CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – năm A

“Thầy đi dọn chỗ cho anh em (Ga 14,2c)…để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó (14,3đ)…Chính Thầy là con đường…(14,6a)…Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (14,9đ).

Tin Mừng hôm nay tiếp tục chủ đề của Tin Mừng Chúa Nhật trước: Đức Giêsu là Đấng Trung Gian mà là trung gian DUY NHẤT đưa nhân loại đến với Chúa Cha: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Để diễn tả vai trò trung gian, tuần trước Đức Giêsu dùng hình ảnh CỬA: “cửa của các con chiên”. Tuần này hình ảnh minh họa là CON ĐƯỜNG. Cũng như “cửa”, “con đường” không là một phương tiện vật chất mà là cách nói diễn tả một mối tương giao: “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9đ). Câu nói trên diễn tả một tương quan mật thiết, nên một giữa Cha và Con (x.Ga 10,30 và chú thích “l” của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ “Tân Ước” 1994); Đức Giêsu là hình ảnh đích thực của Thiên Chúa vô hình (x.St 1,26-27; x.Cl 1,15 và chú thích “u” “x” sđd). Đức Giêsu là nguyên mẫu mô phạm cho nhân tính của chúng ta.

Tin Mừng hôm nay trích từ cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và các môn đệ trong bầu khí ảm đạm, nặng nề của bữa Tiệc Ly (x.Ga 13,1-14,31). Sau việc rửa chân cho môn đệ, Đức Giêsu loan báo việc Giuđa bán Thầy và Phêrô chối Thầy (x.13,21-28). Tiếp đó, Đức Giêsu giải thích ý nghĩa việc rửa chân và việc Người sắp ra đi; Đó là một biến cố đáng sợ khiến Người phải xao xuyến (14,1) và Lc 22,44 còn cho thấy tầm mức khủng khiếp của cơn xao xuyến ấy; Đức Giêsu đổ mồ hôi máu. Tuy nhiên đó lại là con đường cứu độ nên Đức Giêsu mời các môn đệ hãy tin tưởng vào Người và vào Thiên Chúa (x.14,16). Trong bầu khí lúc đó, Đức Giêsu mời môn đệ TIN điều gì?

Tin rằng cuộc “ra đi” của Người không phải là một thất bại mà là một cuộc về quê trước, dọn chỗ đón người thân. Như vậy, Đức Giêsu hồi hương không chỉ đơn độc một mình (lúc nhập thể, Người vào trần thế chỉ một mình), nhưng hồi hương với toàn thể nhân loại đã được cứu chuộc (x.Ep 4,8), Người đi trước dọn chỗ cho chúng ta…để Người ở đâu, chúng ta cũng ở đó (Ga 14,3).

Vì thế đối với người Công giáo, chết là về nhà Cha, An tâm về nhà Cha vì nhà Cha có nhiều chỗ ở (14,2a) và Đức Giêsu hứa rằng các chỗ đó là dành cho chúng ta và Người đi trước để dọn chỗ (14,2b). Đón nhận Thập Giá là hành động quyết liệt của Đức Giêsu đưa tay dẫn dắt đàn em trở về nhà Cha. Dấu chỉ mở rộng cửa đón chào là RỬA CHÂN cho môn đệ; Rửa chân cả cho kẻ phản bội, lẫn kẻ sẽ chối Thầy, không loại trừ ai; Kẻ bội phản cũng được dự phần Thánh Thể (x.Ga 14,38 so với Lc 22,19-23). Theo tập tục Do Thái, Rửa chân cho ai là có ý mời vào nhà và sau đó là bữa ăn nói lên tình huynh đệ (x.St 18,4; 24,31-32;Tl 19,21). Đức Giêsu biết rằng Người sắp về nhà Cha; Với tư cách là Con, là chủ nhà, Đức Giêsu muốn mời môn đệ về nhà mình, và dấu chỉ bảo đảm cho lời mời là Rửa Chân và Bữa Ăn Thánh Thể.

