CHÚA NHẬT THỨ III THƯỜNG NIÊN NĂM C

Lc 1,1-4; 4,14-21.

 Thánh sử Luca là người Hy Lạp, không phải là người Do Thái, tức là người ngoại. Ngài không phải  là tông đồ, cũng không phải là môn đệ của Chúa Giêsu. Vì  ngài không được trực tiếp nghe lời Chúa dạy, thấy điều Chúa làm, thế nên việc trở lại, tìm về đức tin của ngài là một quá trình cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự.(Lc1,3). Ngài cân nhắc, xem xét những tài liệu có giá trị hầu đem lại lợi ích cho những người ngoại giáo trở lại như ngài.Thánh nhân đề tặng cuốn Tin Mừng thứ ba và cuốn Công Vụ Tông Đồ cho Thê-ô-phi-lô, một người chưa biết đạo. Có thể hiểu là ngài cũng đề tặng cho mỗi người chúng ta, những người dân ngoại.

     Ngài còn là một thầy thuốc. Những dụ ngôn của Chúa Giêsu mà ngài thuật lại trong Tin Mừng thứ ba cũng như giọng văn của ngài phản ánh rõ nét “ lương y như từ mẫu” của ngài. Nhờ đó chúng ta có được những mặc khải sống động về một Thiên Chúa tình yêu, về lòng thương xót của Thiên Chúa nhân lành.

      Nếu thánh Gioan tường thuật  về thời kỳ đi rao giảng công khai của Chúa Giêsu bằng dấu lạ đầu tiên, biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana (Chúa nhật thứ 2 Thường Niên Năm C), thì thánh Luca lại cho thấy việc đầu tiên Chúa Giêsu thực hiện là trở về miền Galilê để rao giảng. Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Người giảng dạy trong các hội đường.(Lc 4, 14-15).

      Cả nước chỉ có một đền thờ  ở Giêrusalem. Người Do Thái chỉ lên đền thờ dự lễ một vài dịp lễ lớn trong năm; Nhưng tại mỗi làng, mỗi địa phương đều có hội đường. Ngày sabát dân chúng tụ tập trong hội đường để nghe đọc và giải thích lề luật và sách các tiên tri. Người Do Thái trưởng thành nào cũng có quyền được phát biểu trong hội đường, nhưng những người coi sóc hội đường thường hay  trao cho những người hiểu biết Kinh Thánh hướng dẫn, giải thích. (x. Cv 13,15).

      Tin mừng thứ ba cho biết Chúa Giêsu thường giảng dạy trong các hội đường (Lc 4,15.16; Lc 6,6). Cũng có khi Chúa giảng dạy trong đền thờ (Lc 19,47; 20,1).

Hôm nay Chúa vào hội đường Nazareth, người ta trao cho Chúa cuốn sách ngôn sứ Isaia. Ngài mở ra gặp đoạn chép rằng:

 Thần khí Chúa ngự trên tôi,
 vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
 để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
 Người đã sai tôi đi công bố
 cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
 cho người mù biết họ được sáng mắt,
 trả lại tự do cho người bị áp bức,
 công bố một năm hồng ân của Chúa.(Lc 4, 18-19) .

Thánh Luca thuật lại Chúa mở ra và gặp đoạn Isaia 61,1-2 này.

Đây là đoạn kế tiếp của lần đọc trước hay là đoạn Chúa Giêsu ngẫu nhiên lật trúng? Thánh sử dùng chữ gặp ở đây, cho thấy Chúa Giêsu đã không chọn và không sửa soạn trước, nhưng đã gặp. Phải chăng có sự sắp xếp của Thiên Chúa để ám chỉ sứ mệnh của Đấng Mêsia. Ngài đến để làm trọn lời Kinh Thánh.

     Trong hội đường Nazareth, nguyên quán của Ngài, Chúa Giêsu đã bày tỏ  cho mọi người biết Ngài  là Đấng được Thiên Chúa xức dầu và được sai đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tấm lòng tan nát, giải phóng những kẻ bị giam cầm, làm cho người mù được sáng, trả lại tự do cho những người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa. Ngài khẳng định Ngài là Đấng Mêsia.

      Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe. (Lc 4,21).Thời cứu độ đã bắt đầu.

