CHÚA NHẬT III B THƯỜNG NIÊN

Bài 1

Gn 3,1-5.10; Mc 1,14-20
Chủ đề: Sám hối và ơn thứ tha cứu độ.

* Giôna 3,10: Dân Ninivê bỏ đường gian ác mà trở lại… và Thiên Chúa đã không giáng phạt họ nữa.

* Mc 1,15: Triều đại Thiên Chúa đã tới gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.

          Lời Chúa hôm nay gồm ba yếu tố đan chéo vào nhau tạo nên sứ điệp của Chúa Nhật III B Mùa Thường Niên.

  • Yếu tố thứ nhất là lòng nhân hậu của Thiên Chúa được biểu lộ ngang qua sứ điệp mà Thiên Chúa gửi tới cho con người.

  • Yếu tố thứ hai là thái độ đáp trả từ phía con người trước sứ điệp mà Thiên Chúa đã đi bước trước gửi đến cho con người.

  • Yếu tố thứ ba là chính là hoa trái của hai yếu tố trên. Đó là ơn cứu độ. Cuộc sống con người thăng hoa.

Bài đọc một thuật lại việc Thiên Chúa sai ngôn sứ Giôna đi loan báo lệnh truyền sẽ hủy diệt thành Ninivê cho vua dân của thành biết. Thoáng đọc qua bài đọc một, ta tưởng rằng Giôna rất ngoan ngoãn, dễ bảo, mau chóng thi hành lệnh của Đức Chúa. Thực ra trích đoạn làm bài đọc một là lệnh truyền lần thứ hai của Chúa cho Giôna sau khi ông trốn chạy lệnh truyền thứ nhất của Chúa.

Nội dung của án lệnh Chúa truyền cho Giôna phải báo cho dân Ninivê: “bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ”. Thế nhưng sau đó kết quả đã không xảy ra như lời Giôna loan báo: Thành được Thiên Chúa tha thứ. Bởi vì khi nghe án lệnh, dân Ninivê từ vua đến dân đã tin vào Thiên Chúa, hoán cải, công bố sám hối, chay tịnh, bỏ đường tội lỗi mà quay về cùng Thiên Chúa; Do đó Thiên Chúa đã chạnh lòng thương, thứ tha tội lỗi và không giáng phạt xuống trên thành Ninivê như đã loan báo.

Như vậy trong bài đọc một, án lệnh cho thành Ninivê lại trở thành sứ điệp cứu độ; lời tuyên án lại trở thành lời cảnh cáo kêu mời sám hối. Những phương thức trách phạt lắm lúc lại là dấu chỉ của lòng nhân hậu: Thiên Chúa cảnh cáo mạnh kêu mời con người thức tỉnh, sám hối để được thứ tha. Bên trong án lệnh dữ dằn ấy, dân vua Ninivê đã đọc ra sứ điệp tình yêu ấy, nhận ra được lòng nhân lành của Thiên Chúa đang mong chờ con người sám hối để được tha thứ.

Tính phổ quát của ơn cứu độ được đề cao ở đây: lòng nhân hậu của Thiên Chúa không bị “nhốt”, giới hạn trong một lãnh thổ, một dân.

Bài đọc một cũng đề cao lòng tin của dân ngoại: họ có khả năng sám hối nên cũng được hưởng ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nhờ đó số phận dân Ninivê đổi mới.

Trong bài đọc Tin Mừng, lòng nhân hậu của Thiên Chúa được biểu lộ tuyệt vời nơi chính con người và sứ mạng của Đức Giêsu: đích thân Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa xuống trần loan báo sứ điệp yêu thương cho đám dân bị người Do Thái Giuđê coi khinh như là dân ngoại. Đức Giêsu không nói sứ điệp răn đe mà Người yêu thương kêu mời sám hối vì thời hồng ân Chúa hứa ban đã tới rồi: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần, hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Và trong ý định của Thiên Chúa, sứ điệp ấy không dành riêng cho Galilê, tin vui phải được loan báo cho đến tận cùng thế giới. Vì thế, một khi đã chấp nhận thân phận làm người, Con Thiên Chúa cũng cần đến người cộng tác để tiếp tục công cuộc Người đã khởi công. Do đó, lòng nhân hậu của Thiên Chúa lại có sáng kiến KÊU GỌI CÁC MÔN ĐỆ TIÊN KHỞI, biến đổi họ thành CỘNG TÁC VIÊN của Người. Phần thứ hai của bài Tin Mừng thuật lại ơn gọi của bốn môn đệ tiên khởi.

          Bốn ông đang làm công việc mưu sinh, thường nhật của mình; Đức Giêsu đột ngột đến với các ông; Người mời gọi: “các anh hãy đi theo tôi”; Kèm theo một lời đoan hứa làm các ông ĐỔI ĐỜI: “tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”; Và các ông bỏ công việc mà đi theo Người.

          Sự hiện diện và sứ mạng Đức Giêsu trao cho các môn đệ qua muôn thế hệ là DẤU CHỈ VỮNG BỀN của lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với nhân loại: qua các thế hệ môn đệ, Tin Mừng được loan đi khắp nơi; Nhân loại mọi nơi mọi thời đều được nghe ơn cứu độ và được cứu.

