CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY – năm A

Bài 1

1Sm 16,1b.6-7.10-13a ; Ga 9,1-41
Chủ đề: Thiên Chúa mặc khải DUNG MẠO ĐẤNG NGƯỜI TUYỂN CHỌN.

  • 1Sm 16,12: ĐỨC CHÚA phán cùng Samuel: “Đứng dậy xức dầu tấn phong nó đi. Chính nó đó!.”

  • Ga 9,35.37: Đức Giêsu nói: “Anh có tin vào Con Người không? … chính người đang nói với anh đây.”

Trong tinh thần phụng vụ Mùa Chay, Chúa Nhật 4 được gọi là Chúa Nhật của NIỀM VUI: về hình thức bên ngoài, chủ tế mặc phẩm phục HỒNG, trên bàn thờ lại xuất hiện BÔNG HOA; tiếng dàn nhạc cụ lại vang lên hòa cùng điệu hát lời ca chúc tụng Thiên Chúa.

Còn trong phụng vụ Lời Chúa, NIỀM VUI rạng rỡ qua chủ đề ÁNH SÁNG. Lời Chúa nhấn mạnh: đây là ÁNH SÁNG THẦN LINH đến từ Thiên Chúa, giúp con người phá tan cái tăm tối u mê của kiếp người tội lỗi để thông phần vào dự tính cứu độ của Thiên Chúa qua việc nhận ra được Đấng Thiên Chúa sai đến đang hiện diện và thực thi ơn cứu độ giữa Dân Người.

Ánh Sáng Chúa đã giúp Samuel vượt qua được tầm nhìn giới hạn phàm nhân để nhận ra được Đấng “Mêsia – Vua” mà Chúa tuyển chọn nơi một thiếu niên chăn chiên trong làng quê Bêlem là ĐAVÍT và vui mừng xức dầu phong vương cho cậu.

Trong Tin Mừng, ÁNH SÁNG THẦN LINH là CHÍNH ĐỨC GIÊSU. Người đã cho anh mù bẩm sinh được nhìn thấy, thoát cảnh mù lòa bẩm sinh; và còn đi xa hơn nữa, Người đã giúp anh vượt qua mọi rào cản về giới hạn, mặc cảm cá nhân, về cơ chế xã hội, tôn giáo, đạo đức để NHẬN RA, TUYÊN XƯNG và TIN vào Người là NGÔN SỨ, là CON NGƯỜI.

Hoa trái của Ánh Sáng Thần Linh đó là NIỀM VUI được ĐỔI ĐỜI: cậu mục đồng Đavít trở thành VUA của Dân Chúa (bài 1); Anh mù được sáng luôn cả cặp mắt TÂM LINH đã “sấp mình xuống trước mặt Đức Giêsu” (c.38b) nhìn nhận quyền năng thần linh của Người và nên môn đệ Người.

Bài đọc 1 thuật lại việc ngôn sứ Samuel tuân lệnh Thiên Chúa, đến Bêlem vào nhà ông Giesê, tìm Đấng được Chúa chọn làm vua của Dân Người để xức dầu phong vương cho người ấy. Vì chưa biết rõ người đó là ai, ban đầu, Samuel đã theo những chuẩn mực nhân loại để phán đoán nhận định; Thiên Chúa đã bác bỏ tất cả “… Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn YAVÊ thì thấy tận đáy lòng” (c.7). Rồi chính YAVÊ soi sáng Samuel nhận ra Đấng được Chúa chọn: “Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi! Chính NÓ ĐÓ (c.12b). Từ đó cuộc đời Đavít hoàn toàn đổi mới vì “Thần Khí YAVÊ nhập vào cậu” (c.13a).

Tin Mừng Gioan, chương 9 thuật lại dấu lạ Đức Giêsu chữa lành cho anh mù bẩm sinh và những hệ quả kéo theo từ dấu lạ ấy.

