Kinh Mân Côi-năm sự Vui

NĂM SỰ VUI

Thứ Nhất Thì Ngắm

« Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai » (Lc 1, 26-38)

1. Chuẩn bị

– Khung cảnh : nhà của Đức Mẹ

– Ơn xin : Xin Chúa khơi dậy nơi chúng ta, như đã khơi dậy nơi Đức Maria, lòng khát khao và sẵn sàng trở nên một với Đức Giê-su, bằng cách thưa « Xin Vâng » với ý muốn của Thiên Chúa về cuộc đời của chúng ta.

2. Lắng nghe

Ngôi Lời nhập thể để hiện diện ở giữa loài người chúng ta, nghĩa là để trở nên « Đấng Emmanuel », cần hai lời « xin vâng »

  • Lời xin vâng của Đức Maria để được sinh ra.

  • Được sinh ra vẫn chưa đủ, Người còn cần lời xin vâng của Thánh Giu-su, để thuộc về một dân tộc.

Chúng ta được mời gọi nhận ra sự khiêm nhường của Đức Ki-tô, ngay lúc Người để cho mình được cưu mang và được sinh ra, và được sinh ra như thế đó. Và Người vẫn còn cần lời xin vâng của từng người chúng ta, để hiện diện ở giữa con người hôm nay.

Phương pháp cầu nguyện : lần 1 : suy niệm ; lần 2 : chiêm niệm : 3 điểm cầu nguyện ; ở mỗi điểm nhìn, nghe và quan sát ; cố gắng và xin Chúa cho hiểu, để được soi sáng, chữa lành, đánh động…

3. Nhìn ngắm Đức Maria (v. 26-27)

Vị trí của Đức Maria thật là lớn lao và duy nhất trong tương quan với Thiên Chúa và loài người chúng ta : Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, trong đó có chúng ta, và Đức Maria cũng là Mẹ Thiên Chúa. Tuy nhiên, theo Sách Tin Mừng của Thánh Luca, tất cả những ơn huệ lớn lao của Mẹ đã bắt đầu bằng một biến cố thật hạn hẹp, thật nhỏ bé, thật khiêm tốn, thật âm thầm và kín ẩn, đó là biến cố Truyền Tin. Nhỏ bé và âm thầm, nhưng đó chính là một kinh nghiệm thiêng liêng làm thay đổi cuộc đời của Đức Maria, và thay đổi cả lịch sử cứu độ.

Trình thuật Truyền Tin có thể được gói gọn trong tiếng « Xin Vâng » của Đức Mẹ ; và chúng ta thường hiểu tiếng « Xin Vâng » là câu trả lời tức khắc của Mẹ khi nghe lời đề nghị của Thiên Chúa, qua trung gian của sứ thần Gabrien. Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt lời « Xin Vâng » của Mẹ vào trong diễn tiến của trình thuật Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận ra rằng, tiếng « Xin Vâng » của Mẹ là điểm tới của cả một cuộc trao đổi khá dài, và nhất là đầy biến động trong tâm hồn.

Trước hết, chúng ta hãy tự hỏi Đức Maria là ai ? Mẹ là một thiếu nữ Israen, cư ngụ tại Galilê, làng Nazarét. Mẹ là một thiếu nữ đã đính hôn, như bao thiếu nữ khác khi đến tuổi trưởng thành. Một cách chính xác, Mẹ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi Đa-vít. Như thế, lúc ban đầu, Mẹ là một cô gái như bao cô gái khác (và cũng tương tự như thế, đối với phái nam). Và có lẽ chúng ta cũng đã như vậy trước khi bước vào hành trình ơn gọi dâng hiến : một cô gái với thân phận bình thường, và với ước mơ về đời mình cũng thật bình thường. Nhưng Mẹ lại không được vậy, vì, có thể nói, Chúa đến làm xáo trộn cuộc đời của Mẹ.

Ở đây chúng ta có thể nhìn lại hành trình ơn gọi của mình và tự hỏi : đâu là những dấu chỉ, những cách thức Chúa dùng để làm « xáo trộn » cuộc đời chúng ta, làm cho chúng ta không thể sống như những cô gái (hay một người) bình thường ? Và trong trình thuật Truyền Tin, Chúa không đến trực tiếp, nhưng qua trung gian sứ thần Gabrien ; vậy đâu là những biến cố hay những người « trung gian » của Chúa trong cuộc đời và nhất là hành trình ơn gọi của chúng ta ?

4. Lắng nghe Sứ thần Gabrien và Đức Maria

Cuộc đối thoại giữa Sứ Thần và Đức Maria được « đóng khung », nghĩa là khởi đầu và kết thúc, bởi chuyển động vào và ra của sứ thần : « Sứ Thần vào nhà trinh nữ » (c. 28), và sau đó, « Rồi Sứ Thần từ biệt ra đi » (c. 38). Cuộc đối thoại có thể chia làm ba bước. Chúng ta hãy lắng nghe từng bước, nhưng không quên nhìn ngắm và quan sát cung cách đối thoại của Đức Mẹ, vốn diễn tả những tâm tình nội tâm, chẳng hạn sự bối rối lúc ban đầu.

a/ Bước thứ nhất (c. 28-29)

Sứ Thần ngỏ lời với Đức Maria : « Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà ». Lời chào của sứ thần dành cho Đức Maria trở thành lời chào của chúng ta, vì Kinh Kính Mừng hằng ngày của chúng ta, của cả Giáo Hội bắt đầu bằng lời chào này : « Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà ». Nhưng ở ngọn nguồn, lời chào này làm cho Đức Maria rất bối rối.

Chúng ta hãy hình dung ra Đức Maria đang trong trạng thái bối rối và tự hỏi tại sao ? Chúng ta có kinh nghiệm tương tự như vậy bao giờ chưa ? Chúng ta có bối rối như Mẹ không ? Nếu chưa, nghĩa là chưa có kinh nghiệm về tình yêu nhưng không Thiên Chúa dành cho chúng ta từ thủa đời đời, thì Mẹ sẽ chia sẻ cho chúng ta, bởi vì tất cả những gì Mẹ nhận được là để chia sẻ. Ơn huệ lớn nhất mà Mẹ nhận được là Đức Giê-su, và Mẹ đã chia sẻ hết cho chúng ta và Mẹ vẫn chia sẻ mỗi ngày.

Và Đức Mẹ tự hỏi về ý nghĩa của lời chào. Không phải vì Mẹ không hiểu điều sứ thần muốn công bố, là ân sủng Thiên Chúa dành cho Mẹ cách nhưng không, nhưng Mẹ không hiểu ý nghĩa của ân sủng : qua ân sủng Thiên Chúa ban cho Mẹ tràn đầy, Chúa muốn nói gì với Mẹ, Chúa muốn mời gọi Mẹ thực hiện điều gì ? Vì thế, ngay sau đó, sứ thần mặc khải điều Thiên Chúa mời gọi Mẹ thực hiện : « Này đây, bà sẽ thụ thai… ». Có lẽ chúng ta cũng vậy, khi Chúa đến ngỏ lời với chúng ta, một lúc nào đó trong quá khứ và nhất là trong những biến cố quan trọng của hành trình ơn gọi : chúng ta cũng bối rối và tự hỏi : tại sao Chúa lại chọn con, tại sao Chúa ưu ái với con cách nhưng không như vậy ? Chúa mời gọi con làm gì ?

b/ Bước thứ hai (c. 30-34)

Sứ thần xác chuẩn ơn huệ nhưng không Chúa ban cho Mẹ : « Bà được đẹp lòng Thiên Chúa », và sau đó, loan báo sứ mạng mà Thiên Chúa muốn trao cho Mẹ : « Này đây bà sẽ thụ thai… ». Như thế, ơn huệ luôn đi đôi với sứ mạng ; và đó chính là cung cách hành xử của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, trong lịch sử Hội Dòng và trong hành trình ơn gọi của mỗi người chúng ta.

Sứ mạng thụ thai, hạ sinh con trai, vốn là « Con Đấng Tối Cao », là sứ mạng quá lớn, lớn hơn tất cả những gì Mẹ có và Mẹ là. Vì thế, Mẹ không thể không nêu câu hỏi, và câu hỏi của Mẹ chất chứa một ngăn trở, cũng rất lớn : « Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ? » Chính ở nhịp thứ hai này của cuộc đối thoại, mà chúng ta cảm nhận được Đức Mẹ thật sống động, thật mạnh mẽ và cũng thật lý sự nữa. Vì thế, Mẹ thật gần gũi với chúng ta, vì can đảm đặt câu hỏi, nêu ra khó khăn và trở ngại đối với lời mời gọi của Thiên Chúa.

Còn có một điều bất ngờ lớn lao nữa, mà chắc chắn lúc này, Mẹ chưa hình dung ra hết được, bởi vì Mẹ sẽ phải khám phá ra từ từ, đó là cách Đức Giê-su trở nên cao cả, trở nên Con Đấng Tối cao, và nhất là cách Ngài thừa kế ngai vàng vua Đa-vít. Biến cố Đức Giêsu giáng sinh trong máng cỏ, việc dâng Hài Nhi cho Đức Chúa trong Đền Thờ và nhất là lời tiên tri của ông cụ Simeon : « một lưỡi gươn sẽ đâm thâu tâm hồn bà », sẽ hướng Mẹ tới con đường Thập Giá của Con Mẹ.

Sứ mạng Chúa muốn trao cho chúng ta, khi mời gọi chúng ta đi Đức Ki-tô trong đời sống dâng hiến, luôn luôn vượt qua khả năng của chúng ta. Như khi Đức Giê-su mời gọi : « Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi ». Hay như kinh nghiệm của Thánh Phaolô : « Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối » (2Cr 12, 8-9). Mẹ thật gần gũi với chúng ta, vì can đảm đặt câu hỏi, nêu ra khó khăn và trở ngại đối với lời mời gọi của Thiên Chúa. Chúng ta cũng được Chúa ban ơn huệ để thi hành sứ mạng, chúng ta hãy can đảm, giống như Mẹ, dãi bày cho Chúa nghe những khó khăn và trở ngại của chúng ta : « việc ấy xẩy ra thế nào được ? »

c/ Bước thứ ba (c. 35-37)

Sứ thần rất coi trọng ngăn trở mà Đức Mẹ nêu ra ; vì thế, để thuyết phục, ngài đã không dựa vào điều gì khác, ngoài quyền năng riêng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dừng lại thật lâu để suy niệm từng lời của sứ thần. Vì lời của sứ thần rất thuyết phục, thuyết phục đến độ, Đức Maria đã thốt ra lời « Xin Vâng » liều lĩnh, hướng đến rất nhiều thách đố, nguy nan và những điều bất ngờ. Trước hết, theo lời của Sứ Thần, Người Con Mẹ sẽ cưu mang và sinh ra, là hoàn toàn do quyền năng của Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa : « Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, … ». Làm phát sinh sự sống, ở nơi mà loài người không thể làm gì được, đó chính là quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa.

Sứ thần Gabrien đến gặp Đức Maria, vào thời điểm bà Elizabeth có thai được sáu tháng ; vì thế, trong lời đối thoại với Đức Mẹ, sứ thần long trọng nêu ra trường hợp bà Elizabet để thuyết phục Đức Mẹ. Sự kiện bà Elizabet với cung lòng vừa hiếm muộn và vừa già cỗi nhưng lại mang thai, có ý nghĩa đặc biệt trong lời xin vâng của Mẹ và trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa :

  • Trường hợp bà Elizabet nhắc nhớ Lịch sử cứu độ ; và lời xin vâng của Mẹ đặt trên nền tảng hành động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ.

  • Lời xin vâng của Mẹ làm cho lịch sử cứu độ được hoàn tất : hoàn tất bao gồm hai chiều kích : liên tục nhưng mới mẻ.

  • Người con bà Elizabet sinh ra sẽ gắn bó đến cùng với Người Con Mẹ Maria sinh ra.

Như thế, Thiên Chúa có khả năng làm phát sinh sự sống ở nơi mà con người không còn hi vọng gì và không thể làm gì được nữa, bởi vì hai ông bà vừa hiềm muốn và vừa lớn tuổi. Và tuyệt tác này lại nhắc nhớ những tuyệt tác tương tự khác trong lịch sử cứu độ, đó là trường hợp các phu nhân hiếm muộn của các tổ phụ, mà vẫn cứ sinh con được, và tiêu biểu nhất là bà Sara, vợ của tổ phụ Abraham. Với Đức Maria, đó cũng là một tuyệt tác, nhưng là một tuyệt tác còn lớn hơn và là duy nhất: Mẹ sinh con không phải từ cung lòng già cỗi hay hiếm muộn, nhưng là từ cung lòng trinh nguyên. Các Giáo Phụ nhìn ra đây là hình ảnh diễn tả công trình sáng tạo của Thiên Chúa, bởi vì lúc khởi đầu, Thiên Chúa cũng làm phát sinh sự sống từ mặt đất trinh nguyên. Đó là vì, đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Và đây đã là Tin Mừng cho loài người của chúng ta rồi : đó là Thiên Chúa có thể làm phát sinh sự sống, và làm phát sinh sự sống viên mãn là Đức Kitô, ở nơi mà con người không còn hi vọng gì, ở nơi là tuyệt đối không thể đối với con người. Như thế mầu nhiệm Vượt Qua đã được loan báo ở đây rồi, nơi biến cố truyền tin, bởi vì Thiên Chúa sẽ làm trào vọt sự sống từ sự chết, trong mầu nghiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Ki-tô.

Chúng ta được mời gọi nhận ra hành động của Thiên Chúa trong lịch sử của Hội Dòng, của Tu Hội, của giáo xứ chúng ta, trong gia đình, trong cuộc đời và trong hành trình ơn gọi của chúng ta, để chúng ta có thể đi theo Đức Ki-tô và phục vụ cho sứ mạng của Ngài, không phải bằng sức lực và khả năng của chúng ta, nhưng quyền năng và sức mạnh của Chúa.

Và biến cố Truyền Tin cũng bày tỏ cho chúng ta yếu tính của đời tu: đó là để cho Thiên Chúa làm phát sinh sự sống thần linh của Người, theo hình ảnh của Đức Ki-tô, ở nơi không thể, là « cuộc đời trinh nguyên » của chúng ta, theo cách thức mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Maria. « Cuộc đời trinh nguyên », tiên vàn theo nghĩa thiêng liêng, là một cuộc đời khát khao, từ trong tim, dành trọn cho một mình Chúa và tình yêu của Người. « Trinh nguyên thể lý » chỉ là hệ quả và là một cách diễn tả ; hơn nữa, « trinh nguyên thể lý », hiểu theo một nghĩa nào đó, hàm chứa quan niệm sai lầm về giới tính.

5. Lắng nghe lời « Xin Vâng » của Đức Mẹ (c. 38)

Trong bản văn Hi-lạp của trình thuật Truyền Tin, thật ra không có từ « xin vâng », hay từ « vâng » trong bản dịch Tiếng Việt ở đây, nhưng chỉ có câu trả lời của Đức Mẹ : « Tôi đây là nữ từ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói » hay dịch sát hơn : « Tôi đây là nữ tì của Chúa, hãy xảy ra cho tôi theo như lời Sứ Thần ». Ngoài ra, « Xin Vâng » còn được đọc theo tiếng La-tinh là « Fiat » ; nhưng thực ra, « Fiat » có nghĩa là « ước gì xẩy ra », hoặc « hãy xẩy ra », cho tôi theo như lời của ngài. Vì thế, chúng ta vẫn cứ tiếp tục nói Đức Mẹ thưa « Xin Vâng », nhưng phải hiểu tiếng « Xin Vâng » của Mẹ là cả một câu trả lời khá dài và đầy ý nghĩa.

Thật vậy, trong lời « Xin Vâng », Mẹ tự xưng mình là « nữ tì ». Chúng ta thường nghĩ ra nhiều tước hiệu cao vời dành cho Đức Maria ; nhưng Mẹ lại thích tự xưng mình, trong biến cố Truyền Tin và trong bài ca bất hủ Magnificat, là « Nữ Tì của Chúa » (Lc 1, 38), là « Phận nữ tì hèn mọn ». Chúng ta được mời gọi dõi theo một Đức Maria như thế đó. Không ở đầu ngoài lời nói này của Mẹ, chúng ta cảm thấy thật gần gũi với Mẹ. Vì chúng ta cũng như Mẹ, là nữ tì, là tôi tớ của Thiên Chúa. Sau đó, Mẹ nói « Hãy xảy ra cho tôi theo như lời của Sứ Thần nói ». Chúng ta hãy cảm nếm lòng tín thác tuyệt đối Mẹ dành cho Chúa qua lời nói này, bởi vì qua lời này, Mẹ cam kết từ bỏ quyền làm chủ đời mình ; và đó chính là ý nghĩa tận cùng của mọi ơn gọi, và nhất là của ơn gọi dâng hiến.

Chúng ta được mời gọi đặt lời « xin vâng » của chúng ta, khi đón nhận Đức Ki-tô vào cuộc đời chúng ta và sống theo ơn gọi Chúa ban, trong lời « Xin Vâng » của Đức Mẹ. Cũng giống như Đức Mẹ, tiếng xin vâng ban đầu của chúng ta cần phải làm mới lại suốt đời, nhất là ở những khúc quanh quan trọng và trong thời gian tĩnh tâm, hay ở những lúc khó khăn thử thách lớn nhỏ trong hành trình ơn gọi. Trong những giai đoạn khó khăn thử thách lớn, có khi chúng ta được mời gọi thưa « xin vâng » mỗi ngày, bằng cách nhận lời « Xin Vâng » của Mẹ làm của mình, và lời « Xin Vâng » này có nghĩa là : « Con là nữ tì của Chúa, xin xảy ra cho con theo như Lời của Ngài. »

Xin Đức Mẹ đồng hành và phù hộ chúng ta với tình yêu hiền mẫu, để chúng ta cũng sống đến cùng lời « xin vâng » của chúng ta, giống như Mẹ.

III. Tâm sự với Đức Mẹ, sau đó tâm sự với Chúa, và kết thúc bằng kinh Lạy Cha

*  *  *

Đọc thêm

Thánh Giuse
và Ngôi Lời Nhập Thể :
« Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính.. » (Mt 1, 18-25)

Thánh Giuse thường chỉ được nhìn ngắm trong phạm vi của Thánh Gia, cụ thể là trong tương quan « gia đình » với Đức Maria và Đức Giêsu. Nếu như thế và theo cảm thức thông thường, chúng ta có thể nói rằng đó là những tương quan thật ‘xót xa’.

  • Thánh Giuse là « bạn trăm năm » của Đức Maria, nhưng ai trong chúng ta cũng biết là không theo cách thức vợ chồng sống với nhau bình thường. Ngài sống trọn đời với người mình yêu, nhưng, như người ta thường nói đùa mà lại rất thật : « chẳng sơ múi gì ». Có thể nói, ngài như bị Thiên Chúa lấy mất cái quyền bình thường nhưng cao quí của một người chồng và một người cha.

  • Thánh Giuse là « cha nuôi », chứ không phải là cha ruột của Đức Giêsu, trong khi Đức Maria là Mẹ ruột. Ngài như là người chứng kiến bất lực trước một cuộc sinh ra hoàn toàn do Thiên Chúa sắp đặt ; vì thế, bao nhiêu hào quang và vinh dự Đức Mẹ lãnh hết, và hào quang và vinh dự lớn nhất là tước hiệu « Mẹ Thiên Chúa » !

