CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – năm B

Bài 1

1Sm 3,3b-10.19; Ga 1,35-42
Chủ đề: Ơn gọi từ Thiên Chúa và đáp trả của con người.

* 1Sm 3,10: YAVÊ đến…và gọi “Samuel, Samuel!” Samuel thưa: xin Ngài phán vì tôi tớ Ngài đang lắng tai nghe”.

* Ga 1, 39: Đức Giêsu bảo họ: “đến mà xem!”. Họ đã đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người.

          Sau Mùa Giáng Sinh, Phụng vụ bước vào Mùa Thường Niên thứ nhất tức là Mùa Thường Niên trước Lễ Tro. Lời Chúa trong Mùa Thường Niên mời tín hữu chiêm ngắm Đức Giêsu trong giai đoạn Người hoạt động công khai giữa lòng tuyển dân. Người tiếp tục tỏ mình ra cho họ qua các hoạt động rao giảng, các phép lạ và một cách đặc biệt qua việc tuyển chọn và đào tạo Nhóm Môn Đệ chuẩn bị nhân sự tiếp tục công cuộc tại thế của Người.

          Chúa Nhật II Mùa Thường Niên, Đức Giêsu tiếp tục TỎ MÌNH. Và đối tượng của lần tỏ mình này thì HẸP HƠN: Nhóm Môn Đệ được Người tuyển chọn. Cả ba năm A, B, C đều hướng về chủ đề này dù nội dung các bài đọc vẫn khác nhau tùy theo năm. Giữa lòng Dân Chúa, Đức Giêsu chọn lựa, thiết lập cộng đoàn thiên sai; đào tạo họ, chuẩn bị họ làm nền cho cộng đoàn Dân Mới của Chúa là Giáo Hội sau này.

          Lời Chúa của Chúa Nhật II Mùa Thường Niên tập trung vào chủ đề ƠN GỌI và LỜI ĐÁP TRẢ. Phần Thiên Chúa, Người luôn nắm thế chủ động, đi bước trước lên tiếng mời chọn con người, rồi sau đó con người mới đáp trả. Tuy nhiên trong Lời Chúa của Chúa Nhật II B Mùa Thường Niên thì điểm được nhấn mạnh là vai trò của NGƯỜI TRUNG GIAN: cần phải có sự trợ giúp của một người trung gian để người được gọi có thể nghe và biện phân ra được ý Chúa và đáp trả lại được. Nhưng rồi chung cuộc thì kẻ được gọi cũng phải ĐÍCH THÂN GẶP GỠ, ĐÁP TRẢ TRỰC TIẾP lời mời của Chúa.

          Bài đọc một trích từ sách Samuel quyển một, thuật lại ơn gọi của cậu bé Samuel. Cậu là đứa con cầu tự được Thiên Chúa đoái thương nhận lời ban cho mẹ cậu là bà Anna, người vợ son sẻ của tư tế Ensana. Vì thế bà đã hứa, sau khi cai sữa, sẽ dâng cậu lại cho Thiên Chúa (1Sm 1,1-2,11). Vậy ngay từ bé, cậu đã ở lại đền thờ Silô cùng với gia đình tư tế Êli, phục vụ Thiên Chúa. Trong khi gia đình tư tế Êli sống bất xứng với ơn gọi, chức vụ của mình, thì Samuel lại đẹp lòng Chúa mọi đàng, vì thế Chúa quyết định loại bỏ nhà Êli và đưa Samuel vào thế chỗ (1Sm 2,12-36). Chính trong bối cảnh ấy, Chúa đã lên tiếng mời gọi Samuel.

          Đang đêm, Samuel ngủ trong đền thờ, gần Hòm Bia Thiên Chúa. Chúa cất tiếng gọi cậu. Nhanh chóng tỉnh thức, tưởng thầy Êli gọi mình, Samuel chạy đến trình diện với Êli, nhưng Êli trả lời không hề gọi cậu, rồi bảo cậu về ngủ lại. Sự việc xảy ra đến ba lần. Và thầy Êli đã nhận ra rằng Chúa đã gọi Samuel. Êli hướng dẫn cho Samuel nhờ đó khi Yavê đến lần thứ tư, gọi ĐÍCH DANH cậu “Samuel! Samuel!”, cậu đã thưa “ xin Ngài phán vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”. Như vậy, dù bất xứng, nhưng Êli vẫn là trung gian Chúa dùng để giúp Samuel nhận ra được tiếng Chúa. Và ơn gọi Samuel chỉ hoàn tất khi ông đích thân được gặp Chúa, được Yavê ở với ông và “không để cho một lời nào mà Ngài đã phán với ông ra vô hiệu”.

          Còn trong bài đọc Tin Mừng, vai trò trung gian giới thiệu Đức Kitô cho người khác có đến hai người:

Người thứ nhất là Gioan Tẩy Giả: ông đang đứng với hai người môn đệ của ông thì thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông liền nói với hai môn đệ: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Và chỉ qua trung gian lời giới thiệu ấy, hai môn đệ của Gioan đã đến với Đức Giêsu để tiếp xúc ĐÍCH THÂN, TRỰC TIẾP gặp gỡ, ở với Giêsu và trở thành môn đệ Người.         

Người thứ hai đóng vai trò trung gian là ông ANRÊ, một trong hai môn đệ của Gioan vừa theo Đức Giêsu. Sau cuộc gặp gỡ ĐÍCH THÂN BIỆT VỊ và ở lại với Đức Giêsu; Ngay tức khắc Anrê đã trở thành “cánh tay nối dài” của Đức Kitô, làm trung gian đem em mình là Simon – Phêrô đến với Đức Giêsu.

