CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

Bài 1

Gs 5,9a.10-12; Lc 15,1-3.11-32

Chủ đề:  NIỀM VUI: -vui về đến nhà Cha – vui giã từ nô lệ – Vui được Cha đón tiếp – vui hồi phục quyền con.

* Gs 5,9-11: Dân Itrael vào Đất Hứa … Chúa cất khỏi Dân nỗi ô nhục … Dân cử hành lễ Vượt Qua … và dùng thổ sản trong xứ.

* Lc 15,20.23: Anh ta đứng lên đi về cùng Cha … Anh còn từ xa, Cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra, ôm cổ anh, hôn lấy hôn để … và bảo đầy tớ: “mở tiệc ăn mừng!”

 Chúng ta bước vào Chúa Nhật IV Mùa Chay. Lộ trình chay tịnh tiến về Lễ Phục Sinh đã trôi qua quá nửa. Truyền thống phụng vụ gọi Chúa Nhật hôm nay là Chúa Nhật HỒNG, Chúa Nhật của NIỀM VUI. Vui vì dù phía con người có bội nghĩa bất trung đến đâu đi nữa, thì phần Thiên Chúa, tình thương xót của Người vẫn không suy suyển: Người vẫn kiên trì, tìm mọi cách để đưa dự tính cứu độ của Người tới đích.

Hòa với niềm vui bên ngoài: thay đổi màu của phẩm phục từ TÍM sang HỒNG, bàn thờ được trang trí rực rỡ hơn, ca hát phụng vụ được xử dụng nhạc cụ như bình thường … Phụng vụ Lời Chúa cũng đầy ắp niềm vui: Niềm vui được đổi đời, được vào một giai đoạn mới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn: – Dân Chúa đã hoàn tất giai đoạn lưu lạc trong sa mạc, được bước vào Đất Hứa (bài đọc 1) – Trong Tin Mừng, đứa con hoang đàng đã về Nhà Cha và được tiếp đón ân cần. Hình ảnh bên ngoài được phụng vụ Lời Chúa dùng để diễn ta niềm vui là: LỄ HỘI – TIỆC MỪNG. Vượt xa hơn là những biến cố nhất thời, chóng qua, đó là những dấu mốc cho thấy cuộc sống mới đầy phúc lộc đã khởi đầu. Tuyệt vời hơn nữa, đó cũng là niềm vui của CHÍNH CHÚA: Chúa vui vì đã hoàn tất được một giai đoạn nữa của lịch sử cứu độ, đã ban Đất Hứa cho dân (bài 1); Đó là niềm vui của NGƯỜI CHA vì “em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32). Niềm vui mà Chúa mong ước đó là NIỀM VUI GIA ĐÌNH SUM HỌP: cả gia đình về tới Nhà Cha, tất cả nhận ra nhau là anh em và nhất là mọi người đều sống NIỀM VUI CỦA CHA.

Bài đọc 1 trích từ sách Giôsuê, mô tả Niềm Vui của Dân Chúa, giờ đây đã đặt chân vào Đất Hứa. Niềm Vui tới đích, Niềm vui về tới nhà bình yên sau một cuộc hành trình dài đầy gian nan. Nhưng trước tiên đó là Niềm Vui của Chính Chúa: một Niềm Vui vượt hơn xa những gì vật chất mang lại: Niềm vui thấy Dân mình được TỰ DO, được HỒI PHỤC PHẨM GIÁ làm Dân con Chúa: “HÔM NAY, Ta đã cất khỏi các ngươi CÁI Ô NHỤC của Người Ai Cập”.  Niềm vui thấy Dân của mình đã được tẩy luyện đi vào nề nếp Giao Ước: đã cắt bì và giờ đây CỬ HÀNH LỄ VƯỢT QUA, đúng ngày: 14 Nishan, đúng nơi chốn: ngay trong Đất Hứa.

Niềm vui đó của Chúa, trở thành niềm vui của Dân: Niềm vui từ nay được hoàn toàn TỰ DO TUÂN GIỮ LUẬT CHÚA. Niềm vui đó là HOA TRÁI của lòng thương xót Chúa hoàn tất công cuộc giải cứu Dân: “Hôm nay” Chúa cất mọi ô nhục thì ngay “Hôm sau” dân vui mừng cử hành lễ Vượt Qua vì “Hôm sau” hưởng trọn vẹn niềm vui làm chủ Đất Hứa. 

Vậy niềm vui chúng ta phải cố đạt tới không phải là Niềm Vui bất kỳ nào, mà phải là Niềm Vui của Chúa, là CHUNG VUI với Chúa vì được Chúa giải cứu; Niềm Vui được CHUNG VUI VỚI CHA, niềm vui thấy mình được tha, Niềm Vui đón nhận anh em trở về, Niềm Vui của gia đình ĐOÀN TỤ sau bao xa cách. Đó là những gì Tin Mừng sẽ khai triển thêm.

Tin Mừng thuật lại dụ ngôn “đứa con hoang đàng”, đúng hơn nên gọi là dụ ngôn về “Tình Cha”. Dụ ngôn nói lên lòng thương xót và Niềm Vui của Cha đối với đứa con hư. Niềm Vui ấy không hạn hẹp trong tình Cha – con, mà được mở rộng ra cho mọi người: tất cả những ai sống dưới mái nhà Cha đều được mời CHUNG VUI.

Đối tượng được lòng thương xót Cha nhắm tới trước tiên là đứa con hư: Cha ôm nó vào lòng, ban tặng những nụ hôn tha thứ. Cha tha cho lỗi lầm quá khứ đã đành và còn tha luôn cái lỗi lầm còn lớn hơn nữa của hiện tại khi đứa con xin được làm công cho Cha (“làm công” có nghĩa là sáng tới làm việc, chiều ra đi: nó không muốn ở trong nhà Cha). Tha thứ hết! Cha muốn nó đón nhận lại quyền làm con! Làm con ngay lúc nó “chưa tắm” còn “đầy mùi heo ”. Đừng nhìn vào mình, hãy nhìn vào Cha rồi nhận lấy NHẪN – ÁO – DÉP Mới.

