CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN – năm C

Bài 1

Gv 1, 2; 2, 21-23 ; Lc 12, 13 -21
Chủ đề:   Tất cả chỉ là PHÙ VÂN!
Hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa

* Gv 1,2: Phù vân quả là phù vân! Tất cả chỉ là phù vân
* Lc 12, 20: Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai.

    Lời Chúa của Chúa Nhật XVIII C Mùa Thường Niên nói thẳng với chúng ta một sự thật đớn đau mà chắc chắn là chẳng ai ưa thích. Đó là tính PHÙ VÂN, CHÓNG QUA, VÔ THƯỜNG của tất cả các thực tại đang hiện hữu trên trần thế này.

    Tất cả những yếu tố thể chất lẫn tinh thần đan dệt nên cuộc sống của con người đều sẽ phải qua đi hết. Bao công lao xây dựng, bao lời khuyên dạy của các bậc hiền nhân của các bậc vĩ nhân đáng kính, hay là những điều tai ác xấu xa, gương mù gương xấu của phường vô loại, ác nhân … cho dù có lưu truyền đến ngàn năm đi nữa; cho dù được người ta xây dựng tượng đài hay bị thù nhân, kẻ đốn mạt vô luân đào mồ đào mả đi nữa …thì sự thật phủ phàng vẫn là CHÍNH BẢN THÂN của người ấy cũng chỉ là NẮM XƯƠNG TÀN hoặc một XÁC ƯỚP KHÔ QUẮT vô tri như bao nhiêu con người khác.

    Nếu vận mạng của con người chỉ dừng lại ở thực tại, cuộc sống trần thế này mà thôi thì đúng là cuộc đời là phi lý, tất cả đều là phù vân, vì với cái chết, mọi nổ lực của đời người đều bị hủy diệt. Do đó lời Chúa hôm nay không mang tính bi quan, nhưng đưa ra một cái nhìn trung thực về cuộc sống phàm nhân với tất cả những gì là bấp bênh của nó, để rồi mở ra cho các tín hữu một con đường sáng: “anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới …” (bài đọc 2: Cl 3, 1 – 2); và trong Tin Mừng, Đức Giêsu cũng khuyên như thế: anh em hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa (x. Lc 12, 21).

    Thật vậy, từ khi hai ông bà nguyên tổ sa ngã, mọi an toàn bảo đảm cho cuộc sống đời thường của nhân loại bị mất tất cả: phải làm lụng vất vả mới có được lương thực mà ăn, cái đói khát, khổ sở luôn rình rập con người để rồi cuối cùng thì mọi sự đều quay về hư không với cái chết. Chính vì thế, để bù trừ lại phần nào những mất mát lớn lao trên, con người bắt đầu TÍCH LŨY riêng nhằm bảo đảm an toàn cho cá nhân, phe nhóm của mình. Dần dần, “tích lũy” trở thành như bản năng của con người, để rồi đi đến cái ảo tưởng tai hại là tưởng rằng đời sống của mình sẽ bảo đảm an toàn dựa trên những gì mình tích lũy được. Lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta khỏi ảo tưởng chết người đó.

    Bài đọc 1, trích từ sách Giảng Viên, trong bộ sách giáo huấn, còn gọi là các sách khôn ngoan, tức là những sách dạy người ta về cuộc sống và cách sống ở đời sao cho đời người được thành công, hạnh phúc. Đó là hoa trái của kinh nghiệm sống bao đời của nhân loại. Thiên Chúa đã yêu thương đảm nhận lấy cái giá trị khôn ngoan đó làm của Người bằng cách thổi vào chúng sức sống, năng lực thần linh (giống như Chúa thổi hơi vào cục đất Ađam; như Đức GiêSu biến bánh rượu thành Mình Máu Chúa), nhờ đó chúng có thể đưa nhân loại vượt qua được những giới hạn phàm trần đạt tới vinh quang vĩnh cửu.

