CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – năm A

Bài 1

Is 2, 1 – 5; Mt 24, 37 – 44
Chủ đề: Chúa đến bất ngờ! Thái độ nào là thích hợp trong khi chờ Chúa đến.

* Is 2, 5: Hãy đến đây, nhà Gia cóp hỡi, ta cùng đi nhờ ánh sáng Chúa soi đường.
* Mt 24, 44: Hãy sẵn sàng! Vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.

Một năm Phụng Vụ nữa lại bắt đầu. Chúng ta bước vào Mùa Vọng (MV) năm A. Bầu khí trầm lặng, đượm buồn tác động trên tâm hồn tín hữu: lễ phục màu tím, đèn, hoa, nhạc được dùng giới hạn, không đọc Kinh Vinh Danh…. Tuy nhiên đó là Mùa của hy vọng; Niềm vui đang thấm và lớn lên dần trong tâm hồn các tín hữu vì qua Mùa Phụng Vụ, Giáo Hội đang giúp con cái mình sống ngay trong hiện tại HỒNG ÂN CHÚA ĐẾN: Chúa đã đến, đang đến ngay giữa cuộc đời này và nhất là xác tín Người sẽ đến trong vinh quang vào Ngày Cánh Chung để hoàn tất công trình cứu độ cách vĩnh viễn.

Mùa Vọng có nét đượm buồn vì tội con người đã làm trì hoãn công trình cứu độ do đó cần phải sám hối, sửa mình, điều chỉnh; Nhưng Mùa Vọng cũng tràn hy vọng và niềm vui vì nhờ việc Đức Giêsu ĐÃ ĐẾN mà mọi giây phút, cuộc sống hiện tại của tín hữu đã trở thành những đóng góp hữu hiệu cho “Nước Cha trị đến” ngay NƠI NÀY, HÔM NAY chuẩn bị sẵn sàng cho Ngày Quang Lâm của Đức Giêsu đưa vũ trụ vào TRỜI MỚI ĐẤT MỚI.

Hai ý tưởng của Mùa Vọng là:

  1. CHÚA ĐẾN: xác tín thứ nhất của Mùa Vọng là chắc chắn Chúa sẽ đến, và nét đặc thù của việc Chúa đến luôn được Mùa Vọng nhắc tới là TÍNH CÁCH BẤT NGỜ và CHỚP NHOÁNG, NGAY TỨC KHẮC HOÀN TẤT của biến cố Chúa đến. Hệ quả là không có vấn đề BIẾT TRƯỚC và ĐỐI PHÓ.

  2. Từ đó, nét thứ hai được Mùa Vọng nhấn mạnh: phải sống thế nào trong hiện tại để khi Chúa đến, dù là bất ngờ, thì đó luôn là HỒNG ÂN, là NIỀM VUI cho tín hữu.

Bài đọc 1 của Chúa Nhật 1 A Mùa Vọng trình bày cho chúng ta 1 hình ảnh lý tưởng tràn đầy phúc lộc của thời cánh chung khi Đấng Thiên Sai đến. Hình ảnh ấy mô phỏng theo hạnh phúc của vườn Địa Đàng: muôn dân liên kết hiệp nhất, hết chiến tranh, cuộc sống hòa bình phú túc, Luật Chúa trở nên chuẩn mực, và Thiên Chúa là thẩm phán công minh làm trọng tài xét xử. Hạnh phúc đó còn trong tương lai. Sứ điệp chính là VIỆC PHẢI LÀM TRONG HIỆN TẠI để phúc lộc thiên sai ấy mau được thể hiện. Đó là “Hỡi nhà Giacob, ta hãy bước đi trong ánh sáng Chúa Trời”.

          Thật vậy, Thiên Chúa là Vầng Dương (Tv 84, 12); Ánh Sáng của Chúa là biểu tượng ơn cứu độ (Is 10, 17; 60, 1); Luật Chúa cũng được so sánh với ánh sáng (Tv 119, 105; Cn 6, 23). Vậy “bước đi trong ánh sáng Chúa Trời” là cách mời gọi trung tín giữ Luật Chúa. Đó là cách chuẩn bị tốt nhất để Ngày Chúa đến là Niềm Vui của chúng ta.

