CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN

Bài 1

Cv 1,1-11;       Mt 28,16-20
Chủ đề: Đức Giêsu Thăng Thiên, đi vào vinh quang Thần Linh, lãnh nhận quyền Chúa.

  • Cv 1,9: Đức Giêsu được cất lên ngay trước mắt các ông và có đám mây quyện lấy Ngài.

  • Mt 28,18b: Thầy được trao toàn quyền trên Trời dưới đất.

Thăng Thiên” là lễ kính nhớ việc Đức Giêsu “lên trời” được cử hành vào NGÀY THỨ BỐN MƯƠI sau lễ Phục Sinh (x.Mc 16,19-20; Cv 1,1-11: Từ điển Công Giáo, “lễ Thăng Thiên”). Như vậy lễ này phải cử hành vào Thứ Năm sau Chúa Nhật thứ 6, Mùa Phục Sinh. Tuy nhiên vì lợi ích mục vụ cho giáo dân, Giáo Hội cho phép tùy nhu cầu mục vụ của từng địa phương, Hội Đồng Giám Mục địa phương có thể dời việc cử hành lễ này vào ngày Chúa Nhật thay thế vào vị trí của Chúa Nhật thứ 7 Mùa Phục Sinh. Mục đích là tạo điều kiện thuận lợi để giáo dân dễ dàng tham dự các nghi lễ phụng vụ của mầu nhiệm Thăng Thiên. Do đó, hiện nay trong lịch Công Giáo của nhiều nơi đã không cử hành lễ Chúa Nhật 7 Mùa Phục Sinh nữa mà đã nhường chỗ cho lễ Thăng Thiên.

Phụng vụ Lời Chúa của Lễ Thăng Thiên:

Bài đọc một: Cv 1,1-11 không đổi, đọc chung cho cả ba năm, còn Tin Mừng thì đổi theo chu kỳ A-B-C. Năm A đọc Mt 28,16-20.

Chủ đề chính của Lễ Thăng Thiên đương nhiên qui hướng về biến cố Đức Giêsu lên trời, chấm dứt giai đoạn Người hiện diện trong xác phàm hữu hình trên trần thế để tiến vào trong vinh quang của Thiên Chúa.

Tuy nhiên trong Tin Mừng, bài đọc năm A, Matthêu không nói gì tới sự kiện Thăng Thiên mà ông hướng trọng tâm của trình thuật Phục Sinh vào ý nghĩa của việc Thăng Thiên: lên trời nghĩa là tiến bước vào trong vinh quang Thiên Chúa, Người biểu lộ quyền Chúa, quyền làm chủ toàn thể tạo thành trên trời lẫn dưới đất: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Thật vậy, trong năm A, trích đoạn Tin Mừng Matthêu được phụng vụ dùng đọc trong Lễ Thăng Thiên là đoạn kết thúc Tin Mừng Matthêu. Bản văn thuật lại lần hiện ra DUY NHẤT của Đấng Phục Sinh cho các tông đồ. Nơi gặp gỡ là một ngọn núi vô danh ở miền Galilê mà ba lần, Đức Giêsu đã hẹn trước các tông đồ sẽ gặp Người ở đó (Mt 26,32;28,7.10).

Matthêu không bận tâm minh chứng việc Đức Giêsu sống lại, ông không thuật lại những chứng từ thể lý giúp nhận ra Đấng Phục Sinh như ăn uống, thấy dấu đinh, đối thoại, phản ứng của các chứng nhân. Matthêu không chú trọng lắm đến các kinh nghiệm thể lý của các tông đồ về Đấng Phục Sinh, ông chú trọng hơn tới thái độ nội tâm.

Matthêu qui tụ tất cả chú tâm của ông vào lời nói cuối cùng của Đấng Phục Sinh với các tông đồ. Lời này cho thấy quyền năng thần linh của Người và hàm chứa toàn bộ chương trình hành động của Đấng Phục Sinh ngang qua các tông đồ và môn đệ:

  • Đấng Phục Sinh mặc khải cho các môn đệ uy quyền thần linh.

  • Đấng Phục Sinh truyền lệnh cho các môn đệ: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần dạy bảo họ điều Thầy đã truyền dạy anh em”.

  • Cuối cùng là lời hứa luôn hiện diện, đồng hành với môn đệ cho đến tận thế.

Còn trong bài đọc 1, Cv 1,1-11 thuật lại cho ta những việc làm cuối cùng của Đức Giêsu trước khi Người Thăng Thiên:

  • Trước tiên Người củng cố đức tin của các ông rằng Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình.

  • Bổ sung giáo huấn về Nước Thiên Chúa.

  • Căn dặn các ông chuẩn bị đón nhận Chúa Thánh Thần.

  • Và ra lệnh cho các ông làm chứng về Người tại Giêrusalem, Giuđê, Samaria và đến tận cùng trái đất.

Sau đó là sự kiện THĂNG THIÊN, được sách Công Vụ trình bày ngắn gọn chỉ với hai yếu tố:

  1. Người được rước lên trời NGAY TRƯỚC MẶT CÁC ÔNG.

  2. Và có ĐÁM MÂY rước Người lên khuất mắt các ông.

Hai yếu tố này cho thấy ý nghĩa của việc Thăng Thiên:

  • Yếu tố một gợi lại việc Elisa được thấy tận mắt thầy mình là Elia được rước về trời nên ông đã nhận được trọn vẹn thần khí của thầy mình và tiếp tục sứ vụ của thầy. Đây là bảo chứng giúp môn đệ xác tín được rằng họ sẽ được tràn đầy Thánh Thần của Đấng Phục Sinh để tiếp tục sứ vụ của Thầy.

