CHÚA NHẬT 30 MÙA THƯỜNG NIÊN – năm C

Bài 1

Hc 35, 12-14, 16-18; Lc 18, 9-14
Chủ đề: Lời nguyện cầu khẩn thiết của những người hèn mọn khiêm nhu được Chúa nhậm lời

*Hc 35, 17a: lời nguyện cầu của người nghèo vượt ngàn mây thẳm

*Lc 18, 13-14: người thu thuế đấm ngực thưa rằng: Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi…Người này khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính…

          Lời Chúa của Chúa Nhật 30 C Mùa Thường Niên mời chúng ta tiếp tục suy tư về vấn đề CẦU NGUYỆN: cách cầu nguyện đẹp lòng Chúa và chắc chắn sẽ được nhận lời. Lời Chúa tuần trước nhấn mạnh khía cạnh cầu nguyện kiên trì trong phó thác: cầu nguyện không ngưng nghỉ, không nản chí, cầu nguyện cho đến xong việc mới thôi. Và việc chỉ xong vào ngày Quang Lâm (X. Lc 18, 8b). Lời Chúa của Chúa Nhật 30 C bổ sung thêm một vài yếu tố mà tín hữu phải có khi cầu nguyện để lời van xin của mình được Chúa nhậm lời. Tâm tình tín thác vào Lòng thương xót Chúa vẫn là yếu tố hàng đầu: tin Chúa yêu thương, nhận lời cầu nguyện của kẻ bất hạnh nghèo hèn, của những ai phục vụ Chúa đang chân tâm cầu nguyện. Và điểm nhấn của Chúa Nhật hôm nay là cầu nguyện với tâm tình KHIÊM CUNG, nhận ra mình bất lực, tội lỗi, không xứng đáng được Chúa nhận lời, chỉ còn 1 nơi cậy dựa duy nhất chính là Thiên Chúa, là lòng thương xót, quảng đại của Người.

          Theo cái nhìn của Cựu Ước, thì khi nhờ các ngôn sứ hay tư tế thỉnh cầu ý Chúa thì người kêu xin cũng phải trả một chút thù lao (x. 1Sm 9, 6-8); để cầu xin ơn tha thứ cũng cần có lễ vật đền tội (x. Lv 5, 14-26); và sau thời lưu đày sách Huấn Ca còn khuyên: đừng đến trước nhan Chúa với đôi bàn tay không, nghĩa là không có lễ vật (x. Hc 35, 1-4). Mặc dù vậy, lễ vật hậu hỉ không là yếu tố chính để Chúa nhận lời, Chúa không bị người ta hối lộ (Hc 35, 11-12). Thiên Chúa vẫn dành nhiều ưu ái cho những người nghèo hèn, chịu nhiều thua thiệt, sống công chính và đang khẩn cầu Người, trong tâm tình khiêm nhu phó thác.

          Bài đọc 1 trích từ Sách Huấn Ca, mở đầu bằng một khẳng định rằng Thiên Chúa là Thẩm Phán công minh, không thiên vị ai. Chuẩn mực cho mọi phán quyết của Người là CHÍNH NGƯỜI. Từ xác tín cơ bản đó, Sách Huấn Ca liệt kê ra một số hạng người mà lời kêu cứu của họ chắc chắn được Chúa đoái nghe. Đó là những người nghèo hèn, bị bách hại, những người bị áp bức, những kẻ mồ côi, những người góa bụa (x. Hc 35, 13-14). Và nhất là những kẻ phục vụ Chúa theo Thánh Ý Người (35, 16).

          Phần thứ hai của bài đọc 1 (35, 17-18) nhắc lại chủ để của tuần trước: phải cầu nguyện kiên trì tín thác. Dù biết chắc chắn rằng Chúa sẽ đoái nhận lời mình kêu xin nhưng người của Chúa không vì thế mà lơi lỏng việc cầu nguyện, phải luôn bám chặt vào Chúa tới cùng: “họ sẽ không rời đi bao lâu Đấng Tối Cao chưa đoái nhìn, chưa xét xử cho người chính trực và thi hành công lý (35, 18).

          Họ là những người mà Kinh Thánh gọi là ANAWIM, tức là những “người nghèo của ĐỨC CHÚA”. Họ là những người chỉ có Thiên Chúa là nơi cậy dựa duy nhất, là Đấng Bảo Vệ duy nhất của họ trước mọi nỗi khốn cùng, tinh thần cũng như thể xác, đến từ mọi phía: xã hôi, tôn giáo, người đời. Họ chỉ biết chạy tới cùng Thiên Chúa, bày tỏ nỗi tủi nhục, bất lực của mình, rồi kiên trì, khiêm cung chờ lời đáp trả cảu Thiên Chúa. Chắc chắn họ sẽ được nhận lời! “Lời họ kêu cầu sẽ vọng tới tầng mây” (35, 16b), là nơi Thiên Chúa ngự trị (x. Tv 68, 35; 104,3…).

