CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN-năm A

Bài 1

Dcr 9,9-10; Mt 11,25-30
Chủ đề: Niềm vui được Chúa đến bày tỏ ơn cứu độ

* Dcr 9,9-10: Hãy vui sướng reo hò, vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến… Người sẽ công bố hòa bình cho muôn dân

* Mt 11,25: Con xin ngợi khen Cha… đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ bé mọn.

Chủ đề của Chúa Nhật XIV A Mùa Thường Niên là NIỀM VUI. Căn nguyên của vui là vì ơn cứu độ đã được Chúa thương bày tỏ cho dân Chúa, là những người bé mọn.

Dưới cái nhìn của Cựu Ước, kẻ nghèo hèn, bé mọn là những người bị Thiên Chúa xét phạt. Cái nghèo, bệnh tật bị coi là hậu quả của tội. Và vì là có tội, là ô uế nên họ sẽ không được họp đoàn cùng với dân Chúa để ca khen Người.

Lời Chúa hôm nay đem lại cho họ NIỀM VUI, vì Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến họ, gởi Đấng Mêsia chính trực, Toàn Thắng đến với họ. Số phận họ đổi thay, họ được Thiên Chúa mở rộng lòng đón nhận, được nghỉ ngơi, bồi dưỡng.

Niềm vui này được gắn kết với đức khiêm nhường. Chính đức khiêm nhường là yếu tố gắn kết kẻ nghèo hèn với vị Vua – Mêsia mà Thiên Chúa đã thương gởi tới cho họ

Trong bài đọc 1, Ngôn Sứ Dacaria công bố cho dân lời kêu mời, khích lệ của Yavê: “Hới thiếu nữ Xion, hỡi thiếu nữ Giê rusalem (tức Dân Chúa) hãy hớn hở reo mừng; vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi”. Vị Vua này có các đặc nét: khiêm tốn và hòa bình, chính trực và toàn thắng.

  • Hình ảnh nói lên sự khiêm tốn của Vị Vua chính là con vật mà Người đang cưỡi để đến với dân: con lừa mà lại là một con lừa con vẫn còn đang theo mẹ. Hình ảnh trái ngược lại với chiến mã oai hùng biểu tượng cho chinh chiến.

  • Người cũng là Vị Vua hòa bình, vì tất cả những công cụ của chiến tranh: chiến xa, chiến mã, cung nỏ bị Người hủy phá, đẩy xa khỏi Ephraim, Giêrusalem, Đát Nước của Người; và Người sẽ công bố hòa bình cho muôn dân.

Nét khiêm tốn, hiền hòa và an bình được nói ở trên giúp hiểu đúng hai đặc tính “chính trực” và “toàn thắng” của Người:

  • Chính trực ở đây không thể hiểu là xét xử nhưng nói lên sự thánh thiện, chuẩn mực của Người. Chính con người, tư tưởng của Người là quy luật, cương lĩnh cho mọi sự.

  • Còn toàn thắng không hiểu theo nghĩa thắng trận trong chiến tranh vì mọi công cụ chiến tranh Người đã hủy bỏ. “Toàn thắng” chính là giúp họ nhận ra Tình Yêu Thiên Chúa quan phòng trong mọi hoàn cảnh: họ luôn được Thiên Chúa yêu thương.

Một vị vua khiêm tốn, hòa bình như thế đến cứu dân, làm chuẩn mực cho dân thì đó đúng là NIỀM VUI LỚN LAO.

Vị Vua đó chính là Đức Giêsu. Người là vị vua “có lòng hiền hậu và khiêm nhường”, Người đến nói cho những kẻ bé mọn về Mầu Nhiệm Nước Trời mà lại che giấu đối với bậc khôn Ngoan thông thái.

Bài đọc Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng NIỀM VUI của Đức Giêsu, Niềm Vui thấy Ý Cha, Mầu Nhiệm Nước Trời được Cha mặc khải cho những ai khiêm nhường, bé mọn.

Chính vì thế Người kêu mời những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến với Người để nhận được sự nâng đỡ, an ủi. Đối với Đức Giêsu, “Ách” chính là luật đã bị con người là biến chất thành những gánh nặng không sao gánh nổi (x. Lc 11,46; Cv 15,10). Đức Giêsu mời mang lấy ÁCH của Người nghĩa là giữ Luật êm ái, nhẹ nhàng của Người: Luật yêu thương.

Đức Giêsu đến không phải để xét xử nhưng để cứu. Cứu không phải bằng cách hủy bỏ Luật nhưng là kiện toàn bằng cách đưa tất cả gánh nặng của Luật lên thập giá và để lại cho ta luật yêu thương. Xin Thánh Thần Chúa soi sáng giúp ta can đảm mang ÁCH của Vị Vua – Mêsia hiền hậu khiêm nhường.

Như vậy Niềm Vui mà Đức Giêsu mang đến không phải là sự dẹp bỏ mọi “gánh nặng” của kiếp làm người, mà là đảm nhận tất cả trong tình yêu, thay vì sợ hãi cam chịu trong uất ức.

Không thể thay đỏi mọi sự ngay tức khắc, nhưng đối với tín hữu, “hạt mầm niềm vui” đã bám rễ sâu vào cuộc sống, vì nhờ Đức Giêsu mặc khải, người môn đệ đã nhận ra Ý Cha trong từng giây phút, biến cố của cuộc đời. Niềm Vui là từ nay biết chắc có Chúa ở cùng chúng ta. Hồng ân “có Chúa ở cùng” đã xóa đi bản án bị đuổi khỏi Eden; Và tuyệt vời hơn nữa, chốn hồng trần lưu đày trở thành “ngôi trường” của Thầy Giêsu dùng để dạy chúng ta biết tìm đến với Người để được bồi dưỡng, nghỉ ngơi.

