CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN – năm A

Bài 1

1V 3,5.7-12;  Mt 13, 44 – 46
Chủ đề: Ơn biện phân để nhận biết và chọn lựa điều tốt nhất.

* 1V 3, 9: Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái.

* Mt 13, 44b: Người ấy vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

Chúa Nhật XVII A Mùa Thường Niên đề cập đến một vấn đề luôn mang tính thời sự đối với phận làm người của chúng ta. Đó là SỰ KHÔN NGOAN. Ai cũng muốn mình được khôn ngoan, và hy vọng nhờ khôn ngoan mà đời mình sẽ thành công, sẽ hạnh phúc. Nhưng, thế nào là khôn ngoan? Là thành công? Là hạnh phúc? Nhất là TỪ ĐÂU mà con người có được sự khôn ngoan ấy?

Có rất nhiều câu trả lời, tùy theo tầm nhìn, khát vọng của từng đối tượng. Nhưng cách chung người khôn ngoan là người tìm ra được đủ mọi cách để có được nhanh nhất, nhàn nhất, nhiều nhất những gì mình khát vọng, lắm khi bất chấp hậu quả, gây thiệt hại cho kẻ khác, cho công ích. Trong trường hợp bất chấp đó, người ta đã lầm lẫn khôn ngoan với ranh ma, mưu đồ gian dối. Xin kể một câu chuyện vui minh họa:

Một số cha mẹ khi không muốn tiếp khách vào một thời điểm nào đó, thường căn dặn con cái: nếu có ai muốn gặp Ba thì nói Ba đi vắng nghe. Rồi có khách đến hỏi: Ba có ở nhà không con? Một đứa trả lời đúng lời Ba dặn: Thưa, Ba con đi vắng! Đứa khác: Thưa, Ba đang ở nhà! Thế là đứa nói dối được khen là KHÔN(?), còn đứa nói thật bị chê là DẠI.

Khôn ngoan theo thói đời thật ra chỉ là MA GIÁO, tìm tích lũy bằng mọi giá, bất chấp mọi sự chỉ vì lợi ích cho cá nhân hay cho phe nhóm.

Lời Chúa hôm nay không dạy chúng ta thứ khôn khéo ngụy biện đó. Theo Kinh Thánh, khôn ngoan phải là ân huệ của Thiên Chúa được ban cho con người, giúp con người nhận ra, sống đúng Luật Chúa vì sáng danh Chúa và vì ơn cứu độ cho tha nhân: Lòng kính sợ ĐỨC CHÚA là tuyệt đỉnh của khôn ngoan (Hc 1, 18a), là trường dạy khôn ngoan (Hc 1, 27), là đầu mối khôn ngoan (Cn 9, 10); Gốc rễ của khôn ngoan là kính sợ Chúa (Hc 1, 20a); khôn ngoan là tuân giữ các điều răn (Hc 1, 26).

Bài đọc một trích từ sách các Vua Quyển thứ nhất, thuật lại giấc mơ của vua Salomon tại Ghip-ôn, sau khi được lên kế vị vua Đavit. Trong giấc mơ, Chúa phán với ông: “ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho”. Xin gì Chúa cũng cho.

Salomon đã không xin những ơn chỉ có ích lợi riêng cho cá nhân ông: không xin sống lâu, không xin giàu có, không xin thống trị kẻ thù. Ông chỉ xin một ơn để hoàn thành được sứ mạng mà Chúa đã trao cho ông: ƠN KHÔN NGOAN biết biện phân phải trái để cai trị đoàn dân đông đảo của Chúa theo đúng đường lối Chúa. Điều tiên quyết ông xin là BIẾT LẮNG NGHE và tiếp đó là ơn BIẾT PHÂN BIỆT PHẢI TRÁI để an dân, trị nước.

Tất cả chỉ vì sứ mạng, vì sáng danh Chúa, vì lợi ích cho dân Chúa. Thiên Chúa hài lòng vì lời xin thật sự khôn ngoan ấy. Thiên Chúa chuẩn y ban cho ông một trí khôn ngoan vô tiền khoáng hậu, đồng thời ban luôn cho ông tất cả vinh quang của thế gian: sống lâu, giàu có…cho dù ông không xin. Ông trở nên biểu tượng của sự khôn ngoan trong Do Thái giáo.

Trong Tin Mừng, qua các dụ ngôn, Đức Giêsu mặc khải Nước Trời đã đến rồi; Và khôn ngoan chính là thái độ phải có trước ân huệ Nước Trời đang hiện diện tại thế, nơi chính bản thân Người.

Khôn ngoan là biết biện phân chọn lựa, dám coi Nước Trời là quý giá vượt hơn tất cả đến độ sẵn sàng bán đi tất cả những gì đang có để đánh đổi.

Hai bài dụ ngôn sánh ví Nước Trời với kho tàng được chôn giấu và với viên ngọc quý. Kho tàng là do tình cờ phát hiện; Viên ngọc quý là do có ý đi tìm và rồi may mắn gặp được. Cho dù là tình cờ hay có ý tìm thì thái độ chung là dám về bán tất cả những gì mình có để mua cái điều quí giá nhất mà họ gặp được.

Vậy khôn ngoan là một quyết định chọn lựa: từ bỏ tất cả những gì mình đang có, những gì mình đang cậy dựa, những an toàn mình đang thụ hưởng…để đổi lấy GIÁ TRỊ NƯỚC TRỜI. Cụ thể là dám bỏ tất cả để CHỌN ĐỨC GIÊSU, trao phó vận mệnh mình trong tay Người.

Cuối cùng khôn ngoan là biết khám phá ra trong những ơn Chúa ban: cũ lẫn mới những gì mang lại lợi ích cho ơn cứu độ.

Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết lắng nghe, biện phân, từ bỏ, chọn lựa để đi vào đường khôn ngoan của Thiên Chúa, để Chúa thật sự là tất cả cho chúng ta.

Bài 2

Nước Trời giống như chuyện “kho báu”….( Mt 13, 44a)…như chuyện…. “ngọc đẹp” (13, 45)….Có người gặp được….vui mừng đi bán tất cả những gì mình có để mua….Anh em có hiểu tất cả những điều đó không? “Thưa hiểu” (Mt 13, 51).

Nội dung bài đọc Tin Mừng hôm nay tiếp tục mặc khải về Mầu Nhiệm Nước Trời tại thế được trình bày cách tài tình trong 7 bài dụ ngôn.