Tuy nhiên trước khi được Chúa Thánh Thần hiện xuống thì các môn đệ khó lòng hiểu hết được ngôn từ, cử chỉ của Đưc Giêsu. Do đó khi Đức Giêsu nói “Và Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi” (14,4), thì các môn đệ bắt đầu thắc mắc: Họ nêu lên ba câu hỏi (14,5.8.22); Bài đọc Tin Mừng hôm nay trích đọc hỏi đáp của hai thắc mắc đầu (14,1-12). Nội dung chính là vai trò trung gian duy nhất của Đức Giêsu đưa môn đệ đến được với Cha: Đức Giêsu là con đường; và môn đệ nhận ra được Cha là nhờ thấy Đức Giêsu. Về phần các môn đệ, điều Đức Giêsu đòi hỏi là TIN. Thật vậy ở đoạn ngắn ngủi này động từ tin lập lại sáu lần (câu 1: hai lần; câu 10; câu 11, hai lần; câu 12). Và cả đoạn văn đóng khung trong chữ TIN. Và nội dung mà Đức Giêsu đòi các môn đệ phải tin là những điều gì? Đó là tin vào sứ điệp Người đã bày tỏ trong Ga 14,2-3; Và trong lời đáp cho Tôma và Philipphê, Đức Giêsu khẳng định lại Người chính là trung gian nối kết môn đệ với Cha:

  1. Thầy là “con đường”: “con đường” là phương tiện giúp đưa ai đó đến một mục đích. Cùng đích mà Đức Giêsu muốn đưa chúng ta, là kẻ tin vào Người, đến là Chúa Cha. Với nhân tính Phục Sinh, Đức Giêsu đã khai thông con đường đưa nhân loại về lại với Cha. Và còn tuyệt vời hơn nữa, việc đến được với Cha đã được thực hiện “NGAY BÂY GIỜ”, Đức Giêsu khẳng định như vậy (x.Ga 14,7) vì  “Chúa Giêsu ngự trị lòng ta – luôn luôn”, do đó con người chúng ta, nơi ta đang sống trở thành nơi ta gặp Cha (x.Mt 28,20b; Ga 14,20; 15,4a).

  2. Thầy là sự thật: 

    Việc Đức Giêsu là “con đường” đua chúng ta về lại Quê Trời, về lại với Cha cũng đã được tiên báo trước bởi hai thực tại Cựu Ước:

    1/ Thiên Chúa Giavê, ngang qua Hòm Bia và Áng Mây cột lửa đã đồng hành với dân, dẫn đường cho dân về tới Đất Hứa. Và người đưa dân vào chiếm Đất Hứa tên là Giôsuê, tiếng hi lạp là Giêsu (x.Ban Tự Vựng Công Giáo, “Từ điển Công Giáo “IOSUE”).

    2/ Thời hồi hương, đưa dân về lại Đất Hứa sau Lưu Đày, Giavê truyền cho dân hãy “mở một CON ĐƯỜNG cho Giavê” (x.Is 40,3) để đón Chúa đến cứu dân. Và người đưa dân hồi hương, tái thiết là một THƯỢNG TẾ cũng mang tên Giôsuê.

Đích thân Thiên Chúa đã hoàn tất những điều trên trọn vẹn cho dân trong dòng lịch sử.

Và giờ đây, với lần can thiệp quyết liệt, cùng với một con người tên là “Giosuê = Giêsu”, Thiên Chúa đưa nhân loại về lại với Chúa. Đó là dự tính của Chúa.

Vậy khi mặc khải “Thầy là SỰ THẬT”, Đức Giêsu không nói đến một khái niệm triết lý, một ý tưởng, mà Người mời gọi các môn đệ (đang sắp cùng Người đương đầu với Thập Giá) hãy chiêm ngắm đường lối làm việc của Thiên Chúa trong dòng lịch sử, với các kết quả thật tuyệt vời nhưng quá LẠ LÙNG vượt mọi tưởng tượng, mơ ước của loài người, để tin rằng Thiên Chúa sắp hoàn tất lần chung cuộc trong Đức Giêsu.