    Vì thế, mặc dù các lời khuyên trong Bộ Sách Giáo Huấn vẫn còn đầy những nét giới hạn, bế tắc, băn khoăn của thân phận làm người, và trong một chừng mực nào đó còn mang nét bi quan nữa, thì chúng không còn là những bế tắc yếm thế mà là những nấc thang phải bước lên để tiến về Thiên Chúa. Phaolô đã chia sẻ với chúng ta kinh nghiệm đó trong 2Cr 12, 10: trong Đức Kitô, khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh.

    Bài đọc 1 mở đầu bằng một châm ngôn có nét bi quan: “Phù vân, quả là phù vân, tất cả chỉ là phù vân”. “Vân” là mây, “phù” là trôi nổi. “Phù vân” là đám mây trôi vô định trên bầu trời, hình dạng của đám mây thay đổi từng giây. Phù vân dịch từ tiếng Hipri “HE – BEN” có nghĩa là hơi thở, làn khói, nói lên tính cách chóng qua, vô thường của mọi thực tại, giá trị trần thế. Chủ điểm trên được sách Giảng Viên đưa ra nhiều minh họa; Bài đọc 1 trích ra một chuyện: LAO ĐỘNG. Con người dùng hết khôn ngoan, hiểu biết, dãi nắng dầm mưa vất vả lao động để tìm thành công thậm chí đêm đến cũng không ngủ yên vì lo âu tính toán. Làm thế để được gì? Vì với cái chết, mọi hoa trái đều sang tay cho kẻ khác.

    Mới thoạt nhìn tưởng chừng tác giả bi quan, nhưng thực tế, cuộc đời là như vậy, nếu mỗi người chỉ biết sống cho cá nhân mình và tự nhốt mình trong 100 năm trần thế. May thay Tin Mừng thức tỉnh chúng ta: đừng quá lo thu tích của cải thế trần, hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa.

    Tiếp tục bài đọc 1, Tin Mừng đưa thêm hai hình ảnh minh họa về TÍNH PHÙ VÂN của bạc tiền, của lao công trần thế nếu chỉ qui về tích lũy cho cá nhân.

Câu chuyện 1: có người đến xin Đức Giêsu làm trọng tài bảo anh mình chia phần gia tài cho mình. Đức GiêSu từ chối! Người không đến làm thẩm phán cho thế lực trần thế cho dù đó là luật. Người vượt hơn Luật, Người đến để đưa ta vào Nước Trời (x. Mt 5, 20 – 48). Vì thế Người cảnh cáo: đừng để việc lo lắng của cải đưa người ta tới chỗ THAM LAM. Người không coi khinh các giá trị trần thế, nhưng dạy phải sống tinh thần Kinh Lạy Cha (Lc 11, 3).

Câu chuyện 2: nhằm vào tính phù vân của lao động tích lũy chỉ nhắm vào lợi lộc trần thế cho cá nhân mình: làm việc thành công, hoa màu dư dật, xây thêm cơ sở … sẽ được ích gì khi Tử Thần đến gõ cửa? Hành vi chỉ biết có mình, xây dựng số phận vĩnh cửu trên của cải, sức lực của riêng mình bị Đức GiêSu gọi là “ĐỒ NGỐC!”. Không có vấn đề khinh chê lao động, tính toán ở đây. Cái sai nằm ở động cơ, mục đích của lao động. Vẫn tích lũy, vẫn lao động, nhưng là để LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA. Thật vậy, trong Kinh Thánh, “đồ ngốc” là từ dùng để ám chỉ những hạng người cho rằng Thiên Chúa không hiện hữu, do đó họ sống như không có Người (x Tv 14, 1). Hậu quả là khi cái chết đến, tất cả đều trở thành phù vân đối với họ. Vậy, chúng ta là những người tin vào Chúa, hãy sống và làm mọi sự “TRƯỚC MẶT CHÚA” thì lúc đó những gì ta làm vốn là phù vân, lại được Chúa đảm nhận như là của Người, làm cho Người, do đó chúng trở nên có giá trị vĩnh cửu đưa kẻ tin đến hạnh phúc đời đời: một chén nước, một chén cơm được Chúa đánh giá “vì xưa Ta đói khát, các ngươi đã cho ta ăn uống … Hãy vào hưởng vương quốc dành cho các ngươi”.

