CHÚA NHẬT THỨ IV MÙA VỌNG NĂM B

 Lc 1,26-38

Bước vào Chúa Nhật thứ tư mùa vọng, phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta chiêm ngưỡng một khuôn mặt nổi bật khác:  Đó là trinh nữ Maria, quê Nazareth. 

Chúng ta đã nghe đọc bài Tin Mừng này vào lễ sứ thần Gabriel Truyền Tin cho Đức Mẹ. (25 tháng ba). Hôm nay chúng ta lại nghe bài này trong Chúa Nhật thứ tư mùa vọng, chúa nhật gần kề lễ Giáng Sinh. 

 Khi suy niệm mầu nhiệm Nhập Thể+Giáng Sinh, chúng ta thường chỉ hình dung ra hang đá Bêlem, có Hài Nhi Giêsu nằm trên máng cỏ, hai bên có thánh Giuse và Mẹ Maria. 

 Thực ra, màu nhiệm Nhập Thể đã bắt đầu từ tiếng Xin Vâng của Đức Maria ở Nazareth. Sau tiếng Xin Vâng ấy, Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, đã bắt đầu phát triển thành một thai nhi.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà. (Lc 1,28).

Mừng vui lên…Đây không phải là lời chào thông thường, mà là dư âm của những lời loan báo ơn cứu độ cho Jerusalem, cho thiếu nữ Sion: Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi. Hỡi thiếu nữ Jerusalem, hãy nức lòng phấn khởi…(Xp 3,14). Đây là lời chào nói lên niềm vui của người được đón nhận Tin Mừng. 

Đấng đầy ân sủng. Đây là một danh hiệu đặc biệt của Đức Maria.Chúng ta đọc trong kinh kính mừng: Kính mừng Maria, đầy hạnh phúc. Mẹ là người duy nhất đầy ân sủng. 

Đức Chúa ở cùng… Đây là cách nói của Kinh thánh, khi đề cập về ơn gọi. Sứ thần chào trinh nữ Maria:  “Đức Chúa ở cùng Bà”.Đây vừa là lời chào, vừa là lời khẳng định Thiên Chúa hiện diện trong tâm hồn những người công chính và Ngài ban cho họ ân sủng dồi dào.

Ngôn sứ Nathan đã chúc phúc cho vua Đa Vít: Đức Chúa ở với ngài. (2 Sm 7,3). 

Ngay từ trong thời cựu ước, Thiên Chúa đã hiện diện với dân riêng của Ngài. Nhưng nay Thiên Chúa sẽ hiện diện cách gần gũi và cụ thể hơn: Này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.(Lc 1, 31-33). Đây chính là lúc Chúa thực hiện lời hứa với vua Đa Vít xưa: Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời.( 2 Sm,7,16).

Nhưng Thiên Chúa không chỉ ban điều Ngài đã hứa. Ngài còn ban nhiều hơn thế nữa,vì Chúa Giêsu không chỉ là Mêsia cho dân Do-thái,Ngài còn là Đấng Cứu Độ cho cả nhân loại.

Con Thiên Chúa toàn năng muốn nhập thể cứu đời, cũng cần đến cung lòng của thôn nữ Maria.Và Thiên Chúa cũng cần sự ưng thuận của thôn nữ. 

Ngay sau lời ưng thuận: Xin Vâng:Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. (Lc 1,35).

Ngày nay chúng ta nói hoặc hát Xin Vâng cách dễ dàng nhẹ nhàng. Nhưng khi Xin Vâng, mẹ đã liều lĩnh, tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa mãnh liệt đến mức nào.

Xin Vâng, làm mẹ Con Thiên Chúa, nhưng mẹ vẫn thưa với sứ thần Gabriel: Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. (Lc 1,38). Vẫn nhận mình là phận nữ tỳ hèn mọn.(Lc 1,48). 

Chưa hiểu hết thánh ý Thiên Chúa, nhưng mẹ vẫn chấp nhận tất cả.

Làm mẹ Thiên Chúa mà vẫn phải lam lũ vất vả mưu sinh mỗi ngày.

Tại sao Con Thiên Chúa phải sinh ra trong hang súc vật? 

Tại sao Con Vua Trời lại bị mưu sát, lại phải chạy trốn?

Tại sao Đấng Cứu Thế mà lại sống không có chỗ tựa đầu( Lc 9,58)?

Lại bị người ta chống đối, hành hạ, giết chết nhục nhã như một tội nhân?

Hoàn toàn không hiểu, nhưng Mẹ vẫn khiêm nhường chấp nhận và tin tưởng phó thác. Vì thế Mẹ vẫn kiên trì theo Chúa Giê su trên khắp mọi nẻo đường, cho đến dưới chân thánh giá.

Lạy Mẹ Maria, chúng con cảm ơn Mẹ đã mạnh dạn thưa Xin Vâng để cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ trần gian, để ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại. Xin cho chúng con cũng biết sẵn sàng thưa xin vâng trong mọi tình huống cuộc đời chúng con.

 Nguyễn Đức Lân