LỄ CHÚA BA NGÔI

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16)

“Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương tỏ mình ra trọn vẹn cho nhân loại trong Đức Giêsu Kitô. Tự sức mình, lý trí con người không thể nào đạt đến mầu nhiệm này, và ngay cả đức tin được chính Thiên Chúa mặc khải của Cựu Ước cũng vô phương dò thấu được. Tuy nhiên với mặc khải của Đức Giêsu Kitô và hồng ân Thánh Thần, phàm nhân có thể đón nhận và sống sung mãn tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Mầu Nhiệm Ba Ngôi là cội nguồn và điểm tới của mọi mầu nhiệm khác trong kitô giáo (x. “Bản toát yếu Sách GLHTCG” câu hỏi 45) 

Nhờ Đức Giêsu phục sinh, thân phận phàm hèn của con người được Thiên Chúa đưa vào cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa: “với phục sinh, Thiên Chúa Cha đưa nhân tính của Đức Giêsu cùng với thân thể của Người vào Ba Ngôi một cách hoàn hảo” (GLHTCG số 648).

Vì yêu thương, từng bước một, Thiên Chúa tự tỏ mình trọn vẹn cho nhân loại: Cha tỏ mình qua công cuộc sáng tạo; Con qua nhập thể, Thập Giá phục sinh cứu chuộc; và “trong ngày lễ Hiện Xuống, mầu nhiệm Ba Ngôi chí thánh được mặc khải trọn vẹn” (GLHTCG 732), và Ba Ngội đã đến ở trong các tông đồ (x.Ga 14,23b).

Tuy nhiên trong Tân Ước, không tìm thấy cách nói “một Chúa Ba Ngôi”.  Đoạn văn nói đến Cha – Con và Thánh Thần rõ nhất là trong công thức rửa tội Mt 28,19.

Về mặt lịch sử, cụm từ “một Chúa ba Ngôi” phát xuất từ một danh từ tiếng hi lạp “Triadikos” rồi được Tertulien chuyển qua tiếng la tinh là “Trinitas” (x. Từ điển đức tin Kitô giáo: Pháp – Việt “Trinité’”. Danh từ “Triadikos” được thấy sử dụng đầu tiên khoảng năm 180, trong bức thư thứ hai của Theophile d’Antotioche gởi cho Antolycus, và sau đó được Giáo Hội nhìn nhận vì danh từ đó lý giải tốt mầu nhiệm về Thiên Chúa cho các Kitô hữu. Thật vậy trong tiếng hi lạp (lẫn tiếng la tinh) “Triadikos” ( dịch ra tiếng việt là “Thiên Chúa Ba Ngôi”); là một danh từ duy nhất số ít, yếu tố này diễn tả tốt ý tưởng “chỉ có một Thiên Chúa; còn “Tria” ở phía đầu có nghĩa là “con số 3”, diễn tả ý tưởng “có ba ngôi vị” (x. The’o nouvelle en cyclope’clia catholique p. 668a) Danh từ đó được dịch ra tiếng Việt thành một cụm từ gồm hai yếu tố kết hợp chặt chẽ với nhau “một Chúa” và “ba Ngôi” (cũng như danh xưng  “Emamanuel” trong tiếng do thái chỉ là một danh từ, nhưng chuyển qua tiếng việt lại thành một câu “ Thiên – Chúa – ở – cùng – chúng  -ta”.

“Một Chúa Ba Ngôi” là một mầu nhiệm nội tại trong Thiên Chúa, được Thiên Chúa dần dần tỏ lộ cho nhân loại, từng bước một, trong dòng lịch sử. Nắm bắt bằng lý trí phàm nhân thì bất khả, nhưng thông hiệp vào mầu nhiệm tùy theo mực độ Thiên Chúa tỏ mình, thương ban thì đó là điều Thiên Chúa muốn ban tặng cho nhân loại.

