CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN -năm C

Bài 1

Am 6, 1a. 4 – 7; Lc 16, 19 – 31
Chủ đề: cảnh cáo lối sống vô cảm trước các bất hạnh của tha nhân

* Am 6, 6b. 7a: Khốn cho những kẻ … chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ! Vì thế giờ đây, chúng sẽ bị lưu đày.

* Lc 16, 25: Suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi … (và vô cảm trước nỗi khổ của Ladarô) bây giờ con phải chịu khốn khổ.

    Lời Chúa của Chúa Nhật XXVI C Mùa Thường Niên mời gọi các tín hữu suy gẫm  về một vấn nạn xã hội nhân sinh luôn mang tính thời sự nóng bỏng gây bức xúc cho con người. Và dường như vấn nạn đó ngày nay còn trầm trọng hơn nữa cả về số lượng lẫn mực độ nghiêm trọng: đó là SỰ VÔ CẢM, sự thiếu vắng tình người được biểu lộ qua lối ứng xử bất cận nhân tình, vô trách nhiệm, nhắm mắt làm ngơ, không quan tâm đến những con người đang đau khổ thiếu thốn về mọi mặt vẫn còn tồn tại sờ sờ trước mắt, chung quanh ta. Kẻ thì quá thừa thải phung phí, người thì quá cùng khốn, cơ hàn. Đó đang là thực tại nhức nhối thách đố con người, xã hội ngày nay, 1 xã hội tự hào cho mình là văn minh; Tiếc thay đó là nền văn minh của sự chết. Đối với người kitô hữu, sống vô cảm không chỉ là một vấn đề xã hội, không thể nói đó là chuyện của người ta, mà còn là 1 TỘI ÁC khiến cho kẻ vô cảm, vô tâm phải chịu án phạt đời đời.

   Lời Chúa hôm nay không bàn đến cội nguồn, căn nguyên của sự giàu có nơi các hạng người dư dả, thừa mứa. Điều Lời Chúa muốn nhấn mạnh là lời cảnh cáo, chỉ trích thái độ, cách ứng xử vô cảm, đui mù của họ trước bao nỗi cùng khốn của tha nhân hằng ngày diễn ra trước mắt họ. Cuối cùng, Lời Chúa cảnh cáo: Thiên Chúa sẽ can thiệp đòi phải trả lẽ tất cả những kẻ vô tâm, vô cảm, thiếu trách nhiệm, thiếu tình người, khép kín mình trong các hưởng thụ khoái lạc cá nhân.

    Bài đọc 1 trích một lời cảnh cáo, ngăm đe nặng nề mà Amos nhắm thẳng vào những hạng giàu có, quyền thế nhưng vô tâm vô cảm, sống chẳng biết đến ai của họ:

  • Lời sấm mở đầu bằng cụm từ “khốn cho”. Đó không phải là một lời nguyền rủa, chúc dữ báo oán nhưng là một lời ngăm đe cảnh cáo nghiêm khắc, vạch trần sự thật và báo trước hậu quả khốc hại sẽ xảy ra nếu không hoán cải.

  • Tiếp theo là 1 bảng liệt kê các hình thức sống xa xỉ, vô độ, vô tâm, vô cảm của họ: được biểu lộ qua: (x.Am 6, 4-6)

  • Cung cách ăn uống: “chúng nằm dài trên dường ngà, ngã ngớn trên trường kỷ”. Đó là cách sống đua đòi bắt chước ngoại bang, vì vào thời trước lưu đày, người Do Thái thường ngồi trên ghế hoặc trên thảm để ăn (CGKPV “ các sách NS” 719k).

   Giường nằm để ăn được làm bằng ngà nói lên sự sang trọng, xa xỉ.

  • Thực đơn: “ăn những chiên non nhất bầy, dê béo nhất chuồng”. Các hình ảnh trên gợi lên loại thịt hảo hạng được dành riêng làm hi lễ tế tự cho Thiên Chúa.

  • Thói học đòi làm sang, tự ươm so sánh mình với Đavít (câu 5): bày đặt sáng tác đàn ca trong các bữa ăn, hàm ý việc làm này là thường xuyên (so với Lc 16, 19 “ngày ngày yến tiệc linh đình”). Không loại trừ việc đàn ca thường xuyên như thế này trong bữa ăn có thể mang tính phóng túng, đồi trụy.

