VIẾNG MUỘN…

Chút tâm tình khi viếng mộ cha Giuse Trần Ngọc Thanh OP
Lm. Lê Văn La Vinh, OP
Nhìn thấy động từ “viếng” có lẽ bạn đọc cũng hình dung được nơi chốn và sự tình…
Ngọc Thanh ơi, khi sự việc xảy ra, anh La Vinh không có mặt nơi em bị tử nạn. Khi an táng để đưa tiễn em vào lòng đất mẹ, anh cũng chẳng hiện diện để tiển biệt em. Hôm nay anh mới về và đến để thăm em; và để viếng ngôi mộ, nơi em an nghỉ.
Có lẽ Ngọc Thanh cũng biết, khi em vừa nằm xuống vì bị cố sát, nhiều nguồn thông tin, hay đúng hơn phải nói là tràn ngập những tin tức từ nhiều nơi, nhiều nguồn với biết bao bình luận, ý kiến đã bày tỏ sự đau buồn, thương tiếc, xót xa, phẫn nộ… rất  nhiều người thương em đó Ngọc Thanh ơi, xót xa cho em, buồn thương cho em, tức tối dùm em…
Nhưng với con mắt đức tin, các tín hữu, những người thân cận, những ai nghe biết được sự việc và anh em Đaminh nhà mình đang tìm đọc dấu chỉ của Chúa và nhìn nhận sự việc (đau thương) này dưới con mắt đức tin và ánh sáng của Lời Chúa. Từ đó và nhờ đó, nhiều người có được thái độ bình tâm hơn, biết lắng nghe tiếng Chúa hơn trong hoàn cảnh buồn thương này.
Cách riêng với anh La Vinh, Ngọc Thanh biết không? Qua sự kiện đau buồn mà em là nạn nhân, anh cũng tìm ra cho mình một vài ý tưởng, một vài tâm tình… để sống và hôm nay anh nói cùng em và chia sẻ cho mọi người:
  • Trước hết, chắc em cũng biết, qua cái chết của em vì bị mưu sát, nhiều người vẫn nghĩ rằng có thể đây là hậu quả của một sự hiềm khích, nghi kỵ, thù hằn, chối bỏ và loại trừ; một hành động mà khi đó, lòng ghen tỵ đã (bị) mất kiểm soát. Kết quả là máu đã đổ và một mạng người phải ra đi để trả giá cho sự ghen tỵ, thù hận này. Nghĩ đến đây, anh giật mình, vì “quanh ta đây”, ngay chỗ anh ở, nơi những câu chuyện anh nghe, nhiều điều anh thấy… vẫn còn đó lòng ghen tỵ, sự hiềm khích và sự nghi kỵ. Nhìn cái chết của em – nạn nhân của những thói xấu này – mà rút kinh nghiệm. Rút kinh nghiệm để anh và những người đang đọc những dòng chữ này biết bao dung hơn, biết cảm thông hơn, chan hòa hơn trong cuộc sống thường ngày… Chắc em cũng biết, thói xấu này nó vẫn ngày ngày diễn ra nơi gia đình, nơi anh chị em ruột thịt, nơi các cộng đoàn trong giáo xứ, ngay cả trong nhà tu và cũng có trong những người đang sống đời thánh hiến.
Người ta vẫn nói, “đừng khinh việc nhỏ, lỗ nhỏ làm đắm tàu”. Và có thể chăng? Một chút ghen tị, một chút không ưa không thích, một chút hiềm khích nghi kỵ trong đời thường đã (sẽ) dẫn đến một hậu qủa khôn lường. Nhìn cái chết của em mà anh và những người đang đọc những dòng chữ này cảm thấy xấu hổ và chua xót. Xấu hổ và chua xót vì bài học bao dung, bài học cảm thông và bài học phải biết chấp nhận sự khác biệt của người khác mà hôm nay mình mới “ngộ” ra… đã phải trả bằng giá máu, bằng mạng sống của người anh em mình. Anh xin lỗi em và anh chân thành cảm ơn em vì bài học đặt giá này.
  • Ý tưởng thứ hai của mà anh La Vinh nhận thấy nơi cái chết của em – Lm Giuse Trần Ngọc Thanh – đó là em đã chết ở “vùng ngọai biên” nơi biên cương, nơi vùng truyễn giáo đang khi em thi hành sứ vụ linh mục của mình. “Đẹp thay, đẹp thay những bước chân của những nhà truyền giáo”… hát cho em lúc này thật đúng, đúng với những lời hát ca ngợi, khích lệ và động viên những bước chân của các nhà truyền giáo, những người đang dấn thân phục vụ Tin Mừng cùa Nước Thiên Chúa. Bài hát đó, hôm nay mọi người hát cho em đó Ngọc Thanh ơi. Em đã vâng lời Bề trên và em đã lên đường. Em đã yêu mến Giáo hội và yêu mến các linh hồn và em đã lên đường và em đã chết trên hành trình, trên biên cương mà em đang phục vụ.
Cái chết của em như thêm sức lực, như thổi hơi ấm cho những người đang dấn thân phục vụ. Cái chết của em như ngọn lửa sưởi ấm hơn cho những tâm hồn của những anh chị em thừa sai, của những người tông đồ trong thời đại mới (hôm nay)…. để các anh chị em này vững tin hơn, hăng say hơn cho sự chọn lựa, cho bước đường dấn thân và cho sự tuân giữ đức vâng phục của mình. Em dấn thân lên đường với nhiệt huyết của một linh mục trẻ, em yêu mến và thiết tha với công việc và sứ vụ của mình. Em đã dịch kinh thánh và sách phụng vụ cho người bản địa, em yêu mến thiếu nhi, quý trọng người già… và em đã chết khi thi hành sứ vụ mục tử trong sự yêu thương, tiếc nuối, quý trọng của “con chiên”, của nhiều người.
Anh chợt nghĩ… trong thời đại hiện giờ, khi mọi người đang mãi miết “tìm chốn dung thân”, khi mọi người đang bị thói xấu của sự ích kỷ tác động, khi sự an nhàn, thói thích hưởng thụ lên ngôi, khi sự yên ổn đang cám dỗ và làm thui chột ý chí dấn thân  của nhiều con người … thì hình ảnh của em, sự phục vụ của em và cái chết của em nơi vùng biên cương đang khi thi hành sứ vụ của một người tông đồ phải chăng là một lời cảnh tỉnh, một ngọn đuốc tỏa sáng, một lời mọi gọi cho sự dấn thân, cho sự tuân phục của đức vâng lời, và lý tưởng truyền giáo của những người tông đồ trong thời đại mới hôm nay; và cho những người đang sống trong sứ vụ và bổn phận của mình?
Ngọc Thanh ơi, em biết không, cái chết của em đã gây chấn động, cái chết của em đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng mọi người, cái chết của em cũng có gây ra bức xúc, bực bội, nghi ngờ… nhưng đối với anh, cái chết của em đã cho anh và cho nhiều người khác một vài bài học. Bài học về sự bao dung, cảm thông, biết chấp nhận sự khác biệt; và bài học về đức vâng phục trong đời sống tu trì và niềm say mê, yêu mến sứ vụ được giao phó vì đoàn chiên, vì Nước Trời.
Cảm ơn em nhé – cha Giuse Trần Ngọc Thanh – thương em và cầu bình an cho em đó.
R.I.P – Xin cho linh hồn Lm Giuse Trần Ngọc Thanh.OP được nghỉ yên bên Chúa muôn đời – AMEN.