Bài 2

“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã…mặc khải cho những người bé mọn…Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,25-28)

Lời Chúa của Chúa Nhật Mùa Thường Niên XIV A mời chúng ta chung hưởng NIỀM VUI mà Chúa đã yêu thương, qua Đức Giêsu, ban tặng cho mỗi tín hữu và cho toàn dân Chúa. Nghe nói tới “niềm vui” thì ai cũng thích! Nhưng liệu “niềm vui” mà Chúa muốn ban tặng có thực sự là điều mà chúng ta ưa thích? Thái độ của chúng ta sẽ là thế nào khi đứng đối diện với cái “niềm vui” mà Lời Chúa mang đến?  Và điều quan trọng hơn, đó là “NIỀM VUI” ấy phải tồn tại trong ta, sinh hoa kết trái dồi dào trong ta, rồi lan tỏa trờ thành “NIỀM VUI” cho mọi người Chúa gởi đến cho ta. Trước tiên cần nhận diện, “NIỀM VUI” mà Lời Chúa mang tới là “NIỀM VUI” nào?

Bài đọc một là lời mời gọi dân Chúa “hãy vui mừng hoan hỉ, hãy vui sướng reo hò”. Vì mặc dù đã được giải cứu khỏi ách lưu đày Babylon, nhưng dân Do Thái vẫn chỉ là chư hầu của Ba Tư, rồi Hi lạp…Một phần dân vẫn còn lưu lạc, tản mác khắp nơi, xa Thánh Đô, xa Đền Thờ, không thể thờ phượng, dâng lễ vật cho Thiên Chúa đúng như Luật dạy. Lòng họ không ngớt khắc khoải hoài vọng về Đất Hứa. Và chóp đỉnh đau thương của thời này là cuộc bách hại, cấm cách tôn giáo dưới thời Antiokô IV, đưa tới cuộc nổi dậy của nhà Macabê.

Trong bối cảnh tối tăm như thế, lời mời gọi “HÃY VUI LÊN” đã vọng vang. Động cơ của niềm vui ấy chính là ĐỨC VUA của dân, ĐẤNG MÊSIA ĐANG ĐẾN để đổi mới cuộc sống của dân, mang lại bình an, hiệp nhất cho dân. Người sẽ xóa bỏ chiến tranh; gươm giáo, cung tên sẽ bị dẹp bỏ; chiến xa, chiến mã sẽ không còn.

An bình, hiệp nhất mà Người mang đến không chỉ là cho Israel mà còn cho toàn thế giới. Niềm vui chung cho tất cả mọi người chứ không của riêng ai.

Qua bài đọc Tin Mừng, Niềm Vui được đề cập đến là Niềm Vui của chính Đức Giêsu: Vui vì Ý Cha được thể hiện. Vì thế Đức Giêsu đã hân hoan biểu lộ niềm vui bằng lời cầu nguyện “ngợi khen Cha” đã mặc khải Ý Cha cho người bé mọn. Nhờ đó họ có thể đến được với Đức Giêsu và được Người cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng.

“Trong Tin Mừng Luca, niềm vui “ngợi khen Cha” của Đức Giêsu được đặt trong khung cảnh phấn khời vui tươi sau đợt đi thi hành sứ vụ của Nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ được thành công. Thật vậy để dọn đường cho sứ vụ của Đức Giêsu nơi những địa phương mà Người dự định tới rao giảng, Đức Giêsu đã gởi tới trước Nhóm Bảy Mươi Hai, cứ hai người một đi trước chuẩn bị…Và sứ vụ đã kết thúc với những thành quả tốt đẹp. Nhóm trở về HỚN HỞ khoe các thành công đã gặt hái được: “…cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (x.Lc 10,17-19). Tuy nhiên Đức Giêsu cảnh báo: “NIỀM VUI” đích thực không phải là những thành công trước mắt, làm được một vài dấu lạ, mà là “NIỀM VUI” người môn đệ được thông hiệp vào cộng đoàn cánh chung của Đức Giêsu: “hãy mững vì tên anh em đã được ghi trên trời” (x. Lc 10,20). Chính trong bầu khi đầy phấn khời ấy, Đức Giêsu đã HỚN HỞ, VUI MỪNG dâng lên Cha lời chúc tụng (Lc 10,21).

Ngược lại, trong Tin Mừng Matthêu, lời Đức Giêsu ca khen Cha được đặt trong một văn mạch bị chống đối. Thật vậy, trong Mt 10, lời Đức Giêsu nói thật cho môn đệ biết những khó khăn, thách đố, đòi hỏi của sứ vụ truyền giáo: môn đệ như chiên đi vào giữa bầy sói (x. Mt 10,16), phải từ bỏ, phải vác Thập Giá, phải dám mất mạng…(10,37-39); Tuy nhiên, môn đệ vẫn vững tin , đầy niềm an ủi vì trong môn đệ, Thánh Thần hiện diện, hành động, ứng phó…(10,20) và nhất là được Đức Giêsu đồng hóa với Người và với Cha (10,40).

Vậy “NIỀM VUI” của môn dệ – trong Matthêu lẫn Luca – không cốt yếu nằm ở nơi những thành công bên ngoài, trước mắt của công việc mình làm, không phải là những hả hê đắc chí vì con người, bản lĩnh của cá nhân hay phe nhóm được thể hiện; Nhưng đó là “NIỀM VUI” được Thiên Chúa ở cùng, biến con người môn đệ thành nơi chốn, dấu chỉ về sự hiện diện, đồng hành của Ba Ngôi Thiên Chúa ngay tại thế (x.Mt 10,20.40), đến độ một việc làm nhỏ bé tâm thường được làm “cho môn đệ”hay “trong tư cách môn đệ” đều được Thiên Chúa bảo đảm có giá trị cứu rỗi (x.Mt 25,34-35…).

BÀI ĐỌC I: Dcr 9,9-10

Bài đọc I trích từ sách Dacaria phần II. Ngày nay các chuyên gia Kinh Thánh đều nhất trí rằng sách Dacaria gồm 2 phần. Dcr 1-8 là của ngôn sứ Dacaria, được soạn thảo khoảng giữa năm 520 (x.Dcr 1,1 so với Kg 1,1) và đầu thế kỷ IV trước công nguyên. Phần II là Dcr 9-14. Dù trong Dcr 11,4, tác giả tự xưng là “TÔI” nhưng phần II này không phải là của Dacaria. Tác giả là vô danh. Phần II này có thể xuất hiện:

  • Hoặc là vào lúc khởi đầu thời đại Hy Lạp : đây là thời vùng Cận Đông đổi chủ. Riêng Palestin thì tạm an ổn, thịnh vượng tương đối; nhưng Cận Đông, nhất là sau cái chết của Alexandre Cả, tình hình đầy biến động: các tướng của Alexandre tranh giành đất đai đánh nhau loạn xạ. Ban đầu Palestin thuộc quyền nhà Ptôlômê Ai Cập. Đến 198 trước công nguyên đổi chủ thuộc nhà Sêlêukos ở Syri.