– Gia nhân, tôi tớ cũng được mời chung vui và góp phần vào Niềm Vui: họ đồng hành, có mặt với chủ ngay giây phút đầu tiên khi chủ vừa thấy con; và họ mau mắn thi hành ý chủ: biết rõ nơi chủ cất NHẪN – ÁO – DÉP… nhanh chóng mổ bò làm tiệc ăn mừng.

– Đứa con trưởng chống đối đường lối của Cha, nhưng cũng được Cha mời gọi CHUNG VUI với Niềm Vui của Cha.

Vậy Tin Mừng mời gọi: tất cả hãy cùng chung một niềm vui: niềm vui của Cha. Niềm vui của Mùa Chay là niềm vui của CHA. Chỉ với niềm vui này thì thập giá mới trở thành cửa ngõ dẫn tới PHỤC SINH.

Bài 2

 Người cha bảo các đầy tớ: “Mau … đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng (Lc 15,23-24).

 Chúng ta đã vượt qua hơn nửa chặng đường của Mùa Chay. Chúng ta chiến đấu để sống tinh thần đạo đức Mùa Chay theo đường lối của Chúa: chay tịnh, bác ái, cầu nguyện (Thứ Tư Lễ Tro). Chúng ta đã chiến đấu để vượt qua những mưu mô tinh vi của Qủy (Chúa Nhật I C Mùa Chay); chúng ta đã chiến đấu để vượt thắng khuynh hướng tìm dễ dãi hưởng thụ trước mắt mà quên đi “con đường lên Giêrusalem” (Chúa Nhật II C Mùa Chay); chúng ta đã chiến đấu để biết cảm thông với những bất hạnh của tha nhân, để phản tỉnh xét mình hầu trổ sinh hoa trái (Chúa Nhật III C Mùa chay).

Hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta lên đường trở về với Chúa là Cha, nhận ra sai lỗi của mình, nhận ra tình trạng cùng khốn của mình (cho dù mình là con cả hay con thứ) và quyết tâm đổi đời tái lập lại tương quan phụ tử với cha. Tuy nhiên phải coi chừng, Quỷ không bỏ cuộc đấu, Nó luôn rình rập chờ cơ hội (Lc 4,13b). Cám dỗ Đức Giêsu không xong, Nó xoay qua cám dỗ môn đệ Người: ngay trong tâm tình lành thánh “muốn quay về với Cha”, Quỷ cũng có thể lợi dụng để lừa hối nhân đi lạc xa đường lối của Chúa. Vậy phải tiếp tục chiến đấu!

Chiến đấu để phó thác tuyệt đối, tất cả cho Cha, để Thánh Ý Cha được thể hiện nơi bản thân mình, trong mọi tình huống của cuộc đời mình, chứ không vì thấy mình tội lỗi (con thứ) hay ngoan ngoãn (con trưởng) rồi tự đưa ra những đáp án cho cuộc đời riêng mình theo kiểu tương quan giao kèo song phương sòng phẳng theo thói đời mà làm mất đi phẩm giá “hình ảnh của Thiên Chúa”, mất đi hồng ân được quyền “Làm con Thiên Chúa” mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại trong Đức Giêsu Kitô.

Phải tiếp tục chiến đấu để xác tín rằng trở về với Chúa trong tư cách là người con cho dù là tội lỗi, coi chừng cơn cám dỗ: trở về như một tên thất nghiệp đi xin việc làm, trong tư cách là một kẻ làm thuê độ nhật sống lây lất cho tàn kiếp tội nhân; Và nếu ở lại nhà Cha thì cũng ở lại như là con “mọi sự của Cha là của con”, đừng so bì ganh tỵ rồi coi nhau như kẻ thù và tự hạ mình xuống hàng nô lệ (Lc 15,29).

Được đón nhận về lại nhà Cha trong tư cách là con, đó là NIỀM VUI, nguồn hạnh phúc mà Lời Chúa của Chúa Nhật IV C Mùa Chay mời chúng ta tận hưởng. Trong bầu khí niềm vui và hạnh phúc đó, Lời Chúa mời các hối nhân hãy gỡ bỏ đi mọi toan tính mặc cảm dại dột của mình (đòi làm thuê), rồi hãy phó thác để cho Thiên Chúa hoàn tất nơi bản thân mình cái dự tính từ thuở đời đời của Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa, mọi người (kể cả những kẻ phải sa hỏa ngục) luôn mãi là con của Chúa: chưa bao giờ và vĩnh viễn không bao giờ Chúa cắt đứt tương giao phụ – tử giữa Người với nhân loại. Sự gián đoạn tạm thời chỉ đến từ phía con người. Do đó cái ý niệm “về lại nhà Cha” vừa mới chớm nở nơi tội nhân thôi thì tương quan đã được nối kết lại rồi; Nếu khi cậu con quay về với một hình dạng bề ngoài quá tệ thì Cha vẫn đón như một người con và muốn mọi người cũng phải có một cái nhìn như mình đối với cậu con: mặc áo mới, dép mới, nhẫn mới ngay trước khi bước vào nhà và ăn tiệc ngay trong tình trạng bề ngoài còn dơ bẩn.

Lời Chúa hôm nay mời tín hữu chiến đấu để sống trọn vẹn niềm vui, hạnh phúc đó. Nhưng nên nhớ: đó không là niềm vui, hạnh phúc đơn lẻ của một cá nhân mừng vì mình thành công, được cứu; Mà là chung hưởng niềm vui của Cha, với Cha; Niềm vui ấy phải được chia sẻ với tất cả mọi người; Niềm vui của gia đình sum họp quanh Cha; Niềm vui của toàn Nhiệm Thể.