  • Trong Kinh Thánh, “MÂY” là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện (x.Từ điển công giáo_”MÂY”). Vậy được mây rước lên có nghĩa là Đức Giêsu đi vào trong vinh quang Thiên Chúa, Người chính là Thiên Chúa.

Với biến cố Thăng Thiên giai đoạn Đức Giêsu hoạt động hữu hình chấm dứt. Giờ đây là thời Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của Thầy mình với sự đồng hành của Thánh Thần và của ĐỨC CHÚA PHỤC SINH. Mỗi kitô hữu hãy là một Đức Giêsu nối dài để Tin Mừng được loan đi đến tận cùng trái đất.

 Bài 2

Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất (Mt 28,18b). Vậy anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ … (28,19a)… Thầy ở cùng anh em  mọi ngày cho đến tận thế (28,20b).

Lời Chúa của Lễ Thăng Thiên năm A tiếp tục đưa tín hữu đi sâu hơn vào việc thưởng thức, nếm cảm được những ngọt ngào ngày càng phong phú của những hoa trái của mầu nhiệm Phục Sinh.

Trong Tân ước chỉ có hai đoạn nhỏ nói trực tiếp đến việc Đấng Phục Sinh Thăng Thiên, về trời ngay trước mặt các tông đồ (Lc 24,50-53 và Cv 1,9-11). Cả hai bản văn đều dùng những hình ảnh cụ thể của đời thường để diễn tả mầu nhiệm Thăng Thiên của Đấng Phục Sinh: Người được nâng lên khỏi mặt đất, được đưa lên cao dần, xa dần mặt đất và biến mất trong đám mây trên trời.

Đức Giêsu đã Phục Sinh, nhân tính của Người đã được tôn vinh là CHÚA; Giêsu (là con người giống chúng ta mọi đàng) được Thiên Chúa Cha siêu tôn đến độ toàn thể tạo thành: trên trời, dưới đất, trong âm phủ đều phải bái phục thờ lạy tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là CHÚA (Pl 2,9-11); Do đó Giêsu không bị lệ thuộc vào không gian , thời gian nữa.

Vậy cách diễn tả “Đức Giêsu lên trời” hàm ý rằng “Người Con” trở về “cung lòng Cha” (cách nói của Ga 1,18; 17,1-5).  Tuy nhiên vào thời điểm Thăng Thiên, “Người Con” không trở về với tư cách là “Ngôi Lời Thiên Chúa” đơn lẻ một mình (như lúc Ngôi Lời nhập thể vào cung lòng Mẹ Maria): Người trở về trong cương vị “Thiên Chúa làm người” (nghĩa là Ngôi Lời đã đảm nhận nhân tính toàn thể bất khả phân ly trong Đức Giêsu).

Trong Đức Giêsu Nadaret:

  • Toàn thể nhân loại được Người Con cứu chuộc, toàn thể nhân loại được hứa ban cho vinh quang thần linh .

  • Chính nhân loại toàn thể đó được Người Con đưa vào lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, được phục nguyên lại vào trong ơn gọi nguyên thủy của nó (con người là hình ảnh Thiên Chúa: St 1,27), là làm con cái Thiên Chúa (Ep 4,8-10; Rm 8,15-17; Gl 4,6-7; Dt 2,10-13; Ga 17,22-23).

Như thế đối với Giáo Hội của Đức Giêsu Kitô, Thăng Thiên chứa đựng lời hứa vinh quang nhất của các lời hứa: cuộc siêu tôn Đức Giêsu là “hoa quả đầu mùa” (1Cr 15,20) của sự siêu tôn của Giáo Hội đến vinh quang và hiển trị. Trong đức tin, Giáo Hội biết rằng mình đã được dự phần vào sự hiển trị này rồi, mặc dù trong một thời gian, Giáo Hội còn phải tham chiến vào những cuộc chiến đấu ở trần gian này (Kh 1,6) (Suzanne de Dietrich _ “Le dessein de Dieu” 1961, p. 192).

Giáo Hội tuyên xưng rằng Vị Thầy chịu đóng đinh của mình là “Chúa của con, Thiên Chúa của con” (Ga 20,28); Và sau khi Đức Giêsu Thăng Thiên, vị thủ lãnh các tông đồ là Phêrô đã đọc lại Kinh Thánh, dẫn chứng lời vua Đavít, dựa trên Thánh Vịnh 110,1 , công bố rằng Kinh Thánh đã báo trước việc Đức Giêsu Phục Sinh và Thăng Thiên (Cv 2,31-35), đồng thời tuyên tín rằng Người là CHÚA, là Kitô (Cv 2,36). Qua lời đó, Giáo Hội xác tín rằng Đức Giêsu là CHÚA, tuyên xưng thiên tính của Người, tuyên bố Người đang hành xử uy quyền của một vị Thiên Chúa.

Và Kinh Thánh đã loan báo trước rằng quyền bính đó của Người bao trùm toàn cõi đất: “Đấng cứu chuộc ngươi chính là Đấng Thánh của Israel, tước hiệu Người là Thiên Chúa của toàn cõi đất” (Is 54,5).

