CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Bài 1

Cv 4,32-35; Ga 20,19-31
Chủ đề: Một nền tảng khác giúp tin Đức Giêsu phục sinh:
CHỨNG TỪ CUỘC SỐNG CỘNG ĐOÀN

* Cv 4,32: Các tín hữu tuy đông nhưng chỉ có một lòng một ý.
* Ga 20,25: các môn đệ khác nói với Tôma: chúng tôi đã được thấy Chúa

Chúng ta bước vào Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh. Chủ đề chính chắc chắn là hướng về Đức Giêsu Phục Sinh, cụ thể là những lần hiện ra của Người. Trong phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật II Phục Sinh, bài đọc Tin Mừng không thay đổi: Ga 20,19-31 được dùng chung cho cả ba năm ABC, nói về hai lần hiện ra của Đấng Phục Sinh cho các tông đồ cách nhau tám ngày: lần đầu chỉ có mười vị, Giuđa chết, Tôma vắng mặt; và lần hai có thêm Tôma. Cả hai lần đều là ngày thứ nhất trong tuần, vào thời điểm các tông đồ đang tụ họp đầy đủ, tại “nơi các môn đệ ở” (x.Cv 1,13a và so với Luca 22,12 thì đó là phòng Tiệc Ly). Mục đích của hai lần hiện ra này là thiết đặt những yếu tố cần thiết để những người không có cơ may gặp TRỰC TIẾP qua giác quan, con người Đức Giêsu Phục Sinh như các tông đồ và một số tín hữu tiên khởi, thì họ VẪN ĐƯỢC HƯỞNG TRỌN VẸN MỌI ÂN PHÚC CỦA MẦU NHIỆM PHỤC SINH NHỜ TIN: “Ai không thấy mà tin mới thật là có phúc” (Ga 20,29).

Còn bài đọc một thì thay đổi theo chu kỳ ABC. Tuy nhiên cả ba đều qui về cùng một chủ đề: CHỨNG TỪ CỦA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN. Đời sống mẫu mực của cộng đoàn của các tín hữu tiên khởi nhờ tin vào Đấng Phục Sinh, một cộng đoàn hạnh phúc, Đó thực sự là một minh họa sáng ngời cho mối phúc mà Đấng Phục Sinh thiết lập cho những ai không được gặp Người qua giác quan: “Phúc thay ai không thấy mà tin”.

Vậy chính Đấng Phục Sinh đã thiết đặt thêm một yếu tố nữa để giúp nhân loại mọi thời có thể dựa vào đó mà tin chắc được rằng CHÚA ĐÃ PHỤC SINH. Đó là ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN, CHỨNG TỪ CỘNG ĐOÀN. Đó là yếu tố đầy thuyết phục, diễn ra ngay trước mắt mọi người. HẰNG NGÀY khiến họ phải đặt vấn đề, đến với cộng đoàn, tìm hiểu và cuối cùng là tin vào Đấng Phục Sinh và gia nhập cộng đoàn.

Thật vậy, trong Tin Mừng, mục đích hai lần hiện ra của Đấng Phục Sinh cho các môn đệ là để thiết lập những yếu tố cần thiết cho việc loan truyền đức tin và lưu truyền sức sống Phục Sinh cho muôn thế hệ. Bởi vì, Phục Sinh không là một kiến thức, đối tượng của một CÁI BIẾT DUY LÝ, THỰC DỤNG vào một biến cố lịch sử; Nhưng là một sức sống, một sự biến đổi tận căn thân phận con người: từ nay trong nhân loại đã có một con người đi vào trong vinh quang, sức sống thần linh, được thông phần thiên tính, chẳng những thế mà còn được tôn vinh là KURIOS ĐỨC CHÚA. Và sức sống, niềm tin ấy phải được lưu truyền cho muôn thế hệ để nhân loại mọi thời, từng người đều được ĐÍCH THÂN thông hiệp vào phúc lộc thần linh ấy. Chính vì thế, Đấng Phục Sinh đầy khôn ngoan và lòng thương xót bao la của Người, đã thiết lập những yếu tố cần thiết để việc lưu truyền sức sống thần linh của mầu nhiệm Phục Sinh được thực hiện cách hiệu quả.

Những yếu tố được thiết lập trong lần hiện ra thứ nhất là: – ban ơn bình an – cho thấy dấu vết của thập giá – sai đi làm sứ vụ – Thổi hơi trao ban Thánh Thần – ban quyền tha tội, cầm giữ. Những yếu tố này sẽ khai triển trong lễ Hiện Xuống ABC. Ở đây chú trọng hơn đến lần hiện ra thứ hai, đặc biệt cho Tôma

Trong lần hiện ra thứ nhất, Tôma vắng mặt, khi ông trở về, Nhóm mười làm chứng: “chúng tôi đã được thấy Chúa”, nhưng Tôma không tin chứng từ đó của mười tông đồ.

Ông đòi kiểm chứng thực nghiệm, đặt tay vào vết đinh trên thân Chúa. Và tám ngày sau, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, cũng tại phòng Tiệc Ly, Đấng Phục Sinh hiện ra cho Nhóm mười một, có mặt Tôma. Người đáp ứng mọi đòi hỏi của Tôma: mắt thấy, tai nghe, miệng đối thoại và Đấng Phục sinh mời Tôma kiểm chứng, đặt tay vào các vết thương của Người. Và Đấng Phục Sinh quở trách Tôma: “đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Tôma kinh hoàng và chỉ còn biết sấp mình tuyên xưng “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con”. Vậy tin Đức Giêsu Phục Sinh không phải là kiểm chứng mà là THỜ LẠY NGƯỜI LÀ CHÚA. Rồi Đức Giêsu kết luận bằng một mối phúc: PHÚC THAY AI KHÔNG THẤY MÀ TIN”. Đấng Phục Sinh đòi Tôma phải tin vào lời chứng của cộng đoàn tông đồ. Tuy nhiên cũng phải TRÁCH Nhóm mười: chứng từ của họ quá yếu vì sau khi gặp Đức Giêsu, họ vẫn nhát đảm, đóng cửa khiến lời chứng của họ thiếu sức thuyết phục. Trong khi đó, ở bài một, cộng đoàn tín hữu tiên khởi dù không hề biết, không tiếp xúc với Đấng Phục Sinh, nhưng họ đã tin lời rao giảng và chứng từ của các tông đồ và đem ứng dụng vào cuộc sống khiến cuộc đời họ trở thành CHỨNG TỪ SỐNG lôi cuốn kẻ khác tin vào Đấng Phục Sinh. Vậy chính nhờ lời rao giảng tông truyền và CHỨNG TỪ CỘNG ĐOÀN TÍN HỮU mà nhân loại mọi thời được hưởng mối phúc của Đấng Phục Sinh “PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN”.

