CHÚA NHẬT IV B MÙA VỌNG

Bài 1

2Sm 7, 1 – 5.8b – 12.14a – 16; Lc 1, 26 – 38

Chủ đề: Một nét DUNG MẠO ĐẤNG MÊSIA: HẬU DUỆ NHÀ ĐAVIT.

* 2Sm 7, 12: Yavê sai Nathan nói cùng Đavit: “Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi…Và Ta sẽ làm cho vương quyền nó vững bền”.

* Lc 1,31: Này Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai…Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng Đavit, tổ tiên Người.

Chúng ta đang ở vào Chúa Nhật thứ tư, Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng. Chúng ta sắp mừng đại lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa làm người đến với chúng ta trong xác phàm nhân loại để mang lại cho chúng ta ơn cứu độ, cuộc sống mới, cuộc sống thần linh. Để giúp nhân loại có dấu chỉ nhận ra được Đấng Mêsia thiên sai khi Người đến, Thiên Chúa đã gởi tới những yếu tố báo trước, dọn đường. Chúa Nhật cuối Mùa Vọng năm B trình bày cho chúng ta một trong các yếu tố đó: Đức Mêsia là hậu duệ đích thực của vương triều Đavit, được Thiên Chúa cho thừa kế ngai vàng Tổ Tiên, và Thiên Chúa đoan hứa phù trợ cho vương quyền người ấy được muôn đời bền vững. Đó là dự tính từ muôn đời vủa Thiên Chúa và chắc chắn Người sẽ thực hiện.

Tuy nhiên, Thiên Chúa không làm một mình. Người luôn muốn mời gọi con người cộng tác vào công trình cứu độ ấy. Chúa muốn công trình của Chúa cũng là công trình của nhân loại. Vì thế Lời Chúa hôm nay cũng cho thấy THÁI ĐỘ ĐÁP TRẢ PHẢI CÓ TỪ PHÍA CỦA NHÂN LOẠI để ý định cứu độ từ muôn đời của Thiên Chúa trở thành một THỰC TẠI CỤ THỂ trong dòng lịch sử nhân loại, trở thành gia sản của chúng ta. Cụ thể, lời Chúa của Chúa Nhật Mùa Vọng 4B đưa ra hai dung mạo cộng tác viên trong công trình của Thiên Chúa: Đavit trong bài đọc một và Maria trong Tin Mừng: hai đấng đã phải từ bỏ dự tính riêng tư của mình để đón nhận dự tính từ muôn đời của Thiên Chúa trên cuộc đời của hai đấng, nhờ đó dự tính yêu thương của Chúa đang nở hoa, sinh trái như chúng ta đang thọ hưởng hôm nay.

Bài đọc 1 trích từ 2Sm, thuật lại việc vua Đavit khi đã được Chúa cho “yên cửa yên nhà” thì nảy ra ý định xây cho Hòm Bia của Chúa một ngôi đền. Vua đem ý định đó ngỏ cùng ngôn sứ Nathan. Dù chưa thỉnh ý Chúa, Nathan đã vội vã đồng ý với vua, có lẽ do thấy đó là một ý định tốt lành: “Tất cả những gì vua ấp ủ trong lòng, xin vua cứ đi mà thực hiện. Vì YAVÊ ở với vua” (2 Sm 7, 3).

Thế nhưng ý định tốt lành ấy lại không phải là Chúa mong đợi nơi Đavit. Nên qua một thị kiến, Chúa đã truyền cho Nathan phải nói lại cho Đavit biết dự tính của Thiên Chúa đối với vua và gia tộc vua. Đavit sẽ không xây Đền Thờ cho Hòm Bia Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa – Đấng đã từng phù trợ Đavit từ một mục đồng lên ngai vua – hứa sẽ lập cho Đavit một NHÀ; Nghĩa là khi Đavit mãn phần thì Thiên Chúa sẽ cho một người con do Đaivit sinh ra lên kế vị và Chúa hứa sẽ là Cha và kẻ kế vị Đavit sẽ là con và Chúa giữ vương quyền nó bền vững.

Như vậy Chúa hủy bỏ dự tính dù là tốt của Đavit và buộc Đavit phải tuân theo dự tính của Người. Tuy nhiên qua dự tính ấy, Thiên Chúa hé cho thấy Đấng Mêsia của Thiên Chúa sẽ là một HẬU DUỆ của nhà Đavit. Nhưng bất ngờ là Đấng ấy lại sẽ là con của bác thợ Giuse và thôn nữ Maria.

