem là của cộng đoàn Antiokia, còn Phaolô và Barnaba là những người được cộng đoàn sai đi.

2/ Giải quyết chung cuộc (Cv 15,22-29)

Bản văn phụng vụ, bài đọc 1, không trình bày diễn tiến và các chi tiết của cuộc họp công đồng: Cv 15,5-21. Phần được trích đọc hôm nay là quyết định chung cuộc của hội nghị do các tông đồ và kỳ mục soạn thảo thành một bức thơ gởi cho các tín hữu gốc dân ngoại ở Antiokia khẳng định tính cách duy nhất của đức tin kitô giáo.

*“các tông đồ và kỳ mục cùng với toàn thể Giáo Hội quyết định…” (c.22)

Cách nói trên làm lộ rõ nét sự đồng tâm nhất trí của cộng đoàn Giáo Hội Mẹ trong tương quan với cuộc sống nội bộ trong cộng đoàn, cũng như trong việc truyền giáo mở rộng “cánh cửa đức tin” đón nhận dân ngoại vào Giáo Hội. Đặc tích Giáo Hội duy nhất và tông truyền trong đức tin được nổi bật ở đây. Sự đồng tâm nhất trí này là công cuộc của Thánh Thần (x. Cv 15,28).

Toàn thể hội nghị nhất trí chọn đại biểu của Giáo Hội Mẹ, chính thức sai đi cùng với Phaolô và Barnaba, mang bức thư của các tông đồ và kỳ mục gởi cho tín hữu dân ngoại ở Antiokia.

Hai đại biểu là Giuđa và Sila (x. Sđd 551 nốt “s”). Cả hai đều được đặc ân ngôn sứ (15,32). Có thể họ là kỳ mục.

*Nội dung bức thư: phần chào thăm (15,23-27)

– ANH EM (brothers) tông đồ và kỳ mục gởi lời chào ANH EM (brothers) gốc dân ngoại: danh xưng được dùng ở đây để gọi nhau là “ANH EM”. Dân ngoại, Do Thái, tông đồ, kỳ mục hoặc tín hữu… đều là anh em trong Đức Kitô. Với công đồng này, tất cả mọi kỳ thị chính thức được xóa bỏ (x. Gl 3,28)

Khi các lãnh đạo ở Giêrusalem đã tự xưng mình là “anh em” và gọi các tín hữu Antiokia là “anh em” và viết thành văn bản là dấu rõ ràng, chắc chắn nhìn nhận sự bình đẳng, tình huynh đệ trong đức tin vô điều kiện. Trong c.25b, các vị xác nhận thêm Phaolô và Barnaba là những “anh em thân mến” của chúng tôi. Ý nghĩa của cách nói đó được Phaolô diễn tả rõ hơn trong Gl 2,9 hàm ý nói lên sự bình đẳng trong ơn gọi tông đồ và nhìn nhận lãnh vực hoạt động đặc biệt mà Thiên Chúa đã trao phó cho Phaolô và Barnaba.

Điều chỉnh những sai lầm trong quá khứ (c.24)

Trước tiên là xác nhận rằng những kẻ đã tuyên truyền những điều sai lạc trước đó đúng là người của Giáo Hội Giêrusalem

Tuy nhiên họ không hề được các lãnh đạo có trách nhiệm ủy nhiệm, và những gì họ tuyên bố là không đúng, gây xáo trộn hoang mang.

Câu 24 cho thấy thời nào, nội bộ Giáo Hội cũng có những phần tử quá khích, suy tư lệch lạc, làm việc tùy tiện không theo kỷ luật chung.

– Nhìn nhận công khai tư cách tông đồ của Phaolô và Barnaba: các tông đồ gọi hai ông là những người “anh em rất thân mến của chúng tôi”; Đồng thời nhìn nhận giá trị tông truyền của những công cuộc mà hai ông đã thực hiện: hai ông là “những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giêsu”.

Câu 26 trên vừa diễn đạt tính liên đới, lòng tin tưởng của các tông đồ đối với Phaolô và Barnaba; vừa trân trọng những công lao, nguy khốn mà hai ông đã trải qua trong cuộc truyền giáo lần 1.

*Nội dung chính của thư: quy chế cho các kitô hữu gốc dân ngoại

Cội nguồn thần linh của quyết định của các tông đồ: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định” (c.28a). Đứng trước một vấn đề hoàn toàn mới mẻ vừa phát sinh (15,5), các tông đồ và kỳ mục đã họp nhau lại, gặp gỡ, lắng nghe nhau, tham gia để biện phân đâu là Ý Chúa trong trường hợp mới mẻ này (15,6). Các ông không làm chỉ riêng với sức con người mà là hiệp hành cùng với Thánh Linh vì thế kết quả là công trình của “Thánh Thần và chúng tôi”. Những quyết định được Công Đồng nhất trí không phải là những giải pháp phàm nhân, nhất thời để đối phó với những tình huống bất ngờ đang xảy ra, mà là công trình của Thiên Chúa do Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội để thiết lập một đàn chiên duy nhất dưới quyền một chủ chăn duy nhất.