          Phần các môn đệ, số phận họ được ĐỔI MỚI nhờ ơn gọi và sứ vụ mà Đức Giêsu trao ban cho họ: Vừa là công việc cũ: CHÀI LƯỚI; vừa là sứ vụ mới: LƯỚI NGƯỜI thay vì lưới cá.

          Tất cả tín hữu đều được Chúa gọi mời. Hãy tận dụng những gì đã được Chúa ban để làm công cuộc mới của Chúa. Điều Chúa mong đợi nơi chúng ta là đáp lời trở thành cộng tác viên của Chúa mà bước đầu tiên là bỏ “chài lưới”, tức là những an toàn, những gì mà trước giờ ta vẫn cậy dựa, mà đi theo Người.

Bài 2

Gn 3, 1-5.10
Mc 1, 14-20

Thời kỳ đã mãn … Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng… Các anh hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành những ngư phủ chài lưới người (Mc 1, 15.17)

Đức Giêsu đang ở giai đoạn đầu của sứ vụ công khai của Người. Một trong những việc đầu tiên Người làm là xây dựng cộng đoàn thiên sai, chọn mời một số người để cộng tác với Người trong công trình cứu độ thần linh mà Người đã khởi công. Mục đích của các ơn gọi là biến họ thành những cộng tác viên trong dự tính yêu thương của Thiên Chúa, là đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Từ nay họ trở thành những con người mới:

– Trước tiên họ phải từ bỏ lối sống cũ, bỏ đi những lối suy tư riêng mình để dành trọn vẹn cuộc đời mình cho Thiên Chúa, phục vụ tha nhân qua sứ mạng được Thiên Chúa trao.

– Kế đến là phải LÊN ĐƯỜNG, dấn thân, đương đầu với mọi thách đố do sứ vụ, do nhiều yếu tố khác mang tới khi thi hành sứ vụ.

– Và nhất là phải chấp nhận thiên ý nhiệm mầu, cách làm việc lạ lùng của Thiên Chúa được hé mở dần dần. TỪNG BƯỚC MỘT và chỉnh sửa những ước vọng, dự tính của mình sao cho phù hợp Thánh Ý Thiên Chúa vào TỪNG GIAI ĐOẠN THÍCH HỢP của cuộc sống.

Hai khía cạnh “ơn gọi” và “sứ mạng” đan kết vào nhau: được gọi là cho một sứ mạng, “thi hành một sứ mạng” cho trọn, là lời đáp trả mà Chúa mong đợi nơi các con người được Thiên Chúa ban cho “ơn gọi”. Tất cả là để mọi người được cứu, Ý Cha thể hiện.

Lời Chúa hôm nay là một minh họa cho chủ đề kép “ơn gọi – sứ mạng” này:

* Ơn gọi và sứ mạng:

-Trong bài dọc 1, Chúa gọi Giona và trao cho ôngsứ mạng công bố cho vua dân thành Ninivê lời tuyên án của Yavê trên chúng.

– Trong bài đọc Tin Mừng, Đức Giêsu gọi bốn môn đệ tiên khởi bỏ “chài lưới”, bỏ “cha”, “thuyền” để đi theo Người, thực hiện thiên ý “làm kẻ lưới người ta”.

* Thái độ đáp trả từ phía con người: trong Lời Chúa hôm nay, là lời đáp TÍCH CỰC:

Giona đứng dậy và đi Ninivê … công bố án lệnh của Chúa (bài đọc 1)

Các ông bỏ chài, lưới, kể cả cha đi theo Đức Giêsu (Tin Mừng)

* Nội dung của loan báo: kêu mời sám hối

Trong bài đọc 1, nội dung sứ điệp là một “án lệnh” “còn 40 ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ” (Gn 3,4). Tuy nhiên đọc hết bài đọc 1, ta có thể nhận ra qua án lệnh, đây là một sứ điệp kêu mời sám hối. Vua dân Ninivê đã nghe lời, đã sám hối và được tha.

Trong bài đọc Tin Mừng, chủ đề “sám hối” được đề cập trực tiếp: “triều đại Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1, 15)

* Lòng nhân hậu của Thiên Chúa

– Chúa tha thứ rút lại án phạt khi thấy Ninivê sám hối (bài đọc 1)

– Đích thân Con Thiên Chúa đảm nhận phận người đến mời gọi, đem Tin Mừng cho nhân loại (Tin Mừng).

TIN MỪNG VƯỢT HƠN CỰU ƯỚC:

Cả hai bài đọc đều có chung sứ điệp.  Tuy nhiên sứ điệp Tin Mừng vượt trội hơn những gì bài 1 đề cập đến

  • VỀ ƠN GỌI: Do bị cắt khỏi văn mạch, bài 1 cho ta cảm tưởng là Giona nhanh chóng vâng lệnh Thiên Chúa. Thực ra ông đã trốn chạy Thiên Chúa và việc ông đáp lại ơn gọi như là bị Thiên Chúa cưỡng chế không thể trốn được.

Còn các môn đệ thì đáp trả cách tự do, mau chóng.