BÀI ĐỌC 1: Gs 5,9a.10-12

Trước khi qua đời, Môsê đã được Yavê truyền phải chọn Giosuê làm ngươi lãnh đạo cộng đoàn Israel để đưa họ vào Đất Hứa (x. Ds 27,15-23). Rồi khi Môsê qua đời, đích thân Yavê đến gặp Giôsuê, hứa rằng luôn ở cùng ông như đã ở cùng Môsê (Gs 1, 1-5; 3,7). Nhờ đó Giôsuê cũng làm được những việc diệu kỳ như Môsê:

– Rẽ nước dòng sông Giođan để dân qua sông (Gs 5,1);

– Khi dân đặt chân lên đất hứa, ông đã vâng lệnh Chúa, cắt bì cho dân (5,4-8), chuẩn bị dân xứng đáng được thừa hưởng Đất Hứa.

Nhờ Chúa cất đi nỗi ô nhục Ai Cập, dân Chúa bước vào kỷ nguyên tự do, an cư lạc nghiệp. Kỷ nguyên mới được đánh dấu bằng: Lễ Vượt Qua; Manna thôi rơi; và dân hưởng thổ sản của vùng đất mới. Tiếp đến là cuộc đánh chiếm Đất Hứa với chiến thắng mở đầu thật ẩn tượng trước một thành Giêricô kiên cố, hùng cường. Thế nhưng ngay sau đó là một thất bại ê chề trước thành Ai nhỏ bé. Lý do vì dân tự kiêu, quyết định đánh trận không hỏi ý Chúa và vì có người trong dân đã vi phạm Luật Biệt Hiến. Điều ấy nhắc dân phải luôn hành động theo sự chỉ dẫn của Chúa, luôn trung tín tuân mệnh lệnh Chúa và chỉ cậy dựa vào Chúa mà thôi.

Bài đọc 1 là trích đoạn thuật lại việc toàn dân Do Thái mừng vui bước vào Đất Hứa; Cùng nhau hân hoan cử hành Lễ Vượt Qua đầu tiên trong đất ấy, giã từ kiếp sống lang bạt để định cư sống với thổ sản của xứ ấy, hưởng trọn vẹn ân phúc lời hứa của Thiên Chúa đối với tổ phụ họ. Đó cũng là niềm vui của chính Chúa: cất khỏi dân, nỗi ô nhục của người Ai Cập, trao ban Đất Hứa cho dân, khai mở giai đoạn dân thực sự làm chủ đời sống, vận mạng của mình.

1/ Niềm vui của Yavê: cứu dân khỏi nỗi ô nhục Ai Cập (Gs 5,9a)

* “Hôm nay ám chỉ một thời điểm lịch sử mà Yavê hoàn tất thêm một công đoạn trong chương trình cứu độ của Người cho cộng đoàn (Gs 5,9a) hoặc cho cá thể (Lc 19,9; 23,43). Cái “hôm nay” ấy xuất hiện khi tình yêu không mỏi mệt của Thiên Chúa gặp được sự đáp trả tự do và ý thức của con người và nhiều cái “hôm nay” của ơn cứu độ trong từng thời điểm “hiện tại tức thời” của dòng lịch sử sẽ góp phần đưa công trình sáng tạo và cứu độ đạt tới cái “hiện tại vĩnh cửu” trong ngày chung thẩm của Trời Đất Mới.

* Nỗi ô nhục Ai Cập:  ám chỉ người Ai Cập không có tập tục cắt bì và dân Do Thái được sinh ra trong sa mạc cũng chưa ai chịu cắt bì cả (Gs 5,5).

Tuy nhiên bản văn phụng vụ đã tách câu 9 ra khỏi văn mạch đi trước của nó (Gs 5,4-8) rồi gắn câu 9 vào với việc mừng lễ Vượt Qua và ăn sản phẩm đất đai Canaan đi sau (Gs 5,10-12). Do đó “nỗi ô nhục” ở đây có thể hiểu là: từ nay nhóm Do Thái không còn là một đám người lang bạt, ô hợp nữa, không còn là một đám du mục ăn nhờ ở đậu nữa. Họ thật sự đã có quê hương, chuẩn bị trở thành một vương quốc.

Niềm vui, Thiên Chúa hoàn tất lời hứa cho Abram (St 12,1-3)

2/ Niềm vui của dân: mừng lễ hội Vượt Qua (Gs 5,10)

* Địa điểm: là Gilgan ở bờ tây sông Giođan, có lẽ nằm hướng bắc – đông – bắc gần Giêricô. Như vậy là đân đã đặt chân vào Đất Hứa (x. Gs 4,19). Về mặt từ nguyên, có lối giải thích cho rằng từ “Gilgal” này phát xuất từ gốc động từ “GLL” = “cất khỏi” nhắc lại sự hoàn tất Chúa làm cho dân được gói gọn trong Gs 5,9 (câu 5,9b không đọc trong phụng vụ) (Lm. Nguyễn Thế Thuấn DCCT “Kinh Thánh” 444). Nơi dân mừng lễ Vượt Qua đầu tiên trong Đất Hứa.

*Thời điểm: ngày 14 tháng 1 (Gs 5,10 so với 4,19). 

Dân vào Đất Hứa đúng dịp Lễ Vượt Qua: cuộc sống mới, được bắt đầu bằng một lễ hội kính nhớ ngày Yavê can thiệp mạnh giựt họ khỏi tay Pharaô. Những gì mà cha ông họ chỉ mới nếm cảm, mừng trước tại Ai Cập (x. Xh 12,1-28), nay trở thành một thực tại, dấu chỉ hoan lạc mở đầu cho cái “hôm nay” của ơn cứu độ. Thiên Chúa vừa mới hân hoan công bố cái “hôm nay” thì lập tức dân bước vào lễ hội: niềm vui của Thiên Chúa và của con người ăn khớp nhau, quyện lẫn vào nhau. 

Suốt 40 năm lưu lạc trong hoang địa, dân đã không cử hành đại lễ này, vì bất trung bất xứng, ở trong tình trạng vi phạm giao ước (x. Xh 12,43-45.48 và CGKPV “các sách Lịch sử” trang 36 nốt “r”).