Rồi thánh Giuse kết thúc cuộc đời trong thinh lặng, thinh lặng cũng lớn như chính cuộc đời của Ngài. Chỉ có những bộ phim về cuộc đời Đức Giêsu mới nói tới cái chết của thánh Giuse, còn các Tin Mừng và cả Truyền Thống nữa hoàn toàn không nói gì. Và chính trong cách thức đảm nhận những tình cảnh « éo le » như thế, mà người ta cảm nhận được tất cả những nhân đức cao quí của Thánh Nhân : công chính, trong sạch, thầm lặng, lắng nghe, vâng phục, hi sinh, nhẫn nại, chịu thương chịu khó, khiêm tốn, hiền lành, khôn ngoan, trung tín, cần cù, tận tụy… ; chắc chắn là vẫn chưa hết, chẳng hạn đức ái, tỉnh thức và cầu nguyện[1].

Thánh Cả Giuse rạng ngời bởi các nhân đức và không ngừng nêu gương cho chúng ta bằng các nhân đức, được khám phá không ngừng theo dòng thời gian và tùy theo bối cảnh. Tuy nhiên, những gì mà Tin Mừng Mát-thêu muốn nói cho chúng ta về thánh Giuse vượt xa bình diện các nhân đức và mời gọi chúng ta nhận ra và chiêm ngắm đức công chính đích thực của Thánh Giuse và tầm mức sứ mạng mà ngài được Thiên Chúa mời gọi đảm nhận trong kế hoạch cứu độ.

Thật vậy, ngay trang đầu tiên của Tin Mừng theo thánh Matthêu (Mt 1, 1-17), thánh Giuse đã được định vị như điểm tới, hay ít nhất như là tên gọi cuối cùng, của cả một gia phả lớn lao diễn tả lịch sử cứu độ, khởi đầu với tổ phụ Abraham :

Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này (c. 2)…

Gia-cóp sinh Giuse, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô (c. 16)

Và gia phả này là gia phả hay chính xác hơn là « nguồn gốc » của Đức Giêsu Kitô, Con vua Đavít, Con tổ phụ Abraham : « Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham danh ». Như thế, chính nhờ sự hiện diện của thánh Giuse mà ba Thánh Danh « Abraham – Đavít – Giêsu » được kết nối, và như thế, làm cho lịch sử cứu độ được hoàn tất. Tin Mừng theo thánh Luca kể lại việc mang thai và sinh ra « Con Thiên Chúa », bởi Đức Trinh Nữ, còn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu tường thuật lại việc sinh ra của Đấng Messia, « Con vua Đavít », ngang qua sự ưng thuận, nghĩa là lời « xin vâng » trong tự do và hoàn toàn vô điều kiện, của thánh Giuse. Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm tiên vàn một Thánh Giuse như thế đó.

Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể, không chỉ được sinh ra bởi lời « xin vâng » của Đức Trinh Nữ Maria, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, nhưng còn được « sinh ra » từ một dân tộc, bởi lời « xin vâng » của Thánh Giuse. Vậy, dân tộc mà Đức Ki-tô thuộc về là dân tộc nào ? Và Thánh Giuse đã lắng nghe và ưng thuận lời mời gọi của Đức Chúa như thế nào ?

*  *  *

1. Chuẩn bị

– Khung cảnh : nhà của thánh Giuse

– Ơn xin : xin nhận ra rằng, Chúa cũng cần sự ưng thuận quảng đại của chúng ta để hiện diện và lớn lên trong cuộc đời, trong lòng và trong hành trình ơn gọi của chúng ta ; xin được thể hiện lòng mến Chúa, ngang qua việc lắng nghe và sống Lời Chúa, như thánh Giuse. Chúng ta cũng có thể xin cảm nếm cách hành động của Chúa và để cho con tim của mình được chinh phục.

2. Lắng nghe

Tên của Thánh Giuse được định vị, có thể nói, ở ngay vị trí trung tâm của tương quan giữa lịch sử cứu độ và Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể, như chúng ta vừa trình bày ở phần trên. Tuy nhiên, vai trò lớn lao này của Thánh Giuse lại bắt đầu bằng một biến cố thật hạn hẹp, thật nhỏ bé, thật khiêm tốn, thật âm thầm và kín ẩn, đó là biến cố Truyền Tin cho Thánh Giuse. Nhỏ bé và âm thầm, nhưng đó chính là một kinh nghiệm thiêng liêng làm thay đổi cuộc đời của Thánh Giuse và của lịch sử cứu độ. Và đó cũng là như thế đối với lời « xin vâng » nhỏ bé và âm thầm của chúng ta.

Trình thuật truyền tin cho Thánh Giuse mở đầu bằng ý định lìa bỏ, hay đúng hơn « lui lại phía sau » (c. 18-19) và kết thúc với quyết định đón nhận (c. 24-25) ; và như thế trung tâm của trình thuật là Lời Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa được chuyển đạt ngang qua trung gian sứ thần (c. 20-22) và Lời Thiên Chúa đến từ Kinh Thánh (c. 22-23).

(A)  Ý định lìa bỏ (c. 18-19).

(B) Lời Thiên Chúa (c. 20-23).

(A’) Quyết định đón nhận (24-25).

3. Ý Định “lui lại phía sau” (c. 18-19)

Người ta thường hiểu đức công chính của Thánh Giuse là đức công chính theo Lề Luật, bởi lẽ ngài quyết định từ bỏ vị hôn thê của mình, vốn có thai trước khi về nhà chồng; nhưng ngài cũng là người nhân từ, nên không muốn làm to chuyện mà chỉ hành động cách kín đáo mà thôi. Tuy nhiên cách hiểu này hướng chúng ta đến nhân đức cá nhân của Thánh Giuse, trong khi tác giả Tin Mừng lại muốn bày tỏ cho chúng ta vai trò lớn lao của Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ.

Thật vậy, trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu có sứ điệp chính yếu liên quan đến vai trò của Thánh Giuse. Nếu quyền năng của Thánh Linh làm cho việc thụ thai đồng trinh xẩy ra, thì thánh Giuse vẫn có một sứ mạng phải đảm nhận. Và đức công chính của thánh nhân được thể hiện ngang qua cung cách ngài đảm nhận sứ mạng này. Ngài là người công chính, không phải vì tuân giữ thật nhiệm nhặt Lề Luật, vốn cho phép li dị trong trường hợp ngoại tình, cũng không phải vì tỏ ra quá nhân từ đối với Đức Maria, cũng không phải vì lẽ công bằng mà ngài phải thực hiện đối với vị hôn thê vô tội, nhưng trong mức độ ngài nhận ra và tôn trọng sự hiện và hành động nhiệm mầu của Thiên Chúa nơi Đức Maria; vì thế, ngài không muốn âm thầm tự biến mình trở thành cha của Con Trẻ thần linh như không có chuyện gì. Nếu ngài sợ rước Đức Maria về nhà, đó không phải là vì động lực tính toán hơn thiệt, nhưng vì ngài khám phá ra một “nhiệm cục” lớn hơn nhiệm cục hôn nhân mà ngài đang dự kiến. Thánh Giuse thận trọng “lui lại phía sau” trong sự tinh tế của đức công chính mà ngài nỗ lực thể hiện đối với Thiên Chúa, và xác tín rằng đó là điều Người muốn, ngài không muốn “phát tán” mầu nhiệm thần linh đang hình thành nơi Đức Maria. Nhưng, Đức Chúa muốn bảo đảm tương lai cho Người Trinh Nữ Ngài đã tuyển chọn và Ngài muốn trao sứ mạng hệ trọng này cho chính Thánh Giuse, và sứ mạng này đã làm thay đổi sâu xa cuộc đời của thánh nhân. Thiên Chúa can thiệp và Thánh Giuse vâng phục. Lời xin vâng rất lặng lẽ nhưng thật lớn lao.

Như thế, sự công chính của Thánh Giuse được thể hiện trong tương quan tinh tế của ngài với chính Thiên Chúa, chứ không phải với Lề Luật, ngang qua ý định “lui lại phía sau” cách âm thầm cũng như qua lời xin vâng quảng đại, và ngài sẽ đảm nhận sự ưng thuận của mình cho đến cùng. Tuy nhiên, ngài luôn đảm nhận với tâm tình “lui lại phía sau”, không phải để thoái thác, nhưng để cho Mầu Nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa và Mầu Nhiệm Mẹ Thiên Chúa được rạng ngời. Và khi đến thời gian đã định, Đức Chúa sẽ “chiều theo” lòng ước ao của thánh nhân.

Nhưng trên hết, nơi đức công chính của Thánh Giuse, và một Thánh Giuse được định vị trong lịch sử cứu độ, chúng ta sẽ khám phá ra rằng đó còn là và nhất là đức công chính mà Thiên Chúa ban cho ngài. Bởi vì, ngài đã được Thiên Chúa chọn và chuẩn bị cách nhưng không từ trước muôn thủa để cộng tác vào kế hoạch cứu độ.

4. Lời Thiên Chúa (c. 20-23)

a/ Sứ thần báo mộng

Thánh Giuse được mời gọi cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và nhất là vào tiến trình Nhập Thể của Con Thiên Chúa, nhưng ngài lại nghe được tiếng gọi đảm nhận sứ mạng lớn lao này ngang qua những giấc mơ nhỏ bé và âm thầm của Ngài ; bốn biến cố khúc quanh trong giai đoạn đầu của mầu nhiệm Nhập Thể ứng với bốn giấc mơ của Thánh Giuse: trước khi ngài đón Đức Maria về chung sống, đưa gia đình đi trốn sang Ai Cập, đưa về quê hương và cuối cùng đưa đến lập nghiệp ở Nazareth (Mt 1, 20 ; 2, 13.19.22). Phải chăng đó là vì khi nằm mơ, con người chúng ta trở nên yếu ớt nhất, ít kháng cự nhất đối với ý muốn của Thiên Chúa? Nếu đúng như thế, các giấc mơ có thể được hiểu như một ngôn ngữ diễn tả sự ưng thuận trọn vẹn của Thánh Giuse đối với ý muốn của Thiên Chúa. Sự ưng thuận đến quên mình.

Chúng ta không thể không so sánh sự ưng thuận này với lời “xin vâng” của Đức Maria; và chúng ta có thể nhận ra rằng sự ưng thuận của Thánh Giuse thật là tuyệt đối! Để Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa cần hai lời xin vâng chứ không phải một.

b/ Sứ mạng của Thánh Giuse

Thực vậy, sứ thần đến xác chuẩn nguồn gốc thần linh của con trẻ đang được hoài thai trong cung lòng Đức Maria, đồng thời mời gọi Thánh Giuse đón nhận sứ mạng; sứ mạng này gồm hai bước: đón nhận Đức Maria vào nhà mình và đặt tên cho Người Con. Ngoài ra, sứ thần còn kết nối mầu nhiệm Nhập Thể với lịch sử cứu độ, được diễn tả bởi bản Gia Phả, ngang qua lời Kinh Thánh: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Is 7, 14).

Thiên Chúa cần sự cộng tác của Thánh Giuse, vì Ngôi Lời sinh ra vẫn chưa đủ, cho dù đây là cuộc sinh ra lạ lùng về khía cạnh sinh học. Bởi vì Ngài còn phải hội nhập vào một gia tộc và một dân tộc với một lịch sử và một nền văn hóa đặc thù ; qua đó, Ngài mang lấy « thân phận con người ». Để có được chiều kích nền tảng này của mầu nhiệm nhập thể, Con Thiên Chúa cần một người đàn ông nhận mình làm con một cách tự do. Thật vậy, khi đón nhận Mẹ Maria và hoa trái trong lòng Mẹ, Thánh Giuse làm cho Người Con đi vào trong dòng tộc Đavít, nghĩa là đi vào lịch sử và nền văn hóa của một dân tộc; và khi đặt tên, ngài nhận Con Trẻ làm con của mình một cách chính thức. Vì thế, khi loan báo, thiên thần đã gọi Thánh Giuse một cách long trọng: “ông Giuse, con vua Đavít”.

Chúng ta hãy hình dung ra tình cảnh một em bé được sinh mà không có cha, và tình cảnh này không hề hiếm thấy trong xã hội chúng ta hôm nay. “Có cha” ở đây không theo nghĩa sinh học (vì ai mà chẳng có cha theo nghĩa sinh học), như chúng ta vẫn hiểu như thế khi nói: em bé sinh ra không cha; nhưng theo nghĩa là phải có ai đó nhìn nhận và đưa vào trong một tương quan gia đình, gia tộc, dân tộc (với một lịch sử và một nền văn hóa) và qua đó tương quan gia đình nhân loại.

Cũng như Đức Maria, Thánh Giuse đã can đảm để cho Đức Giêsu đến với lịch sử nhân loại và thế giới con người cách thực sự và trọn vẹn ngang qua cuộc đời nhỏ bé của mình. Thánh Giuse không sinh ra Đức Giêsu, nhưng ngài đã cưu mang thực sự Đức Giêsu trong những tháng năm dài để làm cho ngài lớn lên và đi vào lịch sử (cá nhân, nhóm, dân tộc và cả nhân loại). Phải chẳng đó cũng là sứ mạng của mỗi người chúng ta?

5. Quyết định đón nhận (c. 24-25)

Nhận một trinh nữ mang thai về nhà, rồi sau đó đặt tên cho em bé, đó là một việc thật giới hạn trong không gian và thời gian. Nhưng ý nghĩa của hành động này thật lớn lao, vì Thánh Giuse sẽ làm cho Con Trẻ mới sinh trở thành “Con Vua Đavít”, một tước hiệu có tính quyết định trong sứ mạng của Đức Giêsu, và nhất là trở thành Đấng Emmanuel, Thiên Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta. Quả vậy, sau này, Đức Giêsu sẽ có một tương quan mật thiết từ rất sớm với Chúa Cha, được diễn tả trong trình thuật ở lại Đền Thờ theo Tin Mừng Luca (Lc 2, 49) và trở nên một với Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9). Nếu như thế, chúng ta phải coi trọng hình ảnh đầu tiên về người cha mà Đức Giêsu có được trong ý thức của mình; và hình ảnh này chỉ có thể là « bố Giuse » của Đức Giêsu.

*  *  *

Sứ mạng lớn lao như thế, nhưng trong thực tế, Thánh Giuse chỉ nhận được mỗi tước hiệu “Cha Nuôi” của Đức Giêsu! Cái nhìn của chúng ta về Thánh Giuse bị chi phối nặng nề bởi bình diện sinh học, hay nói một cách trí thức hơn, bình diện bản tính. Chúng ta phải vượt qua cái nhìn sinh học, máu mủ huyết thống. Bởi vì yếu tố quyết định trong tương quan của Thánh Giuse và Thánh Gia là sự lựa chọn tự do. Và đó chính là tương quan của Nước Trời : do bởi Tinh Yêu tự do nhưng không, chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa ; vì thế, chúng ta được mời gọi nhìn nhận nhau là anh chị em của nhau, theo cách thức Đức Giêsu đón nhận mỗi người chúng ta. Thánh Giuse đã không nghe đuợc câu nói này của Đức Giêsu : « Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em, là mẹ tôi » (Mc 3, 35), nhưng ngài đã sống trọn vẹn điều này trước đó thật lâu. Có thể nói chắc chắn rằng, trước khi công bố lời này, Đức Giêsu đã kinh nghiệm được tương quan mới mẻ này nơi Thánh Giuse. Như thế, lý do tận cùng của sự kiện Thánh Giuse là « bố » của Đức Giêsu, « bố đích thực », chính là vì ngài đã thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

III. Tâm sự với thánh Giuse, với Chúa và kết thúc với kinh Lạy Cha

*  *  *

Kinh Mân Côi
NĂM SỰ VUI

Thứ Hai Thì Ngắm

« Đức Bà Đi Viếng Bà Thánh Isave » (Lc 1, 39-56)

(A) Đức Maria đi và đến (c. 39-40)

(B)
Gặp gỡ
trong
hiệp thông

(c. 41-55)

1. Lời « kính mừng » của bà Elizabeth (c. 41-45)

–  Đứa con trong bụng nhảy lên (c. 41a)

–  Và tràn đầy Thánh Thần (c. 41b) : « Em được chúc phúc… »

(a) Hướng về Mẹ Maria (c. 42)

(b) Ơn huệ nhận được (c. 43-44)

(a’) Hướng về Mẹ Maria (c. 45)

2. Lời ca tụng của Mẹ Maria (c. 46-55)

(a) Đức Chúa và « Nữ Tỳ Hèn Mọn » (c. 46-48)

(b) « Biết bao điều cao cả » (c. 49)

(a’) Đức Chúa và những người khác (c. 50-55)

 (A’) Đức Maria ở và về (c. 56)

*  *  *

  • Chúng ta nên hình dung ra Đức Maria « vội vã lên đường », bước đi và tâm tình của Mẹ trong cuộc hành trình đi đến miền núi, đến thành thuộc chi tộc Giu-đa.

  • Chúng ta cũng nên hình dung ra trong suốt ba tháng ở nhà người chị họ, Mẹ đã làm những gì và với tâm tình nào.

  1. Chuẩn bị

– Khung cảnh : hành trình đi đến nhà bà Elizabeth ; nhà bà Eli nơi gặp gỡ ; nhà bà Eli nơi Đức Maria ở lại 3 tháng.

– Ơn xin : Xin Chúa Thánh Thần khơi dậy nơi tâm hồn chúng ta, lòng khát khao mãnh liệt : để cho mầu nhiệm Thăm Viếng của Đức Maria được tái hiện trong cả cuộc đời và từng ngày sống của chúng ta : đó là đón nhận Ngôi Lời, để cho Ngôi Lời lớn lên và để cho Ngôi Lời đến với người khác qua sự hiện diện và những công việc nhỏ bé.

2.Lắng nghe

a/ Nhìn ngắm bà Elizabet và Mẹ Maria, diện đối diện (c. 39-40)

Kinh nghiệm sống của chúng ta, sẽ giúp chúng ta hình dung khung cảnh của cuộc gặp gỡ giữa hai chị em. Nghe biết chị Elizabeth, vừa hiếm muộn vừa đã có tuổi, nhưng lại có thai được 6 tháng, Đức Maria liền vội vã lên đường đi thăm hỏi và giúp đỡ bà chị của mình. Em đi giúp chị sắp sinh con là điều vẫn còn xẩy ra trong đời thường của chúng ta, nhất là với những cuộc sinh ra đặc biệt. Và chính trong sự việc rất nhỏ bé của đời thường này mà Ân Huệ và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được nhìn nhận và tuyên xưng.

Tư thế diện đối diện, có thể làm chúng ta nghĩ đến cách sắp xếp vị trí của các đan sĩ khi hát kinh, đó chính là trung tâm mà từ đó lời ca tụng được khai sinh. Hay như chính nhóm Linh Thao của chúng ta. Bởi lẽ, lời ca tụng là một sự hiệp thông. Chúng ta không thể ca tụng Chúa, nếu không hiệp thông với nhau.

Cuộc gặp gỡ có nhiều người hơn chúng ta tưởng (lời của bà Elizabeth sẽ nói rõ cho chúng ta trong cuộc gặp này thực sự có bao nhiêu người), vì Bà Elizabeth vừa nghe Đức Maria chào hỏi, đứa con trong bụng bà nhảy lên ! Như thế, cùng với mẹ, em bé cũng đã nghe được (điều này y học ngày nay đã chứng thực), nhưng nghe được tiếng của ai ? Tiếng chào của « Dì Maria ». Nhưng với ơn gọi đang chờ đợi mình là « Người đi trước mặt Chúa » (1, 17), em bé Gioan như đã nghe được tiếng của em bé Giêsu (nói theo tương quan họ hàng là em Giêsu của mình) ngang qua tiếng của « Dì Maria ». Vì khi còn trong bụng mẹ, một cách nào đó, tiếng của mẹ là tiếng của con. Và đó chính là trường hợp của bé Gioan : em đã nhảy lên trong bụng mẹ, chắc chắc là vì Mẹ của em cũng đã rạo rực trong lòng khi nghe tiếng chào của Mẹ Maria. Bằng chứng là, Mẹ Elizabeth được tràn đầy Thánh Thần và kêu lớn tiếng.

