CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – năm A

Ed 33,7-9; Mt 18,15-20
Chủ đề: Đòi buộc của đức ái Kitô giáo:
nói cho tội nhân biết sai phạm của họ, giúp họ sửa lỗi.
* Ed 33,7: Ta đặt người làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.
* Mt 18,15: Nếu anh em của anh trót phạm tội, thì hãy đi sửa lỗi nó.
Lời Chúa của Chúa Nhật XXIII A Mùa Thường Niên đề cập đến một bổn phận BUỘC trong đời sống đức tin kitô giáo; Nhưng trong thực tế, nhiều tín hữu không quan tâm, thậm chí không hề biết có bổn phận buộc này, vì họ cho rằng hồn ai nấy giữ. Đó là bổn phận phải giúp tha nhân nhận ra sai lỗi của họ, đồng thời giúp họ chỉnh sửa. Người kitô hữu không được phép chỉ lo tìm sống an thân, cố né tránh phạm tội trọng để được lên thiên đàng là đủ rồi, còn tha nhân ra sao thì mặc. KHÔNG! Không được sống như thế! Đối với ai tin vào Đức Giêsu thì việc sửa lỗi cho anh em là một trách nhiệm buộc của đức bác ái kitô giáo.
Lời Chúa còn nhấn mạnh và cảnh báo rằng số phận của tội nhân cũng sẽ là một yếu tố để phán xét các kitô hữu sống chung quanh tội nhân ấy, nếu cứ thờ ơ để mặc tội nhân ở lì trong lầm lạc của đương sự. Bời vì hậu quả của tội là cái chết, chết cả xác lẫn hồn; Mà Chúa thì muốn cứu sống tội nhân, cho nên những ai đã là môn đệ Chúa thì phải cộng tác với Người trong việc cứu vớt kẻ lầm lạc. Do đó, việc sửa lỗi cho tha nhân là BỔN PHẬN BUỘC đối với những ai tin vào Thiên Chúa, những ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu.
Chúa đã dựng nên con người là cộng đoàn, là “xương thịt” của nhau và cũng là “hình ảnh của chính Chúa” thì việc con người phải liên đới với nhau, giúp nhau vượt qua các sai lầm, chiến đấu để dần dần nên hoàn thiện theo ý Chúa, đó là điều mà tín hữu không được tránh né. Nhất là khi Đức Giêsu đã đến đồng hành, thúc đẩy, trợ lực chúng ta.
Bài đọc một là lệnh truyền của Thiên Chúa cho ngôn sứ Êdêkien. Lệnh này là một minh họa rõ nét cho chủ để phải chỉnh sửa lỗi lầm cho người đồng loại, cho dù kẻ đó là “tên gian ác”. Vì Chúa là Tình Yêu, nên Người cũng muốn tên gian ác hoán cải và được cứu.
Bài đọc một mở đầu bằng lời Thiên Chúa nhắc nhở ngôn sứ Êdêkien rằng chính Chúa đã chọn ông làm “NGƯỜI CANH GÁC cho nhà Israel”, nghĩa là phải luôn tỉnh thức, cảnh cáo dân kịp thời không được bê trễ, trốn chạy trách nhiệm kiểu Giona.Và bổn phận ngôn sứ sẽ phải làm là:
  • Trước nhất là phải “nghe lời từ miệng Chúa phán”: để chỉnh sửa tha nhân được tốt, điều tiên quyết là LẮNG NGHE Ý CHÚA, vì không phải ta sửa lỗi tha nhân mà là Thiên Chúa chỉnh sửa qua ta.
  • Tiếp đến là “thay Chúa báo lại cho chúng biết” cách trung thực.
  • Nội dung cụ thể phải công bố trong bài đọc một là Thiên Chúa muốn ngôn sứ báo cho kẻ gian ác biết “chắc chắn hắn phải chết”.
