LỜI CHỦ CHĂN-Tháng 05 năm 2019

NGƯỚC NHÌN LÊN MẸ MARIA,
NGƯỜI MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Quí Cha và quí Tu sĩ rất thân mến,

   Mỗi độ tháng Năm về, lòng người giáo hữu lại rạo rực niềm vui tôn kính Đức Mẹ và ai ai cũng nô nức chờ đón ngày khai mạc Tháng Hoa. Các Cha Chánh xứ và các Bề trên Dòng Tu thường tổ chức những cuộc Rước kiệu và dâng hoa tôn vinh Đức Mẹ, thúc đẩy giáo hữu siêng năng lần chuỗi Mân Côi riêng tư hay chung trong gia đình hoặc nơi cộng đoàn giáo xứ. Truyền thống đạo đức này đã góp phần không nhỏ vào việc nuôi dưỡng Đức tin và thúc đẩy sống thánh thiện nơi người giáo hữu Việt Nam từ nhiều thế hệ.

  Trong tâm tình tin tưởng, mến yêu Đức Mẹ và trong bầu khí thánh thiện của Lòng Thương Xót đang lan tỏa ra khắp Giáo phận, tôi xin chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ đôi tâm tình qua đề tài “Ngước mắt nhìn lên Mẹ Maria, người Mẹ của Lòng Thương Xót”.

  1. Ngợi khen, cảm tạ và nài van

  2. Tâm tình ngợi khen và cảm t

   Trong năm Giáo phận cung nghinh và ngợi khen Đức Mẹ Fatima Thánh Du, nhiều lần lòng tôi cảm thấy bồi hồi và hạnh phúc khi dõi theo hình ảnh quí Cha và quí Tu sĩ cùng với các giáo hữu đón rước Đức Mẹ Fatima Thánh Du về giáo xứ mình. Tôi nhìn thấy khuôn mặt hân hoan vui mừng của mọi người, từ các cụ già đến các em thiếu nhi; tôi cũng nhận thấy bầu khí đạo đức thánh thiện và hiệp nhất lan tỏa mạnh mẽ hơn nơi các giáo xứ và nhờ đó, nhiều người đã lâu năm lạnh nhạt với Đức Tin và các sinh hoạt trong giáo xứ đã trở lại hiệp thông với cộng đoàn trong đời sống Đức Tin và còn hăng say dấn thân trong công tác bác ái và truyền giáo.

  Những dấu hiệu của ơn thánh nhờ sự hiện diện của Đức Mẹ cũng được tỏ ra trong nhiều dịp khác, chẳng hạn những cuộc hành hương đến các Trung tâm Đức Mẹ, như Trung Tâm Đức Mẹ Núi Cúi, Đức Mẹ Tà Pao, Đức Mẹ Lavang và chắc chắn tại các giáo xứ và cộng đoàn Dòng tu trong Tháng Hoa này. Do đó, tâm tình đầu tiên chúng ta cần khơi lên trong lòng là tâm tình ngợi khen của chính Đức Mẹ:

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
Thần trí tôi vui mừng trong Đấng cứu độ tôi…

  Trong sứ vụ của Linh mục và Tu sĩ, qua các cuộc đối thoại cá nhân, nhất là trong tòa Giải Tội, nhiều khi chúng ta được nhìn tận mắt và nhận biết được sự biến đổi của nhiều tâm hồn nhờ sức mạnh của ơn thánh. Tôi xin ghi lại đây kinh nghiệm của một linh mục đang phục vụ bên nước ngoài:

  Tại bàn cơm của một gia đình, chúng tôi quây quần bên nhau. Ly nâng cao chúc sức khỏe dồi dào. Đũa cầm tay gắp miếng rau chan chứa mùi vị quê hương… Anh bạn mới quen ngồi kế bên mở lời với tôi rằng: “Lát nữa trên đường về, con muốn xưng tội với Cha”… Cám ơn chủ nhà về bữa tiệc vui ngon, chúng tôi ra về. Vừa bước ra tới đường, anh xin được bắt đầu xưng tội. Song bước cùng anh, tôi lắng nghe anh. Lâu lâu chúng tôi dừng bước, tôi nhìn anh và cảm thông với anh, tôi bắt gặp những giọt nước mắt tuôn chảy trên khuôn mặt anh. Những giọt nước mắt của 24 năm trời chất chứa bao nặng nề, bao nỗi đau, bao yếu đuối và tội lỗi. Giờ đây, cánh cửa lòng đã mở, và khuôn mặt anh được diện kiến Đấng yêu thương. Ngài đã chờ đợi anh lâu lắm rồi. Dừng bước trước ngõ vào nhà anh, chúng tôi đứng lại, hiệp lời nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi, qua Mẹ Giáo Hội tha thứ tội lỗi cho anh, ban tặng lại cho anh cuộc đời bình an, trao tặng cho anh nụ cười của lòng nhân hậu…