Thánh Thần được Đấng Phục Sinh trao ban, giờ đang hoạt động hữu hiệu, biểu lộ quyền năng của Người nơi các tông đồ. Qua và với hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi họ, các tông đồ khẳng định quyền tối thượng, tính chuẩn mực của các quyết định tông đồ trong Giáo Hội về mặt đức tin và luân lý. Quyền năng các ông nhận được từ Đấng Phục Sinh và được Thánh Thần linh hứng trợ lực (CGKPV “Tân Ước” 1995; trang 551 nốt “v”).

– Quyết định nền: “… không đặt lên vai anh em (dân ngoại) một gánh nặng nào khác…” (c.28) nghĩa là các kitô hữu gốc dân ngoại không bị buộc phải giữ Luật Môsê. Dân ngoại được mời gọi “vâng phục Tin Mừng”, “thuộc về Đức Kitô” trong tư cách họ là dân ngoại (x. Rm 1,5-6).

Tuy nhiên dân Do Thái lẫn dân ngoại đều là Dân Chúa, con cái Chúa, do đó trong một chừng mực nào đó cũng phải có một số tiếng nói chung”.

Kiêng ăn đồ cúng: “Ăn” nói lên thái độ hiệp thông. Ăn đồ gì của ai là tiếp nhận sự sống từ người ấy. Vậy “ăn đồ cúng” đồng nghĩa với thờ ngẫu tượng (x. 1Cr 10,21). Vậy ăn trong một nghi thức tôn giáo thờ tự là hoàn toàn cấm. Vì khi tham gia nghi thức tế tự tôn giáo nghĩa là đã nhìn nhận ngẫu tượng như thần linh; còn nếu từ chối tham gia nghĩa là không nhìn nhận ngẫu tượng đó, do đó cái mà kẻ mê tín gọi là “đồ cúng” thì thực chất không phải là “đồ cúng”. Đây là nền tảng lập luận của Phaolô để giải quyết một vấn đề tế nhị đó là: Thời các tông đồ, thịt cúng sau đó được bán ngoài chợ. Có được mua về ăn không? Bạn hữu dân ngoại mời ăn tiệc tại nhà họ, có được ăn thịt họ đã cúng riêng không? Phaolô trả lời trong 1Cr 10,25-27: cứ ăn; tuy nhiên phải lưu ý tới đức ái, đức tin còn yếu kém của kẻ khác (x. 1Cr 10,28; 8,10-13)

Kiêng kỵ máu: vì máu là biểu tượng sự sống dành riêng cho Thiên Chúa (Lv 17,11a). Đây là những Luật do thái giáo (Lv 17,11; 19,26).

Tránh gian dâm: có thể hiểu nhiều cách:

– Quan hệ tính dục ngoài hôn nhân (1Cr 5,1; 6.13.18…). Có một nguy cơ trong cộng đồng dân ngoại: xem tính dục như một nhu cầu của thể xác (1Cr 6,12.13 và chú thích k trang 676 sđd)

– Những điều cấm trong Lv 18

– Mại dâm tôn giáo.

Ba điều cấm trên thực ra có những nét trùng hợp với luật tự nhiên và luật Môsê. Tuy nhiên, ở đây giá trị pháp lý của chúng có được trên các Kitô hữu gốc dân ngoại là do bởi đó là quyết định của công đồng, của các tông đồ.

TÓM KẾT

Bài 1 thuật lại một biến cố quan trọng mở đường cho sự tự do gia nhập Kitô giáo của các dân ngoại mà không cần phải thông qua cơ chế Do Thái giáo; biến cố làm nổi bật tính phổ quát, công giáo, tông truyền của Giáo Hội: một quy chế cho các Kitô hữu gốc dân ngoại đã được định hình thành văn bản, được các đại biểu chính thức của các tông đồ tuyên đọc và giải thích cho các tín hữu Kitô gốc dân ngoại.

Đây là công trình hiệp nhất tuyệt vời của Chúa Thánh Thần liên kết Do Thái, dân ngoại thành một trong niềm tin vào Đức Giêsu phục sinh. Với quyết định cởi mở, sáng suốt của các tông đồ, Giáo Hội xuất hiện như một thực thể mới, độc lập với Do Thái giáo, được canh tân toàn diện mở ra cho toàn thế giới.

Đấng Phục Sinh, Chúa Thánh Thần và quyền uy tông đồ là nền tảng cho thực thể mới này, sẽ mang lại ơn cứu độ đích thực, chung cuộc cho nhân loại.

