THÁNH THỂ SỨC MẠNH TÌNH YÊU.

Viết cho Em
Em thân mến
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những biến động, hỗn độn và tàn ác, chết chóc. Một thế giới hình như vắng bóng của bình an, vắng bóng của niềm vui và hạnh phúc. Giữa bối cảnh ấy, tôi muốn cùng Em tìm ra nguồn cội của sự dữ ấy và phương thức để chữa lành.
Trong cuộc sống hôm nay người ta sợ đủ điều, lúc nào cũng phập phồng lo sợ: sợ cướp bóc, sợ lũ lụt, sợ đói khổ, sợ chiến tranh, sợ covid, sợ người lạ, và sợ cả người thân… Bước ra khỏi nhà là thấy lo sợ, thậm chí gặp anh chị em, gặp bạn bè cũng thấy sợ, sợ lỡ lây nhiễm dịch bệnh rồi khổ mình, khổ người thân và đủ mọi cái khổ kéo theo. Sự chết luôn rình rập con người: chết vì bệnh, chết vì tai nạn, chết vì bị người ta giết. Có khi không cần ra đường mà ngồi ở nhà cũng bị xe tông chết, đang ăn cơm trong nhà cũng bị người ta đâm chém… Thật không biết ở đâu để được an toàn, và tìm đâu ra sự bình an và hạnh phúc đích thực?
Sống trong một xã hội như thế, chúng ta không khỏi hoang mang và chắc chắn chúng ta cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Phải chăng Thiên Chúa không còn yêu con người nữa? hay Người đành bó tay để cho sự dữ hoành hành? Hay Thiên Chúa dùng sự dữ để trừng trị và làm khổ con người?  Không, Thiên Chúa không bao giờ ngừng yêu con người mà Ngài đã dựng nên. Và Thiên Chúa cũng không bao giờ chịu bó tay trước sự dữ hay làm khổ con người. Ngài là một người cha yêu thương vô bờ bến, yêu đến điên dại, chấp nhận những lời sỉ nhục và sự tàn ác của con người, tự nguyện chết trần truồng trên thập giá. Nhưng con người khước từ Người và tự tách mình ra khỏi tình yêu ấy, họ muốn loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, , họ cướp quyền sự sống của Thiên Chúa. Tự cho mình là Thiên Chúa, muốn bá chủ mọi loài, và có thể làm được mọi sự. Một khi con người không cần đến sự hiện diện của Thiên Chúa nữa thì dù Thiên Chúa có muốn cứu con người cũng không thể cứu được. Bởi vì con người quá ngông cuồng và kiêu căng nên đánh mất niềm vui và hạnh phúc thật. Kiêu ngạo là nguồn cội sinh ra mọi tội lỗi và sự dữ.
Riêng đối với người Ki-tô hữu thì càng ngày càng chểnh mảng với đời sống đức tin. Có đạo mà sống như không có đạo. Tối ngày chỉ lo cơm áo gạo tiền, lo cho con cái có bằng cấp hơn là lo giáo dục con cái sống đạo. Họ đâu có biết rằng Thiên Chúa yêu thương và đang chờ đợi con người trong bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là một kho tàng ẩn dấu vượt quá mọi điều con người có thể hình dung khi muốn đáp ứng những khát vọng điên cuồng nhất của mình, và Thánh Thể đáp ứng những khát vọng ấy một cách thỏa đáng. Con người không bao giờ đi vào được hết mọi chiều kích sâu xa của Thánh Thể. Đó là mầu nhiệm đức tin, mầu nhiệm của tình yêu, Quà Tặng Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi ban tặng cho con người. Nếu chểnh mảng với Thánh Thể thì làm sao con người có thể có phương dược chữa trị cho nỗi bần cùng túng đói của con người?
Có hai tình trạng chểnh mảng với Thánh Thể:
+ Không lui tới: có những người không bao giờ lui tới nhà thờ, không bao giờ tham dự một buổi cử hành Thánh Thể nào…Họ cho là giữ đạo tại tâm.