  • Hoặc khoảng từ 330 trước công nguyên đến thời anh em Macabê khởi nghĩa: thời ảnh hưởng Hi Lạp đè nặng trên Israel: chạy theo lối sống Hi Lạp (x. 2M 4,9 – 20); xấu hổ mình là người Do Thái nên tìm che vết cắt bì (x. 1M 1,15)…Đến thời Antiokhos IV Epiphanie (175 – 164) là thời cấm cách, bắt bớ dẫn tới cuộc khởi nghĩa nhà Macabê.

Tóm lại Israel ở giai đoạn này vẫn đang trong tình cảnh nô lệ và tình cảnh ngày càng bi đát hơn mà chóp đỉnh là Antiokhos IV. Do đó tác giả gửi đến cho dân những lời khích lệ và đem lại cho họ niềm hi vọng: TC sẽ giải thoát họ.

Chương 9 nói đến việc giải cứu này mà trọng tâm là Đấng Mêsia.

* 1-8: Trước tiên, Ngôn Sứ mô tả số phận đen tối của những quốc gia láng giềng của Israel (1-7), trái ngược lại với số phận của Israel là được phục hồi (c.8) x. CGKPV 857b. Trong cc. 1 – 8 cách mổ tả về địa lí cho thấy đây là lãnh thổ Israel lúc cực thịnh của 2 triều Đavit + Salomon: vậy Israel sẽ trở lại thời hoàng kim! Ai làm được điều ấy: Mêsia.

* 9 – 10: nguyên do của sự trái ngược, khác biệt ấy là vì Vị Vua Hòa Bình, đấng Mêsia của Israel ngự đến trong thành của Người là Giêrusalem.

* 11 − 17: Kết quả là Israel được hồi phục. Đoạn này gồm hai phần: 1 lời của Giavê (11 – 13), 1 lời của Ngôn Sứ (14 – 17), loan báo một chiến thắng diệu kỳ của Israel – nhờ Đức Chúa cứu giúp – trên các kẻ thù đặc biệt là trước Hi Lạp (biểu tượng bằng cái tên Gia-oan); và số phận bình an, tươi vui của dân sau chiến thắng. (xem thêm CGKPV “các sách Ngôn sứ” 1996 trang 859 nốt “v” và 860 nốt “c”).

Bài đọc 1 chỉ sử dụng 2 câu 9, 9 – 10, mô tả vị vua hòa bình xuất hiện khai mạc vương quốc an bình trải rộng bao la, Người thống trị chư dân. Những hình ảnh dùng để nói về vị Vua này có những nét như trái nghịch nhau: đó là vị vua khiêm tốn, nghèo hèn, nhưng cũng đầy uy dũng, quyền năng.

Bố cục của Dcr 9, 9 -10

1/ Kêu mời Sion, Giêrusale – vui lên (c.9a)
2/ Nguyên do của niềm vui:Vua ngươi ngự đến c.9b
3/ Dung mạo nhà vua

  • Đầy chính trực

  • Đấng toàn thắng, nhưng khiêm tốn (c.9c)

  • Trang dũng sĩ oai hùng nhưng có sứ mạng tác tạo an bình (c.10a)

  • Vương quốc Người mênh mông mang an bình cho mọi dân (c.10b)

  1. Kêu mời Sion, Giêrusalem VUI LÊN (Dcr 9,9a)

* Niềm vui là một chủ đề lớn trong mặc khải Cựu Ước. Vui mừng hoan lạc trước tiên là một hồng ân của Thiên Chúa, và niềm vui sẽ nên trọn vẹn, vững bền khi dân trung tín gắn liền với Chúa. Ngược lại khi thất trung thì niềm vui sẽ bị mất và đau khổ sẽ vào thế chỗ. Tuy nhiên tình Chúa luôn lớn hơn sự bất tín của con người nên niềm vui cuối cùng vẫn là tình trạng cuối nơi con người: Sau khi cảnh cáo, đánh phạt, Thiên Chúa lại tha thứ và ban lại niềm vui. Vì thế mỗi khi rơi vào tình trạng khốn cùng mà nghe được lời mời gọi “Hãy vui lên” thì đó là dấu chỉ thời tăm tối sắp qua, Thiên Chúa đã thứ tha và Người sắp can thiệp giải cứu.

Trong cụ thể, niềm vui này vào giai đoạn Hi Lạp chính là lời loan báo trước về vương triều Hasmône, Israel giành lại được chủ quyền.

Niềm vui được diễn ra bằng tiếng “reo hò”: tiếng hò reo xung trận hay chiến thắng, hoặc tiếng reo hò đón tiếp vua Mêsia đến, hoặc tiếng hát reo vui trong vương quốc của Đức Chúa (CGKPV 858 o).

*Bản văn Dcr 9, 9 – 10 vọng lại Xp 3,14 – 18 cũng mô tả một thời kỳ khó khăn khác của Israel vào cuối thế kỷ 7 qua thế kỷ 6 trước công nguyên. Sự tương tự nhau giữa hai bản văn Ngôn Sứ là khá rõ ràng, nhưng Dacaria đã đưa vào những thay đổi quan trọng:

Nơi Xôphônia, công trình cứu độ dân Chúa là do chính Thiên Chúa thực hiện, chính Thiên Chúa là Vua của Israel – Nơi Dacaria, Vua không phải là chính Thiên Chúa, nhưng là Đấng Mêsia của Người. Nhiều câu trong Dacaria là lấy lai từ Tv 72: Ví dụ Dcr 9,10c so với Tv 72,8; Der 9,9b – Tv 72,1 – 2a

Điểm thay đổi khác không có trong Xôphônia: vị Vua của Dacaria là vị vua khiêm nhường: “Khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con …..”. Lừa là con vật cưỡi tầm thường. Đó là Đấng Mêsia mà Isaia đã thoáng thấy trong các bài ca của ông về Người Tôi Trung của Yavê.

