CHÚA NHẬT THỨ III MÙA CHAY NĂM A

Ga 4,5-42

      Chúa nhật thứ ba mùa chay năm A phụng vụ giới thiệu cho chúng ta về nước và nước Hằng Sống .

      Khi tạo dựng đất trời, Thiên Chúa đã tạo nên nước, và đã ban tặng cho con người và mọi sinh vật. Đây là một ân huệ quý báu nhất. Thực thế, nếu không có nước không thể có sự sống trên trái đất.

      Tất cả mọi sự sống đều phụ thuộc vào nước. Khi thám hiểm các hành tinh khác trong vũ trụ, trước tiên, các nhà khoa học tìm kiếm nước, như là khởi đầu của sự sống.

      Trên trái đất, giòng nước được dùng làm đường giao thông. Các cụm dân cư đều quy tụ xung quanh nguồn nước: bờ biển, bờ sông, bờ suối. Các thành phố lớn trên thế giới đều nằm trên một con sông, một bờ hồ nào đó.

Nước được dùng từ lâu làm nguồn nhiên liệu (máy hơi nước, nhà máy thủy điện). Nước dùng trong nông nghiệp làm thủy lợi, tưới cây.

Nhất là nước dùng để giải khát con người và động vật. Người ta có thể nhịn ăn được một tuần, nhưng khó có thể nhịn uống một ngày.

      Trong lịch sử cứu độ, dân Do Thái đi trong sa mạc, không có nước uống nên Dân gây sự với ông Môsê. Họ nói: cho chúng tôi nước uống đi. (Xh 17,2).

      Hình ảnh nước chảy ra từ tảng đá cho dân uống (Xh 17,6) trong sa mạc cho thấy Thiên Chúa là mạch nước hằng sống cho dân Ngài. Qua miệng tiên tri Giêrêmia, Thiên Chúa phán: Ta là mạch nước trường sinh.(Gr 2,13).Tiên tri còn nhấn mạnh: Những kẻ quay lưng lại với Đức Chúa sẽ bị bứng khỏi đất, vì họ đã lìa bỏ Đức Chúa là mạch nước trường sinh.(Gr 17,13).

      Con người luôn ước muốn, mong mỏi và hi vọng nhiều hơn nữa.Tâm lý chung được voi đòi tiên.

Vì những khao khát của chúng ta đều gắn liền với quyền, tiền, danh vọng, nhục dục… nên không bao giờ chúng ta mãn nguyện với mọi ước muốn. Chúng ta không bao giờ khỏi khát trong tâm hồn. Không tìm được nước trường sinh, nên khao khát của chúng ta không bao giờ cùng.

      Người phụ nữ Samari mà Chúa Giêsu gặp bên bờ giếng Giacop hôm nay cũng vậy. Chị có đầy vò nước, nhưng vẫn khát. Chị tưởng cứ yêu nhiều, lấy nhiều chồng là hạnh phúc. Chỉ khi gặp được Chúa Giêsu, chị ta mới hết khát và thỏa mãn.

      Chúa Giêsu xin người phụ nữ nước uống: “Chị cho tôi xin chút nước uống”(Ga 4,7) để ban cho chị nước hằng sống: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: Cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống”. (x. Ga 4,10). Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: “Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. (Ga 4,13-14).

      Thiên Chúa là mạch nước hằng sống, Chúa Giêsu mời gọi: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống!” Như Kinh Thánh đã nói: “Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,38).

      Sự khát khao của người phụ nữ Samaria được no thỏa khi chị đã nhận ra ơn cứu độ. Chị nhận ra Chúa là một ngôn sứ: “Tôi thấy ông thật là một ngôn sứ” (Ga 4,19). Mạch nước hằng sống đang chảy vào tâm hồn khát khao của chị.

      Chỉ khi cảm nhận được Chúa, ta mới thực sự an bình

Tâm hồn chúng ta hướng về Chúa“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong” (Tv 42,2).

Như lời Thánh Vịnh: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,2).

      Nước đem lại sự sống, nhưng nước cũng có thể hủy diệt như lụt lội tàn phá mọi thứ, giết chết mọi sinh vật.

      Nước còn được dùng để thanh tẩy, rửa sạch mọi vết nhơ, ô uế.

Muốn được vào nước Thiên Chúa, con người phải được thánh hóa bằng nước và Thánh Thần. Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5).

       Người phụ nữ Samaria đã trở nên môn đồ của Chúa qua việc để lại vò nước và chạy về thành loan báo cho mọi người: “Mau hãy đến xem”… (Ga 4,29). Chính nước hằng sống đã thanh tẩy tâm hồn chị, để  chị loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người trong thành.

      Chúng ta hãy mượn lời Thánh Augustinô để cầu nguyện:

 “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, linh hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.

Nguyễn Đức Lân