  • Dấu lạ được trình bày như là một công trình sáng tạo mới: yếu tố được Đức Giêsu dùng chữa bệnh là BÙN ĐẤT (St 2,7) trộn với nước miếng của Người xức vào mắt kèm theo lệnh truyền “hãy đến hồ Silôac mà rửa”. Mọi sự được thi hành và kết quả có NGAY TỨC KHẮC (cc. 6-7). Qua cách trình bày đó, bản văn kín đáo mặc khải Đức Giêsu chính là Thiên Chúa (so St 1,3-9 …).

  • Ai nấy đều ngạc nhiên trước sự kiện lạ lùng ấy: bàn tán, xôn xao, tranh luận, tìm cách giải thích. Đó là dịp để anh mù làm chứng về Đức Giêsu: “Người tên là Giêsu đã trộn một chút BÙN, xức vào mắt tôi, rồi bảo tôi đến hồ Silôac mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy” (c.11).

  • Tuy nhiên mọi sự trở nên rắc rối khi người ta đưa anh mù đến với các ông Pharisêu. Trọng tâm vấn đề bị mấy ông này đẩy lệch đi: DẤU LẠ VĨ ĐẠI bị gạt qua một bên, HỌ BẮT BẺ ĐỨC GIÊSU vi phạm luật vì đã làm dấu lạ vào ngày Sabat.

  • Đức Giêsu, Đấng ban ơn, chữa lành lại bị kết án. Căn tính Đức Giêsu bị đặt vấn đề do các ông biệt phái. Trước sự kiện như thế, Tin Mừng đưa ra 3 thái độ:

  1. Dựa vào Luật ngày Sabat, các biệt phái tìm mọi lý lẽ, thủ đoạn để kết án Đức Giêsu và kết án luôn những ai dám tin vào Người (9,16.22).

  2. Dân chúng thì xôn xao nhưng SỢ HÃI: sợ bị trúc xuất khỏi Hội Đường (c.22)

  3. Phần anh mù, biết ơn vì mình đã được chữa lành, anh tuyên xưng Đức Giêsu là NGÔN SỨ (c.17). Không cần tranh luận! Tương quan biệt vị với Đức Giêsu qua DẤU LẠ đã giúp anh khẳng định: “ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!” (c.25). Bất chấp mọi áp bức kể cả bị loại khỏi Hội Đường (c.34), anh mù, với lòng biết ơn, lương tâm ngay thẳng, ý thức rõ về ân huệ mình đang hưởng, khi gặp lại Đức Giêsu, được Người mặc khải, anh đã tin nhận Người là CON NGƯỜI – Đấng Thiên Sai và sấp mình thờ lạy Người (cc 35-38 so Đn 7,13).

Đức Giêsu đã tới! Thời ánh sáng và niềm vui đã mở ra. Đừng khép kín tâm hồn để khỏi rơi vào cảnh mù tối trong tội (cc. 39-41). Hãy mở rộng lòng mình để ánh sáng Giêsu soi chiếu, ngự trị tận mọi ngóc ngách của cuộc đời chúng ta.

Không có bóng tối, tội lỗi nào có thể loại nhân loại ra khỏi Tình Yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Vì Đức Giêsu đã bước trước đến tìm con người và trao ánh sáng cho chúng ta. Cũng như người phụ nữ Samaria trong Tin Mừng tuần trước, hôm nay, anh mù đã dùng chính cuộc đời bất hạnh của mình, một cuộc đời bị ai nấy khinh chê xua đuổi để làm chứng cho Đức Giêsu.

Điều mà người Kitô hữu nhắm tới không chỉ dừng lại ở mức độ tránh tội, được chữa lành, chỉ lo riêng cho bản thân mình mà phải là trở nên cánh tay nối dài của Đức Giêsu để Thiên Chúa có thể ôm hết nhân loại và vũ trụ vào trong vòng tay yêu thương của Người.

Một khi bóng tối trong ta đã được xua tan đi, một khi đã được ánh sáng Đức Kitô thắp sáng trong ta thì người tín hữu phải dám từ bỏ tất cả những chỗ cậy dựa trước kia để chỉ còn phó thác tất cả cho Thiên Chúa, cho Đức Giêsu mà thôi (x.Pl 3,8).