Phần hai của bài một là lời Chúa nghiêm huấn ngôn sứ: Ngôn sứ buộc phải nói trung thực Lời Chúa cho tên gian ác; bằng không thì hắn sẽ phải chết vì tội và vì không hoán cải, nhưng ngôn sứ cũng sẽ bị Chúa “đòi đền nợ máu” cho cái chết của kẻ ác do sự vô trách nhiệm của ngôn sứ. Còn nếu ngôn sứ làm tròn phận vụ thì sẽ vô can, được Chúa ân thưởng.
Trong Tin Mừng, Matthêu cũng đề cập đến chủ đề phải sửa lỗi cho anh em. Bài một nhấn mạnh đến TRÁCH NHIỆM của người được Chúa sai đi; Còn Tin Mừng nhấn tới cách thức, diễn tiến phải làm khi sửa lỗi cho anh em.Phải tôn trọng tội nhân và sửa sai từng bước một:
  • Bước 1: môn đệ Chúa đích thân tới, đi bước trước gặp tội nhân. Điều lời Chúa nhấn mạnh là CÁCH ĐỐI XỬ: như anh em, với MỤC ĐÍCH: “chinh phục được một người anh em”. Không ứng xử như một quan toàn đối với tội nhân.
  • Bước 2: nếu bước một thất bại: nại đến một số ít chứng nhân đúng theo tinh thần Luật: chứng của hai người là có giá trị (Đnl 19,15); Vẫn hi vọng giải quyết được vấn đề kín đáo ngang qua lý lẽ, thuyết phục trong tình thân huynh đệ.
  • Bước 3 mới dùng đến kỹ luật: đưa ra trước Hội Thánh. Hội Thánh ở đây phải hiểu là các đấng lãnh đạo cộng đoàn. Và nếu cũng thất bại thì PHẢI công bố y không còn hiệp thông với cộng đoàn nhằm ngăn chận điều xấu lây lan gây hại cho những “kẻ bé mọn” (x.Mt 18,5-11).
  • Bước 4 là cầu nguyện, phó thác người ấy cho Thiên Chúa trong đồng lòng nhất trí cầu xin trong tín thác vào lời Chúa hứa: xin gì Chúa cũng cho. Việc hoán cải một tội nhân vượt tầm tay nhân loại. Đó là công trình của Thánh Linh.
Xin cho mỗi tín hữu xác tín rằng mình phải có trách nhiệm về đời sống đức tin của anh em mình, sửa lỗi nhau hết tình đồng thời phó thác tất cả cho Thiên Chúa trong tín thác chính Thiên Chúa hoàn thành lệnh “sửa lỗi cho nhau” nơi, và qua mỗi  người kitô hữu chúng ta.
BÀi 2 
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em”
(Mt 18,15).
Sau bài giảng bằng dụ ngôn hé mở về mầu nhiệm Nước Trời tại thế, và trước những phản ứng tiêu cực của người Do Thái từ dân chúng cho đến các thủ lãnh cả về đạo lẫn đời, Đức Giêsu đã thu hẹp dần tầm hoạt động của Người vào Nhóm các môn đệ thân tín của Người. Người tách rời các ông ra khỏi môi trường Do Thái, lẫn các tham vọng tục hóa đấng Mêsia của họ, để rồi Đức Giêsu tỏ mình ra cho họ Người là “Con Người”, là “Mêsia”, là “Con Thiên Chúa hằng sống”; Và điều lạ lùng vượt mọi trí tưởng nhân loại là phương tiện mà Chúa dùng để hiển lộ căn tính thần linh lại là con đường làm con người cho đến cùng trên Thập Giá, để rồi chính Thiên Chúa sẽ siêu tôn Người…
Mặc khải ấy làm các môn đệ vấp phạm (x.Mt 16,22-23). Đức Giêsu cố gắng củng cố đức tin các ông (17,1-8), nhưng vẫn không thay đổi lập trường Thập Giá: Người tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai (17,22-23). Thế nhưng, bao cố gắng của Đức Giêsu đối với các môn đệ dường như “nước đổ đầu vịt”. Mặc khải Thập Giá như đám mây đen thoáng qua giữa trưa hè. Trong đầu Nhóm môn đệ vẫn còn đầy những tranh dành địa vị hơn thua: sau lần thứ hai mặc khải về Thập Giá, cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều thuật lại việc Nhóm Mười Hai tranh nhau xem “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18,1b; Mc 9,34; Lc 9,46). Riêng theo Tin Mừng Matthêu (18,1a) các môn đệ còn đem vấn đề này ra hỏi thẳng Đức Giêsu. Và Đức Giêsu đã chộp ngay câu hỏi này để đưa các môn đệ đi sâu hơn vào mầu nhiệm Nước Trời tại thế: bài giảng thứ tư trong Matthêu, “Diễn từ về đời sống Giáo Hội” (Mt 18). Môn đệ vẫn là thành viên của nhân loại, do đó họ cũng phải chịu những tác động của các cơ chế trần gian (x.Mt 17,24-27). Tuy nhiên, giữa chợ đời như thế, người môn đệ không để mình bị lôi cuốn theo thói đời; Cách họ ứng xử với nhau và với tha nhân phải được hướng dẫn theo một chuẩn mực khác. Đó là những gì mà Đức Giêsu dạy cho môn đệ trong chương 18 này để sống cho phù hợp với chuẩn mực của người môn đệ.