Bài 2

“Chúng tôi đã được thấy Chúa”…Tôma đáp: “…nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh…tôi chẳng có tin”… Đức Giêsu bảo: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,25.29).

Hôm nay, Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh, ngày kết thúc tuần bát nhật phục sinh. Tuần bát nhật này được mở đầu và kết thúc bằng hai đoạn Tin Mừng đều của tác giả Gioan và được chọn cố định đọc chung cho cả ba năm ABC.

Hai đoạn văn này có một điểm chung. Và điểm chung này lại không tìm thấy ở bất kỳ bản văn nào khác nói về sự phục sinh của Đức Giêsu. Điểm chung được cả hai bài đọc Chúa Nhật I và II Mùa Phục Sinh qui hướng về đó là: để có thể tin nhận được Đức Giêsu đã phục sinh thì việc chứng kiến bằng giác quan trực tiếp theo lối thực nghiệm là hoàn toàn không cần thiết. Hai bản văn được viết đặc biệt cho chúng ta là những người không thể nào tiếp xúc được với Đấng Phục Sinh lịch sử bằng giác quan con người. Thật vậy Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Phục Sinh khẳng định: người môn đệ Chúa yêu đã THẤY và TIN ngay lúc Đấng Phục Sinh chưa hiện ra cho bất kỳ ai; Và Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh kết thúc bằng lời chúc phúc của chính Đấng Phục Sinh: “phúc thay những người KHÔNG THẤY mà TIN” (Ga 20,29)

Từ chỗ xác tín rằng không cần kiểm chứng thực nghiệm, không cần tiếp xúc trực tiếp bằng giác quan để tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh, sẽ nẩy sinh ra một câu hỏi tiếp: vậy những yếu tố nào là chính yếu giúp cho những người không có cơ may tiếp xúc bằng giác quan với Đấng Phục Sinh, có thể dựa vào đó mà tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh?

Tin Mừng Chúa Nhật I ABC Mùa Phục Sinh đã gợi cho ta vài yếu tố:

  1. NGÔI MỘ TRỐNG: “ngôi mộ” là dấu chỉ của sự chết, nhưng đối với các tông đồ Phêrô và môn đệ Chúa yêu thì đó lại trở nên dấu chỉ KHƠI GỢI LÊN SỰ SỐNG giúp họ NHỚ LẠI và HIỂU LỜI CHÚA.

  2. LỜI CHÚA: đây là yếu tố chính. Việc Đức Giêsu phải chết và sống không phải là một điều gì đột ngột úp chụp xuống các tông đồ: họ đã từng nghe Đức Giêsu lúc sinh tiền, nói NHIỀU về vấn đề này nhưng họ không chịu tin, không để tâm đến mà thôi. Giờ đây đứng trước ngôi mộ trống ngăn nắp, an bình, họ chợt nhớ lại và hiểu những lời trước đây Thầy mình đã nói và họ TIN (nên nhớ là cả ba lần Đức Giêsu loan báo Thập Giá và Phục Sinh trong Tin Mừng nhất lãm đều là những mặc khải riêng cho các tông đồ mà thôi)

  3. LÒNG YÊU MẾN (của Mađalêna lẫn của người môn đệ Chúa yêu) là yếu tố chủ quan đến từ kẻ tin giúp đưa họ đến được với các yếu tố khách quan trên và hiểu ý nghĩa của chúng, nhờ đó họ tin.

Ngày hôm nay, đối với nhân loại mọi thời:

  1. LỜI CHÚA: ngày nay Lời Chúa đã có đó. Vấn đề là các tín hữu có đọc, thấm nhuần Lời để Lời khắc ghi trong tim, đến khi có sự cố thì Lời hiển hiện lên trợ giúp. Đồng thời phải nhiệt tâm loan báo Lời cho thế giới, cho những ai chưa nghe biết Lời. Người ta chưa biết Lời mà cứ rao giảng Chúa đã Phục Sinh thì khó lòng lôi cuốn người ta vào đức tin được.

  2. Đời sống theo đức tin của người tín hữu chính là NGÔI MỘ TRỐNG cho thế giới hôm nay. Việc các tín hữu dám chọn sống theo các giá trị Tin Mừng (vốn là ngu si, là chết đối với trần thế) lại trở thành dấu chỉ của sự sống loan báo Nước Trời, loan truyền Phục Sinh, đặc biệt ĐỜI TU và CÁI CHẾT của các Tử Đạo. Thật vậy, KHIẾT TỊNH, NGHÈO KHÓ, VÂNG LỜI, PHỤC VỤ, HY SINH MẠNG SỐNG là chết đi cho thế giới này lại trở nên NGUỒN SỐNG cho thế giới này.

  3. Cuối cùng là LÒNG MẾN của tín hữu đối với Đức Giêsu, đối với những gì đã nói trên: Giữa thế giới đang ở trong đêm đen, đang lãng quên Lời Chúa, một thế giới đã nói rằng Thiên Chúa chết rồi, Thiên Chúa chỉ còn là một NGÔI MỘ…thì các tín hữu có đủ lòng mến như Mađalêna, đang đêm, một mình dám dấn thân đến với “NGÔI MỘ”? Và khi khám phá ra đó là “NGÔI MỘ TRỐNG” thì có đủ lòng mến như “người môn đệ Chúa yêu” để Lời Chúa mà ta tiếp xúc mỗi ngày, mỗi dịp đặc biệt, trồi hiện lên giúp ta an bình nhận ra rằng Chúa đã phục sinh, Chúa đang sống và đang điều khiển thế giới?