Vậy nét mới mẻ của Dacaria là: – Niềm vui thay vì là do Thiên Chúa thì là do Đấng Mêsia đem lại (báo trước Đức Giêsu vừa là Mêsia, vừa là Thiên Chúa)

  • Còn về Đấng Mêsia thì Dacaria đã đan kết, phối hợp việc mong chờ theo truyền thống về một Mêsia – Vua với một Mêsia – Người Tôi Trung khiêm nhường của Isaia.

Vậy niềm vui ở đây không là niềm vui của kẻ chinh phục đè đầu đè cổ kẻ khác như Alexandra vừa thực hiện; nhưng là niềm vui được đi vào thời đại an bình của Vị Mêsia khiêm nhường của Thiên Chúa mang lại. Ngày nay chúng ta nhận ra niềm vui, an bình ấy trong việc chiến thắng tội lỗi và sự chết qua Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu.

2) Lý do vui: vì Đức Vua của người đang đến với ngươi (Dcr 9,9b)

Bức họa mô tả việc Đức Vua ngự đến ở đây được linh ứng từ nghi thức đăng quang ngôi cửu ngũ thời xưa: Tân vương Salomon tiến vào Giêrusalem trên lưng một con la cái, một vật để cởi an bình (1V 1, 33 – 35). Vậy vị Vua đang đến của Dacaria là một hậu duệ Đavít. Tân vương được chào đón cách tưng bừng hoan hỉ như chính Thiên Chúa, cứu Chúa của dân ngự đến (điều này đã nói trên khi so Dcr 9,9 – 10 với Xp 3,14 – 18)

Vị vua này là “Đức Vua của NGƯƠI” tức của Israel. Đây chính là Vị Vua mà Yavê đã hứa từ bao đời cho Israel.

  1. Vài nét dung mạo của Vị Vua (Dcr 9,9c – 10)

* Người là Đấng Chính Trực (Công Chính):

Công chính là một thuộc tính của Thiên Chúa (Er 9,15; 2M 1,24.25; Tv 10,7; 114,5…). Sự công chính của Thiên Chúa được tỏ lộ cho con người qua hành động của Thiên Chúa: “Vì Thiên Chúa Công Chính nên Người giữ lời hứa” (Nkm 9,8) “Thiên Chúa là Đấng Công Chính, mọi việc Chúa làm đều chính trực” (Tob 3,2; x. Đn 3,27; 9,14 + 3,27…). Như vậy khi nói Vị Vua Mêsia là Đấng Công Chính, ta có thể hiểu:

  • Đấng Mêsia là chóp đỉnh của Lời hứa của Thiên Chúa, là tuyệt tác siêu việt nhất của “mọi việc Chúa làm”, là lẽ công chính của chính Thiên Chúa gởi đến cho nhân loại.

  • “Công chính” là phẩm tính của Đấng Mêsia, hàm ý Người được thông phần vào thuộc tính của Thiên Chúa và mạnh hơn nữa với mặc khải của Tân Ước trong Đức Giêsu, thì Mêsia Giêsu là chính hiện thân của Thiên Chúa. Và như vậy thì:

  • Mêsia là Đấng thực thi sự công chính trọn hảo cho dân Chúa và chư dân đúng như lòng Thiên Chúa mong ước.

* Đấng toàn thắng: dịch sát theo tiếng Do Thái là “Đấng được cứu thoát” (CGKPV. Dcr 9,9 nốt “p”). Cách nói Do Thái hàm nghĩa vị Vua Mêsia là Đấng được bảo bọc bởi phúc lành của Thiên Chúa và nhờ đó mà được che chở, giúp đỡ, được cứu giúp, và như vậy thì Người mới có được khả năng tách dân Người ra khỏi mọi kẻ thù và mang lại cho dân tất cả mọi ưu ái của Thiên Chúa.

Hiểu như vậy và áp dụng cho Đức Giêsu thì thật tuyệt: Thiên Chúa cứu Đức Giêsu khỏi tử thần cho Người phục sinh, chính vì thế Đức Giêsu là Đấng Toàn Thắng khải hoàn Phục Sinh mang đến cho nhân loại mọi ân sủng, phúc lành của Thiên Chúa (Ga 1,16-17).

* Khiêm tốn ngồi trên lưng lừa: Dacaria gôm lại nơi đây hai hình ảnh trái nghịch nhau về Đấng Mesia; khiêm tốn (anawim) và ông vua uy hùng khôn Ngoan. Thật vậy:

– Hình ảnh “Ngồi trên lưng lừa” chắc chắn là mượn từ nghi lễ đăng quang của Salomon nối ngôi Đavít (x. 1V 1,38 – 40): Vua cưỡi la tiến vào, dân chúng vui mừng hò reo vang dội. [la = con của lừa đực + ngựa cái]-

La là con vật cưỡi của các Vua dòng Đavít (x. 25M 13,29; 18,9; 1V 1,38…). Nó là biểu tượng của bình an, đối nghịch lại với ngựa là biểu tượng của chinh chiến. “La” thì còn có chút máu chiến binh (mạ là ngựa) chứ “Lừa” thì là thuần túy an bình. Đây là khía cạnh vinh quang của Vua, là chi tiết xác nhận Đức Giêsu mới là Đấng Thừa Kế đích thực của những gì Thiên Chúa hứa cho nhà Đavít.

  • Khiêm nhường: Vua Mesia đích thực là hậu duệ Đavít, nhưng đây là vua khiêm nhường. Anawim! Người là biểu tượng cho “số còn sót lại”, của “dân nghèo hèn và bé nhỏ” (tức Anawim) của Yavê (Xp 3,12…). Mẫu mực của Khiêm nhường trong Cựu Ước là Môsê (Ds 12,3) và Người Tôi Trung bí nhiệm, Đấng hoàn tất ý định của Thiên Chúa bằng sự khiêm nhường tuân phục đến chết (x. Tv 3,4 – 9; 1Sm 2,7; Cn 15,33).