   Một tuần sau đó gặp lại anh và những bạn bè lối xóm. Ai ai cũng vui với anh, đặc biệt người vợ của anh, dù không là người công giáo, nhưng chị dzui lắm lắm, khi biết tin chồng mình đã đến tòa giải tội. Trong Thánh Lễ chiều hôm đó, anh đã vui tươi bước lên đón nhận Chúa vào lòng để được Chúa ấp ủ trong vòng tay dịu êm của Ngài. [1]

  Mượn lời của Đức Mẹ trong kinh “Ngợi khen”, chúng ta tạ ơn Chúa vì những ơn lành không những cho chính chúng ta, mà còn vì những ơn lành Chúa đã tràn đổ trên Đoàn Dân Chúa, và không phải chỉ vì những ân huệ vật chất mà còn vì những ơn thiêng liêng trong tâm hồn mà nhiều khi chỉ chúng ta, trong vị thế là Linh mục và Tu sĩ, mới được chứng kiến và cảm nhận.

  1. Khẩn nài và van xin

   Đi thăm viếng các Giáo xứ, nhiều lần tôi thấy giáo dân quỳ gối trước tượng Đức Mẹ, trong dáng điệu khiêm cung như đang khẩn nài điều gì và với ánh mắt ngước nhìn Đức Mẹ chứa chan hy vọng. Tôi cũng gặp nhiều Linh mục và Tu sĩ với tâm tư trầm lắng trước tượng Đức Mẹ, bởi vì, ai mà không có lúc gặp phải những hoàn cảnh khó khăn, những giây phút lo sợ và buồn phiền có khi rất nặng nề trong tâm hồn, có thể gây khiếp đảm và lo lắng. Trong những hoàn cảnh đó, chúng ta cần ngước mắt nhìn lên Đức Mẹ với lòng tin tưởng và phó thác, khấn xin Đức Mẹ ra tay trợ giúp chính chúng ta và đoàn Chiên Chúa, nhất là những con chiên đang cần đến lòng thương xót của Chúa cách đặc biệt.

  Một trong những lời nguyện diễn tả tâm tình phó thác và tin tưởng sầu lắng nhất đối với Đức Mẹ là Kinh “Hãy Nhớ”: “Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời. Nhân vì sự ấy, con hết lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Đức Mẹ là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Đức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương và nhậm lời con cùng. Amen.”

 Trong viễn tượng của năm mục vụ 2018 – 2019, quan tâm đặc biệt đến các gia đình gặp khó khăn, tôi xin nhắc lại một số hoàn cảnh khó khăn của các gia đình, tôi đã có dịp chia sẻ trong bài giảng lễ Truyền Dầu: “Tôi nghĩ đến những gia đình nghèo đói, sống trong tăm tối, những người cha, người mẹ không việc làm ổn định, buồn sầu nhìn con cái khóc lóc đòi ăn; tôi nghĩ đến những gia đình có người đau ốm lâu năm mà không có tiền chạy thầy chạy thuốc, những gia đình có con cái tật nguyền; tôi nghĩ đến những gia đình có thành viên nghiện ngập, xì ke, đá gà, bài bạc; tôi nghĩ đến những đôi vợ chồng đã trở thành hai người xa lạ sống chung dưới một mái nhà, những gia đình không còn tiếng cười, nhưng có nhiều tiếng than trách và chửi bới nhau; tôi nghĩ đến những người vợ hay chồng với con tim nát tan, vì chồng hay vợ bỏ nhà, đi theo một người khác; tôi nghĩ đến người đã cộng tác vào việc phá thai, nhất là những người mẹ đã phái thai, mà dù mấy chục năm đã trôi qua, lòng vẫn còn ray rứt xót xa vì đã giết con mình; tôi nghĩ đến những người, những gia đình tủi nhục vì bị bêu xấu nơi công chúng, trên mạng xã hội…”

  Trong những gia đình đau khổ này, không thiếu những người sống trong cô đơn, có thể rơi vào tuyệt vọng. Ước chi họ gặp được một Linh mục hay Tu sĩ có trái tim biết xót thương và đầy lòng nhân ái như Đức Mẹ khi xưa tại tiệc cưới Cana, để cảm thông và chia sẻ với họ trong nỗi lo âu và giúp họ ngước nhìn lên Đức Mẹ để nài xin Mẹ bao bọc, che chở dưới tà áo hiền mẫu của Mẹ.