Và chứng từ của kẻ tin lại càng thuyết phục hơn nếu đó không chỉ là chuyện cá nhân mà là chứng từ của cả một cộng đoàn đồng tâm nhất trí. Đó là yếu tố mà Lời Chúa của Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh bổ sung thêm.

     Chủ điểm chung của Chúa Nhật này cho cả 3 năm A.B.C là quyền năng của Đấng Phục Sinh được trao ban cho các tông đồ và hoa trái do quyền năng ấy mang lại.

     Tin Mừng thuật lại hai lần Đấng Phục Sinh hiện ra cho nhóm 11, cách nhau 8 ngày, đều là ngày thứ nhất trong tuần: lần đầu vắng Tôma, lần 2 ông có mặt. Lần đầu Đấng Phục Sinh trao quyền cho các tông đồ qua việc sai đi, trao ban Thánh Thần và quyền tha tội, cầm giữ. Lần 2 như là dành riêng cho Tôma khi Đấng Phục Sinh đáp trả những yêu sách của ông: mời ông xỏ tay vào các vết thương của Người; rồi từ đó Người công bố mối phúc “không thấy mà tin”. Đó chính là hoa trái của Phục Sinh được dành cho chúng ta là tín hữu mọi thời, những người không được gặp bằng xác phàm Đấng Phục Sinh.

     Bài đọc 1 là bản tóm lược thứ 2 về đời sống và sinh hoạt của cộng đoàn tín hữu tiên khởi tại Giêrusalem. Quyền năng của Đấng Phục Sinh được biểu lộ qua thái độ can đảm của các tông đồ, làm chứng về sự phục sinh của CHÚA GIÊSU, và qua thái độ hiệp nhất của các tín hữu dù đông đảo mà chỉ có một lòng một ý. Hoa trái là việc để chung của cải và không ai phải thiếu thốn. Vai trò làm chứng cho Đấng Phục Sinh của các tông đồ cũng nổi bật trong Lời Chúa hôm nay: cho Tôma (Tin Mừng) rồi cho mọi người (Công vụ).

BÀI ĐỌC I: Cv 4, 32-35

     Văn mạch

     Bài đọc l nằm trong tổng thể Cv 1,12-5,42 nói về sinh hoạt của cộng đoàn tín hữu tiên khởi sau khi Đấng Phục Sinh thăng thiên, với những thuận lợi lẫn chống đối. Trong tổng thể này có 3 bản tóm lược cho thấy nét đặc thù của cộng đoàn này.

     Bài đọc 1 là bản tóm lược thứ 2 được đặt vào giữa những biến cố tiêu cực từ bên ngoài áp đặt tới, lẫn những tiêu cực từ bên trong nội bộ cộng đoàn:

  • bên ngoài là những cấm cách bắt bớ: sau khi chữa lành cho anh què (3,1-10); Phêrô đã giảng 1 bài công bố tin mừng phục sinh và mời dân chúng hoán cải tin vào Đức Giêsu phục sinh (3,11-26); Hậu quả là Phêrô và Gioan bị bắt, tống ngục rồi bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng, nhưng Phêrô đã lợi dụng dịp này rao giảng luôn cho Thượng Hội Đồng tin mừng phục sinh (4,1-12); Lời giảng không được đón nhận, 2 tông đồ bị cấm không được giảng dạy nhân danh Đức Giêsu rồi được thả về (4,13-22); Về đến cộng đoàn, 2 vị tường thuật lại sự việc, toàn thể cộng đoàn ca ngợi Thiên Chúa và được đầy Chúa Thánh Thần (4, 23-36).

  • Bên trong là những tiêu cực bắt đầu xuất hiện trong cộng đoàn: Banaba quảng đại bán thửa đất và dâng hết cho cộng đoàn (4,36-37), trong khi đó vợ chồng Khanania và Xaphira lại gian lận giữ lại một ít tiền mà cứ nói là dâng hết khiến hậu quả xấu nhất đã xảy ra (5,1-11).

     Bài đọc 1 là bản văn nằm giữa những bản văn kể lại những tiêu cực trên (4,32-35). Điều này hàm ý sự thánh thiện của cộng đoàn trước tiên không phải là công sức riêng của phàm nhân, nhưng là hoa trái của Tin Mừng phục sinh, của lòng tin vào Đấng Phục Sinh.

CẤU TRÚC và SUY NIỆM 

A/ Nét đặc thù của công đoàn tiên khởi (Cv 4, 32)

*  Nhân số: đông đảo.

* Tinh thần: chỉ có 1 con tim, 1 tâm hồn.

*  Dấu hiệu biểu lộ ra bên ngoài: không ai giữ của riêng tất cả đều là của chung.

     “Đông đảo” là dấu chỉ của phúc lành của Thiên Chúa, và phúc lành ấy càng rõ nét hơn khi cộng đoàn dù đông đảo vẫn chỉ có một con tim, một tâm hồn. Đặc điểm của một đám đông thường là đa tạp, hỗn độn, do đó sự hiệp nhất nên một rõ ràng là ân huệ thần linh. Xưa kia đám đông hỗn độn của bọn nô lệ vừa ra khỏi Ai cập đã trở nên dân tư tế thánh thiện của Thiên Chúa là nhờ hồng ân thần linh LỀ LUẬT được Chúa trao ban tại Sinai. Nay yếu tố làm đám đông đông đảo chỉ có một con tim, một tâm hồn chính là Tin Mừng Đức Giêsu đã sống lại. Niềm tin vào Đấng Phục Sinh là trung tâm quy tụ cộng đoàn.

