CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

“Nếu tôi không thấy…không xỏ ngón tay…bàn tay…tôi chẳng có tin”…Đức Giêsu bảo “phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20, 25.29).

Chúa đã sống lại rồi! Hallêluia! Niềm vui trào vọt lên trước một biến cố vượt quá sức tưởng tượng của loài người, để rồi trở thành cội nguồn, lẽ sống của Hội Thánh. Đó là tiếng reo vui trào vọt, vỡ bờ của Hội Thánh. Tuy nhiện đó là ĐÁP SỐ. Điều quan trọng là khám phá ra lại lộ trình mà Hội Thánh đã trải qua để đi tới đáp số đó. Vì niềm vui phục sinh không phải là của riêng cho vài nhóm người hay vài cá nhân thời các tông đồ. Niềm vui đó là điều mà Chúa muốn ban cho toàn thể nhân loại mọi thời mọi nơi. “Vụ mùa” đã khởi sự; Đức Giêsu là bó lúa đầu mùa được Cha đem về trong cung lòng Ba Ngôi (x.1Cr 15,23). Từ nay, trong nhân loại đã có được một con người “giống chúng ta mọi đàng trừ tội lỗi” đã được nâng lên ngang hàng với Thiên Chúa: Hội Thánh tuyên xưng Đấng Phục Sinh là ĐỨC CHÚA (Giavê) và đó là cách trọn hảo tôn vinh Thiên Chúa Cha (x.Pl 2,6-11).

Để đạt tới được đức tin đích thực về phục sinh của Đức Giêsu, Hội Thánh phải chiến đấu cam go vượt qua những chặng đường mà nếu chỉ với sức phàm nhân thì không sao lướt thắng được. Cần Thiên Chúa can thiệp, đi bước trước, vực dậy niềm tin, hi vọng đang suy sụp của con người: Chúa lăn tảng đá lấp mồ qua một bên, Đấng Phục Sinh hiện ra, cùng đồng hành, cùng ăn, trò chuyện, trao ban ân sủng…cho đoàn môn đệ. Nhưng đó chỉ là những bước khởi đầu. Và các đoạn văn nói về vấn đề phục sinh cho thấy rằng dường như các môn đệ vẫn như cũ, vẫn bị tê liệt bất động dù đã được hưởng những dấu chỉ, đặc ân thể lý trên. Như thế, các bản văn Tin Mừng về phục sinh muốn gởi đến chúng ta hôm nay sứ điệp gì? Chúng ta suy niệm vài nét trong Tin Mừng Gioan.

Trong trình thuật NGÔI MỘ TRỐNG và HIỆN RA CHO MACĐALA.

  • Chúa đã lăn tảng đá lấp cửa mộ ra một bên (20,1b), Chúa đã ra khỏi mồ; Thế nhưng chúng ta vẫn còn “nhốt” Chúa trong nấm mồ chật hẹp đó. Chúa đã phục sinh, Chúa ở khắp mọi nơi. Vậy mà chúng ta vẫn mê muội tìm “Người Sống ở giữa kẻ chết” (x.Lc 24,5). Vì thế chúng ta chỉ thấy NGÔI MỘ TRỐNG.

“Tảng đá” thất vọng, sợ hãi, nghi ngờ, thành kiến hẹp hòi, cứng tin vẫn còn che lấp “cửa mồ” tâm hồn chúng ta. Do đó những gì Tình yêu Thiên Chúa đang thực hiện cho chúng ta đã bị cái nhìn chủ quan, cảm tính nhân loại, lệch lạc của chúng ta suy diễn méo mó, đi xa sự thật: “người ta đã lấy mất xác Chúa rồi” (x.Ga 20,2).

  • Cần phải thay đổi não trạng, đổi mới mối tương quan: Đức Giêsu phục sinh không phải chỉ là xác sống lại, tồn tại thêm vài năm rồi cũng lại chết như Ladarô; Nhưng nay Người HẰNG SỐNG, thống trị Tử Thần và Âm Phủ (x.Kh 1,18); Từ nay Người được tôn vinh là ĐỨC CHÚA ngang hàng với Thiên Chúa Giavê đến độ chỉ nghe tên Giêsu là toàn thể vũ trụ phải bái thờ (x.Pl 2,6-11).