Trong Tin Mừng, Luca thuật lại biến cố truyền tin. Nhìn theo chủ đề của Chúa Nhật 4B Mùa Vọng, ta thấy Đức Maria đã có một dự tính: cô đã “đính hôn với một người tên là Giuse thuộc hoàng tộc Đavit”. Thế nhưng Thiên Chúa đã có một dự tính từ muôn đời dành cho Maria lẫn Giuse; Và khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa sai sứ thần đến truyền tin cho Maria: Xin cô thụ thai và sinh hạ một con trai, rồi đặt tên cho con trẻ là GIÊSU. Và điều gây khó khăn cho Maria là Con Trẻ ấy không phải là con của Giuse mà lại là “Đấng cao cả, được gọi là Con Đấng Tối Cao, và Con Trẻ ấy sẽ thừa kế ngai vàng Đavit tổ tiên Người”. Trước sứ mạng lạ lùng vừa được thiên sứ gợi lên, Maria đã thẳng thắn biện phân ý Chúa: “việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Và thiên sứ đã trình bày đường lối của Thiên Chúa cho Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.

Một khi đã nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa trên cuộc đời mình, Maria đã sẵn sàng từ bỏ dự tính riêng tư để công trình của Thiên Chúa được hoàn tất nơi mình. Nhờ thái độ phó thác, sẵn sàng từ bỏ ý riêng, nhờ hai tiếng xin vâng của Đavit và Maria, Đức Giêsu đã nhập thể làm con loài người, làm người thừa kế Dòng tộc Đavit.

Đó là một dấu chỉ giúp loài người nhận ra Đấng Mêsia khi Người đến.

 Bài 2

Sứ thần nói với Maria “… này đây bà sẽ thu thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu … Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavit, tổ tiên Người” (Lc 1, 31-32) … Maria thưa “này đây nữ tỳ của Chúa, xin cứ hoàn tất nơi tôi theo như lời nói của sứ thần” (1,38)

          Chúng ta bước vào Chúa Nhật 4 Mùa Vọng. Chúa nhật cuối và cũng là ngày cuối cùng của Mùa Vọng 2023. Năm nay không có tuần 4 Mùa Vọng, vì Chúa Nhật 4 Mùa Vọng năm nay rơi vào 24/12: tối 24/12 là bước vào Mùa Giáng Sinh rồi. Chi tiết nhỏ nhặt này gợi lên một lời nhắc nhở. Trong các dịp tĩnh tâm Mùa Vọng, chúng ta thường được nghe rằng Mùa Vọng có 4 tuần tức 28 ngày. Và như vậy với bao lo toan thường nhật cơm áo gạo tiền, con người thời nay dễ lần lữa, đợi đến ngày thứ 23, 24… rồi mới chuẩn bị đón Chúa. Trễ rồi! Năm 2023 này Mùa Vọng chỉ có 22 ngày, từ thứ 2 đến thứ 7 của tuần 4 Mùa Vọng không hề có mặt trong lịch phụng vụ 2023. Với một số tín hữu, có thể đây là một BẤT NGỜ: sáng còn là Mùa Vọng, thế mà chiều tối đã Giáng Sinh và với một số người có thể vì bất ngờ đó mà bỏ lễ Chúa nhật 4 Mùa Vọng, vì tối Chúa Nhật 24/12 họ có tham dự Thánh Lễ mà! Hóa ra đó là lễ Giáng Sinh rồi.

          Đối với một số tín hữu, Mùa Vọng còn có một bất ngờ nữa nếu không hiểu một chút về Kinh thánh và Giáo lý: trong Chúa Nhật 2 và 3 Mùa Vọng, khuôn mặt nổi bật trong bài đọc Tin Mừng là Gioan Tẩy Giả. Ông xuất hiện kêu mời sám hối, thú tội, làm phép rửa thúc dục dân dọn đường cho ngay thẳng để đón Chúa đến. Không ít người đã lầm tưởng rằng Gioan đang dọn đường cho việc Đức Giêsu giáng sinh tại Bêlem!? Thật ra lúc đó Đức Giêsu đã khoảng 30 tuổi rồi, Người sắp xuất hiện công khai loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Vì thực ra Đức Giêsu chỉ nhỏ hơn Gioan 6 tháng tuổi. Trong Chúa Nhật 2B và 3B Mùa Vọng, Đấng mà Gioan loan báo và làm chứng là “một vị đang ở giữa các ông” (Ga 1, 26). Và trong Chúa Nhật 2B, Mc 1,8 còn thêm rằng người ấy là “Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần”. Vị đó chính là Đức Giêsu. Gioan không chuẩn bị dân đón Hài Nhi Giêsu mà là chuẩn bị dân đón nhận con người Giêsu. Con bác thợ mộc Giuse và bà Maria, chính là Đấng Thiên Sai mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa mà nay gởi đến cho dân, cùng với sứ điệp Tin Mừng mà Người sẽ rao giảng. Tiếc thay dân đã không đón nhận Người lẫn sứ điệp của Người. Tại sao?

          Một trong những lý do là vì họ không nhận ra được dung mạo thiên sai đích thực của Người ẩn chứa trong con người Giêsu. Họ cho rằng họ biết rõ cội nguồn của Người là con của Giuse và Maria. Họ cứ đinh ninh rằng Người là dân Nazaret, một làng quê chẳng có gì đáng chú ý. Từ đó họ chối bỏ luôn sứ điệp thần linh Người rao giảng, xuyên tạc các phép lạ của Người là do Béelzeboul mà có…

          Một lý do nữa khiến họ từ chối Người là vì Người đòi buộc họ phải thay đổi não trạng (metanoia), bỏ đi lối suy nghĩ quá trần tục về Đấng Mêsia và về dự tính của Thiên Chúa. Và nhất là mời họ tin “người con ông Giuse và bà Maria” là Mêsia, là Con Thiên Chúa.