          Chủ đề hãy cầu nguyện trong tâm tình khiêm nhường, sám hối được Đức Giêsu, trong Tin Mừng 30 C Mùa Thường Niên, minh họa bằng một dụ ngôn, với chủ đích thật là rõ ràng: nhằm cảnh cáo “những kẻ tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (x. Lc 18, 9). Đây là hạng người kiêu ngạo đến độ tiếm đoạt cả quyền xét xử của Thiên Chúa: họ tự lấy mình làm chuẩn mực luân lý nên mới “tự phụ cho mình là công chính”; rồi từ đó tiếm đoạt quyền xét xử của Thiên Chúa “mà khinh chê kẻ khác”. Có 2 người lên đền thờ cầu nguyện: một người biệt phái và một người thu thuế.

1/Người biệt phái tự kiêu nên “đứng riêng một mình” vì tự cho mình công chính, trong sạch nên không dám hòa mình với đám dân tội lỗi, nhất là với tên thu thuế đang đứng ở cuối Đền Thờ. Anh ta tâm nguyện rất bài bản: mở đầu bằng lời tạ ơn Chúa. Tiếc thay nội dung lời nguyện của anh ta không có gì là tạ ơn Chúa mà chỉ là lời phô trương công nghiệp của mình để rồi lấy đó làm chuẩn mà khinh chê kẻ khác. Thật ra những việc anh đã làm: “ăn chay mỗi tuần 2 lần”; “dâng cho Chúa 1/10 thu nhập” đều là những việc đáng khen và vượt hơn nhiều so với những gì Luật đòi hỏi. Nhưng tiếc thay, anh đã quá tự kiêu, để những thứ đó chiếm đoạt hết con người anh ta đến độ chỉ còn biết có bản thân mình là tốt, không còn có chỗ nào trong tâm hồn anh ta để đón nhận ơn Chúa và đưa tới thái độ loại trừ, kết án tha nhân. Do đó ơn tha thứ, ơn công chính hóa của Chúa không có chỗ để chen vào trong tâm hồn anh ta. Ơn Chúa không có đất để bén rễ trong hồn anh ta.

2/ Còn người thu thuế đứng từ đàng xa, cúi gầm đầu, đấm ngực không dám nói gì hơn ngoài lời “lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Và Đức Giêsu kết luận: người thu thuế ra về được NÊN CÔNG CHÍNH, còn người biệt phái thì không. Tại sao lạ vậy? vì trong hồn của người biệt phái không còn chỗ nào để ơn Chúa hoạt động. Còn người thu thuế chỉ còn 1 con đường sống là cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa và mở hết cõi lòng xin Chúa thương xót. Chính lòng thương xót ấy đã tha thứ, biến đổi và làm anh ta nên công chính. Tự cho mình là công chính đến độ dám kể công với Thiên Chúa, xét đoán tha nhân. Đó là một biến thái trá hình tinh vi của tội nguyên tổ. Đó là một “trái cấm” cho nhân loại hôm nay. Hãy đề phòng! Hãy khiêm tốn cầu nguyện với tấm lòng tan nát khiêm cung, Chúa sẽ nhận lời và làm cho ta nên công chính.

Bài 2              

   Người thu thuế…vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Tôi nói thật cho các ông biết: người này khi trở xuống và về nhà, thì đã được nên công chính. (Lc 18, 13b. 4a).

   Lời Chúa hôm nay tiếp tục mời gọi chúng ta suy niệm về chủ đề cầu nguyện. Tuần trước, Lời Chúa đề cập đến thái độ nội tâm của người cầu xin phải có để các ước nguyện của mình được Chúa nhậm lời: kiên trì, không nản chí, cật lực và nhất là khía cạnh cộng đoàn, cùng chung và liên kết trong cùng một mục đích (chiến thắng, đánh đuổi kẻ thù truyền kiếp của dân tộc), mỗi người một việc và tất cả đều phải kiên trì, cật lực, liên kết cho đến khi kết thúc cuộc chiến, thắng lợi hoàn toàn của toàn dân. Mục đích cuối cùng của cuộc chiến là lợi ích cộng đoàn, là toàn dân được giải cứu. Mặc dù không nói rõ nhưng trọng tâm của lời cầu nguyện trong tuần trước hướng về ngày cánh chung, “ngày của Con Người” (Lc 17, 30), “khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8b).