Thế nhưng trong tâm tưởng chúng ta Người vẫn chỉ là một phàm nhân, lại là một phàm nhân đã chết…và nếu vậy thì làm sao chúng ta nhận ra được Người khi Người đến với chúng ta trong tư cách là Đấng HẰNG SỐNG, khuất phục Tử Thần và là còn là Thiên Chúa nữa? Thật vậy Macđala đứng ngay trước mặt Đấng Phục Sinh, đối thoại với Người mà vẫn cứ nhận lầm Người là “người làm vườn” và nghi ngờ “đòi nợ” Người: đòi một xác chết (x.Ga20,15).

ĐẤNG PHỤC SINH và CÁC MÔN ĐỆ

Trong Ga 20,1-9, ta đã biết có hai môn đệ là Phêrô và “người được Chúa yêu” ra thấy Ngôi Mộ Trống và ít ra là một người đã tin. Hai ông này nơi Nhóm môn đệ tụ họp, có thuật lại cho Nhóm cảm nhận của mình không? Chỉ thấy cả Nhóm vẫn tê liệt trong nỗi sợ, trốn trong nhà, cửa đóng kín (x.Ga 20,19).

Cửa mồ thì đã mở ra, thế nhưng cửa nhà, cửa tấm lòng của Nhóm môn đệ thì vẫn đóng kín. Niềm tin của cá nhân “người môn đệ Chúa yêu” còn quá mơ hồ không thông chia gì được cho Nhóm. Nhóm chỉ còn là những cá nhân riêng lẽ ở bên cạnh nhau không có sợi dây, chất keo liên kết. Có nguy cơ tan rã, bỏ cuộc về quê (x.Lc 24,13.21; Ga 21,1-3: chỉ còn bảy vị). Cần phải có can thiệp mạnh của Thiên Chúa để lăn “tảng đá” khép kín tâm hồn họ qua một bên.

  • Tin Mừng Chúa Nhật II ABC Mùa Phục Sinh mở đầu với một hình ảnh thê lương: các môn đệ đang tự đào cho mình nấm mồ và tự nhốt mình trong đó: “cửa đóng kín vì sợ người Do Thái”. “Tảng đá” lấp mồ, sợ hãi, thất vọng trong tâm hồn họ, chưa lăn ra được. Đấng Phục Sinh phải đến giúp mở ra. Tin nhận mầu nhiệm phục sinh luôn là một ơn huệ đến từ Thiên Chúa; Đó không bao giờ là sản phẩm của trí tưởng tượng, của mơ ước phàm nhân. Do đó nếu chỉ đi tìm những bằng chứng để thỏa mãn các đòi hỏi của lý trí, con tim nhân loại thì chúng ta không thể nào đi tới đức tin được. Việc đòi “nhốt” dự tính Thiên Chúa trong cái đầu nhỏ xíu của nhân loại luôn là một “tảng đá” cầm giữ chúng ta trong ngôi mồ vĩ đại là trái đất này (Thật vậy bao thế hệ nhân loại đều chôn vùi trong lòng trái đất này).

  • Đấng Phục Sinh phải đến tận “ngôi mồ” vì sợ người Do Thái của các ông, vào tận bên trong “ngôi mộ” của các ông để TỪ BÊN TRONG, lăn đi  “tảng đá lấp mồ” ra khỏi tâm hồn các ông.