          Vậy Tin Mừng nhấn mạnh đến QUÁ TRÌNH để một người trở thành môn đệ Đức Giêsu: * Trước tiên là phải cần một trung gian hướng dẫn, giới thiệu Đức Giêsu với người được chọn. * Tiếp theo là người được chọn phải ĐÍCH THÂN đến gặp gỡ Đức Giêsu. *Được Đức Giêsu soi sáng, giúp ý thức động lực, mục đích đến với Người: “các anh tìm gì thế?”. * Rồi Người đích thân mời gọi “Đến mà xem”. * Họ đã “đến”, “xem” và “ở lại” với Người. * Rồi trở thành môn đệ Người, CHỨNG NHÂN cho Người, lôi cuốn người khác đến với Người.

          Mỗi tín hữu qua trung gian Giáo Hội và nhiều trợ lực khác đã nên môn đệ Đức Giêsu. Đến phiên mình, hãy là trung gian giới thiệu Đức Giêsu cho người khác.

Bài 2

1Sm 3, 3b-10.19
Ga 1, 35-42

Thấy hai môn đệ của Gioan đi theo mình, Đức Giêsu hỏi “các anh tìm gì thế?”. Họ đáp: “Thưa rabbi, Thầy ở đâu?”. Người bảo họ: “đến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người ngày hôm đó. (Ga 1, 38-39).

Lời Chúa Chúa Nhật 2B Mùa Thường Niên tiếp tục chủ đề đã được nói nhiều trong mùa Giáng Sinh: Thiên Chúa tỏ mình.

    *  Trong lễ Hiển Linh, Hài Nhi Thiên Chúa tỏ mình ra cho chư dân. Thiên Chúa tận dụng mọi biến cố, từ thiên nhiên vũ trụ (Ngôi Sao), cho đến những truyền thống tôn giáo Do Thái (Thượng tế- Kinh sư), rồi Lời Chúa được mặc khải qua dân ngoại (Bilơam: Ds 24, 17-24), lẫn Lời Chúa được lưu truyền trong Do Thái Giáo qua các ngôn sứ (Mk 5,1); Rồi cả những hờ hững (dân Giêrusalem) lẫn ác ý từ phía con người (Hêrôđê) – để tỏ mình cho dân ngoại và cho mọi người. Các người dân ngoại thành tâm thiện chí (các hiền sĩ) đã được Chúa mở lòng giúp nhận ra Hài Nhi không chỉ là Vua Dân Do Thái mà còn là Đức Kitô, Đấng Thiên Sai được Thiên Chúa phái đến để thực hiện lời tiên báo từ một ngôn sứ dân ngoại Bilơam, ngay khi dân Chúa còn chưa đặt chân vào Đất Hứa. Điều ấy hàm ý rằng ơn cứu độ cũng được ban cho cả muôn dân chứ không riêng gì cho người Do Thái. Và còn tuyệt vời hơn nữa: một khi đã gặp được Hài Nhi, các người dân ngoại ấy còn trở thành chứng nhân, người loan báo Tin Vui Giáng Sinh cho các cư dân nơi miền địa phương họ thường trú.

* Trong lễ Đức Giêsu chịu phép rửa, lúc này Giêsu đã trưởng thành, một thanh niên 30 tuổi. Người đang có mặt giữa đám tuyển dân đang thật lòng sám hối, họ thú nhận tội, đang dọn lòng đón Đấng Thiên Sai. Chính trong lúc đảm nhận trọn vẹn phận người yếu hèn như thế, Đức Giêsu được cả Ba Ngôi Thiên Chúa công bố Người chính là Đấng Mêsia, Thiên Sai mà tuyển dân bao đời mong đợi và còn hơn thế nữa Người còn là Con Thiên Chúa.

          Với biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, Ba Ngôi đồng thanh công bố Thiên Chúa đã hoàn tất lời hứa với nhân loại lẫn tuyển dân: Đấng đạp đầu con Rắn (St 3,15), Đấng Mêsia đã tới, “Con Thiên Chúa” đang ở giữa nhân loại, giữa dân Chúa”.

         Không dừng lại ở đó, Thiên Chúa đưa dòng lịch sử nhân loại bước vào một giai đoạn mới của lịch sử cứu độ: Giai đoạn xây dựng Nước trời tại thế, được khai mở bằng việc thiết lập cộng đoàn thiên sai.

  • Bài đọc Tin Mừng của ba năm Chúa Nhật 2 MTN gợi lại bước mở đầu đó. Các trích đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật 2 MTN của cả ba năm đều lấy từ “Tuần lễ khai mạc” trong sách Tin Mừng Gioan. Đức Giêsu quy tụ chung quanh Người các người được chọn: Ga1,29-34 (năm A); Ga1, 35-42 (B); và Ga 2, 1-11 (C)

        Qua chứng từ của vị ngôn sứ chứng nhân cuối cùng của Cựu Ước, Đức Giêsu bắt đầu việc tỏ mình cho cộng đoàn thiên sai Tân Ước, cộng đoàn đầu tiên được quy tụ chung quanh Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa. Nội dung chính của bài đọc Tin Mừng năm B thuật lại việc Đức Giêsu tỏ mình ra (bằng nhiều cách) cho bốn môn đệ tiên khởi: Anrê và một người khác (có thể là người môn đệ Chúa yêu) là hoa quả của thời Cựu Ước, đến với Đức Giêsu nhờ trung gian Gioan Tẩy Giả; Phêrô được Anrê dẫn đến với Đức Giêsu (Khi gặp được và ở lại với Đức Giêsu, một thành viên của cộng đoàn Cựu Ước là Anrê đã trở nên chứng nhân loan báo Đức Giêsu cho kẻ khác); Người thứ tư là Philipphê được Đức Giêsu gọi trực tiếp. Và nếu đọc thêm Ga 1, 43-52 sẽ thấy rằng người được gọi trực tiếp cũng trở thành người giới thiệu, đem người khác (Nathanael) đến với Đức Giêsu.