Rồi ơn gọi của Giona nhắm vào một sứ mạng cụ thể mang tính giai đoạn. Còn ơn gọi của các môn đệ nắm vào việc “theo Đức Giêsu”, mang tính dứt khoát, vĩnh viễn, có sức biến đổi toàn thể qua con người của họ: thành kẻ chài lưới người, và qua họ biến đổi cả thế giới.

  • VỀ SÁM HỐI: Lời loan báo của Giona nặng nét đe dọa, trừng phạt, do đó sự sám hối có thể mang nét sợ hãi, tiêu cực: nó là hậu quả của một lời đe dọa. Sứ điệp của Đức Giêsu là một lời kêu mời, nên việc đáp trả mang tính tự do hơn, tích cực hơn. Mời sám hối không phải để khỏi bị phạt, mà để ĐÓN NHẬN NƯỚC TRỜI. Sứ điệp của Tin Mừng không chỉ ngừng lại ở HỐI CẢI mà còn đưa đến TIN VÀO TIN MỪNG.

  • VỀ LÒNG NHÂN HẬU CỦA THIÊN CHÚA: trong bài đọc 1, chủ đề này được biểu lộ qua thái độ khoan dung, báo trước án lệnh để cảnh cáo để rồi sẵn sàng tha bổng khi tội nhân sám hối. Còn trong Tin Mừng được biểu lộ qua việc Thiên Chúa ban chính Con Một: đích thân Ngôi Lời trong phận phàm nhân kêu mời sám hối để ai tin thì không chỉ được tha tội mà còn được nâng lên hàng con cái Thiên Chúa, được thừa hưởng Nước Trời, thành cộng tác viên của Thiên Chúa.

Thêm nữa, để cho sứ mạng và công cuộc của Đức Giêsu vừa khởi xướng được khai triển và lan rộng, Thiên Chúa còn chọn các tông đồ (và mở rộng ra cho mọi tín hữu) hầu toàn thể nhân loại mọi nơi, mọi thời đều được hưởng ơn cứu độ.

BÀI ĐỌC I: Gn 3,1-5.10

Văn mạch

     Sau lưu đày, với công trình của Nơkhemia và Etra, bộ luật (tiền thân của Ngũ Thư) đã được công bố và đạt uy tín làm chuẩn mực cho đời sống dân sự và tôn giáo cho toàn thể Israel: Do Thái giáo chính thức khai sinh, đời sống của dân Chúa đặt nền trên luật.

Tuy nhiên khi đọc Nơkhemia và Etra, ta thấy xuất hiện chủ nghĩa cực đoan về “Thanh lọc giống nòi”. Luật đòi buộc nhiều điều rất khắt khe, loại hẳn dân ngoại ra khỏi cộng đoàn Do Thái: bắt phải rẫy vợ, bỏ con dân ngoại….

     Để chống lại tinh thần dân tộc cực đoan này, một khuynh hướng cởi mở hơn đã ra đời. Tư tưởng chính được gói ghém trong tác phẩm mang tên: “Ngôn sứ Giona”. Tác phẩm đầy những lời phê bình, châm biếm chống lại chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, có tính tôn giáo thiển cận. Hai chủ đề cơ bản của sách Giona là:

  • Tính cách phổ quát của ơn cứu độ

  • Việc đề cao lòng tin của dân ngoại: họ có khả năng sám hối và được hưởng ơn tha thứ của Thiên Chúa.

     Để làm nổi bật những điều trên, sách Giona tạo ra nét tương phản giữa thái độ của Giona (tự hào mình tin vào Chúa) với các thụ tạo khác (dân ngoại, vạn vật…). Tất cả đều vâng lệnh Thiên Chúa: Gió, biển, con cá, cây thầu dầu, con sâu, mặt trời, gió nóng đều thi hành lệnh Chúa; các thuỷ thủ dân ngoại chuyển từ thái độ khiếp sợ sang kính sợ và tế lễ súc vật. Chỉ riêng một mình Giona là lừa trốn Thiên Chúa, chống đối cự nự với Người từ đầu cho tới cuối. Câu chuyện kết thúc với câu hỏi Thiên Chúa đặt ra chờ Giona trả lời:

“ Yavê phán “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên…Còn Ta chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê, thành phố lớn, trong đó có hơn 120.000 người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?” (Gn 4, 10-11).

“Nếu ông Giona có lý do để giận đến muốn chết vì mất bóng cây thầu dầu, thì sao ông lại không nhận ra rằng Thiên Chúa có lý do khi thương hại thành Ninivê, trong đó có cả người lớn, trẻ nhỏ và bao nhiêu là thú vật? Câu hỏi vẫn còn chờ câu trả lời…” (CGKPV “Các sách ngôn sứ” 1996 trang 764, nốt “n”).  

Bài đọc 1 trích từ phần thứ hai của sách: Giona buộc lòng phải đi Ninivê rao giảng sứ điệp của Chúa cho dân thành này. Thoạt đọc bài 1, ta tưởng rằng Giona ngoan ngoãn, mau mắn thi hành ý Chúa…Thực ra đây là lệnh truyền lần thứ hai của Chúa, sau khi ra lệnh cho con cá nhả Giona lên bờ.