  • Sự vô độ: “uống rượu cả bầu”, “xức dầu thơm hảo hạng”, trong khi đó kẻ nghèo phải bán thân làm nô lệ vì một món nợ chỉ bằng giá một đôi giày (x. Am 2, 6 – 8 và các nốt x, y, a, b “Sách các ngôn sứ” trang 707 CGKPV). Sự vô độ này là một lời tố cáo sự bóc lột, bất công đối với người nghèo.

  • Sự vô tâm: “chúng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ!”. Câu này ám chỉ tai họa đế quốc Assyri sắp xâm chiếm Samari; thế nhưng bọn thủ lãnh, giàu sang vẫn vô tâm hưởng thụ.

* Và sấm ngôn kết thúc bằng lời ngăm đe: mất nước – lưu đày. Đây là cuộc lưu đày đầu tiên giáng xuống trên dân, dân Bắc quốc Israel: vào năm 721 tcn, vua đế quốc Assyri bắt những hạng quyền uy, thế giá, giàu sang của Samari đày sang Ninivê. Amos đã cảnh cáo trước “chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày. Đó cũng là sứ điệp cảnh cáo cho hạng vô sản, vô tâm mọi thời.

   Sứ điệp trên được Tin Mừng khẳng định bằng một dụ ngôn “người phú hộ vô cảm và anh Ladarô nghèo khó”. Chỉ suy tư vài chi tiết làm nổi bật chủ đề vô cảm là một tội ác.

    Các chi tiết trình bày trong Tin Mừng cho thấy ông phú hộ không phải là phường gian ác, không là một tội phạm hình sự …. Lý do ông ta bị xuống âm phủ sau khi chết là vì ông đã vô tâm, vô cảm trước tình cảnh cùng khốn quá mức của Ladarô, NGÀY NGÀY diễn ra trước mắt ông. Ông phú hộ biết rõ có Ladarô cùng khốn nằm liệt trước nhà ông vì đói, chỉ cần 1 chút của ăn thừa rơi xuống từ bàn ăn của ông thì số phận Ladarô cũng cải thiện rất nhiều. Tiếc thay sự vô tâm, vô cảm đã hủy diệt tình đồng loại, tình người của ông đối với người nghèo, đến độ Ladarô đã CHẾT ĐÓI trước bàn tiệc linh đình, mỗi ngày diễn ra của ông phú hộ.

   Tại sao ông phú hộ, vốn không là kẻ ác, mà lại vô tâm vô cảm đến mức đó? Phần tiếp của Tin Mừng cho ta câu đáp! Đây là sứ điệp mà trước giờ ít ai lưu ý tới. Câu đáp nằm ở Lc 16, 29.31. Tổ phụ Abraham khẳng định 2 lần: vì không chịu nghe lời của Môsê và các ngôn sứ. Một khi đã loại Thiên Chúa bỏ Lời Chúa ra khỏi cuộc đời mình rồi thì tha nhân chẳng có giá trị gì đối với ta nữa. Còn một khi đã yêu Chúa, để Lời Người hướng dẫn thì làm sao ta vô tâm vô cảm với tha nhân được. Vậy vấn đề không nằm ở GIÀU hay NGHÈO vì có nhiều kẻ nghèo vẫn có thể vô cảm. Căn bản của mọi vấn đề là yêu Chúa và gắn bó với Lời của Người. Sứ điệp cho mọi người không kể giàu nghèo: SỐNG LỜI CHÚA! Lời Chúa diệt tận căn vô cảm, thăng hoa tình người, xây dựng Nước Trời ngay tại thế.

Bài 2

    Có một ông nhà giàu kia … ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô … thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no (16, 19 – 21). Thế rồi người nghèo này chết và được thiên thần đem vào lòng ông Abraham. Ông nhà giàu cũng chết, và …dưới âm phủ … chịu cực hình (16, 22 – 23a)

Lời Chúa của Chúa Nhật XXVI C MTN tiếp tục chủ đề tuần trước: số phận của mỗi người ở đời sau, tùy thuộc vào cách mình sử dụng tiền của khi đang còn sống ở trần thế. Tuy nhiên trọng điểm mà Chúa Nhật XXVI C nhắm tới là phải biết chia sẻ, quan tâm đến những người bất hạnh mà mình thường gặp hằng ngày trong cuộc sống.