Vậy con đường đạt đến vinh quang, uy dũng của vị Vua Mesia tương lai sẽ là con đường khiêm nhường, an bình tuân phục ý Thiên Chúa, bám chặt vào Chúa như là nơi nương tựa duy nhất và chỉ có Thiên Chúa là phần thưởng chung cuộc cho mình mà thôi.

* “Người sẽ quét sạch chiến xa…” nghĩa bình thường: không còn chiến tranh (x. CGKPV 859 t NS). Nhưng thực tế tới giờ chiến tranh vẫn ác liệt trên thế giới. Vì thế nên hiểu câu 10a này bằng cách nối với “khiêm nhường” ở câu 9 nêu trên: Israel, nhất là Vua – Mesia sẽ không còn cậy vào binh xa chiến mã, liên minh quân sự nữa… để bảo vệ lãnh thổ, sự an bình cho mình. Chỉ có Thiên Chúa là nơi cậy dừa duy nhất. Và khi dám tin tưởng như vậy, ngược lẽ bình thường, thì kẻ tin sẽ được Thiên Chúa xem là công chính, đức tính đầu tiên của Vua Mesia (x. St 15,6: Thiên Chúa coi Abraham = công chính vì ông tin vào Thiên Chúa).

Vậy, ngang qua những cụm từ trong các câu 9b – 10a, Dacaria đã gom lại nơi Đấng Mesia, với những đức tính tuyệt nhất của các tổ phụ Người, đặt để nơi Người toàn bộ lời hứa cánh chung của Thiên Chúa cho dân Chúa. Với những chuẩn bị đó là để dọn đường cho Đức Giêsu Thập Giá.

* Hệ quả của Triều Mesia: bình an cho MUÔN dân (không riêng gì cho Israel) và triều đại Người vô cùng tận, bao la… (x. CGKPV 859 u).

  1. TÓM KẾT: trong đêm tối nô lệ ngoại bang, Dacaria mời dân hãy vui lên bằng cách vạch ra cho dân một tương lai xán lạn do vị Vua – Mesia sắp đến sẽ mang lại cho dân. Tuy nhiên hình ảnh được sử dụng để mô tả vị anh hùng ấy không phải là hình ảnh của một vị vua chinh phục (như Alexandre đang là mẫu mực thời đó) oai hùng trên lưng chiến mã kèm theo chiến tranh, thống trị bằng bạo lực. Trái lại, con đường mà vị vua này sẽ đi để thực thi vương quyền là con đường khiêm nhu, an bình, chính trực. Lời loan báo trên có vẻ như không tưởng theo nhãn giới phàm nhân. Nhưng trong thực tế đó lại là điều Chúa âm thầm thực hiện trong dòng lịch sử cứu độ để rồi Thiên Chúa sẽ tỏ lộ mọi sự rõ ràng trong Đức Giêsu vị vua có “lòng hiền hậu và khiêm nhường”, nơi Người, tất cả những ai nghèo hèn khốn khổ tìm đến và sẽ được đón nhận và hưởng nhờ sự “nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Và hạnh phúc lớn nhất sẽ là nhận biết Cha. Đó chính là niềm vui đích thực, bền vững mà Dacaria đã loan báo và mời dân thọ hưởng.

TIN MỪNG Mt 11, 25-30

Sau khi công bố “bài giảng về sứ mạng truyền giáo” với tất cả các thách đố mà người môn đệ theo Đức Giêsu phải đương đầu (ch.10). sang chương 11, Mattheu minh họa ngay một số chống đối cụ thể.

Những gì Đức Giêsu chỉ mới báo trước trong bài giảng về sứ vụ, thì qua chương 11, Mattheu đưa ra hình ảnh minh họa sống động bằng chính cuộc đời của Gioan Tiền Hô:

  • Hoàn cảnh bên ngoài: Gioan Tẩy Giả bị ở tù vì sống theo đường công chính; Trong khi đó kẻ tội lỗi gian ác vẫn phây phây làm vua, cứ ngang nhiên giựt vợ của anh mình (x. Mt14, 3-5).

  • Cái ngoại cảnh bất công ấy đã tác động mạnh đến nội tâm, tầm nhìn của Gioan; Cộng thêm thái độ sống hiền hòa, tha thứ của Đức Giêsu ….đẫ khiến Gioan hoang mang, không biết sứ điệp mình đã khổ công loan báo có đúng hay không? Vị thẩm phán công minh nghiêm khắc như ông đã khẳng định (x. Mt3, 10-12) đâu không thấy? Còn tội ác bất công vẫn ngập tràn, người công chính bị hại…Phải chăng ông đã lầm?

May thay Gioan đã không quyết định theo cảm tính, tầm nhìn giới hạn của mình. Ông khiêm tốn chọn vị trí làm môn đệ trong tương quan với Đức Giêsu: dù bị tù, ông vẫn tiếp xúc với Đức Giêsu, ông sai hai môn đệ đến thỉnh ý Người. Chính trong cảnh tối tăm cả hồn lẫn xác đó, Gioan đã được Đức Giêsu tôn vinh. Ông đã làm mọi việc trong tư cách là người môn đệ, ông đã được Thiên Chúa (Đức Giêsu) tôn vinh ngay cả lúc ông đang ở dưới đáy vực tối tăm. Đó là “Niềm Vui” của Gioan, “Niềm Vui” Đức Giêsu phải lớn lên, còn ông phải nhỏ lại. (x. Ga3, 29b- 30).

Chính trong bối cảnh đó mà Tin Mừng Mattheu thuật lai lời ca khen Cha của Đức Giêsu. Thực ra, lời của Đức Giêsu trong bài đọc Tin Mừng hôm nay gồm 3 ý hướng theo bố cục:

  1. Lời ngợi khen thờ lạy hướng trực tiếp về Cha (11, 25-26)

  2. Mặc khải tương quan thần linh giữa Cha và Con; qua đó Con có đủ tư cách, năng lực mặc khairCha cho những ai mà người Con muốn (11,27”

  3. Từ đó mời thính giả hãy đến với ĐGS và đón nhận “ÁCH” (tức là mặc khải) của Người (11, 28-30)để được Người cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.