        Vậy theo Tin Mừng Gioan, đặc biệt là trích đoạn Tin Mừng hôm nay thì điểm nhấn chính là CÁCH THỨC ĐỨC GIÊSU TỎ MÌNH cho các thành viên trong cộng đoàn thiên sai tiên khởi: Người tỏ mình ra qua các TRUNG GIAN.

        Điểm nhấn này của MTN 2B được tô đậm nét thêm nhờ bài đọc một được trích chọn từ 1Sm 3, 3b-10.19. Yavê Thiên Chúa đã tuyển chọn và gọi cậu bé Samuel vào công việc của Người. Tuy nhiên Samuel đã không nhận ra được tiếng gọi của Thiên Chúa. Phải nhờ đến trung gian là tư tế Êli, mặc dù ông này bất xứng bị Thiên Chúa quyết tâm loại bỏ, giúp đỡ mới có thể nhận ra được tiếng Chúa.

            Chỉ một lần duy nhất trong công trình sáng tạo (St 1) là Thiên Chúa làm nên mọi sự từ hư không, chỉ một mình Người thực hiện tất cả; còn lại trong suốt dòng lịch sử cứu độ, bất cứ làm điều gì Thiên Chúa đều muốn có sự cộng tác của vũ trụ, nhất là của con người. Qua cách thức làm việc đó, Thiên Chúa mời mỗi người chúng ta, tuỳ theo ơn Chúa ban và dự tính của Người, trở thành trung gian, cộng tác vào công trình của Chúa để thể hiện ơn gọi làm người, làm “hình ảnh Thiên Chúa” theo như ý Chúa.

          Lời Chúa CN 2B nhấn mạnh đến vai trò của người trung gian trong ơn gọi! Đúng! Nhưng để nhận ra được tiếng Người, kẻ được gọi cần một trung gian để giúp biện phân nhận ra tiếng Chúa. Và Tin Mừng còn đi xa hơn: kẻ đã được gọi sẽ trở thành trung gian giúp kẻ khác đến với Chúa.

         Phần người được gọi cũng phải có thái độ đáp trả thích đáng: kiên trì lắng nghe, kiên trì đáp trả dù nhiều phen chưa biện phân được tiếng Chúa và một khi nhận ra được tiếng Chúa rồi thì mau mắn làm theo, ở lại với Người, sẵn sàng tin tưởng tuân phục lời chỉ bảo của người trung gian.

         Bài đọc 1 thuật lại ơn gọi của Samuel. Yavê kiên trì trực tiếp gọi cậu: đến bốn lần. Nhưng cậu chỉ nhận ra tiếng Chúa qua trung gian của Êli. Tin vào Êli, cậu đáp lời Chúa theo lời Êli chỉ dạy và được Chúa mặc khải thánh ý (Phần nội dung mặc khải, bản văn phụng vụ không sử dụng). Và Chúa ở với cậu, giúp cậu giữ trọn lời Người dạy.

        Tin Mừng thuật lại ơn gọi các môn đệ tiên khởi theo thánh ký Gioan: Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa cho hai môn đệ của mình; các ông bỏ Thầy đi theo Đức Giêsu và được mời gọi “đến mà xem” và đã ở lại với Người. Đến phiên mình, người đã được gọi trở thành trung gian (Anrê) giới thiệu Đức Giêsu cho người khác (Simon).

BÀI ĐỌC I: 1Sm 3, 3b– 10. 19

Văn mạch

          Sách Samuel thuộc về bộ sách Lịch sử được viết theo tinh thần Đệ Nhị Luật (Gs, Tl. 1,2Sm, 1,2V), sau vụ cải cách của vua Giôsia, gồm 2 cuốn. Nội dung thuật lại tích truyện của 3 nhân vật chính Samuen, Saolê, Đavit: Bát đầu với việc chào đời của Samuel và kết thúc với việc Đavit dọn bàn thờ tạ ơn Thiên Chúa đã giảm nhẹ án phạt, rồi tha tội đã tự ý kiêu ngạo, kiểm tra dân số. Sách chia làm 5 phần:

          Bài đọc 1 hôm nay thuộc phần 1 (1Sm 1-7) nói về Samuek: ông là đứa con cầu tự được Thiên Chúa đoái thương ban cho mẹ ông là bà Anna. Vì thế bà đã hứa dâng ông lại cho Thiên Chúa (1Sm 1, 1-2.11). Vậy, ngay từ bé ông đã ở lại đền thờ Silô cùng với gia đình tư tế Êli phục vụ Thiên Chúa. Trong khi gia đình Êli sống bất xứng với chức vụ tư tế thì Samuel lại đẹp lòng Chúa mọi đàng, vì thế Chúa quyết định loại bỏ nhà Êli và đưa Samuel vào thế chỗ (2,12-36). Qua chương 3, ơn gọi của Samuel được đề cập tới: chính Thiên Chúa trực tiếp gọi ông, nhưng phải nhờ trung gian Êli, dù bất xứng ông này vẫn còn là đại diện Chúa, thì Samuel mới nhận ra được và đáp lại tiếng Chúa.