Vậy ơn cứu rỗi do Đức Giêsu Kitô tác thành trên Thập Giá không chỉ liên hệ đến nhân loại mà thôi. Nó mang một tầm kích VŨ TRỤ. Nơi chính bản thân Người là chính toàn thể vũ trụ đã bị kết án và được cứu chuộc. Thật vậy khi Adam, Eva sa ngã thì cả vũ trụ cũng bị vạ lây (St 3,17-19); Thế nhưng khi Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ (St 3,15) thì toàn thể tạo thành cùng chung hưởng được ơn phục hồi (St 3,15 ; Is 35,1-10). Đức Giêsu Phục Sinh và Thăng Thiên là hoa trái đầu mùa của công trình hồi phục được Thiên Chúa gặt về trời, chuẩn bị cho sự hoàn tất tạo thành mới mà Thiên Chúa sẽ tỏ lộ trọn vẹn trong ngày sau hết.

Điều trọng yếu là phải hiểu rõ “đặc tính toàn thể” này của công trình cứu chuộc của Đức Giêsu. Người ta quá thường giảm thiểu Tin Mừng thành một sứ điệp “cứu rỗi cá thể”, “Phục Sinh cá thể”. Trong khi đó, Ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, theo mặc khải của Kinh Thánh, có một tầm bao quát khác xa: cứu cánh tối hậu của lịch sử là “TẠO THÀNH MỚI”, một tạo thành đầy tràn sự viên mãn của Thiên Chúa. Và tác nhân của sự tạo thành mới này, Đấng mà trong Người và nhờ bởi Người mà vũ trụ được dựng nên, chính là Người Con chí ái, là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), nơi Người, tình yêu của Chúa Cha đã hóa thân để đến cứu chuộc và giải phóng MỘT THẾ GIỚI đã hư mất … Đức Giêsu đã đến trong thế giới của sự chết này, để sống một cuộc đời hoàn toàn vâng phục, tự nguyện đảm nhận nơi bản thân Người cái chết của thế giới đồng thời vô hiệu hóa hiệu năng của sự chết. Và khi làm cho Đức Giêsu sống lại từ giữa các vong nhân rồi còn đưa Người về lại TRỜI CAO, nơi Người đã phát xuất, Thiên Chúa đã làm cho Người trở thành hoa quả đầu mùa của TẠO THÀNH MỚI, chuẩn bị cho vụ mùa bội thu chung cuộc.

Vậy Thăng Thiên là lúc Đấng Phục Sinh biểu lộ quyền làm Chúa của Người trên toàn vũ trụ. Đó là chủ đề của Phụng Vụ Lời Chúa năm A khi phối hợp Cv 1,1-11 với Mt 28,18-20: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Anh em hãy đi và làm cho muôn dân thành môn đệ … Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Bài đọc 2 năm A cũng cho thấy quyền Chúa của Đấng Phục Sinh trên Giáo Hội và trên toàn vũ trụ:

  • Thiên Chúa đã cho Đức Kitô trỗi dậy … đặt ngự bên hữu Người trên trời.

  • Thiên Chúa đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng … không những trong thế giới hiện tại mà cả trong thế giới tương lai.

  • Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô.

  • Thiên Chúa đặt Người làm ĐẦU toàn thể Giáo Hội … (Ep 1,20-22).

BÀI ĐỌC I: Cv 1,1-11

Sách Công vụ tông đồ là cuốn thứ hai của bộ sách Luca gồm Tin Mừng thứ ba là cuốn 1 và Công vụ tông đồ là cuốn 2. Có thể nói:

Sách Công vụ là sách lịch sử về Hội Thánh thời sơ khai. Từ ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn, tác động các tông đồ loan báo Tin Mừng. Mỗi biến cố làm cho Hội Thánh được lớn lên. Càng gặp khó khăn, thử thách, Hội Thánh càng có sức phát triển. Hội Thánh có một sức sống mãnh liệt nhờ Chúa Thánh Thần. Sách Công Vụ đã ghi lại tất cả sinh hoạt của anh em tín hữu ở Giêrusalem, ở Antiokia, ở Tiểu Á, ở Hi Lạp. Cuối cùng Tin Mừng lan đến Rôma, trung tâm văn minh thời ấy. Hội Thánh bén rễ sâu vào dân ngoại (x. CGKPV “Tân Ước” 1995 trang       488-9).

Bài đọc 1 là phần mở đầu Sách Công vụ, nhắc lại một số chi tiết đã được đề cập đến trong phần kết thúc của Sách Tin Mừng Luca, nhằm làm bản lề nối kết sách Tin Mừng Luca với Sách Công vụ, đồng thời cũng đưa ta vào chủ đề của Sách Công vụ là sứ mạng của các tông đồ. Trong tương quan với biến cố Thăng Thiên, bài đọc 1 đề cập đến hai chủ đề chính:

  1. Những hoạt động hữu hình cuối cùng của Đức Giêsu (Cv 1,2b-8)

  • Đối tượng được Đấng Phục Sinh nhắm đến là các tông đồ đã được Người tuyển chọn nhờ Thánh Thần. Người huấn luyện bổ sung cho các ông 40 ngày với nội dung của lời giảng dạy là:

  • Làm cho các ông xác tín Người VẪN SỐNG: tin Đức Giêsu phục sinh không có nghĩa chỉ là lý trí chấp nhận một sự kiện khách quan diễn ra vào một thời điểm, một nơi nào đó trong dòng lịch sử. Tin là thiết đặt một tương quan vĩnh viễn với Đức Giêsu: Người ĐANG SỐNG, VẪN SỐNG, HẰNG SỐNG, và Người đang điều khiển vũ trụ, lịch sử, cuộc đời từng người với quyền năng của một vị Thiên Chúa. Đó là xác tín nền của đức tin kitô giáo.