          Đoạn Tin Mừng Matthêu nhấn mạnh đến nét bất ngờ của việc Chúa đến. Matthêu lưu ý: bất ngờ không phải vì vô tri, không biết điều sắp xảy ra, mà là vì VÔ TÂM, cứng lòng phớt lờ trước dấu chỉ đang diễn ra trước mắt. Hai hình ảnh được Matthêu dùng minh họa:

  1. Một biến cố quá khứ được Kinh Thánh lưu truyền: LỤT Hồng Thủy. Nhân loại cứ mải mê đắm chìm trong tội lỗi, phớt lờ dấu chỉ cảnh cáo đầy ấn tượng kéo dài của việc Nôê đóng tàu. Và rồi khi Ngày Chúa đến, Hồng Thủy bất ngờ chụp xuống và chớp nhoáng quét sạch mọi dấu vết tội lỗi, không ai kịp trở tay, đối phó.

  2. Minh họa thứ 2 là 1 dụ ngôn: 2 người cùng đang làm chung một công việc, nhìn bề ngoài hoàn toàn như nhau: 2 ông đang làm ruộng, 2 bà đang xay bột. Bất chợt Chúa đến. Một người được đem đi, một người được để lại. Chúa đến sẽ vạch trần sự thật: mỗi người sẽ nhận phần tương ứng với lối sống của mình, không che đậy, không lẫn lộn được.

Tin Mừng kết thúc bằng một lời mời về thái độ phải có trong hiện tại: Anh em phải canh thức, phải sẵn sàng vì Chúa đến bất ngờ; lúc anh em không ngờ thì Con Người đến.

          Vậy các tín hữu hãy biến từng giây phút của cuộc sống hiện tại của mình thành 1 bảo chứng của niềm vui và hạnh phúc sẵn sàng đón Chúa đến bất kỳ lúc nào Người muốn.

Bài 2

   Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. (c.42) … anh em hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến. (c.44)

   Hôm nay, Chúa Nhật 1 Mùa Vọng năm A, Giáo Hội bước vào năm phụng vụ mới. theo truyền thống, Mùa Vọng gợi nhắc cho tín hữu 2 lần đến của Đức Giêsu: trong biến cố giáng sinh và trong biến cố quang lâm. Điều đó được Giáo Hội ghi nhớ, tưởng niệm, cử hành hằng năm qua phụng vụ. nhưng đó chỉ mới là 2 biến cố, 2 thời điểm của dòng lịch sử; còn lại nguyên cả dòng lịch sử, đặc biệt từ Giáng Sinh đến Quang Lâm thì sao? Đó chính là khoảng thời gian mà Chúa đến mỗi ngày để dạy cho toàn nhân loại mọi nơi mọi thời và nhất là chuẩn bị cho toàn nhân loại đón ngày Quang Lâm của Đức Giêsu trong niềm vui thấy mình được cứu độ.

   Đó là ý nghĩa của Chúa Nhật 2 và 3 Mùa Vọng: Chúa đến với dân Người trong cuộc sống thường ngày, bắt đầu đồng hành với họ trong mọi tình huống, trên mọi nẻo đường của đất nước để loan báo cho họ niềm vui Nước Trời đã đến tại thế này, hãy sám hối, hãy tin vào Người, vào Tin Mừng Người mang tới.

   Dòng lịch sử – nơi nhân loại bị lưu đày vì tội lỗi – nay trở thành nơi ươm mầm ơn cứu độ, nơi từng bước đưa con người vào Trời Đất Mới. Qua Mùa Vọng, Giáo Hội dạy con cái sống hồng ân đồi đời kỳ diệu đó ngay trong từng giây phút của cuộc sống hiện tại để tiến bước về ngày Chúa quang lâm trong hân hoan của đoàn con biết mình đã được tha thứ, được phục hồi.

   Mùa Vọng mời gọi mỗi người tín hữu hãy sống, hãy đón nhận làm của mình, niềm vui, niềm hy vọng mà Chúa đã mang đến cho toàn nhân loại trong Giáng Sinh và sẽ hoàn tất trong Quang Lâm:

   Chúa Nhật I nói về Quang Lâm nhắc rằng cùng đích đời người và cùng đích vũ trụ là gì nhằm thức tỉnh thay đổi lối sống trong hiện tại.