Bài 2

Phù vân … tất cả chỉ là phù vân (Gv 1, 2)… Anh em phải coi chừng phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải hễ ai có dư thừa là mạng sống của người ấy được bảo đảm nhờ của cải đâu (Lc 12, 15)

       Lời Chúa hôm nay mời chúng ta suy niệm về một đề tài rất thiết thực và gắn bó chặt chẽ với cuộc sống con người. Đó là vấn đề CỦA CẢI. Hay nói đúng hơn đó là mối tương quan giữa con người và của cải. Thật vậy của cải chỉ là vật chất vô tri. Giá trị của nó là do con người chúng ta gán cho nó để giúp cho cuộc sống trao đổi trong hiện tại được thuận lợi. Thế nhưng một khi các động cơ của cải đã vận hành thì nó lại cuốn phăng con người theo dòng chảy của nó. Và túi khôn của của nhân loại đã nhận ra được sự thật hiểm nguy đó và cảnh cáo con người: tiền bạc là người tôi tớ tốt, nhưng là ông chủ xấu. Biết hiểm họa là thế, nhưng mấy ai kháng cự lại được hấp lực đầy mê hoặc của tiền tài, của cải. Và một khi đã quị ngã trước hấp lực ma mị của thần tài, của quyền lực thế gian, con người đã tự mình đút dầu vào ách nô lệ của những sản phẩm do chính mình tạo ra.

         Thật vậy, như trên đã nói: tiền tài, của cải, quyền lực, danh vọng… tất cả chỉ là sản phẩm do con người tạo ra, nhưng con người đã dại dột trao cho chúng cái năng lực, cái quyền làm chủ trên vận mạng của mình, thay vì sử dụng chúng theo ý định của Thiên Chúa. Đó là điều đã được diễn tả trong St 2-3, qua hình ảnh CƠN CÁM DỖ ĂN TRÁI CẤM:

      Cái cốtt lõi của cơn cám dỗ nằm ngay trong lời dụ dỗ của Con Rắn “…ngày nào hai ông bà ăn trái cây đó… ông bà như những vị thần…” (St 3, 5). Tự bản chất “Trái Cấm” chỉ là một thọ tạo hữu hạn được Chúa dựng nên để dạy con người phải biết nhìn nó để ý thức đúng vị trí của mình là thọ tạo giới hạn trong công trình của Thiên Chúa. Thế nhưng Rắn đã lừa đảo con người bằng cách gán cho Trái cấm một năng lực ảo: ăn vào thì ngay tức khắc làm cho hai ông bà nên như những thần linh. Đó là điều không tưởng, Trái Cấm (biểu tưởng cho mọi thụ tạo khác nói chung) Không có được năng lực đó. Khốn thay hai nguyên tổ lại tin vào lời dối gạt đó, bỏ Thiên Chúa, chạy theo hình ảnh ảo của Trái Cấm và đặt cọc đời mình vào đó. Kết quả là sự chết, là xa lìa Thiên Chúa; Và để lại di chứng cho nhân loại: Xa lìa Thiên Chúa là cội nguồn sự sống và hạnh phúc đích thực, trường cửu để đi tìm nơi các thọ tạo vô thường, chóng qua không chân thật.

     Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta, các tín hữu của Đức Kitô:

– Tính phù vân, vô thường, chóng qua của mọi loài thọ tạo, nhất là những thứ do con người bịa ra: tiền tài, danh vọng, uy quyền, …

– Tuy nhiên những thứ đó lại có một hấp lực hút hồn lôi cuốn, nhấn chìm những ai rơi vào vòng xoáy của chúng không cưỡng lại.