          Bản văn phụng vụ trích một phần chương 3, bỏ đi phần nội dung sứ điệp Thiên Chúa mặc khải cho Samuel về số phận nhà Êli, chỉ nhấn mạnh đến ơn gọi Samuel và bằng cách nào mà ông đã nhận ra và đáp lại tiếng Chúa.

CẤU TRÚC và SUY NIỆM

  1. Chúa gọi Samuel, nhưng cậu không nhận ra tiếng Chúa (1Sm 3, 3b-7)

  • Thời điểm, nơi chốn: lúc Samuel đang ngủ, trong đền thờ nơi có đặt Hòm Bia (3b).

  • Chúa gọi và sự vô tri của Samuel lập lại 3 lần theo một công thức:

  • Chúa gọi Samuel (4a, 6a, 8a)

  • Đáp trả: “dậy” hoặc đáp “dạ con đây” (4b, 6b, 8b)

  • Chạy đến Êli: “dạ con đây, Thầy gọi con” (5a, 6c, 8c)

  • Hai lần đầu Êli cũng chưa nhận ra tiếng Chúa: “Thầy không gọi con đâu, con về và ngủ đi” (5b và 6d)

  • Người thuật chuyện giải thích lý do Samuel không nhận ra tiếng Chúa (7):

  • Lúc ấy Samuel chưa biết Yavê

  • Lời Yavê chưa được mặc khải cho cậu

Thời điểm và nơi chốn diễn ra ơn gọi cho thấy Samuel đang đắc sủng còn Êli đang thất sủng. Vào bối cảnh “Lời Yavê thì hiếm, thị kiến cũng không xảy ra” (3,1), lẽ ra mặc khải phải được tỏ lộ cho người đại diện Chúa là thầy cả Êli, thế nhưng bản văn lại mô tả thầy không đủ điều kiện để đón nhận Lời Chúa: “ngủ ở nơi riêng (hàm ý xa Hòm Bia), mắt bắt đầu mờ, không còn thấy nữa” (3,2). Trong khi đó, cậu bé Samuel tỉnh thức, nhanh nhẹn, kiên trì lại được “ngủ trong đền thờ Yavê, nơi có đặt Hòm Bia” (3,3), thêm được “đèn của Thiên Chúa chưa tắt” soi sáng. Trong bối cảnh như vậy Samuel đã được Chúa chọn để trao ban lời Người cho cậu.

Ba lần lập lại cùng một sự kiện là một đặc nét trong văn kể chuyện: hai lần đầu chưa thấy kết quả gì hay chỉ thấy điều xấu là để tạo căng thẳng, nhất là gây nghi ngờ nơi đối tượng (liệu chuyện ấy có xẩy ra thật không? Ảo tưởng? hai lần bị hụt tàu rồi) nhằm lấy đà, làm nền đưa vào nội dung chính sẽ được lộ ra trong lần ba. Nội dung này sẽ là sứ điệp chính, là cốt lõi của trình thuật (CE 89 p.22 phần đóng khung). Sứ điệp chính thường là một sứ mạng được trao cho người được gọi. Ở đây, Samuel không được trao cho một sứ mạng nào, Chúa chỉ nói cho Samuel biết ý định của Chúa đối với nhà Êli và không hề dặn phải báo cho Êli. Nhưng Êli là thủ lãnh đại diện Chúa nên ông quen cách hành động của Thiên Chúa, ông biết Chúa có một sứ điệp muốn trao ban và ông đã chận hỏi Samuel, dĩ nhiên cậu phải nói ra tất cả những gì đã nghe Chúa nói. Bản văn phụng vụ bỏ đi phần này là muốn nhấn mạnh đến ơn gọi Samuel thôi: chính Thiên Chúa chọn ông làm người đón nghe tiếng Chúa (3,19-21). Toàn dân biết rõ điều đó. Ông có thể được coi là vị ngôn sứ theo ơn gọi đầu tiên mà Thiên Chúa ban cho dân để từng bước thực hiện lời hứa Đnl 18, 18 (CE 89, p 23 cột 2)

        Phối hợp với Tin Mừng, 3 lần không nhận ra tiếng Chúa cũng hàm ý tự sức mình, cá nhân đơn độc khó biện phân ra được tiếng Chúa; cần sự giúp đỡ của trung gian truyền thống.

  1. 2. Nhận ra tiếng Chúa nhờ sự trợ giúp của Êli (1Sm 3, 8-10)

  • Lần 3, Êli nhận ra tiếng Chúa: “Bấy giờ Êli hiểu là Yavê gọi cậu bé” (8đ)

  • Hướng dẫn đáp lời: “…Lạy Chúa, xin hãy phán, tôi tớ Ngài đang lắng nghe Ngài”

  • Lần 4 với những nét đặc biệt:

– Yavê đến, đứng đó và gọi đích danh “Samuel! Samuel!”.