   Chúa Nhật II và III nhắc rằng Chúa đã, đang đến với chúng ta trong cuộc sống thường ngày dạy chúng ta đường lối Chúa và giúp biện phân nhận ra ý Chúa trong hiện tại

   Chúa Nhật IV và lễ 25/12 mời tín hữu kết nối với một biến cố quá khứ và nhận ra Hài Nhi trong biến cố đó là cội nguồn ơn cứu độ, nơi Người, Thiên Chúa hoàn tất ơn cứu độ.

    Năm phụng vụ mới lại bắt đầu với Chúa Nhật 1 Mùa Vọng. Phụng vụ Lời Chúa, đặc biệt là Tin Mừng của Chúa Nhật này luôn hướng về ngày Quang Lâm (cả 3 năm ABC). Tính cách bất ngờ của việc ngày ấy đến và lời mời gọi phải luôn tỉnh thức sẵn sàng là những nét đặc trưng của Chúa Nhật 1 Mùa Vọng.

   Việc đưa chủ đề quang lâm vào ngày đầu Mùa Vọng nhằm xác định ý nghĩa chính yếu của mùa phụng vụ này: CHÚA ĐẾN (Advenire = đến, Adventus = sự đến, nhưng chúng ta dịch là Mùa Vọng), và nhằm định hướng giúp cho ta sống đúng tinh thần Mùa Vọng trong thực trạng hôm nay. Như vậy nền tảng của Mùa Vọng của Giáo Hội, trước tiên không phát xuất từ một ước vọng nào đó từ phía con người, nhưng đó là một hệ quả của một thực tại đến từ Thiên Chúa là Người đã đến rồi: lần thứ nhất trong xác phàm yếu đuối, Người đã cho một định hướng giúp vũ trụ tiến đến cùng đích Người muốn. Tất cả là để dọn đường cho lần đến chung cuộc: Quang Lâm.

   Trong chiều hướng đó, các bài đọc 1 tương ứng đều được trích chọn từ các sấm ngôn có liên quang đến việc Chúa đến việc loan báo thời cánh chung của Đấng Mêsia, nhằm làm nền dọn đường cho các bài đọc Tin Mừng. Trong suốt chu kỳ năm A và B, các sấm ngôn của Isaia được chọn cho suốt Mùa Vọng, trừ Chúa Nhật 4B.

   Đáp trả lại việc Chúa đến, con người đợi trông: VỌNG. Sở dĩ con người VỌNG là vì Chúa đã đến và Người hứa sẽ lại đến. Mùa Vọng cũng giúp ta phải có thái độ sống thế nào cho thích hợp trong khi chờ Chúa lại đến. Thái độ sống ấy cũng là một lời cầu nguyện thôi thúc Chúa mau đến.

   Các bài đọc có khi không hoàn toàn trùng ý nhau, nhưng đều hướng về ít là 1 trong những chủ điểm đã được nêu trên.

CHỦ ĐIỂM PHỤNG VỤ

    Chúa Nhật này hướng về ngày của Chúa, ngày Quang Lâm, ngày Chúa đến can thiệp mạnh để thực hiện Thánh ý Người; và các hệ quả của Ngày ấy.

   Để chuẩn bị cho Ngày ấy, Lời Chúa cũng đề ra cho kẻ tin thái dộ phải có trong khi chờ đợi.

   Tin Mừng gồm 2 ý:

* Loan báo ngày Quang Lâm: Nhấn mạnh tính bất ngờ của biến cố và những hệ quả.

    – bất ngờ: Chúa đến đột ngột, mượn hình ảnh Hồng Thủy thời Nôê.

    – hệ quả: bộ mặt thật của mỗi người đều được phơi bày, không che đậy lẫn lộn được nữa qua cách nói “người được đem đi, người bị bỏ lại”.

* Thái độ phải có: tỉnh thức, mượn hình ảnh canh ăn trộm.

 Bài đọc 1 cũng gồm 2 ý:

*  Loan báo việc Thiên Chúa can thiệp biến đổi số phận Giêrusalem qua cách nói Núi nhà Đức Chúa vượt cao hơn mọi đồi núi.

* Để chuẩn bị cho ngày đó dân Chúa phải tụ tập về núi Chúa đi theo ánh sáng Đức Chúa soi đường.