  • Nói chuyện về Nước Thiên Chúa : Nước Thiên Chúa”, vương quyền của Thiên Chúa và những gì nói ở câu 8 sẽ là chủ đề chính của sách Công Vụ. Nước Thiên Chúa đã được khai mạc với Đức Giêsu. Người đã thiết lập nền tảng là các tông đồ, đã ban hiến chương Nước Trời và giờ đây sắp ban Thánh Thần để kiện toàn Nước Thiên Chúa tại thế. Đã tới lúc các tông đồ phải tiếp tục công việc làm phát triển Nước Thiên Chúa cùng với Chúa Thánh Thần và quyền năng của Đấng Phục Sinh (xem thêm CGKPV “Tân Ước” 1995 trang 497 các nốt “d” – “đ” – “e”).

  • Lệnh truyền cho các tông đồ phải ở lại Giêrusalem chờ đón nhận Thánh Thần: xưa với sự can thiệp của Thánh Thần, Ngôi Lời đã nhập thể, mang xác phàm công khai bước vào dòng lịch sử nhân loại như một con người trọn vẹn; Giờ đây để Giáo Hội được sinh ra công khai như một hữu thể xã hội nhân loại, Chúa Thánh Thần cũng can thiệp giúp các môn đệ tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Mừng mà Đấng Phục Sinh đã khởi sự (x. Sđd 498 nốt “g” và “h”).

  • Phản ứng của các tông đồ: (c.6)

Nhãn giới thế tục nơi các môn đệ về Đấng Mêsia, về Nước Thiên Chúa, về hồng ân Thánh Thần vẫn còn nguyên. Họ hỏi Người: “Lạy Chúa (Kuriê) có phải bây giờ là lúc Ngài khôi phục vương quốc Israel không ?”

  • Đấng Phục Sinh điều chỉnh lại:

  • Bổn phận của người môn đệ không phải là tìm nắm bắt cho được dự tính của Thiên Chúa. Điều đó hàm ý là môn đệ phải luôn ở tư thế sẵn sàng tuân phục, thờ lạy Ý Cha.

  • Điều phải làm trong hiện tại là dọn lòng đón nhận Thánh Thần và nhập cuộc vào trần gian làm chứng nhân cho Đấng Phục Sinh đến tận cùng trái đất.

Trước khi nhận lãnh Thánh Thần, các tông đồ không sao hiểu nổi sứ điệp của Đấng Phục Sinh. Thật vậy, việc Đức Giêsu sống lại vinh quang, việc nói về Nước Thiên Chúa kèm theo ân huệ Thánh Thần, ngay lập tức gợi dậy trong lòng các môn đệ tham vọng thế quyền, chính trị. Đấng Phục Sinh phải điều chỉnh lại, đưa các môn đệ về lại sứ mạng hiện tại mà Người muốn trao phó cho họ: Đó là chuẩn bị tâm hồn đón nhận Chúa Thánh Thần để ra đi rao giảng, làm chứng về Đấng Phục Sinh và loan Tin Mừng cho đến tận cùng thế giới.

Câu 8 được xem như chương trình hành động của các tông đồ: khởi sự tại Giêrusalem, tỏa lan dần ra các vùng phụ cận, rồi đến tận cùng cõi đất.

Việc trao ban trọn vẹn Thánh Thần cho môn đệ và thời điểm NướcThiên Chúa tỏ hiện trọn vẹn vẫn còn một khoảng cách. Đó là bí ẩn của Cha. Giai đoạn ở giữa hai biến cố đó là thời đại sứ mạng của Giáo Hội với sự hỗ trợ của Chúa Thánh Thần.

  1. Thăng Thiên (Cv 1,9-11)

  • Sau khi sắp xếp xong mọi sự, “Đức Giêsu được cất lên ngay trước mắt các tông đồ, có đám mây rước Người lên khuất mắt các ông” (c.9). Biến cố vĩ đại ấy chỉ được mô tả gọn bằng một câu ngắn nhưng chứa đầy các điển tích Cựu Ước:

  • Người được cất lên” = “Người được đem lên trời” (Lc 24,51): “Trời” ở đây không phải là một nơi chốn. Theo quan niệm xưa, vũ trụ có ba tầng:

  • Trời” là nơi ở của các thần linh;

  • Đất” là nơi con người sinh sống;

  • Và “hỏa ngục” là nơi của tối tăm, sự dữ (xem GLHTCG số 326; TOB N. T Pl 2,10 nốt “w”; Kh 5,3.13).

Vậy “lên trời” là được đi vào cảnh vực thần linh. Từ nay, một con người của trái đất này đã được hoàn toàn thông phần trọn vẹn vào vinh quang Thiên Chúa. Cửa Trời xưa đóng lại vì tội Adam, nay được mở ra cho nhân loại nhờ Adam mới.

  • Ngay trước mắt các ông”: cách nói này gợi lại việc Elisa thấy tận mắt cảnh Elia lên trời, nhờ vậy ông ta nhận được dồi dào thần khí của thầy mình và trở về Israel hoạt động đầy quyền năng như thầy (x.2V 2,9-15). Vậy khi nói các tông đồ thấy Đức Giêsu lên trời ngay trước mắt các ông, Luca muốn khẳng định rằng các tông đồ cũng sẽ được đầy Chúa Thánh Thần của Đấng Phục Sinh và thi hành sứ vụ hiệu quả như Đấng Phục Sinh.