   Trong Giáo phận chúng ta, rất nhiều gia đình còn giữ giờ Kinh Tối gia đình. Nhiều Cha cũng tham dự giờ đạo đức đáng quí này, cùng với họ đọc kinh “Nữ Vương Gia Đình” và nhờ đó, các gia đình đã tìm được nguồn an ủi và sức mạnh trong những hoàn cảnh gian nan, khốn khó. Nhưng biết bao gia đình khác đang cần khám phá ra nguồn an ủi và sức mạnh này. Chắc chắn họ sẽ sớm tìm được nguồn an ủi và sức mạnh nơi tình mẫu tử của Mẹ Maria, nếu các Linh mục và Tu sĩ, nhất là các Cha Chánh xứ nhắc nhở, thúc đẩy và hơn nữa, cùng khẩn cầu với họ bằng lời kinh có sức khơi lên niềm cậy trông và hy vọng cả trong đau khổ và lo sợ: “Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ chúng con biết cậy trông ai? Đời chúng con gian nan khổ sở lắm, gia đình chúng con long đong tối ngày, nhưng có Mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày, mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ muôn đời trên thiên đàng. Amen.”

  1. Lòng xót thương của Đức Mẹ

   Lòng ngưỡng mộ, cảm phục và ao ước trở nên giống Mẹ Maria là những tâm tình gắn liền với nhau. Vì vậy, cùng với những lời cầu xin đầy lòng cậy trông, chúng ta ngước mắt nhìn lên Mẹ Maria với lòng mến yêu để chiêm ngắm và học lấy những tâm tình xót thương của Mẹ, được biểu lộ đặc biệt trong Tiệc cưới Cana và bên cây Thánh Giá trên đồi Calvê.

  1. Tiệc cưới Cana (Ga 2,1-12)

   Câu chuyện tiệc cưới Cana diễn tả tuyệt vời tâm tình thương xót của Đức Mẹ. Đôi tân hôn gặp hoàn cảnh rất khó khăn, có thể nói là tuyệt vọng. Giữa tiệc cưới thì hết rượu, mà lại trong hoàn cảnh của một làng hẻo lánh và rượu là thức uống duy nhất của lễ hội. Đúng là bó tay! Tuy nhiên, tại tiệc cưới có sự hiện diện của Đức Mẹ và nhờ lời bầu cử của Mẹ, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa nước thành rượu. Nhờ vậy, niềm vui của tiệc cưới không những không bị sứt mẻ, mà còn tăng thêm gấp bội, vì có rượu ngon hảo hạng.

   Câu chuyện tiệc cưới Cana biểu lộ rõ ràng tâm tình xót thương sâu sa của Đức Mẹ đối với đôi tân hôn, hình ảnh của tất cả những ai gặp hoạn nạn khó khăn. Lòng thương xót của Đức Mẹ có những sắc thái đặc biệt rất đáng chú ý để noi gương:

  • Theo lời tường thuật của Thánh Gioan, chưa ai biết là rượu sắp cạn, kể cả chú rể, ông quản tiệc và những người hầu bàn, chỉ duy một mình Đức Mẹ, mặc dù Đức Mẹ chỉ là khách mời. Thái độ này là kết quả của tâm hồn thương yêu chân thành. Khi thương yêu thật tình, người ta sẽ bén nhậy nhận ra những khó khăn của người mình thương yêu và ngay cả những khó khăn có thể sẽ xảy ra.

  • Đức Mẹ không chờ chú rể hay ông quản tiệc yêu cầu, nhưng vừa khi nhận thấy khó khăn của đôi tân hôn, Đức Mẹ đã ra tay cầu cứu Chúa.

  • Sau khi đã giải nguy cho đôi tân hôn, Đức Mẹ “lui vào bóng tối” trong an bình, không ai để ý đến Đức Mẹ nữa, mặc dù Đức Mẹ vẫn còn ở đó. Bài tường thuật câu chuyện tiệc cưới Cana kết thúc với câu: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphácnaum và ở lại đó ít ngày.” (Ga 2,11-12).