Hành trình sa mạc của tuyển dân được đóng khung giữa hai lễ Vượt Qua: một ở Ai Cập và một ngay lúc bước chân lên Đất Hứa. Cả hai lần dân đều ở trong tình trạng bất xứng, đáng phải chết. Tất cả đếu nhằm làm nổi bật lên tình yêu nhưng không của Thiên Chúa đối với dân. Nhờ vậy dân mới có dịp hoán cải, thay đổi cuộc đời: lễ Vượt Qua ở Ai Cập đánh dấu ngày từ bỏ kiếp nô lệ; lễ tại Canaan mở đầu kỷ nguyên an cư lạc nghiệp trong tư cách là dân riêng, dân tư tế của Thiên Chúa.

3/ Kỷ Nguyên mới (Gs 5,11-12)

*Thời điểm khai mạc: “Hôm sau lễ Vượt Qua”

Người Do Thái vào thời Giosuê, lúc đặt chân vào Đất Hứa tại vùng Gilgal, mặc dù họ chưa cắt bì, chưa mừng lễ Vượt Qua, nhưng Thiên Chúa trung tín đã hoàn tất nơi họ lời đã hứa với Abram:

Họ đã trở thành một dòng dõi đông đúc; Họ đã được Chúa chúc phúc, được ban Lề Luật, rồi thanh luyện họ khỏi mọi tì vết ô nhục, nô lệ 400 năm bên Ai Cập (tất cả những ai sinh ra trong nô lệ tủi nhục Ai Cập đều chết hết trong sa mạc, trừ Caleb và Giôsuê); Rồi đám đông đã được tôi luyện ấy mới vượt sông Giođan vào Đất Hứa tại Gilgal. Họ đã được Chúa gọi là “Dân Ta”, thế nhưng trong thực tế họ vẫn chưa đủ điều kiện để là “Dân Chúa” đúng nghĩa, thực thụ. Vì tại Gilgal, Chúa nhắc Giôsuê rằng người Do Thái đang ở trong tình trạng “bị khai trừ khỏi dòng họ của Abraham vì chưa chịu cắt bì” (x. St 17,14). Chúa lại phải can thiệp để thức tỉnh họ (x. Gs 5,2).

Vậy về phần của Chúa, con đường dẫn đến kỷ nguyên mới đã được Chúa rộng mở ra. Nhưng phần con người, điều kiện theo Giao Ước, để được bước vào kỷ nguyên mới chưa được đáp trả đúng mức. Chỉ sau khi con người khắc phục được các khiếm khuyết, họ mới thực thụ khai mạc, bước vào giai đoạn mới.

*Dấu chỉ, đặc điểm của kỷ nguyên mới (Gs 5,12): dân bắt đầu dùng thổ sản trong xứ là bánh không men và hạt lúa rang; và Israel không còn có manna nữa.

Manna là lương thực của thời lữ hành vượt sa mạc. Manna thôi rơi ám chỉ thời lang bạt, bao cấp chấm dứt. Tình trạng vô gia cư đã là chuyện quá khứ. Một giai đoạn mới khởi sự. Từ nay Israel thực sự là chủ vùng đất mà mình đang đặt chân tới.

Hai thổ sản – bánh không men và hạt lúa rang – được đề cập đến ở đây gợi lại “lễ bánh không men” kèm theo luật phải dâng sản phẩm đầu mùa cho Yavê (x. Lv 23,5-14; 2,14). Sách Giôsuê được soạn sau năm 621, thời cải cách tôn giáo, nên lễ Vượt Qua và lễ bánh không men được tháp nhập vào nhau và cử hành trong một tuần. 

Việc ăn bánh không men, bỏ men cũ ra khỏi nhà, vừa nói lên lòng biết ơn đối với Thiên Chúa đã cho mùa màng tốt tươi; vừa nói lên sự canh tân đổi mới, khởi đầu trở lại. Ở đây có nghĩa là không còn dính bén chút nào với men nô lệ Ai CẬp và men tội lỗi nữa.

*Kỷ nguyên mới, chiến đấu mới

Cuộc sống mới đã bắt đầu! Giờ đây không còn sống buông xuôi, cam phận, chờ diệt vong như thời kỳ nô lệ Ai Cập; không sống thụ động chờ Manna với tâm trạng chán chường, vô ơn, muốn nổi loạn (x. Ds 21,5), như thời kỳ lữ hành sa mạc. Nhưng giờ đây là giai đoạn CHIẾN ĐẤU trong tư cách là một con người tự do, là thần dân, dân riêng, dân thánh, dân tư tế của Thiên Chúa. Giờ đây dân phải vận dụng tất cả mọi hồng ân đó để đảm nhận lấy vận mạng của mình trong giai đoạn mới của dòng lịch sử cứu độ. Phải sống tinh thần mới, sống như một người chủ đích thực. Phải nỗ lực kiến tạo đất nước Chúa sắp trao ban thành vương quốc của Chúa ngay tại thế, thành nơi vĩnh cư phúc lộc cho dân, chuẩn bị đón tiếp Ngôi Lời nhập thể.

Bất chấp những chống đối nghịch thù đến từ bên ngoài; bất chấp những bất tín, bất toàn, bất trung, kể cả vô ơn, bội phản của dân, Thiên Chúa vẫn hoàn tất ơn cứu độ, ban cho dân được hưởng trọn niềm vui của con dân tự do của Chúa. Tuy nhiên cái niềm vui vỡ òa của cộc sống mới, của lễ hội Vượt Qua chỉ mới là thời điểm khai mạc. Con người phải chiến đấu, kết hiệp với Thiên Chúa để đạt tới Niềm Vui vĩnh cửu là thân phận làm con và đi tới Trời Đất Mới mà Người Con Một của Thiên Chúa là Đức Giêsu mang lại.