   Tuần này, Chúa Nhật 30 C quan tâm đến lời cầu nguyện là những gì con người đang làm trong hiện tại để từ đó rút ra bài học là phải cầu nguyện trong KHIÊM TỐN, luôn ý thức thân phận yếu hèn của mình và nài xin Chúa xót thương. Khía cạnh tâm tình đạo đức cá nhân phải có khi cầu nguyện được lưu tâm hơn. Mục đích là để bản thân được tha thứ, được hưởng lòng thương xót của Chúa ngay trong hiện tại, được Thiên Chúa công chính hóa.

   Phụng vụ Lời Chúa hôm nay ca ngợi lời cầu nguyện khiêm cung, trần trụi, thật lòng của kẻ nghèo hèn (về thể xác hoặc về tâm hồn, hoặc cả hai), nhấn mạnh tới hiệu năng của lời van xin của người cùng khổ thật lòng dâng lên Chúa: chắc chắn họ sẽ được Chúa nhậm lời. Bởi vì Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, Chúa công minh, không thiên vị, hạ bệ những kẻ tự kiêu nhưng lại rộng lòng thương xót, thứ tha cho ai khiêm cung chạy đến cầu cứu Người. Lời Chúa hàm ý mời gọi con người ý thức thân phận nghèo hèn của mình trước Thiên Chúa và nhận ra tình yêu Thiên Chúa đối với kẻ khiêm cung.

   Lời Chúa hôm nay khích lệ người tội lỗi, nghèo hèn đừng sợ đến với Chúa, vì Chúa quảng đại chờ đợi, dù chỉ một dấu hiệu nhỏ từ nơi con người, để thương xót thứ tha. Điều quan trọng là tỏ bày con người thật và các ước nguyện của mình cho Chúa rồi phó thác tất cả cho lòng thương xót của Người.

   Lời cầu nguyện đơn sơ chắc chắn được Chúa nhậm lời và làm biến đổi cuộc đời chúng ta, đó là “Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18, 13).

   Sự khiêm tốn được biểu lộ ra ngoài bằng:

  • nhìn nhận mình tội lỗi, bất xứng, đáng phạt, bất lực để tự cứu.

  • nhưng vẫn can đảm đến với Chúa và sẵn sàng đón nhận mọi hệ lụy lẫn ơn tha thứ đến từ lòng thương xót của Thiên Chúa.

   Bài đọc 1, trích từ Sách Huấn Ca, cho thấy Thiên Chúa là Đấng Công Minh, người ta không thể mua chuộc được Chúa bằng hi lễ, bằng tiền tài hoặc bất ký yếu tố nào khác; do đó, lời cầu xin của những người nghèo hèn, bị áp bức, mồ côi, góa bụa, nghĩa là những hạng người bị xã hội, tôn giáo coi thường, loại bỏ…sẽ được Chúa nhậm lời. Cuối bài đọc 1, khía cạnh KIÊN TRÌ trong cầu nguyện được lặp lại.

   Tin Mừng thuật lại dụ ngôn “hai người lên đền thờ cầu nguyện”. Một người biệt phái: tự hào về những công đức của mình, từ đó khinh chê người thu thuế tội lỗi. Thiên Chúa không hề có một vị trí nào trong cuộc đời anh ta. Thiên Chúa có đó chỉ để nghe anh kể công, Còn người kia là một người thu thuế tội lỗi, không có chút công trạng nào để “khoe” với Thiên Chúa; chỉ biết cúi mặt, đấm ngực ăn năn, nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa.

   Đức Giêsu đưa ra một kết luận đầy bất ngờ: khi trở xuống mà về nhà thì người thu thuế được nên công chính, còn người biệt phái thì không. Vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

   Đừng quên, nội dung của lời cầu nguyện vẫn là ơn cứu độ. Đức Giêsu đến không để giải quyết mọi nhu cầu trong cuộc sống trần tục mà là đem Nước Thiên Chúa vào trần gian, ban cho con người ơn cứu độ.

BÀI ĐỌC I: Hc 35,12-14. 16-18

  Tác giả sách Hc là “Giêsu, con của Sirakh” (50,27;51,30) tiếng Do Thái là Ben sira. Ông là một hiền nhân Do Thái sống tại Giêrusalem vào khoảng cuối thế kỉ III và đầu thế kỷ II tcn. Khoảng giữa 198-174, ông đã viết ra những lời giảng dạy và hoa trái của kinh nghiệm mình. Khoảng 50 năm sau, tác phẩm bằng tiếng Hipri đó được cháu của ông dịch ra tiếng hy lạp.