   Cùng góp ý vào chủ đề phụng vụ bài 2 loan báo chúng ta đang sống trong thời cuối cùng, và đề ra lối sống thích hợp: mặc lấy Đức Kitô, không chiều theo tính xác thịt…

BÀI ĐỌC I: Is 2, 1 – 5

   Trích đoạn thuộc về 5 chương đầu của Isaia đệ nhất. Năm chương này gồm những lời tố cáo tội dân, được xen vào bằng những lời khích lệ kêu mời sám hối. Chương I là lời nhập đề long trọng gồm những lời trách dân Chúa phản nghịch dù đã không biết bao lần bị đòn vọt (1, 2 – 9). Tiếp đến là những lời tố cáo, ngăm đe (1, 10 – 15. 20; 1, 21 – 25a. 28). Được xen vào bởi những lời kêu mời hối cải (1, 16 – 19; 1, 25b – 27). Và chương này kết thúc bằng một lời cảnh cáo rằng các việc làm sai trái của dân sẽ là căn nguyên của các tai họa úp xuống trên dân (1, 29 – 31).

    Sau lời nhập đề, các chương 2 – 5 là một cụm sưu tập những lời sấm của Isaia, có lẽ là vào thời kỳ đầu của sứ vụ: 742 – 735 (x. CGKPV “các sách NS” trang 25). Nội dung chính vẫn là tố cáo tội dân, cảnh cáo ngăm đe sẽ có án phạt và cũng có xen vào 2 lời khích lệ loan báo tương lai huy hoàng của Israel: 2, 1 – 5 và 4, 2 – 5.

   Bài đọc 1 chính là lời thứ nhất Is 2, 1 – 5. Đối với Chúa, phạt thực ra chỉ là hình thức sửa dạy, tu chỉnh, để rồi tiếng nói cuối cùng vẫn là tha thứ, hồi phục, không chỉ cho riêng Israel mà còn cho cả thế giới.

  1. Loan báo vinh quang tương lai của Giêrusalem: Trung tâm quy tụ chư dân (Is 2, 2 – 3a)

     Sứ mạng phổ quát của Giêrusalem được đề cao: đây sẽ là nơi muôn dân quy tụ để tôn thờ Chúa. Yếu tố căn bản quy tụ chư dân: Lời Chúa mô tả vinh quang Giêrusalem:

* “Trong tương lai, núi nhà Đức Chúa…mọi ngọn đồi” (c.2 abc)

          “Núi nhà Yavê” chính là ngọn đồi, trên đó người ta xây thành Giêrusalem và Đền Thờ.

          Sự siêu việt và ưu thế thiêng liêng của Lời Chúa, của Giêrusalem được diễn tả bằng hình ảnh ngọn núi. Trong thực tế, núi Sion chỉ cao khoảng 800m. Vậy phải hiểu câu 2abc theo nghĩa ẩn dụ: nhờ có Lời Chúa cư ngụ mà Sion trổi vượt hơn mọi núi (nơi ở của các thần linh) hàm ý Thiên Chúa vượt hơn chư thần và Người biểu lộ quyền uy qua việc biến Giêrusalem thành nơi phụng tự cho Issrael lẫn chư dân.

* Trung tâm quy tụ: “dân dân lũ lượt…nước nước dập dìu…” (cc. 2a.3a)

          Tác giả vay mượn hình ảnh những cuộc hành hương lên Giêrusalem vào các dịp lễ lớn, đặc biệt là Lễ Lều. Đây là một lễ mang tính đại chúng và phổ quát nghĩa là mọi dân ngoại cư ngụ tại Giêrusalem cũng có quyền tham dự lễ này (x. Đnl 16, 11.14). Núi Thánh vừa thu hút các chi tộc Israel lẫn dân Ngoại (quan niệm này là của các ngôn sứ thời sau: Is 60, 3; 66, 18-20; Dcr 8, 20-22; 14, 16-17). Giêrusalem trở thành trung tâm hiệp nhất, qui tụ toàn thế giới để tôn mừng kính Yavê.