CẤU TRÚC

  • 1-2: Thiên Chúa truyền lệnh lần thứ hai cho Giona, sai ông đi loan báo ngày xét phạt của Thiên Chúa đối với Ninivê.

  • 3-4: Giona thi hành lệnh, loan báo Ninivê sẽ bị huỷ diệt trong 40 ngày nữa.

  • 5: Tin vào lời Thiên Chúa, Ninivê bày tỏ lòng thống hối.

  • 10: Thiên Chúa thứ tha, không phạt nữa.

SUY NIỆM

  1. Chủ đề “Tội – Phạt – Hối(tin) – Cứu (tha)” của sách thủ lãnh được phụng vụ nhắc lại ở đây. Nhưng nơi Giona có một chút khác biệt làm nổi bật lòng nhân hậu của Thiên Chúa: Thay vì giáng xuống án phạt cảnh cáo ngay như thời các thủ lãnh, Thiên Chúa lại cho báo trước ngày giờ phạt: án phạt tức thời được thay thế bằng một lời cảnh cáo: sẽ xét phạt trong tương lai ” 40 ngày nữa”. Để rồi khi tội nhân nghe án phạt thì đã sám hối, bỏ đường gian ác, thì đích thân Thiên Chúa đã cứu họ, biểu lộ qua hành vi tha phạt.

Nét mới mẻ này là để dọn đường cho một lòng nhân hậu còn lớn lao hơn nữa được tỏ lộ qua Đức Giêsu, sẽ được đề cập đến trong bài đọc Tin Mừng.

  1. Lòng nhân hậu của Thiên Chúa được biểu lộ ra bằng hai nét tưởng chừng mâu thuẫn nhau:

  • Án phạt mà Thiên Chúa truyền Giona phải công bố cho Ninivê.

  • Nhưng thực chất là Chúa đã tha phạt khi thấy dân sám hối.

Vậy ngăm đe, án phạt cũng là dấu Thiên Chúa biểu lộ tình thương. Mục đích là để con người thấy được cái nguy qua ngăm đe mà HOÁN CẢI. Vậy sứ điệp này sẽ được Đức Giêsu nói ra cách minh nhiên trong đoạn Tin Mừng hôm nay.

Thái độ đáp trả của Giona: Bài đoc 1 bị tách ra khỏi văn mạch của sách Giona, nên ta tưởng rằng ông Giona ngoan ngoãn tuân theo ý Chúa. Thực ra ông bị Thiên Chúa ép phải thực thi ý Người. Sự bó buộc này là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa vừa đối với dân Ninivê và cũng đối với Giona nữa.

     Thật vậy, đoạn cuối của sách Giona (4,1-11) cho thấy lòng hận thù sâu đậm, dã tâm của ông Giona đối với dân Ninivê. Ông không muốn loan sứ điệp của Thiên Chúa là vì ông quá rõ đường lối của Thiên Chúa: Án phạt là cách nói mạnh để hy vọng dân hoán cải chứ không để tiêu diệt. Giona không muốn Ninivê biết ý Chúa (án lệnh) là để họ cứ tiếp tục con đường sai và do đó sẽ bị tiêu diệt.

     Nhưng Chúa đã trước tiên cứu Giona khỏi ÁC TÂM của mình và người đầu tiên phải hoán cải chính là Giona. Để loan báo sứ điệp hoán cải cho kẻ khác, trước tiên người đi rao giảng luôn ở trong tình trạng hoán cải: Điều chỉnh sự tính của mình sao cho phù hợp với đường lối của Thiên Chúa; phải nhận ra lòng nhân từ, cứu độ phổ quát của Thiên Chúa (ẩn sau nét nghiêm nghị, răn đe) và cộng tác với Người trong công việc cứu độ ấy. Đó cũng là sứ điệp của đoạn Tin Mừng hôm nay.

     Trong phản ứng của Giona, một chi tiết khác cũng đáng chú ý (không được trích đọc trong bài đọc 1).

     Đó là khi đã bị buộc phải đi loan báo sứ điệp của Thiên Chúa cho dân thành Ninivê rồi thì điều mà Giona chờ đợi là chứng kiến sự sụp đổ tan tành của Ninivê đúng như lời ông loan báo.

     Thế nhưng kết quả lại là ơn tha thứ. Ninivê tiếp tục tồn tại! Nhưng tồn tại trong tư cách là một thành đã THUỘC VỀ THIÊN CHÚA.

     Như vậy xét trên sự kiện, Giona đã công bố một điều sai trái? Lời sấm không ứng nghiệm? Không! Tha thứ mới là điều Thiên Chúa mong đợi, mới là SỨ ĐIỆP CHÍNH ẩn sau lời ngăm đe nghiêm khắc.

     Vậy điều quan trọng không phải là “thưởng” hay “phạt” mà là ơn cứu độ được trao ban. Mọi sự đều là công cụ, phương tiện để Thiên Chúa hoàn tất ơn cứu độ cho từng người và cho toàn nhân loại.

     Ơn gọi, sứ mạng, thưởng phạt…tất cả đều quy về cùng đích tối hậu đó.

     Phần người được gọi: chính bản thân mình cũng được mời gọi hoán cải không ngừng để mọi ước muốn khát vọng của mình được hòa tan trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.