TIN MỪNG: LC 15,1-3.11-32

Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đang trên con đường tiến về Giêrusalem (9,51 – 19,27). Khối văn chương này được đóng khung bởi yếu tố bao hàm “lên Giêrusalem” (9,51 và 19,28) và lập lại hai lần nữa dưới dạng “trên đường lên Giêrusalem” (13,22 và 17,11). Dựa vào các cột mốc “lên Giêrusalem” đó, đoạn văn lớn này có thể chia làm 3 phần: 9,51 – 13,21; 13,22 – 17,10; 17,11 – 19,27. Tin Mừng hôm nay thuộc phần thứ hai.

Hơn phân nửa số dụ ngôn trong Luca được gôm lại ở đây. Luca 15 gồm ba dụ ngôn nói về lòng nhân hậu, xót thương của Thiên Chúa đối với tội nhân. Tình yêu ra đi tìm kiếm, Tình yêu nhẫn nại đợi chờ, và Tình yêu ấy bùng nổ thành niềm vui vỡ lở khi tìm lại được điều tưởng chừng như đã mất (Lc 15,6.9.24.32). Chủ đề sám hối cũng được nói thoáng qua (15,7.10) nhưng chỉ như là ý phụ. Nét chính là NIỀM VUI. Trước tiên là niềm vui của Cha; Rồi đó là một niềm vui cộng đoàn, một niềm vui phải được chia sẻ. Tất cả đều vui, niềm vui SUM HỌP. 

Tin Mừng hôm nay không sử dụng hai dụ ngôn đầu mà chủ đề chính là hướng về thống hối, chủ đề phụ. Trong dụ ngôn thứ ba được trích đọc hôm nay, đứa con hoang đàng dù buộc phải quay về nhưng không hề có tâm tình sám hối. Chủ đề là niềm vui của Cha và lời mời mọi người cùng vui với Cha.

Trong tâm tình Mùa Chay năm C, chủ đề CHIẾN ĐẤU cũng ẩn tàng trong Tin Mừng hôm nay: hai người con, trưởng lẫn thứ, đều phải chiến đấu với khuynh hướng “chỉ biết nghĩ tới mình”, tới quan điểm qui về mình để vượt thắng sai lạc của bản thân mang nặng tính pháp lý, sòng phẳng: đòi chia gia tài, phán đoán theo kết quả việc làm được trước mắt đề rồi coi thường nhau, đánh giá nhau dựa trên chuẩn mực bề ngoài đó. Rốt cuộc cả hai anh em đều tự coi mình là NÔ LỆ, LÀM THUÊ, mất tất cả. 

Niềm vui mà Lời Chúa hôm nay mời chúng ta thông hiệp là NIỀM VUI CỦA CHA, nhận ra tình Cha, niềm vui của anh em đón nhận nhau, niềm vui sum họp.

I/ DẪN NHẬP: bối cảnh của dụ ngôn (Lc 15,1-3)

*Sự kiện: Đức Giêsu thường giao du với phường tội lỗi, Người đón nhận tất cả người thu thuế, tội nhân lui tới với Người. Ho đến chỉ mới “để nghe Người giảng dạy”.

Thấy vậy các biệt phái và kinh sư xầm xì trách Đức Giêsu đã giao du với phường tội lỗi. Đức Giêsu giải thích cho họ bằng ba dụ ngôn. Bài đọc Tin Mừng hôm nay chỉ trích đọc dụ ngôn thứ ba.

*Ý nghĩa ba dụ ngôn: chủ đề chính của cả ba dụ ngôn được Đức Giêsu nhắm tới là NIỀM VUI. Niềm vui được chia sẻ cho tất cả mọi người, không loại trừ ai: tất cả đều được mời CHUNG VUI (15,6.9.23-24.32). Hai dụ ngôn đầu có nói tới “sám hối” (15,7b.10b) nhưng không là ý chính. Còn dụ ngôn ba không nói gì về sám hối. Bởi vì Đức Giêsu kể ra ba dụ ngôn là để giải thích tại sao Người thường tiếp xúc với các tội nhân. Vậy ba dụ ngôn này chủ yếu là nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa, là NIỀM VUI của chính Thiên Chúa khi tìm lại được điều quý giá đã bị lạc mất.

Niềm vui đó không phải là niềm vui ích kỷ của cá nhân vì các mục tiêu cá nhân được thỏa mãn: được chia gia tài, được an ổn, làm ăn có kết quả… Đó là niềm vui được Cha chia sẻ, niềm vui cộng đoàn, niềm vui CHUNG với Cha, niềm vui cuối cùng là Ý Cha thể hiện.

*Từ đó cần lưu ý hai điểm khi đọc dụ ngôn này:

– Luca không hề nói tới việc sám hối của tội nhân. Từ chỗ tội nhân đến với Đức Giêsu “để nghe Người” cho đến thái độ nội tâm “thật lòng ăn năn sám hối còn cả một quãng đường dài mà tội nhân phải chiến đâu cam go, cần được nâng đỡ, cảm thông, khích lệ, thúc đẩy, nâng đỡ”. Như trường hợp vua Hêrôđê: ông này rất thích nghe Gioan, nhưng ông đâu có sám hối (Mc 6,20).

– Ở đây, Luca cũng không chê bai, chỉ trích thái độ của nhóm biệt phái, kinh sư; Vì bài dụ ngôn cũng nhắm tới biệt phái, mong họ vào dự tiệc chung vui qua hình ảnh Cha ra mời người con cả.

II/ DỤ NGÔN “TÌNH CHA” (Lc 15,11-32)

Các tình tiết của dụ ngôn xoay quanh ba nhân vật: cha và hai cậu con. Nhân vật chính là người cha: tình yêu và cách ứng xử rất bất ngờ của ông đối với hai con tạo nên cấu trúc của dụ ngôn.