          Tóm lại họ khát khao đợi trông, nhưng khi Mêsia đến họ lại khước từ là vì họ không nhận ra được Người đích thực là ai theo ý Chúa. Họ chỉ phác họa ra một dung mạo Mêsia trần tục theo ý muốn của họ.

          Khi đọc lại kinh nghiệm đợi chờ của dân Do Thái, và để giúp con cái mình sống trung thực mầu nhiệm Giáng Sinh, “Con Thiên Chúa làm người”, Giáo Hội trong Chúa Nhật 4 Mùa Vọng đã phác họa ra một vài nét dung mạo của Đấng Mêsia, để khi Người đến, tín hữu nhận ra và tiếp đón Người đúng như lòng Người mong đợi.

          Và điều kiện để có thể đón nhận được đường lối, cách hành động lạ lúng của Thiên Chúa, Lời Chúa hôm nay mời các tín hữu phải thay đổi não trạng, bỏ đi những dự tính riêng tư của mình và phó thác sẵn sàng để Thiên Chúa thực hiện nơi mình và qua mình dự tính yêu thương của Thiên Chúa.

Chủ điểm phụng vụ:

Chỉ vài ngày nữa là Đấng Mêsia sẽ đến với chúng ta trong xác phàm nhân loại. Vì thế Lời Chúa hôm nay, Chúa nhật cuối cùng của Mùa Vọng, chú tâm vào Người. Người là hậu duệ đích thực của Vương triều Đavít, được Thiên Chúa cho thừa hưởng ngai vàng tổ tiên mình; và Thiên Chúa đoan hứa phù trợ cho vương quyền người ấy được muôn đời bền vững.

Trong bài đọc 1, nhân vật ấy là đối tượng của một lời hứa của Thiên Chúa với Đavít qua miệng ngôn sứ Nathan: khi Đavít đã yên ổn ngự trên ngai vàng thì ông có thành ý muốn xây cho Hòm Bia Thiên Chúa một ngôi nhà. Ý kiên ấy được Nathan ủng hộ. Tuy nhiên dự tính của Yavê lại khác: Đavít sẽ không xây nhà cho Hòm Bia Thiên Chúa, ngược lại chính Yavê sẽ gầy dựng cho Đavít một nhà. Người hứa cho một người con ruột của Đavít sẽ thừa kế ngai vàng và sẽ phù trì cho vương quyền của vị vua ấy được vững bền mãi mãi.

Tin Mừng cho thấy nhân vật ấy chính là Hài Nhi Giêsu sắp đầu thai trong cung lòng trinh nữ Maria. Nơi Người Thiên Chúa hoàn tất mọi lời hứa với nhà Đavít. Thật vậy qua trình thuật truyền tin cho Maria, Luca khẳng định Hài Nhi trong lòng Maria được thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần, chính là Đấng Thiên Sai mà Thiên Chúa đã hứa, và còn hơn thế nữa, Người chính là Con Đấng Tối Cao, là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa.

Để đón Đấng Thiên Sai, Lời Chúa hôm nay mời con người từ bỏ dự tính riêng tư cho cuộc đời mình và đón nhận Thánh Ý Chúa, để Thiên Chúa hoàn tất nơi mình dự tính cứu độ của Người. Thật vậy, Đavít và Maria đều có dự tính cho mình; nhưng Chúa đã đến đề nghị họ thay đổi não trạng đón nhận Thánh Ý Người đối với họ; và họ đã tuân theo. Đây cũng phải là tâm tình của chúng ta trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng chuẩn bị đón Chúa đến: để Thánh Ý Chúa làm chủ cuộc đời chúng ta.

BÀI ĐỌC I: 2Sm 7, 1-5.8b – 12.14a-16

Văn mạch

Sau khi được toàn thể Israel tôn vương, Đavít đã đánh chiếm Giêrusalem và chọn thành đó làm thủ đô của vương quốc, làm trung tâm hiệp nhất các chi tộc Israel. Tiếp đến ông đánh dẹp mọi địch thù, nhất là kẻ thù truyền kiếp Philitinh biến họ thành chư hầu của mình. Như vậy Đavít đã ổn định quốc gia về chính trị (chương 5).

