Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh

Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC

Cv 10,34a.37-43

Ga 20, 1-9

Chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Phục Sinh. Toàn thể Giáo Hội vui mừng long trọng công bố rằng Đức Giêsu bị đóng dinh, được an táng đã 3 ngày, nay đã sống lại, Người ĐANG SỐNG và HẰNG SỐNG, Người đã vô hiệu hóa quyên lực của Tử Thần và hơn nữa Người đã đi vào cảnh vực thần linh, được tôn vinh là Chúa, là THẨM PHÁN TỐI CAO xét xử kẻ sống và kẻ chết.

Như vậy, từ nay nhân loại của chúng ta đã có được một người chiến thắng tử thần, mở tung được cửa Âm Ty, được đi vào vinh quang thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Niêm tin đó chúng ta dựa tên một biến cố xảy ra vào thập niên 30-40 đầu công nguyên được các tông đồ của Đấng Phục Sinh là các nhân chứng đã được Thiên Chúa tuyển chọn để làm chứng lưu truyền cho hậu thế Tin Mừng Phục Sinh.

“Trường Sinh Bất Tử” luôn là một khát vọng nóng bỏng và mang tính thời sự của kiếp người. Tuy nhiên với sức tạo vật, không thứ gì vượt khỏi tay thần chết. Bao vua chúa quan quyền muốn kháng cự lại số phận, có tìm thuốc trường sinh, cuối cùng chỉ gặp được nấm mồ và gởi nắm xương tàn của mình trong đó.

Trước thực tại ấy, biến cố phục sinh quả là một điều vượt quá sức tưởng nghĩ của con người. Do đó khi sự kiện “NGÔI MỘ TRỐNG” được bà Maria Madala khám phá và công bố thì con người, kể cả các tông đồ lẫn bà Maria, không thể tin được rằng Đức Giêsu đã phục sinh. Lời giải thích xác Đức Giêsu bị trộm mất có vẻ là hợp lý và được lưu truyền rộng rãi vào thời các tông đồ (x. Ga 20, 1-2; Mt 28,11-15). Vậy yếu tố nào đã làm thay đổi tầm nhìn của các tông đồ, của các kẻ tin mọi thời để họ nhận ra rằng thực sự Đức Giêsu đã phục sinh và còn hơn nữa là đã dám đem cả mạng sống của mình ra để rao giảng và làm chứng?

Lời Chúa hôm nay cho ta một câu đáp: yếu tố chính là LỜI MẠC KHẢI TRONG KINH THÁNH (Ga 22,9). Đứng trước NGÔI MỘ TRỐNG, khăn thì được xếp ngay ngắn để đúng vị trí (Ga 20,6-7). Lúc đó, nhờ ơn Chúa, người môn đệ Chúa yêu đã NHỚ LẠI và nhất là đã HIỂU LỜI KINH THÁNH rằng ĐỨC GIÊSU PHẢI TRỖI DẬY TỪ CÕI CHẾT (Ga 20,9) và ông ( có lẽ cả Phêrô nữa ) đã tin Đức Giêsu phục sinh cho dù tới lúc đó Người chưa hề hiện ra cho bất kỳ ai. Hôm nay chúng ta chỉ tìm hiểu sâu hơn về yếu tố này:

Thật ra Phục Sinh không phải là một biến cố nhất thời, chóng qua, nhưng trong ý Chúa, nó bao trùm toàn thể dòng lịch sử cứu độ. Thật vậy, từ thời Sáng Thế, người ta đã không nói đến cái chết của Khanốc mà chỉ nói “Thiên Chúa đã đem ông đi”(St 5,24); vào thời quân chủ, có ngôn sứ Êlia cũng được Chúa “đưa lên trời trong cơn gió lốc”( 2V 2,11b). Và khi còn sinh thời, Êlia cũng đã thắng được quyền lực của tử thần khi đòi lại được mạng sống cho con bà gó thành Xarépta (1V 17, 17-24); Êlisê cũng cho hồi sinh con trai của người đàn bà ở Sunêm (2V 4,32-37); Vào thời ngôn sứ Êdêkien, với quyền năng thần khí, Chúa đã cho Êdekien thấy cả một cánh đồng xương khô cũng có thể hồi sinh thành một đạo binh đông vô kể (Ed 37), như vậy dân Chúa, nhân loại sẽ được hồi sinh; Đồng thời ngôn sứ cũng cho thấy bằng cách nào, con đường nào Chúa dùng để hoàn tất công cuộc hồi sinh của Chúa (Is 52,13-53)

Rồi khi đến thời đến buổi, quyền năng thần linh đã được thể hiện trọn vẹn nơi con người Đức Giêsu: Dấu chỉ rõ nét nhất lúc Người còn sinh thời là kéo Lazarô ra khỏi mồ dù ông đã chết chôn đã 4 ngày.

Phần các tông đồ, Đức Giêsu đã chuẩn bị cho họ bằng nhiều lần báo cho họ biết con đường Thập Giá và vinh quang phục sinh. Như vậy mầu nhiệm Đức Giêsu Phục Sinh đã được chuẩn bị chu đáo và báo trước trong KINH THÁNH. Thé nhưng khi chạm trán Thập Giá kinh hoàng, các tông đồ bị sự cố trước mắt khống chế quên bẵng đi lời loan báo PHỤC SINH.

Giờ đây đứng trước ngôi một trống, khắn liệm xếp ngay ngắn bác bỏ lập luận xác bị cướp, người môn đệ Chúa yêu Sực Nhớ Lại và Hiểu Lời Kinh Thánh, và nhờ ơn Chúa ông đã tin ngay cả khi Đấng Phục Sinh chưa hiện ra cho ai. Vậy chúng ta hãy về lại với KINH THÁNH, để nhờ đó chúng ta sống vững chắc NIỀM TIN PHỤC SINH đã nhận được.