Con tim: người Do Thái quan niệm rằng ngoài những tình cảm, TIM còn chứa đựng những kỷ niệm và ý tưởng, những dự phóng và quyết định. Thiên Chúa đã ban cho con người “một quả tim để suy tưởng” (Hc 17,6)… Trong cái nhìn nhân loại cụ thể và bao quát của Kinh Thánh, TIM là cội nguồn của nhân cách con người về ý thức lương tâm, về hiểu biết và về tự do; TIM là nơi con người có những chọn lựa dứt khoát, là nơi chốn của luật bất thành văn, là nơi Thiên Chúa hành động cách nhiệm lạ… nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa (ĐNTHTK “TIM”)

Tâm hồn: psukhê trước tiên là “hơi thở”. Hơi thở, hô hấp là dấu chỉ tốt nhất giúp nhận ra 1 “vật sống”, “sinh vật”. Từ ý niệm “vật sống”, dần dần psukhê được hiểu là “sự sống”, “cuộc sống” và cuối cùng được hiểu là “nhân vị” “rốt cuộc psukhê xác định ngôi vị” (ĐNTHTK Linh hồn).

Tóm lại, “cộng đoàn chỉ có một con tim, một tâm hồn” hàm ý dù đông đảo cộng đoàn sống giống như chỉ là một con người, một nhân vị: chỉ có một ý thức, một sự hiểu biết, một chọn lựa, một tự do, một sự sống, một hơi thở…

Đây chính là hình ảnh lý tưởng diễn tả thực tại nhiệm mầu của Giáo Hội: Giáo Hội là nhiệm thể của Đức Kitô, có Đấng Phục Sinh làm đầu và tất cả mọi người là chi thể của nhau.

để mọi sự làm của chung: đã là một nhiệm thể, là chi thể nhau thì không còn gì là riêng tư nữa: tất cả đều được mọi chi thể hưởng dùng chung dưới sự điều khiển của “ĐẦU”, “TIM” và “HƠI THỞ”. Lý tưởng này được biểu lộ cụ thể trong cc. 34.35.

A’/ Hành động cụ thể và hoa trái (Cv 4,34,35)

  • Ai có tài sản: nhà cửa ruộng đất đều bán đi, đem tiền đặt dưới chân cho các tông đồ.

  • Cách sử dụng tiền: phân phát cho mỗi người tùy nhu cầu.

  • Vai trò của các tông đồ: quản lý và phân phối tiền của.

  • Hoa trái: không ai trong các tín hữu phải thiếu thốn.

Vì cc. 34.35 cùng 1 đề tài với c. 32, nên xin phân tích chung để gần nhau.

Bán nhà cửa, ruộng đất: đây là hình ảnh lý tưởng được một số tín hữu thực hiện như trường hợp của Banaba là điển hình (4,36-37), nhưng không phải tất cả mọi tín hữu đều làm như thế và không hề bị buộc làm như thế: lời Phêrô trách Khanania cho ta thấy điều ấy (5,4); Mẹ của Gioan – Marco vẫn giữ ngôi nhà riêng và dùng cho công ích làm nơi hội họp cho cộng đoàn (12,12). Rõ ràng là mỗi người vẫn tự do san sẻ hay không san sẻ của cải của mình. Trường hợp như Barnaba là số ít. Tuy nhiên khi Luca tổng quát hóa hành động mẫu mực của vài cá nhân thành hành động cộng đoàn là có mục đích:

  • muốn giúp các độc giả nhìn nhận đó là một gương mẫu và một lý tưởng mà các cộng đoàn Kitô hữu luôn luôn phải cảm ứng theo. Lý tưởng chia sẻ tối đa được đề cao.

  • thực tế có một số ít người làm được điều này. Họ là dấu chỉ sống động ngay trong hiện tại cái thực tại lý tưởng cánh chung mà mọi cộng đồng tín hữu phải cố vươn tới. Lối sống các tu sĩ là một cách thể hiện lý tưởng này.

  • hành động lý tưởng này là cách diễn đạt chân lý: Giáo Hội là nhiệm thể Chúa Kitô và mọi tín hữu là chi thể.

         Hoa trái: không ai phải túng thiếu. Lý tưởng của chia sẻ không phải là để sống nghèo, túng thiếu về vật chất. Nghèo vật chất là sự ác. Mối phúc thứ nhất ĐGS công bố không nằm ở cái nghèo mà “vì Nước Trời là của họ”. Lý tưởng của chia sẻ không phải là nghèo mà là để hủy diệt tận căn cái nghèo: “không ai trong các tín hữu phải túng thiếu”. Do đó, cái lý tưởng thật sự và duy nhất là sống yêu thương, san sẻ tạo sự bình đẳng tối đa giữa các thành viên trong cộng đoàn.

B/ Vai trò của các tông đồ (Cv 4,33)

  • Làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại.

  • Phương tiện: nhờ quyền năng mạnh mẽ

  • Hoa trái: được ân sủng dồi dào.

Trong khía cạnh nội bộ ở c.35, các tông đồ trong việc để chung của cải đã đóng vai trò quản lý và phân phối nhằm xóa bỏ sự thiếu thốn trong cộng đoàn. Nhưng công việc chính của các vị ở đây là làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Đây là sứ mạng chính yếu mà Đấng Phục Sinh đã trao ban cho các vị trước khi Người thăng thiên (1,8b). Nhờ lời rao giảng và chứng từ của các vị mà cộng đoàn kẻ tin ngày càng đông số. Và nhờ lòng tin vào Đấng Phục Sinh mà cộng đoàn người đông đảo chỉ có một con tim, một tâm hồn. Phương tiện các vị dùng để thi hành sứ mạng là quyền năng mạnh mẽ đến từ Thiên Chúa, do Chúa Thánh Thần tác động và được biểu lộ ra bên ngoài bằng các điềm thiêng dấu lạ và dấu ấn tượng nhất là sự đồng tâm nhất trí của tất cả các thành viên trong cộng đoàn, chia sẻ với nhau cách quảng đại đến độ cái nghèo phải dời bước khỏi cộng đoàn, không còn ai thiếu thốn.

TÓM KẾT:

Bài đọc 1 mô tả cho chúng ta một cộng đoàn lý tưởng được quy tụ và linh hoạt nhờ niềm tin vào Đấng Phục Sinh. Được các tông đồ không ngừng loan báo, niềm tin ấy đã biến các tín hữu vốn không phải là ruột thịt trở thành một cộng đoàn huynh đệ, chia sẻ tương thân tương ái đến độ hiệp nhất với nhau như một thân thể, có một con tim, một hơi thở. Lý tưởng của cộng đoàn là mọi người có chung một sức sống, không ai phải thiếu thốn chi và tất cả sẽ như các tông đồ là chứng nhân cho Đấng Phục Sinh, tùy theo địa vị của mình. Bài 1 hôm nay nhấn mạnh khía cạnh chia sẻ huynh đệ, sống như một thân thể.