Chương 6 thuật lại chuyện Đavít hân hoan tổ chức rước Hòm Bia về Giêrusalem. Đến chương 7, ông nảy sinh ý định muốn xây cho Hòm Bia một ngôi đền. Ý định đó càng được củng cố khi được Nathan, ngôn sứ của Thiên Chúa, ủng hộ. Thế nhưng Thiên Chúa lại khước từ ý định đó của Đavít: chính con của Đavít mới là người thực hiện công trình ấy và Thiên Chúa đoan hứa cho hậu duệ Đavít sẽ được muôn đời tồn tại trên ngôi báu (7,1-17). Đáp trả lại tình yêu ấy của Thiên Chúa là thái độ tuân phục của Đavít được biểu lộ qua lời cầu nguyện tạ ơn dâng lên Chúa (7, 18-29)

Phụng vụ chỉ trích một số câu không liên tục trong phần đầu chương 7. Phụng vụ muốn làm nổi bật lên ân huệ nhưng không mà Chúa đã ban cho Đavít từ lúc ông còn là mục đồng cho đến khi ông ổn định quốc gia và chóp đỉnh của hồng ân là một người con từ nhà Đavít sẽ vĩnh viễn ngự trị trên ngai vàng. Đoạn văn này báo trước dung mạo của Đấng Mêsia là HẬU DUỆ NHÀ ĐAVÍT.

Người hậu duệ đó, Kinh Thánh, không nhắm vào vua Salomon, mà vào Đức Gieessu. Salomon chỉ là hình ảnh tiên trưng báo trước Đức Gieessu là Đấng thừa kế đích thực vương triều Đavit.

CẤU TRÚC và SUY NIỆM

  1. Dự tính tức thời của Đavít đối với Hòm Bia Thiên Chúa (2Sm 7, 1-3)

  • Bối cảnh làm phát sinh dự tính: đầy tràn hồng ân Chúa

  • yên cửa yên nhà, được Yavê cho thảnh thơi mọi bề (bên trong)

  • Không còn thù địch nào nữa (bên ngoài)

  • Đem dự tính bàn thảo cùng ngôn sứ Nathan: so sánh nhà mình ở bằng gỗ bá hương với Lều Hòm Bia bằng vải. Hàm ý muốn xây một nhà cho Chúa (5b)

  • Nathan đồng tình “…xin Ngài cứ đi thực hiện vì Yavê ở với Ngài” (3)

So với kế đồ của Thiên Chúa, dự tính của Đavít chỉ là tức thời: thời còn trai trẻ chiến chinh, ý định này chưa có; chỉ khi yên ổn mọi bề, dự tính mới nảy sinh.

     Bàn thảo cùng ngôn sứ: dấu chỉ cho thấy Đavit luôn muốn tìm Thánh Ý cho dù lúc đó ông đã là vua thống nhất sơn hà, đầy quyền uy. Lẽ ra Nathan phải thỉnh ý Thiên Chúa trước, hoặc đợi nghe lệnh của Người thì mới tuyên sấm, đàng này ông đã nghe theo tình cảm và kinh nghiệm (thấy dự tính của Đavit tốt, trong quá khứ Chúa phù hộ cho Đavit nhiều thành công) vội vàng đồng tình khích lệ vua thực thi dự tính. Ngờ đâu Thiên Chúa đầy sáng kiến, không hề bị gò bó trong bất kì cái gì. Người đã mạc khải cho Đavit ý định từ muôn thuở của Người.

  1. Dự tính từ muôn đời của Yavê đối với nhà Đavit (2Sm 7, 8b-16)

   2.1. Khước từ dự tính của Đavit: (4-5)

     * Mộng báo cho Nathan: “nhưng NGAY ĐÊM ẤY”

     * Khước từ: “hãy đi nói với tôi tớ Ta….: Ngươi mà xây nhà cho Ta sao?”.

           Chúa can thiệp điều chỉnh ngay cái sai lầm của ngôn sứ: “ngay đêm ấy…Yavê phán với Nathan”. Không dễ khi phải nói ngược ý một ông vua đang ở đỉnh cao uy quyền, danh vọng, nhất là trước đó mình đã ủng hộ lập trường của vua. Tuy nhiên ngôn sứ phải chịu trách nhiệm về lời sấm của mình. Nathan phải nói lại cho Đavit thánh ý Thiên Chúa dù nghịch ý vua. Nói theo 1 chủ đề của Chúa Nhật 4B Mùa Vọng, Nathan ở đây cũng là 1 mẫu gương của sự từ bỏ ý riêng, làm theo ý Chúa.

          Trước tiên Chúa nhắc lại tương quan nền tảng: dù là vua, Đavit vẫn là TÔI TỚ CHÚA là người được Chúa chọn cộng tác vào công cuộc của Người, do đó nhiệm vụ chính của Đavit là thi hành dự tính của Thiên Chúa. Đavit đã giữ đúng tương quan đó.

2.2. Thiên Chúa đã mặc khải dự tính từ muôn đời của Người:

   * Nhắc lại những gì Chúa đã làm trong quá khứ. (cc 8b-9)

    – đã cất nhắc Đavit: từ một mục đồng nên nhà lãnh đạo dân Chúa (8b).

    – đã đồng hành với Đavit: “ngươi đi đâu, ta cũng đã ở với ngươi” (9a)

    – đã phù hộ Đavit: diệt hết mọi địch thù (9b)

          Việc nhắc lại quá khứ cho thấy từ lâu rồi Thiên Chúa đã có một dự định đối với Đavit và Người đã từng bước một thực hiện trong dòng lịch sử. Và giờ đây mặc dù Đavít đang ở đỉnh cao vinh quang nhưng dự tính của Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục cho đến muôn đời. Hàm ý Đavit hãy tiếp tục là người cộng tác, là tôi tớ trong công trình của Thiên Chúa.