– Do đó luôn tỉnh thức, coi chừng, giữ mình khỏi mọi thứ tham lam.

                                              BÀI ĐỌC I: Gv 1, 2; 2, 21 – 23

  “Giảng viên” (còn được gọi là Qôhêlét) là tên của một cuốn sách trong bộ “Các sách Giáo Huấn” trong Cựu Ước. Tên này không phải là một tên riêng, mà là một tên chỉ chức vụ hay nghề nghiệp. Theo Gv 1, 1 thì tác giả sách này là vua Salômon. Chủ đề chính của sách có thể gom tóm lại trong câu “phù vân quả là phù vân, Tất cả chỉ là phù vân”. Ý tưởng đó xuyên suốt cuốn sách và thống nhất từ đầu đến cuối (x. CGKPV, “Các Sách Giáo Huấn 1997 trang 454).

    Tư tưởng thoạt nhìn có vẻ bi quan: tất cả mọi sự rồi sẽ qua đi trước dòng chảy của thời gian, mọi nổ lực của con người đều là công dã tràng xe cát (Gv 1, 4). Thực ra có lẽ ông là một người thực dụng, suy tư phán đoán dựa trên những gì ông quan sát được từ cuộc sống, dám nhìn thẳng vào những cái bất toàn của con người, của các loài thọ tạo. Từ cái nhìn thực tế đó, ông nhận ra được tính phù du, bấp bênh của cái thực tại trần thế, nhất là những cái do tay con người tạo nên. Và ông dám nói trắng trợn ra sự thật phũ phàng đó.

         Đứng trước thực tại phũ phàng như thế, con người có thể làm được gì? Chắc chắn là không thể chống lại được “cơn lũ quét” thời gian với những quy luật của đất trời kèm theo. Với tầm nhìn hữu hạn của mình, Qôhêlét đưa ra lời đáp của mình:

– Hãy tận hưởng hạnh phúc của hiện tại, lấy làm niềm vui cho mình những gì hiện tại mang đến cho ta. Đối với Qôhêlét, hạnh phúc là “hưởng thú vui và sống thoải mái” (CGKPV Sđd 455).

– Chấp nhận thân phận giới hạn của con loài người, thanh thản trước một thực tế còn nhiều điều “con người không biết được” (Sđd 455).

– Cụ thể, cứ vui hưởng niềm vui của cuộc sống bình thường: ăn uống, vui vẻ, thoải mái (x.2, 24-25; 3, 12-22; 5, 17-19…)

     Sự thật, đó không phải là lời giải đáp mà chỉ là suy tư của một hiền nhân trước những thực tại nhân sinh mà ông quan sát được. Cựu ước chưa phải là thời điểm có được những giải đáp rốt ráo cho những vấn nạn như thế. Lời đáp đích thực nằm nơi con người và sự nghiệp của Đức GiêSu. Trong bài đọc Tin Mừng, người phú hộ “đồ ngốc” là hình ảnh biểu tượng cho những vấn nạn ở bài đọc 1. Đáp số là bế tắc với cái chết đột ngột ập đến. Thái độ phải có là “Lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12, 21).

    Bài đọc 1 chỉ là một đoạn trích ngắn nêu lên một thực tại nhân sinh phũ phàng: tất cả đều là hư vô, tất cả chỉ là lao nhọc. Bài đọc 1 không đưa ra lời đáp, chỉ đưa ra một thực tại để cảnh cáo nhân loại đang bị cuốn vào vòng xoáy tìm lẽ sống của mình nơi các thực tại chóng qua ở trần thế này. Lời đáp sẽ được Đức GiêSu mang tới trong Tin Mừng.

  1. Phù vân, quả là phù vân, tất cả chỉ là phù vân.

* Ý nghĩa từ “phù vân” xem trong bài Chủ đề.