  • Và có đám mây rước Người lên…: trong Cựu Ước, “mây” là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện, nhưng đồng thời cũng là vật cản để mắt phàm không thấy được trực tiếp vinh quang của Thiên Chúa kẻo phải chết. Câu 9b mô tả Đức Giêsu được đám mây rước lên hàm ý Đức Giêsu chính là Thiên Chúa; Nhưng đám mây ấy cũng lại che khuất không cho các ông thấy Người được nữa: từ nay Đức Giêsu không còn hiện diện hữu hình với đoàn môn đệ nữa. Người đã chính thức mặc khải thần tính và đi vào vinh quang Thiên Chúa, đi vào thế giới thần linh. Tuy nhiên, đây chưa phải là lúc môn đệ chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa cách trọn vẹn vốn chỉ được tỏ lộ viên mãn vào ngày quang lâm.

Hai ý nghĩa có vẻ trái ngược nhau đó của “đám mây” nhắc các môn đệ rằng hiện tại là thời họ phải ra tay hành động dưới sự bảo trợ của Đấng Phục Sinh là Thiên Chúa, chờ ngày Người quang lâm, và đó cũng là cách họ góp phần thúc đẩy cho ngày quang lâm mau đến. Từ nay Đấng Phục Sinh hiện diện với đoàn môn đệ bằng một cách thức huyền nhiệm: vừa đầy quyền năng của một Vị Thiên Chúa, vừa ẩn dấu khỏi mắt phàm của các ông trong giai đoạn chờ đợi quang lâm.

  • Phản ứng của môn đệ và chỉnh sửa của Thiên Chúa:

  • Đăm đăm nhìn trời: Bị cuốn hút, quên mất thực tại là phải về Giêrusalem chuẩn bị nhận lãnh Chúa Thánh Thần để dấn thân vào cái hiện tại trần thế đang cần các ông. Đó là làm chứng nhân cho Đấng Phục Sinh chứ không làm “vọng phu hóa đá” ngước mắt nhìn trời.

  • Thiên Chúa đánh thức đưa về lại thực tại: hình ảnh hai thanh niên mặc áo trắng gợi lại Lc 24,4-9 trong trình thuật ngôi mộ trống. Qua câu hỏi TẠI SAO, hai chàng đã giải thích việc Đức Giêsu vắng mặt với giọng điệu có vẻ trách móc: yếu tin, tầm nhìn còn bị nhốt trong quá khứ, cái nhìn trần tục; Nhưng ngay sau đó đã mặc khải sứ mạng hiện tại phải làm: trở về với cuộc sống đi để làm chứng nhân. Bởi vì từ nay cuộc sống đã có ý nghĩa, dòng lịch sử đã có điểm tới rõ ràng: mọi sự là để dọn đường cho ngày quang lâm của Đấng vừa mới lên trời; Đó là lúc Đấng Thăng Thiên hiển lộ vinh quang thần linh trọn vẹn cho toàn thế giới mà Thăng Thiên chỉ là khúc dạo đầu.

Trong khi chờ đợi quang lâm, giờ đây là thời môn đệ chính thức nhập cuộc, đích thân đảm nhận trách nhiệm loan báo Tin Mừng, trực diện đối đầu cùng bao thử thách với sự đồng hành vô hình nhưng đầy hiệu năng của Đấng Phục Sinh và sự trợ lực của Thánh Thần Thiên Chúa.

  1. Tóm kết :

Sau câu giới thiệu cho Thêôphilô về sách Công vụ như là phần tiếp nối cuốn Tin Mừng thứ ba, bài đọc 1 thuật lại những hoạt động hữu hình cuối cùng của Đức Giêsu với tư cách là Đấng Phục Sinh để chuẩn bị cho các tông đồ bước vào giai đoạn cánh chung của lịch sử cứu độ mà không có sự hiện diện hữu hình của Đức Giêsu. Đó là giai đoạn Giáo Hội trực tiếp lãnh nhận trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Chúa Thánh Thần sắp được trao ban là ân huệ lớn nhất bảo đảm cho sự thành công của Giáo Hội trong sứ mạng được trao phó. Sau cùng Đức Giêsu tỏ lộ vinh quang thần linh qua Thăng Thiên và loan báo quang lâm.

Vậy biến cố Thăng Thiên để lại nơi các tông đồ một sự trông chờ kép: trong hiện tại chờ Chúa Thánh Thần; trong tương lai, hướng về quang lâm. Ở giữa hai sự trông chờ ấy là sứ mạng loan Tin Mừng mà Đấng Phục Sinh đã trao phó.