Tin Mừng hôm nay là 3 dụ ngôn cuối của loạt “Bài giảng bằng dụ ngôn” trong Mt 13. Đức Giêsu mời các tín hữu hãy nhận ra các giá trị của Nước Trời đã được Thiên Chúa kín đáo đặt để sẵn ngay trong lòng cuộc sống của thế nhân, để rồi can đảm “bán đi mọi sự mình đang có” để chọn Nước Trời làm cơ nghiệp duy nhất (dụ ngôn “kho tàng” và “viên ngọc quý”). Cuối cùng là dụ ngôn “lưới cá”. Phần khởi đầu của “lưới cá” có cùng sứ điệp với “cỏ lùng”: người dữ kẻ lành sống chung với nhau cho đến ngày tận thế. Tuy nhiên, “lưới cá” không lưu tâm đến phản ứng từ phía con người, “các đầy tớ”, và cũng chẳng nói gì đến thái độ nhẫn nại của “Chủ”, mà lại chú tâm đến hậu quả pháp lý nghiêm khắc sẽ dành cho “ cá xấu” . Để rồi cuối cùng, mơ ước của con người và dự tính của Thiên Chúa gặp nhau: trong Nước Trời chỉ có “ lúa tốt” và “cá tốt”.

Tuy nhiên, phối hợp với bài đọc 1 trong sách 1V 3, 5-12, thuật lại chuyện Salomon, lúc mới lên kế vị Đavit đã đựợc Thiên Chúa ban cho một đặc ân: xin gì Chúa cũng ban. Ông đã biện phân và chọn lựa: xin ơn biết lắng nghe, phân biệt được tốt xấu….để cai trị dân Chúa cách tốt đẹp theo đường lối của Thiên Chúa. Các thế hệ sau gọi đó là ƠN KHÔN NGOAN và HIỂU BIẾT (2 Sb1, 10).

Trọng tâm cảu bài đọc 1 không nằm ở chi tiết “có được sự khôn ngoan”, nhưng là ở “động cơ”, “cùng đích” của việc Salomon xin có được sự khôn ngoan. Thật vậy, vào cuối đời, Salomon vẫn khôn ngoan, nhưng ông đã đi lạc xa đường lối Chúa, đưa tới hậu quả xấu là đất nước bị chia đôi.

Chủ đề “ khôn ngoan” này phù hợp với 2 dụ ngôn “kho báu” và “viên ngọc đẹp” của bài đọc Tin Mừng. Vậy chủ đề của Mùa Thường Niên 17A là con người phải biết “lắng nghe”, “biện phân”, “chọn lựa” để làm theo ý Chúa. Đó là cội nguồn phúc lành cho nhân loại.

Khôn ngoan là điều ai cũng kiếm tìm và mong thủ đắc được. Thế nhưng từ khi con người sa ngã thì cảm thức về khôn ngoan của nhân loại cũng bị lệch lạc đi. Nhiều người thành tâm, nỗ lực đi tìm khôn ngoan, nhưng đến khi gặp được cái mình kiếm tìm, thì mới khám phá ra rằng đó là khờ dại. Trái lại có những người bị thế gian cho là khờ dại vì những ứng xử có vẻ “ngược đời” của họ thì lại có được sự an bình của bậc khôn ngoan. Vậy thế nào là khôn ngoan?

Chắc là không có lời đáp chung cho mọi người. Vì mỗi người đều có một tầm nhìn khác nhau. Lời Chúa hôm nay đề nghị một câu đáp. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần soi dẫn để nhận ra trong Lời Chúa cái lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa muốn ban tặng hôm nay.

Trong bài đọc 1, Salomon không xin bạc vàng, sống lâu, danh vọng. Ông chỉ xin Chúa ơn BIẾT LẮNG NGHE Ý CHÚA, ơn BIẾT PHÂN BIỆT phải trái, không vì lợi ích cá nhân mà là để HOÀN THÀNH SỨ MẠNG Chúa trao là cai trị dân đi đúng đường lối Chúa. NGHE LỜI CHÚA, BIỆN PHÂN MỌI SỰ THEO Ý CHÚA và CAN ĐẢM SỐNG THEO ĐÚNG Ý NGƯỜI. Đó là khôn ngoan.

Trong Tin Mừng, khôn ngoan được so sánh với một sự chon lựa: phải có thái độ nào trước NƯỚC TRỜI do Đức Giêsu mang tới? Hai dụ ngôn “kho tàng”, “ngọc quý” cho chung một lời đáp: khi tình cờ khám phá kho tàng hay cố tình đi tìm ngọc quý thì khôn ngoan chính là dám ĐÁNH ĐỔI dứt khoát: bán tất cả những gì mình có để mua cho được BẢO VẬT. Khôn ngoan là dám chọn NƯỚC TRỜI trên hết. Xin Chúa dạy cho con biết NGHE, BIỆN PHÂN và CHỌN NƯỚC TRỜI làm lẽ khôn ngoan của đời con.

BÀI ĐỌC I: 1V 3, 5. 7-12

Sách các Vua là sản phẩm của truyền thống Đệ Nhị Luật. Người ta đã nhìn lại, đọc lại lịch sử, đặc biệt là lịch sử các vua dưới cái nhìn của thần học theo truyền thống Đệ Nhị Luật, để phán xét và để tìm hướng đi cho lịch sử của dân thánh. Thần học theo truyền thống Đệ Nhị Luật có thể tóm tắt: Thiên Chúa muốn làm mọi điều tốt lành cho dân Người. Người đã ký kết giao ứớc với họ. Nếu họ trung thành với giao ước, họ sẽ được Thiên Chúa ban cho muôn vàn phúc lành, còn nếu họ bất trung, thì muôn vàn tai hoạ sẽ đổ xuống đầu họ. (x. Đnl 28, 1-68).

Vậy sách các Vua không phải là một cuốn sách lịch sử theo nghĩa hiện đại, mà là một cuốn sách suy tư thần học về lịch sử Israel, chính xác hơn là trong thời kỳ quân chủ cuối thời Vua Đavit cho đến lúc Giuđa phải lưu đày ở Babylon, kéo dài khoảng hơn bốn thế kỷ (970 – 562).

Bài đọc một hôm nay trích ở phần đầu cuốn 1 Vua đề cập đến chuyện nối ngôi Đavit của Salomon và đặc ân mà Chúa ban cho tân vương để giúp Vua đi đứng cai trị dân theo đường lối Chúa: 10 chương đầu cho thấy những thành công rực rỡ của Salomon trong mọi lãnh vực. Mọi việc đều được vua xử sự rất khôn ngoan; Từ đâu mà Salomon có được sự khôn ngoan ấy. Bài đọc hôm nay là câu đáp: ân huệ nhưng không của Thiên Chúa.

Cấu trúc 3 chương đầu của sách 1 Vua:

* 1V 1-2:

  • Tuổi già của Đavit và mưu tính của Adonia (1V 1, 1-10).

  • Âm mưu của Nathan và Batsêba ủng hộ Salomon (1V 1, 11-27).

  • Đavit truyền ngôi cho Salomon (1V 1, 28-40).

  • Ổn định nội bộ, dẹp hết mọi kẻ chống đối (1V 1, 41 – 2, 46).