Xưa Chúa chọn người Do thái làm một dân, nay trong Đức Giêsu Phục Sinh, cộng đoàn tín hữu thành một thân thể. Dân thì phải nhờ cơ cấu luật lệ bên ngoài kết nói thành viên lại. Còn thân thể thì đã có mối liên kết nội tại giữa các chi thể với nhau nhờ Đầu và Tim điều khiển.

Sứ điệp hôm nay mời tín hữu biểu lộ đức tin của mình ra trong cuộc sống cụ thể là chia sẻ huynh đệ, xóa đi cái nghèo đói. Và động lực của chia sẻ này là niềm tin vào Đức Giêsu phục sinh. Đó là cách thức tuyệt vời để loan báo, làm chứng về Đấng Phục Sinh và về Giáo Hội là Nhiệm Thể của Người. Tất cả các tín hữu chỉ có một con tim, một hơi thở.

TIN MỪNG: Ga 20, 19-31

Văn mạch: Xem tuần I

     Bài đọc Tin Mừng hôm nay thuật lại lần hiện ra thứ 2 và thứ 3 của Đấng Phục Sinh theo sách Tin Mừng thứ 4. Đối tượng là các tông đồ, đặc biệt lần thứ ba là cho Tôma.

Chóp đỉnh của bài đọc Tin Mừng này là lời công bố mối phúc của Đấng Phục Sinh: “Phúc cho ai không thấy mà tin”.

Trích đoạn Tin Mừng Chúa Nhật II B Mùa Phục Sinh thuật lại hai lần Đức Giêsu phục sinh hiện ra cho “Nhóm Mười Hai” (c.24a) tức là Nhóm được tuyển chọn đặc biệt chứ không phải chỉ là môn đệ cách chung. Với Nhóm nền tảng này – trong Tin Mừng Nhất Lãm gọi là TÔNG ĐỒ – Đấng Phục Sinh thiết lập các cấu trúc cơ bản để Giáo Hội sau này có thể tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu tại thế. Vậy nền tảng của đức tin lẫn cơ thể của Giáo Hội được đặt nền trên Nhóm Mười Hai dù lúc Đấng Phục Sinh hiện ra cho họ chỉ còn mười (lần 1) và mười một (lần 2) (so sánh với Mathêu 16, 18-19). Theo Tin Mừng Gioan, hai lần hiện ra này cho Nhóm Mười Hai là để chuẩn bị phương tiện hoạt động, chuẩn bị sứ vụ tương lai của Giáo Hội.

  • Cả hai lần đều hiện vào “ngày thứ nhất trong tuần”: vào thời Tin Mừng thứ tư được soạn thảo (khoảng cuối thế kỷ thứ I công nguyên) thì các tín hữu Kitô giáo đã hình thành một tập tục phụng vụ là họp nhau vào ngày thứ nhất trong tuần ở một nơi được quy định để cử hành nghi lễ bẻ bánh. Chính trong bầu khí CỘNG ĐOÀN PHỤNG VỤ như thế, mầu nhiệm phục sinh được loan truyền, được đón nhận và được tuyên xưng. Mầu nhiệm phục sinh thâm sâu hơn là một kiến thức thuần lý của trí tuệ một cá nhân. Phục sinh là cho toàn nhân loại trong tư cách là cộng đoàn dân Chúa.

  • Lần thứ 2, Đấng Phục Sinh hiện ra cho Nhóm Mười Một.

Lần này có thể nói là được dành riêng cho Tôma. Không rõ vì lý do gì, trong lần hiện ra thứ nhất, Tôma vắng mặt . Ông chẳng những không được tiếp xúc thể lý với Đấng Phục Sinh mà còn chịu một thiệt thòi lớn hơn nhiều là không nhận, không chứng kiến được  việc biểu lộ QUYỀN LÀM CHÚA của Đấng Phục Sinh được biểu lộ ra qua sứ mạng Người trao cho Nhóm Mười: quyền sai các môn đệ đi NHƯ CHÚA CHA (câu 21); quyền sáng tạo THỔI HƠI TRAO BAN THÁNH THẦN (câu 22); QUYỀN THA TỘI (câu 23).

          Thực ra Nhóm Mười cũng chưa có phản ứng gì trước việc Đấng Phục Sinh tỏ bày uy lực thần linh của Người như thế. Nhóm Mười còn ngỡ ngàng thụ động chưa hiểu thấu, chưa nhận được QUYỀN CHÚA TỂ ( La Souveraineté) của Người trên trần gian và trên lịch sử (x.GLHTCG số 450) (x. Mt 28,12; Kh 11, 15). Cái đánh động họ lúc nhìn thấy Đấng Phục Sinh hiện ra cho thấy các vết đinh là được tiếp xúc thể lý với người Thầy mà họ cứ ngỡ rằng đã chết, hóa ra giờ đang sống. Chính vì thế mà họ chỉ có thể thông truyền cho Tôma điều mà họ cảm nghiệm: “ chúng tôi đã ĐƯỢC thấy Chúa”. Nhóm Mười không nói gì đến những dặn dò của Đức Giêsu ở các câu 21 -23.

