CHÚA NHẬT PHỤC SINH

NGÔI MỘ TRỐNG (Ga 20,1-9)      

Có người thắc mắc: Chúa Giêsu sống lại ngày nào, giờ nào? Có ai thấy? Có ai làm chứng? ( Lại một người theo trường phái Tôma tông đồ).

          Các tác giả Tin mừng không tường thuật chính giây phút Chúa Giêsu sống lại, không cho biết người nào hiện diện khi Chúa Giêsu sống lại. Đoạn tin mừng Ga 20,1-9 là đoạn văn quan trọng duy nhất, được đọc trong cả ba Chúa Nhật Phục Sinh năm A, B, C, chỉ tường thuật ngôi mộ trống. 

        An táng Chúa Giê su rồi, các Thượng tế và người Do Thái coi như hết chuyện. Các tông đồ thì tản mát, như gà phải cáo . Mặc dầu đã nhiều lần Thầy nhấn mạnh “ngày thứ ba Thầy sống lại”. Các ông chẳng quan tâm, chẳng hiểu và chẳng tin: “Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê su phải chỗi dậy từ cõi chết”. (Ga 20,9). Nên chẳng ai đến mộ Chúa làm gì. Chưa kể lính canh kỹ càng (Mt 27,64).

        Và như thế, lúc Chúa sống lại chỉ có đám lính bên mồ, nhưng lính canh khiếp sợ, run rẩy và hóa ra như chết. (Mt 28,4). Đám lính canh này, thay vì làm chứng sự việc họ thấy, thì họ lại nói: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi.( Mt 28,13). Thì ra, người ta đã biết chạy án, đã biết làm lệch hồ sơ tòa án ngay từ thời Chúa Giê su.

          Nhưng, đúng là đường dối hay cùng. Bổn phận lính canh là canh kỹ càng, vậy mà lại ngủ quên để người ta lấy trộm mà không biết. Ngủ làm sao biết người ta lấy trộm? Mà nếu biết là người ta lấy trôm, sao không bắt giữ, sao không làm biên bản? Trách nhiệm người lính ở đâu? Đây chính là bằng chứng gián tiếp việc Chúa Giêsu sống lại.

          Ngoài ra còn phải kể đến tảng đá đã lăn khỏi mộ (Ga 20,1).

          Sau khi an táng Chúa Giê su, người ta lăn tảng đá to lấp cửa mồ (Mt 27,60). Phi la tô còn chấp thuận cho niêm phong tảng đá (Mt 27,66). Không ai bén mảng đến mộ, chỉ có lính canh kỹ càng. Vậy thì ai đã lăn tảng đá khỏi mộ? Chẳng lẽ người chết lăn được?

          Bên trong mộ thì các băng vải và khăn che đầu được sắp xếp gọn gang. (Ga 20,6-7). Nếu có người lấy trộm xác thì phải mang cả đi. Ai công đâu sắp xếp các khăn liệm gọn gàng. Đây chính là những bằng chứng, dẫu là những bằng chứng gián tiếp.

          Chúa không muốn bày tỏ vinh quang của Ngài cho những kẻ không tin. Ngài chỉ bày tỏ cho những người Ngài tuyển chọn.

          *Người đầu tiên là bà Maria Mác đa la. Bà Maria này là một trong những phụ nữ đi sát với Chúa trên đường khổ nạn của Chúa . Quê của bà ở Mác đa la, một thị trấn gần Biển Hồ Ghê nê xa rét, Trước đó bà đã được trừ khỏi bảy quỷ (Lc 8,2). Bà đã đứng bên Thập giá Chúa (Ga 19,25). Bà đã dự việc an táng Chúa (Mt 27,61) và bà cũng là người đầu tiên đến mộ Chúa (Ga 20,1). Với một người nhiệt tình và yêu mến Chúa như vậy, thì Chúa tỏ hiện vinh quang của Người là phải rồi. Có người khôi hài nói là Chúa muốn cho chắc ăn, muốn cho tin Ngài phục sinh sớm được phổ biến nên tỏ bày cho các bà trước tiên.(Các bà hay tám). Nói như thế, không biết có oan cho các bà khác không, nhưng chắc chắn là oan cho bà Maria Mác đa la.Vì, tại bà yêu thương, bà đi tìm kiếm mà Chúa đáp lời bà. Thử hỏi có môn đệ nào đi đến mộ Thầy không?