TIN MỪNG: Ga 14,23-29

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay được trích từ phần đầu (Ga 13,31 – 14,31) của bài diễn từ cuối cùng của Đức Giêsu (Ga 13 – 18). Sau khi loan báo cho các môn đệ việc Người phải ra đi và để lại cho môn đệ giới luật “yêu như Thầy” để làm giềng mối hiệp nhất trong cộng đoàn và làm dấu chứng cho thiên hạ nhận ra môn đệ Chúa (13,31-35: Tin Mừng tuần trước), Đức Giêsu loan báo việc Phêrô sẽ ba lần chối Thầy (13,36-38), và cũng cho các môn đệ biết ý nghĩa của việc ra đi của Người là để dọn chỗ cho môn đệ rồi Người sẽ trở lại để đón họ (14,1-4). Từ những lời tâm huyết ấy ba môn đệ đã nêu lên ba câu hỏi:

  • Liên quan đến nơi chốn Người sắp tới và con đường Người sắp đi. Đây là câu hỏi của Tôma (14,5).

  • Liên quan tới việc “xin được thấy Cha” của Philipphê (14,8)

  • Liên quan tới lý do Đức Giêsu chỉ tỏ mình cho môn đệ chứ không cho tất cả thế giới của Giuđa (14,22)

Tin Mừng hôm nay chính là lời đáp của Đức Giêsu cho Giuđa.

1/ Yếu tố liên kết Cha – Đức Giêsu – môn đệ (Ga 14,23-24)

*Đó chính là LÒNG MẾN! Đây là phần trả lời của Đức Giêsu cho câu hỏi của Giuđa ở câu 22: “tại sao Đức Giêsu lại chỉ tỏ mình cho môn đệ mà không cho cả thế gian?”.

ở Ga 10,25-27, Đức Giêsu đã trả lời cho người Do Thái khi họ xin Người nói rõ cho họ về căn tính Mêsia của Người: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không chịu tin…”. Lý do là vì họ không thuộc về đàn chiên của Người.

Vậy Người chỉ TỎ MÌNH ra cho môn đệ vì môn đệ là chiên của Người. Tuy nhiên ở Ga 14,23-24 thì thay vì trả lời trực tiếp cho câu hỏi “tỏ mình ra cho CHÚNG CON” bằng ngôi hai số nhiều “Thầy tỏ mình ta cho ANH EM vì anh em yêu mến và giữ lời Thầy” thì Đức Giêsu thay chữ ANH EM (ngôi hai số nhiều) thành đại danh từ AI (ngôi ba): “AI yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”.

Vậy lời đáp này không chỉ nhắm vào Nhóm Môn Đệ đang có mặt tại bữa Tiệc Ly, mà nhắm tới tất cả các môn đệ mọi thời. Trước khi ra đi, Đức Giêsu muốn các môn đệ phải tiếp tục công cuộc của Người đón nhận các con chiên còn tản mác quy tụ về đàn chiên của Người, phải ban quyền được làm chiên của Chúa cho mọi người: Thầy đã rửa chân cho anh em thì anh em phải rửa chân cho nhau.

*Dấu chỉ giúp nhận ra chiên của Thầy là “yêu như Thầy” (x. Chúa Nhật trước). Đó là lời mà Đức Giêsu truyền cho môn đệ. Như vậy về phần các môn đệ, dấu chỉ biểu lộ mối tình “yêu như Thầy” là “GIỮ LỜI THẦY”: “ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy” (c.23a). “Giữ lời Thầy” là cách người môn đệ biểu lộ tình yêu đối với Thầy.

Vậy việc “giữ lời”, tuân thủ Luật nơi người môn đệ là không do sợ hãi hay bị ép buộc, mà là vì tình yêu, “yêu mến Thầy”

*Đáp lại tình yêu của người môn đệ, Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu đến và “Ở LẠI TRONG” người môn đệ. Trong đoạn văn này, cách thức Thiên Chúa biểu lộ tình yêu đối với môn đệ là đến cư ngụ, ở trong người môn đệ, nhờ đó thân phận làm người của môn đệ trở thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa.

Như vậy yếu tố nối kết Cha – Con – môn đệ là lòng mến. Một tình yêu phát xuất từ Cha làm cho con người được hiệp thông vào sự hiệp nhất của Thiên Chúa ngang qua và nhờ lời của Đức Giêsu.

2/ Tác nhân hiệp nhất (Ga 14,25-26)

Những gì Đức Giêsu mặc khải trong lúc sinh tiền, các môn đệ chưa đủ sức để hiểu hết. Sự hiện diện hữu hình của Đức Giêsu lắm khi lại là điểm Ỷ LẠI của đoàn môn đệ, khiến họ thiếu tinh thần trách nhiệm và không đi sâu được vào mặc khải của Thiên Chúa. Đức Giêsu cần phải ra đi để đoàn môn đệ buộc phải lớn lên. Nhưng Người không bỏ mặc họ “bơi một mình”: Người sẽ ban cho họ một Đấng Bảo Trợ, là Thánh Thần, giúp họ khám phá ra sứ điệp thần linh ẩn chứa bên trong các Lời của Đức Giêsu.