          -“ĐƯỢC  thấy Chúa” không phải là sứ điệp chính mà Đấng Phục Sinh trao cho các môn đệ làm sứ mạng. Điều các ông phải làm chứng là loan báo CHÚA QUYỀN TỐI CAO của Người trên toàn vũ trụ, cả trời lẫn đất. Chính vì thế, Đấng Phục Sinh cần phải hiện ra cho họ thêm một lần nữa giúp họ nhận ra CHÚA QUYỀN  của Người. Và lần này để hội nhập Tôma vào quyền bính mà Người đã trao cho Nhóm Mười, thì như là thay mặt anh em – tuyên xưng CHÚA QUYỀN  của ĐỨC GIÊSU.  Ông gọi ĐỨC GIÊSU (câu 26b) là “ Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”: “HÔ KURIÔS MÔU KAI HÔ THÊOS MÔU”

CẤU TRÚC và SUY NIỆM

  1. Hiện ra lần một cho nhóm môn đệ ưu tuyển (Ga 20, 19-23)

Nhóm 10: Giuđa chết. Tôma vắng. Không nhằm khơi gợi niềm tin vì trong trình thuật Ngôi mộ trống  ít ra đã có “môn đệ Chúa yêu” tin rồi. Chủ yếu là trao ban bình an (tăng cường đức tin), Thánh Thần và quyền bính để tiếp tục sứ vụ của Đấng Phục Sinh, để thành chứng nhân.

  • Thời điểm:buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần ngay sau biến cố Thập giá.

Mở đầu vận hội mới: ngày thứ nhất trong tuần trở thành “ngày của Chúa”, khởi đầu cho một nhịp sống mới, sáng tạo mới.

  • Nơi chốn: “nơi các môn đệ đang ở”

nhưng cửa lại đóng kín vì “sợ người Do Thái”

          Chi tiết trên vọng lại bối cảnh thời Tin Mừng thứ 4 được soạn thảo: Do Thái giáo bách hại các tín hữu Kitô và đuổi khỏi hội đường bất kì ai dám nêu danh Giêsu (x.Ga 9,22; 12,42; 16,2; 19,38; Cv 5,40; 9,2…). Các Kitô hữu tiên khởi phần lớn đến từ Do Thái giáo, rồi vì nhu cầu phải cử hành lễ bẻ bánh và để tránh người Do Thái theo dõi, các tín hữu tụ họp tại nhà riêng nay nhà này mai nhà khác (x.Cv 2, 46) nên bản văn chỉ nói trổng “nơi các môn đệ đang ở”. Tuy nhiên “các cửa đều đóng kín lại là yếu tố góp phần làm nổi bật tính siêu việt, quyền năng của nhân tính Đấng Phục Sinh: không ngăn trở nào đến từ bên ngoài có thể ngăn cản Đấng Phục Sinh đến với đoàn môn đệ thân yêu của Người.

Tại sao lại sợ người Do Thái trong khi đã tin Đức Giêsu đã phục sinh (20,8)? Lòng tin chưa đủ mạnh để vượt qua những đe doạ, áp lực hầu nói lên một chân lý mà mình đã biết rõ. Thật vậy, cum từ “vì sợ người Do Thái” chỉ xuất hiện trong Tin Mừng thứ 4: ở đây và nơi cha mẹ anh mù (9,22).

  • Đấng Phục Sinh vượt mọi giới hạn không thời gian đến với đoàn môn đệ và trao ban bình an đồng thời cho họ thấy tận mắt các vết thương thập giá: “Đức Giêsu đến …Người lại nói bình an cho anh em” (19b-21a)

Từ nay không còn gì cản trở Đấng Phục Sinh luôn hiện diện giữa cộng đoàn các kẻ tin để trao ban bình an cho họ. Sự hiện diện của Người là nguồn mạch sự bình an. Nhờ đó các môn đệ nhận ra được ý nghĩa của thập giá, do đó những dấu chứng của cuộc tử nạn đau thương trước kia thì nay đã trở thành niềm vui cho họ, là dấu chỉ giúp họ nhận ra Thầy của họ là CHÚA= kurios. Ngay lần gặp đầu tiên này họ đã nhận ra căn tính thần linh của Thầy và rồi một tuần sau ông Tôma sẽ công khai tuyên bố: Giêsu là CHÚA, là Thiên Chúa. Chỉ có sự hiện diện của Đấng Phục Sinh ở giữa cộng đoàn cùng với ơn bình an được Người trao ban, các môn đệ mới có được sự biến đổi tận căn như thế. Nhờ vậy họ mới có thể nên chứng nhân để được sai đi chứ không chỉ là tin nhận sự kiện phục sinh thuần lý. Chỉ có sự bình an do Đấng Phục Sinh trao ban mới phá vỡ được cái pháo đài khép kín, sự sợ hãi hầu đẩy các môn đệ dấn thân tiếp tục sứ mạng của Đấng Phục Sinh.

  • Sai đi: “như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em”.

Ở đây việc sai đi không được xét tới dưới khía  cạnh thực thi sứ mệnh, nhưng dưới khía cạnh nguồn gốc của sứ mệnh. Chỉ có một chương trình cứu độ (đến từ Cha) và một sứ mạng (của Con). Giờ đây sứ mạng của Con trở thành của Giáo Hội ngang qua lệnh sai đi của Đấng Phục Sinh. Như vậy theo dự tính của Thiên Chúa, chương trình của Cha sẽ được hoàn tất qua sứ mạng của Giáo Hội với sự trợ lực của CHÚA THÁNH THẦN.

  • Để giúp các môn đệ hoàn thành được sứ mạng “được sai đi”, Đấng Phục Sinh đã trao cho họ Chúa Thánh Thần và quyền tha tội:

– “Thổi hơi” “hãy nhận lấy Thánh Thần”:

Để diễn tả việc thông ban Thánh Thần cho các môn đệ, Tin Mừng dùng động từ THỔI = êmphusao, lần duy nhất trong Tân Ước. Còn trong Cựu Ước chỉ gặp trong St 2,7; Kn 15,11: Ed 37,9. Cả 3 đoạn đều nói đến việc sáng tạo, tác sinh ra một cái mới. Vậy hành động THỔI của Đấng Phục Sinh là hành động thần linh của một cuộc sáng tạo mới. Nhờ sức mạnh của Thánh Thần phát xuất từ Đấng Phục Sinh, một thế giới mới bắt đầu; Israel mới được khai sinh khởi sự từ sứ mạng của các môn đệ trong trần thế.

