CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN – năm A

Cv 1,1-11; Mt 28,16-20

Chủ đề: Đức Giêsu Thăng Thiên, đi vào vinh quang Thần Linh, lãnh nhận quyền Chúa.

* Cv 1,9: Đức Giêsu được cất lên ngay trước mắt các ông và có đám mây quyện lấy Ngài.

* Mt 28,18b: Thầy được trao toàn quyền trên Trời dưới đất.

Lễ Thăng Thiên là thánh lễ kính nhớ việc Đức Giêsu “lên trời” được cử hành vào NGÀY THỨ BỐN MƯƠI sau lễ phục sinh (x.Mc 16,19-20; Cv 1,1-11: TỪ ĐIỂN CÔNG GIÁO “lễ Thăng Thiên”). Như vậy lễ này phải cử hành vào Thứ Năm sau Chúa Nhật thứ VI Mùa Phục Sinh. Tuy nhiên vì lợi ích mục vụ cho giáo dân, Giáo Hội Việt Nam đã dời lễ này vào ngày Chúa Nhật tạo điều kiện thuận lợi để giáo dân dễ dàng tham dự vào Mầu Nhiệm Thăng Thiên. Như vậy trong lịch Công Giáo Việt Nam không còn phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật VII Mùa Phục Sinh. Năm nay trình bày cả hai lễ: Thăng Thiên và Chúa Nhật VII A Mùa Phục Sinh.

Bài đọc một: Cv 1,1-11 không đổi, đọc chung cho cả ba năm, còn Tin Mừng thì đổi theo chu kỳ A-B-C. Năm A đọc Mt 28,16-20.

Chủ đề chính của Lễ Thăng Thiên đương nhiên qui hướng về biến cố Đức Giêsu lên trời, chấm dứt giai đoạn Người hiện diện trong xác phàm hữu hình trên trần thế để tiến vào trong vinh quang của Thiên Chúa.

Tuy nhiên trong Tin Mừng, bài đọc năm A, Matthêu không nói gì tới sự kiện thăng thiên mà ông hướng trọng tâm của trình thuật phục sinh vào ý nghĩa của việc Thăng Thiên: lên trời nghĩa là tiến bước vào trong vinh quang Thiên Chúa, người biểu lộ quyền Chúa, quyền làm chủ toàn thể tạo thành trên trời lẫn dưới đất: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18).
Thật vậy, trong năm A, trích đoạn Tin Mừng Matthêu được phụng vụ dùng đọc trong Lễ Thăng Thiên là đoạn kết thúc Tin Mừng Matthêu. Bản văn thuật lại lần hiện ra DUY NHẤT của Đấng Phục Sinh cho các tông đồ. Nơi gặp gỡ là một ngọn núi vô danh ở miền Galilê mà ba lần, Đức Giêsu đã hẹn trước các tông đồ sẽ gặp Người ở đó (Mt 26,32;28,7.10).

Matthêu không bận tâm minh chứng việc Đức Giêsu sống lại, ông không thuật lại những chứng từ thể lý giúp nhận ra Đấng Phục Sinh như ăn uống, thấy dấu đinh, đối thoại, phản ứng của các chứng nhân. Matthêu không chú trọng lắm đến các kinh nghiệm thể lý của các tông đồ về Đấng Phục Sinh, ông chú trọng hơn tới thái độ nội tâm.

Matthêu qui tụ tất cả chú tâm của ông vào lời nói cuối cùng của Đấng Phục Sinh với các tông đồ. Lời này cho thấy quyền năng thần linh của Người và hàm chứa toàn bộ chương trình hành động của Đấng Phục Sinh ngang qua các tông đồ và môn đệ: – Sau khi mặc khải uy quyền thần linh – Đấng Phục Sinh truyền lệnh cho các môn đệ: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần dạy bảo họ điều Thầy đã truyền dạy anh em” – Cuối cùng là lời hứa luôn hiện diện, đồng hành với môn đệ cho đến tận thế.

Còn trong bài đọc một, Cv 1,1-11 thuật lại cho ta những việc làm cuối cùng của Đức Giêsu trước khi Người thăng thiên:

  • Trước tiên Người củng cố đức tin của các ông rằng Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình.

  • Bổ sung giáo huấn về Nước Thiên Chúa.

  • Căn dặn các ông chuẩn bị đón nhận Chúa Thánh Thần.

  • Và ra lệnh cho các ông làm chứng về Người tại Giêrusalem, Giuđê, Samaria và đến tận cùng trái đất.

Sau đó là sự kiện THĂNG THIÊN, được sách Công Vụ trình bày ngắn gọn chỉ với hai yếu tố:1/ Người được rước lên trời NGAY TRƯỚC MẶT CÁC ÔNG 2/ Và có ĐÁM MÂY rước Người lên khuất mắt các ông.

Hai yếu tố này cho thấy ý nghĩa của việc Thăng Thiên:

  • Yếu tố một gợi lại việc Elisa được thấy tận mắt thầy mình là Elia được rước về trời nên ông đã nhận được trọn vẹn thần khí của thầy mình và tiếp tục sứ vụ của thầy. Đây là bảo chứng giúp môn đệ xác tín được rằng họ sẽ được tràn đầy Thánh Thần của Đấng Phục Sinh để tiếp tục sứ vụ của Thầy.

Trong Kinh Thánh, “MÂY” là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện (x.Từ điển công giáo_”MÂY”). Vậy được mây rước lên có nghĩa là Đức Giêsu đi vào trong vinh quang Thiên Chúa, Người chính là Thiên Chúa.

Với biến cố Thăng Thiên giai đoạn Đức Giêsu hoạt động hữu hình chấm dứt. Giờ đây là thời Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của Thầy mình với sự đồng hành của Thánh Thần và của ĐỨC CHÚA PHỤC SINH. Mỗi kitô hữu hãy là một Đức Giêsu nối dài để Tin Mừng được loan đi đến tận cùng trái đất.

Frère Pierre Đình Long FSC