CHÚA NHẬT THỨ VI THƯỜNG NIÊN NĂM C

Lc 5, 17.20-26

Trong đoạn Tin Mừng chúa nhật hôm nay thánh Luca thuật lại  bài giảng của Chúa Giêsu về những mối phúc. Trong bốn sách Tin Mừng, chỉ có Tin Mừng Matthêu và Luca thuật lại bài giảng này của Chúa Giêsu, tuy nhiên có một vài chi tiết hơi khác biệt:

*Về bối cảnh, Mátthêu thuật lại Chúa Giêsu lên núi (Mt 5,1) và giảng dạy cho dân, (thường được gọi là bài giảng trên núi hoặc là Hiến Chương Nước Trời) trong khi Luca thuật lại rằng Chúa Giêsu đi xuống cùng các môn đệ (sau khi đã thức cầu nguyện và tuyển chọn các ông) và dừng lại ở một chỗ đất bằng. (Lc 6,17).

* Matthêu thuật lại 9 Mối Phúc, (Kinh Phúc Thật Tám Mối dựa theo đoạn Tin Mừng này) trong khi  Luca chỉ nói đến bốn mối phúc, nhưng lại đối chiếu với bốn mối họa.

*Cả hai thánh sử cùng nói Chúa giảng cho đám đông dân chúng, nhưng Luca còn nhấn mạnh họ là những người  bệnh tật và bị các thần ô uế quấy nhiễu.(Lc 6,18).

*Cách hành văn cũng khác nhau, Matthêu nói phúc cho ai…( ngôi thứ thứ ba) Luca lại nói phúc cho anh em… ( ngôi thứ hai).

*Matthêu không xác định thời gian, nhưng Luca thì nhấn mạnh bây giờ  đang phải đói, bây giờ đang phải khóc. Luca nhấn mạnh sự thay đổi  hoàn toàn bây giờ đang đóisẽ được no lòng. Bây giờ đang khóc sẽ được vui cười (Lc 6,21).

Trong cặp Mối Phúc thứ hai và thứ ba, “bây giờ” đối ngược với  “sẽ được” (Lc 6, 21). Còn trong Mối Phúc thứ nhất và  thứ tư, việc đối ngược đã được hiện thực rồi: “Nước Thiên Chúa là của anh em”. “Vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.

*Matthêu nhấn mạnh phương diện tâm linh: Ai có tâm hồn nghèo khó, trong khi Luca nói là những kẻ nghèo khó thật, đang phải đói, đang phải khóc. Nghĩa là thực tế vật chất.

     Đọc cả Tin Mừng, ta có thể hiểu Luca rõ hơn. Chúa Giêsu là Đấng Mêsia nghèo. Chúa đã sống khó nghèo, chia sẻ thân phận với những người nghèo khó nhất trong cuộc đời. Ngài đã sinh ra trong chuồng súc vật, sống không  hòn đá gối đầu, bị người đời  khinh chê, nhục mạ và chết  trần truồng, cô đơn trên thập giá.

      Tin Mừng Luca đặt song song 4 Mối Phúc với 4 Mối Họa:

Phúc cho những kẻ nghèo khó, đói khát, khóc than, bị oán ghét, bị khai trừ và bị sỉ vả. Đối nghịch với bốn mối họa: Khốn cho các ngươi  là những kẻ giàu có, no nê, vui cười và được ca tụng. 

Cách đối chiếu này là nét đặc trưng của Luca. Chúng ta đã gặp thấy cấu trúc này trong bài ca Magnificat: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng”.(Lc 1, 51-53) cũng như trong dụ ngôn ông phú hộ và anh Lazarô nghèo khó (16: 19-31).

Đó là những phản đề đối chiếu Nghèo-Giàu.

      Tiếng Việt chúng ta thật phong phú. Chúng ta nói nghèo đói, nghèo khó, nghèo nàn, nghèo túng, nghèo khổ, nghèo hèn, nghèo kiết xác, nghèo mạt rệp, nghèo xác nghèo xơ, nghèo rớt mồng tơi. Không hề thấy  một chút vinh quang, vinh dự, hay hạnh phúc gì, vậy mà Chúa Giêsu lại nói: Phúc cho anh em em là những kẻ nghèo khó. (Lc 6,20).