          *Người thứ hai được Chúa tỏ bày vinh quang phục sinh của Ngài là người môn đệ Đức Giê su thương mến (Ga 20,2).Người môn đệ đã nghiêng mình vào ngực Chúa ( Ga 13,25) trong bữa tiệc ly. Khi được Maria Mác đa la báo tin, ông cùng với Phêrô chạy vội ra mộ. Ông trẻ hơn nên chạy nhanh hơn Phê rô, nhưng, kính lão đắc thọ, nên ông không vào mà nhường cho Phêrô vào trước rồi ông mới vào sau. Không biết là thần giao cách cảm hay do tình yêu nồng nàn mà Ông đã thấy và đã tin (Ga 20,8).

          *Người thứ ba là Phê rô. Từ khi đi theo Chúa, ông được đổi tên Simon thành Phêrô hay Kê pha, nghĩa là Đá Tảng. “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy…”(Mt 16,18).Tương truyền là sau khi chối Thầy, ông đã khóc lóc ăn năn đến độ hai bên má hằn sâu như rãnh nước. Không biết khi Maria Mác đa la báo tin, ông có còn khóc không. Có lẽ vì vừa chạy vừa khóc mà ông chạy chậm hơn Gioan. Gioan đã cứu Phêrô một bàn thua trông thấy, khi nhường ông vào trong mồ trước. Gioan kính nhường, phần vì tuổi tác, phần vì địa vị Tông đồ trưởng của Phê rô.

          Tảng đá lăn, ngôi mộ trống hay những khăn liệm xếp gọn gàng chỉ là những chứng cứ gián tiếp. Còn những chứng nhân sống, những chứng cứ trực tiếp thì đầy rẫy trong các sách Tin Mừng, sách Tông Đồ Công Vụ và Thư các Tông đồ. Nhiều đến độ nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra (Ga 21,25).

          Có lẽ tốt nhất là mượn lời Chúa nói với Tô ma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29.).

  Lạy Chúa , xin ban Đức tin cho chúng con. Xin nâng đỡ lòng yếu tin của chúng con.

 Nguyễn Đức Lân

Xin mạn phép giới thiệu bài Suy Niệm của Cha Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Niềm Vui Phục Sinh

Trong một cơ hội tình cờ, có ba người đại diện cho ba tôn giáo lớn là: Phật giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo ngồi lại tranh luận với nhau, và ai cũng tự hào về đấng sáng lập đạo của mình.

Người Phật tử nói: “Khi Đức Phật Thích Ca chết, chúng tôi đưa đi hỏa táng và hài cốt của Ngài hiện đang để trong chùa Xá Lợi (Xương Phật), điều đó chứng tỏ Phật Thích Ca của chúng tôi hiện hữu.”

Tiếp đến, Môn đồ Hồi giáo lên tiếng: “Khi Giáo Chủ Mahomét chết, ngài để lại cho chúng tôi nắm tóc và bộ râu, được lưu giữ trong đền thờ bên Árập. Điều đó chứng minh Giáo chủ chúng tôi có mặt trên trần gian này.”

Rồi hai người hỏi tín hữu Kitô giáo: “Còn Chúa Giêsu của anh chết, Ngài có gì để lại gì làm bằng chứng  không?”. Người tín hữu trả lời:

Khi Chúa chúng tôi chết, Ngài để lại ngôi mộ trống, vì Ngài không chết luôn như Giáo Chủ các anh, Ngài đã sống lại ra khỏi mồ. Do đó, chúng tôi không có mảnh xương, hài cốt như Phật Thích Ca; hay nắm tóc, bộ râu như Giáo Chủ Mahomét.

Nếu Chúa của chúng tôi chết mà không sống lại, thì chúng tôi chẳng tôn thờ Ngài. Các nhà truyền giáo chẳng dại gì mà phải dấn thân vào những nơi xa xôi để rao giảng Tin mừng. Các thánh tử đạo chẳng liều mình đổ máu ra làm chứng cho Đấng đã chết mà không sống lại!

Thật vậy, Thánh Phaolô nói rằng: “Nếu Đức Kitô chết mà không sống lại, thì đức tin của chúng ta chỉ là hảo huyền và lời rao giảng cũng trở nên vô ích…”(1,Cr.15,14-19).

Nếu Đức Kitô chết mà không sống lại, thì Ngài không phải là con Thiên Chúa hằng sống; việc Ngài hiến mình chịu chết là một điên rồ. Những phép lạ Ngài làm chỉ là phù phép giả tạo. Toàn bộ giáo lý Ngài rao giảng đều sụp đổ.

Nếu Đức Kitô chết mà không sống lại, chắc chắn các Bí tích phát sinh từ cạnh sườn Ngài đều vô hiệu hoá. Giáo hội Ngài thiết lập sẽ không tồn tại. Và như vậy, sẽ không có đạo Công Giáo, không có những ngôi thánh đường trên thế giới.

Nếu Đức Kitô chết mà không sống lại, thì Ngài cũng chẳng hơn gì chúng ta, cùng lắm thì như các vị đạo sư, chết là hết.

