Yêu Thương Nhau.

CHÚA NHẬT THỨ V PHỤC SINH NĂM C (Ga 13,31-35)
      Đọc tin tức hàng ngày, tin tức tòa án trên báo chí và các phương tiện truyền thông chúng ta không khỏi kinh ngạc về những tội phạm khủng khiếp xảy ra hàng ngày : Lừa đảo nhau, cướp giật, đánh nhau, làm nhục nhau, đâm chém nhau, giết nhau man rợ ngay trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, hay trong học đường giữa lứa tuổi hồn nhiên và trong trắng.  Trên bình diện quốc tế, nước này gây hấn với nước kia, quốc gia này xâm lăng quốc gia khác. Tội ác xảy ra dưới mọi hình thức khác nhau, nhưng có điểm chung này là vì không có  tình yêu, là đánh mất tình yêu.
      Trước khi chịu tử nạn, trong những giây phút cuối thầy trò gần nhau, Chúa Giêsu đã trăn trối cho các môn đệ:” Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (Ga 13,34) 
      Người ta nói tình yêu xưa như trái đất, nhưng có lẽ phải xác định tình yêu xuất hiện khi có con người. Tình yêu được đề cập đến trong văn chương, thi ca và các hình thức văn nghệ khác như phim ảnh, kịch nghệ và được trình bày trên tất cả các phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên,Tình Yêu cũng là điều mà rất ít người  hiểu thấu đáo. Tình yêu cũng bị hiểu lệch lạc, phiến diện nhất, như năm ông thầy bói sờ voi.
 1.Tình yêu đích thực là phải yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em
        Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, người lành cũng như kẻ dữ, người công chính cũng như người bất lương.(Mt 5,45).
  Không có tình yêu nào có thể so sánh với tình thương của người cha nhân hậu trong Tin Mừng Luca 15.
  Chúa Giê su còn nhấn mạnh Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.(Ga 15,13). Chúa đã biết, đã nói trước về việc hy sinh của Người cho môn đệ và cho nhân loại.
      Nhiều lần Chúa Giêsu khẳng định: Tôi là mục tử nhân lành… Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. (Ga 10,14-15) 
      Điều răn của Chúa là điều răn yêu thương. Luật của Chúa tóm lại một chữ Yêu. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình.(Mc 12,33).Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy (Mt 22:40); chính Đức Giêsu đã khảng định như vậy.
       Mến Chúa Yêu người là hai mặt của một điều răn, hai khía cạnh của một vấn đề, khắng khít đến độ mất khía cạnh này cũng là mất cả khía cạnh kia. Thánh Gioan đã viết : Ai nói “Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4,20). Đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi. (1Ga 3,18) nhưng phải yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh  em. (Ga 15,12). 
       Các triết gia hiện sinh nói: sống là sống với : Vivre , c’est vivre avec. Chúng ta sống với thiên nhiên, với tha nhân và với Thiên Chúa. Và chính tình yêu liên kết chúng ta với thiên nhiên với con người và với Thiên Chúa 
      Tình yêu nối kết con người với nhau. Tình Yêu nối kết con người  với Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta phải mến Chúa và yêu người.
Thiên Chúa là tình yêu. Khi yêu thương, chúng ta giống Thiên Chúa, chúng ta ở trong Thiên Chúa.
      Biểu hiện rõ nét nhất của tình yêu chính là hy sinh, chính là cho đi.
Tình yêu phải đi đôi với hy sinh. 
 Tình yêu không có hy sinh là tình yêu giả dối. Hy sinh mà không có tình yêu là hy sinh thừa thãi.
       Tình yêu của Chúa tỏ hiện ra trong cuộc sống trần thế của con người. Chúa sinh ra nơi chuồng bò nghèo hèn, sống âm thầm giản dị trong làng quê Nadarét đến độ người ta chỉ nhận Chúa là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria, họ không tin nhận Chúa là tiên tri, là Đấng Cứu Thế. Chúa đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, chữa lành các bệnh nhân, cho người chết sống lại, tha thứ những người tội lỗi, những người chống đối, phản bội, những người hành hạ và giết hại Chúa.
      Thánh giá là biểu tượng của tình yêu, của hy sinh.
Chúa Giêsu đã hiến dâng tất cả chỉ vì yêu. Chúa yêu chúng ta vô điều kiện.
  Giáo hội luôn ghi nhớ lời trăn trối này. Thực thế, suốt trong lịch sử, ngay từ khi được thành lập, từ thời các thánh tông đồ, Giáo hội đã có không biết bao nhiêu tấm gương quảng đại, noi theo Thầy mình hy sinh tính mạng vì tha nhân.: Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. (Ga 15,14).                                                    
2.Tình yêu thương phải trở nên dấu chỉ của những người thuộc về Chúa.
 “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,15).
     Ngay từ thuở Giáo hội sơ khai các tín hữu đã thực sự sống tình bác ái yêu thương để làm chứng cho Đức Kitô phục sinh: Kìa xem họ yêu thương nhau dường nào. Trải qua dòng lịch sử của Giáo Hội, các tâm hồn ở mọi nơi và trong mọi lúc, vẫn nhận ra Thiên Chúa là tình yêu xuyên qua những chứng từ sống động của những người tin Chúa, được biểu lộ bằng hành động bác ái yêu thương.
       Chỉ qua tình yêu, mọi người mới nhận biết chúng ta là Kitô hữu.
Suốt trong lịch sử Giáo hội biết bao nhiêu vị thánh đã thực hiện lời khuyên này. Ngày nay khắp nơi trên thế giới, các Kitô Hữu cũng đang sống lời khuyên này và đã giúp cho nhiều người nhận biết Chúa.  Ngay trong đợt dịch covid cao điểm tại miền Nam Việt Nam vừa qua, rất nhiều người đã nhận ra Chúa qua các việc hy sinh của các linh mục, tu sĩ, giáo dân và những người thiện nguyện giúp đỡ các bệnh nhân covid. 
      Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu như Chúa yêu, để mọi người có thể nhận ra chúng con là môn đệ của Chúa. 
                                           + Nguyễn Đức Lân