  1. TÓM KẾT:

     Giona được lệnh công bố án phạt cho Ninivê. Nhưng cuối cùng là dân Ninivê “đáng chết” đó lại được Chúa thứ tha và tồn tại. Trong thực tế, Chúa đã hoàn tất “án lệnh” theo đường lối Chúa: thay vì dùng bạo lực “tàn sát” thành Ninivê thì Chúa đã “xóa sổ” “Ninivê tội lỗi” và thay vào đó bằng một Ninivê sám hối, ăn năn. “Án lệnh” vẫn được thực hiện. Thành phố trụy lạc, phóng túng đã bị xóa sổ, một thành phố thánh thiện, kính sợ Thiên Chúa đã ra đời.

     Tiếng nói chung cuộc của Thiên Chúa không bao giờ là án phạt. Những tai họa, tiêu cực trước mắt chỉ là đường lối sư phạm nghiêm khắc nhằm thức tỉnh những đối tượng cứng lòng.

     Vậy ơn cứu độ cho một đối tượng (con người, quốc gia, cộng đoàn,….) là hoa trái của tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, của lòng sám hối đón nhận thiên ân của đối tượng. Tuy nhiên, để sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa đến được với tội nhân, thì cần có vai trò TRUNG GIAN. Quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa có thể dùng mọi sự để làm vai trò trung gian đó (kể cả các yếu tố tiêu cực: nhắc lại lễ Hiển Linh: để lời Chúa Mk5,1 đến được với các nhà chiêm tinh, trung gian trực tiếp Chúa dùng là Hêrôđê).

     Mọi tín hữu hãy sẵn sàng để Thiên Chúa sử dụng mình làm trung gian đem Thiên Chúa đến với những người ở quanh ta trong mọi chi tiết của cuộc sống hằng ngày.

TIN MỪNG: Mc 1,14-30

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta những hoạt động công khai đầu tiên của Đức Giêsu theo sách Tin mừng Marco. Sau lời công bố Mc 1,1 giới thiệu nội dung Tin mừng là con người Giêsu: đó chính là Đấng Mêsia mà bao đời muôn dân đợi trông và hơn nữa đó là Con Thiên Chúa. Niềm vui tuyệt vời ấy đã được Isaia loan báo từ xa xưa nay đã thành thực tại qua sự xuất hiện của Gioan trong hoang địa rao giảng kêu mời sám hối (Mc 1, 2-4). Dân chúng nô nức kéo đến với ông, sám hối, thú tội và Gioan làm phép rửa cho họ, chuẩn bị lòng họ để đón Đấng Kitô Con Thiên Chúa.

Tin mừng Marco giới thiệu về Vị Thiên Sai này cực ngắn: chỉ có 2 câu bày tỏ hai nét đặc thù về Đấng Thiên Sai nhưng cũng rất mơ hồ:

  • Đấng đó đến sau Gioan, nhưng cao trọng hơn Gioan bội phần (1,7)

  • Đấng đó có sứ mạng làm phép rửa cho dân trong Thánh Thần (1,8)

Đấng đó là ai? Tin Mừng Marco cho ngay câu đáp: Đức Giêsu âm thầm lộ diện ngay lập tức sau lời giới thiệu của Gioan như là câu đáp cho lời công bố của Gioan:

  • Đấng cao trọng đến độ Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” chỉ là một người dân bình thường xuất thân từ làng quê hèn mọn Nadaret (Tin mừng Marco không nói gì tới Belem, không đề cập gì đến cội nguồn hoàng tộc của Giuse, của Đức Giêsu, trái lại nhiều lần Marco nói Đức Giêsu là người Nadaret: 1,24; 10,47; 14,67; 16,6), Người tên là Giêsu. Sự thật lạ thường ấy lại được Thiên Chúa chứng nhận qua cuộc thần hiện khi Đức Giêsu đến chịu phép rửa.

  • Người dân quê bình thường gốc làng Nadaret ấy chính là Đấng nối kết trời đất, Đấng tràn đầy Thần Khí (Mc 1,10), là Con của Thiên Chúa (1,11), là Đấng đánh bại Satan phục hồi phẩm giá của nhận loại (1,13).

Sau phần giới thiệu ngắn gọn, tổng quát về con người của Đức Giêsu- là Tin Mừng- như thế, Marco bắt đầu khai triển về những hoạt động công khai của Đức Giêsu. Chính trong tư cách “là Giêsu”- “là Kitô”- “là Con Thiên Chúa” mà Đức Giêsu khỏi đầu sứ vụ. chỉ trong một ngôi vị duy nhất là “Giêsu- Kitô- Con Thiên Chúa” hoạt động thống nhất , bất khả phân ly; Chính vì thế mà mọi hoạt động của Đức Giêsu đều có giá trí cứu độ, đều mang lại ơn giải thoát cho nhân loại.

Việc làm đầu tiên của Đức Giêsu, theo Marco là nối kết hoạt động hiện tại của Người với truyền thống tôn giáo Cựu Ước được Marco quy tụ lại trong hoạt động của Gioan Tẩy Giả: Đức Giêsu tiếp tục công trình “rao giảng”  của Gioan (Mc 1,4-7), ngay sau vụ Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến Galilê “rao giảng” Tin Mừng “ngay” (1,14), công cuộc rao giảng “không bị gián đoạn”.