Mt 18 được trình bày như là câu trả lời riêng của Đức Giêsu cho nhóm nhỏ môn đệ: “họ đến gần” và hỏi riêng Đức Giêsu: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”. Đức Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng Người đưa ra một loạt cách ứng xử mà người môn đệ phải có đối với nhau và với tha nhân:
  1. Trong tương quan cộng đoàn:
  • Phải tôn trọng mọi người, nhất là đối với những ai bé mọn, lầm lỗi: đừng coi thường họ, đừng làm cớ vấp phạm cho họ (18,4-11).
  • Matthêu trình bày hai trường hợp chung của những kẻ bé mọn, lầm lạc:
  • Những kẻ đã LẠC xa đàn rồi: phải đi tìm, dù biết là khó. Đó là Ý Cha, phải xác tín rằng Cha không muốn kẻ bé mọn phải hư mất (18,12-14).
  • Những kẻ bắt đầu có những biểu lộ lầm lạc: nếu biết được, phải tìm mọi cách sửa lỗi họ, giữ họ lại trong mối liên kết với cộng đoàn (18,15-18).
  • Phải liên kết với nhau trong cầu nguyện: mối dây liên kết, giềng mối hiệp nhất mọi thành phần trong cộng đoàn – bé mọn, tội nhân, công chính…- chính là cầu nguyện. Đối với cộng đoàn Giáo Hội, cầu nguyện phải luôn là phương dược hữu hiệu giúp giải đáp mọi vấn nạn nảy sinh trong cộng đoàn. Lưu ý là Đức Giêsu không hứa sẽ giải đáp cụ thể mọi vấn đề mà chỉ hứa “có Thầy ở đó, ở giữa họ” (18,20). Cái hồn sống hàn gắn mọi rạn nứt, chữa lành mọi đau thương là “có Chúa ở cùng”. Cầu nguyện CỘNG ĐOÀN nhất trí, đồng tâm “hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy”, là một bảo đảm chắc chắn “có Thầy ở giữa” (18,19-20).
  1. Trong tương quan cá nhân với nhau:
Khi cá nhân của mình bị xúc phạm, hay bị thiệt hại: phải THA THỨ: 
  • Tha thứ không giới hạn, luôn tha thứ: tha 70 lần 7 (18,21-22).
  • Tha thứ vô điều kiện vì thực ra mình đã được Thiên Chúa tha trước rồi (18,23-35).
Tin Mừng hôm nay trích phần anh em trong cộng đoàn phải lo sửa lỗi cho nhau. Mọi phương thức được đề ra chỉ nhằm một mục đích: “chinh phục người anh em” (18,15b). Và Thiên Chúa vẫn là nơi cậy dựa chung cuộc, hiệu quả cho công cuộc liên kết, gìn giữ sự toàn vẹn cho cộng đoàn (18,19-20).
