Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 10 ngày 19

Ngày 19 Tháng Mười

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    “Hãy ngồi dưới chân Người, lắng nghe Người như cô Maria: Đó chính là lương thực đem lại sự sống và sự hiểu biết. Đó chính là bàn tiệc của tâm hồn làm con vui thỏa bằng mọi cách. Đó chính là lời cầu nguyện trong thinh lặng, của một cái liếc nhìn, của niềm hạnh phúc được ở bên dưới tầm ảnh hưởng của Mặt Trời công chính hướng về Thánh Tâm Người qua việc Hiệp lễ hay khi tâm hồn con gặp đau khổ hay khi buồn phiền.” [Gửi cho nữ bá tước D’Andigne, 8/1867]

Khi gửi cho một người con linh hướng khác nhưng hầu như cũng cùng một dòng tư tưởng như bài suy niệm trước, cha Eymard trở lại với hình ảnh quen thuộc của mình đó là hình ảnh cô Maria ngồi bên chân Đức Giê-su. Dù lúc đầu Maria chọn lựa ở bên Đức Giê-su vì cô thấy chị gái Mát- ta của mình phải bận rộn với nhiều công việc, nhưng ngay lập tức công việc này đã trở thành công việc của tình yêu khi cô lắng nghe Người và làm cho Người hài lòng. Có lẽ cô đã không có nhiều điều để nói ra, nhưng cô rất vui khi lắng nghe mọi lời Người phán ra. Và đối với Đức Giê-su, đây là một trường hợp khác biệt hoàn toàn với những trường hợp mà Người đã gặp.

Người quen với việc làm cho dân chúng chăm chú lắng nghe Người, nhưng ngay sau đó Người khám phá ra rằng những thính giả của Người không thực sự muốn biết chân lý hay chia sẻ những ý tưởng thâm sâu nhất của Người. Họ thường chỉ quan tâm đến việc bắt lỗi sai trong những lời nói của Người. Những người khác có thể cũng hăng hái lắng nghe, nhưng chỉ vì muốn khám phá những gì mà bản thân họ đang tìm kiếm từ lời giảng dạy của Người. Hiếm ai nhìn nhận Người như một con người đúng nghĩa, tìm cách dâng lên Người sự thân mật của việc lắng nghe bằng con tim! Sau hết, mỗi người đều ao ước có được ai đó hiểu mình, đặc biệt qua việc lắng nghe tất cả những gì mình muốn chia sẻ. Vì thế, chúng ta thường nhận ra rằng nhìn chung người ta không có thời gian, và cũng không thực sự ước muốn để hoàn toàn chịu sự chi phối của người khác, đặc biệt là lắng nghe họ.

Tình yêu chân thật và sâu lắng không cần nói nhiều, chỉ là một cái liếc nhìn dành cho người mình yêu để biết được tất cả những gì người yêu cần bày tỏ. Và như Đức Giê-su muốn được người khác lắng nghe như thế nào, thì Người cũng làm như thế với chúng ta khi chúng ta cần được lắng nghe. Quả là một niềm vui lớn lao để biết rằng Người lắng nghe chúng ta nhiều như chúng ta cố gắng để lắng nghe Người. Khi chúng ta có được kinh nghiệm này, sự gần gũi của chúng ta với Người không thể không gia tăng và được đào sâu. Sau này, tình hiệp thông của chúng ta có thể được cảm nghiệm ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào mà không cần quá nhiều hình thức. Đó là lúc chúng ta bắt đầu nhận ra Đức Giê-su đang hiện diện với chúng ta nơi Phòng Tiệc Ly Nội Tâm trong tâm hồn và trong cuộc sống của chúng ta, và chúng ta không còn cần đi đến bất cứ nơi đâu cũng như thực hành bất cứ nghi thức nào để nghiệm ra sự ôm ấp đầy yêu thương của Người.

Đây có thể là mối tương quan mà “người môn đệ được Chúa yêu”, thánh Gioan, đã có với Đức Giê-su. Thánh nhân hiểu từng lời của Đức Giê-su, mỗi cử chỉ Người làm và tự nguyện tựa đầu vào ngực Người và hỏi Người, còn gì hơn khi có được niềm vui là nhận được câu trả lời từ Đức Giê-su! Không một môn đệ nào khác dám bày tỏ như vậy với Đức Giê-su. Quả thật, Đức Giê- su đã chuẩn bị để ban tặng chúng ta thế nào, chỉ cần một lời đáp trả từ phía chúng ta mà thôi! Phải chăng chúng ta có thể nỗ lực hơn nữa để trở thành một phần tử trong mối dây liên kết các bạn hữu thân thiết của Người?