1/ Cha và con thứ (15,11-24):

1.1/ ĐỨA CON THỨ

*Con thứ xin chia gia tài và cha đã chia cho CẢ HAI CON (câu 11-12): theo Đnl 21,17, con trưởng được hưởng hai phần tức gấp đôi các em khi được chia gia tài. Có thể chia gia tài cho con trai theo hai cách: bằng chúc thư hoặc chia ngay lúc người cha còn đang khỏe (x. Tb 8,21). Thường thì người ta chỉ chia gia tài lúc sắp chết. Nếu muốn, người cha có thể chia gia tài lúc còn khỏe, nhưng đó là tự ý cha chứ các con không có quyền đòi hỏi.

Hc 33,20-24 khuyên đừng bao giờ chia gia tài khi cha còn khỏe.

Như vậy “người cha” trong Lc 15 dường như thiếu khôn ngoan. Nhưng đó mới là nét nổi bật mà Luca muốn trình bày: tình yêu và cách ứng xử của Thiên Chúa là như thế đó. Thật vậy, Thiên Chúa khi dựng nên nhân loại là muốn tặng ban tất cả những gì Chúa có cho con người: con người là “hình ảnh của Thiên Chúa”, “tất cả những gì của Cha đều là của con”; “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16); Thiên Chúa cũng ban luôn Thần Khí cho chúng ta để chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là “Abba”! “Cha ơi”! (Rm 8,15). Như vậy, tất cả những gì Cha có, Cha đã ban tặng tất cả cho nhân loại. Vấn đề còn lại là về phía con người: phải chiến đấu để đón nhận và làm cho mọi hồng ân Cha đã ban được sinh hoa trái dồi dào theo ý Chúa.

*Sự bội bạc, đoạn tình và phung phá của đứa con thứ (15,13)

“Ít ngày sau, hắn thu gom tất cả, trẩy đi phương xa… phung phí tài sản của mình”. Chỉ trong câu 13, Luca đã mô tả sự bội bạc, dứt tình đoạn nghĩa của đứa con. Thật vậy,

Vừa có tiền trong tay là hắn đã vội vã, chỉ trong ít ngày thôi, gom mọi tài sản phần của hắn rồi bỏ nhà đi ngay tức khắc không một chút lưu luyến cha.

Hắn thu gom tất cả nghĩa là không để lại nhà cha một chút gì của hắn. Không còn lại chút dấu vết gì của hắn ở nhà cha. Chi tiết này dọn đường làm nổi bật tình cha ở câu 22: hắn vừa ôm hết ra đi thì cha đã may sắm lại tất cả những gì cần thiết để chờ hắn trở về là có ngay đồ để phục hồi ngay tức khắc quyền làm con cho hắn. tình yêu của Chúa luôn đi bước trước bất chấp sự bội bạc của con người.

Sự bội bạc, dứt tình của hắn còn lộ ra rõ hơn khi hắn đã rơi vào tình cảnh túng thiếu (câu 15): hắn vẫn không hề nghĩ tới cha, mà chỉ lo tìm cách đối phó, sống lây lất sao cũng được kể cả phải bán luôn phẩm giá của mình đi chăn heo, miễn là khỏi về nhà cha. Cho tới giây phút này, hắn hoàn toàn loại cha ra khỏi cuộc sống, tâm trí của hắn.

*Hậu quả (15,14-15) 

Lâm vào cảnh ngặt nghèo vì cả vùng gặp nạn đói. Trước cảnh khốn cùng như thế, hắn vẫn giữ ý định không về nhà cha: thà chấp nhận đi chăn heo còn hơn là về nhà cha, với ước muốn được ăn như heo ăn (15,16a). Thế nhưng “người ta cũng không cho” (15,16b).

Anh ta đã rơi đến tận cùng của ô nhục, cùng khốn. Chỉ còn chờ chết với số phận còn thua một con heo. Đối người Do Thái, heo là vật ô uế (Lv 11,17; Đnl 14,8), phải tránh xa, thế mà hắn lại chấp nhận đi chăn heo. Căn nguyên của mọi bất hạnh, ô nhục cùng cực là vì không muốn về nhà cha.

Tuy nhiên cái chết đói đã dồn hắn vào bước đường cùng. Chỉ còn một con đường sống là về lại nhà cha. Nhưng một chi tiết nữa cho thấy sự bội bạc, đoạn tình của tên này: hắn quay về không vì sám hối, nhưng quay về với một toan tính bất hiếu, đoạn tình đoạn nghĩa với cha.

*Toan tính trước khi trở về(15,17-20a)

 Đọc Lc 15,17-20a, chúng ta phải nhận định rằng anh này không hề có tâm tình sám hối. Hắn không hề nghĩ đến cha như là một đứa con. Hắn phải trở về để khỏi phải chết đói giữa bầy heo béo mập của ông chủ dân ngoại. Con người nội tâm tệ hại của hắn không chút thay đổi so với lúc bỏ nhà ra đi (và không chừng còn là tệ hơn nữa): “cha” đối với hắn chỉ là công cụ để hắn thực hiện khát vọng, mưu đồ của hắn thôi: trước kia hắn đòi quyền lợi, giờ chẳng còn quyền gì để đòi, hắn đành muối mặt dựng nên vở kịch sám hối để đánh động tình cảm của “ông già” may ra tìm được cái gì để nhét cho đầy bụng.

Khi xin cha coi hắn như “người làm công” (hàm nghĩa hắn không muốn ở lại trong nhà cha, mà chỉ đến làm thuê độ nhật, làm hết giờ thì rời nhà chủ), hắn đã lấy lòng dạ bất lương, hẹp hòi của mình để đo lường tình cha nhân từ, quảng đại, thì làm sao hắn có được lòng sám hối chân thật? Bản chất hắn vốn đã là ích kỷ, vô ơn; Thời gian sa đọa chắc chắn làm cho những nét xấu ấy lớn thêm vì bị bao bọc chung quanh, được nịnh hót bởi đám bạn vô luân, đàng điếm. Do đó các tâm tình thanh khiết, sám hối… khó lòng có được nơi hắn.