– Đáp: “xin hãy phán, tôi tớ Ngài đang lắng nghe”

         Nhờ chỉ bảo của Người thuật truyện trong c. 8đ, nội dung được tỏ lộ ra trong lần gọi thứ 3 là: “Tiếng mà Samuel nghe gọi là tiếng Chúa”. Điều hiếm thấy vào thời đó nay lại xuất hiện: Sau thời gian im lặng, giờ Chúa lại lên tiếng. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa sắp can thiệp để chuyển lịch sử cứu độ tiến thêm một bước: từ chế độ thủ lãnh sang quân chủ mà Samuel là người chuyển tiếp, vị thủ lãnh cuối cùng này sẽ xức dầu phong vương cho hai vua đầu tiên của người Do Thái. Trước đó, trong quá khứ cũng đã có những lần Chúa im lặng lâu dài rồi tiếp đó Lời Chúa đột ngột đến với những kẻ được chọn, và từ đó dòng lịch sử chuyển sang một trang mới (Nôê: St 6, 13; Abram: St 12, 1-3; Môsê: Xh 3, 1-6)

        Tuy nhiên lần này có vài chi tiết khác biệt: tự sức cậu bé không nhận ra được tiếng Chúa; Cần có sự trợ lực của Êli là thủ lãnh đương nhiệm mặc dù ông bất xứng, và Sm đã vâng lời Êli, kết quả thật tốt đẹp. Chi tiết này làm nghĩ tới lời của Đức Giêsu trong Mt 23, 2-3

       Sự khác biệt nữa là Chúa gọi đến 4 lần và lần thứ 4 này Samuel mới thật sự đối diện với tiếng gọi của Chúa một cách có ý thức; và tiếng gọi của Chúa trở nên rõ nét, biệt vị hơn: bản văn không nói chung chung “Yavê gọi Samuel!” nữa, mà mô tả “Yavê đến, đứng đó và gọi: “Samuel! Samuel!”, nghĩa là Thiên Chúa hiện diện đích thân, tới gần Samuel và gọi cậu đích danh. Rồi theo lời Êli dạy, cậu đáp lời nhưng lại bỏ đi lối xưng hô “Lạy Chúa” mà chỉ nói trống “xin hãy phán, tôi tớ Ngài lắng nghe”. Có lẽ Samuel tránh gọi thánh danh Chúa.

      Ba lần gọi đầu, Chúa giúp Samuel, qua trung gian Êli, nhận ra tiếng Chúa – Lần thứ 4, Chúa đưa cậu vào trong tương quan biệt vị với Người (Kêu đích danh). Trong tương quan đó, thái độ phải có từ phía con người là phải “LẮNG NGHE”. Và một khi đã chuẩn bị giúp Samuel sẵn sàng lắng nghe, Chúa mặc khải ý Người).

  1. Chúa hoạt động nơi người được gọi (1Sm 3, 19)

  • Samuel lớn lên Yavê ở với ông

  • Người không để lời nào của Người ra vô hiệu

          Câu này hàm ý Thiên Chúa thực hiện tất cả những gì Người nói với Samuel.
“Thiên Chúa ở cùng” là yếu tố căn bản giúp cho kẻ được Thiên Chúa chọn trong sứ mạng. Ở đây vai trò ngôn sứ của Samuel được nhấn mạnh (c.20). Những gì Chúa nói với Samuel về nhà Êli sẽ xảy ra ở ch. 4. Đó là một minh họa cho việc Lời Chúa hoạt động hiệu quả nơi Samuel.

  1. TÓM KẾT:

       Bản văn phụng vụ đề cập đến ơn gọi của Samuel. Trước tiên đó là sáng kiến của Thiên Chúa: Người đi bước trước đến với Samuel, kiên trì từng bước kêu gọi, giúp cậu nhận ra được tiếng Người và trao ban lời Người cho cậu. Phần Sm cũng kiên trì, mau lẹ đáp lời dù ban đầu chưa nhận ra được tiếng Chúa. Dù bất xứng, Êli vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần làm ơn gọi Samuel được khám phá và triển nở: ông đã trông nom Samuel (3,1) và chính ông đã biện phân giúp Samuel nhận ra được tiếng Chúa, ông là đại diện của truyền thống gìn gữ tính liên tục của lịch sử cứu độ trong giây phút hiện tại. Vì vậy đối với Êli, bản văn nhấn mạnh đến thái độ Samuel luôn vâng phục và làm theo các chỉ dạy của Êli. Đó cũng là một yếu tố quan trọng giúp Samuel nhận ra được tiếng Chúa trong đời mình.

Hôm nay Chúa vẫn tiếp tục mời gọi và hoàn toàn tự do trong việc chọn đối tượng và phương thức kêu gọi. Tuy vậy, Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh khía cạnh “Chúa gọi qua một trung gian”, đó cũng là những người được Chúa chọn trước đó để lãnh đạo dân Chúa. Mọi sự Chúa làm đều vì lợi ích ơn cứu độ cho nhân loại, tạo nên sự liên tục nhất quán trong dòng lịch sử ơn cứu độ, mặc dù từ phái con người đầy dẫy bất trung. Tính trung gian và liên tục của truyền thống là một nét đặc thù của hành vi cứu độ của Thiên Chúa.

TIN MỪNG: Ga 1, 35-42

          Hôm nay phụng vụ bước vào Chúa Nhật II MTN. Trong các lịch Công Giáo, ta thấy không có ghi Chúa Nhật I MTN, mà thay vào vị trí đó là lời Chúa Nhật “Chúa Giêsu chịu phép rửa”, kèm theo bên cạnh là chi tiết này: “Tv tuần I”. Đó là lời nhắc nhở: tuần lễ ngay sau lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là tuần lễ thứ nhất của MTN trước lễ Tro. Như vậy lễ này như là cái bản lề nối 2 mùa Giáng Sinh và MTN với nhau, với chủ đề chung là Đức Giêsu hiển linh và đối tượng được Chúa tỏ mình đi từ “số sót lại” của Israel đang sám hối chịu phép rửa của Gioan (lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa) sang Nhóm môn đệ tiên khởi của cộng đoàn thiên sai thời Tân Ước (Chúa Nhật II MTN). Vào MTN, Đức Giêsu giã từ thời ẩn dật, Người bắt đầu xuất hiện trong tư cách một người trưởng thành khoảng tuổi 30 (Lc 3, 32) là tuổi có thể đảm nhận được những trách vụ quan trọng trong cộng đoàn Do Thái (x. Xavier Leon-Dufour” Dictionnaire N. T” p. 63), cụ thể có thể đảm nhận được vai trò làm “RABBI”, giảng dạy lề luật, điều hành phụng vụ trong cộng đoàn. Ngay lúc vừa xuất hiện công khai, Đức Giêsu đã được gọi là rabbi (Ga 1, 38)

