Chúa Nhật 27 thường niên-năm C

Thức tỉnh Ân sủng Đức tin của Chúa trong bạn

Bài giảng của Linh Mục Jean Compazieu
Bản dịch của Nguyễn Hữu Thăng

Các bài đọc Kinh Thánh của Chúa Nhật này là một lời kêu gọi trở về với đức tin và với sự tin tưởng. Trong bài đọc 1, ngôn sứ Habacuc đã la lớn tiếng cho Thiên Chúa nghe một tiếng la của sự nổi loạn: «Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên « bạo tàn » mà ngài chẳng cứu vớt ?». Bạo tàn mà ngôn sứ tố giác ở đây là bạo tàn của quân thù lúc bấy giờ, là bạo tàn  của người xứ Chaldée, là bạo tàn ở nước Ukraine ngày hôm nay và là bạo tàn đang xảy ra trên  cả các quốc gia đang có chiến tranh. Kể từ khi thế giới được tạo thành thì những điều ghê rợn này cứ tiếp nối diễn ra. Và thế là ngôn sứ Habacuc  đã xin Thiên Chúa một lời giải thích : Tại sao Người cứ cho phép các thế lực bất minh được thắng thế. Đối diện với tất cả những tội ác và bạo lực đang giày xéo chúng ta thì việc kêu gọi cứu giúp nào có ích gì ?

Nhưng ngôn sứ Habacuc không đánh mất niềm tin. Người đặt mình vào tư thế dò tìm «điều mà Thiên Chúa sẽ phán». Người tin chắc là bình minh sẽ đến. Nhưng đồng thời ông cũng hiểu rằng sự  can thiệp của ông cũng có phần táo bạo: sau khi cầu xin Thiên Chúa giải thích, ông chờ đợi Thiên Chúa nhắc nhở. Thế nhưng ngôn sứ Habacuc không để cho bị nhắc nhở. Thiên Chúa đã không hề khiển trách ông. Người đã mời ông, và cũng là mời gọi chúng ta phải kiên nhẫn và tin tưởng. Thời gian chiến thắng của quân thù sẽ không kéo dài mãi mãi. Sự dữ sẽ không bao giờ chiến thắng. Người công chính sẽ chiến thắng nếu vẫn bám chặt vào Chúa.

Đối với chúng ta ngày hôm nay thì điều này thật quan trọng. Tiếng kêu la của ngôn sứ Habacuc là tiếng kêu của hàng triệu Ki-tô hữu đang bị bách hại vì đức tin của họ. Bạo lực, cướp phá, sự gây tổn thương tình cảm vẫn mãi còn mang tính thời sự. Trong một số quốc gia, chẳng hạn như Triều Tiên, nhưng cả ở một số nơi khác nữa, người ta bị cấm là ki tô hữu. Nếu người ta tìm thấy người ki tô hữu thì những người này sẽ bị hành quyết hoặc tống giam vào ngục. Nhưng điều này chẳng thể ngăn cản họ một đức tin và lòng can đảm lạ thường.

Và đây cũng là điều xảy ra cho tông đồ Phao lô ; khi Phao lô viết thư cho thanh niên Timothée thì Người đang ở trong tù tại thành Rôma, ít lâu trước khi Người bị hành quyết. Chính Người đã nói rằng mình đang bị xích xiềng như một tên bất lương.Và Người bảo Timothée đừng hổ thẹn về Người như nhiều người khác đang có thái độ như vậy. Người biết rõ là cuộc sống của mình không còn kéo dài lâu nữa. Timothée sẽ phải tiếp nối Người và Người căn dặn Timothée như sau: « Thiên Chúa đã không ban cho tôi một tinh thần sợ hãi mà là một tinh thần đầu sức mạnh, cùng với đức tin, đức mến và lý trí» Timothée phải đánh thức nơi mình ân ban của Chúa. Điều này nhắc cho chúng ta biết là các ân sủng có thể ngủ quên trong con người chúng ta. Mỗi ngày chúng ta phải khơi dậy ngọn lửa đó.

Chúng ta đừng đi tìm nơi chính mình sức mạnh mà chúng ta cần, nhưng mà là phải kín múc sức mạnh đó nơi Chúa. Sức mạnh mà Thiên Chúa đặt nơi mỗi đồ đệ của Người cho phép họ đứng vững trong thời buổi bị bách hại. Ngày hôm nay hơn bao giờ hết, chúng ta phải nhớ đến những anh chị em đang bị bách hại vì tin vào Đức Ki Tô. Những anh chị em đó đã hiểu rằng họ không được hổ thẹn khi làm chứng cho Thiên Chúa. Sự hổ thẹn chỉ có nơi những người kém lòng tin. Còn những ai đã bén rễ sâu trong lòng tin thì được tràn đầy lòng can đảm để làm chứng cho Chúa Giê Su. Các vị tử đạo ấy tin vào chúng ta để có thể vượt ra ngoài sự thụ động của chúng ta  Đức tin phải thức tỉnh và thâm nhập vào cả cuộc sống chúng ta.

Bài Phúc Âm thuật lại cho chúng ta lời kêu xin của các tông đồ với Đức Giê Su : « Xin hãy gia tăng đức tin của chúng con. » Lời cầu xin này cũng là lời cầu xin của chúng ta khi chúng ta ý thức về sự yếu đuối và bất lực của mình. Đôi khi chúng ta nghĩ là nếu chúng ta có đức tin vững mạnh hơn thì công việc của  chúng ta sẽ hữu hiệu hơn. Nhưng Chúa Giê Su dạy cho chúng ta hiểu rằng đây không phải là vấn đề thẩm định đức tin của chúng ta. Điều quan trọng nhất, đó là tin tưởng nơi quyền năng của Thiên Chúa. Chính Chúa đang hành động chứ không phải là đức tin của chúng ta, dù là một đức tin mạnh hay yếu. Hình ảnh của một hạt giống nói lên rất đầy đủ. Không cần thiết là phải có một đức tin thật vững mạnh. Chỉ cần một hạt giống nhỏ cũng đủ để thực hiện những điều tưởng chừng như không thể. Bởi vì chúng ta phải hiểu rằng đối với Thiên Chúa không có gì là không thể. Chúng ta không bao giờ được quên rằng là Kito hữu thì không được nói hai chữ « không thể ». Không có gì có thể làm cho chúng ta nản chí.

Hơn nữa, Đức Giê Su nhắc chúng ta một điều quan trọng : Người nói rằng chúng ta chỉ là «những người phục vụ ». Điều này có nghĩa là chúng ta đang phục vụ một sứ mệnh mà sứ mệnh đó vượt quá sức mình; chúng ta chỉ là những người thừa hành. Đây là một điều may mắn bởi vì lưng chúng ta không đủ chắc để có thể gánh vác trọng trách của Nước Trời; trọng trách này không được đặt lên hai vai chúng ta mà là trên Thánh Thần là Đấng đi trước chúng ta trong tâm hồn những người mà Người đặt trên đường đời của chúng ta.

Chúng ta hãy đón nhận lấy giáo huấn này vì đó là xuất phát từ Lời Chúa: Vâng, lạy Chúa, xin ban cho chúng con được sống và tiến bước trong đức tin và trong sự khiêm nhu. Xin ban cho chúng con dồi dào Thánh Thần là Đấng kiện toàn công trình của Người nơi trần gian và hoàn tất công việc thánh hóa -Amen.