  • “anh em tha tội cho ai…anh em cầm giữ…”

“tha”, “cầm giữ…đây là cách nói của ngôn ngữ Aram: người ta dùng hai từ trái nghĩa nhau để xác định mạnh mẽ hơn một thực tại và nhằm nổi bật lên khía cạnh tích cực của vấn đề. Vậy khi sai các môn đệ ra đi với quyền năng Thánh Thần, Đấng Phục Sinh muốn họ thay mặt Người gặp gỡ trực tiếp để “tháo cởi con người khỏi sự ác của mình”: từ nay, ở thế này, các môn đệ là những trung gian Đấng Phục Sinh chọn để mang “lòng thương xót của Thiên Chúa” đến cho con người như Đấng Phục Sinh đã từng làm như thế: “Thầy rửa chân cho anh em thì anh em cũng hãy rửa chân cho nhau”.

  1. Hiện ra lần 2: thiết đặt mối chân phúc của đức tin (Ga 20,24-29):

Lần hiện ra này được trình bày như dành đặc biệt cho Tôma, 8 ngày sau nghĩa là cũng vào ngày 1 trong tuần, ngày cộng đoàn họp lại cử hành phụng vụ.

Mặc dù dành riêng cho Tôma, nhưng bối cảnh vẫn là cuộc hội họp cộng đoàn. Một đức tin đích thực được truyền đạt lại cho hậu thế chỉ có giá trị và hợp pháp khi đó là một đức tin đón nhận từ cộng đoàn, hiệp nhất với cộng đoàn chứ không phải là một mạc khải kiểu riêng tư (công giáo và tông truyền). Tuy nhiên đức tin ấy cũng là một đức tin biệt vị, một cảm nghiệm đích thân với Đấng Phục Sinh. Đó chính là một bài học mà lần hiện ra này gởi tới cho ta kèm theo việc thiết đặt chân phúc của đức tin.

* Chứng từ của các môn đệ cho Tôma: “chúng tôi đã được thấy ĐỨC CHÚA”

* Phản ứng của Tôma: không tin. Đòi chứng thực bằng giác quan: “nếu tôi…”

* Đáp trả của Đấng Phục Sinh cho đòi hỏi của Tôma:

– 8 ngày sau, tình trạng cũng y như lần trước: “các cửa đều đóng kín”.

– ĐPS đến đứng giữa, ban bình an.

– Đáp trả đòi hỏi của Tôma kèm lời trách “đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin “

Lời trách cho thấy việc đáp trả không nhằm thoả mãn đòi hỏi của Tôma, nhưng để nói rằng đòi hỏi đó hoàn toàn không cần thiết. Điều cần là TIN. Hàm nghĩa tin vào lời chứng của các anh em (c.250)

Quá trình đi đến đức tin của kẻ cứng lòng tin

Cứng lòng tin: Tôma không tin lời chứng của Nhóm Mười, ông đòi phải kiểm chứng thực nghiệm. Cái sai lầm của Tôma (và của cả chúng ta) là tưởng lầm rằng đức tin là một năng lực của trí tuệ phàm nhân, là sản phẩm của những nỗ lực tìm kiếm của con người. Tại sao không tin?

Trước tiên vì họ chưa nhận ra QUYÊN CHÚA TỂ của Đấng Phục Sinh như chúng ta đã phân tích ở trên. Do đó chứng từ của họ chỉ dừng lại ở sự kiện Đức Giêsu sống lại và hiện ra cho họ được thấy. Việc được nhìn thấy một người chết sống lại (như trường hợp Ladarô) liệu có mang lại được ích lợi gì cho bản thân và cho nhân loại? Rồi thái độ “tự nhốt mình” trong ngôi nhà – cho dù đã được gặp Đức Giêsu – đã khiến cho các lời chứng của họ không đủ mạnh để thuyết phục được Tôma. Nếu phục sinh chỉ là thấy người chết sống lại thì việc đòi kiểm chứng thực nghiệm là hoàn toàn hợp lý. Tôma đòi kiểm chứng thực nghiệm.

Giải pháp trường cửu của Đấng Phục Sinh: từ những yếu đuối, sai lầm của Tôma lẫn của Nhóm Mười, Đấng Phục Sinh đã tạo nên những yếu tố mới làm nền tảng cho đến muôn đời giúp cho bao thế hệ nhân loại không được tiếp xúc thể lý với Đấng Phục Sinh vẫn có đủ điều kiện để tin và hiểu đúng mầu nhiệm phục sinh.

Trong câu chất vấn Tôma (c.27), Đấng Phục Sinh đưa ra cho ông ba mệnh lệnh:

  • Hãy đặt tay vào các vết định: hãy kiểm chứng để rồi xác tín rằng: Thầy, Đấng Phục Sinh, là Đấng mà anh em đã theo làm môn đệ suốt ba năm, Đấng đã chết trên thập giá, không có chuyện mạo nhận, tráo người.

  • Đừng cứng lòng nữa: mời hoán cải nội tâm, đừng cố chấp, ở lì trong sai trái, khép lòng lại trước sự thật. Phục Sinh là một ân huệ thần linh Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại, không phải để con người nghi ngờ kiểm chứng như một biến cố phàm trần, nhưng để kết nối lại mối tương quan với Thiên Chúa, với ơn gọi làm người, là hình ảnh của Thiên Chúa.

  • Nhưng hãy tin: Tin điều gì? Theo văn mạch, đó là tin vào điều mà Nhóm Mười làm chứng. Ở đây, Đấng Phục Sinh đang từng bước một giúp Tôma nâng cao nội dung của chữ “TIN”. Nội dung không phải chỉ là tin rằng Nhóm Mười đã thấy Chúa nữa, nhưng hãy tin bằng cách đem ra thực hành những gì mà Đấng Phục Sinh căn dặn Nhóm Mười trong lần hiện ra trước. (câu 21-23) nghĩa là thuần phục quyền CHÚA tối cao của Đức Giêsu.

*Tuyên tín của Tôma: Lạy Đức Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.

Ông không dám làm điều ông đòi hỏi, nhưng ông tuyên tín. Đây là chóp đỉnh đức tin Kitô giáo vào mầu nhiệm Giêsu. Tôma không chỉ tuyên xưng Ngài đã sống lại mà còn tuyên tín bằng cụm từ dành riêng cho Thiên Chúa Yavê.

