Bí Tích Thánh Tẩy, Bạn có biết?

“Một nhà tu đức vạch rõ sự vô ơn của chúng ta : Thật đáng tiếc, nhiều Ki-tô hữu không lưu tâm đến ngày họ được rửa tội. Người ta mừng sinh nhật, ngày cưới, ngày khấn dòng, ngày chịu chức, nhưng không ai mừng kỷ niệm ngày được rửa tội!” (trích 5 phút Lời Chúa ngày 9 tháng 01/2017)
Bạn nghĩ sao về lời nhà tu đức nói ở trên ? Bạn có nằm trong số những người bị coi là “vô ơn” ??? Còn tôi, dù mới đọc điều trên, nhưng tôi biết tôi đã là kẻ nằm trong số ấy từ rất lâu, cho tới khi tôi được nhắc nhở, được học hiểu các tài liệu của Cha Thánh Eymard Tông Đồ Thánh Thể:
“Tôi suy niệm về ơn nhưng không và đầy thương xót của Bí tích Thánh Tẩy tôi đã nhận.Tôi thấy chính điều nầy : một cuộc sáng tạo trong Đức Giêsu Kitô, một đời sống thứ hai trong Đức Giêsu Kitô, nhưng trong Đức Giêsu chịu đóng đinh. Anh em hết thảy đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, anh em mặc lấy Đức Kitô [Gl 3, 27].[…] Tôi thấy những ơn sủng được ban cho trong Bi tích Thánh Tẩy tôi đã nhận : vô cùng. – Việc làm con Thiên Chúa , – là chi thể của Chúa Giêsu Kitô, là con Giáo Hội, anh em với các thánh, – được quyền lợi trong ơn sủng, cho vinh quang Chúa Giêsu Kitô (5 tháng 2 / 1865,NR 44,21)”
Tôi càng ý thức về bí tích này hơn khi đọc tài liệu do cha Manuel Barbiero SSS soạn về 15 ngày cầu nguyện với Cha Eymard, trong đó có đoạn viết :
Cha Eymard được biết đến như tông đồ ưu tuyển của Thánh Thể. Chúng ta biết rằng Ngài đã chuẩn bị sâu xa thế nào cho ngày Rước Lễ Lần đầu, nhưng chúng ta cũng ngạc nhiên khi khám phá ra trong thư từ của ngài lại không bao giờ nói đến kỷ niệm ngày Rước Lễ Lần đầu, nhưng lại thường xuyên nhắc đến ngày Rửa Tội.
Vào năm 1841, hai năm sau khi vào Dòng Mariste ngài bắt đầu nói đến. Dịp tỉnh tâm ngày 5 tháng 2, lễ kính thánh nữ Agatha, ngày Cha nhận bí tích Thánh Tẩy (NR 15, 2). Ngày áp lễ, sau khi đọc kinh “Veni Creator” (kính Chúa Thánh Thần) bên chân Chúa Giêsu trước Thánh Thể, dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria, Cha lấy quyết tâm sẽ tĩnh tâm “ với lòng sốt sắng và trung thành như là lần tĩnh tâm cuối cùng”.
Cha thường biên thư cho chị Marianne, diễn tả tâm tình biết ơn như với “vú đỡ đầu”, vì sự đồng hành thiêng liêng chị đã giúp. Cha nói: chính nhờ chị mà Cha nhận được “ơn gọi làm linh mục” (CO 17). Cha nhấn mạnh rằng, đó là tầm quan trọng và vai trò của việc truyền đạt đức tin trong đời sống Kitô hữu.
Ngày kỷ niệm nhận bí tích Thánh Tẩy – “ ngày rất đẹp cho tôi, ngày đẹp nhất trong đời tôi” (CO 68) – đó cũng là cơ hội để lượng giá hành trình đời tôi trải qua, nhắc nhở tôi những gì đã nhận được nhất là những thực hành đạo đức, cầu nguyện cho gia đình, cha mẹ , vú bõ đỡ đầu. Kỷ niệm ngày nhận Thánh Tẩy cũng gợi lên khát vọng một đời sống trung thành với tiếng Chúa gọi, với “sự thánh thiện như mục tiêu của bí tích” và với “tình yêu của Chúa Giêsu Kitô trong Thánh Thể” (NR 21).
Như thế Cha Phêrô Giulianô Eymard kính nhớ ngày Rửa Tội với tâm tình cảm tạ sâu xa vì “ơn lớn lao” đó (CO 68). Cha cũng có tâm tình kính nhớ đó với ơn gọi “ linh mục “
Hành trình ghi nhận ngày đầu tiên của việc kính nhớ đó là ngày 5 tháng 2 năm 1865 : sau khi nhắc lại ơn bí tích Thánh Tẩy, Cha nhắc lại ba ơn gọi : ơn gọi làm Kitô hữu sốt sắng,ơn gọi linh mục và tu sĩ, tất cả đều có nền tảng trước tiên của bí tích
Thánh Tẩy…..
Cha Eymard đã được rửa tội, ngày 5/02/1811, tại giếng này
Mỗi lần về quê, Cha luôn kính viếng giếng Rửa tội tại giáo xứ, và thích cử hành sinh nhật Rửa tội, cũng như luôn nhắc vú đỡ đầu mình là chị Marianne về ngày đó.
Với Cha Ema, bí tích Thánh Tẩy là viên đá gốc tường của toàn thể đời Ngài ,cũng như của mọi ơn gọi. Chúng ta biết rằng đời sống tâm linh của mỗi con người là sự tăng trưởng đời sống mới, đời sống phúc âm nhận được từ lúc hòa nhập vào mầu nhiệm vượt qua bằng lòng tin và bí tích Thánh Tẩy. Sự trưởng thành Kitô hữu gồm việc tham dự hơn mãi vào tình yêu Chúa Kitô đối với Chúa Cha của Người và của chúng ta.