Như thế, ở bên trong cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ, ẩn dấu một cuộc gặp gỡ khác nhiệm mầu và vô hình, nhưng rất hiện thực và sống động (vì Gioan hẳn đã làm mẹ nhói đau, nhưng là cái đau của hạnh phúc !) giữa hai người con ; và cả hai đều là ơn huệ tuyệt đối của Thiên Chúa. Sau này, theo các Tin Mừng kể lại, họ sẽ gặp nhau công khai tại sông Gio-đan, nhưng họ đã gặp nhau từ trước rất lâu qua cuộc gặp gỡ rất đỗi bình thường của hai người mẹ.

Trong cuộc sống, những cuộc gặp gỡ của chúng ta với người khác ban đầu tưởng chừng như tình cờ hay vô nghĩa, nhưng lại ẩn chứa một hay thậm chí nhiều cuộc gặp gỡ « nhiệm mầu » khác, và mang lại những hoa trái làm nên cuộc đời chúng ta, mà sau này chúng ta mới biết. Khi « về quê », nhất là vào những dịp đặc biệt, chúng ta sẽ nhớ lại một cách tự nhiên những kỉ niệm xưa, những « cố nhân », những cuộc gặp gỡ làm nên con người chúng ta hôm nay. Vì thế, chúng ta có thể tin rằng những cuộc gặp gỡ đang chờ chúng ta ở phía trước cũng sẽ chất chứa biết bao hoa trái trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, mà chúng ta không sao lường được.

b/ Lắng nghe bà Elizabeth (c. 41-45)

Lời của bà Elizabeth mở đầu và kết thúc đều bằng lời tuyên xưng ân phúc của Mẹ Maria : phúc được Thiên Chúa ban nhưng không cho cả hai Mẹ Con (c. 41-42) ; phúc vì Mẹ Maria đáp lại bằng lòng tin vào Lời Thiên Chúa (c. 45). Lời này làm chúng ta nhớ lại biến cố Truyền Tin, ở đó chúng ta nhận ra rằng lòng tin của Mẹ Maria thật là tuyệt đối, bởi vì Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ một hành động tuyệt đối ; lòng tin của Mẹ là tuyệt đối, còn là vì Mẹ đã đón nhận trước cách triệt để cả một hành trình dài đằng đẵng và đầy bất trắc phía trước.

Ở giữa câu nói, bà Elizabeth nói về mình : « Bởi đâu tôi được… ; này tai tôi… » (c. 43-44), nhưng hoàn toàn như người đón nhận : đón nhận với sự khiêm tốn cuộc viếng thăm của « em Maria », đón nhận với tất cả « tấm lòng » lời chào hẳn là rất đỗi bình thường và đơn sơ của cô em, và sau cùng là đón nhận hiệu quả của lời chào (vì mẹ đâu có làm chủ được chuyện con nó giẫy trong bụng). Chúng ta có thể tự hỏi, làm sao lời chào của Mẹ Maria mang lại hiệu quả kì diệu như thế, lại « đánh động » người nghe sâu xa như thế ? Hằng ngày và nhất là trong dịp lễ lớn, chúng ta cũng sẽ chào hỏi rất nhiều và cũng nhận được rất nhiều lời chào hỏi. Làm sao để lời chào của chúng ta đánh động người nghe, như lời chào của Đức Mẹ ?

Như thế, lời của bà Elizabeth hoàn toàn hướng về em của mình và Ân Huệ Chúa ban nhưng không cho em. Tương tự như chính Mẹ Maria, Mẹ đã hoàn toàn hướng về chị Elizabeth trong cuộc hành trình « thăm viếng » (thực tế là hơn cả thăm viếng, vì Mẹ ở lại tới ba tháng !). Ra khỏi mình để nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban cho người khác, đó chính là hiệp thông và ca tụng , vốn là ơn gọi của con người. Thái độ ngược lại là đóng kín và ghen tị.

Lời của bà Elizabeth thật là đẹp, đẹp cả về hình thức lẫn nội dung, chính vì thế mà lời này trở thành một phần lời « Kính Mừng » vang lên liên lỉ và bất tận của chúng ta ; và nhất là với « Sự Vui Thứ Hai », chúng ta được mời gọi thực hiện cùng một hành trình của Đức Mẹ, đó là ra khỏi mình để hướng về Ân Huệ tuyệt đỉnh Thiên Chúa ban cho Mẹ cách nhưng không, hướng về ân huệ Thiên Chúa ban cho anh chị em, bà con của mình. Cảm nhận như thế khi đọc lời kinh « Kính Mừng », chính là cách tốt nhất để chuẩn bị mình đón nhận sự chia sẻ cùng một Ân Huệ của Mẹ, Ân Huệ Giêsu Kitô.

 c/ Lắng nghe Mẹ Maria (c. 46-55)

– Magnificat anima mea Dominum: Thiên Chúa Đấng Cứu Độ Tôi (c. 46-48)

Mẹ Elizabet ca tụng Mẹ Maria bằng lời chúc mừng: Phúc cho người phụ nữ đã tin! (Lc 1, 45) Đức Maria dâng lời tạ ơn và ca tụng cùng với tất cả những người sẽ thụ hưởng điều Mẹ đã lãnh nhận. Trong trình thuật này của Luca, chúng ta chứng kiến biến cố khai sinh của bài ca tán tụng bất hủ Magnificat. Bài ca diễn tả cả một kinh nghiệm vừa sâu vừa rộng về Thiên Chúa của Đức Mẹ. Và mỗi khi chúng ta đặt mình vào chủ thể « Tôi » của bài ca, chúng ta được mời gọi thực hiện cùng một kinh nghiệm về Thiên Chúa như Mẹ.

Kinh nghiệm Thiên Chúa của Đức Mẹ, trước hết, đó là kinh nghiệm : Thiên Chúa là Đấng cứu độ, và tiên vàn không phải Thiên Chúa, Đấng cứu độ loài người, nhưng là Thiên Chúa, « Đấng cứu độ của tôi ». Kinh nghiệm này làm cho con tim của Đức Mẹ thực sự « bừng cháy » và thốt lên lời ngợi khen Thiên Chúa, là Đức Chúa của mình.

Tĩnh từ sở hữu « của tôi », hay « của con » thật nhỏ bé và đơn sơ nhưng dấu ẩn cả một bí mật, một tương quan rất thiết thân. « Của tôi », « của con », « của bố », « của mẹ », « của anh », « của chị », « của em »… Khi nghe hay nói những từ này, lòng chúng ta hẳn đã xao động, bởi vì đó là ngôn ngữ của tình yêu. Thánh Inhã, trong các bản văn, khi nói tới Đức Kitô hay Thiên Chúa, ngài luôn thêm tĩnh từ sở hữu « của chúng ta » (x. Linh Thao 23 ; 158).

Ngoài ra, tĩnh từ sở hữu « của con » còn mang một vẻ nổi bật đặc biệt trong bối cảnh Kinh Thánh, bởi vì nó thuộc về ngôn ngữ của giao ước: Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi và các ngươi sẽ là dân của ta. Qua lời giao ước, hai bên cam kết sẽ thuộc về nhau mãi mãi. Và tương quan thuộc về này của giao ước hoàn toàn không xa lạ với chúng ta. Thực vậy, qua phép rửa, « Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa của con ; và con, con trở thành con của Thiên Chúa ». Tương quan giao ước này là nền tảng cho mọi tương quan giao ước khác, được diễn tả qua lời cam kết hôn nhân, lời cam kết chức thánh, lời tuyên khấn, lời tuyên hứa…

« Thiên Chúa là Đấng cứu độ », lời tuyên xưng này, đối với chúng ta trong thực tế, có thể đã trở thành một chân lí khách quan, thậm chí một công thức, vì thế không thực sự liên quan đến cuộc đời cụ thể và như nó là của mỗi người chúng ta, không diễn tả một kinh nghiệm thiết thân, không mang lại niềm vui ca tụng ; « Thiên Chúa là Đấng cứu độ », nhưng Ngài chưa thực sự là « Đấng cứu độ của con ». Kinh nghiệm của Đức Mẹ về những gì Thiên Chúa đã làm cho mình, sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn này để đi vào tương quan « thuộc về nhau » với Thiên Chúa.

Trong tương quan thiết thân với Thiên Chúa, Mẹ Maria tự nhận mình là « nữ tì hèn mọn », và chắc chắn Mẹ luôn nhận mình là như thế, bởi lẽ trước đó trong biến cố Truyền Tin, Mẹ đã nói về mình : « Tôi đây là nữ tì của Đức Chúa » (Lc 1, 38). Vì thế, chúng ta nên từ bỏ não trạng thời Trung Cổ là thích gom góp mọi thứ tước hiệu mô tả sự vĩ đại và vẻ đẹp của Mẹ. Chúng ta hãy tôn trọng tước hiệu mà Mẹ tự nhận cho mình. Như thế, không còn là những đặc ân « ngoại thường » lôi kéo sự chú ý của chúng ta nữa, nhưng là Đức Trinh Nữ của Israel, « nữ tì hèn mọn của Đức Chúa », đại diện cho những người nghèo của Đức Chúa, đã sống một cuộc đời bình thường và đã tự xóa mình đi trước sứ mạng của Con Mình, để rồi lại xuất hiện trong giờ thử thách của Thập Giá. Chúng ta được mời gọi dõi theo một Đức Maria như thế.

– “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi” (c. 49)

Khởi từ thân phận « nữ tì hèn mọn », Đức Maria tuyên xưng : « Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả ». Mẹ hèn mọn nhưng lại được Chúa làm những điều lớn lao. Như thế, sự lớn lao của Mẹ hoàn toàn đến từ Thiên Chúa. Lời tuyên xưng này là tâm điểm của bài ca Magnificat, bởi vì những gì Mẹ nói ở đầu chính là để dẫn đến kinh nghiệm thiết thân này, và từ kinh nghiệm thiết thân này, Mẹ nhận ra hành động của Thiên Chúa nơi nhân loại và nơi dân tộc của Mẹ.

Những gì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ, không trừu tượng chút nào, vì « Lời Chúa » đụng chạm đến thân xác, tâm hồn và cả cuộc đời của Mẹ. « Lời Chúa » chạm đến con người của Mẹ, hình thành nơi cung lòng của Mẹ, sinh ra và lớn lên trong cuộc đời của Mẹ, đồng hành với Mẹ cho đến tận cùng, và cuối cùng mãi mãi trở nên một với Mẹ. Nơi Mẹ, « Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la »[2] ; nơi Mẹ, Lời Chúa trở nên hiện hữu ở mức độ cô đọng nhất, nghĩa là ở mức độ « Ngôi Lời Thiên Chúa ».

Ngay lúc này Đức Mẹ đã cảm nhận được lời chúc khen của mọi thế hệ dành cho Mẹ, trong đó có lời chúc khen của thế hệ chúng ta hôm nay. Về phần Mẹ, luôn với cung cách của một « nữ tì », Mẹ chúc khen Thiên Chúa : « Danh Người thật chí thánh chí tôn », bởi vì tất cả tất cả những gì Thiên Chúa làm cho Mẹ là do lòng đoái thương hoàn toàn nhưng không.

– “Chúa hằng thương xót” (c. 50-55)

Khởi đi từ kinh nghiệm bản thân, về những gì Thiên Chúa làm cho mình, Đức Mẹ trong bài ca Magnificat khám phá ra cách hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử con người và nhất là trong dân tộc mình : như Thiên Chúa đã đoái nhìn đến phận nữ tì của Mẹ, Thiên Chúa cũng bày tỏ lòng thương xót với

  • những ai kính sợ Người,

  • những người khiêm nhường,

  • những người đói nghèo.

Và Đức Mẹ cảm nhận Thiên Chúa tỏ bày lòng thương xót một cách duy nhất và đặc biệt với Israel, tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, không phải vì Israel « đạo đức thánh thiện » nên Chúa trả công, nhưng bởi vì Ngài nhớ lại lời hứa thủy chung đến muôn đời của Ngài ngay từ buổi khởi đầu. Tuy nhiên, lời của Mẹ cũng thật mạnh mẽ, nếu không muốn nói là dữ dội, khi diễn tả cung cách của Thiên Chúa đối với

  • phường lòng trí kiêu căng,

  • những ai quyền thế,

  • những người giàu có.

Vì đó là những lựa chọn ngẫu tượng, nghĩa là lựa chọn hư vô : ngẫu tượng dang vọng, ngẫu tượng quyền bính, ngẫu tượng vật chất. Những Lời này của Mẹ hôm nay, một ngày kia sẽ trở thành lời của chính Đức Giêsu, Con của Mẹ, trở thành chính cung cách hành xử của Ngài ngang qua Thập Giá, để giải phóng con người khỏi mọi thứ ngẫu tượng bằng cách bắt chúng phải lộ diện, và đồng thời bày tỏ khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa cho con người.

*  *  *

Mỗi khi đọc hay hát bài ca Magnificat của Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi nhận lời của Mẹ làm của mình, nếu không lời của chúng sẽ chỉ là giả tạo. Nhận lời của Mẹ làm của mình, điều này có nghĩa là kinh nghiệm Thiên Chúa thực sự là « Đấng cứu độ của tôi », bằng cách nhận ra những gì Thiên Chúa đã làm cho mình. Đúng là chúng ta không được ban những ơn cao cả như Đức Mẹ, nhưng chúng ta được thụ hưởng, được chia sẻ những gì Mẹ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Và chỉ khởi đi từ kinh nghiệm thiết thân về Thiên Chúa, mà chúng ta mới có thể nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho người khác, trong cộng đoàn, Hội Dòng… và dân tộc Việt Nam.

Cuối cùng, chính khi chúng ta có cùng một kinh nghiệm về Thiên Chúa, cả cuộc đời của chúng ta sẽ trở thành bài ca Magnificat, tán tụng Thiên Chúa, như cuộc đời của Mẹ Maria, « Nữ Tì Hèn Mọn » của Đức Chúa.

III. Tâm sự với Đức Mẹ, với Chúa và kết thúc với kinh Lạy Cha

*  *  *

Đọc thêm

Đọc Kinh Mân Côi

MẦU NHIỆM ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG

(Có thể áp dụng cho các Mầu Nhiệm khác của Kinh Mân Côi)

*  *  *

  • Nơi chốn: nhà nguyện (hay một nơi thích hợp cho việc cầu nguyện chung).

  • Thời gian: khoảng 60’.

  • Chuẩn bị: một số bài hát (có thể hát lại một bài, với những tiểu khúc khác nhau).

  1. Chuẩn bị (đứng)

  • Công thức mở đầu giờ kinh Phụng Vụ: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con…”.

  • Hát (có thể hát bài xin ơn Chúa Thánh Thần).

  • Công bố Lời Chúa: Lc 1, 39-56 (đứng; chủ sự hay cả nhóm cùng đọc).

  • Hát (hát tôn vinh Lời Chúa hay bài hát về Đức Mẹ).

  • Lắng nghe lại Lời Chúa trong thinh lặng; hình dung khung cảnh của bài Tin Mừng và nói với Chúa điều chúng ta ước ao khởi đi từ Lời Chúa chúng ta vừa nghe (ngồi).

  1. Suy niệm Lời Chúa và lần hạt Mân Côi

  • Đọc điểm cầu nguyện 1 – Thinh lặng (khoảng 5’).

  • Kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh và kinh cầu cho các Linh Hồn.

  • Hát (một điệp khúc hay một bài hát ngắn): chẳng hạn bài “Tràng Hoa Mân Côi 2”, của Phạm Xuân Chiểu (Thánh Ca Cộng Đồng, tr. 352)[3].

*  *  *

  • Đọc điểm cầu nguyện 2 – Thinh lặng.

  • Kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh và kinh cầu cho các Linh Hồn.

  • Hát (một điệp khúc hay một bài hát ngắn).

*  *  *

  • Đọc điểm cầu nguyện 3 – Thinh lặng.

  • Kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh và kinh cầu cho các Linh Hồn.

  • Hát (một điệp khúc hay một bài hát ngắn).

(Tương tự như trên với điểm suy niệm 4 và 5)

III. Kết thúc

  • Lời ngyện kết thúc (chủ sự) hay Kinh Lạy Nữ Vương (đứng).

  • Công thức kết thúc giờ kinh Phụng Vụ (ban phép lành, nếu chủ sự có Chức Thánh).

  • Hát (bài hát kính Đức Mẹ).

*  *  *

Thứ Hai Thì Ngắm

“Đức Bà Đi Viếng Bà Thánh Isave” (Lc 1, 39-56)

  1. Đức Maria vội vã lên đường

Chúng ta hãy hình dung ra Đức Maria « vội vã lên đường », bước đi và tâm tình của Mẹ trong cuộc hành trình đi đến miền núi, đến thành thuộc chi tộc Giu-đa. Với mầu nhiệm Truyền Tin, Đức Mẹ “trở nên một” với Đức Giê-su, nhưng Đức Mẹ đón nhận ơn huệ Đức Giê-su-Ki-tô không phải cho riêng mình, nhưng để chia sẻ, thậm chí trao ban cách trọn vẹn cho loài người và cho từng người thuộc mọi thế hệ, trong đó có chúng ta hôm nay. Chính vì thế, ngay sau đó, Đức Mẹ “vội vã lên đường”, để hướng về người khác. “Người khác” là những ai? Là bà Elizabeth đang cưu mang, và em bé tuy còn đang được hình thành trong bụng mẹ, đã nghe được lời chào yêu thương trao ban Lời Sự Sống của Mẹ Maria, nên đã “nhảy mừng”; và chung quanh hai mẹ con, còn có người cha, các thành viên trong gia đình, còn có dòng tộc, hành xóm láng giềng và nhiều người ở “khắp miền Giu-đê” (Lc 1, 65).

Chính từ cuộc gặp gỡ này, trào vọt ra những lời ca tụng bất hủ: lời ca tụng của bà Elizabeth góp phần làm nên kinh Kính Mừng vang lên khắp nơi và bất tận từ lòng tin, lòng mến và niềm hi vọng của Giáo Hội; và lời ca tụng Magnificat của Mẹ Maria trở thành Tin Mừng và lời ca tụng Thiên Chúa trang trọng nhất trong Giờ Kinh Chiều hằng ngày của chúng ta.

Đức Maria

–>
<–

(trở nên một)

Đức Giê-su

(gặp gỡ; từ đó trào vọt ra lời ca tụng)

Người khác

–  Bà Elizabeth đang cưu mang;
và em bé đã biết nhảy mừng

– Chung quanh hai mẹ con: là gia đình, dòng tộc,
hàng xóm láng giềng.

– Và nhiều người ở « khắp miền Giuđa ».

  1. Mầu Nhiệm Thăm Viếng

Nhưng nếu chúng ta đặt mầu nhiệm Thăm Viếng dưới ánh của toàn bộ cuộc đời Đức Mẹ trong tương quan mật thiết với Đức Ki-tô, chúng ta sẽ nhận ra rằng, “trở nên một” không chỉ là thời gian Đức Mẹ cưu mang Đức Giê-su, nhưng còn là hình ảnh diễn tả hành trình trở nên một với Đức Giê-su của Đức Mẹ trong suốt cả cuộc đời, và không chỉ ở đời này, những còn mãi mãi, đặc biệt với ơn huệ “Hồn Xác Lên Trời”.