2.3. Chúa mặc khải dự tính tương lai cho Đavit:

   – đối với cá nhân Đavit: tôn vinh, “làm cho tên tuổi lẫy lừng…” (9c) cho được thảnh thơi, không còn thù địch nữa (11b)

   – đối với Israel: cho vĩnh cư an ổn, không còn sợ hãi, bị áp bức (10-11a)

   – đối với hậu duệ, vương triều Đavit:

  • Sẽ lập cho Đavit một nhà tức một triều đại, hậu duệ (11c)

  • Hứa cho con ruột Đavit sẽ kế vị (12a)

  • Hứa bảo vệ vương quyền của người con ấy (12b)

  • Thiết lập tương quan phụ tử với người con ấy (14a)

  • Tóm lại Thiên Chúa hứa cho NHÀ, VƯƠNG QUYỀN, NGAI VÀNG Đavit bền vững muôn đời (16)

   Với cá nhân Đavit, sau trình thuật này, Kinh Thánh cho thấy cuộc đời Đavit còn nhiều gian truân, nhất là sau hai lần phạm tội, suýt mất mạng. Nhưng rồi cuối cùng mọi sợ vẫn bình an, ông có được người con ruột là Salomon lên thừa kế ngai vàng. Đavit cũng được lưu danh, vĩ đại nhưng thực ra là nhờ liên kết với Đức Giêsu.

   Với Israel, dòng thời gian còn trôi thì đáp số chưa có. Tuy nhiên, theo dòng lịch sử, ta thấy trải qua bao thăng trầm, cái đất nước dân tí tẹo ấy vẫn tồn tại cho đến nay, trong khi bao đế quốc từng đô hộ họ đã tiêu vong. Thiên Chúa vẫn giữ lời hứa của Người.

Có hậu duệ kế vị, vĩnh tồn trên ngôi báu, được là con Thiên Chúa: Đây mới là lời hứa trung tâm cho Đavit. Trong lịch sử, Đavit đã có Salomon kế vị, chứ không như Saolê; Tuy nhiên vĩnh tồn trên ngôi báu chắc chắc đã không có, do đó việc được làm con Chúa vĩnh viễn cũng không luôn. Thiên Chúa không thi hành lời hứa? Người vẫn thực hiện lời hứa nhưng theo cách của Người; Salomôn chỉ là hình ảnh, hậu duệ đích thực mà Thiên Chúa nhắm tới là Đức Giêsu, vừa là hậu duệ Đavit, vừa trổi vượt Đavit. Bên ngoài người ta tưởng Người thuộc huyết tộc Đavit vì là con Giuse; Thật ra Người là Con của Thánh Linh, là hậu duệ thừa hưởng lời hứa nhà Đavit nhờ tinh thần Luật. Trong dự tính lớn lao này, Đavit chỉ là một mắt xích, chỉ là ‘tôi tớ Ta” để thể hiện một giai đoạn nhỏ trong cả chương trình dài hạn của Thiên Chúa trong suốt dòng lịch sử.

Tương quan phụ tử: theo người do thái, vua hoặc chính Israel vẫn được coi là con Thiên Chúa. Tuy nhiên tương quan ấy chỉ dựa trên tuyển chọn, công việc chứ không thuộc bản tính, lắm phen vua dân đánh mất tương quan này khi phạm tội. Chỉ có Đức Giêsu mới là con đích thực tự bản tính. Và nhờ Người đảm nhận trọn vẹn nhân tính và thông ban thiên tính mà chúng ta, nhân loại, được làm con đích thật của Thiên Chúa mà không tội lỗi hay quyền lực nào có thể phá vỡ tương quan phụ tử ấy.

Tóm lại, nơi Đức Giêsu thực hiện mọi lời đoan hứa.

  1. TÓM KẾT

Chúa nhật cuối của Mùa Vọng, Giáo Hội mời chúng ta chiêm ngắm dung mạo Đấng Thiên Sai, nhận biết Người và mở rộng lòng đón nhận Người khi Người đến.

Khi tỏ ý định của Người cho Đavit về việc xây một Đền Thờ cho Hòm Bia, Thiên Chúa đã mạc khải dung mạo Đấng Thiên Sai: đó là hậu duệ của nhà Đavit, sẽ thừa kế ngai vàng, vương quyền bền vững và nhất là có được tương quan phụ tử với Thiên Chúa. Hình ảnh này đã được Lc 1,32 dùng để nói về Đức Giêsu trong trình thuật truyền tin. Chỉ nới Người mọi lời đoan hứa xưa mơí ứng nghiệm hoàn toàn, đích thực.