  1. Đáp trả của chư dân trước việc Yavê mặc khải vinh quang của Giêrusalem (c. 3 bcdđ)

* Rủ nhau qui tụ về núi Chúa…(c.3bc)

“Ta cùng lên núi Chúa, lên nhà Thiên Chúa của Giacob”: trong câu 1, ngôn sứ ngỏ lời với Giuđa, Nam Quốc, nhưng khi nói tới Đền Thờ thì gọi là “Nhà Thiên Chúa của Giacob”. Tác giả khẳng định rằng Đền Thờ Giêrusalem là thánh điện chung cho tất cả các chi tộc, để rồi đến một ngày nào đó trong tương lai, sẽ trở thành nơi thờ tự chung cho mọi dân nước. Cụm từ nói lên tính phổ quát của Giêrusalem thời cánh chung. Vì thế muôn dân mới rủ nhau qui tụ về Núi Chúa.

* Mục đích của việc qui tụ về Giêrusalem

– để nghe Chúa, được Chúa dạy dỗ: “…để Người dạy ta biết lối của Người” (c.3d)

– và thi hành Lời Chúa: “và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ” (c. 3đ)

          Mục đích chính của cuộc qui tụ là để mọi người lắng nghe Lời Chúa, thấm nhuần và sống, thi hành. Vậy dấu hiệu đặc trưng của thời Mêsia, cánh chung là Lời Chúa được đón nghe và thi hành tích cực. Lời Chúa trở nên yếu tố qui tụ, lẽ sống, kim chỉ nam cho mọi chọn lựa, sinh hoạt của nhân loại.

* Lý do qui tụ về Giêrusalem (c.3eg)

          Vì Chúa đã chọn Sion, Giêrusalem làm nơi hiệu triệu chư dân và ban truyền Thánh Luật của Người. Đó là nơi Người chọn để mặc khải cho chư dân Thánh Ý. Chỉ tại Giêrusalem mục đích trên mới được đáp ứng.

  1. Hoa trái của cuộc qui tụ (c.4)

* Thần phục Thiên Chúa, nhìn nhận quyền phân xử tối cao của Người (4ab)

* An bình ngự trị:

– biến vũ khí thành công cụ sản xuất

– chiến tranh giữa các chư dân không còn nữa.

          Chỉ còn 1 quyền phân xử tối cao của Thiên Chúa, 1 công lý, tất cả hiệp nhất. Vào thời Đấng Mêsia, quyền tài phán này sẽ được Thiên Chúa trao cho vị vua-Mêsia (x. Is 11,3-4; 16,5). Nó không chỉ áp dụng trên Israel mà còn mở rộng cho toàn thế giới.

          Và như thế bình an sẽ ngự trị. Việc chấm dứt chiến tranh là 1 trong những biểu tượng của thời cánh chung, lúc ấy chính Thiên Chúa sẽ đập tan các vũ khí (Hs 2,20; Dcr 9,10; Tv 46, 10). Ở đây, sau khi nhận lãnh Lời Chúa, được Chúa phân xử thì các quốc gia đã tự động thực hiện công việc tốt đẹp ấy. Lời Chúa đã biến đổi mối tương giao giữa họ từ hận thù trở thành bạn hữu, những vũ khí trở thành công cụ sản xuất, kiến tạo an bình. Như vậy vào thời cánh chung, trong mối tương giao đã được đổi mới nhờ Lời Chúa, tất cả mọi vật sẽ cùng với con người hợp sức đưa công trình sáng tạo của Thiên Chúa đến mức viên mãn. Mọi sự đều góp phần tạo nên an bình, hạnh phúc chung cuộc, vĩnh cửu.

  1. Dân Chúa được mời gọi chuẩn bị cho cuộc qui tụ (c.5)

          Đối tượng được mời: “nhà Giacob hỡi”:

          Nội dung: “Hãy đến…cùng đi nhờ ánh sáng Chúa soi đường”

          Đang nói đến chư dân, bản văn đột ngột thu hẹp đối tượng lại chỉ còn nhà Giacob. Động từ ở cc. 3-4 ở tương lai, ở đây là hiện tại. Qua các thay đổi trên, lời sấm có lẽ muốn nhắc nhở nhà Gicob phải sống cái hiện tại của họ như thế nào để chuẩn bị cho ngày hội tụ nói trên. Cái chung cuộc tốt đẹp ấy mặc dù là công trình của Thiên Chúa, nhưng con người cũng phải cộng tác tích cực mà bước khởi đầu là nhà Giacob: hiện tại, họ phải “bước đi nhờ ánh sáng Chúa soi đường”. Cụ thể là gì?