  4. NGỢI KHEN, THỜ LẠY Ý CHA (câu 25-26)

  • “Vào lúc ấy”: đó là thời kì khó khăn, cuối Mt10 và đầu Mt 11đã xác định như vậy. thực tại trước mắt thì ta không thể thay đổi được, vậy điều ta có thể làm là gì?

  • “Lạy Cha….”: Đức Giêsu không thất vọng, Người chạy đến với Cha. Đây là sứ điệp trọng tâm mà Mattheu muốn gửi gắm cho chúng ta khi phải đối đầu với các gian truân trong sứ mạng: Gioan Tẩy giả trong cảnh ngục tù đã chạy đến với Đức Giêsu, Đức Giêsu chạy đến cùng CHA. Gioan còn hoang mang hỏi ĐGS: “Thầy có thật là Đấng phải đến khoonghay chúng tôi còn phải đợi ai khác” (x. Mt11, 3). Còn Đức Giêsu thì hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Cha: “Con ngợi khen Cha”; Đức Giêsu đọc được trong nghịch cảnh ý định, đường lối diệu kì của Cha: “vì Cha đã giấu không cho bậc khôn Ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 25b) và thờ lạy dự tính đó của Cha: “Vâng, Lạy Cha! Vì đó là điều đẹp Ý Cha (Mt11, 26). Gioan đến với Đức Giêsu trong tâm trạng bất an, chao đảo. Còn Đức Giêsu đến với Cha trong tâm tình phó thác, thờ lạy. Gioan đến với Đức Giêsu như một “thân chủ” đến xin tư vấn: học trò ông hỏi Đức Giêsu chỉ đơn giản bằng đại danh từ ngôi Hai số ít, dịch sát là “ông có phải là Đấng phải đến”. Còn Đức Giêsu thân với Thiên Chúa bằng danh từ “Bố ơi”, như một em bé đang tin cậy thỏ thẻ thưa chuyện với ba của mình. Cho dù hoàn cảnh trái ngang, Đức Giêsu luôn xử sự như một người con thảo, hoàn toàn thần phục ý Cha.

  • Giấu bậc khôn Ngoan thông thái, nhưng mặc khải cho kẻ bé mọn”: để hiểu câu trên có lẽ phải trở về vườn Êđen với hai cây biểu tượng: cây trường sinh và cây biết thiện ác. Ơn cứu độ, Nước Trời là ân huệ Thiên Chúa cho không, được biểu lộ qua cây trường sinh: con người chỉ cần đơn sơ như một em bé, Cha cho thì cứ nhận và thế là hạnh phúc. Tiếc thay Adam, Eva lại muốn ăn Trái Cấm, muốn tự mình hiểu biết, làm chuẩn cho mình nên như thần kinh (x. St3, 5), trở nên tinh khôn, thông minh thông thái (x. St3, 6); khốn thay ăn vào là mất tất cả. Do đó, ai muốn chạy theo “tinh khôn” thì đã tự mình làm ra mù trước mặc khải của TC; còn ai cứ đơn sơ đón nhận trái Trường Sinh thì sẽ càng đi sâu vào dự tính của TC. Cuộc đời vua Salomon cũng là một minh họa cho Mt11, 25b: lúc mới lên ngôi, Salomon thấy mình chỉ là một “thanh niên bé nhỏ”, “không biết cầm quyền trị nước” (1V 3, 7). Do đó ông mới xin Chúa ơn “biết lắng nghe” và “ơn phân biệt phải trái” để hoàn tất sứ vụ làm vua mà Chúa đã trao (3, 9), kết quả là ông có tất cả. Thế nhưng khi ông đã nổi danh, thông minh hiểu biết và chạy theo những thứ đó thì cuối đời ông đã rơi vào sai trái.

Như vậy cách nói “giấu hạng khôn ngoan….mặc khải cho kẻ bé mọn” không thể hiểu là TC thiên vị. bởi vì ngày trước đó, trong bài giảng về sứ vụ, ĐGS đã buộc các môn đệ phải công khai loan Tin Mừng cho tất cả mọi người (x. Mt10, 26- 27). Tuy nhiên những ai “tự nhốt” tâm hồn của họ trong cái “pháo đài” “khôn Ngoan, thông thái” do họ tạo ra đến độ không còn chỗ nào cho tha nhân, cho Lời Chúa thì quả thật mặc khải của Chúa đành đứng bên ngoài tâm hồn họ (giống như trường hợp anh biệt phái trong Lc18, 9-14: hồn anh đầy tràn “công chính” đến độ trào ứa ra bên ngoài bằng thái độ khinh dể tha nhân và không cần cầu xin TC điều gì. Kết quả, anh ta không được công chính hóa.) Còn kẻ bé mọn là những người có cõi lòng luôn rộng mở ra cho TC, phó thác để TC xâm chiếm con người mình bằng các dự tính yêu thương từ ngàn đời của TC (như ĐỨc Maria, Thánh Giuse). Họ luôn chạy đến cùng Chúa như trẻ thơ tìm nơi nương náu trong vòng tay yêu thương của cha mẹ.

  1. 2. Tỏ lộ uy quyền thần linh của Người Con: “Cha Tôi đã trao phó mọi sự cho Tôi” (11, 27a). Chính trong cảnh chống đối đó, Đức Giêsu bày tỏ uy quyền thần linh cho mọi người. Chi tiết này báo trước thời điểm mặc khải chung cuộc Người là Con Thiên Chúa ngay lúc gục đầu tắt thở trên cây Thập Giá. (x. Mt 27, 54; Mc 15, 39). Trong giây phút lạ lùng ấy, nhóm được mặc khải về Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa lại là viên sĩ quan và đám lính Rôma đã đóng đinh Người (x Mt 27, 54).