Mặc dù không được đọc trực tiếp trong bản văn phụng vụ, nhưng thái độ tuân phục của Đavit cũng hàm chứa trong bản văn. Qua đó, Giáo Hội muốn mời gọi tín hữu can đảm hoán cải, đổi não trạng bỏ đi những dự tính phàm tục đột xuất của cá nhân mình để đón nhận dự tính của Thiên Chúa trên cuộc đời, tương lai của mình. Chỉ khi nào sẵn sàng từ bỏ, mở rộng lòng ra trong tín thác cho Thiên Chúa thì chúng ta mới có thể tiếp đón được Đức Giêsu khi Người ngự tới.

TIN MỪNG: Lc 1, 26-38

          Phần văn mạch và CẤU TRÚC tổng quát, x.CN 26A, lễ Đức Mẹ Mân Côi. Trong tinh thần Mùa Vọng, chúng ta chú trọng hơn đến dung mạo của Đấng mà Mẹ thụ thai, chú trọng hơn đến thái độ HOÁN CẢI, thay đổi dự tính của Mẹ để đón nhận dự tính của Chúa trên Mẹ. Để phục hồi nhân loại sa ngã vì đã nghi ngờ, không tin vào Thiên Chúa, giờ đây Thiên Chúa cần những con người dám phó thác, tin tưởng hoàn toàn vào Người: dám bỏ đi đi những gì mình đã ấp ủ, cưu mang dù có tốt đẹp đến đâu đi nữa để phó thác, đón nhận điều Thiên Chúa đè nghị, xin vâng đi theo đường lối Người. Dám mở rộng tâm hồn, noi gương Đức Giêsu hủy mình ra không (kênôo Pl 2,7) trút bỏ mọi dự tính cá nhân. Và dám để cho Thiên Chúa hoàn tất nơi ta, đổ đầy vào tâm hồn ta “dự tính từ ngàn đời” của Thiên Chúa. Lúc đó con người của ta được “đầy ân sủng” trở thành một “kitô hữu – mới” như cảm nghiệm của Phaolo tôi sống nhưng thực ra là Đức Giêsu Kitô sống trong tôi (Gl 2,20)

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4B MÙA VỌNG

Trinh nữ: chi tiết chuẩn bị cho việc mẹ trinh thai Đức Giêsu ứng nghiệm lời Is 7, 14, kết hợp với chi tiết Thánh Thần sẽ ngự đến trên Bà, cả hai cho thấy Đức Giêsu là con người thần linh, có mặt trên trần thế là nhờ sự can thiệp nhiệm mầu của Thiên Chúa qua tác động của Thánh Thần. Đây thực sự là một tạo thành mới, tuy nhiên vẫn dựa trên nền tảng cũ là công cuộc Sáng Tạo (Mẹ là tạo thành cũ) và công cuộc tái tạo đã khai mở trong ơn gọi Israel và Luật (Giuse đại diện)

Đã đính hôn” cho thấy Maria cũng đã có một dự tính cho cuộc đời mình: lập gia đình với Giuse và đã đi tới giai đoạn quyết liệt của hôn ước theo tinh thần luật Do Thái là ĐÃ ĐÍNH HÔN, nghĩa là đã thành vợ chồng chính thức. Mẹ khiêm tốn chuẩn bị sống một cuộc đời bình thường như bao thiếu nữ Israel. Đó là dự tính trước mắt của Mẹ; Nhưng Thiên Chúa đã có từ muôn đời một dự tính vĩ đại cho Mẹ “….Bà sẽ đạp đầu ngươi = ipsa conteret” (x. Kinh Thánh – Nguyễn Thế Thuấn – trang 9 nốt 15). Dự tính ấy giờ đây được mặc khải tỏ tường cho Mẹ qua cuộc truyền tin. Chúa mời Mẹ bỏ dự tính riêng, nhỏ bé, tức thời của Mẹ đi để đón nhận dự tính chung, vĩ đại, đã có từ muôn đời của Chúa. Sự từ bỏ này là bước dọn đường quyết liệt cho việc Chúa đến qua cuộc Nhập Thể của Đức Giêsu.

      Thiên Chúa mặc khải cho Maria dự tính của Người đối với Mẹ (30-31): Mở đầu của mặc khải là lời trấn an: “ĐỪNG SỢ”. Đây là công thức Kinh Thánh thường dùng để mặc khải cho những ai được Chúa tuyển chọn rằng chính Thiên Chúa sắp can thiệp quyết liệt thực thi dự tính cứu độ của Người và kẻ được nghe lời “đừng sợ” chính là đối tượng được Thiên Chúa chọn cộng tác vào dự tính ấy ngay trong thời điểm, giai đoạn đang diễn ra trước mắt (x.St 46, 3; Xh 14, 3; Gs 1, 9; Tl 6, 23…; Lc1, 13; 5, 10 b…)

        Sau đó là sứ mạng mà Thiên Chúa muốn trao cho người được chọn: thụ thai, sinh con trai, đặt tên là Giêsu. Đây là chuyện thường tình, và là một may mắn nữa, đối với một người nữ đã đính hôn chấp nhận sống đời hôn nhân. Tuy nhiên dung mạo của người con sắp được mặc khải và việc thụ thai trong bối cảnh văn thể truyền tin hàm ý phải được thực hiện ngay, nên Maria mới thắc mắc, về cách thức thực thi lời sứ thần vừa nói. Câu 34 một lần nữa khẳng định mạnh mẽ: Maria đang là một trinh nữ. Thắc mắc này mới dẫn tới mặc khải mới cho thấy đường lối làm việc lạ lùng của Thiên Chúa.