Khung cảnh nơi đặt giếng rửa tội. tại La Mure lúc này

Như thế, Bí tích Thánh Tẩy là “nền tảng của tất cả đời sống Kitô hữu, là ngưỡng cửa sự sống trong Chúa Thánh Thần”(CEC n. 1213). Tất cả ơn gọi Kitô đều có gốc rễ từ bí tích Thánh Tẩy. Những người nhận Thánh Tẩy là những “viên đá sống động” để “ “xây dựng một tòa nhà thiêng liêng, cho chức tư tế thánh”(1Pr 2,5).Nhờ bí tích Thánh Tẩy, họ tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô, vào sứ vụ ngôn sứ vương giả của Người.
Cha Ema muốn truyền đạt xác tín đó cho mọi tín hữu Ngài đã tập hợp vào sứ vụ của Hội Dòng. Chúng ta có lời diễn tả điều đó từ Bản Hướng dẫn Hiệp Hội :
Ơn sủng được ban cho Kitô hữu là ơn làm nghĩa tử, làm con Thiên Chúa, là ơn tình yêu. Trước tiên là ơn tình yêu với tâm tình cảm nhận được chính lòng nhân hậu Thiên Chúa đã gieo mầm trong tâm hồn, và hình thành trong bí tích Thánh Tẩy như nền tảng của bản tính Kitô hữu. Tiếp đó chính tình yêu phát triển với lòng tin, lớn lên với nhân đức nhờ linh ứng để hoàn thiện,và như thế trở thành một cuộc sống, một trạng thái tình yêu (RA 18,6).
(trích 15 ngày cầu nguyện với Cha Thánh Phêrô Giulianô Êma- Tông Đồ Thánh Thể)
Học theo Ngài tôi đã quan tâm hơn đến ngày trọng đại này nhưng vẫn chưa nhớ đến nhiều, thỉnh thoảng lại phải nhắc nhớ mình nhìn lại. Khi đọc trong ‘5 phút Lời Chúa’, tôi lại thấy giật mình! Và hôm nay đây 5/2/2017, kỷ niệm lần thứ 2006 ngày Cha Thánh Phôrô Giulianô Êma được chịu phép Thánh Tẩy, tôi có một ước mong rất nhỏ cho chính mình và cho bạn: Ước chi tôi và bạn biết tạ ơn Chúa về ân ban qua bí tích Thánh Tẩy và biết chiêm ngưỡng bí tích này trong thẳm sau cõi lòng mình. Ở đó chúng ta cùng tìm về nguồn gốc, căn tính của mình. Và tôi tin chắc tôi và bạn sẽ nhận được bình an, có thêm nghị lực để bước tiếp hành trình của cuộc đời mình trong tin yêu, hy vọng. Rất mong !!!
LT