Vì thế, mầu nhiệm Thăm Viếng của Đức Mẹ không chỉ là một biến cố đã qua, nhưng là một “năng động sống” hay cả một “linh đạo về trời”[4] của Đức Mẹ. Vậy, trong cầu nguyện, chúng ta hãy chiêm ngắm cuộc đời của Đức Mẹ như là một hành trình:

  • Liên lỉ trở nên một với Đức Ki-tô, như một “Nữ Tì hèn mọn”.

  • Và liên lỉ, để cho Đức Ki-tô lớn lên, trong lòng dạ và trong cuộc đời của mình.

  • Và liên lỉ chia sẻ Đức Ki-tô cho người khác.

Và chúng ta được mời gọi quảng đại mở lòng và mở cuộc đời, để đón nhận những gì Mẹ chia sẻ, đó là Đức Ki-tô và cách thức Mẹ trở nên một với Ngài, để chúng ta cũng thực hiện cùng một hành trình « Thăm Viếng » của Mẹ trong đời sống ơn gọi mỗi ngày của chúng ta.

  1. Nhìn ngắm bà Elizabet và Mẹ Maria, diện đối diện

Chúng ta tiếp tục hình dung ra bà Elizabet và Mẹ Maria, diện đối diện, vì đó là khuôn mẫu của cách chúng ta cầu nguyện, đọc hay hát kinh Phụng Vụ và cách chúng ta gặp nhau trong đời thường : gặp gỡ trong hiệp thông làm trào vọt ra lời ca tụng ; và lời ca tụng làm cho chúng ta có thể đến với nhau, gặp gỡ nhau trong hiệp thông.

Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên,
và bà được đầy tràn Thánh Thần.

Chúng ta có thể tự hỏi, làm sao lời chào của Mẹ Maria mang lại hiệu quả kì diệu như thế, lại « đánh động » người nghe sâu xa như thế ?

  • Đứa con trung bụng nhảy lên. Đứa con trong bụng cũng nghe được lời chào; và ngang qua lời chào của Đức Maria, em bé như đã nghe được tiếng của Đức Giê-su; vì thế, em “nhảy lên” vui mừng và mãn nguyện, bởi lẽ Đức Giê-su sẽ là “tất cả” của em. Xin cho chúng ta cũng có được kinh nghiệm “nhảy lên” khi gặp gỡ Đức Ki-tô ngang của Lời Kinh Thánh. Nhưng « Đứa con trong bụng nhảy lên » còn là hình ảnh nói lên sự đánh động ở chiều sâu trong tâm hồn. Lời chào của Mẹ đánh động bà Elizabeth mạnh mẽ và sâu xa đến như thế : đánh động vì tình thương, tình liên đới, vì sự quảng đại không quản ngại đường xa vất vả, vì sự khiêm tốn của Mẹ… và nhất là vì tình yêu Thiên Chúa dành cho bà, ngang qua cuộc viếng thăm của Mẹ : « bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? »

  • Tràn đầy thánh thần và thốt ra lời ca tụng bất hủ. Bởi vì, lời của bà Elizabeth hoàn toàn hướng về em của mình và Ân Huệ Chúa ban nhưng không cho em. Tương tự như chính Mẹ Maria, Mẹ đã hoàn toàn hướng về chị Elizabeth trong cuộc hành trình « thăm viếng ». Ra khỏi mình để nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban cho người khác, đó chính là hiệp thông và ca tụng, vốn là ơn gọi của con người. Thái độ ngược lại là đóng kín và ghen tị.

  • Lời của bà Elizabeth thật là đẹp, đẹp cả về hình thức lẫn nội dung, chính vì thế mà lời này trở thành một phần lời « Kính Mừng» vang lên liên lỉ và bất tận của chúng ta ; và nhất là với « Sự Vui Thứ Hai », chúng ta được mời gọi thực hiện cùng một hành trình của Đức Mẹ, đó là ra khỏi mình để hướng về Ân Huệ tuyệt đỉnh Thiên Chúa ban cho Mẹ cách nhưng không, hướng về ân huệ Thiên Chúa ban cho anh chị em, bà con của mình. Cảm nhận như thế khi đọc lời kinh « Kính Mừng », chính là cách tốt nhất để chuẩn bị mình đón nhận sự chia sẻ cùng một Ân Huệ của Mẹ, Ân Huệ Giêsu Kitô.

Hằng ngày, chúng ta cũng chào hỏi nhau. Làm sao để lời chào của chúng ta đánh động người nghe, như lời chào của Đức Mẹ ? Ngang qua lời chào, chúng ta được mời gọi nhận ra cả một cách tương quan, một cách sống với người khác, nhất là trong đời sống cộng đoàn: Mang lại niềm vui, nhận ra tình yêu Thiên Chúa, thêm lòng yêu mến Chúa và vì thế thêm lòng khát khao dâng hiến; thay vì ngược lại (không nhận ra tình yêu Chúa, không thêm lòng yêu mến Chúa, không còn yêu mến ơn gọi).

  1. Lắng nghe Mẹ Maria

Bà Elizabet ca tụng Mẹ Maria bằng lời chúc mừng: Phúc cho người phụ nữ đã tin! (Lc 1, 45) Đức Maria dâng lời tạ ơn và ca tụng cùng với tất cả những người sẽ thụ hưởng điều Mẹ đã lãnh nhận. Trong trình thuật này của thánh sử Luca, chúng ta chứng kiến biến cố khai sinh của bài ca tán tụng bất hủ Magnificat. Bài ca diễn tả cả một kinh nghiệm vừa sâu vừa rộng về Thiên Chúa của Đức Mẹ và xoay quanh kinh nghiệm thiết thân về Ơn Huệ, về những gì “Chúa đã làm” cho Mẹ:

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn ! 
(c. 49)

Khởi từ kinh nghiệm về Ơn Huệ đã nhận được, Mẹ đã ca tụng Chúa với tâm tình khiêm tốn của “Người Nữ Tỳ Hèn Mọn” (c. 46-48), và nhận ra cùng một cung cách ban ơn của Chúa cho những người người khác, những người những ai kính sợ Người, những người khiêm nhường, những người đói nghèo ; và đặc biệt cho “Tôi Tớ Israel” của Người, vì lòng thương xót (c. 50-56). Vậy, mỗi khi chúng ta đặt mình vào chủ thể « Tôi » của bài ca: “Linh hồn tôi…”, chúng ta được mời gọi thực hiện cùng một kinh nghiệm về Thiên Chúa như Mẹ.

Chúng ta hãy đọc lại lời ca tụng Magnificat của Đức Maria, và dừng lại ở câu Chúa dùng để đánh động lòng chúng ta, làm cho chúng ta tràn đầy Thánh Thần và thốt lên lời ca tụng Chúa, và nhất là ước ao làm cho cuộc đời mình thành bài ca Magnificat, như lời Tv 104, 33 diễn tả: “Suốt cuộc đời, tôi sẽ ca mừng Chúa, sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi.”

  1. « Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng »

Chúng ta hãy chiêm ngắm sự hiện hiện của Mẹ tại nhà bà Elizabeth trong ba tháng, và hình dung ra Mẹ đã làm những gì và với tâm tình nào. Kinh nghiệm sống của chúng ta, sẽ giúp chúng ta đoán ra những gì Mẹ làm trong thời gian ba tháng tại nhà bà Elizabeth. Nghe biết chị Elizabeth, vừa hiếm muộn vừa đã có tuổi, nhưng lại có thai, Đức Maria liền vội vã lên đường đi thăm hỏi và giúp đỡ bà chị của mình. Em đi giúp chị sắp sinh con là điều vẫn còn xẩy ra trong đời thường của chúng ta, nhất là với những cuộc sinh ra đặc biệt. Và chính trong sự việc rất nhỏ bé của đời thường này mà Ân Huệ và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được nhìn nhận và tuyên xưng. Đó là “công việc” đầu tiên của Đức Maria ngay sau khi cưu mang Ngôi Lời. Đó cũng là công việc Mẹ ưa thích, với tư cách là Mẹ Thiên Chúa, là mãi mãi phục vụ cho sự sống của chúng ta với tình Hiền Mẫu.

Với sứ mạng loan báo Tin Mừng, chúng ta hay lo lắng về những việc lớn và khả năng lớn ; còn Mẹ thực hiện như thế đó, ngang qua những việc rất nhỏ bé, nhưng với lòng mến rất lớn lao. Xin Mẹ chỉ dạy chúng ta với tình hiền mẫu, cách Mẹ ca tụng Chúa, ngang qua những công việc bé nhỏ.

*  *  *

Kinh Mân Côi
NĂM SỰ VUI 

Thứ Ba Thì Ngắm

« Ðức Bà sinh Ðức Chúa Giêsu nơi hang đá »

*  *  *

“Một trẻ sơ sinh bọc tã,
nằm trong máng cỏ” 
(Lc 2, 1-20)

1 Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.2 Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri.3 Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.4 Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít.5 Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai.6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa.7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

8 Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.9 Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.10 Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân:11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.”13 Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:

14Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương
.”

15 Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.”16 Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Luca, được công bố trong Thánh Lễ Ban Đêm và Thánh Lễ Rạng Đông Giáng Sinh, mời gọi chúng ta hướng đôi mắt và tâm hồn về hình ảnh “Hài Nhi Giê-su bọc tã nằm trong máng cỏ”:

Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con,
rồi đặt nằm trong máng cỏ
” (c. 7)

Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã,
nằm trong máng cỏ
” (c. 12)

Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se,
cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (c. 16)

Ba lần Dấu Chỉ “Hài Nhi bọc tã nằm trong máng cỏ” được nhấn mạnh, đánh dấu ba phần rất rõ rệt của trình thuật kể về mầu nhiệm Giáng Sinh:

  • Mầu nhiệm Giáng Sinh và “Một Trẻ Sơ Sinh” (c. 1-7)

  • Mầu nhiệm Giáng Sinh và cuộc kiểm tra dân số (c. 8-14)

  • Mầu nhiệm Giáng Sinh và “Tin Mừng Trọng Đại” (c. 15-20)

  1. Mầu nhiệm Giáng Sinh và “Một Trẻ Sơ Sinh”

Vì thế, trong Đêm Canh Thức Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi dành nhiều thời gian để chiêm ngắm hình ảnh: “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” như thánh sử Luca kể lại cho chúng ta, để với ơn Chúa, chúng ta cảm nếm được sự nhỏ bé, khiêm tốn và hiền lành của chính Thiên Chúa, ngược hẳn với những gì loài người chúng ta tưởng tượng và chờ mong đối với biến cố Emmanuen, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Nhỏ bé, khiêm tốn và hiền lành, nhưng đó lại là sức mạnh, khôn ngoan và khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, có khả năng chiến thắng sự ồn ào (để kết án), ngạo mạn và bạo lực của Sự Dữ, như lời Thánh Vịnh loan báo (Tv 8, 3):

Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.

Thật vậy, ngay trước khi Ngài đi vào cuộc Thương Khó, Đức Giê-su sẽ trích dẫn lời Thánh Vịnh này và làm cho lời này được hoàn tất nơi thân thể của Người trên Thập Giá:

Nhưng còn lời này, các ông chưa bao giờ đọc sao:
Ta sẽ cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen? 
(Mt 21, 16)

Như thế, Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên như em bé và sẽ sống như em bé đến cùng, trước khi mời gọi các môn đệ và chúng ta hôm nay trở nên như em bé (x. Mc 10, 13-16; Mt 18, 3 và 10, 13-15; Lc 18, 15-17).

Xin cho chúng ta đừng bị mê hoặc và sống theo vẻ bề ngoài, để có thể nhận ra sự hiện diện nhỏ bé, khiêm tốn và hiền lành của Ngôi Lời Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, trong thế giới chúng ta đang sống và trong cuộc đời chúng ta, và để sống căn tính đích thật và cũng là ơn gọi của chúng ta, là trở nên “em bé”, trong tương quan với bản thân, với Chúa và với nhau.

  1. “Mầu nhiệm Giáng Sinh” và cuộc kiểm tra dân số

Biến cố “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” là hệ quả của một sự kiện lịch sử có tầm mức toàn thiên hạ và của một của chuỗi những diễn biến xẩy sau đó, như trình thuật Tin Mừng kể lại:

  • Hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ truyền kiểm tra dân số trong khắp thiên hạ.

  • Thánh Giuse, thuộc dòng tộc Đa-vít, cùng với Đức Maria, phải về nguyên quán.

  • Đức Maria đang có thai và đã đến lúc sinh con.

  • Và hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta nhận ra rằng, cách Thiên Chúa đến với thế giới loài người của chúng ta hoàn toàn không có gì là ngoại thường, và nếu có, thì hoàn toàn ẩn dấu, như biến cố sinh ra của Thánh Gioan Tiền Hô, các biến cố truyền tin cho Đức Maria và cho Thánh Giuse, cách loan báo Tin Mừng Trọng Đại cho các mục đồng; và cả trong cách thánh sử kể lại mầu nhiệm Giáng Sinh nữa, hoàn toàn không có gì “lạ lùng” xẩy ra, nếu xét mầu nhiệm một các riêng biệt. Như thế, Thiên Chúa hoàn toàn khuôn theo dòng chảy của lịch sử và hơn nữa theo ý muốn và hành động của con người. Và đó cũng đã và sẽ là cách Người đi đến, hiện diện và dẫn dắt lịch sử cứu độ và lịch sử loài người, thế giới và cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Hơn nữa, Người hoàn toàn đón nhận “chỗ” mà loài người chúng ta dành cho Người, “vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”. Và trong hành trình Nhập Thể và mặc lấy thân phận Con Người, Người cũng sẽ đón nhận trong nhỏ bé, khiêm tốn và hiền lành, chỗ mà con người dành cho Người trên Thập Giá ở Đồi Sọ. Nhưng Người lại dùng vị trí, thậm chí điều dữ con người dành cho Người, để bày tỏ Dung Nhan rạng ngời, là “tình yêu đến cùng” của Người, cho loài người chúng ta (x. St 50, 20).

Thiên Chúa đến với loài người chúng ta như một em bé trong mầu nhiệm Giáng Sinh và cũng sẽ ra đi như một “em bé”, ngang qua Thập Giá, nhưng đó lại là cách tuyệt vời nhất và cũng nhiệm mầu nhất Thiên Chúa bày tỏ sức mạnh và khôn ngoan thần linh của Ngài (x. 1Cr 1, 24). Phải chăng, đó cũng là như thế đối với những giới hạn, yếu đuối và tội lỗi, dù là tội gì đi nữa, của chúng ta? Xin Chúa ban cho chúng ta sự bình an thẳm sâu, khi nhìn ngắm Người là “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” trong mầu nhiệm Giáng Sinh.

  1. Mầu nhiệm Giáng Sinh và “Tin Mừng Trọng Đại”

“Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”, nhưng lại được loan báo như “Tin Mừng Trọng Đại”, được công bố là Đấng Cứu Độ, là Đấng Ki-tô Đức Chúa:

Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. (c. 10-11)

“Tin Mừng Trọng Đại” đã được sứ thần loan báo cho Đức Maria: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 31-33); và cho Thánh Giuse: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 20-21)

Tuy nhiên, lời mặc khải của Thiên Chúa thuộc về ý nghĩa của biến cố, chứ không thay đổi biến cố, bởi lẽ sứ thần mời gọi người nghe đi tìm cùng một biến cố như đã diễn ra trong lịch sử: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (c. 12). Và trong trình thuật Tin Mừng, ý nghĩa thần linh này được minh họa bởi sự xuất hiện của sứ thần với vinh quang Thiên Chúa và nhất là bởi khung cảnh và âm thanh thần linh thật bừng sáng, bởi vì muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.

Điều này làm chúng ta nhớ đến những trang hoàng với lòng mến của chúng ta khắp nơi và nhất là chung quanh hang đá thô sơ : ánh nến và ánh đèn đủ màu đủ kiểu, ngôi sao các loại, thiên thần bay lượn, âm nhạc réo rắt… Ước gì những trang hoàng bừng sáng này chính là để diễn tả lòng tin của chúng ta nơi sự hiển hiện thần linh của Thiên Chúa khởi đi từ những gì nhỏ bé nhất, khiêm tốn nhất và hiền lành nhất.

*  *  *

Tin Mừng trọng đại, nhưng lại được loan báo cho những người bé nhỏ, “những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật”; ở đây, một cách rất cụ thể, đó là những người Chúa thương. Điều này làm chúng ta nhớ tới biến cố sứ thần truyền tin cho Đức Maria, “Nữ Tì Hèn Mọn” của Đức Chúa. Bởi lẽ, ai có thể đón nhận một lời loan báo lớn lao như thế khởi đi từ dấu chỉ “Em Bé sơ sinh nằm trong máng cỏ”, nếu không phải là những người “giống” như Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể nhất, nghĩa là cũng nhỏ bé, khiêm tốn và hiền lành? Và quả thực, Thiên Chúa đã không lầm, bởi vì những người chăn chiên đã mở lòng ra cách vô điều kiện để lắng nghe sứ điệp, lên đường, tín thác và ca tụng Thiên Chúa. Vậy, trong Đêm Giáng Sinh, chúng ta có ước ao và sẵn lòng trở nên “những người chăn chiên không”?

*  *  *

“Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”, nhưng Ngài không thể tự mình sinh ra và cũng không thể ở và sống một mình. Chung quanh ngài, có hơi ấm yêu thương của mẹ hiền và có sự hiện diện âm thầm nhưng quảng đại của người cha, ngang qua lời “xin vâng”, được sống mỗi ngày và suốt đời của các ngài. Vì thế, các hang đá của chúng ta nên có sự hiện diện đầy đủ của cả bố và mẹ Hài Nhi. Và khi nhìn ngắm Chúa Hài Đồng, chúng ta đừng quên cảm phục Đức Maria và Thánh Giuse đã đón nhận hài nhi Giê-su vào mái ấm của mình, và qua mái ấm của mình, đón nhận Ngài vào dân tộc của mình và vào gia đình nhân loại. Các ngài đã đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể một cách vô điều kiện, đón nhận mà không lường hết được con đường dài đầy thử thách ở phía trước, và đón nhận cả khi không hiểu được hết mọi sự, như bài Tin Mừng kể lại:

Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.
Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 
(c. 18-19)

Ngôi Lời Thiên Chúa vẫn tiếp tục « nhập thể » hôm nay và Ngài cần đến chúng ta biết bao, những “Giu-se và Maria” khác, sẵn sàng thưa “xin vâng” với tâm tình tạ ơn và ca tụng, khởi đi kinh nghiệm sâu đậm về Tình Yêu nhưng không mình nhận được, hi sinh cả một đời cho Ngôi Lời sinh ra, hiện diện và lớn lên trong lòng và trong cuộc đời mình, ở giữa mọi người và trong thế giới hôm nay. Đó chính là

NIỀM VUI TIN MỪMG
được lan tỏa từ
LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA

*  *  *

Đọc thêm

« Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta
 » (Ga 1, 1-18)

  1. Chuẩn bị

– Khung cảnh : Hang đá Bê-lem

– Ơn xin : xin Chúa ban một trong ba kinh nghiệm hoặc cả ba.

  1. Lắng nghe

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ ban ngày mừng Chúa Giáng Sinh là trang đầu tiên của sách Tin Mừng theo thánh Gioan ; bài Tin Mừng này chiếu rọi một ánh sáng rực rỡ, một ánh sáng chỉ có thể đến từ mặc khải của Thiên Chúa, vào một sự kiện rất âm thần, đơn sơ và nghèo khó, đó là sự hiện diện của « Một trẻ sơ sinh bọc tã, năm trong máng cỏ » ở giữa chúng ta, như sứ thần nói với các mục đồng trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh (x. Lc 2, 1-14).