          “Ánh sáng” là biểu tượng của ơn cứu độ, nhất là khi ánh sáng đó là của Thiên Chúa (x. Is 10, 17; 60, 1). Luật của Chúa cũng được so sánh với ánh sáng (Tv 119,105; Cn 6,23). Vậy cụ thể là mời nhà Giacob giữ Luật cách trung tín.

    Việc các kẻ tin chuyên chăm giữ Luật Chúa cách tận tình là bước khởi đầu, là sự dọn đường tốt cho ơn cứu độ chung cuộc cho toàn thế giới.

  1. Tóm kết

     Bài đọc 1 loan báo ngày Thiên Chúa quy tụ tất cả chư dân về “Núi nhà Yavê” để được đón nghe Lời Chúa và học biết thực thi ý Người. Nhờ đó bộ mặt địa cầu sẽ đổi mới: những gì là bạo lực, chết chóc của thế giới phải nhường bước trước sức sống, sự an bình của thế giới mới. Giêrusalem là trung tâm được Thiên Chúa chọn để làm nơi thực hiện cuộc quy tụ đổi mới đó. Hồng ân này buộc con cái Giacob phải có trách nhiệm góp phần chuẩn bị cho cuộc hội tụ này bằng cách nhiệt tình sống Lời Chúa, tức Lề Luật ngay trong hiện tại. Với các tín hữu kitô, sống vẹn toàn Luật mới, Luật yêu thương của Đức Giêsu chính là góp phần làm cho nước Cha mau trị đến, là sống tinh thần Mùa Vọng, chờ Chúa đến.

TIN MỪNG: Mt 24, 37-44

    Mt 24, 1-25,46 là bài diễn từ cánh chung của Đức Giêsu, mở đầu bằng lới trầm trồ của các môn đệ trước vẻ huy hoàng của Đền Thờ, đáp lại, Đức Giêsu loan báo Đền Thờ sẽ bị san bằng, do đó các môn đệ mới thắc mắc về thời điểm biến cố sẽ xảy ra đồng thời nối luôn qua vấn đề dấu chỉ báo trước Quang Lâm (24, 1-3).

    Qua giọng văn khải huyền, Đức Giêsu chỉ nói chung chung rằng: trước khi ngày ấy đến, nhiều kitô giả sẽ xuất hiện chuyên đi lừa dối mọi người (24, 4-5. 23-28); sẽ có nhiều tai họa khổ đau, trời đất sẽ lay chuyển… (24, 6-22); và điểm Đức Giêsu nhấn mạnh là ngày ấy chắc chăn sẽ đến và đến cách bất ngờ không ai biết trước được (24, 29-36), vì thế phải canh thức (24, 37-25,30). Vậy Đức Giêsu đã xoay câu hỏi sang 1 hướng khác: phải sống, chuẩn bị như thế nào trước biến cố đầy bất ngờ ấy? Và Người đã dùng hình ảnh hồng thủy thời Nôê, rồi liên tiếp 4 dụ ngôn để cho thấy lý do phải canh thức và thế nào là canh thức và bài diễn từ kết thúc bằng 1 dụ ngôn mô tả chính cuộc Phán Xét ngày Quang Lâm (25, 31-46).

     Tin Mừng hôm nay trích đoạn hình ảnh thời Nôê và dụ ngôn đầu. Sự bất ngờ được diễn tả bằng 2 hình ảnh: một vay mượn từ điển tích Hồng Thủy, một từ sự kiện thường ngày: tên trộm đêm. Và sự canh thức được cẩn thận nhắc lại sau mỗi đoạn.

  1. Tính bất ngờ của Quang Lâm (cc. 37-39)

* “Quả thế”

    Tính bất ngờ của Quang Lâm là hệ quả của câu 36 đi trước đó: thời điểm Quang Lâm là một bí mật của Cha, do đó nó bất ngờ đối với mọi người

* Hình ảnh minh họa: Hồng Thủy thời Nôê (cc. 37b. 39b)

“…khi con người quang lâm cũng sẽ như vậy”.

