SỨ GIẢ CORONA

   

     Trước tiên có lẽ cần giải thích vì sao tôi lại đặt một chức vị quan trọng, tốt lành cho loại vi-rút vô hình, có sức mạnh tác oai tác quái, khiến bao người lo sợ, làm đảo lộn cả thế giới? Đơn giản, vì nó mang một sứ điệp ảnh hưởng lớn đến cuộc sống chúng ta.

     Đọc Cựu Ước chúng ta thấy: mỗi lần dân phạm tội chống lại Thiên Chúa, thì Ngài lại sai các ngôn sứ đến, nói với dân những lỗi phạm và vạch cho dân những điều lệnh cần thực hành, chỉ một mục đích: để họ được sống và sống hạnh phúc. Nhưng đôi khi Thiên Chúa dùng những dấu chỉ để cảnh báo Dân Ngài như hình ảnh “ con rắn đồng” trong sa mạc. Ta phải hiểu rằng “Ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng sẽ được sống”( Ds 21,8), không có nghĩa là: chính con rắn đồng này, một vật vô tri vô giác đã cứu họ khỏi chết hoặc có sức mạnh thần diệu toát ra từ nó đã chữa lành họ. Nhưng thực ra đó là từ cõi lòng, họ sám hối ăn năn và đặt trọn niềm tin phó thác vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đã chữa lành họ. Đặc biệt  hình ảnh “con rắn đồng” tiên báo về cái chết của Con Thiên Chúa, từ cái chết trổ sinh hoa trái cứu độ “Nếu hạt lúa mì chết đi, sẽ sinh nhiều bông hạt”( Ga 12,25). Đây là lúc Chúa biểu lộ tình thương. Ngài “yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài, sẽ được sống muôn đời” (Ga 3, 16), nghĩa là Thiên Chúa muốn chúng ta sống, sống viên mãn, sống hạnh phúc muôn đời “ tội các ngươi dù có đỏ như son, cũng nên trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, cũng nên trắng như bông”( Is 1,18).

     Trở lại Sứ giả Corona. Vậy, đây có phải là lúc Thiên Chúa đánh phạt chúng ta? Thiên Chúa thích nhìn chúng ta đau khổ? Một Thiên Chúa ưa chuộng việc chết chóc? Vậy có trái nghịch với Lời Chúa hứa “ Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại, để được sống” ? (x. Ed 18,23). Không ai có thể lý giải được màu nhiệm đau khổ và màu nhiệm sự chết, nhưng chúng vẫn hiện diện và tồn tại với kiếp người.

    Tôi nhớ lại những ngày đầu tiên báo chí đưa tin khi Corona xuất hiện tại thành phố Vũ Hán. Phần đông người ta, kể cả các nhà chức trách chỉ lo truy tìm nguồn gốc phát sinh ra nó để trách cứ, đổ lỗi, thay vì tìm cách khắc phục như phòng bệnh, bào chế thuốc vác-xin. Nếu lúc đó không như vậy, có lẽ bây giờ con vi-rút đã không tồn tại trên thế giới này???

     Âu, bây giờ nghĩ lại. Corona dạy ta nhiều bài học. Bài học hiệp nhất nơi các nhà khoa học, không phân biệt bạn thù, ngày đêm mài miệt nghiên cứu tìm phương thuốc giải cứu. Bài học dấn thân xả kỷ của biết bao y bác sĩ, ngày đêm túc trực chăm sóc bệnh nhân. Bài học “vì nghĩa lớn, bỏ tình riêng” của số đông tình nguyện viên đứng đầu tuyến, tiếp tay hỗ trợ trong các khu vực cách ly. Bài học ý thức cao về vệ sinh cộng đồng như: rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, súc họng, thông thoáng phòng ốc, lau chùi nhà cửa, đồ dùng, nhất là “ở yên trong nhà” để dành thời gian quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Với người Ki-tô hữu: một bài học tin cậy phó thác vào tình yêu của Đấng Quan Phòng, để trở về với Ngài với tâm tình sám hối và nhận ra thân phận tro bụi của kiếp người. Ngoài ra, người tín hữu còn tìm lại tương quan cá vị với Thiên Chúa, không theo đạo với hình thức tổ chức rầm ran, không giữ đạo theo lối “đoàn lũ” nữa. Còn các vị sống đời dâng hiến, đây là thời điểm cấp bách để “nối nguồn với Giê-su Thánh Thể” và như các tư tế thời Cựu Ước, linh mục hiện nay đại diện thành phần dân Chúa, dâng lễ đền tội cho chính mình và cho dân, để kéo tình thương Chúa xuống chữa lành nhân loại.

