CHÚA NHẬT 3C MÙA CHAY

Chủ đề: LÒNG THƯƠNG XÓT của Thiên Chúa được bày tỏ qua việc Thiên Chúa tỏ mình và can thiệp giải cứu.

* Xh 3, 7-8: Ta biết các đau khổ của Dân Ta. Ta xuống giải thoát chúng…. “ Ta là Đấng Hiện Hữu” (3,14).

* Lc 13, 8 -9a: Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái.

          Chúng ta bước vào Chúa Nhật III Mùa Chay. Lời Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm LÒNG THƯƠNG XÓT của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi đang bị khổ đau, trầm luân do những sai trái chính mình gây ra. Thiên Chúa tìm đủ cách để kéo nhân loại ra khỏi những bất hạnh đó. Trong khi đó, cũng là phận người yếu đuối như nhau, thế nhưng khi đứng trước những bất hạnh của tha nhân thì con người lắm khi lại có những cái nhìn thiếu cảm thông, thậm chí còn xét đoán, kết án nữa: “ hắn bị quả báo, bị trời phạt”… với tầm nhìn như thế, nhân loại đã làm cho nỗi bất hạnh của mình tăng thêm. Chính vì thế LÒNG THƯƠNG XÓT của Thiên Chúa cũng mời con người hãy nhìn vào cái khổ của tha nhân như một lời cảnh tỉnh: Hãy xét mình và sám hối kẻo chính mình rồi cũng sẽ rơi vào tình cảnh bất hạnh vì những sai lầm của bản thân mình. Tuy nhiên Thiên Chúa không Mị dân, Người đầy thương xót nhưng không dung dưỡng tội ác, Thiên Chúa công minh; Hơn nữa tình yêu Thiên Chúa là vô biên nhưng cuộc sống con người là có hạn kỳ. Do đó phải tận dụng thời gian Chúa ban ở trần thế này để cảm thông với tha nhân, sám hối cho bản thân và trở về cùng Thiên Chúa. Tính cách CẤP BÁCH của việc phải HOÁN CẢI cũng là một nét chủ đề của Chúa Nhật này.

          Bài đọc 1 trích từ trình thuật nói về ơn gọi của Môsê trong sách Xh 3-4. Thiên Chúa trung tín với Lời Người đã hứa với các tổ phụ, từng bước một Chúa thực hiện lòng thương xót của Người đối với Dân Chúa, Chúa đã sử dụng ngay chính vua, triều đình Ai Cập, các ác tâm của họ để hoàn tất ý định cứu độ của Người. Trước tiên Chúa đã dùng cô công chúa Ai Cập cứu sống, nuôi dưỡng Môsê, đào tạo tinh thần Do Thái cho ông qua tay người mẹ ruột của ông ( x. Xh 2, 7-9: vừa được công khai nuôi con, dạy con lại còn được trả lương, đường lối Thiên Chú quá tuyệt vời), lại cho Môsê được thừa hưởng nền giáo dục dành cho một hoàng tử Ai Cập. Thiên Chúa đã chuẩn bị đầy đủ những gì cần thiết để Môsê sẽ là lãnh đạo cứu dân. Thế nhưng Môsê đã phạm sai lầm ( ông đã LÉN – “ nhìn trước nhìn sau” – giết một tên Ai Cập đang ức hiếp một người Do thái: Xh 2,12) khiến ông rơi từ địa vị hoàng tử xuống thân phận của một tên tội phạm và trốn chạy vào sa mạc. Ông lầm tưởng rằng có thể dùng địa vị, dũng lực của cá nhân ông để cứu dân ông. Ông đã nhầm to và chút xíu nữa là bị đốn bỏ. Ẩn náu vào sa mạc, bao nhiệt huyết tiêu tan, Môsê đã an phận ở rể trong gia đình một tư tế Madian. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn mọi sai trái của con người: Thiên Chúa vẫn kiên trì thực hiện dự tính của Người, khi mọi sự tưởng chừng đã rơi vào quên lãng – Môsê lập gia đình và an cư nơi nhà vợ – thì Thiên Chúa đột ngột đến gặp Môsê, mời gọi ông, vực ông dậy, giúp ông thực hiện ước mơ “ giải cứu dân”, nhưng bằng ĐƯỜNG LỐI của Chúa. Bài đọc 1 thuật lại cuộc gặp gỡ đổi đời này.

          ĐỨC CHÚA lôi cuốn Môsê đến với Chúa bằng một cuộc thần hiện, bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu hủy. Người tỏ cho ông biết Người là Thiên Chúa siêu việt : “ chớ lại gần”; nhưng cũng là Thiên Chúa thân quen: “ Thiên Chúa của cha ngươi” (Xh 3, 5-6); Người là Thiên Chúa gần gũi: thấy, cảm thông cái đau khổ của dân và Người đến giải cứu dân: đem khỏi Ai Cập đưa về Đất Hứa ( 3, 7-8a). Và Chúa cho Môsê biết Người đã chọn ông làm khí cụ cho công cuộc của Người. Để đảm bảo cho việc thành công của sứ mạng, Chúa đưa Môsê đi sâu vào tình thân với Người qua việc mặc khải cho ông TÊN của Chúa: “ Ta Là Đấng Hằng Hữu”. Tên đó là nơi cậy dựa đến muôn đời của Dân Chúa.

Trong Tin Mừng, Đức Giêsu mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa qua 3 yếu tố:

1/. Từ hai sự kiện nóng mang tính thời sự: Philatô xử tử vài người Galilê; và chuyện tai nạn sập tháp Silôê ĐÈ chết một số người.

2/. Đức Giêsu đưa ra lời khuyên: đừng xét đoán các nạn nhân, nhưng hãy xét mình và xem đó là lời Thiên Chúa cảnh cáo chính bản thân mình HÃY LO SÁM HỐI.

3/. Và kết thúc bằng một dụ ngôn cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa đối với Dân.

+ Israel được ví như “ cây vả” đã đến thời buổi mà không sinh hoa trái.

+ Chủ, là Thiên Chúa, quyết định chặt bỏ.

+ Nhưng người làm vườn, là Đức Giêsu, nài xin chủ HOÃN việc đốn bỏ lại 1 năm.

+ Chủ đồng ý.

Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa! Tuy nhiên lòng thương xót của Thiên Chúa không nuông chiều sự ác: Chúa HOÃN hạn kỳ phạt là để DÂN SINH TRÁI, nếu không thì vẫn phải chặt bỏ.

          Sứ điệp khá rõ: với sự xuất hiện của Đức Giêsu, hạn kỳ cuối cùng đã tới, thời gian còn rất ngắn ( 1 đời người), tình huống cấp bách lắm rồi. Hãy mau lo HOÁN CẢI, hãy sinh hoa trái như Chúa chờ mong.

          Lời Chúa mời ta:

          – Đừng xét đoán tha nhân.

          – Hãy mau nhận ra sai trái của mình và LO SÁM HỐI KỊP THỜI.

          – Cụ thể là để cho lòng thương xót của Chúa SINH HOA KẾT TRÁI nơi con người chúng ta.

Frère Đình Long FSC