Một ánh sáng rực rỡ đến từ mặc khải của Thiên Chúa, ngày nay được diễn tả qua vô số ánh sáng đủ màu mà chúng ta trang hoàng cho hang đá với lòng mến, sẽ giúp chúng ta chiêm ngắm biến cố sinh ra của Đức Giê-su ở chiều sâu và nhất là mời gọi chúng ta thực hiện cùng một kinh nghiệm thiêng liêng trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta, như thánh Gioan diễn tả trong phần mở đầu sách Tin Mừng của mình.

Vì thế, chúng ta hãy tiếp tục chiêm ngắm « Hài Nhi sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ », nhưng lần này, chúng ta sẽ chăm chú lắng nghe, với đôi tai và con tim của Đức Maria, lời của thánh Gioan, « Người Môn Đệ Đức Giê-su thương mến », nói về mầu nhiệm Giáng Sinh.

  1. Kinh nghiệm đón nhận sự sống như là ánh sáng, từ Ngôi Lời sự sống và ánh sáng (c. 1-9)

Lời Chúa trong bài Tin Mừng mời gọi chúng ta nhớ lại ơn huệ sự sống nhờ Ngôi Lời : « Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành ». Thực vậy, theo St 1, Thiên Chúa đã sáng tạo bằng Lời (chúng ta có thể đếm được mười lần công thức : « Thiên Chúa Nói »). Chúng ta thường nghĩ rằng trước khi Thiên Chúa sáng tạo, chỉ có hư vô mà thôi. Tuy nhiên, trình thuật St 1, được long trọng công bố đầu tiên trong đêm canh thức Vượt Qua, mặc khải cho chúng ta rằng, trước hành động sáng tạo của Thiên Chúa, đã có cái gì rồi: “Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm » (St 1, 1-2). Như vậy là đã có nhiều thứ (đất, vực thẳm, nước…), nhưng tất cả còn ở trong tình trạng hỗn mang và tăm tối. Hỗn mang và tăm tối, là nơi chốn của sự chết, của chết chóc.

Tất cả chúng ta đều đang sống, chúng ta có nhận ra, sự sống này được Ngôi Lời ban cho chúng ta mỗi ngày không ? Cuộc sống của mỗi chúng ta, đời sống cộng đoàn của chúng ta, thế giới chúng đang sống, nếu không đón nhận Lời Chúa, để cho Lời Chúa tiếp tục sáng tạo soi sáng, dẫn dắt, nuôi sống thì cũng sẽ rơi vào tình trạng hỗn mang và tăm tối như thế, nghĩa là rơi vào tình trạng chết chóc.

Và thật là kì diệu, khi Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan, mặc khải cho chúng ta rằng : « Nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. » Thực vậy, theo St 1, công trình sáng tạo đầu tiên, chính là ánh sáng : Thiên Chúa Nói : « Hãy có Ánh Sáng » (St 1, 3) ; và từ Ánh Sáng phát sinh mọi sự, và nhất là Sự Sống. Vậy, chúng ta có sống sự sống của chúng ta như là ánh sáng không, hay như là bóng tối ? Như ở nơi Ngôi Lời, ánh sáng và sự sống là một.

Ước gì sự sống của chúng ta bừng sáng và làm cho bừng sáng, nghĩa là đầy sức sống của Thiên Chúa và làm cho lan tỏa sức sống của Thiên Chúa, ngang qua cách chúng ta hiện diện mỗi ngày. Chúa vẫn ban cho chúng ta Lời của Người, Sự sống của Người, để cho lời chúng ta, sự sống của chúng ta trở thành ánh sáng ; hay đúng hơn, lời và sự sống của Người bừng sáng trong lời và sự sống của chúng ta.

  1. Kinh nghiệm tái sinh làm con Thiên Chúa, như Ngôi Lời là Con Một Thiên Chúa (c. 10-15)

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì được ơn « đón nhận » Ngôi Lời nhập thể, như thánh Giuse, Đức Mẹ và như các mục đồng. Bởi lẽ, đón nhận sự sống từ Ngôi Lời và sống sự sống như là ánh sáng, chính là ơn huệ và hành trình tái sinh trở nên con Thiên Chúa, như Ngôi Lời là Con Một Thiên Chúa.

Hành trình tái sinh bởi Thiên Chúa để trở thành con Thiên Chúa và trở thành anh chị em của nhau thật không dễ dàng, cũng giống như mọi cuộc cưu mang và sinh ra đều lâu dài và khó khăn. Vì thế :

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. (c. 14)

Đó chính là để trở nên khuôn mẫu và đường đi cho chúng ta. Ngài đồng hành với chúng ta mỗi ngày, với sự cảm thông và lòng bao dung, bằng Lời của Ngài, bằng Mình và Máu thánh của Ngài. Trong đời sống dâng hiến, các tu sĩ nam nữ được mời gọi dâng hiến tương quan huyết thống, để đón nhận, sống và làm chứng cho ơn tái sinh bởi Thiên Chúa, theo gương Thánh Gia :

Họ được sinh ra không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.
(c. 13)

Xin cho chúng ta đón nhận Ngôi Lời nhập thể mỗi ngày và suốt đời. Và đó chính là ý nghĩa sâu sa của Đêm Canh Thức Giáng Sinh : chúng ta thực sự đón nhận Người và sống sự đón nhận này cả đời và mỗi ngày.

  1. Kinh nghiệm lãnh nhận « hết ơn này tới ơn khác » (c. 16-18)

Với kinh nghiệm tái sinh làm con Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi đọc lại đời mình, để nhận ra « hết ơn này tới ơn khác », nhất là vào thời điểm kết thúc năm dương lịch này, để tạ ơn và ca tụng Chúa, cách hồn nhiên như các mục đồng. Bởi vì, chỉ với tâm tình của người con thảo, giống như Đức Giê-su đối với Thiên Chúa cha, chúng ta mới có thể nhận ra « hết ơn này tới ơn khác », mà Thiên Chúa tình yêu đã ban cho chúng ta.

« Hết ơn này tới ơn khác », nhưng ơn lớn nhất và bền vững nhất, chính là ân sủng và sự thật mà Đức Ki-tô thông truyền cho chúng ta, bởi vì Ngài là « Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật ». Ân sủng và sự thật mà Ngôi Lời thông truyền cho chúng ta, chính là khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, khuôn mặt mà Lề luật của Mô-sê và mọi thứ Lề Luật không bày tỏ hết được và nhiều khi còn che đậy, và nhất là bị ma quỉ, vốn là bóng tối và dối trá, làm cho sai lệch nơi tâm trí chúng ta, ngay từ nguồn gốc của sự sống (x. St 3, 1-7).

*  *  *

Khởi từ những kinh nghiệm này, giống như thánh Gioan Tẩy Giả và cả thánh Gioan, « Người môn đệ Đức Giê-su thương mến » nữa, chúng ta được mời gọi làm chứng và loan báo về Ngôi Lời :

  • Là Sự Sống và là Ánh Sáng.

  • Là Con Một Thiên Chúa.

  • Và là Đấng ban cho chúng ta ân sủng và sự thật.

III. Tâm sự với Chúa và kết thúc với kinh Lạy Cha

*  *  *

Đọc thêm

Mầu Nhiệm Chúa Hiển Linh

“Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a,
liền sấp mình thờ lạy Người” 
(Mt 2, 1-12)

Trong những thập niên đầu tiên, Giáo Hội đã mừng lễ Chúa Hiển Linh thay vì Lễ Chúa Giáng Sinh. Ngày nay, Giáo Hội phương đông vẫn chọn ngày Lễ Chúa Hiển Linh là ngày lễ chính của Mùa Giáng Sinh. Việc coi trọng và mừng cách đặc biệt lễ Chúa Hiển Linh vẫn còn thấy ở nhiều nơi trong Giáo Hội của chúng ta. Chẳng hạn ở Tây Ban Nha, lễ Chúa Hiển Linh được mừng rất trọng thể với những cuộc rước lớn có hóa trang; và đặc biệt hôm nay người ta mới tặng quà Giáng Sinh cho nhau, bởi vì hôm nay, hài nhi Giêsu, sau khi sinh ra được 12 ngày, mới nhận được quà của người ta, nghĩa là của các đạo sĩ!

Lễ Chúa Hiển Linh phải là một lễ lớn, bởi vì biến cố Ngài sinh ra đã là một niềm vui, nhưng niềm vui này vẫn chưa trọn vẹn khi chưa được thật nhiều người biết đến. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này trong cuộc sống: dù mình có là ai, hay dù người kia có là ai, nếu chưa được người khác nhận biết, thì cũng như không! Và đó cũng chính là ý nghĩa của từ ngữ “hiển linh” (Épi-phanie, trong tiếng Hi-lạp), có nghĩa là xuất hiện, hiển hiện cho mọi người nhận biết.

Ngày lễ Hiển Linh, là ngày Chúa tỏ mình ra cho mọi dân tộc được nhận biết. Nhưng đây mới chỉ là biến cố khởi đầu; bởi vì, Chúa sẽ chỉ được thực sự được nhận biết bởi cả loài người bằng mầu nhiệm Vượt Qua, chết và phục sinh. Một trong ba quà tặng, là mộc dược loan báo mầu nhiệm Thương Khó của hài nhi Giêsu.

  1. Chuẩn bị

– Khung cảnh: Hang đá Bê-lem hay căn nhà trọ đơn sơ (c. 11)
– Ơn xin: mặc lấy tâm tình của thánh Giuse và của Đức Maria, của các đạo sĩ, của các mục đồng: tìm gặp, hiểu biết, yêu mến, đón nhận vào tâm hồn và cuộc đời của mình với niềm vui.

  1. Lắng nghe

Thánh sử Mát-thêu, trong sách Tin Mừng của mình, nhấn mạnh cách đặc biệt đến vai trò của thánh Giuse trong Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể (x. Mt 1, 1-25). Nhưng tại sao trong trình thuật Hiển Linh quan trọng này, từ đầu đến cuối, thánh sử lại không nhắc đến sự hiện diện của Thánh Cả?

Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a,
liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp,
lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. 
(c. 11)

Xem ra cũng thật là kì lạ! Khi có quà (vàng, nhũ hương và mộc dược), thì “người ta” không nhắc tới Thánh Giuse; nhưng khi có việc, Thánh Giuse của chúng ta lại được nhắc tới, và được nhắc tới lúc ngài đang ngủ ngon!

Này ông Giuse, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người
trốn sang Ai-cập! 
(c. 13)

  1. “Vì Sao của Người” (c. 1-2)

Có “mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông”, nghĩa là từ phía chúng ta, Đất Nước Việt Nam; vì thế hành trình của họ nói về chúng ta, mời gọi chúng ta và đại diện cho chúng ta. Họ còn được gọi là đạo sĩ, vì họ thường làm tư tế và cố vấn cho các vua[5]. Vì thế, chúng ta được mời gọi nhìn ra mọi dân tộc ngang qua hình ảnh các đạo sĩ. Chúng ta hãy hình dung ra và chiêm ngắm hành trình của các ông: để đi tìm Chúa, họ cần đến nhau như thế nào, họ cần vượt qua những khó khăn, ngăn trở hay thử thách nào?

Thật vậy, hành trình đi tìm Chúa của các đạo sĩ vất vả biết bao, bởi vì các ông phải vượt qua rất nhiều trở ngại: phải lìa bỏ quê hương, đến nơi thật xa và lạ, đối diện với những khác biệt về ngôn ngữ văn hóa, ngôi sao dẫn đường lúc ẩn lúc hiện, bị lạc đường, phải hỏi thăm nhưng lại hỏi thăm lầm người, bị lừa dối…; và chúng ta còn có thể hình dung ra biết bao khó khăn khác nếu chúng ta đặt mình vào hành trình của các đạo sĩ. Như các đạo sĩ, chúng ta được mời gọi khao khát đi tìm gặp Chúa, nhất là trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay dâng hiến; và trong hành trình đi tìm Chúa, chúng ta cần đến nhau và cần đến Ngôi Sao dẫn đường biết bao, nghĩa là cần đến Ánh Sáng Lời Chúa, Ánh Sáng Tin Mừng, Ánh Sáng Phúc Âm, Ánh Sáng Ngôi Lời Sáng Tạo soi dẫn.

Và họ không thể hiệp nhất và cùng đi về một hướng nếu không có “Vì Sao”. Chúng ta hãy chiêm ngắm “Vì sao của Người” và xin Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu được hết ý nghĩa, vì có tầm quan trọng đặc biệt giúp chúng ta hiểu Đức Ki-tô sâu hơn và rộng hơn:

  • “Vì sao” xuất hiện trên trời cao và bên phương Đông, nghĩa là ở nơi các dân tộc xa xôi. Như thế, Biến cố sinh ra nhỏ bé và nghèo hèn, nhưng lại có liên quan đến sáng tạo và các dân tộc xa xôi, ngang qua sự hiện diện của “Vì Sao”.

  • “Vì sao của Người”, không chỉ là hiện tượng thiên nhiên, nhưng còn là Logos, nghĩa là trật tự, hài hòa, vẻ đẹp, sinh động trong công trình sáng tạo, đã được bày tỏ cho các dân tộc ở rất xa rồi (x. Rm 1)

  • “Vì Sao của Người” không chỉ hiện diện trong sáng tạo nhưng còn trong văn hóa, niềm tin và những gì tốt đẹp nơi con người, ngang qua những giá trị nhân bản và thiêng liêng.

Như thế, Ngôi Lời trong sáng tạo, trong các nền văn hóa và Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể là một (Tv 19, 5 và Rm 10, 18). Nhận ra “vì sao của Người” hiểu như trên, sẽ dẫn người ta đến với Đức Giê-su Nazareth. Và đó chính là hành trình của các nhà chiêm tinh, của con người hôm nay và của chúng ta hôm nay. Vậy đâu là “Vì Sao của Người” dành cho tôi trong cuộc đời, hành trình ơn gọi, hoàn cảnh của tôi hôm nay?

  1. Vua Hê-rô-đê và mầu nhiệm Thập Giá (c. 3-8)

Tuy nhiên, tước hiệu “Đấng Ki-tô” (c. 4) và nhất là tước hiệu “Vua dân Do Thái” (c. 2) đã loan báo mầu nhiệm Thương Khó rồi, nghĩa là cách thức Người trở nên và là Vua của Dân Do Thái và của cả loài người, cách thức Người bày tỏ căn tính thần linh của Người là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời Thiên Chúa. Thật vậy, người ta sẽ lên án tử Người, khi Người nhận mình là “Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa” (x. Mt 26, 63); và tước hiệu “Vua dân Do Thái” (x. Ga 19, 19-22) sẽ gắn liền mãi mãi với Thập Giá Đức Ki-tô (INRI: Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum, nghĩa là “Giê-su Nazareth Vua Người Do Thái”). Ngang qua biến cố sinh ra, lớn lên và chịu thương khó, chúng ta nhận ra cách Ngài làm Vua, đó không phải là cách thức của con người, cụ thể là cách thức của Vua Hê-rô-đê, nhưng là cách thức của Thiên Chúa.

Ngôi Lời Thiên Chúa đến với thế giới loài người cách âm thầm, khiêm tốn và đơn sơ đã làm cho người Do thái, mà các thượng tế và kinh sư là đại diện, dửng dưng, cho dù họ có cả lịch sử cứu độ được ghi chép thành Sách Thánh, loan báo Đấng Mêsia. Nhưng điều kì lạ là, những người ở phương xa thì tìm kiếm và đơn sơ nhận biết Chúa, khởi từ những dấu chỉ xa xôi và gián tiếp. Điều này có thể chất vấn chúng ta, là những người được Chúa ban cho rất nhiều ơn huệ và dấu chỉ để nhận biết, thờ lạy và ca tụng Chúa.

Nhưng điều kì dị nhất, đó là Đấng Cứu Thế đến hiện diện nhỏ bé, khiêm tốn và hiền lành, nhưng lại làm bật lên sự ghen ghét và ý muốn loại trừ bằng bạo lực. Vì trái với nhân tính, nên ghen ghét và bạo lực phải được che đậy bằng vẻ bề ngoài thiện ý: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. Vẻ bề ngoài giả dối và sẽ đạt tới tột đỉnh nơi cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô.

Vua Hê-rô-đê đại diện cho quyền bính xã hội, các thượng tế và kinh sư cho quyền bính tôn giáo. Hai quyền bính sẽ có mặt và đi tới cùng ý định loại trừ Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó. Đó là những điều kì lạ và kì dị. Nhưng điều kì lạ nhất là, một đàng, Chúa vẫn cứ để mọi sự đi tới cùng, đàng khác, mọi sự vẫn cứ ứng nghiệm lời Kinh Thánh, nghĩa là lịch sử cứu độ không thất bại, nhưng vẫn được hoàn tất. Trong trình thuật Hiển Linh, chúng ta nhận ra rằng, Chúa vẫn dẫn dắt lịch sử, vẫn hiện diện trong các biến cố ngang qua việc “báo mộng”, cho các nhà chiêm tinh và nhất là cho Thánh Giuse.

  1. Vì Sao và Hài Nhi (c. 9-12)

Chúng ta hãy chiêm ngắm sự tương hợp giữa “Vì Sao”, với những ý nghĩa chúng ta đã nhận ra, và “Hài Nhi bọc tã nằm trong máng cỏ”. Và khi cầu nguyện với trình thuật Hiển Linh, chúng ta còn được mời gọi chiêm ngắm cách Chúa làm cho mình được nhận biết. Khi sinh ra, để cho muôn dân được nhận biết, Chúa không chọn một hoàng tộc đang trị vì, không chọn sinh ra ở thủ đô hay trong một thành phố lớn, không chọn sinh ra trong cung điện; Chúa không tự làm cho mình lớn lên như thổi như một em bé đầy quyền năng và uy thế. Vậy, chúng ta hãy trở lại với hang đá, để chiêm ngắm hài nhi Giêsu “được bọc tã, nằm trong máng cỏ” và đang thiếp ngủ, bên cạnh có Đức Mẹ và Thánh Giuse thật bình dị như bao người cha và người mẹ khác.

Các đạo sĩ từ xa vượt qua biết bao nhiêu khó khăn và cuối cùng tìm thấy một khung cảnh như thế đó. Như thế đó, nhưng các ông đã sấp mình thờ lạy và dâng tặng cho Chúa những gì cao quí nhất của chính mình và diễn tả tâm tình tôn thờ và chúc tụng. Chúng ta hãy hình dung ra các nhà chiêm tinh sấp mình thờ lạy Người, và dâng tiến vàng, nhũ hương và mộc dược. Các quà tặng đã nói lên con đường Ngài sẽ đi: Ngài được trao ban vương quyền vĩnh cửu (vàng), nhưng phải vượt qua đau khổ và sự chết (mộc dược) bằng lời nguyện xin tín thác (nhũ hương). Sự nhỏ bé, khiêm tốn và hiền lành tột bực của Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, loan báo sự nhỏ bé, khiêm tốn và hiền lành tột bực của Đức Kitô chịu đóng đinh trên Thập Giá. Nhưng đó lại là cách Chúa chọn, Chúa yêu thích để bày tỏ sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa, để Hiển Linh cho loài người chúng ta.

Trong hành trình đức tin và nhất là trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng được mời gọi nhận biết Chúa, là Ân Huệ lớn lao nhất và tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa ban cho loài người chúng ta, giống như người phụ nữ Samari đã nhận biết Chúa trong trình thuật theo thánh Gioan (x. Ga 4). Khi cầu nguyện với trình thuật Hiển Linh, chúng ta hãy khao khát được nhận biết và hiểu biết Chúa nhiều hơn và xin Chúa bày tỏ cho chúng ta “Vì Sao” của Ngài, để cho chúng ta nhận biết và thờ lạy Ngài, như các nhà chiêm tinh.