* Chương 3: Thiên Chúa phù trợ Salomon:

  • Xin ơn khôn ngoan để trị nước (1 V 3, 1-15).

  • Một trình thuật minh họa cho thấy sự khôn ngoan của Salomon (1V 3, 16-28).

Với chủ đề phụng vụ hôm nay: “Khôn ngoan, biết biện phân chọn Thiên Chúa”, bài đọc 1 trích đoạn Thiên Chúa thực hiện cho Salomon điều ông xin Người: được khôn ngoan, biết biện phân phải trái để trị nước đúng theo ý Chúa.

CẤU TRÚC

Salomon đi Gabaon dâng lễ toàn thiêu cho Chúa (c.4: không dùng trong bài đọc 1).

  1. Yavê hiện ra cho Salomon: trong một giấc mộng ban cho Ông một điều nguyện xin (c.5).

  2. Nội dung lời cầu xin của Salomon (cc. 6-9)

* Ca ngợi lòng nhân hậu của Yavê đối với Đavit cha Ông:

Quá khứ đã gìn giữ Đavit và giờ đây cho Đavit có con nối ngôi là chính Ông (c.6: Bài đọc 1 không dùng).

* Nói về Chính Mình cách khiêm tốn (c.7)

– Tạ ơn Chúa vì được Chúa đặt lên kế vị Đavit.

– Khiêm nhường tự nhận mình chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cai trị nước.

* Nói về dân được Chúa trao cho mình cai trị (c.8)

– Là dân Chúa đã chọn

– Lớn lao: đông không đếm nổi.

* Cầu xin (c.9)

– Biết lắng nghe. Biết biện phân phải trái.

– Mục đích: Cai trị dân Chúa.

– Hoàn tất sứ mạng được Chúa trao ban.

* Đáp trả Thiên Chúa (c.10-14)

– Hài lòng trước lời xin của Salomon (c.10)

– Nhận lời, làm theo lời Salomon đã xin:

  • Ban cho sự khôn ngoan minh mẫn không tiền khoáng hậu (cc 11-12).

  • Ban thêm luôn những điều không xin: Giàu có, vinh quang c.13 (không dùng trong bài đọc 1).

  • Ban cả ơn trường thọ nhưng kèm lời cảnh báo:

Phải tuân giữ Giới Răn ….như Đavit c.14 (không dùng trong Phụng Vụ).

         Phụng Vụ không sử dụng các câu 4,6,13,14 nhằm làm nổi bật chủ đề khôn ngoan, biện phân và nhấn mạnh đó là sáng kiến bước đầu của Thiên Chúa, là ơn nhưng không của Thiên Chúa, con người có được là nhờ mở lòng đón nhận, cầu xin.

SUY NIỆM

  1. Yavê hiện ra cho Salomon (c.5):

* Tại Gabaon: Một thành cách Giêrusalem khoảng 10 km về phía tây bắc, là nơi cao có “tế đàn quan trọng nhất” (c.4x.CGKPV “các Sách Lịch Sử” trang 353 “g”).

Salomon lên kế vị cha vào năm 970 sau một cuộc tranh chấp với anh mình là Adonia. Tiếp đó là phải đối phó với những tồn đọng nội bộ thời Đavit còn lại. Một khi đã ổn định nội bộ, Salomon đến nơi cao đàn nhất để tạ ơn với số lượng lễ vật lớn.

Chúa đón nhận lòng thành của Salomon, nên đêm sau Chúa tỏ bày thánh ý cho Ông qua một giấc mộng.

* Báo mộng: các giấc mộng đóng một vai trò quan trọng nơi các dân tộc cổ đại. Các Pharaô Ai Cập, các vua ở Babylon đều có đội ngũ các nhà giải mộng bao quanh. Tại Hy Lạp, các tín hữu ngủ trong lòng đền thờ với hy vọng trong giấc mộng họ nhận được một sứ điệp thần linh. Vào lúc bình minh của dân tộc và vương quốc Israel, giấc mơ cũng là cách thức để Thiên Chúa tỏ lộ ý Người cho nhữung kẻ được chọn: Giacob – Giuse  (x. St 28, 11-19; 37, 5-9…); rồi thời các thủ lãnh, cho Gêdêon Tl 6, 25), cho Samuel (1Sm 3); Thời đầu quân chủ cho Nathan (2Sm 7, 4-14) và cho Salomon.

Khác với lương dân láng giềng, Israel dường như không có những nhà giải mộng chuyên nghiệp, chính thức. Những người được Chúa mặc khải tự hiểu ý nghĩa giấc mộng của mình. Vì vậy, kẻ nào nhận được hình thức mặc khải này đều được đồng hoá với các ngôn sứ (x. Ds 12,6; Đnl 13,2; 1Sm 28,6). Còn khi Yavê gửi chiêm bao đến cho dân ngoại thì chính những tôi tớ Thiên Chúa chân thật cắt nghĩa ý nghĩa của chiêm bao chứ các nhà chiêm mộng ngoài Do Thái thì vô phương hiểu thấu (x. St 40 -41; Đn 2; 4). Điều này cho thấy rằng Chúa là chủ các mầu nhiệm và Người chỉ mặc khải chúng cho những ai thuộc về Người.

Kinh Thánh cũng có nói đến các ngôn sứ, những tay chiêm mộng giả (x. Đnl 13, 2-6; Gr 2, 25-32; Dcr 10,2) nhưng không vì thế mà giá trị mặc khải của các giấc mộng thời tổ phụ và thời đầu Israel bị mất giá trị.

Tuy nhiên có sự kiện là đến thời ngôn sứ vụ nở rộ, nghĩa là từ sau Salomon đến thời Dacaria, không thấy Kinh Thánh đề cập đến những giấc mộng mặc khải nữa. Phải chăng lời các ngôn sứ – là những người được chính Chúa chọn và sai đi làm phát ngôn nhân của Người – đã là lời mặc khải, là tiếng nói chính thức và đầy đủ của Chúa, nên những hình thức mặc khải khác trở nên phụ thuộc, không cần nữa. Đối với Israel, lời của ngôn sứ thật là lời của chính Thiên Chúa.

Một nhận xét: giấc mơ là cho một cá nhân, còn lời ngôn sứ là cho toàn dân. Đặc sủng cá nhân chỉ là bước chuẩn bị ân huệ cộng đoàn. Mặc khải cho và trong cộng đoàn mới là mặc khải chính thức, đầy đủ.

Đến sau lưu đày, Israel không còn là một vương quốc nữa, ngôn sứ vụ cũng dần tàn lụi thì hình thức mặc khải qua giấc mơ lại tái hiện trong văn chương khải huyền (x. Đn 2; 4). Hình thức mặc khải qua ngôn sứ và giấc mơ đều là dấu chỉ thời cánh chung, nhưng lúc ấy, những ơn huệ này được ban rộng rãi cho mọi người, chứ không là một đặc ân cho những cá nhân nữa. (x Ge 3,1; Cv 2,17 t).