Vay mượn từ Mattheu: nội dung rao giảng của Đức Giêsu và của Gioan là như nhau (Mt 3,2 so 4, 17b); Rồi về sau các môn đệ cảu Đức Giêsu cũng đi loan báo cùng một nội dung (x. Mt 10,7; Cv 2,28; 3,19; 8,22 )

Tin Mừng hôm nay là lời rao giảng đầu tiên của Đức Giêsu và những lời Người ngỏ với các môn đệ tiên khởi mời gọi họ đi theo Người, thiết lập cộng đoàn thiên sai.

CẤU TRÚC

Gồm 2 phần:

  • Sứ điệp khai mạc sứ vụ của Đức Giê su (Mc 1,14-15)

– Rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa: “Thời đã mãn- Triều đại Thiên Chúa đã tới gần”

– Kêu gọi con người sám hối và tin vào Tin Mừng.

  • Kêu gọi 4 môn đệ tiên khởi (Mc 1,16-20).

– Bối cảnh: gọi trong lúc họ đang làm công việc thường ngày của họ.

– Ơn gọi: “Hãy theo tôi”.

Sứ mạng: “Tôi sẽ làm các ông trở thành những kẻ “lưới người”

– Đáp trả của kẻ được gọi: giã từ quá khứ và mau chóng đáp lại lời mời của Đức Giêsu

Trích đoạn Tin Mừng có cùng chủ đề với bài đọc 1: LÒNG NHÂN HẬU của Thiên Chúa, trong trích đoạn này được biểu lộ qua 3 yếu tố:

– Trong con người của Đức Giêsu và qua sứ điệp Người mang tới.

– qua ơn gọi và sứ mạng mà Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ: trở nên môn đệ của Người và là cộng tác viên của Người.

– qua việc thúc đẩy môn đệ mau chóng đáp lại lời mời của Đức Giêsu.

SUY NIỆM

1/ Tiếp nối truyền thống: “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa”. Công việc “rao giảng” không bị ngắt quãng. Khác với Mt 4,12-13: khi nghe tin ông Gioan bị nộp , Đức Giêsu LÁNH qua miền Galilê…để ứng nghiệm lời ngôn sứ; Rồi tiếp theo đó thì Đức Giêsu mới BẮT ĐẦU rao giảng (Mt 4,17).

Như vậy trong tương quan với biến cố “Gioan bị nộp” và Đức Giêsu phải lui về Galilê, thì Matthêu nhấn mạnh tới khía cạnh “ứng nghiệm lời ngôn sứ” và nét ứng nghiệm là nơi chốn mà Đức Giêsu khởi đầu sứ mạng rao giảng: Dơvulun và Neptali.

Còn Marco thì không lưu tâm đến nơi chốn khởi sự rao giảng mà lại nhấn mạnh tới tính liên tục của việc rao giảng: ngay khi Gioan vừa chấm dứt sứ vụ do bị nộp thì Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng ngay…(Mc 1,14).

Còn Luca thì không đề cập gì tới việc Gioan bị nộp trong cùng một văn mạch là việc rao giảng và chọn các môn đệ tiên khởi.

2/ Thời đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã tới gần

Sau khi sa ngã, nhân loại đã được Thiên Chúa ban cho lời hứa cứu độ: St 3,15; Trong dòng lịch sử của dân Chúa, việc Đấng Cứu Tinh mau đến luôn là nỗi khát vọng hiện sinh, nóng bỏng của Israel. Vì thế cuộc sống của toàn dân Chúa, cũng như của từng cá nhân luôn bao gồm 2 chiều kích hiện tại và tương lai quyện lẫn vào nhau: Cái hiện tại dù thế nào đi nữa thì vẫn luôn đáng sống vì dân Chúa lẫn cả nhân loại đều có một niềm cậy trông, hi vọng; và cái tương lai dựa trên lời Chúa hứa luôn là ngọn đèn sáng ở cuối đường hầm tăm tối. Hiện tại luôn sống trong hi vọng và chuẩn bị để đón thời tươi sáng chắc chắn sẽ đến trong tương lai.

“Thời đã mãn” có nghĩa là điều hi vọng sẽ tới trong tương lai, bây giờ đang là một sự thật hiển nhiên trước mắt. Thời khao khát, ngóng chờ đã chấm dứt: Thiên Chúa đã có mặt , viếng thăm dân Người. Vị vua khai sáng triều đại cánh chung, triều đại thiên sai đã đến. Đó là Tin Mừng mà dân Cựu Ước hằng trông mong và Gioan Tẩy Giả loan báo đã gần tới (Mt 3,2-3; Mc 1,2). Giờ đây, Đức Giêsu công bố tới rồi (x Lc 4,21 “HÔM NAY đã ứng nghiệm…”).

Cái “hôm nay”, cái “Tin Mừng đã và đang đến đó” chính là con người Đức Giêsu, gốc đến từ Nadaret (Mc 1,9): Thời đại Tin Mừng, Triều Đại Thiên Chúa đến rồi trong Đức Giêsu Kitô con Thiên Chúa” (Mc 1,1).