*  *  *

Chúng ta đừng quên câu hỏi đã được nêu ra về cách hiện diện của Thánh Giuse trong Mầu Nhiệm Hiển Linh : Thánh sử Mát-thêu, trong sách Tin Mừng của mình, nhấn mạnh cách đặc biệt đến vai trò của thánh Giuse trong Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể; nhưng tại sao trong trình thuật Hiển Linh quan trọng này, từ đầu đến cuối, thánh sử lại không nhắc đến tên của Thánh Cả?

Đó là vì Thánh Giuse đã nhận ra Mầu Nhiệm quá lớn so với sự nhỏ bé và bất xứng của mình, Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Vì thế, ngay từ đầu, ngài đã muốn « lui lại phía sau » và ngài đã luôn muốn « lui lại phía sau » khi có cơ hội. Và cơ hội là đây, khi Hài Nhi Giê-su, với tư cách là Ngôi Lời, thu hút và tỏ mình ra cho các dân tộc xa xôi, ngang qua sự hiện diện của các đạo sĩ. Thánh sử Mát-thêu như đã nhận ra và tôn trọng tâm tình “lui lại phía sau” của Thánh Giuse, khi không nhắc đến tên của Thánh Nhân, mặc dù ngài chắc chắn đã hiện diện, nhưng một cách kín đáo trong thinh lặng; và cả sau đó nữa, thánh sử kể lại: “Này ông Giuse, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập!”. “Hài Nhi và Mẹ Người”, thay vì “vợ con ông”! Có một khoảng cách thần linh giữa ngài và Con Thiên Chúa cùng với Mẹ Người. Thánh Giuse luôn tôn trọng khoảng cách này và ngài tôn trọng đến cùng.

Hơn thế nữa, chúng ta còn được mời gọi nhận ra, ở đây, nơi Mầu Nhiệm Chúa Hiển Linh, Thánh Giuse như đã sống trước ơn huệ được “lui lại phía sau” cách trọn vẹn, sau khi đã hoàn tất sứ mạng “cưu mang” Ngôi Lời Chúa và để cho Ngôi Lời trở thành Đấng Emmanuen, nghĩa là “Thiên Chúa Ở Cùng Chúng ta”, và nhất là để cho Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, và cả Mầu Nhiệm Mẹ Thiên Chúa nữa, thực sự “Hiển Linh” nơi mầu nhiệm Vượt Qua.

III. Tâm sự với Chúa và kết thúc với kinh Lạy Cha

*  *  *

Kinh Mân Côi
NĂM SỰ VUI

Thứ Tư Thì Ngắm

« Ðức Bà dâng Ðức Chúa Giêsu trong đền thánh »

*  *  *

“Bà Ma-ri-a và ông Giu-se
đem con lên Giê-ru-sa-lem,
để tiến dâng cho Chúa”

(St 15, 1-6 ; 21, 1-3 ; Dt 11, 8.11-12.17-19; Lc 2, 22-40)

Chúng ta có thể đọc các trình thuật Tin Mừng về thời gian sống ẩn dật của Đức Giê-su dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua như sau:

Các TM

Nguồn gốc
(từ đời đời
và trong thời gian)

Thử thách
(Thương Khó)

Mái ấm Nazareth
(Phục sinh)

Thánh Luca

– Truyền tin cho Đức Maria (Lc 1, 26-38)

– Sinh ra và được các mục đồng nhận biết
(2, 1-20)

– Tiến dâng Hài Nhi cho Thiên Chúa
(Lc 2, 21-38)

– Trở về Nazareth, miền Ga-li-lê
(Lc 2, 39-40)

– Đức Giê-su 12 tuổi (c. 41-52)

Thánh Mát-thêu

– Gia phả của Đức Giê-su và truyền tin cho thánh Giuse

– Sinh ra và được các nhà chiêm tinh nhận biết
(Mt 2, 1-12)

– Lánh nạn ở Ai-Cập
(Mt 2, 13-15)

– Các em bé bị giết hại
(c. 16-18)

– Định cư ở Nazareth
(Mt 2, 19-23)

Thánh Gioan

Ngôi Lời
(Ga 1, 1-18)

Thánh Mác-cô

Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa (Mc 1, 1)

Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Thánh Gia, ngang qua ba mầu nhiệm: dâng Hài Nhi Giê-su cho Đức Chúa trong Đền Thánh, tìm được Đức Giê-su 12 tuổi trong Đền Thánh và đời sống ẩn dật. Và trình thuật kể về mầu nhiệm Hài Nhi Giê-su được dâng cho Thiên Chúa trong đền thánh, nói cho chúng ta về Thánh Gia sống một cuộc sống bình thường về mặt Luật đạo sau biến cố Giáng Sinh; trình thuật Giáng Sinh, đến từ việc Thánh Gia sống theo luật đời.

Như thế, Thánh Gia dù được Thiên Chúa tuyển chọn và ban những ơn huệ đặc biệt để thực hiện những sứ mạng lớn lao trong chương trình cứu độ, nhưng vẫn sống cuộc sống như mọi người về mặt xã hội và tôn giáo, không có gì đặc biệt cả. Vì thế, trong trình thuật này, hoàn toàn không có gì lạ lùng. Và chính trong những điều nhỏ bé và bình thường, chúng ta được mời gọi nhận ra những điều phi thường và lớn lao.

(A) Thi hành Lề Luật (c. 21-24)

(B) Ngôn sứ Si-mê-on (c. 25-35) và ngôn sứ An-na (c. 36-38)

(A’) “Hoàn tất” Lề Luật (c. 39-40)

*  *  *

  1. Chuẩn bị

Khung cảnh: Đền thờ (Đức Giê-su và Đền thờ: lúc Người 12 tuổi, Người thanh tẩy Đền Thờ, người ta dựa vào lời của Người về Đền Thờ, để tìm lí do vu cáo); Đền thờ mới: chính Đức Ki-tô là Đền Thờ; là bất cứ nơi nào Đức Ki-tô hiện diện, là bất cứ nào Lời Ngài vang vọng.

Ơn xin:

  • Điều chúng ta ước ao, khởi đi từ những giờ cầu nguyện vừa qua.

  • Vẫn trong bầu khí của mầu nhiệm Giáng Sinh, khi chúng ta chiêm ngắm “Trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ”, xin mặc lấy tâm tình của Chúa Giê-su Hài Đồng nhỏ bé, khiêm tốn và hiền lành.

  • Xin có được niềm vui, niềm vui của Thánh Gia, của các mục đồng, của ngôn sứ Simeon và Anna, khi nhận Hài Nhi Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ.

  • Xin được lòng ước ao mãnh liệt, hiểu biết và yêu mến Chúa, theo gương Đức Mẹ và thánh Giu-se.

  1. Lắng nghe

  2. Theo Luật Chúa truyền (c. 21-24)

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Luca, khi kể lại mầu nhiệm Hài Nhi Giê-su được cha mẹ đem đến Đền Thánh để dâng cho Thiên Chúa, nói đến Lề Luật nhiều lần (c. 22, 23, 24, 27 và 39):

Bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
(c. 22-24)

Theo Lề Luật được ghi lại trong các sách Xuất Hành, Lê-vi và Dân Số, có ba nghi thức dành cho người mẹ sinh con trai đầu lòng: lễ cắt bì (St 17 và Lv 12, 3), dâng của lễ thanh tẩy người mẹ (Lv 12, 6-8), và thánh hiến cho Đức Chúa mọi con đầu lòng (Xh 13, 2). Về lễ thanh tẩy người mẹ sau khi sinh, luật buộc phải dâng một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, nếu nhà nghèo thì dâng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Như thế, Thánh Gia thuộc diện gia đình nghèo, như thánh sử Luca kể lại: “Và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.

Về người con trai đầu lòng, Đức Chúa phán với ông Mô-sê: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Ít-ra-en, dù là người hay là thú vật, nó thuộc về Ta” (Xh 13, 2) Tuy nhiên, vì lòng thương cảm, ông Mô-se đã cho chuộc lại:

Mọi con đầu lòng của giống lừa, ngươi sẽ lấy một con chiên mà chuộc lại; nếu ngươi không chuộc lại, thì đánh gãy ót nó đi. Còn mọi con đầu lòng của loài người trong số con cái ngươi, thì ngươi sẽ chuộc lại. Vậy mai ngày con của ngươi có hỏi: “Điều đó nghĩa là gì?” Thì ngươi sẽ nói với nó: “ĐỨC CHÚA đã dùng cánh tay mạnh mẽ của Người mà đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ…”  (Xh 13, 13-15; có thể đọc thêm Xh 34, 20 và Ds 18, 15-16)

Như thế, Luật không buộc dâng tiến con trai cho Đức Chúa, nhưng Đức Maria và thánh Giuse vẫn tiến dâng hài nhi Giêsu cho Đức Chúa. Như thế, các ngài đã “hoàn tất” lề luật bằng cách “vượt qua” lề luật, nghĩa  là chu toàn lề luật bằng lòng biết ơn và lòng mến (chứ không phải vì bị ép buộc), và được thúc đẩy bởi lòng biết ơn và lòng mến; vì thế, các ngài đã làm hơn cả sự đòi hỏi của luật. Đó chính là cách mà sau này Đức Giê-su mời gọi chúng ta “hoàn tất” Lề Luật (x. Mt 5, 17-48).

Trong cuộc sống, nhất là trong đời sống dâng hiến, chúng ta luôn được mời gọi không chỉ sống theo lề luật những còn chọn sống theo một năng động, năng động qui về Chúa hay năng động qui về mình hoặc “những sự khác”, bởi vì Luật không thể qui định hết mọi việc phải làm hay phải tránh. Vì thế, trong truyền thông đời tu, ngày lễ Dâng Hài Nhi Giê-su cho Thiên Chúa, thường được chọn để tổ chức lễ khấn; hoặc bài Tin Mừng này thường được chọn cho ngày lễ khấn.

Trong mầu nhiệm Truyền Tin, Đức Maria đã nói lên lời xin vâng: « Tôi đây là nữ  tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như như lời sứ thần nói ». Lời này của Đức Maria phát xuất từ năng động của lòng biết ơn và yêu mến; vì thế, Mẹ ước ao những gì xẩy ra cho mình không còn theo ý mình, chương trình của mình nữa, nhưng là theo ý muốn của Thiên Chúa. Và chính trong tâm tình của lời “xin vâng”, mà Mẹ được mời gọi dâng lại cho Thiên Chúa chính người con mình sinh ra, giống như Abraham, người con từ xương thịt máu huyết của mình, để cho người con thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, chứ không phải của mình; và nếu theo kế hoạch của Thiên Chúa, thì Mẹ phải chịu thử thách và đau khổ nhiều, như cụ Si-mê-on tiên báo: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (c. 35) Như thế, Mẹ Maria đã học biết dâng con mình cho Đức Chúa ngay lúc sinh ra. Và phải sống điều này từng ngày (biến cố 12 tuổi là dấu chỉ). Thế mà, Đức Giêsu đối với mẹ là yêu quí nhất, thiết thân nhất, gắn bó nhất, và như là chính bản thân mình.

Còn chúng ta, dĩ nhiên chúng ta không có « người con duy nhất », nhưng chúng ta luôn có những điều yêu quí, thiết thân, gắn bó như chính bản thân mình. Luật không buộc chúng ta phải dâng tiến đời mình trong đời tu, dâng tiến những gì mình có và mình là, dâng tiến ý riêng, quyền làm cha làm mẹ, quyền sở hữu. Nhưng chúng ta, giống như Đức Maria, chúng ta dâng tiến tất cả vì lòng biết ơn và yêu mến. Nếu không có lòng biết ơn và lòng yêu mến, chúng ta không thể sống đời tu, còn được gọi là « đời dâng hiến ».

  1. Ngôn sứ Si-mê-on và ngôn sứ An-na (c. 25-38)

  2. Ngôn sứ Si-mê-on (c. 25-35)

Chính trong hành động dâng tiến điều quí giá nhất, là Hài Nhi Giê-su, mà ơn cứu độ được nhận ra và tuyên xưng bởi ngôn sứ Si-mê-on. Ông là người công chính và sùng đạo, mong chờ niềm an ủi của Israen, và cũng là của chính ông (được diễn tả qua lời chúc tụng). Đặc biệt « Thánh Thần ngự trên ông » (« Thánh Thần » được nói tới 3 lần), ông là con người thiêng liêng. Ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng :

Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi,
vì chính mắt con được nhìn thấy ơn cứu độ.

Chắc chắn ông đã phải chờ đợi biến cố này rất lâu. Chúng ta cũng cần học ở nơi ông sự kiên nhẫn chờ đợi ơn an ủi. Như chúng ta đều biết, lời chúc tụng của ngôn sứ Si-mê-on trở thành lời kinh tối hằng ngày của chúng ta, bởi vì mỗi tối nhắc nhớ chúng ta thời điểm cuối cùng của cuộc đời chúng ta, tất yếu sẽ đến và không biết đến lúc nào ; và chúng ta được mời gọi như ngôn sứ Si-mê-on, cũng nói lên niềm vui được nhìn thấy ơn cứu độ.

Khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa, lòng ước ao của chúng ta và Thánh Thần làm cho chúng ta nhận ra, gặp gỡ, lắng nghe, học tập để hiểu biết và yêu mến Chúa, ngang qua những gì rất « nhỏ bé và đơn sơ », đó là Lời Kinh Thánh.

Chúng ta được mời gọi nhận ra sự tương phản : một bên là em bé mới sinh, yếu đuối, nhỏ bé, bất lực ; một bên là niềm tin thật lớn và niềm vui cũng thật lớn : ông nhìn thấy ơn cứu độ nơi Đức Giêsu bé nhỏ. Ơn cứu độ mà ông nhìn tận mắt là gì, là ai: một em bé, trong tay vợ chồng trẻ đơn sơ bình dị (bố là thợ mộc, mẹ là nội trợ; giống như cha mẹ nhiều người trong chúng ta). Nhưng niềm vui đến từ xác tín thật là lớn. Chúng ta chứng kiến và đón nhận nhiều hơn thế, nhưng chúng ta ít vui bằng.

Các mục đồng được các thiên thần loan báo tin trọng đại, nhưng điều mà họ nhìn thấy, chỉ là một hài nhi bọc tả. Sau này, các môn đệ, và cả loài người chúng ta được mời gọi nhìn ra ơn cứu độ nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, cũng yếu đuối, nhỏ bé và bất lực. Nhưng điều chúng ta tin, lại là sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa.

Vị ngôn sứ cũng loan báo khó khăn của Đức Giêsu, nhưng đồng thời đó cũng là cuộc “thương khó” của Đức Maria: “Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng… Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” Con tim của Mẹ sẽ tan nát, khi mất đi người con. Nhưng mẹ đã học để mất từ từ rồi và ngay ở đây, khi dâng Người Con yêu dấu và duy nhất cho Đức Chúa. Nhưng chính khi cho là lãnh nhận, lãnh nhận gấp trăm ; thực vậy, Mẹ sẽ nhận lại Người Con rạng ngời trong mầu nhiệm Phục Sinh cùng với « một đàn con đông đúc ».

  1. Nữ ngôn sứ An-na (v. 36-38)

Vị nữ ngôn sứ ở tuổi tám mươi, không nói gì cả, chỉ sống hi sinh âm thầm mà thôi. Trong khi đó ông Simon thì nói nhiều! Bà sống như một nữ tu kín thật lâu: cứ cho là bà lấy chồng lúc 20 tuồi, 7 năm sau thì ở góa, và đến nay đã ở góa được năm mươi bảy năm! Bà là hình ảnh sống động của sứ điệp mà trình thuật Tin Mừng muốn truyền đạt cho chúng ta: đó là dâng lại cho Đức Chúa tất cả. Thật vậy, như bài Tin Mừng diễn tả, “bà không rời bỏ đền thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa”. Chính vì thế mà bà cũng được ơn nhận ra ơn cứu độ nơi hài nhi Giêsu.

Và sau khi gặp gỡ hài nhi, bà “nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem”.

  1. Hoàn tất Lề Luật (v. 39-40)

Sau khi hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, Thánh Gia trở về cư ngụ ở làng Nadarét, miền Galilê. Tiếp theo là đời sống ẩn dật kéo dài suốt 30 năm, và các Tin Mừng hầu như không kể lại gì về thời gian này. Tại sao? Đơn giản là vì, đời sống này rất đỗi bình thường, như cuộc đời của chính chúng ta. Chẳng có gì đặc biệt để có thể viết thành sách hồi kí với những tình tiết và giai đoạn sóng gió, li kì.

Bình thường, nhưng cũng rất lạ lùng, vì sự kì diệu của ngôi vị Đức Giêsu trong lời nói và việc làm sau này được chuẩn bị từ thời gian âm thầm này. Chẳng hạn, cách Ngài nói về Chúa Cha, cách Ngài giảng bằng các dụ ngôn, cách Ngài tiếp xúc với những người bệnh tật, thấp hèn, tội lỗi, nhỏ bé… chắc chắn xuất phát từ kinh nghiệm sống sâu xa và sự học hỏi bền bỉ trong những năm tháng dài của đời sống ẩn dật. Theo gương Đức Giê-su Hài Đồng và Niên Thiếu, chúng ta được mời gọi đón nhận tối đa thời gian chuẩn bị, huấn luyện, học tập, thực tập… thay vì để lãng phí, và nhất là thời gian tĩnh tâm cầu nguyện.

Và trong thời gian này, “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan” (c. 40). Ngài đầy khôn ngoan, nhưng là sự khôn ngoan nào? Chúng ta được mời gọi cảm nhận nơi Ngài sự khôn ngoan thần linh, được tỏ bày trong lời nói và việc làm của Ngài, và nhất là nơi Thập Giá. Thập Giá dưới mắt của con người là điên rồ và sỉ nhục, nhưng đối với chúng ta, những người được Chúa kêu gọi, lại là Khôn Ngoan thần linh (x. 1Cr 1, 24).

III. Tâm sự với Chúa, với Thánh Giuse và với Đức Maria. Kết thúc với kinh Lạy Cha

*  *  *

Kinh Mân Côi
NĂM SỰ VUI

Thứ Năm Thì Ngắm

“Đức Bà tìm được Đức Chúa Giê-su
trong Đền Thánh” 
(Lc 2, 41-50)

  1. Chuẩn bị

Khung cảnh: hành trình hành hương Giê-ru-sa-lem của Thánh Gia, nhất là hành trình “đi ngược dòng” trong ba ngày để tìm kiến Đức Giê-su.

Ơn xin: xin được khao khát Đức Giê-su và tìm kiếm Ngài như Đức Mẹ và thánh Giuse; hay xin có được tâm tình của Đức Giê-su, bình tâm với mọi sự, khao khát Thiên Chúa Cha và sống theo sự thúc đẩy và lời mời gọi của Người.

  1. Lắng nghe

  2. Mầu nhiệm Vượt Qua (c. 41)

Lễ Vượt Qua là thời gian người Do Thái tưởng nhớ ơn huệ được giải phóng khỏi nơi tù đày và chết chóc và trở thành Dân Riêng của Đức Chúa ; ơn được ban cho thế hệ đầu tiên, nhưng những thế hệ sau này là người thụ hưởng : « không có biến cố Xuất Hành, thì đã không có tôi, không có thế hệ của tôi hôm nay ». Trong đời sống Ki-tô hữu cũng vậy, chúng ta luôn phải tưởng nhớ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô khi cử hành bí tích Thánh Thể, bởi vì không có mầu nhiệm Vượt Qua, thì sẽ không có Giáo Hội, không có các Ki-tô hữu là chúng ta. Và cũng thế trong đời sống dâng hiến, chúng ta cũng luôn phải tưởng nhớ các vị sáng lập Hội Dòng, vì không có vị sáng lập, thì không có các tu sĩ, là chúng ta hôm nay.