  1. Nội dung lời cầu xin của Salomon:

* Ca ngợi lòng nhân hậu tín trung của Chúa đối với Đavit (c.6):

Chúa nhân hậu qua việc gìn giữ Đavit trên ngai vàng. Chi tiết này nhấn mạnh đến nét đặc thù của vương quyền Israel. Vua là một đặc sủng (cùng với tư tế và ngôn sứ) nhằm giúp Israel sống đúng, trung thực vai trò Dân Chúa góp phần thực thi ơn cứu độ của Chúa trong dòng lịch sử. Vua không là một thể chế nhân loại, vua không là quyền lực tối cao, không là nguồn quyền lực. Yavê mới là vua thật của Israel. Vua trần thế chỉ là trung gian giữa dân với Chúa. Dân là “ Dân của Chúa” (c.9) chứ không phải là dân của vua theo kiểu thế trần. Vậy vua chỉ là quản gia chứ không phải là ông chủ. Vua chỉ là một người trong dân Chúa, được Chúa chọn để quản trị dân Chúa thay mặt Người, cho nên Vua cũng phải có bổn phận thi hành luật Chúa như mọi người trong dân Chúa, chẳng những không được đặc ân, miễn trừ mà còn phải làm gương nữa. Đavit dù cuộc đời có nhiều lầm lỗi nhưng đã là một quản gia trung thành quản cai dân Chúa. Salomon tạ ơn ca ngợi Chúa về hồng ân này.

Chúa còn nhân hậu đối với Đavit qua việc cho Đavit có người con kế vị (chứ không cắt đứt vương triều như với Saolê). Chúa đã trung tín đối với lời Người đã hứa qua miệng ngôn sứ Nathan (x 2 Sm 7, 12-16).

* “Yavê là Thiên Chúa của con”: niềm vui tin vào Yavê trước tiên là truyền thống đón nhận từ cha ông. Tuy nhiên, truyền thống ấy chỉ thực sự sinh ích lợi cho từng người khi mỗi người biến cái niềm tin truyền thống ấy thành niềm tin của mình. Thiên Chúa mà các tổ phụ , Đavit đã tôn thờ nay đích thân Salomon cũng cúi đầu tâm phục tôn thờ: “Yavê là Thiên Chúa của con”.

Tương quan giữa Vua và Thiên Chúa là một tương quan tuỳ thuộc: Salomon nhìn nhận chính Chúa đã đặt ông lên ngôi kế vị Đavit. Ông chỉ là một thanh niên nhỏ bé trước Thiên Chúa cần được Thiên Chúa chỉ dẫn cách cầm quyền trị nước.

* Dân Chúa là dân đông đúc, không đếm xuể (c.8): Cách nói phóng đại của tác giả sách các vua khi chiêm ngắm lại lịch sử thăng trầm của dân Chúa nhằm ca ngợi triều đại hòang kim quá khứ của dân. Lời phóng đại này cũng nhằm đối lại với sự “nhỏ bé” mà Salomon nói ở c.7 về mình. Chính sự đối chọi nhỏ/lớn ấy đã làm nổi bật ân huệ mà Thiên Chúa tặng ban cho Salomon. Chính với hồng ân Chúa thương ban đó mà một thanh niên bé nhỏ đã cai trị thành công đem lại hạnh phúc thật cho một dân đông không đếm xuể.

* Cái hồng ân đó là gì? (c.12): Lời đáp của Chúa: đó là “ tâm hồn khôn ngoan minh mẫn” với mục đích là để giúp vua xét xử công minh, phân biệt phải trái mà cầm quyền trị nước.

Như vậy, dưới nhãn giới của nền quân chủ, khôn ngoan là một phẩm tính của nhà vua để cai trị dân nhằm đưa dân nước đến thành công hạnh phúc. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, sự khôn ngoan này không phải là con người tự có mà là ân huệ của Thiên Chúa. Và vì vậy, thái độ căn bản của con người là “ Lắng Nghe”. Nhờ lắng nghe mới hiểu, biết được ý Chúa và từ đó mới phán đoán đúng và cai trị tốt.

Ngoài ra c. 11 cho thấy sự vượt trội hẳn của Đức khôn ngoan so với các giá trị mà trần thế vẫn tôn thờ như sống lâu, tiền của, danh vọng (thắng kẻ thù). Và thực ra, nếu đọc thêm c.13 thì có được khôn ngoan là có tất cả: mặc dù Salomon không xin nhưng Chúa vẫn ban thêm luôn.

Nếu đọc thêm c.14 với lời nhắn nhủ như một lệnh truyền thì ta thấy đoạn văn về giấc mơ của Salomon đúng là một “vườn Eden” của vương triều Đavit. Thật vậy, các cụm từ “khôn ngoan, tri thức” (x đoạn song song 2Sbn 1, 10), “biện phân phải trái” gợi lại biến cố hai ông bà nguyên tổ đứng trước “cây biết thiện biết ác” trong Eden. Adam với tư cách là thủ lãnh, thay vì nài xin đón nhận sự khôn ngoan từ Thiên Chúa, ông cùng vợ đã muốn chiếm đoạt. Kết quả là mất tất cả, kéo theo sự đổ vỡ cho toàn thể tạo thành.

    Vậy hồng ân đó, đời sau gọi là “khôn ngoan, tri thức” (2Sbn 1,10) là ân huệ của Thiên Chúa giúp ta nhận ra giới hạn của mình (nhỏ bé) nhưng cũng nhận ra sự cao cả của mình qua sứ mạng Chúa thương trao (cai trị dân Chúa/ bá chủ vũ hoàn); Điều này dẫn đến việc nhận ra rằng khôn ngoan là biết tuỳ thuộc cậy dựa vào Thiên Chúa, quy chiếu tất cả vào Thiên Chúa, do đó “lắng nghe tiếng Chúa” là thái độ của người khôn ngoan đích thực. Chúng ta thấy rõ hơn điều này khi ngắm nhìn Đức Giêsu là sự khôn ngoan đích thực, hoàn hảo đã đến thế gian không phải để dạy chúng ta kiến thức quảng bá về mọi sự, nhưng là chỉ cho ta cái chuẩn mực để biện phân phải trái, dạy cho ta biết đâu là chân phúc…Thái độ “Lắng nghe lời Chúa” và đem ra thực hành được Người nhấn mạnh như là nền tảng cho sự khôn ngoan đích thực đưa con người đến chân phúc vững bền(x.Mt 7, 24-25).

  1. TÓM KẾT: Trình thuật 1V 3, 4-15 là quan trọng vì nó cho thấy rằng tại Israel, Vua chỉ là trung gian giữa Thiên Chúa và dân người (lưu ý: trong lời xin, Salomon không nói là “dân của con” mà nói “dân của Chúa”). Tận trong ý thức sâu thẳm của Israel, vương quyền là một đặc sủng hơn là một cơ chế. Chúa mới thực sự là vị Vua duy nhất của dân. Chính qua con người Vua mà Chúa cai trị dân. Vua là công cụ của Chúa.

Đoạn văn này cũng cho thấy rằng Salomon cũng như các Vua và thẩm phán lừng danh được tiếp xúc trực tiếp vơi Thiên Chúa. Và như vậy thì ông làm Vua không phải với tư cách là người thừa kế, và còn là do bởi ý Chúa. Những phẩm tính tuyệt vời ngoại thường của “ông Vua con Đavít” đều là lời đáp trả của Thiên Chúa, Đấng cầm tay dẫn ông Vua “còn nhỏ” dẫn bước cho ông biện phân phải trái, cầm quyền trị nước. Cái chìa khoá thành bại của một đời người, một triều đại đã được mạc khải ở đây.

Kinh Thánh còn cho thấy: hồng ân, vai trò Salomon đảm nhận không như là một đặc ân của riêng một cá nhân, nhưng như là một thừa tác vụ phải thực thi vì lợi ích của dân Chúa (đặc sủng). Ông không xin những ân huệ cá nhân (c.11), nhưng xin sự khôn ngoan là một năng lực giúp ông đảm nhận một cách hiệu quả trách nhiệm của ông vì lợi ích của dân.

Bài đọc 1 nhấn mạnh đến khía cạnh ân huệ nhưng không từ phía Thiên Chúa và chon lựa đúng hợp với ý Chúa của Salomon.

TIN MỪNG: Mt 13, 44- 52

Thuộc Mt 13: bài giảng bằng dụ ngôn (x. các Chúa Nhật trước). Tin Mừng hôm nay chọn đọc ba dụ ngôn chót nói về thái độ con người phải có trước thực tại Nước Trời đã được mặc khải cho nhân loại: 2 dụ ngôn đầu và dụ ngôn cuối nói về việc hoàn tất Nước Trời tại thế vào thời điểm cánh chung.

Phụng vụ cho phép đọc bài ngắn, tức bỏ dụ ngôn 3 là để nhấn đến ơn nhưng không và thái độ phải có trước ân huệ lớn lao Thiên Chúa thương ban.

CẤU TRÚC

1/ Dụ ngôn kép về kho tàng chôn dấu và ngọc quý (c.44-46)

Đây là lời khích lệ phải có trước việc mầu nhiệm Nước Trời được mặc khải.

* Công thức mở đầu: “Nước Trời giống như…”

2/ Dụ ngôn về chiếc lưới cá (cc.47 – 50)

2.1/ Dụ ngôn (cc.47 – 48)

* Công thức mở đầu:

  • Nội dung chi tiết:

  • Lưới được quăng xuống biển và gom được nhiều cá.

  • Khi lưới đầy được kéo lên bờ.

  • Việc tuyển lựa được thực hiện.

2.2/ Ứng dụng dụ ngôn (c.49 – 50)

  • Hình ảnh lưới cá là ngày tận thế (c.49a)

  • Việc tuyển lựa sẽ do các thiên thần thực hiện (c.49b)

  • Nhấn mạnh đến khía cạnh trừng phạt (c.50)

3/ Kết bài giảng bằng dụ ngôn (c 51 – 52)

    Nỗ lực giải thích của người môn đệ (Mt). Cái mới mẻ của Nước Trời do Đức Giêsu mang đến không loại trừ, chống đối luật cũ.

     Môn đệ là người “hiểu lời Đức Giêsu” và biết khai thác cái cũ, mới trong kho tàng mặc khải. 

1/ Dụ ngôn “KHO TÀNG” và “NGỌC QUÝ”

Điều đáng lưu ý là người nông dân lẫn người lái buôn đều ở trong tình trạng chăm chỉ làm công việc hiện tại của mình. Chính trong tình trạng họ coi trọng việc của mình đang làm như thế mà họ đã gặp được báu vật.

Họ không chủ ý đi tìm báu vật, họ chỉ hết sức chu toàn bổn phận thường ngày của một con người có trách nhiệm, tận tụy với công việc.

Cả hai dụ ngôn đều không chú tâm đến tính cách quý giá của Kho Báu và Ngọc Quý: Chỉ nói thoáng qua thôi. Điều mà hai dụ ngôn muốn chuyển đạt chính là thái độ của hai người khi khám phá ra chúng.

Đối với cả hai, đó hoàn toàn là ơn Trời cho: đúng nơi, đúng lúc thì sự kiện xảy tới; Và sứ điệp của dụ ngôn là cách xử lý khôn ngoan của họ trước cơ may chợt đến. Tuy nhiên, đừng quên là cơ may chỉ đến với họ trong tình trạng họ đang miệt mài với việc bổn phận.

Như vậy, với sự xuất hiện của Đức Giêsu, Nước Trời đã được Người mang vào trần thế, đặt ngay trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, vừa với tầm tay của từng người. Tất cả đều có thể gặp được Nước Trời trong khi sống trọn ơn gọi làm người của chúng ta. Hai dụ ngôn nhắc chúng ta: đừng bỏ lỡ dịp may khi Nước Trời được tỏ lộ cho ta trong cuộc sống: Đức Giêsu gọi Maria, Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, Matthêu ngay trong lúc họ đang làm việc thường ngày của họ; và họ đã không bỏ lỡ dịp may. Trái lại, chàng thanh niên giàu có, đạo đức và đầy thiện chí, anh ta đã tìm đúng đối tượng, nhưng tiếc thay anh không dám “bán đi tất cả những gì anh có…rồi theo Người” (x. Mt 19, 16-22)

1.1. Người nông dân và kho tàng chôn sẵn trong ruộng

Đám đất anh đang cày không phải là của anh! Anh chỉ là người làm thuê. Anh không có chút quyến luyến nào với đám đất. Anh cày bừa chỉ mong đất nhả ra chút lương thực để anh sống tạm qua ngày rồi chờ chết. Đó là hình ảnh của nhân loại trong cái trần thế chóng qua này. Thật vậy, khi được sinh vào trần gian, không có thứ gì trong đó thuộc về chúng ta. Mỗi người chỉ như người thợ đến để làm thuê và khi “hết hợp đồng” thì ra đi với hai bàn tay trắng.

Nhưng khi anh nông dân khám phá ra “kho tàng” được “ai đó” giấu chôn trong đám đất thì anh ta đã nỗ lực hết mình nhằm thay đổi mối tương quan với mảnh đất; anh muốn LÀM CHỦ mảnh đất. Thực ra anh đâu cần làm chủ mảnh đất, anh đã làm công gắn bó với mảnh đất đó từ lâu lắm rồi mà. Cái mà anh muốn làm chủ là “kho tàng”. Làm chủ mảnh đất chỉ là thủ tục pháp lý anh phải theo để thực sự trở thành chủ của kho tàng một cách an toàn, hợp pháp. Chúa đã chôn cất kho tàng trong phần đất cuộc đời của mỗi chúng ta. Phải nỗ lực tối đa, phải đầu tư hết những gì ta có để thực sự làm chủ mảnh đất đó.