Nhưng, Đức Kitô đã chết và đã sống lại, chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa hằng sống, như lời Ngài nói: “Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại (Ga 10,18); Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 10, 25).

Thế thì, Chúa Kitô sống lại Ngài mang lại cho chúng ta những gì?

Trước nhất, Ngài mạng lại cho chúng ta niềm vui. Niềm vui này khởi đi từ các tông đồ, “các ông vui mừng vì xem thấy Chúa” (Ga 20, 20), và cũng là niềm vui cho toàn thể dân thánh. Vui vì Chúa đã chiến thắng tử thần “Ngài không bao giờ chết nữa” (Rm 6, 9). Vui vì nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa, chúng ta được thông phần vào đời sống mới, với tư cách là con cái Thiên Chúa, được đồng thừa tự với Đức Kitô.

Chúa sống lại ban cho chúng ta niềm hy vọng. Hy vọng ngày mai đây khi nhắm mắt lìa đời, chúng ta cũng được sống lại với Chúa, lúc đó sẽ gặp lại những người thân đi trước chúng ta.

Chúa sống lại ban cho chúng ta nguồn an ủi, vì Chúa đã vượt qua cái chết bởi những đau khổ, đã nếm mùi cay đắng của một kiếp người rồi tiến đến vinh quang.

Như vậy, mọi việc lành chúng ta làm ở đời này đều sinh công ích. Mọi đau khổ của chúng ta đều có giá trị vĩnh cửu đời sau, nếu chúng ta biết chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa.

Chúa sống lại, Ngài muốn minh chứng cho chúng ta biết rằng: Ngài là Thiên Chúa giàu lòng thương xót, đã chết đi để chúng ta được sống.

Chớ gì mỗi năm mừng kỷ niệm Chúa Phục Sinh, là dịp nhắc nhở chúng ta sống lời mời gọi của Thánh Phaolô: “Nếu anh em muốn sống lại với Đức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những sự trên trời…” (Cl. 3,1).

Tìm kiếm những sự trên trời, không phải là bỏ hết công ăn việc làm để rồi tối ngày chỉ đi nhà thờ quỳ cầu nguyện liên lỉ, nhưng tìm kiếm những sự trên trời, theo như lời thánh Phaolô khuyên nhủ đó là: “Dù anh em ăn, dù anh em uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm vì vinh danh Chúa” (1Cr 10,31).

Mỗi sáng khi thức dậy, người mà chúng ta nhớ đầu tiên phải là Chúa. Việc lo lắng tìm kiếm trước tiên phải là Nước trời “Tiên vàn, các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước…” (Mt 6, 33). Rồi cuối ngày trước khi ngả lưng xuống ngủ, người nhớ cuối cùng cũng phải là Chúa, nếu có gì lầm lỗi trong ngày xin Chúa thứ tha.

Nếu ngày nào chúng ta cũng sống với tất cả ý thức như thế, là chúng ta đang tìm kiếm những sự trên trời, đang sống Tin mừng Chúa Phục Sinh.

Anh chị em thân mến,

Mỗi lần tham dự Thánh lễ, sau khi linh mục truyền phép chúng ta đồng thanh tung hô: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi  Chúa đến” (1Cr 11,26).

Thế nào là loan truyền và tuyên xưng việc Chúa sống lại?

  1. Loan truyền bằng cách sống chứng nhân lòng thương xót đó là: đem yêu thương vào nơi oán thù; đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

  2. Tuyên xưng việc Chúa sống lại không phải bằng “đầu môi chót lưỡi” nhưng bằng cách thay đổi lối sống của mình. Như các tông đồ, họ không còn sống cho chính bản thân mình nữa, mà sống cho “Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta”. Vì thế, họ sẵn sàng chịu đau khổ, chịu chết vì danh Chúa Phục sinh.

Ngày xưa, trong cuộc thương khó Chúa, các tông đồ hoảng sợ, đức tin lung lay tận gốc rễ, nhưng nhờ Đức Mẹ củng cố niềm tin mà các ông được vững mạnh. Thì bây giờ, giữa một thế giới có nhiều biến động và nhiều thách đố, nhiều khi làm cho đức tin chúng ta bị lung lay chao đảo, thì hãy bắt chước các tông đồ mau chạy đến với Đức Mẹ, người Mẹ của lòng thương xót, sẽ ra tay nâng đỡ phù trì, giúp chúng ta can đảm làm chứng cho tin mừng phục sinh của Chúa.

Lạy Nữ Vương thiên đàng, hãy vui mừng Alleluia. Vì Con Mẹ đã sống lại thật. Alleluia. Xin cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC