CHÚA NHẬT THỨ II PHỤC SINH NĂM A

BÌNH AN CHO ANH EM (Ga 20,19-31)

        Đoạn tin mừng Ga 20,1-9 được đọc trong chúa nhật mừng Chúa Phục Sinh cả 3 năm A,B,C. Cũng vậy, đoạn tin mừng chúa nhật hôm nay Ga 20, 19- 31 được đọc trong chúa nhật thứ II Phục Sinh cả ba năm A,B,C. Điều này cho thấy hai đoạn tin mừng này thật ý nghĩa và quan trọng.

          Tâm trạng của các môn đệ lúc này như gà phải cáo: “…nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái…” (Ga 20,19). Rõ ràng Thầy đã chết thảm thiết, người ta đã chôn, tảng đá lớn đã lấp kín mộ, đã được niêm phong.Vậy mà giờ Thầy lại đứng giữa đây, không gõ cửa và cũng chẳng ai mở cửa. Làm sao không hoảng sợ ?

          Trước kia Chúa đã dặn dò các môn đệ vào nhà nào trước tiên anh em hãy chúc bình  an cho họ. Nay, gặp lại các môn đệ, hai lần Thầy chúc Bình an cho anh em (Ga 20,19.21). Điều các môn đệ đang thiếu, đang cần. Chính Chúa phục sinh đã đem lại bình an và niềm vui (Ga 20,20) cho các môn đệ.

          Và cũng ngay khi phục sinh, Chúa Giê su đã sai các môn đệ tiếp tục sứ mệnh của Ngài, sứ mệnh Ngài đã lãnh nhận nơi Chúa Cha: Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em (Ga 20,21).Thế nhưng, sau biến cố Tử nạn của Chúa, các môn đệ như người mất hồn và vì thế Chúa phải ban Thánh Thần: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (20,22).

          Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, con người cũng chỉ là bụi đất. Chỉ khi Thiên Chúa thổi sinh khí vào lỗ mũi, con người  mới trở nên sinh vật. (St 2,7). Nay, khi Chúa thổi hơi vào các môn đệ và nói Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (20,22), các môn đệ mới tìm lại hồn đã mất và mới trở nên mạnh dạn, mới ra đi rao giảng. Đây chính là cuộc tạo thành mới do Đức Kitô phục sinh thực hiện, nhờ Thánh Thần, trong các môn đệ và qua các môn đệ. Các ông cũng được thông quyền ban sự sống cho những ai tin vào lời rao giảng của các ông: Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ. (Ga 20,23). Đây chính là biểu hiện rõ nét của Lòng Chúa Thương Xót (CN hôm nay, CN thứ 2 PS, CN kính nhớ Lòng Chúa Thương Xót, do ĐGH Gioan-Phaolô II thiết lập). 

      Trên thế giới, các quốc gia đều có án chung thân, nhiều nước còn giữ án tử hình, dầu can phạm có hối hận, van nài, hứa hẹn sửa mình, xin một cơ hội làm lại cuộc đời; Nhưng trong Nước Chúa, mọi tội nhân đều được ân xá, đều được trắng án, nếu biết hối lỗi ăn năn. Xem gương người trộm lành (Lc 23,40-41). Anh bị xã hội xử tử hình, nhưng Thiên Chúa tha bổng. Thiên Chúa đã phán : Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thắm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông. (Is 1,18).

          Sứ mệnh của Chúa Giê su là ban ơn tha tội. Như Gioan Tẩy giả đã giới thiệu: Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. (Ga 1,29).Các môn đệ cũng phải nối tiếp sứ mệnh đó: ra đi và ban ơn tha tội.

          Khi Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra lần thứ nhất không có Tô Ma. Các môn đệ khác kể lại, nhưng ông không tin.Thực ra cũng có nhiều người khác hoài nghi (Mc 16,11.13.14), nhưng Tô ma là người khẳng khái và thực nghiệm: Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.(Ga 20,25).

Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học, khoa học thực nghiệm: Chúng ta cũng thường đòi hỏi mọi vấn đề phải được chứng minh, được nhận định qua các giác quan.

        Thực tế trong cuộc sống, có những cái chúng ta không hiểu được, không thấy được, vẫn phải tin: Chúng ta thường nói mặt trời mọc ở hướng đông, lặn ở hướng tây. Có thi sĩ còn viết:

         Hôm nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm. (Xuân Diệu-Tương Tư Chiều).

Thực ra, trái đất xoay, chúng ta di chuyển theo trái đất, chứ mặt trời vẫn đứng yên 

         Chạy xe trên đường nhựa lúc buổi trưa, mắt nhìn phía trước, ta thấy sáng loáng như mặt nước, mặt hồ.  Nhưng khi đến gần, chúng ta chỉ thấy đó là ảo giác.

          Rõ ràng là giác quan của chúng ta nhiều khi không trung thực. Triết gia Descartes còn nói giác quan lừa dối ta, và thái độ khôn ngoan là không nên tin vào những người đã một lần dối trá chúng ta .Việt Nam ta cũng nói “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”.

Thời đại @ của chúng ta, Người ta còn tạo ra bao nhiêu là thế giới ảo, bao nhiêu hình ảnh kỳ lạ, qua photoshop.Thế nên các hình ảnh, các camera, các thứ chúng ta thấy trước mắt, chưa chắc đã trung thực. 

          Trong cuộc sống hàng ngày, không phải chuyện gì chúng ta cũng có thể xác mình được hoặc suy luận được. Trong lĩnh vực tôn giáo, đặc biệt trong đạo công giáo, chúng ta còn có nhiều màu nhiệm phải tin. Chỉ dựa vào uy tín của những người loan báo: của Thiên Chúa, của các tiên tri, của Giáo hội, của các thánh mà chúng ta tin. 

         Trước sự kiện Chúa Giêsu phục sinh, các tông đồ khác đã thấy Chúa, đã làm chứng, nhưng Tôma không tin và chỉ khi ông ta thực sự chứng kiến và được Chúa mời gọi, ông ta mới tin. 

          Tám ngày sau Chúa Kitô Phục Sinh lại hiện ra với các môn đệ, lần này có Tô ma hiện diện. Cũng như lần trước, cửa đóng then cài, nhưng Chúa cũng đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em. Rồi Chúa đáp ứng những yêu sách của Tô ma.(Ga 20,27). Kể ra, Chúa cũng nhân từ thật. Với các vua, quan hay lãnh tụ khác, những thách thức tương tự có khi phải trả giá bằng chính mạng sống mình.

          Mỗi khi có ai đó nghi ngờ điều gì, người ta thường nói con cháu thánh Tô ma. Nhưng qua sự đa nghi của Tô ma, Chúa Giêsu dạy chúng ta:  Vì thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin. (Ga 20,29). 

         Nguyện xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Xin nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng con.                                                  

                                                Nguyễn Đức Lân