Và điều anh đã làm một cách mau lẹ và dứt khoát là “bán tất cả những gì anh có”. Bản văn không quan tâm đến số lượng tài sản mà anh bán được; điều quan trọng là TẤT CẢ! Nghĩa là làm một sự lột xác toàn diện: những gì trước kia anh cậy dựa, bám víu thì giờ đây chẳng đáng là gì so với Kho tàng vừa được khám phá: “tôi coi mọi sự là thiệt thòi, là rác so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô” (x. Pl 3,8)

Một chi tiết đáng chú ý của dụ ngôn này là thái độ không tham lam, muốn chiếm đoạt kho tàng ngay tức khắc: anh đã “chôn trở lại” thay vì dấu diếm, ôm kho tàng về nhà rồi bỏ nghề luôn…Qua chi tiết này, Đức Giêsu nhắc môn đệ không được tách rời Nước Trời (kho tàng được Chúa chôn giấu) ra khỏi trần gian (mảnh đất). Nước Trời không phải là của riêng ai, không phải là của gia bảo chỉ lưu truyền nội bộ gia tộc; Việc gặp được Nước Trời sẽ không ích gì cho kẻ vẫn còn lòng tham vừa muốn có Nước Trời làm của riêng, vừa muốn giữ lại tất cả những gì mình đã có trước đó như trường hợp chàng thanh niên giàu có (x.Mt 19, 16-22). Nước Trời mà Chúa thương ban đủ rộng lớn để dưỡng nuôi toàn thể nhân loại mọi thời, mọi nơi. Tín hữu phải sống tâm tình phó thác, sẵn sàng chia sẻ, không tìm vơ vét đòi chiếm đoạt dành riêng Nước Trời cho riêng mình, phe nhóm mình.

Một chi tiết độc đáo nữa của dụ ngôn “Kho tàng” là Niềm vui của anh tá điền nghèo. Đó là niềm vui giải thoát khỏi mọi ràng buộc của những thứ chóng qua: anh sẵn sàng về bán tất cả những thứ mà trước đó anh đã dính bén, tìm cách gìn giữ. Niềm vui thanh thản đónn nhận “Kho tàng Nước Trời” như một hồng ân nhưng không giải cứu anh thoát khỏi mọi âu lo của sự ham hố, chiếm đoạt, luôn lo sợ bị người khác biết và lấy lại. “Niềm vui” là dấu chỉ ta đã gặp được thực tại Nước Trời, dù phải trả giá đắt, kể cả mạng sống: đó là “niêm vui” của Maria trong kinh Magnificat, sau lời liều mạng phó thác “xin vâng”.

1.2/ Người thương buôn và viên ngọc quý

           Anh chỉ là một người đi buôn đồ trang sức bình thường như một nghề để sinh sống thôi. Chắc anh không phải là chuyên gia sưu tầm, dành cả cuộc đời để đi tìm những viên ngọc cực quý, hiếm hoi. Nhưng với chút vốn liếng nghề nghiệp anh cũng đủ trình độ nhận ra ngay giá trị của một viên ngọc vô giá khi có cơ may gặp được và nhất là khi có điều kiện thuận lợi để thủ đắc.

Và thực sự anh đã gặp may, cơ hội “ngàn năm có một”. Anh mau mắn chộp lấy thời cơ và quyết định (giống như người tá điền) về bán tất cả những gì đang có để mua viên ngọc đó. “Rốt cuộc, dụ ngôn viên ngọc cũng tương tự và có cùng một ý nghĩa như dụ ngôn kho tàng”. (Chú giải PA Chúa Nhật năm A, trang 202)

1.3/ Tóm lại dụ ngôn kép kho báu, hạt ngọc trình bày cho ta sứ điệp này:

* Nước Trời được trao ban rộng rãi như một HỒNG ÂN cho tất cả mọi người: giàu nghèo, có ý tìm/tình cờ gặp, có ý thức/không hề mơ tưởng tới … không ai bị loại trừ. Bằng những cách thức khác nhau, Nước Trời được ban cho tất cả.

* Nước Trời là một hồng ân nhưng không, khám phá ra được là nhờ MAY MẮN

* Đứng trước khám phá tuyệt vời và đột ngột ấy chỉ có một hành động duy nhất phải làm là: “bán tất cả những gì mình có để mà mua…”. Ở đây cần lưu ý là thái độ bán đi tất cả không phải là điều kiện, tiên đề để có được kho tàng/ngọc quý, mà là hệ quả kéo theo sau. “Sự từ bỏ theo tinh thần Tin Mừng không phải là phương thế để đạt tới Nước Trời nhưng là hậu quả của việc khám phá ra Nước đó”.

Ngoài ra, việc hai dụ ngôn bổ sung nhau còn cho ta thấy một thực tại nữa. Đó là để cho hồng ân Nước Trời được thành toàn nơi chúng ta, Thiên Chúa ban hồng ân kép:

  • Một ân huệ ban từ bên ngoài: kho tàng chôn dấu sẵn trong đường đời của nhân loại, ngay giữa công việc thường nhật vất vả.

  • Một ân huệ nội giới, từ bên trong: khao khát đi tìm ngọc đẹp. Đó là khát vọng không gì bù lấp được Chúa đặt nơi con người : TÌM CHÚA.

  • Và khi “khát vọng” gặp được “kho tàng” thì phải quyết định dứt khoát “bán tất cả”, vì một cơ may như vậy liệu có thể xảy ra lần thứ hai?

Thiên Chúa đã dọn sẵn mọi sự để nhân loại bất kì ai đều thọ hưởng Nước Trời:

  • Trong quá khứ, Thiên Chúa đã chôn sẵn “kho tàng” trong trần thế (ruộng); đã gieo vào lòng người khát vọng kiếm tìm.

  • Trong hiện tại, Chúa tạo thời cơ cho GẶP THẤY và thúc đẩy con người can đảm nhìn về tương lai với lòng cậy trông: bán tất cả cái đang có ĐỂ MUA.