          Cũng như tuần trước, Lời Chúa XXVI không nhấn mạnh đến chiều kích luân lý trong tương quan với việc sử dụng tiền bạc: cả 2 bài đọc đều không nói rõ là những người bị Thiên Chúa (hoặc Đức Giêsu) trách móc đã vi phạm luân lý, xã hội nào, mà chỉ làm nổi bật lên thái độ vô tâm, vô cảm, an nhiên thụ hưởng cách thừa mứa xa xỉ những phúc lộc mà mình đang có nhưng lại không hề quan tâm đến tha nhân đang khốn cùng, đói khát, đang rên xiết kêu cứu ngay trước mắt mình.

          Cả 2 bài đọc đều khai thác những nét mô tả cực đoan để làm nổi bật lên sự trái nghịch không thể ngờ giữa 2 lối sống: một đàng là sự thụ hưởng xa hoa quá mức của những kẻ giàu; đàng khác là sự túng thiếu cùng cực của người nghèo (Am 6, 4-6a; Lc 16, 19-21).

          Điều đáng trách không nằm ở yếu tố giàu/nghèo, mà nằm ở chỗ cách sử dụng những gì mình có. Xét về mặt luật pháp, trật tự xã hội không thể kết án, khép tội kẻ giàu vào vào những vi phạm nào. Yếu tố mà bản văn phụng vụ lưu tâm đến, đó là sự vô cảm, dửng dưng trước nỗi đau khốn cùng (không chỉ về mặt vật chất nhưng bao trùm hết mọi khía cạnh của cuộc sống con người) của tha nhân. Điều đó ngược lại với lối sống sẻ chia, hòa đồng của người môn đệ Đức Giêsu: chỉ có một thân thể trong Đức Kitô (Rm 12, 5), vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12, 15), chia sẻ với nhau mọi tình huống, quan tâm đến nỗi niềm của từng chi thể (1Cr 9,19-23) nhằm cứu được một số người cho Đức Kitô. Mang lấy gánh nặng của nhau như vậy là chu toàn lể luật của Đức Kitô (Gl 6,2).

    Vậy vấn đề ở đây không chỉ là chia sẻ tiền của mà là bắt chước Đức Giêsu để trở nên đồng hình đồng dạng với Người: Người vốn là Thiên Chúa nhưng đã không khư khư giữ lấy cho mình địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã chia sẻ mang lấy thân phận phàm nhân nô lệ sống như người trần thế chúng ta đến cùng kể cả cái chết nhục nhã như một tử tội (Pl 2,6-8). Điều mà người môn đệ phải noi gương Đức Giêsu là chia sẻ đến cùng kiếp làm người của nhau, sao cho ngay trên trần thế này, mọi người đều có thể sống xứng đáng với nhân phẩm.

     Những người bị trách phạt trong Lời Chúa hôm nay là vì họ hoàn toàn vô cảm, không có một chút quan tâm nào đến người bất hạnh, coi như người nghèo không tồn tại trong con mắt họ. Họ không vào được Nước Trời là vì họ chỉ biết tích lũy, thâu gom vào con người họ, khiến họ nên “béo phì”, cồng kềnh nên không thể vào được “cửa hẹp”. Những lời trách móc của Lời Chúa hôm nay bao gồm một lời mời gọi: hãy mở rộng cửa nhà mình để đón tiếp hết mọi người cách vô vụ lợi (Lc 14, 12-14), biến tất cả nên bạn hữu của mình (Lc 16,9) bằng cách chia sẻ rộng rãi những gì mình có cho những ai cần đến. Đó là cách tốt nhất để ta thu gọn hành trang để đi vào cửa hẹp như Đức Giêsu mời gọi.

   Một điểm đáng chú ý khác cũng được Lời Chúa hôm nay mời chúng ta lưu ý: đó là sự đảo ngược tình thế, sự thay đổi tận căn tình trạng sống có thể xảy ra cho kiếp người, trước và sau khi chết: kẻ đã tận hưởng cuộc sống trần thế trong nhung lụa, xa xỉ, thừa mứa thì bù lại cuộc sống tương lai, đời sau sẽ phải chịu quả báo tương ứng (Lc 16,25). Nguyên nhân của sự đảo ngược ấy là do con người khi còn sống ở trần gian đã hưởng hết phần phúc lộc của mình cách vô tâm, vô cảm, chỉ lo tìm thụ hưởng phè phỡn cho bản thân mà không thấy nỗi khốn cùng của tha nhân đang diễn ra hằng ngày trước mắt. Điều quả báo đó chắc chắn sẽ xảy ra, do đó Lời Chúa cảnh báo các tín hữu phải sống thế nào trong hiện tại ở trần thế này để cho phù hợp đừng để việc đảo ngược ấy úp chụp lên đầu sau khi chết.