     Yếu tố này, tạo một bao hàm, kết hợp với “Qủa thế” hàm ý Quang Lâm là chắc có và bất ngờ. Parousia là từ riêng của Matthêu trong 4 sách Tin Mừng (24, 3.27 – 37.39) được dùng để nói về việc Con Người trở lại. Khoảng thế kỉ III trước công nguyên, từ này có nghĩa là “đến, hiện diện”. Trong thế giới Hi – la, nó ám chỉ việc hoàng đế long trọng ngự đến hoặc chính thức thăm viếng một thành nào. Trong kitô giáo sơ khai, nó sớm được sử dụng để nói về cuộc trở lại vinh quang của Đức Giêsu vào ngày cánh chung (x. 1Tx 2, 19; 4,15; 2Tx 2,1.8.9; 1Cr 15,23). Trong ngày ấy phải tỏ ra không gì đáng trách (1Tx 3,16; 5,23), vì Quang Lâm có kèm theo phán xét (Mt 24,40-41) cũng giống như khi Hồng Thủy ập tới thì kẻ ác phải bị diệt vong.

* Lý do Hồng Thủy mang tính bất ngờ (cc. 38.39a)

  • Sự vô tâm của con người bất chấp điềm tiên báo, cảnh báo: “vì…thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng…họ không hay biết gì.”

  • Sự việc xảy đến chớp nhoáng: “…Hồng Thủy ấp tới cuốn đi hết thảy”

   “Bất ngờ” không phải vì hoàn toàn vô tri hay không được báo trước, nhưng là do con người quá lơ là coi khinh điềm tiên báo: Nôê đóng tàu đâu phải 1 sớm 1 chiều. Cường độ và sự khắc nghiệt của tính bất ngờ càng tăng thêm bởi tính cách chớp nhoáng, tức thời của biến cố. Một khi thời điểm đã tới thì mọi sự hoàn tất trong chớp mắt, không ai kịp trở tay, ăn năn hối cải cũng muộn nếu trước đó không chuẩn bị, tỉnh thức. Ở đây không có vấn đề đối phó.

* “Khi Con Người Quang Lâm cũng sẽ như vậy (c. 39b)

     Đây là lời cảnh báo kẻ tin: Đức Giêsu đã báo trước là có Quang Lâm, Quang Lâm là bất ngờ và căn dặn là phải tỉnh thức. Vậy hãy bắt chước Nôê: một khi đã “đóng tàu”, “tỉnh thức” thì Hồng Thủy hay Quang Lâm đến lúc nào cũng không bất ngờ đối với người đã chuẩn bị.

  1. Tính thanh luyện xét xử của Quang Lâm (40-41)

* 2 người đang làm ruộng: 1 đem đi, 1 để lại

* 2 bà đang kéo cối xay bột: cũng 1 đem đi, 1 để lại

  Trong ngày Quang Lâm, sự phán xét thưởng phạt sẽ trở nên rạch rồi công khai. Không ai có thể ngụy biện che đậy ẩn núp vào đâu được nữa. Các hình ảnh cho thấy dù rằng bên ngoài không hề thấy có chút gì khác nhau cả, nhưng đến lúc ấy thì mọi khác biệt trong nội tâm sẽ được bày tỏ ra hết và số phận kẻ ác người lành sẽ khác nhau biết bao!

  1. Thái độ phải có trước Quang Lâm (cc. 42 – 44)

* đối tượng là các môn đệ: “anh em”

* Hãy canh thức (c 42); Hãy sẵn sàng (c. 44)

* Lý do: vì anh em vô tri về ngày giờ: “không biết ngày nào”; “giờ phút không ngờ” và chắc chắn Chúa (Con Người) sẽ đến.

  “Hãy canh thức” = gregôrêitê là sứ điệp trung tâm của Lời Chúa hôm nay. Đứng trước 1 biến cố chắc chắn sẽ xảy đến mà ta không biết được ngày giờ, và còn được cảnh báo là biến cố đến bất ngờ, thì chỉ còn 1 cách là luôn canh thức nếu không muốn bị nó chộp bắt và nhận chìm).