        Tin Mừng Chúa Nhật 2B MTN trích từ Ga 1, 19-2, 12 nói về tuần lễ khai mạc sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Ngay lúc vừa xuất hiện, Gioan Tẩy Giả nhờ Cha mặc khải. Thánh Thần soi sáng, đã nhận ra Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian. Đấng trổi vượt hơn Gioan, ông không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Người chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần (Ga 1, 29.30-33).

          Các môn đệ Gioan, được Thầy mình giới thiệu về Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” đã lập tức tin vào Người, nhanh chóng tìm đến gặp Người và tôn xưng Người là “rabbi” là tiếng Hipri có nghĩa là “Thầy của tôi”.

Còn trong tiếng Aram thì gọi là “rabbuni” (theo nghiên cứu ngữ học: x.DEB “Rabbi” và :Rabbouni”. Còn Ga 20, 16 thì nói “rabbouni” là tiếng Hipri). Đó là ngày thứ ba trong tuần khai mạc. Yếu tố để đánh dấu “ngày” là “hôm sau” (1, 29. 35-43) và “ngày thứ ba” (2, 1). Chủ điểm của ngày thứ ba này nói về ơn gọi của hai môn đệ của Gioan và ơn gọi của Simon Phêrô. Đặc điểm của ba ơn gọi này, được mô tả hôm nay là đến được với Đức Giê-su là nhờ qua trung gian giới thiệu của một người khác. Đó cũng là chủ đề của Lời Chúa trong bài đọc 1: Nói về ơn gọi của Samuel; Cậu bé nhận ra được tiếng Chúa gọi nhờ trung gian Thầy Êli.

          Công việc đầu tiên của Đức Giêsu, theo Tin Mừng Gioan là quy tụ lại chung quanh Người những thành phần nòng cốt của cộng đoàn thời thiên sai. Thật vậy, trong “Tuần khai mạc”, Đức Giêsu chỉ gặp gỡ trực tiếp và thân tình với các môn đệ, không có một đối tượng nào khác xen vào mối tương quan tiên khởi này. Ngày cuối cùng của Tuần khai mạc, Đức Giê-su dự tiệc cưới và làm phép lạ cho cả đám đông được hưởng nhưng đối tượng liên hệ thân tình chỉ là các môn đệ và mở rộng ra một chút là các gia nhân đi múc nước đổ vào các chum. Dĩ nhiên phải kể tới Đức Mẹ. và việc Người làm là để các môn đệ tin vào Người. Điểm nổi bật trong công cuộc quy tụ lại cộng đoàn thiên sai trong tuần khai mạc là VAI TRÒ CỦA NGƯỜI TRUNG GIAN. Cụ thể là Gioan Tẩy Giả là trung gian nối kết hai môn đệ của mình với Đức Kitô; Tới phiên mình, Anre đã lôi cuốn em mình là Simon Phêrô đến giới thiệu cho Đức Giêsu; Rồi Philipphê là cầu nối giữa Đức Giê-su vào Nathanael; Cuối cùng Đức Maria đã là trung gian cứu nguy cho đôi tân hôn qua dấu lạ hoá nước thành rượu của Đức Giêsu được thực hiện dù “giờ của tôi chưa đến”.

          Bài đọc Tin Mừng hôm nay là các sự việc xảy ra trong ngày thứ ba của tuần lễ khai mạc “trong TM 4. Chủ đề là ơn gọi, Đức Giêsu tỏ mình cho các môn đệ tiên khởi và vai trò của Người trung gian giúp kẻ được gọi chọn đến được với Đức Giêsu.

CẤU TRÚC VÀ SUY NIỆM

  1. Gioan, nhân chứng, giới thiệu Đức Giêsu cho 2 môn đệ mình (Ga 1, 35-37)

  • Hôm sau Gioan lại đứng với 2 môn đệ; Đức Giêsu đi ngang qua

  • Giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên Chúa”

  • Tuân phục Thầy: nghe lời Gioan, 2 môn đệ đi theo Đức Giêsu.

         Đây là trình thuật về ơn gọi của các môn đệ tiên khởi. Khác với Nhất Lãm – Đức Giêsu gọi trực tiếp – ở đây là TM 4 trình bày ơn gọi qua 1 trung gian. Người trung gian này phải là người đã có 1 kinh nghiệm, tương giao hiểu biết nào đó với Đức Giêsu: Gioan Tẩy Giả nhờ Cha (1, 33), giới thiệu Người cho 2 môn đệ (1, 35-37); 1 trong 2 là Anrê (1, 40) giới thiệu Đức Giêsu với em mình (1,41-42a). Tính liên tục và nhất quán của truyền thống là một yếu tố quan trọng cấu thành ơn gọi mỗi người.