(Trong lời tuyên xưng của Tôma, 2 tước hiệu Kuriôs và Thêôs được liên kết chặt chẽ trong một câu. Cách gọi kép này được tìm thấy nhiều trong bản LXX (2Sm 7,28; 1V 18,39; Tv 30,2 …), được dùng để thưa chuyện với Yavê bày tỏ lòng tôn thờ Người. Vậy đây không chỉ là một lời tuyên xưng mà còn là một hành động THỜ LẠY với một cung cách chỉ dành riêng cho Thiên Chúa Yavê. Tôma đã làm một bước nhảy vọt trong đức tin. Từ chỗ đòi kiểm chứng thể lý, ông đã đi thẳng vào huyền nhiệm thần linh của Đấng Phục Sinh. Đức tin này không thể là hoa trái phàm nhân nhưng là một sự CHỤP BẮT của Đấng Phục Sinh. Là được sự TRÀN ĐẦY THÁNH THẦN (do bình an Đấng Phục sinh mang lại) khiến con người của Tôma được biến đổi đột ngột (như các tông đồ trong biến cố Hiện Xuống), và đưa thẳng vào trung tâm của mầu nhiệm thần linh.

  • Đáp trả của Tôma: ông đã làm đúng theo đúng mệnh lệnh Chúa, với ý nghĩa chứ “TIN” đã được nâng cao như ý Chúa:

  • Tôma không kiểm chứng thực nghiệm

  • Sự cứng lòng của ông tan chảy như băng tuyết gặp lửa, không còn giọng điệu khiêu khích.

  • Ông thuần phục QUYỀN CHÚA của Đấng Phục Sinh qua lời tuyên tín: Giêsu là CHÚA = kurios, là Thiên Chúa của ông.

     Đấng Phục Sinh đã thành công! Qua lời tuyên tín của Tôma hàm ý tất cả tông đồ đoàn, tất cả những ai tin vào lời chứng tông truyền của Giáo Hội đều tuyên nhận Quyền Chúa Tối Cao của Đức Giêsu.

  • Mối Chân Phúc của Tin Mừng thứ tự:

Đấng Phục Sinh thiết đặt nền tảng, chân phúc của đức tin: “phúc cho ai không thấy mà tin”.

        Từ nay cộng đoàn Kitô tin vào lời Đấng Phục Sinh là vì lời chứng của các tông đồ chứ không vì tiếp xúc giác quan với Người. Lời Đấng Phục Sinh là cho chúng ta, là đường dẫn ta tin vào đức tin Kitô giáo.

     Trong tư cách là CHÚA = kurios, là Thiên Chúa với quyền Chúa tối cao đã được các môn đệ tôn nhận, thờ lạy, Đấng Phục Sinh công bố mối phúc “Phúc thay ai không thấy mà tin”. Như vậy tiếp xúc giác quan là không cần thiết để tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh. Lời Chúa hôm nay bổ sung thêm hai yếu tố để “không thấy mà tin”:

             – Sự hiệp nhất của cộng đoàn phụng vụ trong ngày thứ nhất trong tuần.
– Chứng từ của các tông đồ, chứng từ tông truyền của Giáo Hội.

      Những điều này đã được cộng đoàn tiên khởi thể hiện (x. Cv 2, 42.44.46) và kết quả là kẻ tin ngày càng gia tăng dù không gặp được Đức Giêsu thể lý.

       Từ nay, nhân loại mọi thời nhờ những gì Đấng Phục Sinh thiết lập hôm nay, đều có thể đích thân tiếp xúc với Đấng Phục Sinh mà không cần giác quan kiểm chứng. Với Quyền Chúa Tối Thượng của Người, Đấng Phục Sinh ở mãi, đồng hành cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Lòng thương xót và quyền năng của Đấng Phục Sinh đang bao phủ chúng ta. Phải chăng đó là một lý do mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã chọn ngày này là Chúa Nhật kính nhớ lòng thương xót Chúa.

  1. Chủ đích của sách Tin Mừng (Ga 20, 30-31)

  • Câu 30 cho thấy những gì được ghi lại không phải là nơi duy nhất chứa đựng mặc khải của Thiên Chúa.

  • Tuy nhiên những gì được ghi lại là để giúp tín hữu TIN:

                 – Nội dung chính : Đức Giêsu = Ki tô = Con Thiên Chúa.
                  – Hoa trái đức tin: sự sống đời đời nhờ danh Đức Giêsu.

  1. TÓM KẾT:

         Hai lần hiện ra đây không nhằm vào đức tin của các tông đồ cho bằng là của chúng ta hôm nay. Khi cho họ thấy viết tích của Thập Giá, Đấng Phục Sinh muốn thiết đặt họ làm chứng nhân. Người trao bình an, sai họ đi là vì đức tin và ơn cứu độ của cả nhân loại sau này. Để giúp họ hoàn thành sứ mạng, Đấng Phục Sinh đã trao ban Thánh Thần và quyền tha thứ, đón nhận. Tin Mừng hôm nay cũng gởi đến con người mọi thời sứ điệp bình an: dù không được thấy Đấng Phục Sinh, dù không được tiếp xúc thể lý với Người, nhân loại mọi thời vẫn hoàn toàn có thể đạt được chóp đỉnh đức tin vào Người nhờ chứng từ tông truyền và nhờ ơn bình an, Thánh Thần, và ơn tha thứ của Đấng Phục Sinh luôn đồng hành với nhân loại: “phúc cho ai không thấy mà tin”.

        Cuối cùng, tin vào Đấng Phục Sinh không chỉ là nhìn nhận sự kiện Đức Giêsu thập giá đã sống lại như là một biến cố lịch sử, nhưng còn là xác tín rằng Người ĐANG SỐNG, ĐANG HOẠT ĐỘNG TỎ LỘ QUYỀN NĂNG NHƯ LÀ MỘT NGÔI VỊ THIÊN CHÚA, tôn thờ Người như là Thiên Chúa Yavê và trở thành môn đệ Người, để được Người sai đi nối tiếp sứ vụ làm chứng nhân cho Người trong suốt dòng lịch sử.

Frère Pierre Đình Long FSC