*  “Phù vân, quả là phù vân”: dịch sát là “phù vân của những phù vân”. Đây là cách nói nhằm diễn tả việc so sánh ở cấp cao nhất. Qua cách nói nhấn mạnh đó, tác giả khẳng định mọi sự ở trần thế này đều phù du, vô thường, chóng qua.

     Đứng trước thực tại “mọi sự rồi sẽ qua đi đó”, tác giả đưa ra những suy tư độc đáo của mình về mọi thực tại trần thế: tất cả đều là phù vân.

    Phần tiếp theo của bài đọc 1 đề cập đến vấn đề “lao động”, (Lao động cho lắm đi nữa thì cũng là phù vân vì rốt cuộc chết đi mọi thứ ta làm đều sang tay kẻ khác); chi tiết đó ăn khớp với chủ đề của bài dụ ngôn trong Tin Mừng.

  1. Khía cạnh “phù vân” của “lao động”:

* Những mô tả đầy nét ảm đảm, bi quan của Qôhêlét về lao động là nét đặc thù của thứ lao động đã bị thoái hóa do tội lỗi gây nên. Thật vậy trong ý định ban đầu của Thiên Chúa, lao động là vinh quang, là ân huệ Thiên Chúa ban cho để con người làm đẹp, làm chủ vũ trụ như ý Chúa (x. St 1, 26) và qua lao động con người thể hiện quyền làm chủ vũ trụ của mình (x. St 2, 15). Nhưng khi hai nguyên tổ sa ngã, khước từ dự tính của Thiên Chúa trên vũ trụ và trên bản thân mình, muốn loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình … muốn tùy tiện thao túng mọi sự theo ý riêng mình … thì mọi tương quan tốt lành trong công cuộc sáng tạo bị xáo trộn. Một trong những xáo trộn nặng nề là LAO ĐỘNG.

    Lao động vinh quang, lao động trong tư cách là “hình ảnh Thiên Chúa” đã bị thoái hóa thành lao động khổ sai, lao động như một tù nhân; lao động không còn là niềm vui, hạnh phúc mà là lao động đọa đày, là gánh nặng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để có được miếng ăn. Và tệ hại nhất là sau bao khổ đau lao động để lớn lên, để hi vọng sinh tồn … thì con người phải gục ngã xuống, trở về lại với bụi đất.

   Đứng trước thực tại không thể trốn chạy được đó, con người chỉ có thể “trao lại sự nghiệp suốt đời mình đã vất vả làm nên vào tay một người khác”; một người không tốn chút công sức nào giờ đây hưởng tất cả.

*Điều đó cũng chỉ là phù vân và CÒN LÀ ĐẠI HỌA (2, 21c)

– Việc trao lại sự nghiệp của mình cho kẻ khác (vấn đề thừa kế) rồi cũng sẽ qua đi, lịch sử lập lại: kẻ thừa kế rồi cũng chết, rồi để lại của cải cho người kế nghiệp. Tất cả vẫn chỉ là phù vân: chẳng ai được hưởng lâu dài cái thành quả lao động của bao thế hệ đi trước.

– Câu 21 c còn thêm một ý: “LẠI CÒN LÀ ĐẠI HỌA” (?).

   Thật vậy bài học lịch sử cho thấy: gia tài để lại càng nhiều thì càng dễ có nguy cơ anh chị em trong gia tộc tranh dành cấu xé nhau. Sự tranh dành, chia rẽ đó là một nguyên nhân đưa tới mất nước, tán gia bại sản, hủy hoại giòng tộc … Tiền của dồi dào, không làm mà lại đương nhiên được hưởng, ai mà không ham …! ĐẠI HỌA!