+ Có đến nhà thờ, với Thanh Thể, nhưng không kín múc hết mọi nguồn lực phong phú Thánh Thể có thể chuyển thông cho chúng ta. Đó là chúng ta cử hành Thánh Thể cách chiếu lệ. Đi cho đi có mặt, hay đi nhưng lại chỉ có xác mà không có hồn.
Vậy tôi và em, chúng ta phải làm gì?
a) Chu toàn mọi bổn phận một người nữ tỳ của Chúa Giê-su Thánh Thể…
b)  Chúng ta phải tôn thờ Chúa thay cho họ.
c)  Phải yêu thương họ và cầu nguyện cho họ được ơn biết nóng lòng khát khao như Đức Kitô: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ nạn” (Lc 22, 15).
d) Bổn phận của người nữ tỳ không gì khác hơn là phục vụ Chúa Giê-su Thánh Thể cách vui tươi và tân tâm tận lực, hay nói cách khác là phục vụ cách chăm chỉ, vì Người là Chúa và là Chủ. Phải tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu để khám phá về Thánh Thể luôn mãi, học cách yêu như Người đã yêu, sống như Người đã sống, cho như Người đã cho…
 Vì Thánh Thể là một mầu nhiệm, nên chúng ta không thấy, mà vì không thấy nên chúng ta coi thường. Bi kịch không nằm ở con số rất đông những người  không đi dự lễ, mà ở chỗ Thánh lễ không biến đổi được cuộc sống của những người vẫn đều đặn thực hành việc đạo…Hay bi kịch không nằm những ở người không tham dự các giờ kinh đều đặn, nhưng nằm ở chỗ Thánh Thể không biến đổi được đời sống dâng hiến của những con người vẫn giữ các giờ kinh giờ chầu đầy đủ. Bởi vì cái tâm lạnh nhạt, thờ ơ, hời hợt mà cứ tưởng mình đạo đức đủ… “Hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh…” (Kh 3, 15). Nếu chúng ta hiểu được giá trị vô cùng của thánh lễ thì chúng ta phải ý thức và cung kính, vì Thánh Lễ là Hy tế của Chúa Giê-su. Việc thờ lạy, yêu mến và thống hối phải là những tâm tình ưu tiên của mỗi người chúng ta. Bổn phận của ta làm không xong, không đến nơi đến chốn thì làm sao ta làm thay cho người khác được. Lời cầu nguyện của ta hời hợt, nông cạn, không cầu nguyện với cái tâm thanh sạch thì làm sao Chúa có thể nhận lời ta!
Muốn không rơi vào tình trạng lạnh nhạt, hâm hẩm như sách Khải Huyền nói, thì làm sao lò của ta phải có lửa, phải cháy, phải nóng. Phải đến với Lò Lửa Thánh Thể với hết tâm hồn, hết trí khôn. Phải được Lửa Thánh Thể hâm nóng, sưởi ấm, đốt cháy. Hãy ném vào đó những cái ngang bướng của ta, những kiêu căng tự mãn của ta, cả cái tôi ich kỷ của ta. Hãy ném và đó tất cả để Lửa Thánh Thể đốt cháy tiêu tan: “không còn ta nữa, mà Giê-su Thánh Thể trong ta” (Gl 2, 20). Chỉ có thế ta mới làm tròn bổn phận của một nữ tỳ, mới hoán cải được thế giới này em ạ. Và chỉ có Thánh Thể mới cứu thế giới này khỏi cơn đại dịch covid này, và nhiều cơn đại dịch khác tinh vi hơn covid đang ngấm ngầm ngặm nhấm, đục khoét và giết chết cả thân xác và tâm hồn con người mà chẳng ai quan tâm hay để ý. Chỉ có Thánh Thể mới đem lại cho con người niềm vui, sự bình an và hạnh phúc thật.
Cầu chúc cho Em trở thành đốm lửa của Thánh Thể, ngày đêm cứ âm thầm len lúm vào mọi ngõ ngách thâm cung sâu lắng lòng người, để Chúa Giê-su Thánh Thể có thể đốt cháy cả trần gian. Lúc đó tôi và em cùng với thế giới vỡ òa hạnh phúc trong tình yêu Giê-su Thánh Thể.
Mến chào Em
Lyly