 TIN MNG: Mt 28, 16-20

Đây là đoạn kết Tin Mừng Matthêu. Bản văn thuật lại lần hiện ra duy nhất của Đấng Phục Sinh cho các tông đồ. Nơi gặp gỡ là Galilê trên một ngọn núi vô danh. Trong chương 28 nói về những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh, chỉ có Matthêu (28,9-10) là nhắc lại đến hai lần lệnh truyền hẹn gặp các môn đệ tại Galilê: lần đầu là do vị thiên thần, xuống lật tảng đá lấp cửa mộ, truyền cho hai phụ nữ ra viếng mộ (28,1-8); lần sau là do chính Đấng Phục Sinh, khi hiện ra cho các bà được gặp (28,9-10). Điều đó cũng đã được Đức Giêsu của Matthêu tiên báo lúc còn ở giữa đoàn môn đệ (Mt 26, 32).Tiếp theo là trình thuật về âm mưu của các thủ lãnh do thái và lính canh toa rập nói dối phủ nhận Phục Sinh (28,11-15). Rồi Tin Mừng kết thúc bằng trình thuật các môn đề hẹn đến Galilê gặp Đấng Phục Sinh và nhận lãnh sứ vụ Người trao ban mà không có một lời đối thoại nào.

Mathêu không bận tâm minh chứng việc Đức Giêsu sống lại, ông không thuật lại những chứng từ thể lý giúp nhận ra Đấng Phục Sinh: ăn uống, thấy dấu đinh, đối thoại, phản ứng của các chứng nhân. Tất cả những điều ấy – trong Luca và Gioan là những trình thuật dài – được Matthêu ghi lại chỉ trong một câu hết sức ngắn gồm một chủ từ “HỌ”, hai động từ “PHỦ PHỤC” và “NGHI NGỜ”, một động tính từ: “THẤY” và không có túc từ cho hai động từ chính.

Matthêu quy tụ tất cả chú tâm của ông vào lời nói cuối cùng của Đấng Phục Sinh khi Người còn tiếp xúc hữu hình với các tông đồ. Lời này hàm chứa cả chương trình hành động của Đấng Phục Sinh ngang qua các tông đồ và môn đệ, bao gồm 3 ý:

  • Mặc khải quyền năng thần linh: “mọi quyền năng đã được ban cho Thầy”.

  • Mệnh lệnh truyền giáo cho các tông đồ.

  • Lời hứa luôn hiện diện đồng hành với môn đệ cho đến tận thế.

  1. Lên đường, đến điểm hẹn, gặp Đấng Phục Sinh (Mt 28,16-17)

  • Vâng lệnh, lên đường tới nơi Thầy hẹn (16)

  • Phản ứng của các ông khi thấy Đức Giêsu phục sinh: bái lạy / nghi ngờ (17)

“Mười một môn đệ đi tới Galilê ”: trong bốn tác giả các sách Tin Mừng, Matthêu là người duy nhất ba lần nói đến việc các môn đệ được Đấng Phục Sinh hẹn gặp tại Galilê (26,32; 28,7.10). Khác với  Luca, trong phần Tin Mừng nói về Phục Sinh, Matthêu không hề nói tới Giêrusalem. Đối với Matthêu, Giêrusalem không còn là trung tâm của ơn cứu độ nữa vì thành đã phản bội lại với sứ mạng của mình khi giết các ngôn sứ, chống đối Đức Giêsu (x. 2,3; 15,1; 23,27). Ân huệ ấy của Giêrusalem được Matthêu chuyển sang cho Bêlem trong Tin Mừng thơ ấu, và giờ đây cho Galilê: Matthêu dành cho vùng đất mang tiếng là hiệp chủng, ngoại lai này cái vinh dự được làm nơi mặc khải sứ điệp tối hậu của Đấng Phục Sinh; Galilê trở nên tâm điểm phát xuất công việc truyền giáo của Đức Giêsu lẫn của Giáo Hội. Là biểu tượng của thế giới dân ngoại, giờ đây Galilê trở thành vùng đất tiêu biểu cho việc rao giảng Tin Mừng (x. 4,12-17).

“Đến ngọn núi”: trong Matthêu, “núi” mang ý nghĩa biểu tượng: tiếp nối truyền thống Cựu Ước, núi là nơi Thiên Chúa mặc khải, cũng là nơi con người được tiếp xúc với Thiên Chúa đón nhận mặc khải của Người. Chúng ta dễ dàng gặp lại những ý nghĩa biểu tượng này của “núi” trong Matthêu:

  • Đức Giêsu mở đầu sứ vụ bằng cuộc chiến thắng ma quỷ trên núi (Mt 4,8 so Lc 4,5: “lên cao”): đối với Matthêu đây là chiến thắng chung cuộc, quỷ phải xéo đi.

  • Công bố Hiến chương Nước Trời trên núi (5,1): Môsê mới, Luật mới, vị Thầy dạy của thời Cánh chung nói cho dân ý định chung cuộc của Thiên Chúa.

  • Hóa bánh ra nhiều trên núi (15,29 xem CGKPV Tân ước trang 112 nối “v”): Môsê mới, Manna mới nuôi dân mới. Ở đây phép lạ được thực hiện ở bờ đông hồ Tibêria thuộc dân ngoại, cho dân ngoại: ân huệ dành cho Israel được mở rộng ra cho mọi người.

  • Sau phép lạ nhân bánh lần một, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện (14,23), tiếp đó Người tỏ quyền năng thắng thiên nhiên qua đó tự mặc khải êgô êimiChính Thầy đây” kèm theo lời trấn an “đừng sợ”. Tất cả mặc khải Người là Con Thiên Chúa (14,32). Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã tỏ mình như một vị Thiên Chúa cho mọi người được thấy; Nhưng sự tỏ mình điểm này không đem lại sợ hãi, chết chóc cho ai thấy Thiên Chúa , mà đem lại bình an, sự sống.