      Hình ảnh minh họa: canh trộm ban đêm (c. 43)

 “Nếu chủ nhà biết …”: lời cảnh báo: Đức Giêsu đã cho môn đệ biết là có Quang Lâm và tính bất ngờ đột ngột của Quang Lâm, vậy môn đệ phải có bổn phận “canh thức, không để trộm khoét vách nhà mình”. Hình ảnh trộm đêm gợi lên sự canh thức căng thẳng, liên tục không được lơi lỏng, chỉ cần 1 chút thiếp đi hoặc thiếu cảnh giác là có hậu quả xấu. Trong thực tế, vào thời sơ khai của Giáo Hội, nhiều tín hữu do thấy việc Quang Lâm trì hoãn, không xảy ra ngay như họ tưởng, nên đâm ra lơ là chểnh mảng trong đời sống đạo đức, bổn phận hằng ngày cũng như trong việc chờ đợi và thôi thúc Chúa tới. Chúa đã dùng hình ảnh canh trộm đêm để thức tỉnh môn đệ và cho họ thấy tính cấp bách và quan trọng của “canh thức”.

      Nhưng thế nào là canh thức? So câu 42 và 44: đó là luôn ở tư thế sẵn sàng, chủ động chuẩn bị ráo riết mọi sự trong hiện tại để có thể làm chủ được tình huống một khi biến cố Quang Lâm xảy tới dù ta không biết rõ ngày giờ. Thật vậy, trước một tình huống như lụt Hồng Thủy thì dù có thức suốt đêm cũng chẳng đối phó được gì. Phải cố đọc ra ý Chúa qua các điểm báo (x. Mt 16, 1 – 4; Lc 12, 54 – 59) rồi chuẩn bị xa ngay từ trong hiện tại và kiên trì như Nôê đóng tàu thì họa may thoát nạn; còn trường hợp canh trộm ban đêm, ngoài việc không ngủ, chủ nhà còn phải tổ chức canh phòng cho hợp lý, luôn đặt mình trong tình trạng sẵn sàng trang bị đầy đủ để chụp bắt tên trộm khi y mò tới. Ngoài ra ngay tiếp sau đoạn văn này, Mt 24, 45 – 25, 46 trình bày một loạt 4 dụ ngôn cho thấy thế nào là canh thức trong cụ thể.

    Vậy có thể nói “canh thức” là đường lối sư phạm của Thiên Chúa: việc Thiên Chúa không cho ta biết chính xác thời điểm Quang Lâm và mời ta luôn canh thức là để tập luyện ta luôn ở trong tư thế sẵn sàng làm chủ mọi tình huống vận mạng đời ta, nhờ đó ngày càng tinh sạch và nên giống Chúa hơn: sống tròn đầy giây phút hiện tại như Chúa muốn. Thực vậy, nếu biết rõ ngày giờ Quang Lâm, liệu ta có nỗ lực sống tốt lành trong mọi giây phút không?

  Tóm kết

     Tin Mừng hôm nay khẳng định chắc chắn có Quang Lâm, đồng thời mặc khải những nét đặc thù của Quang Lâm (bất ngờ, chớp nhoáng, làm lộ rõ thiện ác) và thái độ tín hữu phải có trong khi chờ Quang Lâm (canh thức, sẵn sàng). Hai hình ảnh được dùng để minh họa các nét trên là Hồng Thủy và canh thức canh trộm đêm. Chính trong khi tích cực sống như vậy, chúng ta – tín hữu mọi thời – đang chủ động hăm hở tiến tới ngày Quang Lâm như 1 người con đang hướng về điểm hẹn để gặp lại Cha thân yêu của mình sau một thời gian dài xa cách do cuộc lữ hành trần thế. Việc chờ Quang Lâm trờ thành niềm vui định hướng cho cuộc đời và làm cho cuộc đời chúng ta có ý nghĩa.

    Trong một tầm cỡ nhỏ bé, cụ thể hơn thì cuộc đời trần thế của mỗi cá nhân không chấm dứt với cuộc quang lâm trần thế, nhưng là với cái chết của mỗi người. Trong tinh thần đó, sứ điệp Tin Mừng mời ta hãy canh thức, hãy sẵn sàng, hân hoan hướng về “ngày Quang Lâm của Chúa trong cuộc đời mình” cũng như về ngày Quang Lâm trong vũ trụ với lòng cảm tạ biết ơn Thiên Chúa.

Frère Pierre Đình Long FSC