        “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên Bà” (1,35): Chính Thiên Chúa đích thân can thiệp do quyền năng Chúa Thánh Thần và cuộc thụ thai này trình bày như một công trình sáng tạo nhưng lần này Chúa cho phần ưu tú của nhân loại cũ từng được Chúa giữ gìn tinh tuyền (Maria) cộng tác tích cực. Nơi đây một khía cạnh mới của mặc khải được tái khám phá: Thiên Chúa khởi đầu công trình sáng tạo, nhưng Người muốn đưa công trình đến chỗ hoàn tất với sự cộng tác tich cực từ phía con người. Người cộng tác đó chính là Đức Giêsu, nhưng Maria cũng được góp phần quyết liệt. Trong chiều hướng này, mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa trân trọng mời gọi góp phần theo dự tính của Chúa.

       Dung mạo Đấng Thiên Sai: nội dung của mặc khải được hé lộ dần:

một nhân vật đặc biệt: sứ mạng được trao cho Maria được diễn tả rập khuôn theo một công thức đã từng được dùng trong Kinh Thánh: thụ thai, sinh con, đặt tên (x. St 16, 11; Ismael; St 17, 19; Isaac; Tl 13, 3,5.7: Samson; và nhất là Is 7, 14; Emmanuel). Đây là những nhân vật đặc biệt sinh ra từ những người mẹ son sẻ, đứa con là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa không do ý con người cho dù phương thức thụ thai, sinh hạ vẫn còn trong phạm vi bình thường. Vậy, bước thứ nhất Luca cho thấy Đức Giêsu là con người thật dù có chút đặc biệt.

Là Đấng Tiên Sai thuộc nhà Đavit: Hài Nhi tên Giêsu ấy “được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Đấng Tối Cao chính là Thiên Chúa của Israel với quyền uy tối thượng của Người mà chư dân phải nhìn nhận (x. St 14, 18-20.22; Ds 24, 16; 2Sm 22, 14; Tv 7, 18; Đn 4, 21…). Vậy “Con Đấng Tối Cao” có thể hiểu là “Con Thiên Chúa”. Tuy nhiên ở c. 32 này, từ ngữ này chưa đủ mạnh để xác định tử hệ thần linh của Đức Giêsu, vì Luca 6.35 cũng áp dụng từ này cho các môn đệ Đức Giêsu khi họ thực thi lời Người: Yêu thương kẻ thù. Chắc là Luca muốn ám chỉ đến 2 Sm 7, 14 a trong bài đọc 1 nói về tương quan phụ tử giữa Thiên Chúa với vị vua con của Đavit, nghĩa là với Đấng Mêsia. Thật vậy, lập luận này được củng cố bởi câu 32 b tiếp sau: các cụm từ “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavit, tổ tiên Người”, “Người sẽ trị vì nhà Giacop đến muôn đời”, “Nước của Người sẽ vô cùng vô tận” toàn là những từ ngữ cổ điển của lời hứa về Đấng Thiên Sai nhà Đavit, lời hứa đã được Natthan loan báo cho Đavit trong 2 Sm 7, 12-16 rồi sau đó được Israel lấy lại khi nói về Đấng Emmanuel (Is 9, 5-6).

Vậy cc. 30-32 cho ta biết Maria sắp đích thân đón nhận cuộc thăm viếng thiên sai mà các ngôn sứ từng loan báo, đón nhận bằng cách trở thành Mẹ của Đấng Mêsia. Cho tới đây, Đức Giêsu chỉ mới tỏ mình như là Đấng Mêsia mà Cựu Ước đã loan báo. Yếu tố mới mẻ chỉ ở chỗ này: điều xưa kia được chờ đợi như một tương lai còn xa hoặc gần đến thì nay được thực hiện một cách tức thời cụ thể nơi Đức Maria.