BÀI ĐỌC I: Am 6, 1a. 4 – 7

       Xem Chúa Nhật XXV C.

   Bài đọc 1 hôm nay trích từ phần II của sách Amos (Am 3, 1 – 6, 14). Nội dung chính là những lời cảnh cáo và đe dọa Israel dưới dạng văn chương: “Hãy nghe lời này’ (3,1; 4,1; 5,1) và “khốn cho” (5.7.18; 6,1):

  • “Hãy nghe 1”: 3,1-2.9-15 Đức Chúa tố cáo Israel và Bethel. Phần này có xen vào một đoạn ngôn sứ nói về ơn gọi của mình (3,3-8).

  • “Hãy nghe 2”: 4,1-13 lên án 2 tội:

  • Của các mệnh phụ đua đòi, áp bức kẻ nghèo (4, 1-3)

  • Của con cái Israel phản bội Chúa ngay cả khi dâng lễ tế (4, 4-5, nốt y + b) kèm theo lời đe phạt nhưng dân vẫn không trở về với Chúa (4,6-11, nốt c. CGKPV). Phần này kết bằng lời loan báo Israel phải ra trước tòa Chúa chịu phán xét (12). Người là Đấng Tạo Hóa đầy quyền năng (13).

  • “Hãy nghe 3”: 5,1-6.8-9 loan báo chiến tranh với phần bại là của Israel, kèm lời mời hoán cải trở về với Thiên Chúa để sẽ được sống (5,1-6). Kết bằng lời vinh tụng ca Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và cũng là Đấng trừng phạt tiêu diệt kẻ gian ác (8.9). Câu 7 chuyển ra sau câu 9 tạo nên khối 3 “khốn cho”.

  • “Khốn cho 1”: 5,7.10-17 nhắm vào những kẻ bẻ cong công lý và loan báo án phạt.

  • “Khốn cho 2”: 5,18-27 nhắm vào Israel đang mong “ngày của Đức Chúa”: ngày ấy sẽ là tối tăm chứ không là ánh sáng vì dân phản nghịch, cụ thể là lễ lạc vô hồn, nghênh ngang, che đậy nhiều bất công.

  • “Khốn cho 3”: 6,1-14 nhắm vào những kẻ cầm quyền giàu sang hãnh tiến (6,1-7) kèm theo án phạt (6,8-14).

 Bài 1 trích từ 6, 1-7 nhưng bỏ đi các câu 1b-3 là những câu làm rõ nét dung mạo các nhà lãnh đạo. phụng vụ chỉ giữ lại 4-7 là nhằm làm nổi vật chủ đề sự vô tâm của hạng giàu ăn chơi xa xỉ không lo gì đến tha nhân, đất nước. Bản văn phụng vụ chỉ trích những kẻ sống giàu sang thừa mứa, bọn trưởng giả học đòi thói ăn chơi vương giả, thụ hưởng cách quá đáng các tiện nghi vật chất trước mắt mà không lưu tâm gì đến những bất công, khốn quẫn mà những người nghèo, người công chính phải gánh chịu đang diễn ra trong đất nước; họ cũng mù lòa luôn trước những nguy cơ đang đe dọa quốc gia: đế quốc Assyri. Amos loan báo sẽ có sự đảo ngược: những ăn chơi phè phỡn ấy sẽ qua đi và lưu đày nhục nhã sẽ ụp lên đầu bọn giàu sang vô tâm ấy.

  1. Lời cảnh báo hạng giàu có vô tâm (6, 1a)

  • Đối tượng: những kẻ sống an ổn…an nhiên tự tại…

Đối tượng trực tiếp của Am 6, 1-14 là các nhà lãnh đạo Israel, đương nhiên họ giàu có và quyền lực. Nhưng phụng vụ bỏ đi cc. 1c -3 là những câu nói rõ về các nhà lãnh đạo và chỉ giữ lại cc. 4-7 nói về những cách thụ hưởng ăn chơi chung chung của giới giàu.

        Cảnh thịnh vượng của thời Giơrôbôam kéo dài 40 năm khiến Israel rơi vào ảo tưởng thời Đavit – Salomon đã trở lại và kéo dài mãi mãi. Do đó họ không còn bận tâm nào khác hơn là tận hưởng cái phù vân đang có. Trước sai lầm chết người ấy, Chúa sai ngôn sứ đến cảnh báo.

