CHÚA NHẬT THỨ VII THƯỜNG NIÊN NĂM A

 Mt 5, 38-48

ĐGH Gioan Phaolô II vào tận xà lim biệt giam tha thứ cho thủ phạm, 2 năm sau khi ngài bị ám sát

       Tin Mừng chúa nhật thứ bảy thường niên năm A, Mt 5,38-48 hôm nay, nối tiếp bản Tin Mừng chúa nhật tuần trước. Chúa Giêsu nói tiếp đến việc kiện toàn lề luật của Tân Ước.

Luật dạy:” Mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân.” (Xh 21,24/ Mt 5,38).

      Luật này đã có tiến bộ hơn trước, vì nó giới hạn việc trả thù, bằng với thiệt hại mình đã chịu. Nó cũng ngăn chặn những báo thù qua lại kế tiếp.

      Chúa Giêsu còn đi xa hơn, Ngài  dạy: Đừng chống cự người ác, trái lại nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. (Mt 5,39). Chúa đẩy Luật Yêu Thương lên tới cực đỉnh, đến độ ta thấy khó hiểu, khó thực hiện.

      Thực thế, nhìn ra cuộc đời, ta thấy hầu như mọi cuộc chiến, mọi xung đột đều do bản tính con người, là luôn Trả Thù:Tên lửa bắn qua, máy bay oanh tạc trả lại.

      Nhiều người chủ trương phải dùng điều ác để diệt kẻ ác. Họ cho rằng nhân nhượng kẻ ác là làm cho sự ác gia tăng.

     Nhiều đảng phái, nhiều thể chế coi tha thứ, nhịn nhục là hèn nhát, là nhu nhược.

Người ta coi lời dạy này của Chúa là xa vời, là chủ bại.
Ít ai tin rằng đây mới là nguồn bình an cho nhân loại.

      Mahatma Gandhi rất thích bản Hiến Chương Nước Trời (Mt 5, 1-12).Ông rất vui mừng khi đọc bài Tin Mừng hôm nay. Ông rút ra bài học thực hành đấu tranh bất bạo lực với nguyên lý Satyagraha (Chấp trì chân lý) và Ahimsa (Bất hại hay bất bạo động) trong phong trào phản kháng, chống chế độ thực dân Anh và giành độc lập cho dân tộc.

      Người đời dùng bạo lực đáp trả bạo lực, nhưng Chúa Giêsu dạy: chỉ có tình yêu mới đưa đến tình yêu.

      Ôm mãi hận thù, lòng ta sẽ mãi u sầu, nặng trĩu và như thế, ta thua kẻ thù thêm một bước nữa. Người Hy Lạp cổ thường nói: “Người khôn ngoan thà chịu đựng sự ác hơn là làm điều ác”.

      Thánh Phaolô khuyên:” Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác. ( Rm 12,21).

      Lấy oán báo oán chẳng những không hoá giải được xung đột mà còn làm cho xung đột trầm trọng thêm.

      Lấy đức báo oán sẽ hoá giải được những hận thù và chấm dứt những xung đột.

      Không những Chúa dạy đừng trả thù, Ngài còn dạy phải yêu kẻ thù.

      Tha thứ thường đi đôi với yêu thương. Mục sư Martin Luther King nhận định:“Ai không có sức mạnh để tha thứ, cũng không có sức mạnh để yêu thương”.

      Chúa đòi bỏ báo oán, phải tha thứ, yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù.

      Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.(Mt 5,43-44). Yêu người thân đã là khó, Chúa còn dạy yêu kẻ thù. Làm sao thực hiện được?

      Giới luật tưởng như không thể thực hành được đó, chính Chúa đã làm gương. Trên thập giá, trước khi tắt thở, Chúa đã cầu nguyện:“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Chúa còn dậy tha thứ đến 70 lần 7 . (Mt 18,22).

      Suốt trong lịch sử Giáo hội, âm thầm hay minh bạch, các môn đệ của Chúa đều cũng đã sống luật yêu thương này. Ngay từ thời các tông đồ, có thể kể đến Stêphanô. Khi bị ném đá, trước lúc tắt thở, ngài cầu nguyện:” Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. (Cv 7,60).

      Ngày 13/5/1981 ĐGH Gioan Phaolô II bị ám sát. Hai năm sau, khi bình phục, ngài vào tận xà lim biệt giam tha thứ cho Agca. Ngài thực sự yêu thương anh ta. Tình yêu của anh ta đã vọng lại tình thương của đấng thánh. Sau khi mãn hạn tù, anh ta đã sang Roma để tưởng nhớ cố Giáo hoàng.

Mehmet Ali Agca đến Quảng trường Thánh Phêrô đặt hoa tưởng nhớ cố Giáo hoàng Gioan Phao lô II dịp Giáng sinh 2014. 

      Lúc 11:00 ngày 22 tháng 04 năm 2021, Cha JB Trần Quang Truyền, quản hạt giáo hạt An Khê, Giáo phận Kon Tum, đã bị đâm lủng ruột. Cha được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Quy Nhơn. Ngay trên giường bệnh, sau khi tỉnh lại, cha đã tha thứ ngay cho kẻ thủ ác.

      Lúc 7:15 chiều ngày 8 tháng 2 năm 2022, Cha Giuse Trần Ngọc Thanh OP, đang giải tội trên giáo họ Sa Loong, giáo xứ Đăk Mót, Giáo phận Kon Tum, đã bị chém vào đầu. Trước khi chết, cha cũng đã nhắn gửi trong hơi thở yếu ớt lời tha thứ cho hung thủ đã sát hại mình.

      Và còn biết bao gương lành tha thứ yêu thương mà chúng ta chưa biết hoặc không kể hết được.

      “Yêu thương kẻ thù” là sống trong thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu, khoan dung, hiền từ, quảng đại, tha thứ và hoàn thiện như Cha trên trời.:

Với sự hiền hòa của Chúa Giêsu trên thập giá, thế gian được bình an, được cứu rỗi.

       Nhưng tại sao phải tha thứ, phải yêu thương, phải nên thánh?

Lý do  phải nên thánh:

      1.Vì Thiên Chúa là Đấng Thánh:“Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh”(Lv 19,2).

      “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.(Mt 5,48).

      2.Vì mọi người là con cái Thiên Chúa và là anh em của nhau.

Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời” (Mt 5,44-45).

     “…Tất cả anh em đều là anh em với nhau”.(Mt 23,8).

      3.Vì là môn đệ Chúa Kitô: Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? (Mt 5,47).

       Lạy chúa, xin dạy chúng con hiểu luật yêu thương cao cả của Chúa và quyết tâm đem ra thực hành.

 Nguyễn Đức Lân