3/ “ Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”

Vậy cái hiện tại bây giờ không phải là “CHỜ” nữa mà phải đổi đời, lo đón cái mới, TIN và sống TIN MỪNG, nghĩa là đón nhận Đức Giêsu và tuân theo các điều Người dạy bảo. Để đổi mới được con người mình, để nhận ra và tin được sứ điệp của Đức Kitô, điều trước tiên phải làm là SÁM HỐI.

          “Sám hối” trong tiếng hi lạp là METANOIA, nghĩa đen là “nghĩ khác trước”, “đổi ý”, “đổi tâm tình, não trạng”, là hối tiếc, hối hận vì trước kia mình đã có những sai lầm…Ở đây phải hiểu “sám hối” theo chủ đề căn bản trong Cựu Ước, cách riêng theo ngôn từ của ngôn sứ Giêrêmia: thay đổi hướng đi, triệt để quay về lại với Thiên Chúa của Giao Ước và dấn bước vào cuộc sống mới. Cụ thể là TIN vào con người tầm thường mang tên Giêsu đến từ làng của Nazaret, cúi mình chịu phép rửa trên sông Giođan; Nghe và đón nhận để sống toàn bộ sứ điệp mà Người sẽ công bố sau này.

           Tóm lại, lời nói đầu tiên của Đức Giêsu trong sách Maccô là một công thức thu tóm toàn bộ nội dung Tin Mừng này: Đấng Kitô, Con Thiên Chúa đã đến, đó là Giêsu Nazaret; Với sự xuất hiện của Người “Triều Đại Thiên Chúa đã tới rồi”. Vấn đề bây giờ không còn là ngóng trông chờ đợi gì nữa mà là mở rộng lòng tin nhận Người như là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa. Đời sống phải đổi thay, bậc thang giá trị sống phải lấy con người Giêsu, giáo huấn của Đức Giêsu làm chuẩn mực: “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào Thập Giá” (1Cr 2, 2); “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Giêsu sống trong tôi” (Gl 2,20). Từ nay, đối với người môn đệ không còn gì khác hơn là Đức Giêsu Kitô. Người là CHÚA, nơi Người, Thiên Chúa biểu lộ trọn vẹn vinh quang thần linh, nơi Người, Triều Đại Nước Thiên Chúa đã đến.

           Cái hiện tại được Đức Giêsu mang tới không phải là “một tích tắc thời gian” cho một cá nhân hay một nhóm người nào đó mà là “một triều đại bền vững, vĩnh tồn mở ra cho toàn thể nhân loại lẫn tạo thành. Vì thế khi chấp nhận con đường làm người để cứu thế và biểu lộ vinh quang thần linh, Đức Giêsu đã chọn việc kêu gọi các môn đệ, thiết lập cộng đoàn thiên sai làm hành vi khai mạc công cuộc cứu độ của Người. Các môn đệ sẽ là cánh tay nối dài của Đức Giêsu cho tới ngày tận thế. 

  1. Kêu gọi các môn đệ tiên khởi

        Đọc Mc 1, 16-20, ta thấy ơn gọi của bốn môn đệ tiên khởi được trình bày cứng ngắt theo một khung công thức:

       – Đức Giêsu đang đi, di chuyển Mc 1, 16a. 19a

       – Đức Giêsu THẤY đối tượng, được nêu rõ tên Mc 1,16 b .19 b

      – đang làm công việc thương nhật của mình Mc 1, 16 c .19 c

       – Đức Giêsu lên tiếng gọi Mc 1, 17.20a

      – đối tượng đáp lời nhanh chóng bỏ ngay mọi sự, đi theo Người Mc 1, 18-20 b. Việc Đức Giêsu gọi và các môn đệ đáp trả ngay tức khắc gợi lại canh thức Thiên Chúa sáng tạo: chỉ phán một lời là có ngay – Maccô kín đáo cho thấy Đức Giêsu đang thi hành quyền uy của một vị Thiên Chúa

Ơn gọi của Lêvi. Mc 2, 14 cũng theo cùng một công thức.

           Chắc chắn đó không phải là những bản tường trình lịch sử chính xác các sự kiện. Thật vậy không ai chọn gọi những môn đệ kế nghiệp mà lại làm một cách hời hợt, vội vã như thế và về mặt tương quan nhân bản cũng có vẻ bất cận nhân tình: Phêrô có vợ lại bỏ đi theo Đức Giêsu không một lời từ giã; Giacôbê và Gioan đang ở với Cha cũng không một lời xin phép. Thật ra Maccô vay mượn thể văn ơn gọi đã có trong Cựu Ước hầu diển tả ý nghĩa thần học của việc Đức Giêsu gọi các môn đệ tiên khởi. Bản văn của Maccô được gợi hứng tư việc Êlia vâng lệnh Yavê chọn và xức dầu cho Êlisa làm ngôn sứ kế nghiệp của mình. (x. 1V19, 16 b)

          Như vậy ngang qua trình thuật ơn gọi của năm môn đệ tiên khởi theo thể văn ơn gọi, Maccô đã kín đáo mặc khải:

          – Hành động kêu gọi các môn đệ của Đức Giêsu xuất phát từ ý định của Chúa. Thiên Chúa muốn như vậy để tiếp nối truyền thống, chỉ có một lịch sử cứu độ được hé mở dần cách thích hợp theo dòng lịch sử nhân loại.