  • “Khốn cho”

Đây không phải là lời kết án chung cuộc, một lời nguyền rủa không rút lại được. Nó là một lời cảnh cáo, ngăm đe nặng nề nhằm thức tỉnh những kẻ sai lạc ra khỏi cơn mê của họ. Hậu ý của nó luôn là lời mời hoán cải (x. chuyện Giôna); Và trong trường hợp xấu nhất, những lời “khốn cho” trở thành hiện thực thì đó cũng chỉ mang tính giai đoạn. Tiếng nói chung cuộc của Thiên Chúa là tha thứ, phục hồi, tái thiết.

  1. Các hình thức ăn chơi xa xỉ và sự vô tâm (6, 4-6)

  • Xa xỉ trong cách ăn uống: nằm dài trên giường ngà…trường kỷ:

Đua đòi chạy theo cung cách ăn uống của ngoại bang, vì vào thời đó người Do Thái luôn ngồi ăn trên ghế hay thảm: CGKPV “ các sách Ngôn Sứ” 719 k. Giường ăn được làm bằng ngà cho thấy mức xa xỉ của hạng người này.

  • Xa xỉ trong thực đơn: ăn chiên non nhất bầy, dê béo nhất chuồng:

               Gợi lên loại thịt hạng nhất được dành cho hy lễ, tế tự.

  • Có ca nhạc trong bữa ăn: chúng đàn hát…như Đavit …mà sáng tác:

   Học đòi làm sang ra vẻ quý tộc, hợm hĩnh tưởng có thể so sánh mình với Đavit. Đi đôi với c.4 và c.6, không loại trừ việc đàn ca này còn có thể mang tính phóng túng, đồi trụy.

  • Sự vô độ: uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng.

  “Rượu uống cả bầu”, hình ảnh hàm chứa một bất công to lớn: x. CCKPV Sdd Am 2,8 nốt “b”; 4,1 nốt “u”.

  • Vô tâm: chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ.

  Ám chỉ Samaria sụp đổ và dân bị đi đày Ninivê.

  1. Loan báo án phạt (6,7)

  • Lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày

     (đây là cuộc lưu đày đầu tiên từ khi dân vào định cư trong Đất Hứa. Nhóm bị phát lưu chính là nhóm thủ lĩnh, ưu tú của dân. Khí cụ Chúa dùng là đế quốc Assyri. Sau khi Giơrôbôam II qua đời (743), Bắc Quốc dần dần suy thoái, trong khi đó Assur hùng cường dần lên và muốn bành trướng về phía tây. Téglat – Phalassar lần lượt triệt hạ các đồng minh của Israel và bắt Israel (Bắc Quốc) làm chư hầu. Cuối cùng, vì thái độ bất phục tùng của Hôsê, vị vua cuối cùng của Samaria, nên Salmanassar – người kế vị Téglat – đã phong tỏa Samaria (724). Sau 3 năm cầm cự, Samaria thất thủ (721). Dân Chúa chỉ còn lại xứ Giuđa bé nhỏ.

   Tóm lại:

    Thái độ thụ hưởng, xa xỉ vô độ, hợm mình đã là đáng tội. Còn thêm vào đó sự vô tâm trước những bất công, khổ não mà tha nhân phải hứng chịu, trước tiền đồ tổ quốc đang bị đe dọa, càng đáng tội hơn! Với biến cố Samaria thất thủ (721), số phận của những kẻ giàu sang, quyền thế bị đảo ngược. Lưu đày, trở thành nô lệ ở xứ người (dân đen không bị phát lưu). Từ đó, sứ điệp phụng vụ là sống mà chỉ biết có mỗi cá nhân mình và số nhỏ thân thích với mình, đó là một điều xa lạ đối với người môn đệ của Đức Giêsu. Vấn đề chia sẻ của cải lần này được đề cập đến dưới góc cạnh phải biết quan tâm đến nỗi bất hạnh của tha nhân. Đó là một tiêu chuẩn quyết định để sau khi chết, số phận chúng ta được đảo ngược theo chiều hướng tích cực.