Vậy điều mà Cha và Con muốn mặc khải cho nhân loại chính là cho họ biết Thiên Chúa chủ tể vũ hoàn là CHA và Đức Giêsu là CON và ơn cứu độ chính là cho họ thông hiệp vơi tương quan Cha – Con ấy của Thiên Chúa. (x Ga 17, 3). Adam, Eva đã đòi làm Chúa bằng cách khước từ ơn gọi làm người, kết quả là mất tất cả. Đức Giêsu đã hồi phục phẩm giá nhân loại bằng cách làm người cho đến cùng; chính khi đi đến tột cùng nỗi khốn cùng của nhân loại thì lúc ấy Mầu Nhiệm Thiên Chúa được tỏ lộ trọn vẹn cho con người và quyền năng thần linh cũng được hiển lộ nơi xác thân Giêsu nhân loại.

Chính vì thế lời tiếp theo Đức Giêsu ngỏ với nhân loại khổ đau là:

  1. “Hãy đến cùng tôi… “Hãy học với tôi”…: trong thân phận loài người bất lực, khổ đau…Đức Giêsu đã chạy đến với Cha, ca tụng đường lỗi của Cha, thờ lạy Ý Cha cho đến chết…Chính lúc đó Ngươi được “nghỉ ngơi, bồi dưỡng”. Đức Giêsu mời nhân loại khổ đau hãy bắt chước con đường hữu hiệu duy nhất đưa nhân loại đến ơn cứu độ.

Trong vườn Eđen đầy hạnh phúc, Adam lại rơi vào cơn cám dỗ muốn “biết”, muốn “khôn ngoan thông thái” như Chúa, muốn tự mình giải quyết mọi vấn đề không cần đến Chúa…Rốt cuộc là mất tất cả, phải xấu hổ, sợ hãi trốn tránh Thiên Chúa; Nhân loại trầm luân!

Giờ đây Con Thiên Chúa đảm nhận phận làm người với tất cả những hậu quả đau thương đó, nỗ lực chiến đấu thắng vượt mọi cơn cám dỗ để trước mọi khó khăn, thay vì cho mình là “khôn ngoan thông thái” tự mình tìm giải pháp thì Đức Giêsu đã khiêm nhường, hiền hậu chạy đến trao phó mọi sự cho Cha, đón nhận Ý Cha trong tâm tình ngợi khen, thờ lạy. Và nhân loại được hồi phục! Đức Giêsu đã mở ra con  đường sống, mời nhân loại hãy như trẻ thơ đến với Thiên Chúa là Cha; hãy đến với Người  (Đức Giêsu) để được nghỉ ngơi bồi dưỡng, mọi khổ nhục hãy phó thác cho Người. Phải can đảm nhìn nhận sự nhỏ bé, bất lực, vất vả, gánh nặng không sao đảm đương nổi của mình rồi “Hãy đến cùng Tôi…Hãy học với Tôi”…Học cái HIỀN HẬU, KHIÊM TỐN và sẵn sàng đón nhận cái ÁCH NHẸ NHÀNG của Tôi và tận hưởng hồng ân NGHỈ NGƠI BỒI DƯỠNG do Tôi mang tặng.

  • Mang ÁCH CỦA CHÚA: có nghĩa là Theo Người, làm môn đệ Người. Đức Giê su đến không dể miễn cho ta mọi bó buộc luân lý, bổn phận làm người. Người thay thế cái “gánh nặng nề” bằng cái “gánh nhẹ nhàng của Người”. “NHẸ” không có nghĩa là Kém đòi hỏi. Trái lại thì có : đọc lại những đòi hỏi trong 5, 17-48; nhưng “nhẹ” là vì khám phá ra lại ý nghĩa của hành vi, khám phá ra cái đích tới của luân lý là Cha và khi sống luân lý của Tin Mừng thì chúng ta thể hiện tình, quyền làm Con Thiên Chúa của mình. Và thêm nữa, lý do chính để ta thấy ách của Đức Giê su thì êm ái và gánh nhẹ nhàng là vì chính Người hiền lành và khiêm nhường, nghĩa là Người sống trước những điều Người dạy. Người trở nên ANAWIM mẫu mực, khác hẳn với những biệt phái đã “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23, 4). Nói cách khác, ách trở nên nhẹ là vì có chính Đức Giêsu đang cùng kéo với chúng ta để hướng chúng ta làm công việc của Cha. Thật vậy sau khi đã đi trọn vẹn con đường thập giá của kiếp phàm nhân trong tuân phục ý Cha, Đức Giêsu khám phá ra cái ách nhẹ nhàng của Cha. Do đó giờ đây Người mời gọi chúng ta cùng với Người vác cái ách nhẹ nhàng ấy. Với Đức Giêsu thập giá và Phục Sinh, cái ách nặng nề của kiếp phàm nhân (với mọi những hệ lụy của Nó về xã hội, tôn giáo, luật lệ,…) đã trở nên nhẹ nhàng nhờ Người đồng hành cùng gánh chịu một bên ách của ta, cùng thi hành ý Cha. Trong tinh thần đó thì “mang lấy ách của Chúa” là đi theo Người đến cùng”.

  • Ách của Ta êm ái: như cách hiểu trên thì ách không là biểu tượng của thân phận nô lệ mà phải hiểu được là một phương tiện hữu hiệu để liên kết, hiệp nhất sức mạnh của hai con vật giúp chúng kéo cày nhẹ nhàng hơn (so với kéo một mình) va thực hiện ý chủ cách trọn vẹn. Ách Chúa nhẹ là vì có Đấng Phục Sinh cùng kéo với chúng ta. Cộng việc nặng nề, đòi hỏi triệt để hơn, nhưng ách vẫn êm nhẹ hơn vì có Đấng Phục Sinh và Chúa Thánh Thần cùng đồng hành với chúng ta “Ách của Đức Giêsu” chính là, không khác gì hơn, việc Người đảm nhận đến cùng thân phận phàm nhân với tất cả hệ lụy của nó. Người mời vác “Ách của Người” mời chúng ta bắt chước người đảm nhận cho trọn kiếp làm người theo như cách thức Người đã đi, kể cả Thập Giá. (xem thêm CGKPV Tân ước 1995, tr.97 nôt “d”)

  • Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng

Cách chú giải được đề nghị trên về chữ “ÁCH” được củng cố thêm khi ta thấy văn bản liên kết “ách ta êm ái” với “Tâm hồn anh em” sẽ được “nghỉ ngơi” được coi như là hoa trái, là điểm đến của một cuộc hành trình dài trung tín thực thi Ý Chúa”:

–   Chúa làm việc 6 ngày. Xong việc! Ngày thứ Bảy Chúa nghỉ ngơi.