Nội dung đoạn Tin Mừng hôm nay:
  1. Bổn phận phải sửa lỗi cho nhau (18,15):
Đối tượng mà bản văn nhắm tới là cá nhân: “ANH”, nhưng không phải là cá nhân riêng rẽ mà là thành viên trong một tập thể, cộng đoàn huynh đệ gọi nhau là “ANH EM”.
“Anh em” là cộng đoàn của những con người có mối liên hệ mật thiết, họ hàng với nhau: cùng một cha, mẹ hoặc cùng một cụ tổ về huyết thống…Mối tương quan này không có tội lỗi hoặc ý muốn nào từ phía con người có thể hủy bỏ được. Riêng đối với dân Do Thái, họ còn có một mối dây nối kết khác đến từ Thiên Chúa: Giao Ước cắt bì. Yếu tố làm các thành viên trong dân trở nên anh em là Giao Ước chứ không là huyết thống (x.St 17,9-14). Tính cách phổ quát của Giao Ước cắt bì là bước dọn đường cho phép Rửa của Đức Giêsu: tất cả mọi người nhờ phép Rửa đều là anh em, con cùng một Cha, môn đệ cùng một Thầy (x.Mt 23,8-12). Như vậy đối tượng của việc sửa lỗi không phải là những người xa lạ mà là “anh em của anh”, con cùng Cha trong đức tin. Vậy động lực buộc các môn đệ phải sửa lỗi cho kẻ khác không phải là một ý thức luân lý cá nhân, nhưng xuất phát từ tình huynh đệ kitô giáo: nghĩa là người tín hữu không muốn mất một người anh em trong Đức Kitô, Đấng không hề muốn một ai phải hư mất.
Vậy trong tư cách là anh em, con cùng Cha, của nhau, trong ý thức biết rõ Cha không muốn cho ai phải hư mất (18,14), người tín hữu sửa lỗi cho nhau.
Đó là bổn phận buộc vì mặc dù bản văn không nói rõ, nhưng tội phạm trong bản văn này phải là tội nặng; Bởi vì nếu tội nhân cứng lòng thì tình trạng của nó rất trầm trọng: “nó hãy LÀ người dân ngoại, tên thu thuế”. Cái tội đó làm “nó” biến chất từ môn đệ ra thu thuế, dân ngoại.
Mục đích của việc sửa lỗi là để giữ kẻ có lỗi tiếp tục ở lại trong sự hiệp thông với cộng đoàn như một người ANH EM. Tất cả là để xây dựng một cộng đoàn huynh đệ hiệp nhất trong Đức Giêsu, theo đúng ý Cha là không để cho ai phải hư mất (18,14).
  1. Đối với hạng cứng lòng (18,16-17).
“Nếu nó không nghe”: bản thân tội nhân đã ở trong tình trạng không hiệp thông với Giáo Hội vì lỗi lầm của hắn – như nói trên – là nặng có nguy cơ đưa tới biến chất trầm trọng. Rồi trong tương quan với cộng đoàn trong đó có nhiều người đức tin còn yếu kém, việc tội nhân cố chấp trong cái sai lỗi nặng nề của mình có thể kéo theo nhiều nguy hại nhất là cho kẻ bé mọn. Vậy tất cả những thủ tục nói trong câu 16-17 không phải là một “bài giải mẫu” áp dụng được cho mọi tình huống, nhưng là những gợi ý nhắc nhở thái độ phù hợp phải có của tín hữu:
a/ Ý thức rằng sửa lỗi cho anh em là cần, nhưng là việc làm rất khó, cũng tương tự như việc tìm chiên lạc là khó: “may mà tìm được” (18,13a).
b/ Phải kiên trì, tôn trọng tội nhân, giải quyết từng bước một.
c/ Tất cả mọi giai đoạn đều được thực hiện trong một tinh thần duy nhất: mọi người đều là anh em, mọi việc được làm là để có lại được anh em.
Vậy tất cả thủ tục nói trên chỉ nhằm đưa sự thật ra ánh sáng để hi vọng thức tỉnh tội nhân hầu cứu chính hắn và ngăn ngừa lây lan gương xấu làm cho kẻ bé mọn bị hư mất.