Trong dự tính từ ngàn đời của Thiên Chúa, Thiên Chúa muốn thông ban sự sống, tình yêu mẫu mực của Ba Ngôi cho mọi loài thọ tạo, đặc biệt cho con Người trong Đức Kitô  (x.Ep1,3.13.14) để tất cả, khởi sự là các môn đệ của Đức Giêsu trở thành nơi Ba Ngôi đến cư ngụ (x.Ga 14,17.23) để họ nên một theo mẫu mực Ba Ngôi (x.Ga 15,26; 16,14 -15; 17,11b.22…). Và từng bước một, Thiên Chúa thực thi dự tính đó trong thời gian:

  • Ngay trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã kín đáo tỏ mình: “CHÚA” là số nhiều “Elohim”, và để dựng nên con người, Thiên Chúa đã “họp cộng đoàn”: CHÚNG TA hãy làm ra con người theo hình ảnh CHÚNG TA, giống như CHÚNG TA…” (St 1,26). Trong Cựu Ước mầu nhiệm Thiên Chúa chỉ được hé lộ 50%: yếu tố “Ba Ngôi” còn dấu ẩn, chỉ mới tỏ lộ Thiên Chúa là DUY NHẤT. Nhưng “Thiên Chúa duy nhất” ấy là Elohim (danh từ số nhiều) và Chúa tự xưng là “Chúng ta”.
  • Rồi cũng theo ý định của Chúa: khi thời gian viêm mãn, Thiên Chúa đã phán dạy qua Thánh Tử, Vị Thánh Tử đó đã cùng Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ (x.Dt 1,2; Ga 1,1-4). Và Vị Thánh Tử ấy, trong xác phàm nhân, suốt cuộc đời trần thế đã nói cho nhân loại biết “những chuyện ở trên trời” (Ga 3,12-13), nói về tình yêu và dự tính của Thiên Chúa đối với thế gian, nhân loại. Qua mặc khải của Vị Thánh Tử ấy, nhân loại biết được rằng Thiên Chúa có CHA – CON – và THÁNH THẦN (x. Ga 14,16 -17) và ba Đấng ấy kết hợp mật thiết với nhau đến độ nên MỘT (x.Ga 10,30) và việc đưa nhân loại  vào “sự thật toàn vẹn”  của Thiên Chúa là công trình của ba Đấng (x. Ga 16, 12 -15). Rồi trước khi về lại cõi trời, Vị Thánh Tử ấy, đã trải qua cái chết và phục sinh, đã nói rõ cho các tông đồ Thiên Chúa là CHA – CON và THÁNH THẦN qua lệnh truyền ra đi thu nạp môn đệ (x.Mt 28,19). Tuy nhiên công thức tín điều “MỘT CHÚA BA NGÔI” phải đến thế kỷ thứ III công nguyên, mới xuất hiện. Đó là công trình của Chúa Thánh Thần hoàn tất những điều Vị Thánh Tử đã mặc khải, cho Giáo Hội.

Bài đọc Tin Mừng lễ Ba Ngôi năm A chỉ đề cập đến tình yêu của CHA và CON đối với thế gian; Tuy nhiên trong văn mạch của chương ba cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô thì mầu nhiệm Ba Ngôi được tỏ lộ rõ. Bài đọc Tin Mừng hôm nay là đoạn trích từ cuộc đối thoại của Đức Giêsu với Nicôđêmô trong Ga 3,1-21 nói về chủ đề “để được vào Nước Thiên Chúa, con người phải được tái sinh bởi ơn trên”. Cuộc tái sinh này là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thật vậy Đức Giêsu khẳng định:

  • Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước (Rửa tội) và Thần Khí…Cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí (x.Ga 3,5).
  • “Con” là đấng từ trời xuống mặc khải công cuộc tái sinh này cho nhân loại và khai mở con đường cho mọi người tiến vào bằng chính Thập Giá của Người (x.Ga 3,10-15).
  • Cội nguồn của việc tái sinh này là tình yêu bao la của Cha đối với thế gian, do đó Cha đã sai Con Một đến cứu thế gian (x.Ga 3,16-17).
  • Phần con người, để công trình Ba Ngôi phát sinh hoa trái nối kiếp làm người là phải TIN vào Đức Giêsu (x.Ga 3,18-21).