*Lời cảnh cáo:

   Vậy thực tại đáng buồn mà Qôhêlét vẽ ra không phải là cái nhìn bi quan cho bằng là một lời cảnh cáo: thế giới này đang bị đe dọa bởi sự cuốn hút của tiền bạc, của công việc, của tích lũy, … mà không có gì chặn đứng được cơn lũ đó. Tác giả thấy được vấn nạn và can đảm nêu lên, nhưng chưa tìm được câu đáp thỏa đáng.

   Và giống như vấn nạn về việc người lành phải chịu khổ đau, bất hạnh trong sách Gióp, vấn nạn trong Sách Giảng Viên chỉ đưa ra những thực tại, ít ra là có người dám nhìn vào sự thật và gióng lên tiếng chuông báo động, để rồi lời đáp chỉ có được trong Đức GiêSu. Thật vậy trong bài đọc Tin Mừng, chúng ta sẽ gặp lại chủ đề.

– Chia gia tài (Lc 12, 13 – 15)

– Lao động phù vân, uổng công (Lc 12, 16 – 20)

Và Đức GiêSu đã đưa ra giải pháp khắc phục:

– Đừng quá dính bén với của cải, vì chúng không bảo đảm được cho sự sống của chúng ta (Lc 12, 15)

– Phải lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa (Lc 12, 21)

TIN MỪNG: LC 12, 13 – 21

   Luca gom lại ở chương 12 này nhiều lời dạy dỗ của Đức GiêSu có liên quan đến vấn đề tiền của. Đúng hơn là mối tương quan giữa con người với tiền của, nghĩa là phải sử dụng tiền của như thế nào để có được sự sống đời này lẫn đời sau. Trong thực tế, tiền của không mua được sự sống cho dù chỉ là sự sống thể xác: tiền của không mua được sức khỏe, không mua được hạnh phúc, … và càng không đưa ta vào được Nước Trời.

     Sứ điệp mà Lời Chúa hôm nay muốn gởi đến không phải là những giáo huấn luân lý về giá trị của tiền của. Tự bản chất, tiền của không tốt, không xấu. Nó chỉ là sản phẩm do con người làm ra để phục vụ cuộc sống tạm bợ ở trần thế này được thuận lợi, trong khi chờ ngày về chung hưởng vĩnh viễn hạnh phúc và sự sống đời đời bên Thiên Chúa.

    Điều mà Lời Chúa hôm nay muốn nhắc nhở mọi tín hữu là thái độ phải có trong tương quan với tiền của, nghĩa là phải sử dụng tiền của như thế nào để “thừa kế được sự sống đời đời” (Lc 10, 25b: câu hỏi là của người thông luật, nhưng trong hành trình lên Giêrusalem chỉ có Nhóm Mười Hai là theo sát Đức GiêSu liên tục; Nên Người từng bước một đang kín đáo trong từng trường hợp cụ thể đưa ra lời đáp thiết thực để đào tạo Nhóm Mười Hai chuẩn bị họ kế nghiệp Người). Những nét nổi bật:

– Khẳng định sự bất lực của tiền của trong việc mang lại sự sống cho cả xác lẫn hồn.

– Điều phải đề phòng: đừng để tiền của thống trị con người mình, nô lệ hóa mình thành kẻ tham lam của cải bất chấp luật lệ, bất chấp sự công bình, bất chấp tình anh em (Lc 12, 13 – 15).

– Đừng tôn thờ tiền của đến độ trao phó vận mạng, hạnh phúc, cuộc đời mình trong tay tiền của đến độ lãng quên luôn cả Thiên Chúa, cả cuộc sống đời sau của mình (Lc 12, 16 – 20)

– Điều phải làm: “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12, 21).

