CHÚA NHẬT THỨ V MÙA CHAY NĂM C

Ga 8,1-11

Trong phụng vụ chúa nhật thứ tư Mùa Chay năm C, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta về một Thiên Chúa rất yêu thương, qua dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (Lc 15, 11-31). Phụng vụ chúa nhật thứ năm hôm nay cho chúng ta thấy chính một Thiên Chúa giàu lòng thương xót đối với tội nhân. Đoạn tin mừng Ga 8,1-11 cho ta thấy, không phải một hình ảnh, mà là chính một Thiên Chúa Nhân Hậu, với tình yêu thương bao la, hải hà. Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng đây chính là văn phong của Tin Mừng theo thánh Luca, Tin Mừng được mệnh danh là Tin Mừng của Lòng Chúa Thương Xót. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đoạn này là của Luca và nó được xếp sau Lc 21,38.

      Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình này chỉ được ghi lại trong tin mừng Gioan, không có trong các Tin Mừng nhất lãm.

      Các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ hỏi Chúa Giêsu: Trong sách luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? (Ga 8,5).Theo luật Môsê Lv 20,10 và Đnl 22,23-24 thì cả hai người gian dâm đều bị ném đá, nhưng không hiểu sao chỉ có người phụ nữ bị bắt và bị đem đến trước mặt Chúa Giêsu. Không thấy những người đồng phạm.

      Thực ra, họ chẳng thật lòng tham khảo ý kiến chúa Giêsu, «Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng chứng tố cáo Người» (Ga 8, 6). Người mà họ muốn tố cáo chưa hẳn là người phụ nữ ngoại tình, mà là chính Chúa Giêsu.

      Cạm bẫy mà các kinh sư và người Pha-ri-sêu giăng ra cho Chúa Giê-su tương tự với vấn đề nộp thuế cho Xê-da (Lc 20: 21-25).Họ hỏi Chúa Giêsu: Chúng tôi có được phép nộp thuế cho Xê da hay không? Chúa Giêsu đã thoát khỏi bẫy của họ, Người trả lời: Thế thì của Xê da, trả về Xê da, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa. 

      Theo luật Môsê, những kẻ ngoại tình, gian dâm đều bị xử tử, ném đá, nhưng thời Chúa Giêsu, người Rô-ma không còn cho Thượng Hội Đồng Do thái  định đoạt quyền sinh tử nữa: Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả ( Ga 18,31).

      Nếu Chúa chấp hành luật Môsê, thì Chúa đã mâu thuẫn với lòng nhân từ  của Thiên Chúa mà Người rao giảng. Sự nghiêm khắc của Lề Luật tương phản với lòng nhân từ của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Chúa còn chống lại quy định của Roma. Còn  nếu Chúa tha cho người ngoại tình, thì không những Chúa chống lại luật Môsê, mà còn mâu thuẫn với giáo huấn của Chúa về  hôn nhân gia đình. Đàng nào Chúa cũng mắc kẹt.

     Chúa Giêsu lấy ngón tay viết trên đất. Cử chỉ này cho thấy Người không muốn nói chuyện với họ, không muốn trả lời họ. Nhưng họ cứ hỏi mãi, nên người trả lời: Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. (Ga 8,7).

      Họ tố cáo người phụ nữ này vừa để gài bẫy Chúa Giêsu vừa để chứng tỏ với mọi người rằng họ là những người công chính, đạo đức, thánh thiện. Trả lời vậy, Chúa Giêsu vừa tránh được bẫy của họ, vừa nhắc nhở cho mọi người biết rằng họ cũng là những người tội lỗi. Lúc này họ mới bừng tỉnh, nhận ra mình cũng tội lỗi, nên họ bỏ đi hết kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.

      Thánh Augustino nhận xét: “Chỉ còn lại hai người: một người đáng xót thương và một Đấng đầy lòng xót thương”.

      Chúa Giêsu đã khéo léo thoát khỏi bẫy của các kinh sư và người Pharisêu. Người còn tỏ hiện lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

      Người là hiện thân của Lòng Thương Xót, Người mặc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa là Cha, Đấng Giàu Lòng Xót Thương, chậm bất bình và rất mực khoan dung:“ Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống. (Ed 33,11). Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an.(2Cr 1,3)

      Người ghét tội, không dung túng tội lỗi, nhưng yêu thương và độ lượng với  tội nhân.Thiên Chúa tha thứ và chờ đợi con người hoán cải.  Tha thứ không đồng nghĩa với sự dung túng tội lỗi

       Chúa Giêsu không nói với người phụ nữ là chị không có tội, nhưng Người nói: Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! (Ga 8,11).

      Hầu như quốc gia nào cũng có án chung thân, nhiều quốc gia còn có án tử hình, nhưng Thiên Chúa phán: Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông. (Is 1,18).

      Thiên Chúa tha thứ có kèm theo điều kiện. Người  không chấp nhận sự dữ, nhưng tha thứ cho người tội lỗi biết ăn năn. Chúa muốn tạo cơ may để tội nhân thay đổi đời sống, làm lại cuộc đời. Chúa luôn mở ngỏ lối cho người con hoang trở về.

      Thiên Chúa muốn chúng ta quên đi quá khứ, nhất là quá khứ tội lỗi xưa: Các người đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước.(Is 43,18)

Một lần nữa  Chúa giải thoát dân Do Thái khỏi Babylon, như đã giải thoát họ khỏi Ai Cập. Qua tiên tri Isaia, Chúa kêu gọi dân hãy quên đi quá khứ ô nhục và hãy nhìn về tương lai.

       Thánh Phaolô cũng đã có một quá khứ đau buồn. Quá nhiệt thành với luật Môsê, ngài đã bắt bớ những ai tin vào Chúa Kitô, nhưng từ khi được Chúa Kitô chiếm đoạt, ngài đã tìm cách quên đi quá khứ đau buồn đó, để Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. (Pl 3,13).

      Chúa Giêsu tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình. Người giải phóng chị khỏi tội lỗi, khỏi một quá khứ ô nhục và mở ra cho chị một tương lai mới.

Khi nói Tôi không kết án chịChúa muốn để chị có cơ hội làm lại cuộc đời. Chúa đòi chị một điều kiện: Từ nay đừng phạm tội nữa, Chúa muốn chị bỏ lại đàng sau quá khứ sai lầm, nhục nhã, hướng đến một tương lai tươi sáng, đẹp đẽ hơn.

     Lạy Chúa, xin giúp chúng con tin tưởng mãnh liệt vào tình yêu thương hải hà của Chúa,  để chúng con quên đi những quá khứ tội lỗi và mạnh dạn trở về với Chúa.

Nguyễn Đức Lân