Bản văn Luca không lý tưởng hóa tội nhân. Chân dung của cậu con thứ được Đức Giêsu vạch ra hoàn toàn phù hợp với lòng mong đợi của người biệt phái: hắn thật tồi tệ, đáng tội, không đáng được tha thứ tí nào cả. Do đó khi muốn sửa chữa dung mạo đàng điếm, trơ trẽn của hắn thành ra mẫu gương của một tội nhân thật lòng sám hối là ta đã đánh mất đi ý nghĩa đích thực của bài dụ ngôn. Bởi vì từ lâu rồi trong Israel, người ta biết rõ là Thiên Chúa thích tha thứ cho những kẻ tội lỗi biết sám hối ăn năn (chuyện sách Giôna). Nếu đứa con thật lòng trở về thì nhóm biệt phái lấy cớ gì để gây sự với Đức Giêsu? (x. Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật C, trang 234).

Vậy cậu con thứ không hề có tâm tình sám hối! Trái lại lời “xin cha nhận cho LÀM THUÊ” là lời bất hiếu, đoạn tình đoạn nghĩa còn hơn là tội bỏ nhà ra đi, phung phá hết tiền của. Vì tội này hạ phẩm giá người cha xuống ngang bằng với tâm tình đốn mạt của thằng con bất hiếu. Tội này hủy diệt tình cha đấn tận căn. May thay tình cha vĩnh tồn; cha vẫn nhận hắn là con vì chưa bao giờ (kể cả thời gian hắn bỏ nhà ra đi) cha có ý nghĩ coi hắn là tôi tớ. Trong lòng cha, hắn mãi là con. Tình cha là thế đó.

1.2 TÌNH CHA ĐỐI VỚI CON THỨ

Đọc kỹ Lc 15,20b-24 ta mới thấy tình cha lớn lao là dường nào: ông khắc khoải chờ con quay về và chuẩn bị sẵn mọi thứ cần thiết để ngay khi cậu con vừa quay về là có thể hồi phục ngay tức khắc quyền làm con của hắn và mở tiệc mừng.

Các chi tiết trong đoạn văn trên cho thấy tình cha trước sau vẫn như một: yêu con da diết, ngày ngày ra đầu ngõ ngóng chờ con. Hình ảnh con ghi tâm khắc cốt trong cha, cho dù hắn thay đổi cỡ nào đi nữa cha cũng nhận ra tức khắc, ngay từ xa. Và cha đã có những hành động ngoại lệ: chạy vội ra (x. CGKPV “Tân Ước” trang 334 nốt “y”), “ôm chầm lấy cổ con” “hôn lấy hôn để” … để nói lên tình yêu của cha đối với đứa con bất hiếu. 

“Ôm hôn” là dấu chỉ tha thứ tất cả (x. 2Sm 14,33). Cha “ôm hôn” ngay trước khi cậu con mở lời đóng kịch sám hối, thú tội.

Vẫn chưa nhận ra tình cha, cậu con tiếp tục theo đuổi ý định hạ sách của mình. Luca cắt đi phần ý chót thật tuyệt: dù hai ý đầu vẫn là toan tính, nhưng khi anh muốn gán cho cha cái toan tính đê hèn của mình, muốn cha đối xử với mình như tôi tớ thì Luca ngăn lại. Tình cha là ở đây: cha không thể coi anh ta là tôi tớ, cha phải hồi phục quyền làm con cho anh ta. Ở đây ta thấy con thứ lẫn con cả đều có cái nhìn như nhau về thưởng phạt, tội phúc khác hẳn cha mình: cả hai dù có công hay có tội đều muốn làm tôi tớ (cc. 19b.29b). Trong khi đó cha chỉ muốn họ là con bất chấp hạnh kiểm. Cần cha giúp đỡ để hồi phục.

“Áo đẹp nhất”: áo mặc dịp đại lễ; “nhẫn” chỉ quyền bính (x. St 41,42; Et 3,10; 8,2) “Dép”: nô lệ không được mang dép, chỉ có người tự do mới mang. Những điều cha truyền làm cho đứa con hư mất mới trở về là dấu chỉ cha trả lại cho anh quyền làm người tự do và làm con đã bị mất đi trước đó.

Niềm vui của cha được chia sẻ. Hồi phục quyền con không chỉ là chuyện riêng tư giữa cha và con. Cha muốn mọi người phải biết rằng thằng chăn heo xơ xác trước mắt đây là con của cha và cha muốn mọi người phải hân hoan nhìn nhận điều đó.

Cha muốn mọi người phải chung vui với cha vì cha đã gặp lại con thế thôi! Đó là ý nghĩa thâm sâu của dụ ngôn.

2/ CHA VÀ CON TRƯỞNG (Lc 15, 25 -32)

2.1/ ĐỨA CON TRƯỞNG

Bản văn Luca cho thấy nhiều nét bất ngờ về dung mạo người con trưởng:

Cách mô tả của Luca cho thấy người con cả chỉ chăm chú, cặm cụi làm việc, cố giữ sao cho đúng bổn phận chứ không hề biết đến niềm vui: chưa hề có một bữa tiệc nhỏ chung vui với bạn bè: câu 29b; nghe tiếng nhạc vui anh khựng lại: không ai ra báo tin cho anh ta: chỉ khi làm việc hết giờ anh mới ra về và … biết chuyện như Luca kể….

Khi gọi tôi tớ ra để hỏi thay vì vào nhà như người chủ để xem xét sự việc, người con trưởng đã đặt mình vào vị thế của một người xa lạ, “kẻ đứng bên ngoài” để dò xét. Và chính trong tư thế “kẻ xa lạ” ấy mà anh đã nổi giận.

Anh ta giận ai? Rõ ràng là giận cha (x. cc. 29-30). Giận cách cư xử của cha mà theo anh là không công bằng. Đối với anh, thằng em coi như không còn: “thằng con của ông”. Người cha này thật bất hạnh: cả hai con đều có cái nhìn lệch lạc về ông, cái nhìn ấy làm họ mất phẩm giá, hạ mình xuống hàng tôi tớ. Con trưởng cũng cần phải hồi phục.