  • Biến hình trên núi: hé mở vinh quang Phục Sinh và thần tính

  • Và lần mặc khải chung cuộc này cũng ở trên núi mà lại là núi ở Galilê

Như vậy qua hai hình ảnh Galilê và núi, Matthêu đã trình bày sự liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước (so Mt 4,15-16 với Is 8,23-9,1); Giữa Đức Giêsu lịch sử với Đấng Phục Sinh và với sứ mạng của Giáo Hội. Lời hứa về tính phổ quát của ơn cứu độ đã được hé mở trong Cựu Ước, giờ bắt đầu thành sự nơi Đấng Phục Sinh và sẽ được khai triển trong sứ mạng của Giáo Hội.

Khi thấy Người. Matthêu không chú trọng lắm đến các kinh nghiệm thể lý của các tông đồ về Đấng Phục Sinh, ông chú trọng hơn đến thái độ nội tâm. Những kinh nghiệm thể lý gặp gỡ Đấng Phục Sinh – các Tin Mừng khác mô tả dài dòng – được Matthêu tóm gọn trong một động từ “THẤY” = idôntês (hôrao: động tính từ aorist 2). Đối với Matthêu, việc Đức Giêsu sống lại được coi như chuyện hiển nhiên, là một mặc khải thần linh đã diễn ra trước mắt nhiều người (chính thiên thần từ trời xuống lật tảng đá lấp cửa mộ ra, lính tráng đều thấy), không cần gì phải mô tả nữa; Vấn đề quan trọng hơn chính là phản ứng của con người trước sự kiện đó.

Họ bái lạy: Matthêu chỉ sử dụng động từ này cho những ai đã nhận biết phẩm vị của Đức Giêsu và nhìn nhận địa vị phẩm tính ấy, như các nhà chiêm tinh (2,2.8.11), người phong cùi được sạch (8,2), các môn đệ trước phép lạ gió biển im lặng (14,33), người đàn bà xứ Canaan (15,25), và trong trình thuật Phục Sinh; thái độ các bà khi được gặp Đấng Phục Sinh (28,9). Vậy qua cử chỉ này, Matthêu muốn nói lên thái độ tôn thờ, vừa mang tính tôn giáo lẫn phụng vụ, của các tông đồ nhìn nhận địa vị và phẩm tính tối cao của Đức Giêsu. Lần gặp gỡ hôm nay là một cuộc triều yết để nghe tuyên bố về vương quyền tối cao của Đức Giêsu trên vũ trụ, lẫn thế giới thần thiêng và nhận sứ vụ.

Để đạt được thái độ “bái lạy”, các môn đệ phải trải qua một cuộc hành trình đức tin: phải nhận ra ý nghĩa của ngôi mộ trống; tin vào lời các phụ nữ (thực ra lời các bà phù hợp với lời loan báo của Đức Giêsu trước khi Người bị bắt: 26,32 nên đã khơi dậy lại lòng tin của các ông); phải lên đường rời khỏi Giêrusalem sai lầm, cũ kỹ. Đoạn đường từ Giêrusalem đến Galilê cũng cho các tông đồ thời giờ suy niệm về mầu nhiệm Đức Giêsu qua các dấu chỉ trên để khi đến nơi và thấy Người, các ông mới có thể biểu lộ ra được đức tin ở mực độ cao nhất là “bái lạy”

Nhưng có mấy ông lại hoài nghi: thái độ nghi ngờ xuất hiện ở đây thật khó hiểu ! Lẽ nào các tông đồ, những người vừa biểu lộ đức tin ở mực độ cao nhất lại nghi ngờ ? Phải hiểu “nghi ngờ” như thế nào? (x. CGKPV 168 x). Để có thêm cơ sở giải thích, chúng ta cần đặt câu này vào văn mạch của cuộc triệu tập. Đọc tiếp các câu 18- 20, ta có thể nhận ra là các câu này được nói không chỉ riêng cho nhóm Mười Một, nhưng là cho tất cả mọi môn đệ mọi thời. Thật vậy: các chi tiết giúp nhận ra tính phổ quát bao trùm toàn bộ dòng lịch sử của lệnh truyền Matthêu 28,18-20:

  • Câu 18: Thầy đã được trao toàn quyền trên trời, dưới đất.

  • Câu 19: … làm cho muôn dân trở nên môn đệ.

  • Câu 20: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

Vậy thái độ nghi ngờ có lẽ nên liên kết với những thế hệ môn đệ sau này hơn là với Nhóm Mười Một; nghĩa là Matthêu đã đem vào đây, lúc ông soạn Tin Mừng, một thực trạng đang nổi cộm trong cộng đoàn của ông: trước những chứng từ, lời giảng dạy, kèm điềm thiêng dấu lạ (biểu lộ sự đồng hành của Đấng Phục Sinh) do cộng đoàn thực hiện như thế, mà một số người trong cộng đoàn vẫn nghi ngờ, họ vẫn bị cám dỗ muốn thấy Đấng Phục Sinh xác phàm trong khi Người vẫn hiện diện vô hình một cách đầy quyền năng giữa họ. Matthêu nhắc lại cho họ rằng: Nhóm Mười Một lên đường đi gặp Đức Giêsu không phải vì họ đã thấy Người, nhưng vì họ đã nghe và khám phá ra ý nghĩa của lời Đức Giêsu ngang qua sứ điệp mà Người chuyển tới các ông qua các phụ nữ. Rồi mục đích đến gặp Đức Giêsu cũng không phải là để “thấy” Người nhưng là để NGHE một lệnh truyền mới. Vậy yếu tố mà Matthêu nhấn mạnh ở đây là NGHE rồi LÊN ĐƯỜNG. Chính với thái độ đó mà người môn đệ mọi thời sẽ gặp, tin và bái lạy Đấng Phục Sinh đang luôn hiện diện giữa họ mọi ngày cho đến tận thế.