Hôm sau, Gioan lại đứng… Đức Giêsu đi: “lại đứng” có nghĩa là trước đó đã đứng lại rồi, còn tình trạng của Đức Giêsu là đang đi. Hình ảnh biểu tượng việc chấm dứt sự nghiệp của Goan Tẩy Giả và Đức Giêsu bắt đầu hành trình thiêng liêng dệt nên cuộc đời cứu độ của Người. trước kia người ta tưởng Gioan là Mêsia, ông đã làm chứng rằng mình không phải là đấng ấy, và hôm nay ông giới thiệu Đức Giêsu cho môn đệ, chỉ cho họ biết ơn cứu độ là ở nơi Đức Giêsu. Điều này hàm ý rằng ông bảo môn đệ hãy rời bỏ ông để gắn bó với Đấng Cứu Thế duy nhất và đích thực. thái độ vô vụ lợi, biểu hiện đúng vai trò của người trung gian: ông phải nhỏ lại để Đức Giêsu lớn lên trong mọi người (3,30)

“Đây là Chiên Thiên Chúa”: thánh ký đã đặt trên môi Gioan kết quả của suy tư thần học của ông sau biến cố phục sinh. Chủ đề Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa chịu sát tế để cứu nhân loại chỉ có thể được khám phá sau khi Đức Giêsu chết và phục sinh. Trong nhãn giới này, ta thấy cả một bối cảnh Kinh Thánh được gợi lên bởi thành ngữ này:

  • Is 53,7: Đức Giêsu chính là Người Tôi Trung bị ngược đãi nhưng không hề mở miệng “giống như con chiên bị dẫn tới lò sát sinh…”. Người chịu vậy là tự nguyện đảm nhận lấy thân phận tội lỗi của nhân loại.

  • Đức Giêsu là chiên lễ vượt qua: theo Ga 19,14, Đức Giêsu bị kết án tử hình Philato trao Người cho dân Do Thái đem giết vào đúng giờ mà các tư tế sát tế chiên để dùng trong Lễ Vượt Qua (CGKPV Tân Ước trang 400a)

  • Đức Giêsu là con chiên khải thắng trong sách Khải Huyền: con chiên hiến tế nhưng vẫn đứng vững nghĩa là có khả năng chiến thắng tội lỗi (Kh 5,6; 14,10; 17,14)

Vậy với lời giới thiệu này được đặt trên miệng Gioan Tẩy Giả, Tin Mừng 4 tuyên bố Đức Giêsu đảm nhận nơi chính bản thân Người toàn bộ công trình cứu độ thời cánh chung mà Cựu Ước đã loan báo ngang qua hình ảnh con chiên xoá tội trần gian.

Thái độ hai môn đệ: mặc dù đã biết Gioan không phải là Mêsia, hai môn đệ vẫn ngoan ngoãn vâng lời ông – vì tin ông là người của Chúa, là chứng nhân của Ánh Sáng- và từ giã ông để theo Đức Giêsu là Ánh Sáng thật. Ở đây, như trường hợp Samuel, ơn gọi của hai môn đệ được gợi lên qua một trung gian, một người của Chúa.

  1. Đích thân gặp gỡ Đức Giêsu: cuộc đối thoại đưa tới ơn gọi (Ga 1, 38-39)

Đức Giêsu đi bước trước: quay lại, thấy các ông đi theo mình, hỏi “các anh tìm gì thế?”.

Đáp: “Rabbi, Thầy ở đâu?”

Mời gọi: “đến mà xem”

Đáp lời: đến xem chỗ Người ở (Mevw: 3 ít, ht) và họ ở lại (3 nh, a) với Người ngày hôm ấy. lúc ấy là giờ thứ 10.

Tất cả đều phải đưa đến đích điểm ơn gọi là gặp Đức Giêsu đích thân. Các môn đệ đang đuổi theo Đức Giêsu! Họ chủ động gặp gỡ? Không! Đức Giêsu đi bước trước, người nắm thế chủ động: quay lại, thấy các ông đang trong tình trạng đi theo sau mình và Người lên tiếng trước, Người trung gian chỉ là khơi gọi, ơn gọi luôn là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, Người luôn đi bước trước. Chủ yếu vẫn là cuộc gặp gỡ đích thân được chính Chúa khai mở.

“Các anh tìm kiếm điều gì?”: Theo Đức Giêsu bên ngoài chưa đủ. Điều quan trọng là cái ẩn chứa trong lòng người môn đệ khi đi theo Chúa. Nói cách khác đó là động lực, mục đích. Đức Giêsu muốn kẻ theo Chúa phải theo cả con người sâu thẳm nhất của mình và hàm ý nếu cần phải thanh luyện từ từ cái động lực, cùng đích ấy cho phù hợp ý Chúa. Nếu không sẽ có nguy cơ là khi gặp thập giá sẽ nản lòng bỏ trốn hết. Tin Mừng 4 cho thấy có nhiều động lực đi tìm Đức Giêsu: để tôn Người làm vua (6,24); để giết Người (7,1-19); để bắt Người (18, 4-7); để khóc than vì Người đã chết (20,15)…Còn những người muốn làm môn đệ Chúa, họ tìm kiếm điều gì nơi Người?

Rabbi, Thầy ở đâu?” là câu hỏi ta gặp khắp Tin Mừng thứ 4. Đó là câu hỏi liên can đến cội nguồn thần linh của Đức Giêsu (7,34;8,14-19-21 ; 12,26 ; 14,3 ; 17,24) và cũng liên quan tới thập giá (13,33-36).