Là “Con Thiên Chúa” theo nghĩa đức tin, tức tử hệ thần linh: điều mới mẻ hoàn toàn nằm ở chỗ Luca xác nhận 3 lần rằng Maria là TRINH NỮ (Lc 1 (27 -28). Cách trình bày của Luca cho thấy việc Đức Giêsu làm người do ý định của Cha (câu 31) và cách thực hiện là do quyền năng Chúa Thánh Thần (câu 35). Vậy Người có cội nguồn thần linh được tặng ban trước tiên cho Maria ấp ủ cưu mang và sau đó là cho toàn thể nhân loại : trong dự tính của Thiên Chúa, cung lòng Maria là nơi đại diện nhân loại tiếp nhận và làm lớn lên tặng phẩm thần linh ấy. Người không phải là hoa trái của đường lối tự nhiên nhân loại, nhưng cũng không loại bỏ nhân loại vì Chúa không dựng nên Đức Giêsu từ hư vô, mà nhờ cung lòng Maria là cái thuộc về nhân loại. Nhờ vậy điều tuyệt vời là con người Giêsu với cả nhân tính là Con Thiên Chúa. Thực ra, điều ấy chỉ được mặc khải trọn trong mầu nhiệm phục sinh; Nhưng các sách Tin Mừng được viết ra trước tiên là cho các cộng đoàn tín hữu nên khi tuyên bố Đức Giêsu là con Thiên Chúa, Luca chắc là muốn nhắm tới tử hệ thần linh, tới ý nghĩa cao sâu, trọn vẹn nhất của từ ấy.

           Vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được:  Một trình thuật theo thể văn thể truyền tin thường kết thúc bằng một dấu chỉ nhằm xác nhận sứ điệp vừa truyền ra là đến từ Thiên Chúa. Dấu chỉ ở đây là bà Elisabet son sẻ đã có thai được 6 tháng, và thiên sứ còn khẳng định thêm bằng lời quả quyết Thiên Chúa làm được mọi sự. Câu 37 vọng lại hai điển tích Cựu Ước:

– Cái nhìn nhân loại, bà Sara không tin rằng hai vợ chồng già cỗi lại có thể sinh con, Ba Thần Sứ trách bà rồi quả quyết “nào có điều gì kỳ diệu vượt sức Thiên Chúa “(St 18, 14a)

          – Trong bối cảnh Giêrusalem sắp rơi vào tay Babylon, Chúa lại bảo Giêrêmia làm chuyện ngược đời: bỏ tiền ra mua đất có nhân chứng và viết văn tự hẳn hoi; Rồi Chúa phán “…đối với Ta, hỏi có điều gì không thể làm được chăng? (Gr 32, 27). Lệnh tưởng chừng là ngược đời của Chúa thật ra là dấu báo trước ơn tha thứ, Chúa sẽ đổi vận mạng dân ra tốt đẹp (Gr 32, 36 -44)

          Vậy điều con người cho là không thể làm được, cho là phi lý ngược đời thì Thiên Chúa đều làm được, hàm ý người là chủ tất cả, mọi sự Người làm đều có cùng đích tốt đó là ơn cứu độ chung cuộc cho toàn thể nhân loại. Do đó khi lập lại lời “đối với Thiên Chúa không gì là không thể”. Thần sứ mời Maria tin vào đường lối, cách làm việc, vào ý định yêu thương của Chúa mà phó thác tất cả cho Người: điều bất khả ấy chính là cách Chúa chọn để hoàn tất chương trình cứu độ. Sau khi được giải thích, được nghe dấu chỉ, nhận ra ý định Thiên Chúa, Maria vui lòng tuân phục.

Này tôi là tôi tớ Chúa… “tôi tớ Chúa là tước hiệu vinh dự, được Thiên Chúa chọn làm cộng tác viên mật thiết với Chúa trong công trình cứu độ. Do đó đây là lời tuyên xưng đức tin, lời đáp trả nhận lời gia nhập vào hàng ngũ những người sẵn sàng là Ý Chúa, đúng hơn là sẵn sàng để cho Ý Chúa được thể hiện trọn vẹn nơi mình với tất cả sự ý thức tự nguyện: “chớ gì Người thực hiện nơi tôi theo như lời sứ thần” (động từ “gênôitô” ngôi 3 số ít ở dạng ước mong trung bình). Vậy Maria quyết định bỏ dự tính của mình và để Thiên Chúa thực hiện nơi mình điều Chúa muốn.

TÓM KẾT:

Bằng thể văn truyền tin, Luca đã công bố cho cộng đoàn tín hữu tin vui ơn cứu độ nay đã tới rồi; Người đầu tiên đã nghe tin này và đã thay mặt nhân loại đón nhận đó là Maria. Đấng Thiên Sai bao đời đợi trông nay đã tới: Người là Hài Nhi được Maria thụ thai, sinh hạ và đặt tên là Giêsu. Người muốn con người cộng tác: Chúa mời Maria bỏ dự tính riêng tư để trở nên Nữ Tỳ Chúa, cộng tác viên của Người trong công trình cứu độ.

Trong tinh thần của Chúa Nhật cuối Mùa Vọng, Hội Thánh mời chúng ta xác tín: CHÚA TỚI RỒI, mở lòng ra để Chúa ngự vào như Maria xưa, để Chúa biến ta nên tôi tớ Chúa. Muốn vậy hãy hoán cải, từ bỏ ước vọng trần tục để Thiên Chúa “thực hiện nơi tôi điều thần sứ nói”. Chóp đỉnh hoán cải là để Ý Cha thể hiện nơi tôi theo như Ý Người. Đó cũng là điều Đức Giêsu khao khát và nói rõ khi dạy các môn đệ Kinh Lạy Cha “ Xin ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Frère Pierre Đình Long FSC