2. Đối với kẻ cố chấp (18,17b)
Xin nhắc lại, việc “đi thưa Giáo Hội” không phải là một thủ tục pháp lý đi tố cáo tội nhân trước tòa án, nhưng đây là một nổ lực tối hậu với hi vọng nhờ sự gắn kết với cộng đoàn mà tội nhân hoán cải, sau nhiều cố gắng của cá nhân, nhóm nhỏ đã thất bại. Giáo Hội ở đây là một cộng đoàn huynh đệ, trong đó ai nấy đều ý thức mình có trách nhiệm về đức tin, sự hiệp nhất của chính cộng đoàn mình, của anh em mình và của chính mình. Chính trong tương quan huynh đệ này mà Đức Giêsu dạy môn đệ câu 18,17b.
Khi cố chấp loại trừ tất cả mọi lời khuyên nhủ, tội nhân đã tự loại mình ra khỏi cộng đoàn huynh đệ, tự coi mình là kẻ xa lạ mà hình ảnh quen thuộc “hạng thu thuế”, “hạng dân ngoại” là cách diễn tả biểu tượng. Giáo Hội không loại trừ ai vì không có quyền lực nào có thể hủy bỏ quyền làm con Thiên Chúa của người môn đệ đã được Thiên Chúa trao ban qua bí tích Rửa tội; Chính tội nhân tự coi mình như dân ngoại, thu thuế. Đó là cách hiểu bản văn hi lạp dịch sát Mt 18,17b: “đối với anh (người sửa lỗi) NÓ (tội nhân) hãy là như hạng thu thuế, dân ngoại”. Đối với những ai muốn sửa lỗi anh em thì người anh em tội nhân đáng thương kia đang lún sâu vào tình trạng nguy hiểm là SẼ trở nên như dân ngoại, như thu thuế. Động từ nó HÃY LÀ (présent impératif) hàm nghĩa điều đó chưa xảy ra ngay tức khắc.
3. Kẻ tin phải làm gì? (18,19-20)
Phải đọc đoạn Tin Mừng này trong tổng thể chương mười tám.
  • Tội nhân rơi vào tình trạng thu thuế, dân ngoại nghĩa là về lại tình trạng CON CHIÊN LẠC. Vậy phải đi tìm (18,12-14).
  • Còn ở đoạn đang khảo sát đây: phải CẦU NGUYỆN. Mt 18,19-20 chỉ nói “họp lời cầu xin BẤT CỨ ĐIỀU GÌ thì Cha sẽ ban cho”. Tất cả phương tiện nhân loại đã thất bại, nhưng còn tình yêu Thiên Chúa thì sao? (x.Lc 1,37).
Chúa hứa “xin bất cứ điều gì” cũng được tại sao không xin tìm được con chiên lạc trở về, không xin ơn hoán cải cho người anh em đang lầm lạc?
Điều quan trọng ở đây là cầu nguyện cộng đoàn nhân danh Đức Giêsu (18,20). Lo lắng phần rỗi cho nhau đó vừa là bổn phận buộc của Giáo Hội vừa là của mỗi tín hữu.
Giáo Hội và mỗi tín hữu không bao giờ hết trách nhiệm đối với con cái, anh em mình. Giáo Hội đừng quên mình là công cụ của Thiên Chúa, mình bất lực chứ không phải Thiên Chúa. Phải tiếp tục chiến đấu với kẻ cứng lòng, cố chấp và trao người anh em đó vào tay Chúa qua các nổ lực hoạt động và nhất là ĐỒNG TÂM NHẤT TRÍ, HỌP NHAU CẦU NGUYỆN.
Hoán cải tâm hồn con người là công trình của Thiên Chúa, nhưng Chúa muốn Giáo Hội, mỗi tín hữu, mỗi cộng đoàn là cộng tác viên cho công cuộc đó với tất cả những gì loài người có thể làm được trong tâm tình tín thác vào tình yêu, quyền năng cách hành động của Thiên Chúa.

Frère Pierre Đình Long FSC