*Đấng Bảo Trợ: “Parakletôs” gồm “para” = “ở bên cạnh” và “kletôs” = “người được mời gọi đến”. Vậy “Đấng Bảo Trợ” là người được mời gọi đến đứng bên cạnh tội nhân để bênh vực, biện hộ. Trước tòa nếu có một nhân vật thế giá, được mọi người kính phục, đến đứng cạnh người bị cáo, thì tình hình tòa án đổi khác: bị cáo sẽ được an tâm hơn, vì có người bênh vực cho mình; quan tòa sẽ nể nang hoặc xét xử khoan hồng hơn. Nhân vật ấy là Parakletôs. Ông Đaniel là Parakletôs của bà Suzanna (Đn 13,45-63); Đức Giêsu là Parakletôs của người phụ nữ ngoại tình (Ga 7,53 – 8,11). Và cũng như vậy, trước tòa án thế gian, Thánh Thần sẽ là Parakletôs của người tín hữu. (Hoàng Minh Tuấn Cssr – Đọc Tin Mừng theo Yoan tập V 2004 trang 379).

Trước đó, trong Ga 14,16, Thánh Thần được gọi là “Đấng Bảo Trợ khác”, nghĩa là Đức Giêsu là Đấng Bảo Trợ số 1. Lâu nay Đức Giêsu vẫn đồng hành hữu hình với môn đệ, mọi gian nguy, sự cố đều do Người đứng mũi chịu sào; nay sắp ra đi, thương “đoàn con bé nhỏ” (13,33) phải một mình đương đầu với đường thập giá, nên Đức Giêsu mới xin Cha cho họ một “Đấng Bảo Trợ khác” luôn ở trong các môn đệ (14,17) nhờ vậy họ không mồ côi, đơn độc (14,18) và Cha – Đức Giêsu – và môn đệ vẫn luôn ở trong nhau (14,20). Vậy Đức Giêsu báo trước Thánh Thần là Đấng tiếp tục sứ vụ thần linh của Đức Giêsu tại thế, Đấng được “sai đến nhân danh Đức Giêsu”. Qua Thánh Thần, mầu nhiệm Emmanuel vẫn tiếp tục cách trọn vẹn và vĩnh tồn nơi kẻ tin, dù Đức Giêsu không còn hiện diện hữu hình.

*Vai trò cụ thể của Thánh Thần: ở đây nói đến hai vai trò: dạy và làm nhớ lại: Theo từ vựng Tin Mừng 4, “nhớ lại” là hồi tưởng lại những biến cố trước đó của Đức Giêsu lúc sinh thời và được thấu hiểu ý nghĩa thâm sâu của chúng (x. 2,17.22; 12,16). Nhờ đó trở thành chứng nhân cho Đức Giêsu, trở nên kẻ giữ Lời.

Còn Chúa Thánh Thần sẽ “dạy”? Thật sự Chúa Thánh Thần không mặc khải gì thêm. Tất cả những gì cần nói, Thiên Chúa đã tỏ lộ hết nơi Đức Giêsu. Chúa Thánh Thần chỉ lấy những gì của Đức Giêsu mà loan báo cho môn đệ thôi: x. 16,12-15. Chỉ có một mặc khải duy nhất.

3/ Di sản trước lúc ra đi (c.27): “Thầy ĐỂ LẠI … ThẦY BAN cho anh em BÌNH AN CỦA THẦY”. Điều mà Đức Giêsu muốn để lại cho môn đệ là BÌNH AN CỦA THẨY. Không phải là thứ bình an thời vụ, nhất thời do những yếu tố bên ngoài đem đến; Nhưng đó là bình an nội tại gắn liền với thân phận làm người của Đức Giêsu: cái bình an đã giúp cho Đức Giêsu dám từ bỏ vinh dự đồng hàng với Thiên Chúa (Pl 2,6-7), dám nhận phận làm người, giúp Người thắng được những xao xuyến do Thập Giá gây ra, giúp Người dám xin đón nhận Ý Cha hơn là làm theo ý mình; đó là cái bình an thúc đẩy Đức Giêsu dám yêu đến cùng kể cả yêu “kẻ thù”, xin tha cho chúng, xin Cha cứu chúng. Cái bình an không vì lợi ích, sự an ổn cho bản thân mà vì lợi ích ơn cứu độ cho mọi người. Đó là cái bình an giúp Đức Giêsu luôn cùng làm việc với Cha (Ga 5,17), giúp Người nhận ra và thể hiện chân lý “Tôi và Cha là một” (Ga 10,30), đến độ “ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Vậy cũng như “yêu như Thầy” thì “bình an của Thầy” cũng là tác nhân hiệp nhất, là yếu tố biến thập giá án phạt thành Thập Giá cứu độ, xây dựng con đường dẫn nhân loại về với Chúa.