     Còn với chúng ta – những Nữ Tỳ Thánh Thể, những thành viên Hiệp hội Thánh Thể – chúng ta không đứng ngoài cuộc, không yên ổn trong vị trí của mình mà đồng hành cùng dân tộc, cùng hòa nhịp với dòng chảy của Giáo Hội hoàn vũ và giáo phận. Vi-rút Corona đang đưa ta VỀ NGUỒN, về với Đặc Sủng Thánh Thể, với Linh Đạo của Cha Ê-ma, linh đạo của NGƯỜI THỜ PHƯỢNG là cầu nguyện cho nhân loại, cho thế giới. Lúc này, hơn bao giờ hết, chúng ta thi hành đúng chức năng, đúng sứ mệnh của mình. Thời Covid không làm ta giảm bớt sứ mệnh, trái lại nó càng tô đậm vẻ đẹp và khẳng định giá trị sứ mệnh Thờ Phượng này. Vậy, với chúng ta, Corona có là Sứ Giả không? Thiên Chúa muốn thức tỉnh chúng ta sống tốt vai trò của một Nữ Tỳ Thánh Thể qua con vi-rút này. Trái tim chúng ta có thổn thức khi thấy hình ảnh của các y bác sĩ trùm kín trong những trang bị bảo hộ tất bật ngược xuôi, thay cho chiếc áo bờ-lu trắng tinh với chiếc ống nghe trịnh trọng; các tình nguyện viên âm thầm lặng lẽ, hi sinh quên mình ăn vội gói mì, ngủ mệt nhoài vài giờ nơi các tuyến đầu chống dịch? Hoặc xót xa trong lòng khi thấy hàng hàng lớp lớp các quan tài xếp hàng chờ đợi để được đem đi hỏa táng? Chúng ta có rơi nước mắt khi đứa con nhỏ níu áo kéo cha về nhà, nhưng ông lại bế nó lên xe và bảo: Con về nhé! Cha cần ở lại để giúp các cô, các chú? Chúng ta có thấy ấm lòng trước tấm gương quả cảm của vị bác sĩ Lượng, của thành phố Vũ Hán đã nằm xuống, vì lương tâm của một vị LƯƠNG Y TỪ MẪU ? (Anh có phải là “vị tử đạo” trong thời Covid ??? ). Chúng ta có cảm thấy hạnh phúc khi những người trong gia đình có nhiều thời gian bên nhau, quan tâm lo lắng cho nhau? Chúng ta có cảm động trước tấm lòng của các nhà hảo tâm khắp nơi qua : ấm nước siêu tốc, nửa bao gạo, 1 thùng mì, 2 tháng tiền nhà trọ… là những món quà trao nhau mang đầy ắp tình nghĩa? Thật sự, chưa khi nào tôi thấy tình liên đới giữa người với người quá tuyệt vời như lúc này.

     Còn trong nhà đạo, khi tiếng chuông im lìm không lên tiếng, khi không còn thánh lễ nườm nượp người tham dự trong ngày chủ nhật, thì cửa các nhà thờ vẫn mở ngỏ, Thiên Chúa vẫn hiện diện và đã có những tâm hồn xa nhà thờ, xa thánh lễ lâu năm, đang gục đầu trước Nhà Tạm…

     Corona đúng là sứ giả, nếu chúng ta biết nhận ra dấu chỉ này. Thiên Chúa đã dùng dấu chỉ ấy để “vẽ thẳng trên những đường cong”, để “biến sự dữ hóa sự lành”, vì “không có gì là Chúa không làm được”. Vậy, chúng ta hãy nhìn hình ảnh Corona để thinh lặng và suy gẫm trong Mùa Chay này, để chúng ta có lối sống tử tế với Chúa và với nhau: “ Ngày hôm nay, anh em hãy nghe Lời Chúa, đừng cứng lòng nữa”.

Lạy Chúa Giê-su là Thiên Chúa Cứu Độ,
Xin thương xót và chữa lành chúng con. Amen.

Sr. Agnes, SSS