  1. Dẫn nhập:

Trong chủ đề tương quan phải có đối với tiền của, tài sản, Tin Mừng hôm nay đề cập đến hai dạng tài sản:

* Tài sản có được từ thừa kế (12, 13 – 15)

* Tài sản có được do nổ lực mình làm ra (12, 16 – 20)

   Về mặt pháp lý và đạo đức, đây là hai dạng tài sản sạch, con người có quyền tự do hưởng dùng. Chúng có thể mang lại cho cuộc sống trước mắt của chúng ta những tiện nghi, khoái lạc. Tuy nhiên vấn đề mà Lời Chúa hôm nay mời ta suy tư là liệu những tài sản đó có mang lại được sự sống, có kéo dài đời ta thêm một gang, một phút nào không khi Tử Thần đến gõ cửa?

Và lúc bắt buộc phải ra đi đó, họ phải bỏ lại tất cả … Tài sản càng nhiều thì càng tiếc nuối, chết mà không cam lòng nhắm mắt. Đó thực là một thảm họa!

    Và tai họa còn lớn hơn nữa nếu những tài sản ấy lại là cớ cản trở họ vào Nước Trời … Đúng là đại họa như bài đọc 1 có nói tới.

  1. Vấn đề Luật kế thừa và Đức GiêSu từ chối giải quyết (12, 13 – 15)

* Trong Đnl 21, 17 có nói đến luật thừa kế: người con trai trưởng được hưởng hai phần chia, còn các em trai mỗi người được một phần. Đã có luật thì cứ thế mà theo có gì phải thưa kiện. Trong trường hợp Luca kể lại đây chắc là người anh đã muốn chiếm hết, hoặc lấn phần các em, nên cậu em đây mới nhờ Đức GiêSu lấy uy tín của một bậc thầy mà can thiệp giùm. Cậu ta thưa với Đức GiêSu là didaskalê, tương đương với rabbi, là người dạy dỗ, hướng dẫn về lề luật. Anh tìm gặp Đức GiêSu như một nhà tiến sĩ luật để xin phân định về vấn đề thừa kế và dùng uy tín gây áp lực với người anh bất công (chú giải P.A năm C Mùa Thường Niên trang 252). Nhưng Đức GiêSu đã từ chối.

* Ai đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài …?

– Đức GiêSu từ chối làm người xử kiện, vì đã có luật thì chiếu theo luật mà làm, nơi xét xử là tòa án (tương tự vụ Ga 8, 2 – 11).

– Sứ mạng của Người là phải CẤP BÁCH loan báo Nước Thiên Chúa, mọi công việc khác dù quan trọng đến đâu cũng phải gác qua một bên trước sứ vụ khẩn cấp này (Lc 9, 57 – 62); Và Đức GiêSu đang dứt khoát tiến về Giêrusalem để mau chóng hoàn tất sứ mạng này (Lc 9, 51).

– Rồi riêng trong trường hợp cụ thể của hai anh em này, Đức GiêSu từ chối giải quyết và kết quả cho dù sao đi nữa cũng không đưa hai anh em bảo đảm giữ được sự sống (x. 12, 15: “không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”)

* Lời khuyên “anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam

    Vấn đề không chỉ liên quan đến tiền của, tài sản mà là “mọi thứ tham lam”. Tham lam là ham muốn, tích lũy cách quá đáng của cải vật chất; chỉ muốn qui tất cả về bất chấp công bằng, luật lệ, làm người ta ra mù quáng. Lòng tham vô đáy, không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đang có và dùng mọi thủ đoạn để thỏa lòng tham: có voi đòi tiên.

   Đức GiêSu không đến để giải quyết một chuyện cụ thể mà Người đến cứu con người khỏi ách nô lệ của lòng tham luôn lăm le thống trị lòng người kể từ khi Adam – Eva sa ngã.

   Và một lời dạy khác cũng không kém phần quan trọng đó là cảnh cáo con người đừng ảo tưởng rằng có của cải dư giả thì mạng sống được bảo đảm; Đừng dại dột trao phó cuộc sống xác hồn của ta cho “Thần Tài”. Đối với những ai muốn theo Đức GiêSu thì chỉ có một chỗ cậy dựa duy nhất là Thiên Chúa.