  1. Dụ ngôn “CHIẾC LƯỚI”.

Tin Mừng Mathêu chương 13 kết thúc với dụ ngôn “Lưới cá”. Đây là thời điểm cánh chung Thiên Chúa can thiệp trực tiếp, quyết liệt để đưa công trình “Nước trời tại thế” của Chúa đến chỗ hoàn tất. Dụ ngôn này vừa là một lời khích lệ: Đó là “MÙA GẶT”, lúc đó, tốt xấu, lúa cỏ, cá tốt, cá xấu được phân biệt rõ ràng. Vừa là một phán xét nghiêm khắc: Kẻ dữ sẽ bị lột mặt nạ, tách khỏi người lành, rồi bị quăng vào lò lửa (x.câu 50). Vậy phải có thái độ chọn lựa dứt khoát: chỉ có tốt và xấu, không có tình trạng thứ ba dở dở, ương ương (x. Kh 3, 15-16).

Chính Thiên Chúa sẽ hoàn tất công cuộc của Người, phần kẻ tin hãy sẵn sàng, “bán tất cả mọi sự để mua kho tàng, viên ngọc quý “. Hình ảnh chiếc lưới thình lình chụp xuống đàn cá đang bơi cho thấy tính chớp nhoáng, bất ngờ của biến cố. Không có vấn đề ỷ lại, tính toán ở đây. Mọi nỗ lực đối phó đều vô ích (x. Mt 25, 1-13).

Chiếc lưới thả xuống biển gom được đủ thứ cá: Cũng như dụ ngôn cỏ lùng, hình ảnh “lưới cá” gợi lại hình ảnh của Nước Trời tại thế: Xấu tốt lẫn lộn. Môn đệ Chúa phải kiên trì chịu đựng thực tại này là trong hiện tại ở thế này sự ác đang hòa trộn với sự thiện trong vương quốc của Thiên Chúa, trong niềm trông cậy đợi chờ ngày Chúa can thiệp xét xử.

Khi lưới đầy…”  Kèm theo các động từ ở các câu 47- 48 được dùng ở thể thụ động cho thấy chính Thiên Chúa là tác nhân chính, và như vậy cách nói “khi lưới đầy” ám chỉ ngày phán xét chung cuộc. Ở câu 49a xác nhận thêm điều đó. Các hình ảnh truyền thống cũng cùng một xác nhận: Thiên sứ – tách biệt xấu, tốt – quăng vào lò lửa – khóc lóc nghiến răng.

Dựa vào tiêu chuẩn nào để chọn lựa tốt xấu?   Trong văn mạch (từ Matthêu 13, 36-52) ta nhận ra chuẩn mực chính là thái độ “bán hết mọi sự để mua..”. Thật vậy đây là một bao hàm được đóng khung cùng hai trình thuật có chủ đề phán xét: Mt 13, 36- 43 và 13, 47-50; và đối tượng của cả cụm văn chương này là các MÔN ĐỆ  và được DẠY RIÊNG Ở NHÀ (x. câu 36a).

Vậy vấn đề ở đây không là tiêu chuẩn luân lý, mà là thái độ dứt khoát phải có sao cho phù hợp với hồng ân lớn lao, có một không hai là gặp được kho tàng hay ngọc quý.

* Thiên Thần: Cũng như trong phần cắt nghĩa dụ ngôn cỏ lùng, ở đây tác nhân thực hiện phán quyết của Thiên Chúa là các THIÊN THẦN. Vai trò loại cỏ đem đốt và quăng bỏ cá xấu là của thợ (x. câu 39b), của Thiên Thần chứ không phải là của môn đệ. Môn đệ chỉ lo sống hồng ân Nước Trời đã được trao ban. Vai trò của môn đệ trong hiện tại là cảnh báo, tạo dịp, điều kiện thuận lợi để người ta hoán cải,  thay đổi não trạng và có sự chọn lựa đúng.

*Tách biệt:  Động từ được dùng để mô tả công trình sáng tạo là hành động TÁCH BIỆT của Thiên Chúa làm vũ trụ từ HỖN MANG nguyên thủy trở nên có trật tự lớp lang, mỗi vật ở đúng vị trí của mình và thi hành đúng chức năng của mình. “Tội” làm vũ trụ phần nào rơi về lại cái hỗn mang nguyên thủy và mất trật tự. Cứu chuộc là khôi phục lại và lần này là chung cuộc: Thiên Chúa TÁCH tốt xấu riêng ra, đưa công trình sáng tạo đến chỗ hoàn tất vĩnh viễn, chóp đỉnh.

Quăng vào lửa, khóc lóc nghiến răng: nhấn mạnh cuộc phán xét cuối cùng. Tuy nhiên trong dụ ngôn cỏ lùng, mọi sự biệt phân quá sớm trước khi Mùa Gặt đến  đều bị loại trừ, thì trong dụ ngôn lưới cá ý tưởng đó không còn, vì cá bị bủa lưới một lần và lập tức được kéo lên, chọn lựa ngay trên bãi. Tính cách nhanh chóng của công việc không cho phép sự trì hoãn nào, và biểu lộ tính cách đột ngột bất ngờ của hạn kỳ cánh chung mà chẳng ai thoát khỏi.

Vì ngày giờ là do chính Thiên Chúa quyết định:khi lưới đã đầy”. Dụ ngôn lưới cá là một lời cảnh báo CẤP BÁCH. Dụ ngôn nhấn mạnh việc phải LỰA CHỌN GẤP, CẤP BÁCH, đừng trì hoãn trước hồng ân Nước Trời được trao ban, đừng để vuột mất thời cơ.

  • Cũng như dụ ngôn cỏ lùng, dụ ngôn lưới cá cho thấy phải chọn lựa dứt khoát: hoặc là cá tốt, hoạc là cá xấu chứ không có loại cá trung bình. Tuy nhiên có điều khác biệt là trong “cỏ lùng” người ta nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực của phán xét: người lành được vinh quang sáng chói như mặt trời trong nước Cha họ (x. câu. 43) ; còn “lưới cá” lại nhấn đến số phận vô phương cứu chữa của kẻ ác. Chắc hẳn Matthêu muốn kết thúc diễn từ bằng dụ ngôn bằng lời cảnh giác nghiêm khác là để thúc giục các tín hữu cộng đoàn ông – cũng như tất cả kitô hữu mọi thời – hãy luôn cẩn thận canh chừng, đừng buông thả: phải “bán tất cả những gì mình có” trong từng giây phút để “mua kho tàng, ngọc quý” trong suốt cuộc đời mình.