Việc đầu tiên là giải thoát các ông khỏi nỗi sợ đang làm các ông tê liệt: “bình an cho anh em”. Trong đoạn ngắn Tin Mừng này lời “bình an cho anh em” được lặp lại ba lần (câu 19b.21.26c). Vì một khi nội tâm còn hoảng loạn thì mọi dấu chỉ đều bị nhìn một cách lệch lạc: xác Thầy bị trộm; thấy Thầy thành người làm vườn; là ma; là người đồng hành không cập nhật tin tức thời sự…

  • Tiếp đó, Đấng Phục Sinh lần lượt cho ra những dấu chỉ:

  • Trước tiên là dấu chỉ thể lý: cho xem tay và cạnh sườn (20,20a). Dấu chỉ đó chỉ mới lay động được chút tình cảm cá nhân “vui mừng vì được THẤY Chúa” (20,20b), chưa tác động được tới ĐỨC TIN.

  • Đấng Phục Sinh lại ban bình an lần hai rồi tiếp đó là mời các ông trở nên cộng tác viên của Người trong chương trình cứu độ của Cha (20,21b); Tiếp xúc thân tình, linh thánh hơn: Người “thổi hơi” ban Thánh Thần. Hành động gợi St 2,7, biến các ông thành con người mới, thọ tạo mới; Rồi trao cho các ông quyền hành, gợi St 2,19 để các ông hành động hiệu quả hầu hoàn tất sứ mạng Chúa trao.

Thế nhưng các dấu chỉ cụ thể như thế vẫn chưa đưa các ông đến được với đức tin mà Chúa muốn: các ông vẫn còn ở lì trong “sợ hãi”, khép mình trong căn nhà cửa đóng kín nên chứng từ các ông không thuyết phục được Tôma. Tôma đòi kiểm chứng thực nghiệm. Đấng Phục Sinh lại phải can thiệp: “bình an cho anh em” lần ba.

  • Lần hiện ra này, Đấng Phục Sinh dành đặc biệt cho Tôma:sau lời chúc bình an cho cả Nhóm, Đấng Phục Sinh gặp riêng Tôma. Người đáp trả lại những đòi hỏi kiểm chứng của ông kèm theo lời trách “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (20,27). Kinh hoàng, Tôma không dám đặt tay vào các vết thương của Đấng Phục Sinh; Và rồi thay vì nói rằng ông đã tin Người sống lại thì ông tuyên xưng Người là Thiên Chúa, với cách xưng hô mà người Do Thái dành để thưa với Thiên Chúa Giavê: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.

  • Qua lời trách, Đấng Phục Sinh mời ông hãy tin! Tin cái gì?

Theo văn mạch câu 25, thì Đấng Phục Sinh mời ông hãy tin vào lời chứng của Nhóm Mười.

Cuối cùng Đấng Phục Sinh kết thúc “vì thấy Thầy nên anh mới tin, Phúc thay những người không thấy mà Tin” (20,29).

Chương 20 của Tin Mừng Gioan thật độc đáo:

  • Mở đầu bằng trình thuật “chưa  thấy đã tin” của “người môn đệ Chúa yêu”. Yếu tố giúp tin là dấu chỉ Ngôi Mộ Trống và Lời Kinh Thánh.

  • Kết thúc bằng lời khẳng định của Đấng Phục Sinh vừa được Tôma tuyên xưng là Thiên Chúa, chính trong tư cách Thiên Chúa đó, Đấng Phục Sinh tuyên bố “Phúc cho ai không thấy mà tin”.

  • Còn những tiếp xúc trực tiếp qua thể lý ở phần giữa đều không đưa tới đức tin.

Vậy sứ điệp của Ga 2,1-29 là:

  • Tiếp xúc giác quan là không cần thiết để tin.

  • Các yếu tố để tin là:

  • Lời Kinh Thánh.

  • Chứng từ tông đồ.

Đó là ân huệ lớn lao Chúa dành cho chúng ta hôm nay là những người không được tiếp xúc thể lý trực tiếp với Đấng Phục Sinh, nhưng chúng ta vẫn có Lời Chúa, vẫn có tuyền thống tông đồ, vẫn có những chứng nhân dám đem mạng sống mình để làm chứng cho Đức Kitô phục sinh. Ước gì đến phiên mình, chúng ta cũng hãy là những chứng nhân làm cầu nối đem Tin Mừng phục sinh đên cho mọi người.

Frère Pierre Đình Long FSC