TIN MỪNG: Lc 16, 19 – 31

    Đức Giêsu đang ở vào các thời điểm cuối của giai đoạn 2 của cuộc hành trình tiến về Giêrusalem trong Tin Mừng Luca. Các bản văn phụng vụ từ Chúa Nhật 21 C đến nay (và còn tuần sau 27 C nữa) đã cho thấy những lời mặc khải của Đức Giêsu trả lời cho vấn nạn trung tâm của khối văn chương Lc 13, 22 – 17, 10 này. Đức Giêsu đã chỉ cho ta con đường vào Nước Trời thay vì trả lời “có ít người được cứu rỗi phải không?. Cửa trời luôn mở rộng và lối đi “chiến đấu mà vào cửa hẹp” cũng đã được Đức Giêsu mở ra. Tiếp tục đường lối sư phạm ấy, hôm nay Đức Giêsu mở thêm “1 lối hẹp” giúp con người vào Nước Trời: phải biết cách sử dụng tiền của để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Giàu hay nghèo đều có bộ mặt trái của chúng, cần phải nhờ Chúa giúp để sống cho ngay chính “Xin Chúa đừng để con nghèo nàn, cũng đừng ban cho con giàu sang nhưng chỉ xin cho được hằng ngày dùng đủ; Vì e rằng khi được sung túc, con sẽ trở mặt lại nói rằng “Yave là ai đó?”, hoặc khi lâm cơn túng quẫn, con sẽ đi trộm cắp làm ô danh Chúa của con” (Cn 30, 8 – 9). Con người được thưởng hay bị phạt không phải vì giàu nghèo mà vì cách sử dụng tiền của.

    Trong Chúa Nhật XXV C lời Chúa nhấn mạnh đến khía cạnh sử dụng tiền của cách sai trái thiếu đạo đức, vi phạm lề luật: mua gian bán lận, bóc lột chèn ép kẻ nghèo …; Tên quản gia xài tiền của chủ cách phung phí, việc làm mờ ám đáng ngờ vực (16, 2a); bị đồng nghiệp “tố cáo”, chủ mất lòng tin …

    Còn trong 26 C, khía cạnh phản đạo đức, phản luân lý không được đề cập đến. Ông phú hộ sử dụng tiền của ông có cách hợp pháp, nằm trong tầm luân lý, đạo đức con người cho phép. Đối với người môn đệ Đức Giêsu, việc sử dụng tiền của chỉ dừng lại ở mức độ luân lý, đạo đức phàm nhân xã hội, để khỏi vi phạm luật thì CHƯA ĐỦ. Người môn đệ của Đức Giêsu phải vượt hơn các cơ chế qui định của pháp luật, xã hội để sống nơi chính bản thân mình mối tương quan hiệp thông của các chi thể trong 1 nhiệm thể. Sự liên đới của các chi thể trong nhiệm thể là ĐƯƠNG NHIÊN, là tự bản chất. Chi thể nào không còn giữ được mối hiệp thông đó sẽ là chi thể chết, bị loại khỏi thân thể.

    Người môn đệ của Đức Giêsu phải sống theo đạo đức Kitô giáo do Người mang đến. Đạo đức Kitô giáo không ngưng lại ở mức độ chỉ lo tìm hạnh phúc cá nhân mà phải thông chia niềm vui cho toàn nhiệm thể (x. Lc 15, 6.7.9.10.32). Thật vậy, chen vào giữa 2 dụ ngôn Lc 16, 1- 13 (25 C) và Lc 16, 19 – 31 (26 C), có vài đoạn văn nhỏ được đưa vào Lc 16, 14 – 18 giúp ta nhận ra rằng 1 đối tượng khác cũng được Đức Giêsu quan tâm đặc biệt là các người Phariseu, họ ham tiền nên cười nhạo cách dạy dỗ của Đức Giêsu (Lc 16, 14). Người nhắc họ: luật vẫn cần (Lc 16, 17), nhưng chưa đủ vì từ bây giờ Nước Thiên Chúa đã được loan báo do đó phải chiến đấu để vào được qua con đường mới (Lc 16, 16, so với Lc 13, 24: phải qua đường hẹp, chiến đấu mà vào). Vi phạm luật là đáng phạt (25 C) đã đành, ở đây Đức Giêsu nâng các môn đệ lên một mức độ cao hơn, nhưng cho dù được xét là vô tội theo luật thì vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để vào được Nước Thiên Chúa. Đừng quên rằng Đức Giêsu đến để KIỆN TOÀN LỀ LUẬT (Mt 5, 17), mà một khi điều hoàn hảo đến thì cái giới hạn phải nhường bước (1Cr 13, 10). Phải sống theo chuẩn mực mới do Đức Giêsu mang lại.