Tóm lại, 3 dụ ngôn này, được đặt trong văn mạch gần, là lời huấn dụ Đức Giêsu ban riêng cho các môn đệ “tại nhà” (13, 36-50), là công trình soạn thảo của Matthêu dựa trên các truyền thống riêng của ông, đã được đóng khung bằng chủ đề PHÁN XÉT. Nhưng “phán xét” ở đây không phải trong nhãn giới của một sự kết án chung thẩm mà là như một sự CẢNH GIÁC, răn đe: “ai có tai thì nghe” (x. câu. 43). Rõ ràng là cụm trình thuật này (36-50) và cả chương 13 ( dù có vài chỗ ĐỨC GIÊSU nói cho đám đông) là huấn dụ đặc biệt nhắm vào các môn đệ tức là các Kitô hữu của cộng đoàn Matthew. Họ đã được MAY MẮN gặp và tin ĐỨC GIÊSU trong bước đầu ( so với những người Do Thái đương thời ĐỨC GIÊSU, nhất là biệt phái không chịu tin nghe đã bị trách cứ trong chương 11-12. Chương 13 là dành chương cho kẻ đã tin). Họ dễ bị ảo tưởng rằng cứ đã là Kitô hữu thì chắc chắn sẽ được Nước Trời ( kiểu như Israel xưa cứ tưởng khiêng Hòm Bia ra trận là sẽ chiến thắng thời Hêli, hoặc như dân cư Giêrusalem cứ tưởng có Đền Thờ thì Chúa phải giữ thành thời Giêrêmia). Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc: không phải vậy đâu, nhưng là phải dấn thân trọn vẹn, chớp thời cơ, đổi thay não trạng: “ bán tất cả những gì mình có để mua đám ruộng, ngọc quý”. Kẻ nào đã nghe những điều được chôn giấu từ cuộc tạo dựng thế gian và đã nhận lãnh được ân sủng khám phá ra kho báu, hạt ngọc, kẻ ấy sẽ vô phương bào chữa cho mình, cho việc mình đã không hành động cho phù hợp với ân sủng ấy.

3/ Người môn đệ đích thực ( cc 51-52): là người hiểu Lời và đem ra thực hành

          * “Thưa hiểu”= “thưa có”: Một đặc điểm của người môn đệ theo Matthêu là HIỂU những lời ĐỨC GIÊSU dạy. Cụ thể ở đây là hiểu tất cả những gì ĐỨC GIÊSU mạc khải về Nước Trời qua các dụ ngôn cũng như các ứng dụng của chúng. Câu đáp này LÀ CỦA AI?

Trong văn mạch gần (13,36- 62), tiếng CÓ này là của nhóm môn đệ đang ở trong nhà với Chúa. Tuy nhiên trong văn mạch tổng quát cả chương 13 thì đám đông cũng được dự phần vào việc nghe loan báo về Nước Trời. Do đó trong văn mạch kép này ( lúc thì Chúa nói cho cả đám đông, lúc thì cho riêng nhóm môn đệ) chắc là Matthêu muốn ngầm bảo là MỌI ĐỘC GIẢ sách Tin Mừng Matthêu, MỌI KITÔ HỮU phải có trách nhiệm tự trả lời. Chính câu trả lời “CÓ” đã đưa ta từ thân phận “đám đông” đi sang địa vị “MÔN ĐỆ”.

* C.52 : Như là được nói riêng cho các kinh sư, những người thông luật giữ luật Môsê cách kỹ lưỡng. Đây là một lời khen khác hẳn Matthêu 23. Tin Mừng về Nước Trời do Đức Giêsu mang lại không chống luật, không loại trừ kinh sư, biệt phái. Trái lại việc mở lòng ra trước mạc khải của Đức Giêsu về Nước Trời sẽ giúp các kinh sư khám phá ra trong kho tàng luật, tức Cựu ước, những điều mới mẻ- mà không loại trừ cái cũ tốt lành họ vẫn giữ- để sống đứng vị trí của dân riêng Chúa. Cái mới lẫn cũ giúp kinh sư nhận ra rằng Cựu Ước nay đã hoàn tất nới Đức Giêsu và giúp ông ta vui mừng theo Đức Giêsu như người môn đệ.

Không loại trừ khả năng hiểu “ông kinh sư” này là một phản ánh chính tác giả Tin Mừng thứ nhất (dưới cái nhìn chú giải chuyên môn), tức người soạn thảo chung cuộc Tin Mừng Matthêu. Ông là một văn sĩ ( luật sĩ ) Do Thái, chuyên về Kinh Thánh, đã trở thành Kitô hữu ( “môn đệ của Nước Trời” ) và đem áp dụng các sở trường của mình vào việc soạn thảo Phúc Âm. Việc trích dẫn Cựu Ước cách phong phú và tinh tế trong Tin Mừng  cũng đủ xác nhận điều nêu trên”. ( Clause Tassin)

           “ ÔNG KINH SƯ” cũng có thể áp dụng cho các “tiến sĩ” hoặc các “ người công chính” (= luật sĩ) là những người xem ra giữ một vị trí quan trọng trong Giáo Hội của Matthêu và là những người phải phân phát lời Chúa như người cha gia đình phân phối các nhu yếu cho cả nhà”.

“ Cách thức Matthêu vừa soạn thảo bài diễn từ bằng dụ ngôn phải được dùng làm mẫu cho các vị hữu trách nói trên: phải luôn biết trở về với cái cũ, tức truyền thống gồm chính những lời nói của Đức Giêsu, nhưng đồng thời cũng biết táo bạo tái sử dụng truyền thống này, biết khai triển bổ túc nó nhằm cung ứng cho các nhu cầu mới của các cộng đoàn Kitô hữu” ( Claude Tassin Tin Mừng Matthêu, chú giải mục vụ).

Tóm lại qua hai câu kết, Tin Mừng Matthêu đã đưa ra một khuôn mẫu về người môn đệ. Đó là người:

  • Hiểu (với nghĩa tròn đầy của động từ được dùng trong chương này) Lời Đức Giêsu, hàm ý lời đáp trả dám “bán tất cả những gì mình có…”

  • Biết ứng dụng sáng tạo những gì đã hiểu vào từng hoàn cảnh cụ thể ( nghĩa ứng dụng của cách nói “lấy ra từ …cái mới lẫn cái cũ”) để từng giây phút, ở bất cứ nơi đâu, cuộc sống, lời nói của môn đệ là một phản ánh dung mạo của Đức Giêsu, của sứ điệp Đức Giêsu trong hiện tại.

4/ TÓM KẾT: Phụng vụ hôm nay đề nghị cho chúng ta một chủ đề kép: Ân huệ nhưng không, bao la của Thiên Chúa và sự đáp trả biện phân của con người.

* Phía Thiên Chúa, Người đi bước trước đến đề nghị tặng ban nhưng không cho con người ân huệ lớn lao đã được cất giấu từ ngàn xưa, dành sẵn cho những ai muốn thuộc trọn về Người.

* Phía con người, cần có sự biện phân để đi đến quyết định chọn lựa hồng ân tối hậu đó giữa bao nhiêu giá trị sống mà trước giờ mình vẫn trân trọng đề cao và hết tình theo đuổi và nhất là dám dứt khoát trả giá cho sự lựa chọn ấy ( bán tất cả những gì mình có…).

Đó là một hồng ân nhưng không. Giá trị của nó chẳng những vượt trên tất cả mà còn hơn nữa, có nó là có tất cả. Có dám “ bán tất cả để mua”. 

Frère Pierre Đình Long FSC