   Thời của Ben Sira là thời mà binh lực và văn hóa hy lạp đang thống trị Cận Đông. Các hoàng đế muốn hy lạp hóa toàn đế quốc. Riêng tại Palestin cũng đã có nhiều người chạy theo văn hóa hy lạp (x. 1M 1,10-15; 2M 4,10). Điều này đe dọa sự tồn vong của truyền thống Do Thái. Chính để bảo vệ căn tính của dân tộc mà Ben Sira đã soạn ra sách Hc. Sách này là một loại hướng dẫn thực hành cho những người Do Thái trung thành. Sách đầy những lời khuyên về cuộc sống thường ngày. Mọi vấn đề đều được đề cập đến, nhưng chính yếu là tác giả đề cao Lề Luật, Đền thờ, nghi lễ: khôn ngoan tức là tuân giữ các điều đó.

   Bài đọc 1 thuộc ch 35. Chương này cho thấy làm cách nào dung hòa, giải quyết những tương khắc giữa việc dâng lễ tế tự với công bình bác ái xã hội trong giữ Luật. Theo Ben Sirac dâng nhiều lễ tế là một cách giữ Luật tốt đẹp. Thế nhưng nếu xảy ra chuyện tương khắc: kẻ giàu dâng lễ tế nhiều, kẻ nghèo dâng ít; rồi kẻ giàu áp bức bất công với kẻ nghèo; cả hai cùng kêu lên Chúa, Chúa sẽ nghe tiếng ai? (x.34,24)

   Câu đáp: Thiên Chúa công thẳng, và có nhiều cách để dâng lễ cho Chúa không cứ phải là nhiều lễ vật: 35,1-10, cho thấy điều cốt yếu là nội tâm:

  • Sống nhân hậu, bố thí cũng là một cách dâng lễ (35,2); xa điều ác, điều bất công là lễ vật rất vừa ý Chúa (35,3)

  • Thiên Chúa công thẳng không nhận hối lộ đâu (35,11), do đó cho dù có khuyên phải vui vẻ dâng lễ vật (35,4-9), nhưng tác giả cũng cảnh báo đừng cậy vào lễ vật mà sống bất công, bởi vì chính Chúa sẽ can thiệp thi hành công lý (35, 19-24)

   Bài đọc 1 trích phần ca ngợi Thiên Chúa công thẳng và cho thấy những hạng người nào được Thiên Chúa đoái nghe lời cầu nguyện.

   Bài đọc có thể chia làm 2 phần cùng diễn tả chung 1 ý “Thiên Chúa nghe lời kẻ nghèo hèn kêu xin”, nhưng với 2 dạng văn chương khác nhau:

* Phần 1, nhấn mạnh tới hành động của Thiên Chúa

* Phần 2, tới hành động của con người. Ở đây là các Anawim.

  1. Thiên Chúa chí công vô tư khi xét xử (Hc 35,12-14)

* Vì Đức Chúa là Đấng xét xử

   Bản chất của Thiên Chúa được mặc khải ở đây là Đấng xét xử, là thẩm phán tối cao và chung cuộc. Hàm nghĩa số phận của mỗi người là tùy thuộc vào sự phân xử cuối cùng tối hậu của Thiên Chúa, một xét xử chí công vô tư. Trong bài 1, sự công minh của Thiên Chúa được diễn tả qua những cụm từ nói lên mối quan tâm của Người đối với những hạng người bất hạnh.

* Người không tây vị ai

   Dịch sát: “đối với Người thì vinh quang bề mặt chẳng là gì”. Để hiểu rõ hơn nội dung hàm chứa trong câu này, cần phải đọc phần đầu của chương 35: Tác giả khuyên phải thành tâm tuân giữ Lề Luật, đừng quên dâng lên Thiên Chúa các hy lễ cách quảng đại. Tuy nhiên bài học lịch sử Israel khiến tác giả phải đề cao cảnh giác: chính việc giữ Luật và dâng hiến lễ cũng có thể hàm chứa những nguy cơ: vụ luật, mại thánh, tưởng rằng dâng nhiều hy lễ thì buộc Thiên Chúa phải nhận lời xin xỏ của mình (c.11). Thiên Chúa không đánh giá con người qua những lễ vật họ dâng (“vinh quang bề mặt”): Người không khinh chê, nhưng cũng không lệ thuộc vào chúng; Người sẽ xét xử công bình tùy theo tình cảnh của từng người. Sự thờ phượng chân thật mà Người ưa thích chính là “phục vụ trong vui lòng” (c.16)

* Người không vị nể mà hại người nghèo; nghe lời của kẻ bị áp bức

* Không coi thường lời xin của những hạng người bị bỏ rơi: mồ côi, góa bụa.

