LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ

St 14, 18- 20; Lc 9, 11b- 17

Chủ đề: Những hình ảnh tiên trưng hé mở dần mầu nhiệm Thánh Thể

* St 14, 18a.19a: Ông Menkixêđê, vua thành Salem mang bánh và rượu ra… chúc phúc cho ông Ap-ram

* Lc 9, 16: Đức Giêsu cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.

 Hôm nay Giáo Hội mừng trọng thể lễ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ. Với quyền năng thần linh của một Thiên Chúa, ngang qua những dấu chỉ của bí tích, Đức Giêsu đã thực sự vĩnh viễn ở với loài người cho đến tận thế, nhờ hình Bánh Rượu đã được thánh hiến bởi tay các thừa tác viên do chính Đức Giêsu thiết đặt.

   Bí Tích Thánh Thể, đó là dấu chứng tình yêu chóp đỉnh của Đức Giêsu; Đó là cách Người biểu lộ tình yêu đối với những kẻ thuộc về mình vẫn còn đang ở lại thế gian và Người đã yêu họ đến cùng (x.Ga 13,1). Thật vậy, giờ hoàn tất sứ mạng đã đến! Đức Giêsu phải về lại cùng Chúa Cha, nhưng Người vẫn muốn – dù vắng mặt, dù không còn hiện diện với xác phàm nhân – “Thầy ở đâu thì anh em cũng ở đó” (x.Ga 14, 3). Việc Thầy trò ở chung với nhau không chỉ là chuyện tinh thần, chuyện tương lai phải chờ đến tận thế, mà là NGAY TRONG HIỆN TẠI. Phương thế mà “Tình yêu đến cùng” đã sáng tạo ra để nên một với đoàn môn đệ ngay trong hiện tại là THÁNH THỂ, là biến chính mình thành lương thực nuôi tín hữu. Với Thánh Thể, Đức Giêsu không chỉ ở gần bên, ở trong mà còn là NÊN MỘT. Chỉ có ĂN VÀO thì lương thực và người ăn mới thực sự nên một: Cái mình ăn vào, sẽ được tiêu hóa và biến thành thịt máu của chính mình. Với bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu thực sự Nên Một với những ai “ăn thịt và uống máu Người”. Nhờ đó, những yếu tố thần linh trong Thịt Máu Người dần dần thấm nhập vào xương thịt máu… của nhân tính chúng ta, từng chút biến đổi chúng ta, “dọn chỗ trước trong Nhà Cha” (x.Ga 14,2), chuẩn bị cho ngày nhân tính của chúng ta được hoàn toàn thông hiệp với thiên tính của Chúa.

   Phương tiện, Thiên Chúa dùng- và dọn đường trước từ xa trong dòng lịch sử- để thực hiện bí tích Tình Yêu này là một yếu tố thiết thân với sự sống con người là BỮA ĂN. Đức Giêsu đã biến bữa ăn thường nhật của kiếp người trở thành một GIAO ƯỚC vĩnh cửu thông ban sự sống thần linh, đời đời cho nhân loại: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh… và nói “đây là Mình Thầy…”; rồi cầm lấy chén rượu và nói: “chén này là GIAO ƯỚC MỚI, lập bằng Máu Thầy…” (bài đọc 2). Và Thiên Chúa đã chuẩn bị cho giây phút ứa tràn tình yêu này, ngay từ những giây phút khởi đầu của dòng lịch sử cứu độ:

  Bài đọc 1, sách Sáng Thế thuật lại cuộc gặp gỡ quan phòng giữa Abram và Melkisêđê, được mô tả với những nét tiên trưng báo trước mầu nhiệm Thánh Thể mà sau này Đức Giêsu sẽ thiết lập: Sau khi đánh bại liên minh các vua xâm lăng gốc Lưỡng Hà (x.St 14,1) giải cứu gia đình ông Lót, Abram quay về lại Mambrê ở Hêbron (St 13,8). Dọc đường, Melkisêđê, vua thành Salem và cũng là tư tế của Thiên Chúa tối cao đã ra đón mừng và dâng đãi một bữa ăn gồm BÁNH và RƯỢU để giúp Abram hồi phục sức lực sau cuộc chiến; Đồng thời Melkisêđê chúc lành cho Abram nhân danh Thiên Chúa tối cao. Đáp lại Abram dâng biếu cho Melkisêđê một phần mười chiến lợi phẩm để tỏ tình liên đới, chấp nhận bữa ăn, sự bảo trợ của vị vua thành Salem.

  Các yếu tố: bánh, rượu, bữa ăn, lời chúc phúc, dâng tặng chiến lợi phẩm…, tất cả được làm nhân danh và trước mặt Thiên Chúa tối cao, gợi nhớ đến một nghi thức giao ước (x.St 31,44-46; Gs 9,12-15). Đến thời Tân Ước, thơ Do Thái 5,6.10 và 7,3 coi Melkisêđê là hình ảnh báo trước Đức Giêsu tư tế. Chính Người lập một GIAO ƯỚC mới, vĩnh cửu với hậu duệ của Abram, nuôi dưỡng, bảo trợ họ; Và chất thể Đức Giêsu dùng để lập Giao Ước mới cũng là BÁNH và RƯỢU.

          Theo thánh phụ Cyprien, các thế hệ kitô hữu tiên khởi đã nối kết việc Melkisêđê dâng đãi bánh rượu cho Abram với việc Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể (paroles sur le chemin C 1979 trang 137) (xem thêm sách lễ Rôma, Nghi Thức Thánh Lễ, Số 93).

  Còn Tin Mừng thuật lại phép lạ Đức Giêsu hóa năm cái bánh ra nhiều đủ nuôi năm ngàn người. Bữa ăn này do Đức Giêsu thiết đãi đám dân đang đi theo lắng nghe lời Người. Phép lạ được làm trong nơi hoang vắng gợi lại giai đoạn Thiên Chúa nuôi dân bằng manna trong sa mạc. Nhờ bánh bởi trời đó, dân chúa hoàn tất được cuộc lữ hành cam go, vượt qua hoang địa cằn khô về đến Đất Hứa.

“Bữa ăn” còn gợi lại lời hứa tiệc cánh chung mà Thiên Chúa hứa ban cho dân vào thời Mêsia (x. Cr 9,4-5; Is 25,6…) phép lạ nhân bánh kín đáo mặc khải Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia, là Môsê mới đến khai mở thời cánh chung của lịch sử cứu độ. Qua phép lạ này, Đức Giêsu đã dọn đường cho một phép lại khác vĩ đại, giá trị hơn mà Người sẽ thực hiện trong Bữa Tiệc Ly cho toàn thể nhân loại, mọi thời: đó là bí tích Thánh Thể. Công thức mà Đức Giêsu dùng trong phép lạ nhân bánh này chính là công thức sẽ được Người dùng để lập bí tích Thánh Thể. (so Lc 9,16 với 1Cr 11,23.24).

  Đáp lại tình yêu Chúa đã ban Mình Máu Thánh làm thần lương luôi dưỡng chúng ta, mời tín hữu hãy năng đến với bí tích Thánh Thể cách xứng đáng, hầu xác phàm bất xứng của ta được biến đổi nên Đền Thờ của Chúa, nên phương thế hữu hình để nhân loại mọi thời gặp được Đức Giêsu, đến với Ba Ngôi mà được  ơn cứu độ.

Frères Đình Long FSC