LỄ CHÚA KITÔ VUA NĂM C

                                              2Sm 5,1 – 3 ; Lc 23,35 – 43

          Chủ đề : Dung mạo vị Vua đích thực : sẵn sàng đón nhận mọi kẻ đến thần phục Người làm thần dân Nước Người.

          * 2Sm 5,3 : Đavit lập giao ước với họ ; họ xức dầu phong Đavit làm vua Israel.

          * Lc 23,42 – 43 : “Khi nào Ngài vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi” … “Amen, hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên thiên đàng”.

          Chúng ta bước vào Chúa Nhật cuối của năm Phụng Vụ, Chúa Nhật mừng lễ “Kitô VUA”. Hội Thánh tuyên xưng “Vương quyền của Đức Giêsu” và thần phục Người. Phần Đức Giêsu, Người sẽ công khai hiển lộ uy quyền và đón nhận thần dân tín trung vào vương quốc Người.

          Về mặt cơ cấu phụng vụ, lễ Kitô Vua được Đức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập vào năm 1925 nhằm tuyên xưng đức tin của Hội Thánh vào vương quyền tối thượng của Đức Giêsu trên vũ trụ, con người, gia đình và trên xã hội loài người. Ban đầu lễ cử hành vào Chúa Nhật cuối tháng 10 trước lễ Các Thánh Nam Nữ ; sau cuộc canh tân phụng vụ của Công Đồng Vatican II, lễ được đặt vào Chúa Nhật cuối năm phụng vụ. Việc thay đổi này nhằm làm nổi bật lên một khía cạnh khác của Vị Vua Giêsu : Người là ĐỨC CHÚA (Kurios) (x. Monique Piette, “comprendre la Parole, Année C”. O.E.L.L 1987 p.329). Thật vậy, con người hữu hạn Giêsu giờ đây tỏ mình ra cho Hội Thánh là Chúa Tể dòng thời gian, Chúa Tể của lịch sử. Chính Người mang lại cho lịch sử nhân loại ý nghĩa chung cuộc ; và giờ đây, ngay trong hiện tại, Người đang điều khiển, dẫn dắt dòng lịch sử đi đến chỗ hoàn tất theo ý Cha (x.Ep 1,10 – 11). Tuy nhiên, đó là cái nhìn cánh chung hướng về đích đến cuối cùng khi dòng lịch sử chấm dứt ; còn trong hiện tại, giữa một thế giới mà sự dữ vẫn còn khoe nanh múa vuốt thì vương quyền của Đức Giêsu được biểu lộ ra như thế nào và dân Chúa thần phục Người làm sao ?

          Các bài đọc năm C trình bày cho chúng ta hai hình ảnh VUA xem ra mâu thuẫn nhau : vua Đavit (bài 1) và Vua Giêsu (Tin Mừng). Trong bài đọc 1, vua Đavít được thần dân đến cầu cạnh, biểu lộ ước muốn được thần phục qua việc lập giao ước trước nhan Chúa, rồi xức dầu tấn phong Đavit làm vua của họ. Còn trong bài đọc tin Mừng, Vua Giêsu lại là một tử tội, bị chính thần dân của mình tố cáo và đóng đinh thập giá với bảng chữ viết treo bên trên đầu : “Đây là vua dân Do Thái” để mỉa mai, nhạo báng. Tuy nhiên bài đọc một và Tin Mừng đều kết thúc bằng việc cả hai vị vua đều biểu dương vương quyền của mình qua việc chuẩn nhận lời khẩn cầu của thần dân, đón nhận họ vào vương quốc của mình.

          Bài đọc 1 thuật lại biến cố Đavit được toàn dân, tất cả các chi tộc của Israel, Bắc quốc đến gặp tại Khéprôn và tôn ông làm vua của họ. Lúc đó Đavit chỉ mới là vua của Giuđa và đang trị vì ở Khéprôn (x.2Sm 2,4). Các chi tộc khác vẫn còn theo nhà Saolê và chiến ttranh đã kéo dài giữa hai bên (x.2Sm 3,1). Đến khi vị vua cuối cùng của nhà Saolê là Itbôsét bị ám sát (x.2Sm 4) thì các kỳ mục Bắc quốc mới đến gặp Đavit và thương lượng nhận ông làm vua của họ. Họ đưa ra ba lý do và cũng có thể nói là ba điều kiện để họ tôn nhận quyền vua của Đavit :

          1/ Đavit phải nhận họ có liên quan tộc hệ với mình, là bà con với nhau : “chúng tôi đây là cốt nhục của ngài “. Dù là vua, nhưng Đavit với họ vẫn là thân tộc : tất cả đều là con cháu của Abraham – Isaac – Giacob.

          2/ Vua có bổn phận phải bảo vệ thần dân, dẫn đầu trong các cuộc chiến “… chính ngài chỉ huy các cuộc hành quân của Israel”. Họ nhắc lại những chiến công hiển hách của Đavit đã làm dưới triều Saolê để bảo vệ họ. Họ mong vua phải tiếp tục công trình đó.

          3/ Chính Chúa đã chọn vua để chăn dắt Israel. Điều đó hàm ý “làm vua” là ơn gọi Chúa trao để phục vụ dân Chúa, chứ không phải là quyền lực dùng để thống trị.

          Đavit chấp thuận, lập giao ước với họ và họ đã xức dầu nhận Đavit làm vua.

          Còn Tin Mừng thì mặc khải vị Vua chân chính, đích thực là chính Đức Giêsu.Tuy nhiên trong năm C, Luca cho chúng ta thấy một nghịch lý : nơi chốn Đức Giêsu biểu lộ quyền vua chính là TRÊN CÂY THẬP GIÁ. Hai chi tiết mà Luca dùng để biểu lộ quyền vua của Đức Giêsu trên cây Thập Giá là :

          1/ “Phía trên đầu Người, có bản án viết : “Đây là vua dân Do Thái”. Chi tiết mà kẻ thù nghịch dùng để giễu cợt, mỉa mai, thì đó lại là phương thế vị Vua Vũ Trụ dùng để biểu lộ vương quyền. Một vương quyền không để thống trị, đè bẹp kẻ khác mà là để cứu, để phục hồi những ai nhìn nhận quyền vua của Người.

          2/ Thật vậy, tên trộm lành đã nhìn nhận, thần phục vương quyền đó : “ông Giêsu ơi, khi ông vào NƯỚC của ông, xin nhớ đến tôi”. Và ngay tức khắc, Đức Giêsu biểu lộ vương quyền hữu hiệu của Người : “Quả thật (Amen), tôi nói với anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”.

          So sánh với ba điều kiện mà dân Bắc quốc Israel đặt ra cho Đavit thì Đức Giêsu quả thật là vị Vua Mẫu Mực :

          * Qua thập Giá, Đức Giêsu đã nhận chúng ta là cốt nhục của Người, vì đã nhập thể đảm nhận nhân tính, chịu chung hậu quả của phận làm người tội lỗi với ta.

          * Qua Thập Giá, Đức Giêsu đã liều thân bảo vệ, giải cứu chúng ta.

          * Đó là Ý Cha mà Người luôn tuân phục.

          Phần chúng ta để hưởng được vinh phúc vào trong Nước của Người, được làm thần dân của Người, hãy can đảm tôn thờ vương quyền Thập Giá : nhận mình tội lỗi, bất xứng để rồi khiêm tốn nài xin, phó thác tất cả vào lòng thương xót Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin dẫn chúng con vào Nước của Người qua con đường Thập Giá !

Frère Pierre Đình Long FSC