Vậy, gặp được Đức Giêsu rồi thì chưa hẳn mọi sự đều sẽ yên ổn cả đâu! Mà là bắt đầu một CUỘC CHIẾN ĐẤU MỚI: chiến đấu để đem ánh sáng mà mình đã nhận được nơi Đức Kitô đến cho tha nhân. Chấp nhận bị các thế lực bóng tối loại trừ mình, để lôi kéo những ai đang bị cầm giữ trong bóng tối, về lại với Thiên Chúa.

Phải chiến đấu để trở nên cánh tay nối dài của Đức Giêsu, giúp nhân loại nhận ra Người đang đồng hành, đang ở giữa chúng ta trong phận con người như chúng ta.

Bài 2

Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh: hãy đến hồ Silôac mà rửa… khi trở về thì nhìn thấy được (Ga 9,6-7)… Gặp lại anh, Đức Giêsu hỏi: anh có tin vào Con Người không?… Chính Người đang nói với anh đây. Anh nói: Tôi tin, lạy Chúa (Ga 9,36-38).

Chúng ta bước vào Chúa Nhật 4 Mùa Chay. Truyền thống gọi Chúa Nhật hôm nay là Chúa Nhật vui. Vui vì chúng ta đã vượt qua được hơn một nửa chặng đường của “cuộc tập luyện chiến đấu thiêng liêng” trong Mùa Chay. Vui vì chúng ta đang dần dần khám phá ra dung mạo đầy yêu thương của Thiên Chúa ngày càng biểu lộ rõ hơn trong Đức Giêsu, trong Lời Chúa, qua các cử hành phụng vụ và bí tích trong Giáo Hội. Vui vì nhận ra tội lỗi của mình được thứ tha và còn có thể trở thành phương tiện để đem Chúa đến cho người khác; Bản thân đầy tội lỗi của hối nhân một khi đã gặp Đức Giêsu đã trở thành “cánh tay nối dài của Đức Kitô” đem “mạch nước trường sinh”, hồng ân cứu độ đến cho nhân loại (người phụ nữ Samaria trong Tin Mừng tuần trước).

Chủ đề của Lời Chúa Chúa Nhật 4A Mùa chay là ÁNH SÁNG. “Niềm vui” là được thoát khỏi tối tăm (thể xác cũng như tâm hồn) để được ánh sáng soi chiếu và nhìn thấy mọi sự đúng như bản chất của chúng.

  • Trong bài đọc 1, Thiên Chúa sai ngôn sứ Samuel đến nhà ông Giesê, cha của Đavít để xức dầu phong vương cho một trong những người con của ông này. Mặc dù mắt Samuel vẫn sáng, nhưng chưa được Chúa soi sáng tâm hồn, nên ông này không nhận ra được ai là người được Thiên Chúa tuyển chọn: ông chỉ đánh giá theo cái nhìn phàm nhân, dựa trên vóc dáng bên ngoài (1Sm 16,7); Đó không phải là chuẩn mực tuyển chọn của Thiên Chúa. Samuel cần phải chiến đấu, hoán cải theo tầm nhìn, ánh sáng của Thiên Chúa để nhận ra được người của Chúa.

  • Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành cho anh mù từ thuở mới sinh. Đối với anh mù, Đức Giêsu quả thật là ÁNH SÁNG và niềm vui của anh thật là lớn lao.

Trước một phép lạ cả thể như thế, lẽ ra mọi người phải VUI, phải CÙNG VUI với anh mù. Tiếc thay, dấu lạ ấy lại được Đức Giêsu thực hiện vào một ngày  Sabat. Đó là một lỗi phạm nặng về mặt tôn giáo, chính vì thế dấu lạ ấy gây ra nhiều phản ứng khác nhau trong quần chúng:

  • Phần nhóm biệt phái, một số phân vân: “ một người tội lỗi làm sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?, còn đa phần là không tin Đức Giêsu là người của Thiên Chúa vì Người vi phạm Luật Sabat. Và họ muốn mọi người phải có cái nhìn lệch lạc như họ kể cả làm áp lực về mặt tôn giáo: trục xuất khỏi Hội Đường những ai dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô.