Vậy khi “để lại cho”, “ban cho” môn đệ giới răn “yêu như Thầy”, sự “bình an của Thầy”, Đức Giêsu muốn các môn đệ là cánh tay nối dài của Người, tiếp tục công trình của Người cách hữu hình trên dương thế; Để rồi cái chóp đỉnh mà Đức Giêsu mong môn đệ đạt tới như Người đã đạt là “Cha – Con – môn đệ nên một” (x. Ga 17,20-26), tất cả là vì ơn cứu độ thế giới (17,21b)

Tạm kết luận: “bình an của Thầy” là một hồng ân thần linh được Đức Giêsu trong thân phận làm người mang đến trần gian để nhờ đó, nơi bản thân phàm nhân của Người, Thiên Chúa đưa công trình cứu độ đến chỗ hoàn tất. Giờ đây Người sắp về lại cùng Cha, trong khi đó công trình cứu độ chưa hoàn tất trọn vẹn, nên Đức Giêsu trước khi ra đi đã ĐỂ LẠI, đã BAN CHO các môn đệ, trang bị cho môn đệ “vũ khí” thần linh này trong cuộc chiến đấu khốc liệt với ác thần (Ga 17,15b), nhờ đó đoàn môn đệ luôn vững tâm dấn thân tìm kiếm và hết lòng tuân hành Thánh Ý Thiên Chúa trước mọi biến cố của cuộc đời, bất chấp những thiệt thòi về mặt trần thế và nhất là nhờ đó người môn đệ thấy mình nên giống Đức Giêsu và được Ba Ngôi đến ngự trong và kết hiệp nên một với mình.

Nhìn dưới góc nhìn của người môn đệ, “bình an của Thầy” đã trở nên một trạng thái nội tâm của người môn đệ: người môn đệ biết mình được yêu mến, được thông hiệp vào sự sống Ba Ngôi, được thông dự vào sứ mạng thần linh của Chúa đến độ thân phận phàm nhân yếu hèn của mình lại được Chúa chọn làm nơi Ba Ngôi hiển lộ quyền năng cứu độ thế giới.

Vậy “bình an của Thầy” là một ân huệ thần linh mà Đức Giêsu trang bị cho đoàn môn đệ thúc đẩy các ông dấn thân chiến đấu không khoan nhượng, chứ không phải để an hưởng, nghỉ ngơi. Nhờ bình an đó mà tín hữu mọi thời dám làm chứng cho Đức Giêsu phục sinh, dám ra đi loan Tin Mừng đến tận cùng trái đất và nhất là có đủ điều kiện để mỗi tín hữu trở nên một “Giêsu – mới” cho nhân loại mọi thời, mọi nơi.

4/ Báo trước cuộc ra đi (Ga 14,28-29)

*Thầy ra đi và ĐẾN cùng anh em: báo trước một biến cố tương lai gần là Thập Giá (ra đi) và phục sinh (hiện đến với đoàn môn đệ); Đồng thời cũng mặc khải biến cố cánh chung: thăng thiên (ra đi) và quang lâm (trở lại) (xem Cv 1,9-11).

*Mục đích báo trước: để khi Thập Giá xảy đến, các môn đệ tin rằng đó chính là con đường được Thiên Chúa và Đức Giêsu mở ra để Ba Ngôi đến tỏ mình cho môn đệ, vĩnh cư trong môn đệ. Vậy sự ra đi thể lý của Đức Giêsu là cửa ngõ để Ba Ngôi đến vĩnh cư nơi môn đệ; Xác phàm nên Đền Thờ của Thiên Chúa.

TÓM KẾT

Đức Giêsu phải ra đi vì đó là Ý Cha, là điều cần thiết để chương trình cứu độ đạt mức viên mãn. Các môn đệ mất đi sự hiện diện hữu hình của Đức Giêsu, nhưng lại có được sự ở lại của cả Ba Ngôi trong cung lòng họ. Đây là sự hiện diện vĩnh viễn. Nhờ đó họ đi sâu hơn vào huyền nhiệm của Thiên Chúa dưới sự dìu dắt của Chúa Thánh Thần, nhờ đó môn đệ đạt được sự bình an mà Đấng Phục Sinh muốn trao ban cho họ, đồng thời biết được Cha và sống kết hiệp với Ba Ngôi ngay trong con người của họ tại thế này. Ý Thiên Chúa là vậy. Nhưng thực tế là Đức Giêsu sắp ra đi. Các môn đệ phải khủng hoảng. Đức Giêsu chuẩn bị trước cho họ mọi điều để khi sự việc xảy ra họ không hoảng sợ mà vẫn kiên trì trong đức tin, vẫn giữ lời Thầy vẫn là Đền Thờ cho Thiên Chúa đến “ở lại trong”, ngự trị.