Bài đọc Tin Mừng hôm nay chỉ trích ra ba câu 16,17,18 trong cuộc đối thoại trên. Nội dung gồm hai ý:

  1. Mời chúng ta chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian tội lỗi. Tình Yêu ấy được biểu lộ qua việc Thiên Chúa trao ban Con Một của Người cho thế gian để cứu độ thế gian. Thiên Chúa không bỏ mặc thế gian trong vũng tội, Người cũng không kết án thế gian vì các sai phạm, Người muốn hồi phục, đưa công trình sáng tạo của Người đến chỗ hoàn thiện. Và đường lối hành động của Thiên Chúa thật lạ kỳ: thay vì dùng quyền năng của một Vị Thiên Chúa lôi con người ra khỏi vũng tội, thì Thiên Chúa đã sai Con Một Người mang lấy xác phàm yếu đuối của nhân loại, sống như một phàm nhân giữa thế gian. Để rồi khi đi trọn con đường làm người, Con Một Chúa đã mang lại ơn tha thứ, hồi phục và cứu độ con người (câu 16 và 17).
  2. Sau khi cho thấy tình yêu và đường lối hành động của mình, Thiên Chúa mời gọi con người hoán cải. TIN vào Đức Giêsu nghĩa là tin vào đường lối hành động của Thiên Chúa. Câu 18 cho thấy số phận của mỗi người – được cứu hay không – là tùy thuộc vào thái độ của mình đối với Đức Giêsu. Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người. Người luôn trung tín với dự tính ban đầu trong công trình sáng tạo: “con người là hình ảnh của Thiên Chúa”; Do đó Thiên Chúa đã sai Con Một đến vạch đường chỉ lối, nhưng phần con người phải ý thức và tự nguyện bước theo, để qua đó, con người thể hiện được ơn gọi “hình ảnh Chúa” nơi mình. Tuy nhiên Thiên Chúa không mị dân, bài đọc Tin Mừng kết thúc: “nhưng kẻ không tin thì đã bị kết án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa”. Con người là thụ tạo hữu hình duy nhất có thể nói tiếng “không” với Thiên Chúa một cách hoàn toàn ý thức và tự do.

“Danh Con Một Thiên Chúa” là Giêsu, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Không tin “Danh Giêsu” có nghĩa là khước từ ơn cứu độ do Giêsu mang đến, khước từ ơn “được giải phóng khỏi tội” (x.Mt 1,21) ngang qua Thập Giá, chối từ ơn tha thứ.

Tin hay không tin thì thập giá đều hiện diện trong cuộc đời mỗi người. Nhưng đối với những ai tin thì Thập Giá là con đường dẫn tới Phục Sinh. Còn đối với những ai không tin thì thập giá với tất cả bộ mặt dữ dằn của nó sẽ là điểm đến cho họ. “Án xử” là như thế!

Tóm lại mầu nhiệm “một Chúa ba ngôi” không phải là đối tượng của trí hiểu phàm nhân mà là một mầu nhiệm Tình Yêu: mầu nhiệm Thiên Chúa tha thứ cho con người vô điều kiện bằng cách tỏ cho con người biết Thiên Chúa là một cộng đoàn tình yêu, luôn tha thứ cho con người và mời con người thông hiệp mật thiết vào cộng đoàn đó nhờ nhân tính phục sinh đã được tôn vinh của Đức Giêsu. Vì thế khi các tín hữu tha thứ cho nhau, hiệp nhất với nhau thì đó là lời rao giảng mầu nhiệm “một Chúa ba Ngôi” cách hữu hiệu nhất cho thế giới.

Frère Pierre Đình Long FSC