2.2/ TÌNH CHA ĐỐI VỚI CON TRƯỞNG

Người con trưởng tự cho mình là đứa con ngoan. Tiêu chuẩn anh đưa ra dựa vào những gì anh làm được “chẳng bao giờ làm trái lệch Cha”. Đó dĩ nhiên là điều tốt; Nhưng đã trở thành cạm bẫy chết người cho anh: 

– Anh coi đó là “công nghiệp”, đòi cha phải “biết ơn” anh; trách cha, loại trừ em, sống xa lạ với mọi thành viên trong gia đình. Đối với anh chỉ có công việc phải làm, con người chỉ còn là “cỗ máy”.

– và cái nguy lớn nhất là đánh mất tình cha – con, gia đình để rồi tự hạ phẩm giá mình như một nô lệ.

Anh làm việc cật lực nhưng như một tên khổ sai. Nếu mọi sự diễn ra bình thường êm xuôi; không thấy nơi anh có gì đáng trách, nhưng khi có sự cố cần bộc lộ con người, anh hiện nguyên hình là một nô lệ.

Cần cha can thiệp để cứu anh! Anh không thể tự cứu! Anh phải chiến đấu để đến đón nhận tình cha. Phải chiến đấu với sự trợ lực của cha để “lọc bỏ đi máu nô lệ” thay vào bằng dòng “máu của Đức Giêsu”.

*“Năn nỉ”: tình cha đối với con cả đâu thua gì so với con thứ. Ông cũng bỏ qua mọi sai trái của nó, chỉ cố gắng làm cho nó tỉnh ngộ nhận ra cái gì chính cái gì phụ.

Con luôn ở với cha: đó mới là phần ân thưởng chính, lớn nhất. Đây là một bài học mà dụ ngôn muốn gởi tới “những người anh cả”

Con dê, con bê béo đáng là gì so với hạnh phúc được luôn ở với cha như một đứa con ngoan. Cha muốn cả hai đều được hưởng tình yêu ấy và sống tốt tình huynh đệ với nhau. Trong đời sống cộng đoàn, con người thường ganh tỵ nhau vì những chi tiết nhỏ nhặt để rồi không được hưởng hạnh phúc làm con Chúa, làm anh em với nhau, được cùng nhau ở bên Chúa.

*Phản ứng của con cả cho thấy trước giờ anh sống trong nhà cha như một tôi tớ: “tôi làm tôi cho ông”. Điều mà con thứ định thốt ra và được cha chặn lại thì giờ đây lại xuất ra từ người con cả. Thật đau xót: cái nhìn nhân từ của cha đã biến đứa con đáng tội, đang sống như nô lệ trở nên một đứa con xứng địa vị làm con; còn cái nhìn so đo, vụ luật, hạn hẹp đã biến đứa con, lẽ ra là rất ngoan, đáng biểu dương trở thành một người tôi tớ, làm tôi cho chủ chứ không là con nữa.

Cái nhìn ganh tỵ, đánh giá theo việc làm đã cắt đứt tình huynh đệ: “thằng con của ông” chứ không là “em của con” nữa. Và khi cắt tình huynh đệ, người con cả tự đặt mình vào vị trí kẻ tôi đòi xa lạ. Cần tình cha hồi phục.

*Hồi phục tương quan cha – con, huynh đệ, mời thay đổi não trạng: đừng so bì, kể công như một tôi tớ nữa. Cha mời con cả mặc lấy tâm tình của Cha, đi vào nhãn giới của cha: cha nhấn mạnh lý do của niềm vui là CHA ĐÃ TÌM LẠI ĐƯỢC ĐỨA CON TƯỞNG CHỪNG ĐÃ MẤT chứ không phải bất kỳ một lý do nào khác. Ở dụ ngôn, nét hoán cải ở các câu 7.10 hoàn toàn bị loại bỏ. Điều dụ ngôn nhấn mạnh là niềm vui của cha vì con đang ở trong nhà thế thôi! 

Và dụ ngôn bỏ ngỏ không kết thúc: không thấy nói sau bữa tiệc, cậu con thứ có sám hối không? Cậu cả có vào dự tiệc vui không? Điều quan trọng: cùng vui với cha. Cả hai con đều được cha hồi phục.

3.Sứ Điệp

Chủ ý dụ ngôn là nêu bật tình cha. Cả hai con đều hư hỏng, đều sống như nô lệ, mỗi đứa mỗi kiểu. Cả hai đều bất hiếu chối từ tình cha. Nhưng cha đã quảng đại, nhân hậu thứ tha và hồi phục.

Dụ ngôn cũng làm nổi bật NIỀM VUI của cha khi gặp lại được đứa con và cha muốn lan tỏa niềm vui ấy cho hết mọi người trong nhà.

Vì không nhằm giải quyết hết mọi vấn đề như sám hối, tha thứ cho nhau chẳng hạn… nên dụ ngôn không đề cập đến thái độ chung cuộc của hai người con. Điểm chính là tình cha, niềm vui của cha, chia sẻ niềm vui. Và niềm vui ấy chỉ trọn vẹn khi:

  • Con thứ thật lòng sám hối, đổi đời.

  • Con cả chịu bước vào nhà, chịu tha thứ đón nhận em.

Một đảo ngược vị trí làm chúng ta phải suy nghĩ: đứa con thứ hư đốn, đáng bị đuổi ra ngoài thì lại được vào nhà ngồi dự tiệc vui; còn con cả đang ở trong nhà lại vị chặn đứng ở ngoài cửa với tâm tình tức tối, giận dữ.

Dụ ngôn không kết thúc. Thái độ sống cụ thể của mỗi người chúng ta sẽ là lời kết cho dụ ngôn. Mong sao lời kết đó góp phần cho niềm vui được trọn vẹn. Đó là sứ điệp Đức Giêsu nhắn nhủ và mong đợi nơi chúng ta.

Frère Pierre Đình Long FSC