  1. Bên cây Thánh Giá

   Thánh Giá là biểu hiện tột cùng của lòng Chúa thương xót nhân loại tội lỗi. Về phần Đức Mẹ, Thánh Gioan tóm tắt tất cả tâm tình của Đức Mẹ bằng một câu: “Đứng bên thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người” (Ga 19,25). Đức Mẹ đứng bên cây Thập Giá của Chúa, âm thầm, không một lời nói, không một hành động; Mẹ đứng đó để chứng kiến và đồng thời cũng để tham dự vào tình yêu xót thương của Chúa.

   Nếu tại tiệc cưới Cana, lòng thương xót diễn tả như sự nhậy bén sớm nhận ra khó khăn, đau khổ để trợ giúp thì lòng thương xót “Đứng bên Thập giá” được diễn tả như sự quảng đại đón nhận đau khổ bất công, mang vào mình sự đau đớn của Chúa Giêsu con mình và của chính mình với tất cả sức mạnh của tình yêu dâng hiến để thông hiệp vào hy lễ của Con Mẹ đền tội cho nhân loại.

   Lòng thương xót “Đứng bên Thập giá” còn là tình yêu tha thứ. Khi nghe Chúa thốt lên lời: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34), Đức Mẹ chứng kiến sức mạnh của lòng Chúa thương xót, tha thứ cho chính những người đã gây nên đau đớn hãi hùng cho mình. Đức Mẹ đã tham dự vào lòng thương xót đó vì cơn đau đớn hãi hùng của Chúa Giêsu cũng chính là cơn đau đớn hãi hùng của Đức Mẹ và chính trong sự hiệp thông mật thiết này, Đức Mẹ đã tha thứ cùng với Chúa Giêsu con Mẹ. Nhờ việc kết hiệp với Chúa Giêsu trong tình yêu dâng hiến và tha thứ, Đức Mẹ đã góp phần vào việc mạc khải lòng Chúa thương xót nhân loại tội lỗi (x. Thông điệp Thiên Chúa giầu lòng thương xót, số 9).

   Thương yêu, giúp đỡ người nghèo đói, người đau yếu bệnh tật, người già cô đơn, em bé mồ côi, tật nguyền chắc chắn là cách diễn tả lòng thương xót của Chúa cho nhân loại đau khổ lầm than. Nhưng sứ mệnh thông truyền lòng thương xót của Thiên Chúa trước sức mạnh của sự dữ, nhiều khi hiện hình trong những con người lỡ lầm, tội lỗi và ác độc đòi một khả năng thương yêu mạnh mẽ hơn và phải trả một giá đắt hơn: Yêu thương trong đau khổ bất công, yêu thương cả những người gây ra đau khổ và bất công cho mình, hứng chịu đau khổ mà vẫn thương yêu và tha thứ, cả khi không thấy dấu hiệu của sự ăn năn, hối cải. Đó là tình yêu Thập Giá.

   Chỉ có tình yêu Thập Giá mới có khả năng chiến thắng sự dữ và hoán cải lòng người. Chính vì vậy, Thánh Phaolô đã hãnh diện loan báo Chúa Kitô chịu đóng đinh: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô chịu đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1Co 1,22-25). Đón nhận đời dâng hiến trong ơn gọi Linh mục và Tu sĩ, người môn đệ của Chúa phải biết khinh chê những “cái khôn ngoan của loài người” để đi theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà hãnh diện “rao giảng một Đấng Ki-tô chịu đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ”.

   Để kết thúc bài chia sẻ, tôi muốn mời gọi quí Cha và quí Tu sĩ, chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên Đức Mẹ là “Mẹ của lòng thương xót” và xin Đức Mẹ hướng dẫn chúng ta trong sứ mệnh truyền đạt lòng thương xót của Chúa cho Đoàn Dân của Ngài. Nhờ vậy, Giáo phận chúng ta sẽ trở thành “Thánh địa của lòng Chúa thương xót”, “nơi mọi người, kể cả Anh Chị Em lương dân và di dân, đều cảm nghiệm được sự ngọt ngào của lòng thương xót và không ai không là chứng nhân của lòng Chúa thương xót. Nhờ đó, người nghèo, người đau khổ, bệnh tật, các cụ già neo đơn, các gia đình tăm tối, những cha mẹ khổ đau vì con cái, sẽ tìm được sự cảm thông và an ủi; những người lỡ lầm vẫn được đón nhận và khích lệ để hối cải và biến đổi.[2]

Thân mến chào quí Cha và quí Tu sĩ .

+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

[1] Lm Nguyễn Ngọc Thế, Sj, Zeil và Erding, Hè 2004.
[2] Bài chia sẻ cuối Thánh lễ cầu nguyện cho Sứ vụ Giám mục tại nhà thờ Chính Tòa ngày 31.5.2016.