Vậy đây là một mặc khải ĐỨC TIN, mời môn đệ TIN vào Đức Giêsu cũng như xưa kia lúc dân còn nô lệ ở Ai Cập, còn lưu đày ở Babylon (với một tâm tình tưởng chừng là tuyệt vọng) thì Thiên Chúa đã can thiệp theo cách của Chúa để cứu dân. Tất cả đều là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa, dân chỉ đáp lại bằng TIN rồi làm theo. Vậy tin “Đức Giêsu là SỰ THẬT” có nghĩa là tin Thiên Chúa chắc chắn hoàn tất dự tính cứu độ của Chúa trong Đức Giêsu đặc biệt qua Thập Giá và Phục Sinh mà Đức Giêsu sắp hoàn tất. TIN “Đức Giêsu là SỰ THẬT” có nghĩa là xác tín rằng con người của Đức Giêsu là sự hoàn tất trọn vẹn công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. Nơi Thập Giá Đức Giêsu “mọi sự đã hoàn tất” (x.Ga 19,30).
3. Thầy là SỰ SỐNG: cũng vậy đây là một mặc khải thần linh và Đức Giêsu mời môn đệ hãy tin. Đức Giêsu nói lời mặc khải này đang lúc còn ở trong xác phàm đầy giới hạn. Một xác phàm sắp chết, sắp bị đóng đinh. Với cái chết, trong phận con người, mọi sự đều khép lại. Nhưng ở đây, Đức Giêsu hiểu rõ ý nghĩa cái chết của Người: Người về nhà Cha để dọn chỗ cho môn đệ, họ sẽ vĩnh viễn hưởng chân phúc với Người (Ga 14,2-3). Thật vậy, với nhân tính đã phục sinh, Đức Giêsu nâng môn đệ lên hàng “anh em của Thầy =adelphous mu” (x.Ga 20,17; trong Ga 15,15 môn đệ được nâng lên hàng bạn hữu). Thiên Chúa của Đức Giêsu cũng là Thiên Chúa của họ, Cha của Đức Giêsu cũng là Cha của họ (x.Ga 20,17b). Đức Giêsu đưa nhân loại vào sự sống thần linh! Đức Giêsu công bố SỰ THẬT này ngay lúc Người còn trong nhân tính hữu hạn. Điều đó hàm ý chính nhân tính hữu hạn đó – sau phục sinh – sẽ đưa nhân loại vào sự sống thần linh, vĩnh cửu. Khi nói “Thầy là sự sống”, Đức Giêsu mời môn đệ tin vào sự thật đó.

4. “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”: một lần nữa, Đức Giêsu mời môn đệ thay đổi lăng kính nhìn: thay cái nhìn xác phàm bằng cái nhìn đức tin. Đây là một cảm thức đức tin ngang qua một kinh nghiệm sống đích thân, liên kết vận mạng của mình với Đức Giêsu. Chúng ta có được một minh họa tuyệt vời về cảm thức đức tin nơi anh mù bẩm sinh ở Gioan chương 9: mời đọc lại những lời tuyên tín của anh: Ga 9,25.30-33.35-38).

Vậy vấn đề không phải là thấy bằng mắt xác thịt mà bằng ĐỨC TIN. Các người được Đấng Phục Sinh hiện ra chỉ nhận ra Người khi được Người mở mắt đức tin…Và đỉnh cao của đức tin phục sinh không muốn nhắm vào một sự kiện Chúa sống lại, mà nhấn vào một tương quan nhận ra Người là CHÚA (x.Ga 20,28). Như vậy tất cả những gì Người đã mặc khải lúc còn trong xác phàm là ĐÚNG (x.Ga 10,30). Vậy thân phận làm người hèn yếu của chúng ta – nhờ kết hợp với nhân tính phục sinh của Đức Giêsu – là phương tiện tuyệt vời Chúa đưa ta về với Chúa, và còn hơn nữa được Chúa đồng hóa với chính Người (x.Ga 10,30; Mt 25,40.45). Đó là đức tin của chúng ta.

Frère Pierre Đình Long FSC