“ ở” = “ở lại”= “lưu lại”= “mêno” từ đặc biệt của Tin Mừng thứ 4, diễn tả mối hiệp thông thâm sâu giữa Cha và Con (14,10;15,10); giữa Thần Khí và môn đệ (14,7); giữa Đức Giêsu và môn đệ (15,4.5.6.7.9). Vậy câu hỏi “Thầy ở đâu?” hàm ý các môn đệ xin được vào mối tương quan thâm sâu với Đức Giêsu và qua Người, với Cha và Thần Khí nữa: “đối với thánh ký, 2 môn đệ đã mặc nhiên nói lên với Chúa Giêsu lời thỉnh cầu căn bản của Philipphê và của mọi người. Ngài hãy chỉ cho chúng tôi Chúa Cha (mà Ngài đang ở bên trong) và như vậy đủ cho chúng tôi” (14,8)” (Giáo Hoàng Piô X Học Viện Đà Lạt “Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm B, Mùa Thường Niên trang 12).

Hãy đến mà xem: để biết Chúa Giêsu “ở” đâu cần đích thân “đến xem”, để đi vào trong tương quan thâm sâu với Người cần có cảm nghiệm biệt vị về Người. Cách nói này hàm nghĩa là hãy tin vào Người, bước theo Người, trở thành môn đệ Người.

Họ đã đến xem …và Ở LẠI với Người: Nghe lời mời họ đến, xem và đi vào tương quan mật thiết với Người. Đây là bước khởi đầu cho một cuộc hiệp thông sâu hơn được Đức Giêsu mô tả bằng hình ảnh cây nho và nhành nho: sự hiệp thông này phải trổ sinh hoa trái (15,4). Điều này được thấy ngay trong trình thuật tiếp sau.

  1. Người môn đệ trở thành trung gian mới đưa tới ơn gọi mới (Ga 1,40-42)

  • Giới thiệu 1 trong 2 môn đệ: Anrê, anh của Simon Phêrô

  • Việc làm đầu tiên sau 1 ngày ở với Đức Giêsu: làm người trung gian

  • Gặp em, loan tin vui: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”

  • Đem em đến với Đức Giêsu

  • Ơn gọi mới: Đức Giêsu nhìn Simon và đổi tên Simon thành Kêpha (Phêrô)

  • Một khi đã đi vào mối hiệp thông thân tình với Đức Giêsu, người được gọi phải trở nên trung gian đưa người khác vào sự hiệp thông với Người. Đây là một nét đặc biệt của người môn đệ theo Tin Mừng thứ 4. Đây là cách diễn tả của “người môn đệ Chúa yêu” lệnh truyền của Đấng Phục Sinh trao cho các môn đệ trong Mt 28,19-20.

  • Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia: Đây là một chứng từ sống của những con người đã gặp gỡ đích thân biệt vị với Đức Giêsu. Không chỉ trên lý thuyết, giáo lý, muốn làm cho kẻ khác thành môn đệ thì tôi phải là môn đệ thứ thiệt đã. Điều tôi loan báo không chỉ là hệ thống tín điều, nhưng trước tiên đó là một kinh nghiệm biệt vị về Thiên Chúa: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”; và đây nhấn mạnh:chứng từ cộng đoàn vì dù chỉ một mình Anrê vẫn nói “CHÚNG TÔI”.

  • Ơn gọi: Cũng như trường hợp ơn gọi trước đó của hai môn đệ Gioan, và sau này là Nathanael, bước đầu ơn gọi luôn là sáng kiến Thiên Chúa: Đức Giêsu lên tiếng trước với khởi đầu là một cái nhìn trên đối tượng. Ở đây là việc đổi tên Simon thành Phêrô. Với Tin Mừng thứ 4 việc đổi tên được thực hiện ngay trong cái nhìn, lần gặp đầu làm nổi bật dự tính thần linh của ơn gọi chưa cần Phêrô phải tuyên tín hay làm gì cho Chúa như trong Mt 16,16-19. Ơn gọi không tùy thuộc công nghiệp, đạo đức cá nhân. Một khi đã được chọn, cứ phó thác tất cả cho Chúa và Ngoan ngoãn để Người biến đổi, sử dụng ta vào công cuộc của Người)

  • TÓM KẾT

Tin Mừng hôm nay trình bày cho ta một cái nhìn Kitô học và thần học về ơn gọi theo Tin Mừng thứ 4. Trước tiên, qua trung gian Gioan, Đức Giêsu tỏ mình là Chiên Thiên Chúa, là Người Tôi Trung của Yavê đến hiến mình làm lễ tế để cứu tuyển dân và thế giới, Người là Con Chiên Vượt Qua của Giao Ước vinh thắng nhờ thập giá. Chính trong tư cách đó, Người đã tỏ mình, lôi cuốn những kẻ được chọn đến với Người. Từ đó ta khám phá được lộ trình trở thành môn đệ trong Tin Mừng thứ 4;

Bước khởi đầu luôn là của Thiên Chúa: Người đến và tỏ mình; – Nhờ trung gian một con người khác vốn đã được gọi trước đó, để khơi dậy ơn gọi của đối tượng; – Đi theo Chúa dù chưa rõ lắm về Người; – Gặp gỡ và được Người giúp nhận định rõ hơn về động lực, mục đích ơn gọi; – Đáp lời mời trực tiếp của Đức Giêsu: đến xem rồi ở lại với Người; một khi đã nhận ra căn tính Đức Giêsu, kẻ được gọi trở thành chứng nhân, người trung gian mới giới thiệu và đưa kẻ khác đến với Đức Giêsu.

          Mỗi tín hữu qua trung gian Giáo Hội và nhiều trợ lực khác đã là môn đệ Đức Giêsu. Cần ý thức lại và xác tín về ơn gọi làm môn đệ, làm người trung gian của mình và sống xứng đáng với ơn gọi đó.

Frère Pierre Đình Long FSC