     Người nghèo là người túng thiếu, nhỏ bé, khóc lóc, bị nhiều người khinh chê, không nơi nương tựa. Nhưng chính vì thế, họ lại tin vào Thiên Chúa là cha yêu thương, và họ có Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp. Nên họ giàu có thực sự. Một bà góa trong Tin Mừng Luca 21,1-4, một mẹ Têrêsa Calcutta là những người giàu có nhất, vì đã tin và yêu thương Thiên Chúa, đã nhận ra Chúa nơi những người khốn cùng. Một anh Lazarô hành khất [trong dụ ngôn Người nhà giàu và Lazarô (Lc 16,19-31)] được Nước Trời làm cơ nghiệp, được ngồi trong lòng Abraham.

       Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. (Gr 17,7). Hạnh phúc tuyệt đối nhất chính là Tình Yêu, chính là Thiên Chúa, chính là Nước Thiên Chúa.

      Chính sự nghèo đói tự nó không phải là tội. Mặc dù đôi khi người đời dùng cái nghèo để biện minh cho những những tệ nạn xã hội: Bần cùng sinh đạo tặc– vì nghèo mà sinh ra ăn cắp, ăn trộm. Người Tây Phương cũng nói: La pauvreté est la mère de tous les vices-Nghèo túng là mẹ sinh ra mọi tệ nạn.Thực ra, nghèo túng và đau khổ có khi lại là Phúc, khi ta không dựa cậy vào người đời, nhưng hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa.

Có Thiên Chúa, có Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp là có tất cả. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân thì nào có lợi gì. (Lc 9,25).

      Ngược lại, Chúa nói: khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có… (Lc 6,24).

Người đời thường cầu chúc cho nhau giàu sang, phú quý, sao Chúa lại nói Khốn? Khốn, vì người ta dựa cậy vào của cải, tiền bạc, địa vị, mà quên mất Thiên Chúa. 

Ngôn sứ Giêrêmia cũng nhắc nhở: Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa.(Gr 17,5).

     Trên các đồng đô la của Mỹ đều có câu In God We trust– Chúng tôi tin tưởng nơi Chúa- Điều quan trọng là họ tin chúa nào? chúa Đô La hay Chúa họ thờ là cái bụng.(Pl 3,19)?

Tiền bạc, của cải tự nó không phải là xấu; người giàu có cũng không hẳn là tội nhân.

Sự giàu có chỉ là mối họa khi nó che khuất tầm nhìn của ta, để ta không trông thấy Thiên Chúa và tha nhân.

      Người phú hộ trong Tin Mừng Luca 16,19-31 mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình, nhưng rốt cục, ông lại là người nghèo túng nhất, đến độ một giọt nước cũng không có.

     Gần đây, chúng ta nghe nói vợ chồng ông Trung Nguyên không để đâu hết tiền, nhưng họ lại là những người nghèo túng nhất, vì họ mất cả tình yêu, mất cả hạnh phúc gia đình và có thể mất cả sản nghiệp.

     Quá tôn thờ tiền bạc, người ta không thể tôn thờ Thiên Chúa: Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền của được.(Lc 16,13).

    Người Tây phương còn nói: L’argent est un bon serviteur, mais un mauvais maître -Tiền bạc là một tên đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ tồi tệ-.

      Tiền bạc, của cải vật chất và địa vị chỉ là phương tiện để chúng ta vui sống và phục vụ tha nhân, nhưng chúng ta đã biến nó thành mục đích, thậm chí thành chủ, để chúng ta quy phục, thành chúa, để chúng ta tôn thờ, nên nó trở thành mối họa.

       Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết tìm kiếm và yêu mến Chúa, biết nhận Chúa là gia nghiệp duy nhất cuộc đời chúng con.

Nguyễn Đức Lân