SUY NIỆM BỔ SUNG
Bài đọc 1: Cv 15, 1-2

* Những người từ miền Giuđê (15,1a): Đây có lẽ là các tư tế (6,7) hoặc biệt phái (15,5) đã tin theo Chúa Kitô.

*Cắt bì là nghi thức gia nhập dân Thiên Chúa, ai không cắt bì sẽ bị loại khỏi dòng họ (St 17,9-14). Vào giai đoạn khủng hoảng lưu đày, cùng với luật sach dơ, và luật giữ ngày Sabát, cắt bì trở thành một yếu tố chính để xác định căn tính dân tộc và tôn giáo của người Do Thái, đó cũng là điều kiện để được hưởng ơn cứu độ thời Mêsia. Và chính qua con đường trung thành giữ Luật Môsê mà các Kitô hữu gốc Do Thái đã nhận ra và tin Đức Giêsu. Từ kinh nghiệm tốt đẹp ấy của bản thân và của dân tộc lẫn đạo giáo, các Kitô hữu gốc Do Thái đã nghĩ rằng đó cũng là lộ trình mà các dân ngoại cũng phải đi để đạt tới đức tin vào Đức Giêsu là Đấng Mêsia, ĐỨC CHÚA

Rồi vì quá tự hào mình là Dân Chúa, quá quen đề cao luật Môsê, họ vẫn tiếp tục giữ những thói quen của đạo cũ cho dù không phù hợp nữa với tinh thần đạo mới chẳng hạn như không vào nhà, không đồng bàn với những người không cắt bì (x. Cv 11,2-3 so với Gl 2,11-12). Từ đó kéo theo nhiều vấn đề xã hội, phụng tự: trong một cộng đoàn Kitô, vừa có người Do Thái, vừa có dân ngoại, làm sao các Kitô hữu của 2 giới có thể đồng bàn khi tham dự nghi lễ bẻ bánh?

Để giải quyết vấn đề này, thay vì khiêm tốn nhận giới hạn của Luật Môsê, bỏ đi những phần tập tục cũ không phù hợp để sống tinh thần mới của Đức Giêsu thì họ lại đòi phải “Do Thái hoá” các dân ngoại muốn gia nhập Kitô giáo.

Điều sai lầm là họ đã “nhốt” Đức Giêsu vào trong khung của Lề Luật Môsê. Họ quên mất rằng với đức tin của đạo mới này thì ơn cứu độ chỉ đến từ Đức Giêsu (Cv 4,12).

TIN MỪNG: Ga 14, 23-29

* TỎ MÌNH:  Ở câu 22, “tỏ mình” có nghĩa là bày tỏ vinh quang cách công khai, như trong các cuộc thần hiện hay thắng trận để khuất phục mọi người (x. Ga 7,3-4); còn các môn đệ sẽ được vinh dự ngồi hai bên tả hữu, xét xử các chi tộc lẫn chư dân. Đó là một ước vọng thiên sai kiểu trần thế. Não trạng này kéo dài đến cuối đời Đức Giêsu (x. Lc 22,24), thậm chí đến cả sau Phục Sinh (Cv 1,6-7).

Đức Giêsu phải điều chỉnh lại. Câu đáp Ga 14,23-24 cho thấy tỏ mình là đưa kẻ tin vào trong mối thân tình sâu xa: nhận biết, yêu mến, ở lại trong Thiên Chúa; vì vậy việc tỏ mình chỉ thực hiện cho môn đệ là những người có lòng mến, muốn mở lòng đón nhận đường lối của Thiên Chúa (14,31; 1,12..)

Như vậy, phía Giuđa, câu hỏi của ông biểu lộ khát vọng cho mong Mêsia, một Mêsia trần thế của Israel và là Đấng thống trị chư quốc. Vì thế ông mới ngạc nhiên tại sao Thầy chỉ tỏ mình cho nhóm nhỏ. Trong khi đó phần Đức Giêsu thì điều Người muốn tỏ mình là con đường cứu độ, phục vụ, thập giá của Người. Do đó điều lớn lao nhất mà Chúa muốn tỏ lộ chính là tình yêu của Cha đối với môn đệ và cụ thể là Cha – Con sẽ đến cư ngụ trong người đó. Vì ơn cứu độ không gì khác hơn là “nhận biết Cha và Đức Giêsu” (17,3) và sự hiệp nhất nên một giữa Cha – Con – và môn đệ (17,21). Câu 16 Chúa Thánh Thần cùng ở với. Vậy cả Ba Ngôi đến ở với môn đệ.

Vậy Đức Giêsu tỏ mình cho môn đệ tức là biến môn đệ thành Đền Thờ, thành nơi Cha – Con và cả Thánh Thần (c. 26) đến ngự. Môn đệ trở nên dấu hiệu Thiên Chúa hiện diện ở trần thế, môn đệ là nơi lưu giữ và thông truyền Lời Chúa.