   Chúa bênh vực những hạng nghèo hèn: đó là chủ đề quen thuộc trong Kinh Thánh. Thiên Chúa vẫn mang danh hiệu là Đấng bảo trợ cô nhi quả phụ và kẻ nghèo hèn. Người nghe tiếng kêu oán và thi hành công lý cho họ: Xh 22,21-22; Cn22,22-23; 23,10-11.

   Kẻ nghèo hèn- người bị áp bức- cô nhi quả phụ: là những người tự thân đã là bất hạnh lại còn chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Kinh Thánh gọi họ là ANAWIM. Sự “nghèo khó” trong Kinh Thánh không phải chỉ là tình trạng kinh tế xã hội, nó có thể là trạng thái nội tâm, một thái độ của tâm hồn. Họ là những người không có sự giàu sang, nương tựa nào khác hơn là tin tưởng vào Thiên Chúa và tìm thấy nơi Người là Đấng Bảo Vệ duy nhất. Chính vì thế Anawim cũng có thể dịch là “khiêm nhường” (Tv 10,17; 18,28; 37,11; Is 26,5t). Thật thế, tâm trạng căn bản của họ là lòng “khiêm nhường” tức ANAWAH mà một vài bản văn Cựu Ước quan niệm giống như là SỰ CÔNG CHÍNH (xp 2,3), sự kính sợ Thiên Chúa (Cn 15,33; 22,4), lòng tin hoặc trung thành (Hc 45,4; x. 1,27; Ds 12,3).

   Những ai đau khổ và nguyện cầu trong tâm tình tương tự thật xứng vói danh nghĩa anawim, “người nghèo của Đức Chúa” (tv 74,19; 149,4): họ là đối tượng của tình yêu nhân lành của Người (Is 49,13; 66,2) và họ kết thành những hoa trái đầu mùa của “dân tộc khiêm hạ và nhu mì” (Xp 3,12t) của “Giáo Hội người nghèo”, mà Đấng Mêsia sẽ quy tụ (ĐNTHTK “Nghèo” c.ư III) chính trong ý nghĩa thiêng liêng của từ anawim mà ta sẽ thấy được nét nối kết chặt chẽ giữa bài 1 và Tin Mừng.)

  1. Những hạng người mà lời cầu nguyện được Chúa thương đoái nhận (Hc 35,16-18)

* Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người (35,16)

(CGKPV chọn dịch như trên, nhưng theo sát bản văn, câu trên chỉ nói trống “ai phục vụ trong sự vui long”, do đó c.16a cũng có thể hiểu về phục vụ tha nhân. Thực ra c.16a có thể hiểu cả hai cách, bởi vì “phục vụ” hay “phụng sự” có thể hiểu 2 nghĩa:

1/ sự phục tùng của con người đối với Thiên Chúa

2/ tình trạng “nô lệ” tự nguyện của con người đối với nhau nghĩa là tự nguyện hạ mình xuống để trợ giúp, hầu hạ tha nhân vì lợi ích cứu độ cho họ chứ không vì bị ép phải làm nô lệ. Chúng ta có thể minh họa bằng việc Đức Giêsu cúi mình xuống, như 1 nô lệ, rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly.

  Hai cách hiểu trên cũng chính là 2 đặc tính thiêng liêng (phục tùng Chúa) và vật chất (hầu hạ anh em) của từ ANAWIM. Vậy “phục vụ” ở đây có thể hiểu là hành vi chính yếu của 1 anawim đối với Thiên Chúa và cả với tha nhân nữa.

   “Vui lòng” nghĩa là tự nguyện chấp nhận tình huống trong tâm tình thờ lạy ý Chúa, để thánh ý được thể hiện ngang qua hành động của mình.

   Vậy c.16 diễn tả thái độ chính yếu của 1 anawim, vì vinh quang cho Thiên Chúa và lợi ích cho tha nhân, được thực hiện trong 1 tâm tình thờ lạy biết ơn Chúa trong mọi tình huống. Chắc chắn Thiên Chúa sẽ nhận lời kêu xin của những ai sống như thế.

  “Các tầng mây” là nơi Thiên Chúa ngự trị (x. Tv 68,35; 104.3…). Cách nói “vọng tới tầng mây”, “vượt ngàn mây thẳm” nghĩa là đạt thấu tới Chúa, sẽ được nhận lời.

* Người nghèo “kiên trì cầu nguyện phó thác” (17,18)

 gợi lại chủ đề tuần trước. Anawim phải “kiên trì phó thác” vì chỉ có Chúa là nơi nương tựa.