Đặt vào bối cảnh của đời sống ẩn dật, biến cố lạc mất Đức Giê-su là một biến cố nhỏ bé của đời thường ; nhỏ bé của đời thường, nhưng lại liên quan đến những mầu nhiệm lớn nhất của lịch sử cứu độ :

  • Trước hết, đó là biến cố Xuất Hành, bởi vì đó là bầu khí lễ Vượt Qua của người Do Thái.

  • Và việc tìm lại được Đức Giê-su sống động, sau ba ngày bị lạc mất, loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su, nghĩa là biến cố chết và phục sinh của Người.

Xin cho chúng ta, nhờ lời cầu bầu của Đức Maria, nhận ra những biến cố đã xẩy ra trong cuộc đời chúng ta đều qui về mầu nhiệm Vượt Qua, và xin cho chúng ta cũng biết khởi đi từ mầu nhiệm Vượt Qua và hướng về mầu nhiệm Vượt Qua khi phải sống những biến cố nhỏ bé và đời thường trong tương lai. Sống Mầu nhiệm Vượt Qua :

  • Là xác tín rằng Chúa sẽ mở đường cho chúng ta đi, ở nơi mà chúng ta tưởng là ngọt cụt, giống như biến cố vượt qua Biển Đỏ.

  • Là Chúa có thể làm phát sinh sự sống, ở nơi mà chúng tưởng là thất bại, là chấm hết, là không thể, là không còn hi vọng gì, như trường hợp của bà Elizabeth.

  • Là Chúa có thể làm phát sinh sự sống tuyệt hảo, ở nơi không thể, như trường hợp cung lòng trinh nguyên của Đức Mẹ.

  • Là chuyển điều xấu, tội lỗi thậm chí sự dữ thành điều tốt cho chúng ta, như trường hợp điều xấu mà các anh làm cho em Giuse, trong gia đình tổ phụ Gia-cóp (x. St 50, 19-20).

  1. Cả gia đình cùng lên đền (c. 42-47)

Chúng ta hãy hình dung ra khung cảnh và bầu khí rộng lớn của lễ Vượt Qua. Đi vào tâm tình của Thánh Gia. Nhất là Đức Maria và thánh Giuse, nhớ lại kỉ niệm cách nay 12 năm. Nếu muốn, chúng ta có thể hình dung ra cuộc sống của Thánh Gia trong 12 năm qua. Xong kỳ lễ, đi về một ngày đường, thì cha mẹ nhận ra mình bị lạc mất Đức Giê-su. Chúng ta nên hình dung ra những chặng đường mà các ngài phải trải qua trong ba ngày tìm kiếm: đi một ngày, nhưng phải mất ba ngày trở lại tìm kiếm; nhất là hiểu thấu và cảm thông điều mà chính Đức Maria sẽ nói với Đức Giêsu về sự “cực lòng” của cha mẹ. Đâu là ý nghĩa của biến cố lạc mất Đức Giê-su đối với thánh Giuse và Đức Maria ? Chúng ta hãy tự mình khám phá ra. Sau đây là một vài gợi ý :

  • Đó là sống lời « xin vâng », mà các ngài đã thưa với Thiên Chúa trong biến cố truyền tin. Cũng tương tự như khi chúng ta được mời sống giao ước của chúng ta mỗi ngày, giao ước hôn nhân hay dâng hiến.

  • Và khi sống lời “xin vâng”, các ngài đã học để cho Đức Giêsu vượt khỏi tay mình từ từ, để sống cho một kế hoạch khác, một ơn gọi khác, một Đấng Khác. Tương tự như các bậc cha mẹ, như chính chúng ta đối với những người thân yêu và những điều thiết thân.

  • Ba ngày mất Đức Giê-su, rồi tìm lại được Ngài ở trong Nhà Thiên Chúa Cha, đã loan báo mầu nhiệm Vượt Qua mà Đức Maria sẽ trải qua, và mỗi người chúng ta cũng phải trải qua.

Đức Giê-su ở lại đền thờ, chúng ta có thể tự hỏi: tại sao Ngài lại quyết định ở lại Đền Thờ? Có thể là, một cách hồn nhiên, Ngài đã để cho Đền Thờ và những gì thuộc về Đền Thờ cuốn hút Ngài, giữ chân Ngài lại, khiến Ngài bỗng chốc quên đi tất cả, quên cả cha cả mẹ, để hướng tới Vô Biên. Đền Thờ là nơi, Ngài đã được bố mẹ tiến dâng cho Đức Chúa, khi mới sinh ra. Sau này Đức Giêsu sẽ phải đối diện nhiều với các thầy dạy (luật sĩ, tư tế, thượng tế, rộng hơn là các trưởng lão, những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, Sa-đốc…), và lúc nào Ngài cũng tỏ ra khôn ngoan, không phải khôn ngoan của người đời, nhưng là của Thiên Chúa. Ngài đã chuẩn bị và được chuẩn bị ngay lúc này rồi. Hình ảnh này nói lên điều mà thánh Phao-lô sau này sẽ suy tư vừa rộng vừa sâu về mối tương quan giữa Tin Mừng (Đức Giêsu) và Lề Luật (các thầy dậy), đặc biệt là về luật sa-bát, Mười Điều Răn, luật rửa tay, ăn chay, cầu nguyện, bố thí…

  1. Lắng nghe Đức Maria và Đức Giê-su (c. 48-52)

Sau ba ngày tìm kiếm trong vất vả và nhất là trong lo âu, thánh Giuse và Đức Maria tìm lại được Đức Giê-su trong Đền Thờ, lúc đó mới 12 tuổi. Đức Maria nói với Đức Giêsu:

Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?
Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!

Lời của Đức Maria thật là hay, vì vừa dịu dàng và nói lên tình thương, nhưng vừa nghiêm khắc. Chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh của thánh Giuse và Đức Maria để hiểu và cảm được hết sự “cực lòng” của các ngài: đi một ngày, nhưng phải tìm kiếm tới ba ngày! Sự “cực lòng” không chỉ của người cha và người mẹ, như bất cứ người cha và người mẹ nào, khi để lạc mất người con yêu dấu, nhưng còn sự “cực lòng” của người tôi tớ và của người nữ tì trong tương quan với Thiên Chúa, khi để lạc mất Con Đấng Tối Cao. Chúng ta hãy hình dung ra tâm trạng lo âu của thánh Giuse và Đức Maria lớn đến mức nào, khi các ngài thầm nghĩ: “Thiên Chúa trao phó cho mình Con của Ngài, để thực hiện kế hoạch cứu độ, vậy mà mình lại để lạc mất!”

Và nếu chúng ta để ý, đó là lời của Đức Maria, nhưng Mẹ không nhân cá nhân mình, nhưng nói với Đức Giê-su với tư cách là “cha mẹ” của Ngài; hơn nữa, Đức Mẹ còn tỏ lòng kính trọng thánh Giuse khi nói: “cha con và mẹ đây”. Ngoài ra, trong trình thuật này, từ đầu đến cuối, thánh sử Luca luôn nói tới: “cha mẹ”, “ông bà”, “hai ông bà”. Thật vậy, “hai ông bà” trở về sau kỳ lễ, “cha mẹ” chẳng hay biết, “ông bà” cứ tưởng, “ông bà”đều cực lòng tìm con suốt ba ngày; và khi thấy con, “hai ông bà” đều sửng sốt. Chúng ta có thể dừng lại để cảm nếm sự hiệp thông và hiệp nhất giữa Thánh Giuse và Đức Maria, con tim và tình yêu của các ngài dành cho nhau và cho Đức Giê-su. Đức Giê-su trả lời như trách hỏi lại cha mẹ:

Sao cha mẹ lại tìm con?
Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?

Lời nói đầu tiên (theo lời kể của sách Tin Mừng theo thánh Luca) của Đức Giêsu có khó nghe quá không? Sau này, Ngài còn nói những câu khó nghe nữa với Đức Maria: “Ai là mẹ tôi, ai là anh em, chị em của tôi?”. Nhưng lời của Đức Giê-su không chỉ khó nghe, nhưng còn khó hiểu! Chúng ta hãy đặt mình vào trường hợp của các ngài: “Ông bà không hiểu lời Người vừa nói”. Trong đời sống ơn gọi, chúng ta cũng không hiểu nhiều điều. Lời Chúa trong Kinh Thánh cũng vậy, vấn đề ý nghĩa luôn không dễ dàng.

Ở đây, chúng ta có thể nhận ra thách đố của mọi gia đình. Thách đố của cha mẹ: đó là con mình sinh ra và thuộc về mình, nhưng người con còn là quà tặng của Thiên Chúa, là con Thiên Chúa. Thách đố của người con: vừa sống sự chờ đợi (vâng lời) của cha mẹ, và vừa sống sự chờ đợi của Cha trên trời. Nhưng cả hai thách đố đều, một đàng làm cho tương quan ruột thịt trở nên đích thật và triển nở, và đàng khác, nhắm đến tương quan rộng mở của Nước Trời. Bởi vì, mọi ơn gọi đều hướng tới tương quan Nước Trời: Ơn gọi gia đình khởi đi từ tương quan ruột thịt để mở ra với tương quan Nước Trời: Mọi người là con của Cha, mọi người là anh chị em của nhau. Tuy nhiên, ơn gọi tu trì làm cho tương quan ruột thịt bị đứt đoạn, vừa để chất vấn mọi người và vừa để xây dựng tương quan Nước Trời ngay hôm nay và chỉ sống và làm chứng cho tương quan Nước Trời.

Nhưng nếu Đức Giê-su đã nói lời khó nghe, thì thái độ “đi xuống” cùng với cha mẹ, và hằng ngoan ngoan và vâng phục các ngài, sẽ bù lại (c. 51-52). Hay đúng hơn, Ngài cũng khám phá ra ý của Cha trên trời cũng được thể hiện nơi ý của cha mẹ. Tình yêu Ngài dành cho Cha trên trời cũng được thể hiện nơi tình yêu Ngài dành cho cha mẹ ở dưới đất. Về Đức Giê-su và về tất cả (không chỉ cuộc đời nhập thể, nhưng toàn bộ Kinh Thánh, nghĩa là sáng tạo và lịch sử) liên quan đến người, chúng ta hãy noi gương Đức Maria, Mẹ của chúng ta:

« Hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng »

 

Chúng ta cũng hãy cùng lắng nghe sự thinh lặng của thánh Giuse nữa: tại sao thánh Giuse không lên tiếng, khi đây là cơ hội thích hợp nhất để ngài lên tiếng? Trong những biến cố khác, được các Tin Mừng  thuật lại, ngài cũng im lặng, nhưng trong biến cố này sự im lặng của Ngài là khó hiểu nhất, là tuyệt đối nhất, nhưng chắc chắn cũng nhiều ý nghĩa nhất và đánh động chúng ta nhất, nếu chúng ta biết lắng nghe.

Đọc thêm

Thánh Giuse
và Mầu Nhiệm Vượt Qua 
(Mt 2, 13-23)

Những gì xẩy ra cho Đức Giêsu từ lúc sinh ra cho đến khi từ Ai Cập trở về (Mt 2, 1 – 23) như đã báo trước cả cuộc đời của Đức Giêsu rồi. Và hành trình này của Thánh Gia nhỏ bé cũng họa lại cả một lịch sử cứu độ, nhất là biến cố Ai Cập xưa của dân Thiên Chúa. Thánh Gia nhỏ bé, khiêm tốn và âm thầm, nhưng lại thâu tóm hết cả lịch sử cứu độ, và ngang qua lịch sử cứu độ, nhân loại và cuộc đời của chúng ta; bởi vì đó là thử thách tận căn. Và tất cả là để hướng về mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, nghĩa là hướng về sự sống, ngang qua sự chết.

Trình thuật “Vượt Qua” của Thánh Gia theo Tin Mừng của thánh Mát-thêu có cấu trúc song song đối xứng như sau:

(A) Trốn sang Ai-cập (c. 13-15);

(B) Các hài nhi bị giết (c. 16-18);

(A’) Trở về Israel (c. 19-23).

  1. Trốn sang Ai-cập

Chúng ta hãy chiêm ngắm Thánh Giuse, đảm nhận sứ mạng đưa Thánh Gia lánh sang Ai-Cập : lắng nghe tiếng Chúa trong giấc ngủ, trỗi dậy, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-Cập, cuộc sống của Thánh Gia ở Ai cập. Chúng ta được mời gọi hiểu biến cố này ở tầm lịch sử cứu độ, vì có liên quan đến cách Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể đảm nhận lịch sử các dân tộc, và lịch sử của mỗi người chúng ta. Thật vậy, theo bản gia phả, Đức Giê-su thuộc về một dân tộc ; trong biến cố lánh sang Ai-Cập, Người « mang vào mình » lịch sử của dân tộc mà Người muốn thuộc về cách tự nguyện, và qua đó, Người mang vào mình lịch sử của mỗi người chúng ta.

Và lời Kinh Thánh « Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập » nhắc nhớ biến cố Xuất Hành. Trong đêm Vượt Qua, theo lệnh của Đức Chúa, người Do Thái sát tế chiên con. Sự vô tội của con chiên tượng trưng cho sự vô tội của các con trai đầu lòng Ai Cập : « Ngài sát hại các con đầu lòng Ai Cập » (Tv 136, 10). Con chiên vô tội bị sát tế chính là món nợ của Israel đối với Ai-cập. Vậy thì khi nào Israel trả được nợ cho Ai Cập và hai dân tộc được giao hòa ?

Đó là lúc Đức Giê-su mang lấy chỗ của Con Chiên, Ngài sẽ làm cho Ai Cập (nghĩa là dân ngoại) và Israel (nghĩa là dân được tuyển chọn) trở thành một dân tộc duy nhất và thánh thiện bằng chính máu của Ngài ; và giữa chúng ta, nếu có mắc nợ hay hận thù gì, Ngài cũng hòa giải và làm cho chúng ta nên một, bằng chính máu của Ngài, được hiện tại hóa mỗi ngày nơi Bí Tích Thánh Thể.

  1. Các hài nhi bị giết

Sự kiện Hài Nhi Giê-su vừa sinh ra đã có người tìm giết, phải đánh động chúng ta, vì đó là một mặc khải đặc biệt cho thế giới và xã hội chúng ta đang sống, liên quan đến thái độ của con người đối với trẻ em và thai nhi. Đó là một mặc khải vừa đưa ra ánh sáng Sự Dữ đang hoành hành và vừa hướng tới niềm hi vọng.

  1. Sự Dữ

Hình ảnh đám lính vừa đông vừa được trang bị khí giới và vừa say máu bách hại trẻ em vô tội, nhỏ bé và yếu ớt, diễn tả thật rõ ràng bản chất của Sự Dữ: đó là thú tính và giết hại vô cớ (x. Ga 15, 25; Tv 35, 19; 69, 5). Nhưng trong cùng một biến cố bi đát, điều ngược lại được mặc khải, đó là bản chất đích thật của Hài Nhi Ngôi Lời Thiên Chúa, là không dùng bạo lực chống lại bạo lực, nhưng là sự hiền lành thần linh; lúc này, Ngài lánh đi, như sau này Ngài sẽ làm như thế nhiều lần (x. Tv 8).

Sự kiện này loan báo mầu nhiệm Thập Giá; và Thập Giá sẽ nêu bật hơn nữa và một cách tuyệt đối bản chất này của Sự Dữ, bởi lẽ, trong cuộc Thương Khó, Sự Dữ sẽ đi đến cùng, nghĩa là giết chết Đấng Vô Tội tuyệt đối! Tuyệt đối mặc khải tuyệt đối. Nhưng đồng thời, căn tính của Thiên Chúa cũng trở nên sáng ngời nhất nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh. 

  1. Niềm hi vọng

Kẻ thù tìm giết một hài nhi, rồi tàn sát các hài nhi khác. Điều này thật khủng khiếp. Nhưng ngày nay có một điều còn khủng khiếp hơn, người thân yêu nhất của hài nhi hay thai nhi, hay những người có sứ mạng chăm sóc hài nhi hay thai nhi, tự biến mình thành “kẻ thù” của bé thơ. Trước thực tại đau lòng này, chúng ta dựa vào đâu để có sức mạnh chịu đựng và dựa vào đâu để vẫn có thể hi vọng, nếu không phải là nơi tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, bày tỏ cho chúng ta nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh (Rm 8, 37-39)? Giáo Hội của chúng ta đã nhận ra tình yêu nhưng không này của Thiên Chúa, khi tôn phong các hài nhi bị giết hại, và gọi các vị là “Các Thánh Anh Hài”.

Ngang qua hành động của Sự Dữ, thời xưa cũng như thời này, lời Kinh Thánh vẫn cứ được ứng nghiệm (c. 15); điều này có nghĩa là Sự Dữ không những không thể ngăn cản, mà còn được Thiên Chúa dùng, để làm cho kế hoạch cứu độ đi đến cùng. Thực vậy, các Anh Hài chết thay cho Hài Nhi Giê-su, nhưng sau này, Hài Nhi Giê-su sẽ chết cho những hài nhi xưa kia đã chết cho Ngài, cho tất cả các hài nhi và thai nhi bị ruồng bỏ ở mọi thời và mọi nơi. Ngài “phải chịu chết”, như Ngài sẽ dạy các môn đệ, và qua các môn đệ Ngài dạy chúng ta mỗi ngày (Mc 8, 31; 9, 31), để mở đường cho chúng ta đi vào cõi sống và ánh sáng vĩnh hằng.

  1. Sự Dữ và trẻ em hôm nay

Những đe dọa của thế giới và xã hội chúng ta đang sống đối với con trẻ và rộng hơn là đối với giới trẻ cũng “nguy hại” không kém những thời bách hại. Bởi lẽ, ngày nay, con trẻ và giới trẻ không còn bị đe dọa về sinh mạng, nhưng sự trưởng thành nhân bản và đức tin lại bị đe dọa một cách phức tạp và nghiêm trọng. Vậy thì phải làm sao? Chúng ta hãy noi gương Thánh Giuse. Bởi lẽ, trong thử thách lớn lao này và chắc chắn trong mọi thử thách khác của Thánh Gia, ngài không làm điều khác hơn là lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Xin cho chúng ta cũng biết như thánh Giuse, gắn bó, yêu mến và ưng thuận trọn vẹn đối với Lời Thiên Chúa.

Xin tình yêu thương xót của Thiên Chúa, là ánh sáng và chỉ là ánh sáng (x. 1Ga 1, 5), được tỏ bày cho loài người tội lỗi chúng ta nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh, cũng được ban cho các em bé và thai nhi chịu ngược đãi và giết hại trong thời đại của chúng ta, như đã được ban cho các Thánh Anh Hài. Và xin cho chúng ta được quảng đại hơn trong sứ mạng bảo vệ và phục vụ sự sống, bởi vì Thiên Chúa là nguồn sự sống và là sự sống viên mãn mà chúng ta hướng về.

  1. Trở về đất Israel

Khi chiêm ngắm Thánh Giuse và Thánh Gia trong hành trình trở về, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, Sự Dữ có mặt và ngự trị, nhưng lời Kinh Thánh vẫn cứ ứng nghiệm : « Người sẽ được gọi là người Nazareth », cũng như hai biến cố trước (c. 15 ; 17-18). Xin cho chúng ta xác tín vào Sự Quan Phòng của Thiên Chúa.

Thánh Giuse hoàn toàn vắng mặt trong thời gian Đức Giêsu công bố mầu nhiệm Nước Trời, và chắc chắn ngài cũng không có mặt thật trọn vẹn trong thời gian Đức Giêsu sống ẩn dật. Tuy nhiên, những gì xẩy ra cho Đức Giêsu từ lúc sinh ra cho đến khi từ Ai Cập trở về (Mt 2, 1 – 23) như đã báo trước cả cuộc đời của Đức Giêsu rồi.