–   Việc vào Đất Hứa được xem như là việc được đón tiếp vào nghỉ ngơi của Thiên Chúa. Đó là phần thưởng cho dân trung tín. Tiếc thay dân không trung tín đủ nên TV 95 (94) đã phải thốt lên “…nên Ta mới thịnh nộ thề rằng – Chúng sẽ không được vào chốn an nghỉ của ta”. Lấy lại từ Tv này, thư Do Thái loan báo một ngày mới trong đó, cùng với Đức Kitô, chúng ta chắc chắn sẽ được tiến vào nơi an nghỉ của Thiên Chúa, sau khi đã làm xong công việc của mình (Dt 4,10 – 11).

Vậy cụm từ “nghỉ ngơi bồi dưỡng” ở đây nhằm vào nghĩa cánh chung. Tất cả những ai dám đi trọn hành trình đức tin trong phận phàm nhân tín thác cho TC, vào Cha; dám cùng song hành với Đức Giêsu trên con đường thập giá thì chắc chắn điểm đến phải là NƠI NGHỈ NGƠI của TC. Hơn thế nữa, sự nghỉ ngơi ấy không chỉ là một thực tại của tương lai, nó đã bắt đầu trong hiện tại: kẻ tin mến cảm được ngay bây giờ trong tâm hồn: “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”, đó là sự bình an của những người “nghèo khó hiền lành” có Đấng “hiền lành và khiêm nhường” luôn đồng hành bên cạnh.

(4) TÓM KẾT: Với sự xuất hiện của Đức Giêsu, một bậc thang giá trị mới đã lên ngôi như chúng ta đã thấy trong Bát Phúc (5, 1-12). Một lộ trình mới được đề nghị cho chúng ta để đưa chúng ta chắc chắn đến được hạnh phúc Nước Trời, hạnh phúc được kết hiệp mật thiết với TC. Dĩ nhiện những ai thích bám víu vào bầu da cũ thì không thể nào đón nhận và giữ được rượu mới (9, 17). Do đó có sự chống đối, bách hại là điều hiển nhiên.

Đứng trước những cứng lòng, bất hợp tác của những kẻ chống đối, Đức Giêsu vẫn tuyệt đối tin vào sứ mạng, vào con đường chân phúc mà Cha giao cho Người mang đến cho nhân loại. Do đó, giữa khung cảnh chống đối, Đức Giêsu vẫn cất tiếng ngợi khen Cha, xác tín vào đường lối sư phạm mà Cha dùng để mạc khải mầu nhiệm TC, mầu nhiệm Nước Trời cho nhân loại: “… Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”. Dĩ nhiên là Lời Chúa phải luôn được “rao giảng trên mái nhà” (x.10,27); tuy nhiên chỉ những ai có tâm hồn bé mọn, tín thác, cậy dựa duy nhất vào TC, săn sàng vâng nghe lời của Đức Giêsu thì mới có thể nhận ra được sứ điệp Tin Mừng của Cha do Đức Giêsu mang tới bằng lời rao giảng, cuộc sống và nhất là bằng thập giá vinh phúc của Người.

Vậy đứng trước huyền nhiệm TC và Nước Trời, Tin Mừng hôm nay đặt chúng ta trước sự chọn lựa giữa hai lối sống: theo con đượng của những người “khôn ngoan, thông thái” của trần thế, hay là theo con đường Đức Giêsu, Đấng hiền hậu, khiêm nhường. Nói cách khác hoặc tự phụ cho rằng với tự sức riêng mình, với những phương tiện thuần túy nhân loại, đạo đức khôn ngoan cá nhân …, con người có thể thâm nhập được vào huyền nhiệm của TC, có thể chiếm đoạt được Nước Trời; hoặc khiêm tốn nhận mình hèn mọn để ròi chọn con đường Đức Kitô đã đi, đến với Đấng hiền hậu khiêm nhường và tìm nơi Người hạnh phúc và sự viên mãn của mình, để rồi chính Người sẽ đưa ta vào cung lòng TC, vào Nước Trời.

Đức Giêsu mời chúng ta đến với Người. Người không mị dân. Người nói thật. Đến với Người là mang “ách của Người”. Tuy nhiên ách ấy êm ái, gánh ấy nhẹ nhàng. Đức Giêsu không miễn trừ cho những kẻ theo Người những hệ lụy của kiếp người đã bị tội làm cho nặng nề. Tuy nhiên theo Đức Giêsu là đồng ý gánh vác lấy thập giá đời mình CÙNG VỚI ĐỨC GIÊSU, để Đức Giêsu hướng dẫn. Trái lại kẻ khôn ngoan thông thái muốn đi một mình, giải quyết vấn đề theo ý mình (cơn cám dỗ ngàn đời của Adam, Evà trong vườn địa đàng luôn theo đuổi sát cánh con người) và tệ hơn nữa họ lại muốn tất cả những kẻ khác phải đi theo cái “khôn ngoan” của họ. Họ muốn thế chỗ TC trong cuộc đời họ và trong cuộc đời kẻ khác.

Vậy chỉ có những ai khiêm tốn (Anawim) để Đức Giêsu đồng hành với mình trong cuộc sống, để Người và ta cùng vác chung một ách (vì ách của Người và của ta đã là một) thì lúc đó chúng ta mới cảm nhận và thọ hưởng được cái vinh phúc của Nước Trời, vinh phúc được sống tình yêu mật thiết Cha – Con với TC; lúc đó gánh nặng kiếp làm người của chúng ta sẽ được vơi bớt và trở nên êm ái nhờ có “Đấng TC – làm người” luôn ở bên cạnh để chia sẻ bổn phận làm người của ta, để thuần hóa phận người của ta, biến mọi gian lao nhọc nhằn của ta thành hiến tế Thập Giá vinh quang, để rồi cuối cùng Người sánh bước cùng ta tiến vào nơi nghỉ ngơi bối dưỡng mà Cha đã dọn sẵn cho kẻ tín trung.

Frère Pierre Đình Long FSC