* Người chính trực

người nghèo được đồng hóa với người chính trực. Vậy thái độ nội tâm được đề cao hơn là 1 thực trạng vật chất.

  1. Tóm kết

Bài đọc 1 hôm nay nhấn mạnh 2 điểm: – sự công minh của Thiên Chúa được cụ thể hóa qua việc nhận lời, người nghèo kêu xin – và tâm tình, lối sống con người phải có để cho lời cầu xin của mình được Thiên Chúa đoái nhận: khiêm tốn, phục vụ, sống chính trực.

          Vậy, Thiên Chúa là thẩm phán công minh, dò thấu tâm can con người, sẽ xét xử mỗi người theo chiều sâu của cõi lòng người ấy, sẽ hoàn trả cho các người nghèo những gì mà họ đáng được thọ hưởng.

TIN MỪNG: Lc 18, 9-14

   Xem Chúa Nhật 28 và 29 C. Tin Mừng hôm nay tiếp tục chủ đề cầu nguyện, chính xác hơn là cách thức cầu nguyện để được Chúa thương đoái: khiêm tốn, phó thác chỉ cậy dựa vào lòng Chúa thương xót mà thôi, tin rằng tình yêu Chúa lớn hơn tội lỗi chúng ta. Để minh họa điều này Đức Giêsu kể dụ ngôn 2. Có 2 người lên Đền Thờ cầu nguyện. Người biệt phái tự cho mình là công chính nên chê bai kẻ khác và lời cầu nguyện của anh chỉ là kể công với Chúa. Trái lại người thu thuế sám hối đứng đằng xa đấm ngực cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Và Đức Giêsu kết luận: ra về, người thu thuế được công chính hóa, còn biệt phái thì không.

  1. Đối tượng của dụ ngôn (Lc 18,9)

* “những người tự phụ là công chính/ mà khinh chê kẻ khác”

          Vế đầu: tự lấy mình làm chuẩn mực; vế sau: từ đó xét xử kẻ khác. Cả 2 thái độ đều tiếm quyền thẩm phán của Thiên Chúa. Hạng người mà Chúa nhắm đến có 2 đặc tính liên kết chặt chẽ với nhau: tự cho mình công chính và khinh chê kẻ khác. Nhưng dựa vào đâu để cho mình như vậy?

          Theo Cựu Ước: – “công chính chủ yếu là hành động phù hợp với ý Chúa (Ed 18, 5.9).

  • “Sau lưu đày, người ta nhấn mạnh đến việc giữ Luật, vì Lề Luật giữ 1 vai trò đáng kể trong đời sống tôn giáo dân tộc, nhưng nhất là nó biểu hiện ý muốn của Thiên Chúa. Sống công chính tức là không có gì đáng trách trong việc thực thi giới luật (từ điển KT, J. Dheilly,” công chính”.

          Những gì trích dẫn trên phù hợp với thái độ của người biệt phái trong c.12 của bài dụ ngôn. Và c.11 cho thấy thái độ khinh chê kẻ khác.

          Vậy đối tượng Đức Giêsu nhắm tới là biệt phái.

  1. Bài dụ ngôn (Lc 18, 10-13)

2.1- Giới thiệu nhân vật: “có 2 người lên đền thờ cầu nguyện”

          Khung cảnh Đền Thờ. Có lẽ là 1 dịp lễ hành hương hay lên đền vì một lí do đặc biệt chứ không phải là một buổi cầu nguyện thường ngày. Vậy bài dụ ngôn được trình bày như một bổn phận tôn giáo.

  • Một người thuộc nhóm biệt phái:

(Tầng lớp có uy tín đối với dân chúng, được kính trọng vì đời sống đạo đức, gắn bó với dân tộc của họ. Họ họp thành những cộng đoàn nhỏ, khép kín, tách biệt khỏi quần chúng. Họ chuyên cần suy niệm Kinh Thánh và quyết tâm giữ mọi khoản Luật, thành văn cũng như truyền khẩu. Cách chung, họ là những người đáng kính, tốt về mặt xã hội lẫn tôn giáo trong Israel. Với cái nhìn khách quan này, ta sẽ xét thái độ của ông biệt phái trong dụ ngôn)

  • “còn người kia làm nghề thu thuế”

(Trong hoàn cảnh xã họi Do Thái thời Đức Giêsu, thu thuế bị coi là tay sai của đế quốc, bọn ăn cướp bóc lột dân chúng. Đó là hạng tội lỗi mà mọi người bình thường đều phải xa lánh)

  • Thái độ của người biệt phái khi cầu nguyện (Lc 18, 11-12)

* “đứng riêng một mình cầu nguyện rằng” (CGKPV “Tân Ước” 1994)

Câu trên cũng có thể dịch: “đứng thẳng, nguyện thầm rằng” (CGKPV “Bốn sách Tin Mừng” 2004. Chú thích: x. CGKPV “Tân Ước” 345 b).