  1. Giới thiệu nhân vật: Sự tương quan giàu nghèo quá mức (19-21)

   Đối tượng của dụ ngôn dường như là các người Pharisêu (14-15)

    Dụ ngôn giới thiệu 2 nhân vật với 2 cảnh ngộ hoàn toàn trái nghịch nhau, một sự tương phản giữa 2 mực sống. Một hố thẳm vô hình đã ngăn cách giữa 2 người không sao đến gần gặp nhau được cho dù về không gian cách nhau chỉ có một cái cổng.

* Ông phú hộ: mặc lụa là gấm vóc, NGÀY NGÀY yến tiệc LINH ĐÌNH

   Điều dụ ngôn muốn làm nổi bật không thuộc bình diện luân lý xã hội: bất công, bóc lột, …, nhưng thuộc bình diện hưởng thụ cá nhân: hưởng thụ quá đáng. Đối với tiêu chuẩn đời, đây là chuyện bình thường, công bình; nhưng đối với môn đệ Đức Giêsu thì chưa đủ.

* Anh nghèo Lararô: mình đầy mụn, chó đến liếm mụn; đói: chỉ mong ăn được những thứ rơi xuống từ bàn ông phú hộ.

   “Lazarô”: “Thiên Chúa giúp”. Cái tên nói lên thái độ sống của anh nghèo đối với Thiên Chúa trước tình cảnh khốn cùng của anh. Thái độ đó là nguyên nhân việc Lazarô được thưởng sau khi chết. Lc mô tả anh ta thật thê thảm, qua đó cho thấy sự vô tâm của ông phú hộ: ông biết tên Lazarô, biết anh ta ăn xin trước cổng “thèm được ăn cho no những thứ trên bàn ông rơi xuống” bằng cớ là sau khi chết ông nhận ra ngay Lazarô trong cung lòng Abraham. Không chối tội được.

    Theo Jeremias, “những thứ trên bàn rơi xuống” không phải là những mảnh vụn do bẻ bánh rơi ra, nhưng là những ruột mì người ta dùng chùi ngón tay rồi vất đi”.

  1. Sự đảo ngược tình huống sau chết (22-23)

* Biến cố làm xoay chuyển tình huống: cái chết. Phú hộ người nghèo đều chết.

* Sự đảo ngược tình huống:

          – Lazarô được các thiên thần đem vào lòng Abraham.

          – Ông nhà giàu được chôn nhưng hồn xuống âm phủ.

    “Chết”: Khúc ngoặc mà mọi người đều phải trải qua. Sau cái chết, một cảnh mới xuất hiện khác hẳn với cảnh trước: Lazarô bây giờ vinh quang trong cõi hằng sống, còn nhà phú hộ phải rơi vào vị trí khốn cùng; Giữa hai người cũng có một hố thẳm ngăn cách không sao vượt qua được. Và tình trạng này là vĩnh viễn.

    “…Lòng Abraham”: cách nói diễn tả đây là chỗ vinh dự trong bữa tiệc mà tổ phụ Abraham chủ tọa (CGKPV Tân Ước 339 b); Bữa tiệc Mêsia trong đó các người được chọn tề tựu quanh các Tổ phụ và ngôn sứ (sđd 327 g).

“Âm phủ”: “Hades” Hy lạp: “Sheol” Do Thái: nơi người chết cư ngụ.

  1. Cuộc đối thoại giữa nhà phú hộ đang ở âm phủ với tổ phụ Abraham (24 – 31)

Nhà phú hộ cầu xin 2 điều. Cả 2 đều bị khước từ. Lời giải thích của Abraham đưa đến cho chúng ta 2 lời giáo huấn:

3.1 Giáo huấn 1: Sự đảo ngược tình trạng sống sau cái chết và tình trạng ấy là vĩnh viễn (24-26). Báo ứng.

* Lời cầu xin của nhà phú hộ: c.24.

   Lời xin này cho thấy tình trạng sống đã đảo ngược: Lazarô hạnh phúc bên tổ phụ còn phú hộ nóng cháy ở Hades, xin một giọt nước cũng không có. Có sự đối xứng giữa các chi tiết: xưa Lazarô thèm những “mảnh vụn” mà nhà phú hộ dùng chùi ngón tay rồi vứt đi, thì giờ đây ông ta khao khát “một giọt nước” nhỏ xuống từ ngón tay của Lazarô. Sự báo ứng tương xứng ở đời sau là không tránh được.