      Chúa Giêsu đã làm ứng nghiệm lời các tiên tri nói về Ngài từ hàng trăm năm trước. Suốt thời gian Chúa Giêsu sống và rao giảng, Ngài đã thực hiện lời các tiên tri:  Ngài đã làm phép lạ, đã giải thoát những người bị quỷ ám, chữa lành tất cả những bệnh tật. Ngài đã khoan dung, tha thứ cho những người tội lỗi. Ngài đã hòa đồng với những người hèn hạ, nghèo khó nhất. Ngài dạy bác ái, yêu thương, ngay cả với kẻ thù. Đó là bằng chứng Đức Kitô là Đấng Thiên Chúa sai đến, Ngài thật là Con Thiên Chúa. Những điều đó cho chúng ta thấy, hôm nay đây, lời ngôn sứ Isaia đã loan báo trước, được ứng nghiệm đầy đủ nơi Chúa Giêsu. Ngài là Đấng Cứu Thế, Đấng Thiên Sai, đến để thi hành sứ mệnh của Thiên Chúa.

      Chúa Kitô đã trao sứ mệnh của Ngài cho Giáo Hội. Suốt trong lịch sử, Giáo Hội luôn ý thức và thực hiện sứ mệnh này. Nơi nào Tin Mừng được rao giảng, các công trình thờ tự, giáo dục và xã hội cũng đều được triển khai: Các thánh đường, các trường học, các bệnh viện, các cô nhi viện, các trại phong cùi, trại tế bần, trại dưỡng lão…được thành lập. Sứ mệnh của Chúa Giêsu cũng là sứ mệnh của Giáo hội mọi thời đại. Ngày nay sứ mệnh này còn khẩn thiết hơn .

     Qua Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được xức dầu, được Chúa cho thông phần vào ba chức năng: Ngôn sứ; Tư tế và Vương đế. Loan báo Lời Chúa, tôn thờ Thiên Chúa và điều hành, xếp đặt công việc gia đình và xã hội. Trong ba chức năng đó, chức năng ngôn sứ đứng hàng đầu. Chức năng ngôn sứ không phải chỉ là rao giảng bằng lời nói xuông mà còn bằng chính cuộc sống hàng ngày của chúng ta, như đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắn nhủ:

Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng… Vì vậy, chính bằng cách xử thế, bằng đời sống mà Giáo Hội sẽ rao giảng Tin Mừng cho thế giới, nghĩa là bằng chứng tá đời sống trung thành với Đức Kitô, sống nghèo khó và từ bỏ, sống không lệ thuộc vào các quyền lực thế gian, tắt một lời, chính bằng đời sống thánh thiện mà Giáo Hội rao giảng Tin Mừng”.

( Tông huấn Loan báo Tin Mừng  Evangelii Nuntiandi số 41)

      Có thể nói, sống trọn vẹn chức năng ngôn sứ là đã chu toàn cả 3 chức năng trên.

     Mẹ Teresa Calcutta nhắn nhủ các nữ tu của mẹ:

“Nếu chúng ta trung thành thực thi nhiệm vụ của người môn đệ Chúa Kitô như trong Tin Mừng, thì lời tiên tri Isaia hôm nay cũng được ứng nghiệm, năm hồng ân của Chúa hôm nay đã được công bố và nước Thiên Chúa đã hiện diện giữa chúng ta ngay từ bây giờ.

Thiên Chúa vẫn mãi yêu thương thế gian và Ngài sai chị em chúng ta ra đi biểu lộ tình yêu và lòng thương xót của Ngài đối với người nghèo”.

     Trong một xã hội  duy vật và phi nhân, Chúa cần chúng ta  tiếp tục sứ mệnh của Chúa. Chúa cần chúng ta là chứng nhân cho tình yêu của Chúa, cho lòng thương xót của Chúa. Hãy yêu thương, hãy phục vụ anh em, nhất là những người đau khổ, nghèo khó.

     Trong cơn đại dịch lần thứ tư bùng phát tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, chính lòng yêu thương, sự chăm sóc của các linh mục, tu sĩ, các thiện nguyện viên, các ân nhân dành cho bệnh nhân Covid 19 đã tiếp tục sứ mệnh của Thiên Chúa, đã là chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa.

     Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ mình là Kitô hữu. Xin cho chúng con luôn ý thức 3 chức năng của Bí tích Rửa Tội, để chúng con luôn tiếp nối sứ mệnh của Chúa.

 Nguyễn Đức Lân