  1. Bài dụ ngôn minh họa (12, 16 – 20)

* Theo cái nhìn xã hội và luật, anh nhà giàu này không làm gì sai trái, đáng phải xử án. Gia tài anh có được chắc là do thừa kế hợp pháp; Anh ngày càng giàu là nhờ công sức làm việc của anh. Việc anh xây nhà kho lớn hơn cũng là hợp lý. Sứ điệp dụ ngôn không nằm ở khía cạnh luân lý.

* Dụ ngôn là để minh họa cho câu 15b ở trên: tài sản dư thừa không mang lại cho con người sự sống, không bảo đảm giữ được mạng sống mình.

    Cái nguy là tài sản đã làm anh ta nên mù quáng đến độ quên mất Thần Chết đang kề cận bên anh; Anh quên mất Thiên Chúa mới là Đấng cầm quyền sinh tử; Tài sản biến anh ta thành người vô thần sống như không Thiên Chúa. Ảo tưởng rằng tài sản sẽ là thành lũy an toàn bảo vệ anh ta khỏi sự chết; Anh quên mất rằng với cái chết anh sẽ ra đi với hai bàn tay trắng.

*Đồ ngốc!

     Điều đáng trách nơi anh được Đức GiêSu tóm lại trong từ “ĐỒ NGỐC”. Trong Kinh Thánh, “đồ ngốc” được dùng để ám chỉ những người chối bỏ  sự hiện hữu của Thiên Chúa: “Kẻ ngu si tự nhủ, làm chi có Chúa Trời” (Tv 14, 1; 53, 1). Người giàu có trong dụ ngôn này bị coi là “ngốc” vì anh ta đã quên mất Thiên Chúa; Bù lại anh đã đặt vận mạng đời anh vào của cải phù vân mà anh tích lũy được.

    Một trong những sai lầm ngốc nghếch nữa của anh là anh tích lũy chỉ để hưởng cho riêng bản thân anh: anh xây kho, xây lẫm mới, anh tự nhủ hồn anh… tha nhân không có chỗ trong tâm hồn anh.

* Điều phải làm :

“Hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (c. 21). Nói cách khác là hãy thu tích một kho tàng ở trên trời (Lc 12, 33; 18, 22; x. 16, 9). Cụ thể Phao lô khuyên Timôthê “những người giàu có ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ĂN Ở RỘNG RÃI, SẴN SÀNG CHIA SẺ. Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật” (1 Tm 6, 17-19).

     Vậy Đức GiêSu không cấm thu tích của cải; tuy nhiên phải biết dùng của cải đó để làm giàu trước mặt thiên Chúa bằng cách chia sẻ cho tha nhân. Nên nhớ: trong Luca, các bà giàu có đã đem của cải mình có giúp Đức GiêSu, các tông đồ trong công cuộc, sứ vụ của Người (Lc 8, 1-3). Chia sẻ là cách bảo vệ tài sản hữu hiệu nhất cho đời này lẫn đời sau (x. Lc 12, 33-34).

     Vậy vấn đề không nằm ở chỗ giàu hay nghèo, nhưng là ở chỗ cách sử dụng và mục đích nhắm tới.

  1. KẾT LUẬN

     Dùng của cải một cách ích kỷ thì nhất định phải mất mát. Để được giàu có đích thật, phải biết ký thác tiền bạc mình vào ngân hàng của Thiên Chúa, bằng cách phân phát bố thí dưới mọi hình thức. Vì, chính tiền bạc không thể kéo dài cuộc sống trần thế thêm một giây. Người ta chết bất đắc kỳ tử và phải để lại tiền bạc cho kẻ khác. Có điên rồ mới bám víu vào tiền bạc để mưu hạnh phúc cho mình trong cuộc đời này thôi. Những gì mình có thể tích lũy là hạnh phúc của cuộc sống bên kia, nhưng với điều kiện là chia sẻ cho kẻ không có gì.

Frère Pierre Đình Long FSC