   *  Nội dung lời nguyện:

– Trước tiên là một lời cảm tạ: “Lạy Thiên Chúa xin tạ ơn Chúa”

– Nhưng ngay liền sau là lời khinh chê kẻ khác: “vì con không như bao kẻ khác…”

   (Cái chết là anh ta đã xem đây là LÝ DO đầu tiên để tạ ơn Chúa: “VÌ”. Dù không nói rõ ra, nhưng đây là thái độ loại trừ kẻ khác, một cái nhìn ấu trĩ và lệch lạc về một Thiên Chúa thưởng phạt dựa theo việc làm bên ngoài; tưởng rằng cái tốt nơi tôi sẽ nổi bật lên nếu tôi moi ra công khai điều xấu của kẻ khác để kết tội. Đây là điều mà môn đệ Đức Giêsu phải tránh).

   –  Rồi kể công với Chúa: “Ăn chay … dâng 1/10…”

   (“Ăn chay mỗi tuần 2 lần”: Luật chỉ buộc ăn chay mỗi năm một lần vào dịp lễ Kippour (Lv 16, 29), hoặc trong vài dịp đặc biệt như trước khi khởi đầu một việc khó khăn (x. Tl 20, 26; Et 4, 16), khi nài xin tha một lỗi phạm x. 1V 21, 27) … Vậy ông này đã đi xa hơn luật buộc, tự nguyện ăn chay vào mỗi thứ hai và thứ năm, chắc chắn là với ý định đền bù những thiếu sót của dân đối với Lề Luật.

    “Dâng cho Chúa 1/10 thu nhập”: có lẽ bao gồm cả hoa lợi, tiền công và đồ mua về để dùng nữa. Trong khi đó Luật thuế thập phân chỉ áp dụng cho những lợi tức của đất đai: lúa, dầu, rượu (Đnl 14, 22), đánh vào người sản xuất (Đnl 12, 17).

   Hai chi tiết trên cho thấy ông biệt phái đi xa hơn những đòi hỏi của Luật. Ông tự nguyện, thật lòng chứ không phải giả hình. Ông bằng lòng và hãnh diện về lối sống của mình vì tin rằng nó sẽ đưa ông tới cõi sống như tiền nhân đã dạy (x. Cn 11, 3-6. 19; 12, 28). Đó không phải là lý do để cảm tạ hay sao? Ông không xin gì cả, chỉ tạ ơn! Cái chết là ở đó: không cần sự trợ lực của Chúa, thêm vào là kết án, loại trừ tha nhân: muốn đoạt quyền xét xử Thiên Chúa, bắt Thiên Chúa hành động suy nghĩ như mình).

2.3. Thái độ của người thu thuế (Lc 18, 13)

* “đứng đằng xa…chẳng dám ngước mắt lên trời…đấm ngực…”

– “đứng đằng xa”: biểu lộ mặc cảm tội lỗi đối với xã hội, không dám đứng chung gần với mọi người, với cộng đoàn phụng vụ đang họp nhau ca ngợi Thiên Chúa.

– “không dám ngước mắt lên trời”: xấu hổ trước Thiên Chúa, không dám đứng thẳng đưa tay lên trời trong tư thế cầu nguyện bình thường của người Do Thái.

– “đấm ngực”: cử chỉ biểu lội lòng sám hối.

    Các hành động trên cho thấy nỗi thất vọng sâu xa của người thu thuế. Khi đến Đền Thờ là anh ta muốn hoán cải. Nhưng Luật công bình đòi anh phải bồi thường, đền bù những thiệt hại đã gây ra cho kẻ khác từ trước đến giờ…làm sao anh ta có khả năng? Vì không phải người thu thuế nào cũng giàu như Giakêu. Thật vô vọng!

   *  Lời cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa, xin rủ lòng thương con là kẻ tội lỗi”.

     Không còn gì để cậy dựa, về phía mình cũng như xã hội, chỉ còn cách là thành tâm bộc lộ trọn vẹn con người tội lỗi của mình cho Chúa rồi phó thác cho lòng thương xót của Người.

  1. Bài học kết luận của Đức Giêsu (Lc 18, 14)

* “…người này…thì được nên công chính rồi; còn người kia thì không.” (c 14a).