 * Lời đáp của tổ phụ Abraham:

– Từ chối bằng một lời giải thích: “Con ơi hãy nhớ lại…” (c.25)

   Abraham giải thích cho nhà phú hộ tại sao lại có tình trạng như hiện tại. Nó là hoa trái, hậu quả trực tiếp của cuộc sống trước kia tại thế. Hàm ý khước từ! Không thay đổi gì được nữa!

-Ngăn cách vĩnh viễn: “…Giữa chúng ta…có một vực thẳm lớn…” (c.26)

    Câu 26 cho thấy tình trạng sau khi chết là vĩnh viễn.

   Cái “vực thẳm lớn” là hiện thân vĩnh viễn của sự ngăn cách của “cái cửa”, “bàn tiệc” ở các câu 20-21. Đó là vực thẳm mà nhà phú hộ – dù có khả năng – đã không chịu lấp đi lúc cả 2 còn sống tại thế.

3.2- Giáo huấn 2: Kinh Thánh chính là nền tảng của đức tin và lòng hoán cải; đừng trông mong vào một cái bất thường nào khác ( 27-31)

* Lời cầu xin cho Lazarô về báo mộng cho 5 anh em còn tại thế (27-28)

* Đáp: “ Chúng đã có Môsê và các ngôn sứ…” (28)

* Quan điểm sai lạc : Họ tin người chết trở về hơn là tin lời Môsê và ngôn sứ trong KT (30)

* Điều chỉnh: “Không nghe Môsê…, họ cũng chẳng chịu tin đâu” (31)

    “ người Do Thái thích điềm thiêng dấu lạ”, nhưng không dấu lạ nào lớn hơn dấu lạ Kinh Thánh. Thật vậy KinhThánh thuật lại bao kỳ công Chúa làm cho dân, bao lời giáo huấn Chúa dạy dân… đến độ dân thành hình, lớn lên, tồn tại và ơn cứu độ vẫn tuôn tràn trong Đức GiêSu dù dân bội phản nhiều phen. Còn dấu lạ nào lớn hơn nữa?

Kinh Thánh đã có đó với tất cả ân huệ Chúa thương ban mà anh em gia đình ông phú hộ không chịu tin để hoán cải thì chẳng có phép lạ nào có thể làm mềm được con tim chai đá của họ. “Dấu chỉ có tính cách quyết định để giục người ta có lòng tin…, là Kinh Thánh…” ( CGKPV Sđđ 340 e), nghĩa là phương tiện và ân sủng để hoán cải Chúa đã ban đầy đủ rồi. Vậy lý do đích thực của việc không hoán cải không phải là vì thiếu phương tiện, nhưng là vì cố ý từ chối dùng các phương tiện Chúa đã thương ban để đòi hỏi, theo ý riêng, những điều không có năng lực giúp hoán cải. Đó là ngoan cố, cứng lòng, không muốn làm theo đường lối Chúa, được trá hình dưới  lời cầu xin đòi dấu lạ, ở đây là cho người chết về báo mộng. Sứ điệp: “ hãy nghe lời các vị đó”, tức “hãy nghe lời Kinh Thánh” ( c. 29).

        Tóm lại:

    Ngang qua số phận đối nghịch nhau giữa 2 nhân vật nhà phú hộ và  Lazarô, trước và sau khi chết, Tin Mừng nhấn mạnh đến sự đảo ngược tình huống khi đời tạm này qua đi. Từ đó Tin Mừng mời mỗi người hãy lo sám hối bằng cách sử dụng của cải đời này sao cho phù hợp Thánh ý Chúa đừng để rơi vào tình huống bất hạnh như nhà phú hộ kia sau khi chết.

    Để giúp con người thực hiện được điều đó, lời Môsê và lời ngôn sứ đã được trao ban cho nhân loại, “cứ nghe lời các vị ấy”. Cụ thể là quan tâm đến những người nghèo đang khốn cùng vì bệnh, đói đang hiện diện quanh mình, hãy chia sẻ giúp đỡ họ.

    Đừng giả điếc làm ngơ trước lời mời gọi của Thiên Chúa qua người nghèo, qua Kinh Thánh. Đừng coi tiền của là tất cả, đừng để tiền nhốt kín mình trong ốc đảo ích kỷ chỉ biết lo hưởng thụ cho bản thân, vô tâm trước nhu cầu của tha nhân. Hãy xác tín rằng đời này sẽ qua đi và sự đảo ngược số phận sau cái chết là điều chắc chắn.

Frère Pierre Đình Long FSC