* Lời đáp: Thay vì trả lời trực tiếp cho Giuđa “Thầy tỏ mình ra cho ANH EM vì anh em yêu mến và giữ lời Thầy …”, Đức Giêsu đã tổng quát hoá câu đáp bằng đại từ “AI”. Lời đáp này là cho môn đệ mọi thời.

“Giữ Lời” là cách môn đệ biểu lộ tình yêu đối với Thầy. Ở đây “Giữ Lời” không nên hạn hẹp trong vấn đề luân lý, đạo đức, pháp lý liên quan đến các giới răn, những quy định. Lời Thầy chính là Lời thần linh, Lời của Thiên Chúa. Môn đệ phải làm sao cho tính thần linh, tính linh ứng của Lời mà Thầy trao cho anh em luôn luôn toả sáng. Đừng nhốt Lời Chúa chỉ trong lời phàm nhân, đừng đồng hoá Lời thần linh vào những ứng dụng thực hành sơ cứng. Vậy “Giữ Lời” có thể hiểu là đón nhận, gìn giữ, sống và lưu truyền cách trung thực mặc khải của Thiên Chúa, giúp cho nhân loại mọi thời mọi nơi, mọi nền văn hoá đều có thể sống sung mãn những mặc khải của Theien Chúa đặc biệt là những mặc khải qua Đức Kitô.

* Lời thần linh: Lời môn đệ nghe là Lời thần linh (24cdđ): “… là Lời của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”. Hàm ý những gì Đức Giêsu nói đây là mặc khải từ muôn đời đã có trong ý định của Thiên Chúa.

* Đang khi còn ở với: Trong văn mạch của bữa tiệc ly, cách nói trên hàm ý Đức Giêsu bảo Người sắp ra đi. Nhưng Đức Giêsu sắp ra đi lại là điều may cho các tông đồ lẫn cho chúng ta. Bởi vì trong thân phận con người, những gì Đức Giêsu dạy, các môn đệ chỉ nghe hời hợt, tâm trí họ lại chậm chạp, lại còn bị ảnh hưởng lệch lạc về quan niệm Mêsia nên họ không đi vào chiều sâu của mặc khải. Cần phải có một sự can thiệp thần linh tự bên trong: đó là công trình của Chúa Thánh Thần

Trong bối cảnh của mùa Phục Sinh, chi tiết này giúp khẳng định thêm rằng việc tiếp xúc thể lý, gặp Đức Giêsu lịch sử là không cần thiết để đi vào chiều sâu của mặc khải. Còn về ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta hôm nay không thua gì các tông đồ.

* Thầy để lại bình an: Sau khi đã an bài mọi sự, Đức Giêsu có thể giã từ họ theo tập tục của người Do Thái, với lời chào: Shalom! bình an! Điều vượt hơn của Đức Giêsu ở đây là “ban” bình an thay vì chỉ “chúc” như phàm nhân thường làm với nhau. Điều này hé mở Người là Thiên Chúa; và bình an của Người chính là niềm xác tín của môn đệ tin chắc “Cha – Con – Thánh Thần ở trong môn đệ”. Nhờ vậy những chống đối từ bên ngoài, kể cả sự vắng mặt thể lý của Đức Giêsu không còn là điều đáng sợ nữa.

* Thầy ban không như thế gian ban: Cách thức thế gian ban bình an là làm sao cho đối tượng thoát khỏi những lo âu, xáo trộn, nghịch cảnh … được sống an nhàn, thụ hưởng các tiện nghi trần thế. Trái cách thức Đức Giêsu ban bình an là đẩy môn đệ vào cuộc chiến không khoan nhượng với thế gian, chấp nhận mọi thua thiệt miễn sao thế nhân được hưởng ơn cứu độ; là lao vào cuộc chiến mà Đức Giêsu đã khởi sự và đã đi cho đến tận thập giá. Thật vậy, lúc sắp đuơng đầu với âu lo thập giá, Đức Giêsu đã xin Cha không đem môn đệ ra khỏi thế gian (17,15a) mà trong đó họ sẽ gặp đầy gian nan khốn khó (16,33); và rồi khi đã Phục Sinh, Người thúc họ nhập cuộc (20,21b): thay vì dùng quyền năng Phục Sinh để an định mọi sự, Người chỉ trao Thánh Thần và quyền tha thứ để các ông chiến đấu (20,22-23), tiếp tục con đường thập giá của Người, để rồi cái chóp đỉnh mà Người mong môn đệ đạt tới là Cha – Con – môn đệ được nên một (17,20-26), tất cả vì ơn cứu độ thế giới (17,21b).

Từ đó tạm kết luận bình an là một hồng ân thần linh được Đức Giêsu thông ban, trang bị cho môn đệ trong cuộc chiến đấu khốc liệt với ác thần (x. 17,15b), nhờ đó người môn đệ luôn vững tâm dấn thân tìm kiếm và hết lòng tuân hành thánh ý Thiên Chúa trước mọi biến cố của cuộc đời, bất chấp những thiệt thòi về mặt trần thế và nhất là nhờ đó người môn đệ thấy mình nên giống Đức Giêsu.