          – những người được chọn sẽ tiếp tục sứ vụ thần linh của Đức Giêsu trong chương trình cứu độ của Cha (x. Ga 20, 21b) như là cánh tay nối dài của Đức Giêsu, cùng chung một chí hướng như Thầy, có cùng số phận như Thầy.

          Ngoài ra, so với ơn gọi của Êlisa, đòi hỏi của Đức Giêsu triệt để, dứt khoát tuyệt đối. Điều đó hàm ý Đức Giêsu có một uy quyền như Thiên Chúa. Trước tiếng gọi của Chúa thì phải đáp trả ngay, không còn vấn đề chần chừ, lần lữa. Đối với người được Thiên Chúa gọi mời rồi thì không còn một công cuộc, bận tâm nào ở trần thế này có thể làm trì hoãn công trình của Thiên Chúa.

         Nơi con người của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã tỏ bày trọn vẹn dự tính cứu độ của Người, cũng như phương thức Người dùng để hoàn tất công trình yêu thương đó. Phần con người có đồng ý đáp lời mời của Đức Giêsu hay không, không có con đường thứ hai. Hãy mau chóng từ bỏ mọi sự để Đức Giêsu biến đổi ta thành tay thợ chài lưới con người như lưới cá, tiếp nối và hoàn tất công trình cứu độ Người đã khởi công.

 Về mặt văn chương: Thể văn ơn gọi

 Trong Maccô trình thuật về ơn gọi của 4 môn đệ tiên khởi (mà sau đó là của Lêvi: Mc 2, 4) được gợi hứng từ một mẫu ơn gọi đã có trong Cựu Ước: Elia gọi Elisa kế tục sứ vụ ngôn sứ theo như lệnh truyền của Thiên Chúa. Cấu trúc của một trình thuật về ơn gọi:

*Cả 3 trích đoạn trên có một lược đồ chung:

– Một tôn sư đi ngang qua – thấy một người đang làm công việc thường ngày của mình – Vị Thầy kêu gọi – người được gọi bỏ việc đi theo Thầy.

Lươc đồ này cho thấy thế chủ động bị lôi cuốn và uy quyền của vị tôn sư.

*Nhưng cũng có vài dị biệt:

– Elia cho phép Elisa về giã từ cha mẹ, bà con. Đức Giêsu đòi hỏi hơn: Người thẳng tay loại bỏ mọi sự chậm trễ, điều đình. Tất cả làm nổi bật lên uy lực của lời mời gọi của Đức Giêsu khiến người được gọi phải từ bỏ dứt khoát, ngay tức khắc.

– Elia không tự ý chọn gọi Elisa nhưng chỉ làm theo lệnh Thiên Chúa để Elisa tiếp tục công việc ngôn sứ của Elia (1V 19, 16b) và phục vụ Elia (19, 21); còn Đức Giêsu Người tự ý chọn gọi các môn đệ và chính Người biến đổi họ thành những kẻ “lưới người như lưới cá”. Tất cả đều bắt nguồn từ chính Đức Giêsu.

– Đức Giê su biến môn đệ thành “kẻ dùng lưới đánh bắt người ta”. Lưới là công cụ dùng để gom tụ lại, vậy bắt một cách hiệu quả những đối tượng tản mác, lẫn trộn trong một diện rộng (cá, chim, người…) hầu bắt buộc các đối tượng ấy đi vào đường lối mà người tung lưới muốn. Các ngôn sứ cho ta thấy ý nghĩa đó khi Thiên Chúa bắt Israel buộc lòng phải chịu sự phán xét của Chúa trên họ qua hình ảnh chiếc lưới úp chụp xuống trên họ (Gr16, 16; Ed12, 13; 17, 20; 32, 3; Kb 1, 14 -15…). Rồi trong dụ ngôn lưới cá Mt 13, 47-49, việc tụ họp muôn dân lại để lọc lựa phân xét được Đức Giê su minh hoạ bằng hình ảnh chiếc lưới quăng xuống biển bắt cá.

 Vậy “lưới bắt người ta” là cách nói diễn đạt ý tưởng quy tụ muôn dân lại để xét xử. Như vậy Đức Giêsu trao cho môn đệ sứ mạng cùng với Người xét xử trần gian theo chương trình của Thiên Chúa. (1Cr6, 2; Mt 19, 28).

          Tóm lại: qua trình thuật ơn gọi 4 môn đệ, mượn từ thể văn ơn gọi của Cựu Ước, Máccô muốn nói lời mời của Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa và hơn nữa, Người chính là Thiên Chúa nên Người có quyền đòi hỏi tuyệt đối trên các môn đệ. Và vương quốc Tin Mừng của Thiên Chúa không gì khác hơn là chính Người (x. Mc 1, 1). Việc Người xuất hiện là dấu chỉ “Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần bên”. Vấn đề còn lại là mở lòng ra ĐÓN NHẬN NGƯỜI. Đó là Tin Mừng.

Frère Pierre Đình Long FSC