  1. Sứ điệp tối hậu của Đấng Phục Sinh (Mt 28,18 – 20)

*  Mặc khải quyền năng thần linh : (c.18)

*  Mệnh lệnh truyền giáo:(cc. 19-20a)

*  Lời hứa “ở cùng… cho đến tận thế”: (c.20b)

Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”: câu này gợi lên hình ảnh Con-Người trong Đn 7,14 được “Đấng Lão Thành trao cho quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân nước, ngôn ngữ phải phụng sự Người”. Trong xác phàm, Người đã chiến thắng Xatan khi khước từ quyền này từ tay ma quỷ (x.Mt 4,8-10), và khi giờ đã đến, Người công bố quyền này trước Công Nghị (26,63-64); Rồi giờ đây, Người long trọng khai mở tỏ tường quyền bính của Người qua biến cố Phục Sinh. Vậy với mầu nhiệm vượt qua, Đức Giêsu hoàn tất Cựu Ước lẫn Tân Ước. Và khi Giáo Hội nhìn nhận vương quyền đó của Người thì đã dần khám phá ra đó chính là quyền của một vị Thiên Chúa (x. Pl 2,6-11).

 Vậy anh em hãy đi… sau khi công bố vương quyền, Đấng Phục Sinh khai mạc vương quyền bằng một lệnh truyền. Lệnh này không mang tính xét xử, nhưng là ban bố một hồng ân: vương quốc Người mở rộng ra đón nhận tất cả mọi người. Mối dây liên kết Người với thần dân không là liên hệ pháp lý mà là mối tương giao “Thầy – trò”: “làm muôn dân trở nên môn đệ”. Nơi họ chỉ có một luật: YÊU (Ga 14,15;13.34).

Thần dân Người được nối kết vào tình yêu huynh đệ ấy ngang qua lòng tin và phép rửa; Rồi một khi đã trở nên môn đệ, thì phần mình, thần dân của Nước này phải tiếp nối sứ mạng “làm muôn dân nên môn đệ”, đưa mọi người vào tương giao mật thiết biệt vị với Đức Giêsu.

Lệnh truyền gồm ba động từ: “làm thành môn đệ” (hiện tại); “làm phép rửa” và “dạy bảo” (động tính từ hiện tại). “Làm phép rửa” và “dạy bảo” là phương tiện để đạt tới cái đích là “làm muôn dân trở nên môn đệ”.

Và Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế: trong Cựu Ước, “Thiên Chúa ở cùng” là ân huệ tối cao, là bảo đảm chắc chắn rằng sứ mạng được trao phó sẽ thành công, bất chấp gian nan, trắc trở; Vì Thiên Chúa luôn có bên cạnh kẻ được chọn để trợ giúp, phù trì. Đấng Phục Sinh cũng bảo đảm với môn đệ mình như thế. Người chính là Thiên Chúa.

Mở đầu Tin Mừng, Matthêu đã trình bày Đức Giêsu là Emmanuel (1,23) trong xác phàm nhân; giờ đây Người tiếp tục là Emmanuel trong tư cách là Đấng Phục Sinh, là Đấng nắm quyền trên trời dưới đất, là Thiên Chúa. Mở đầu trong xác phàm, kết thúc trong thần tính, nhân tính được thần linh hóa, Đức Giêsu mở rộng con đường cho nhân loại tiến vào vinh quang thần linh của Thiên Chúa.

  1. Tóm kết:

Trong đoạn văn ngắn ngủi thuật lại lần gặp gỡ duy nhất của Đấng Phục Sinh với các môn đệ, Matthêu không nhằm minh chứng Đức Giêsu đã sống lại cho bằng là ông đã khắc họa những nét chính yếu về dung mạo Giáo Hội trong tương quan với Đấng Phục Sinh và với thế giới.

Trước tiên, Giáo Hội là tập hợp, cộng đoàn của những người được triệu tập, qui tụ lại chung quanh Đấng Phục Sinh là CHÚA của mình. Một vị CHÚA đã chịu đóng đinh, nhưng nay vẫn đang sống và được nhìn nhận, tôn thờ ngang hàng với Thiên Chúa Yavê trong Cựu Ước, tay nắm trọn quyền năng trên trời dưới đất.

Kế đến Giáo Hội ý thức rõ rằng mình được triệu tập không phải để khép kín lại trên chính mình, nhưng là để được sai đi đến với muôn dân để làm cho họ thành môn đệ của Đấng Phục Sinh, của CHÚA mình qua phép rửa và lời rao giảng.

Cuối cùng Giáo Hội biết chắc rằng mình luôn có CHÚA đồng hành trên mọi nẻo đường thực thi sứ mạng để hướng tới sự hoàn tất trọn vẹn là Nước Trời.

Từ nay, Đấng Phục Sinh không còn hiện diện hữu hình với Giáo Hội nữa, nhưng cũng chính từ nay, Đấng Phục Sinh mới thực sự thể hiện trọn vẹn điều Thiên Chúa hứa tự ngàn xưa: Emmanuel, với quyền năng của một vị Thiên Chúa.

Frère Pierre Đình Long FSC