  • Được nhìn nhận bởi các đạo sĩ đến từ phương xa, nhưng cũng có biết bao nguy hiểm rình rập gây ra bởi vua Hêrôđê, các thượng tế, các luật sĩ (Mt 2, 1-12). Như thế, những gì sẽ xẩy ra cho Đức Giê-su trong thời gian rao giảng Tin Mừng Nước Trời như đã được báo trước ở đây.

  • Lánh sang Ai Cập, nhưng những trẻ vô tội phải đổ máu (2, 16-18). Sau này chính Đấng Vô Tội sẽ đổ máu trên Thập Giá.

  • Trở về « Đất Hứa » bình an để làm nên « Tổ Ấm Thánh Gia » (2, 19-23). Chúng ta có thể nhận ra nơi biến cố trở về này hình ảnh của ơn Phục Sinh và Đại Gia Đình Nước Trời, không dựa trên huyết thống, nhưng trên sự ưng thuận đối với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Thánh Giuse đã có mặt suốt cuộc hành trình này, hành trình họa lại lịch sử cứu độ và loan báo cuộc đời Đức Giêsu ; ngài không chỉ có mặt thôi, nhưng còn gánh vác bằng cách liên tục vâng theo sự dẫn dắt của chính Thiên Chúa.

Đức Maria đã có mặt dưới chân Thập Giá, còn thánh Giuse có mặt trong biến cố loan báo Thập Giá, và cũng là biến cố làm tái hiện lại biến cố Ai Cập xưa của dân Thiên Chúa. Dưới chân Thập Giá, Đức Maria thinh lặng và đứng vững (Ga 17, 25-27) ; và trong suốt cuộc hành trình giữa Israel và Ai-Cập, thánh Giuse cũng « thinh lặng và đứng vững ».

*  *  *

Thánh Giuse đã đón nhận Đức Giêsu vào cuộc đời của mình một cách tự do và nhưng không, và ngài đã thực hiện đến quên mình trong âm thầm. Các giấc mộng của ngài, rất tĩnh lặng nhưng tràn đầy tương quan ngôi vị, diễn tả cách tuyệt vời sự cho đi chính mình cách trọn vẹn này. Nhưng thánh Giuse còn có một sự thinh lặng lớn hơn nữa, đó là cách ngài « vượt qua » cuộc đời này : im lặng tuyệt đối nhưng nói cho chúng ta biết bao điều. Thật vậy, chúng ta không có một lời nào của các Tin Mừng và chẳng có truyền thuyết nào nói về sự ra đi của thánh Giuse ! Chẳng một lời nào, nhưng lại thâu tóm hết mọi sự, như chính cuộc đời của ngài đấy thôi. Vì đó là :

  • Cái chết của một người chồng và một người cha như bao người chồng và người cha trong các gia đình.

  • Cái chết của người lao động bình thường, như bao người lao động khác trong đời thường.

  • Cái chết của người công chính, như bao người công chính khác trong lịch sử cứu độ và lịch sử loài người.

Và tất cả là để cho Đấng Emmanuel, Thiên Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta hiển hiện. Nhưng « người hiền lành sẽ có được đất » (Tv 37, 11 ; Mt 5, 4). Lời hứa này đã được thực hiện cho thánh Giuse, đang được thực hiện cho những « Giuse khác » và cho biết bao con cái, nam cũng như nữ, của Thánh Cả Giuse.

Tuy nhiên, như chúng ta đã nhận ra ngay từ đầu, Thánh Giuse đã luôn ước ao được « lui lại phía sau » để cho Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể và Mầu Nhiệm Mẹ Thiên Chúa đi đến cùng và được tỏ bầy cách trọn vẹn. Và Thiên Chúa đã cho ngài toại nguyện, sau khi ngài hoàn tất sứ mạng cưu mang Ngôi Lời Nhập Thể và kết nối Người với lịch sử dân tộc Israel, và ngang qua dân tộc Israel, với lịch sử loài người ; nghĩa là Thiên Chúa đã cho ngài được « lui lại phía sau » để đi vào cõi thinh lặng vĩnh hằng, như ngài vẫn ưa thích sự thinh lặng. Nhưng chính lúc đó, nhờ với và trong Đức Ki-tô chết và phục sinh, ngài nói và hiện diện với nhân loại, với Giáo Hội và với từng người chúng ta nhiều nhất. Phải chăng đó mới là « đức công chính » đích thực của Thánh Cả Giuse ?

*  *  *

Đọc thêm

Chiêm ngắm
đời sống ẩn dật của Đức Giê-su

“Người đi xuống cùng với cha mẹ,
trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” 
(Lc 2, 39-40.50-51)

  1. Chuẩn bị

  • Kinh nguyện

  • Tiền nguyện I. Nhớ lại « lịch sử ».

  • Tiền nguyện II. Căn nhà và làng quê Nazareth.

  • Tiền nguyện III. Xin điều tôi ước ao, khi cầu nguyện với mầu nhiệm đời sống ẩn dật của Đức Giê-su.

– Nhận ra, hiểu và cảm đời sống ẩn dật của Chúa cách cụ thể và trong từng chi tiết (thời gian, lớn lên, thiên nhiên, kinh nghiệm sống, tương quan…), sự liên đới của Người với cuộc đời tôi và ý nghĩa thần linh của đời tôi nhờ với và trong Người.

– Xin Chúa khơi dậy lòng ước ao yêu mến và được ơn yêu mến Người, để « đi theo Người » (Sequela Christi) hơn.

  1. Lắng nghe (theo phương pháp chiêm niệm ; bởi vì suy niệm cần bản văn)

Để hiểu biết sâu xa Đức Giê-su, từ đó yêu mến và đi theo Người hơn trong ơn gọi, chúng ta được mời gọi không chỉ chiêm ngắm Người trong mầu nhiệm Giáng Sinh, nhưng chiêm ngắm Người cả mầu nhiệm đời sống ẩn dật của Người tại Na-da-rét nữa ; mầu nhiệm mà những gì xẩy ra trong thời gian thơ ấu hướng tới và là mầu nhiệm đời sống công khai của Ngài giả định, nhưng ít được chú ý và chiêm ngưỡng. Hơn nữa, thời gian của mầu nhiệm đời sống ẩn dật thật là dài, những ba mươi năm !

Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. (Lc 2, 39-40)

Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta. (c. 51-52)

  1. Đời sống ẩn dật của Đức Giê-su và đời sống của chúng ta

Đời sống ẩn dật của Đức Giê-su là thời gian đặc biệt gần gũi với cuộc sống của chúng ta, gần gũi đến độ các Tin Mừng không thấy cần phải kể lại. Như thế, để hiểu đời sống ẩn dật của Đức Giê-su, chúng ta chỉ cần khởi đi từ chính kinh nghiệm sống của chúng ta.

Cũng như bất cứ ai, trước khi cất lời rao giảng, nhất là giảng Lời Thiên Chúa, Đức Giê-su cũng đã tập nói và đã nói trong đời sống ẩn dật của mình, trong tất cả những tình huống của cõi nhân sinh, tương tự như những tình huống mà chính chúng ta đã trải qua trong cuộc đời. Chúng ta có thể hình dung ra, Ngài đã tập nói và đã nói những gì, về căn tính của Ngài trong tương quan với Thiên Chúa, về sứ mạng cứu độ của Ngài ? Các Tin Mừng kể rất ít về giai đoạn ẩn dật, nhưng lại mở ra cho chúng ta cả một mầu nhiệm khôn dò khôn thấu. Bởi lẽ, chính ở nơi Ngài, mà Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau và hòa giải với nhau, như chúng ta đã hiểu vả cảm nếm khi chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể ; chính từ nơi Ngài mà chúng ta đón nhận ơn huệ Thiên Chúa ban và nhất là ơn tha thứ và ơn chữa lành, là những ơn huệ làm cho chúng ta thực sự tái sinh với Chúa và với nhau ; và cũng chính ở nơi Ngài mà chúng ta sẽ khám phá ra và chiêm ngắm mọi ơn huệ của Thiên Chúa ban cho con người đạt đến mức viên mãn, tròn đầy.

Thực vậy, ngang qua quá trình lớn lên từ từ của Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể, trong dòng cuộc sống cụ thể, trong một gia đình, ở một làng quê, có một tôn giáo, một văn hóa, một lịch sử và một xã hội, mà ơn tha thứ và ơn tái tạo của Thiên Chúa đến với loài người, đến với từng người chúng ta. Như thế, tình yêu Thiên Chúa mang lấy « khuôn mặt của con người » nơi Đức Giê-su.

Vậy, nếu chúng ta có lòng ước ao hiểu biết sâu sa Đức Giê-su, và để có thể trả lời một cách đích thân và trong một ơn gọi cụ thể, câu hỏi Ngài đặt ra cho từng người chúng ta : « Còn con, con nói Thầy là ai ? », chúng ta không thể không chiêm ngắm cuộc đời ẩn dật của Ngài.

  1. Đời sống ẩn dật của Đức Giê-su và mặc khải của Thiên Chúa

Giai đoạn ba mươi năm sống ở Na-da-rét của Đức Giê-su dường như diễn ra một cách bình thường, không có biến cố gì đặc biệt, đáng ghi vào sử sách. Tuy nhiên, đó lại là một nơi chốn và một giai đoạn chất đầy mặc khải và sự hiểu biết thiết thân về Đức Giê-su, với tư cách là Ngôi Lời nhập thể. Nhà thần học nổi tiếng Urs Von Balthasar đã viết về đời sống ẩn dật của Đức Giê-su như sau :

Mỗi thời điểm trong cuộc đời của Ngài đã có được trong diễn biến của nó một đặc điểm của mặc khải vĩnh hằng… Đức Kitô, ở tất cả mọi giai đoạn thuộc cuộc đời trần thế của Ngài, Ngài là Lời được Chúa Cha công bố – không chỉ khi Ngài rao giảng giữa công chúng, … không chỉ khi lời của Ngài được viết lại, … không chỉ khi Ngài nói, nhưng cả khi Ngài thinh lặng hay cầu nguyện… Mỗi một năm tuổi, mỗi một giai đoạn cuộc đời của Ngôi Lời nhập thể được Thiên Chúa dùng để biểu lộ một cách quyết định sự viên mãn của Ngài và sự viên mãn này hiện diện tích cực nơi từng giai đoạn của đời Ngài.

Nhưng tại sao Đức Giê-su lại lưu lại suốt ba mươi năm trong một cuộc sống bình thường, khi mà những người nghèo, những người bệnh, những người tội lỗi đang đợi chờ từng ngày ơn giải thoát ? Lối suy nghĩ và hành xử của loài người chúng ta luôn đi theo một cách thức ngược lại : phô trương, sức mạnh và hiệu quả. Khi chọn lựa con đường dài và âm thầm, chắc chắn, Đức Giê-su có điều gì đó muốn mặc khải cho chúng ta về chính Ngài và về chương trình cứu độ của Ngài.

Khi tìm hiểu về mặc khải của Thiên Chúa nơi cuộc đời ẩn dật của Đức Giê-su, trình thuật Đức Giê-su ở lại trong Đền Thờ lúc 12 tuổi (x. Lc 2, 42-52) mang lại cho chúng ta một ánh sáng rực rỡ giúp chúng ta hiểu và cảm đời sống ẩn dật của Đức Giê-su ; tương tự như, những gì mà các Tin Mừng kể về đời sống công khai, sẽ giúp chúng ta hiểu ngược lại những gì đã diễn ra trong đời sống âm thầm của Đức Giê-su. Thực vậy, đời sống ẩn dật chính là nguồn của những gì Đức Giê-su sẽ nói và sẽ làm trong thời gian rao giảng Nước Trời. Trong thực tế, chúng ta chỉ chú ý đến « nguồn thần linh », đến trực tiếp từ thiên tình của Ngài và từ chính Chúa Cha, mà quên đi « nguồn nhân linh », là kinh nghiệm sống của cuộc đời bình thường ; bởi lẽ, qua mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Lời trở nên « xác phàm » thật sự ở giữa chúng ta (x. Ga 1, 14). Vì thế, chúng ta có thể chắc chắn rằng, nơi Đức Giê-su, điều tuyệt vời của đời sống công khai cũng phát xuất từ điều tuyệt vời của đời sống ẩn dật.

Thật vậy, cách Đức Giê-su chiến thắng những cám dỗ của ma quỉ trong sa mạc lúc ba mươi tuổi diễn tả thái độ thường hằng của Ngài trong cuộc sống thường ngày. Bởi lẽ, không phải đến lúc ba mươi tuổi Ngài mới bị cám dỗ ! Cũng giống như chúng ta, Ngài cũng chịu thử thách, bị cám dỗ, ở những giai đoạn lớn lên khác nhau, từ thời thơ ấu. Lời giảng của Ngài, hành động chữa lành của Ngài, cách Ngài gặp gỡ mọi người, sự tự do và uy quyền của Ngài đối với Lề Luật, thái độ bình an của Ngài trước những chống đối, tương quan đặc biệt của Ngài với Thiên Chúa Cha, tất cả đểu cho thấy nơi Đức Giê-su có một hiểu biết tinh tế về môi trường sống, thiên nhiên và nhân bản, và giả định phải có cả một quá trình học tập kiên nhẫn và lâu dài trong thời gian ẩn dật. Nếu chúng ta muốn biết đâu là nguồn của lời nói và cung cách ứng xử của Ngài, nhất là sự tự do, lòng thương cảm, cử chỉ gần gũi, lời nói uy quyền, đời sống cầu nguyện, tương quan duy nhất với Chúa Cha…, chúng ta chỉ cần trở lại với đời sống ẩn dật ở Na-da-rét và chiêm ngắm mầu nhiệm lớn lên của Ngài.

  1. Mầu nhiệm lớn lên của Đức Giê-su ở Nazareth

Ba mươi năm sống ở Na-na-rét chất đầy sự lớn lên, đơn giản vì thời gian là ba mươi năm : « Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa », « Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta » (Lc 2, 40; 52).

Khi trở nên một người ở giữa chúng ta, Ngài đã đảm nhận điều căn bản nhất làm nên thân phận con người, đó là thời gian, là lớn lên theo thời gian, như một triết gia đã nói : « Con người không thể tránh né được thời gian ». Thế mà, để trưởng thành về thân xác, về tinh thần và về tâm cảm, mỗi người phải cần đến ba mươi năm, như chúng ta vẫn nói : « Tam thập nhi lập ». Như thế, Đức Giê-su đã thực hiện kinh nghiệm về thời gian. Ngài đã sống qua các mùa : xuân hạ thu đông, Ngài đã trải qua thời ấu nhi, thiếu nhi, thiếu niên và thanh niên. Với thời gian lặng lẽ trôi, như chính chúng ta đã có kinh nghiệm, Ngài đã học để hiểu biết môi trường sống, đồng áng, núi đồi, biển hồ, làng quê, việc làm, nghỉ ngơi, giới nam, giới nữ, thử thách, đau khổ, thiếu thốn, bệnh tật, tình yêu, thù hận, sự chết (nhất là của thánh Giuse và của những người thân yêu), ước ao vô biên, ước ao sự sống viên mãn.

Ngang qua cha mẹ, người thân và hàng xóm láng giềng, Ngài đã học cách ứng xử với mọi người, quan tâm đến người khác và học để hiểu họ từ bên trong, từ những vết thương và đau khổ nội tâm, từ những  biến cố quá khứ thăng trầm đã làm nên đời người (vì thế, sau này, Ngài cảm thương người phụ nữ, bị bắt quả tang ngoại tình, thay vì kết án như những người khác : Ga 8). Với thời gian, và nhất là ngang qua việc học tập, đọc hiểu và cầu nguyện với Kinh Thánh, nội tâm của Ngài đã được bừng sáng và nhận ra tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa Cha, cũng như ý muốn của Người, con đường Ngài phải đi và « khuôn mặt » Ngài phải mang lấy và làm cho đạt tới sự viên mãn.

Điều mà chúng ta gọi là đời sống hằng ngày, là đời thường, là bình dị, là tầm thường, vốn làm nên phần lớn thời gian sống của chúng ta, Đức Giê-su đã đảm nhận chiều kích tầm thường của đời sống con người. Như thế, nơi Đức Giê-su, những gì bé nhỏ của cuộc sống, những điểm mạnh cũng như những điểm yếu của chúng ta, những khả năng cũng như những giới hạn của chúng ta, tất cả đều có ý nghĩa và có giá trị thần linh và, nhờ Đức Giê-su, mọi sự trở nên « bí tích » diễn tả cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người.

Vì thế, trong những ngày này, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm và cảm nếm sự gần gũi với Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể đang lớn lên theo thời gian ; Đấng, ngang qua đời sống ẩn dật, cư ngụ trong từng chi tiết nhỏ nhặt của cõi nhân sinh. Chúng ta hãy học chiêm ngắm Đức Giê-su cùng với Đức Mẹ và thánh Giuse trong đời sống thường ngày, vì thánh Giuse và nhất là Mẹ Maria là những người đầu tiên và một cách tuyệt hảo nhất biết nâng niu từng chi tiết và một cách trọn vẹn mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể.

III. Tâm sự với Đức Mẹ, với Thánh Giuse và với Đức Giê-su ; và kết thúc với kinh Lạy Cha

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

[1] ĐGM. GB. Bùi Tuần, “Ơn khôn ngoan nơi thánh Giuse”, Công Giáo và Dân Tộc, số 1547, 3-9/3/2006, trang 18-19.

[2] Bài hát “Comme un souffle fragile” (Như Hơi Thở Mong Manh), của Pierre Jacob : ĐK. Như hơi thở mong manh, Lời Chúa trao ban chính mình. Như chiêc bình bằng sành, Lời Chúa nhào nắn chúng con. TK 1. Lời Chúa là câu thì thầm, như điều bí ẩn của tình yêu. Lời Chúa là vết thương đau, mở ra cho chúng con ngày mới. TK 2. Lời Chúa là sự sinh ra, như ta ra khỏi chốn tù đày. Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la. TK 3. Lời Chúa là cuộc chia sẻ, như ta cắt nhỏ tấm bánh lớn. Lời Chúa là lối băng qua, nói cho chúng con cả một con đường.

[3] Phạm Xuân Chiểu, bài hát “Tràng Hoa Mân Côi 2”. (Lời) Maria Mẹ ơi, con dâng Mẹ tràng hoa Mân Côi, con dâng Mẹ lời kinh ca vui kính kính mừng Mẹ Maria. Maria Mẹ ơi, theo chân Mẹ đời không đơn côi, xin vâng như Mẹ lòng con luôn tin yêu, mong Mẹ hiền trợ giúp con hèn.

[4] Vì thế, trình thuật Tin Mừng Đức Mẹ Thăm Viếng (Lc 1, 38-56) được công bố trong ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15/08.

[5] Magus, số nhiều magi (La-tinh); magoi, số nhiều của magos (Hy-lạo) nghĩa là: (1) Người có hiểu biết sâu rộng và chín chắn: nhà thông thái, bác học, hiền sĩ (wise man, sage). (2) Thầy tư tế (cổ Ba Tư) được cho là có khả năng siêu nhiên. (3) Nhà chiêm tinh (astrologer). (4) Thầy pháp, thầy phù thuỷ, thuật sĩ (magician, wizard). (5) Thầy bói, nhà tiên tri (seer). (6) Danh từ ở số nhiều là magi được hiểu là ba vị hiền sĩ đã viếng thăm Chúa Giêsu Hài Nhi.