* Vì …ai tôn mình lên …ai hạ mình xuống…” (c 14b).

   Câu 14a thật bất ngờ: Không một lời giải thích, chỉ kết luận. Dụ ngôn muốn dạy cho những ai tự phụ biết rằng: Không ai có thể tự cho mình là công chính trước mặt Thiên Chúa; Công Chính là ân huệ Thiên Chúa tặng ban cho những ai khiêm nhường đặt mình vào đúng vị trí tương quan với Thiên Chúa và tha nhân (không kể công với Thiên Chúa, như Thiên Chúa nợ mình; không lấy mình làm chuẩn để khinh dể tha nhân). Người biệt phái không trở nên công chính dù ông ta làm nhiều điều tốt, là vì ông đã đặt sai tương quan, đã biến hành vi thờ phượng tạ ơn Chúa thành công cụ để kết án anh em và kể công với Thiên Chúa. Nơi con người ông ta, không có một chỗ nào cho Thiên Chúa, dự tính của Thiên Chúa hoàn toàn bị chặn đứng bên ngoài con người ông ta. Chính vì thế, sự công chính hóa của Thiên Chúa không cư ngụ được nơi ông.

    Còn anh thu thuê “được nên công chính” là vì đã hoàn toàn mở rộng ra cho phán quyết của Thiên Chúa. Bản văn không xem thường khía cạnh luân lý (vẫn xác nhận anh ta đáng tội) nhưng nhấn mạnh đến tâm tình phó thác, chỉ trông chờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa mà thôi. Lời cầu nguyện của anh gợi lại câu đầu của thánh vịnh 51 (51, 3), và thái độ của anh lộ rõ “một tấm lòng tan nát khiêm cung” (Tv 51, 19). Đó là điều mà Thiên Chúa mong chờ để thứ tha cho ta.

   Tóm lại, bài học chủ yếu là con người không bao giờ là “công chính” trước mặt Thiên Chúa, mà là “được công chính hóa” bởi tình yêu thứ tha bao dung của Thiên Chúa.

    Câu 14b là một châm ngôn, qua đó Đức Giêsu tổng quát hóa và mở rộng dụ ngôn đã được nói ở câu 1. Câu này đặt dụ ngôn vào trong nhiệm cục cứu rỗi, trong đó sự đánh giá của Thiên Chúa về con người không nhất thiết phải ăn khớp với ý tưởng tự mãn mà người ta tự nghĩ về mình, hoặc với lòng tham vọng quá mức của họ, hoặc với sự khinh dể độc đoán của họ đối với tha nhân. Và nếu chúng ta lưu ý đến màu sắc cánh chung của các đoạn trước thì có thể nói được rằng trong câu 14b, Lc nhắc đến định luật đảo lộn tình huống là đặc điểm của thời cánh chung. Vậy ngay từ bây giờ phải thay đổi não trạng, sống sao cho phù hợp với mặc khải chung cuộc của Thiên Chúa trong Đức Giêsu.

  1. Tóm kết

  Tin Mừng hôm nay mời gọi thính giả xét lại cái nhìn của mình về sự công chính: phải đặt nó vào mặc khải chung cuộc của Đức Kitô; Trước mặt Chúa không ai là công chính, nhưng trong tình thương của Thiên Chúa, chúng ta được công chính hóa nhờ tin vào Đức Giêsu và nhờ mở rộng cõi lòng phó thác tất cả cho lòng khoan dung thứ tha của Thiên Chúa.

   Dĩ nhiên Thiên Chúa không khinh chê những nổ lực đạo đức của con người, vì đó cũng là phương tiện Thiên Chúa ban cho để con người hướng lòng về Chúa. Tuy nhiên Thiên Chúa là vô biên, mặc khải Thiên Chúa luôn tiến triển, do đó đừng nhốt Thiên Chúa trong các việc đạo đức, đừng có ảo tưởng điều khiển được Thiên Chúa bằng các việc làm đạo đức của ta và nhất là đừng dành quyền thẩm phán tối cao của Thiên Chúa mà khinh chê, lên án tha nhân cách độc đoán. Đường lối của Thiên Chúa là diệu kỳ, vượt xa mọi suy tưởng của con người (Is 55, 8); Do đó đừng tự kiêu về những gì mình có, nhưng cũng đừng quá tuyệt vọng về những thiếu xót tội lỗi của mình tưởng rằng không sao đền bù được. Tiếng kêu nài phó thác của một tấm lòng nghèo hèn, tan nát, khiêm cung chắc chắn sẽ gặp được tình yêu nhân hậu, quảng đại của Thiên Chúa.

Frerè Pierre Đình Long FSC