Và dưới góc nhìn từ phía môn đệ, bình an là trạng thái nội tâm của người môn đệ biết mình được yêu mến, được thông hiệp vào sự sống Ba Ngôi, được thông dự vào sứ mạng thần linh đến độ con người mình chính là nơi Ba Ngôi biểu lộ quyền năng cứu độ thế giới.

Tóm lại bình an Chúa ban là một hồng ân dấn thân chiến đấu không khoan nhượng, chứ không phải để an hưởng nghỉ ngơi. Nhờ bình an đó mà tín hữu mọi thời dám làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh, dám loan Tin Mừng đến tận cùng cõi đất, dám làm Giêsu mới cho nhân loại mọi thời, mọi nơi.

* Báo trước cuộc ra đi và cho biết ý nghĩa (14, 27-29)

Việc Đức Giêsu báo trước cuộc ra đi của Người đã khiến cho các môn đệ âu lo, xao xuyến (14,1a), nên Người đã phải trấn an, giải thích ý nghĩa cuộc ra đi của Người: đi để dọn chỗ cho họ và rồi sẽ trở lại (14,1b-3). Câu 27d và 28a là lặp lại ý của đầu chương 14 tạo thành một bao hàm cho 3 câu hỏi của môn đệ.

“Ra đi và đến”: Phối hợp với c. 23, mục đích của ra đi là chuẩn bị cho việc Cha – Con và Thánh Thần cùng đến cư ngụ trong môn đệ. Ở cc. 2-3, Đức Giêsu nói Người đi để dọn chỗ cho môn đệ. Thật ra “nhà Cha có nhiều chỗ ở” cần gì phải dọn; Vậy “dọn chỗ” ở đây có nghĩa là Đức Giêsu phải ra đi trước đã thì Đấng Bảo Trợ mới đến dọn lòng môn đệ hiểu lời Đức Giêsu, thành nơi giữ Lời, thành Đền Thờ của Ba Ngôi. Vậy sự ra đi thể lý của Đức Giêsu là cửa ngõ để Ba Ngôi cùng đến vĩnh cư trong môn đệ.

Nếu anh em yêu mến… Đây là lời Đức Giêsu trách các môn đệ, vì lẽ ra các ông phải vui mừng vì việc Người ra đi. Ở đây các ông lại buồn phiền, đó là dấu chỉ các ông còn thiếu lòng mến đối với Đức Giêsu

Tại sao không vui mừng là thiếu lòng mến đối với Đức Giêsu? Vì ra đi có nghĩa là Đức Giêsu đến với Cha.

Đến với Cha là để được Cha tôn vinh (17,1) vì đã hoàn tất chương trình Cha trao phó (17,4). Cha tôn vinh bằng cách ban cho Người (tức Đức Giêsu bao gồm thiên và nhân tính) vinh quang mà Người “vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (17,5: ám chỉ vinh quang thần tính). Nói cách khác qua việc ra đi, nhân tính Đức Giêsu được Cha đưa vào vinh quang thần linh.

Qua thái độ buồn sầu, môn đệ muốn Đức Giêsu đừng ra đi, nghĩa là muốn giữ Người ở lại mãi trong xác phàm giới hạn, vinh quang thần linh bị che lấp. Rõ ràng một tình yêu như thế là không trọn và ích kỷ.

Cha cao trọng hơn Thầy là cách nói trình bày tương quan Ba Ngôi trong mặc khải tiệm tiến theo dòng lịch sử cứu độ chứ không trong bản tính nội tại của Ba Ngôi. Đức Giêsu đảm nhận trong dòng lịch sử cứu độ vai trò nhập thể mang xác phàm nhân, không khư khư dành quyền ngang hàng với Thiên Chúa (x. P1 2,6-8). Trong giai đoạn này Đức Giêsu tạm kém cả các thiên thần (x. Dt 2,7-9); Để rồi khi hoàn tất giai đoạn ấy, về lại với Cha, Đức Giêsu lại biểu lộ vinh quang TC trọn vẹn như thuở ban đầu và còn thông ban luôn thiên tính cho nhân tính nữa. Vậy đây là cách trình bày mầu nhiệm Ba Ngôi cho môn đệ trong giai đoạn chưa có thể nói hết ngay được tất cả sự thật cho họ. Phải đợi Chúa Thánh Thần và qua dòng thời gian, mầu nhiệm mới được lộ rõ cho môn đệ qua công thức Ba Ngôi Một Chúa.

Mục đích: Báo trước cuộc ra đi là để khi thập giá xảy đến, các môn để tin rằng đó chính là con đường được Đức Giêsu mở ra để BA NGÔI tỏ mình cho môn đệ, đến vĩnh cư trong môn đệ.

Frère Pierre Đình Long FSC