  • Phần cha mẹ anh mù cũng chỉ dám nhìn nhận anh ta là con và bị mù từ sơ sinh, chứ không dám xác nhận do đâu mà anh được khỏi bệnh vì sợ áp lực của các biệt phái.

  • Chỉ có anh mù, khi nhìn vào phận mù của mình mà nay được sáng, đã nhận ra hồng ân lớn lao Thiên Chúa ban cho mình qua Đức Giêsu, nên bất chấp mọi hăm dọa, thù nghịch, anh đã từng bước tuyên xưng Đức Giêsu là “ngôn sứ”, rồi tin nhận Người là “Con Người”, là “Đấng đang nói với anh” và phục lạy tuyên xưng lòng tin của mình như đối với một vị Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con tin”.

  • Tóm: trước một dấu chỉ, một ơn huệ lớn lao như vậy, nhóm biệt phái đã trở nên mù vì ganh tị, âu lo, sợ mất ảnh hưởng. Cha mẹ anh mù cũng không hưởng được nguồn sáng vì sợ mất vị trí trong Hội Đường, trong cộng đồng tôn giáo. Chỉ anh mù là thật sự vui mừng: vui vì được sáng mắt và nhất là vì nhận ra được nguồn sáng, nhờ được mở mắt tâm hồn, là Đức Giêsu và tin nhận Người.

  • Tuy nhiên để đạt được niềm vui trọn vẹn như thế, anh mù cũng phải TRẢ GIÁ, phải CHIẾN ĐẤU:

  • Chiến đấu với chính bản thân để tin vào lời ra lệnh của Đức Giêsu đi rửa ở hồ Silôac (9,7).

  • Chiến đấu với dư luận để xác nhận mình chính là người mù bất hạnh, nhưng nay đã được chữa lành nhờ Đức Giêsu (9,8-11).

  • Chiến đấu với quyền bính (biệt phái), với các tập tục đã nên xơ cứng trong lối ứng dụng tôn giáo (cấm chữa bệnh trong ngày Sabat), để mạnh dạn tôn vinh Đức Giêsu là “ngôn sứ”, là người của Thiên Chúa (9,13-17).

  • Chiến đấu với nỗi sợ hãi bị loại ra khỏi Hội Đường để giữ vững niềm tin vào Đức Giêsu.

Trước mắt, niềm vui của anh là niềm vui được sáng mắt, nhưng niềm vui đích thực và bền vững là niềm vui được gặp Đức Giêsu, niềm vui được đổi đời, được trở thành “cánh tay nối dài của Đức Giêsu”, dám đem những bất hạnh tật nguyền của mình để làm chứng cho Đức Giêsu: “ông ấy là một ngôn sứ”… “ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được” (9,25).

Như vậy, trong Chúa Nhật “MỪNG VUI” này, thực sự chỉ có một số ít người, theo các bài đọc phụng vụ, được hưởng niềm vui: đó là Samuel sau khi hoán cải, đổi cái nhìn làm theo lời chỉ dẫn của Chúa; Còn Đavít và gia đình chưa vui trọn vẹn vì mọi sự còn trong tương lai; Đối với Đavít cái vui trước mắt và đích thực bền vững là “từ ngày đó trở đi, Thần Khí Yavê nhập vào Đavít” (bài đọc 1). Còn trong Tin Mừng thì chỉ có một mình anh mù là được hưởng trọn niềm vui cả xác và nhất là CẢ HỒN : phép lạ chính mà anh được hưởng không là hết mù mà là nhận ra Đức Giêsu và tin vào Người. Tuy nhiên để giữ vững niềm vui đó, anh phải tiếp tục CHIẾN ĐẤU trong TƯ CÁCH là CON NGƯỜI MỚI giữa cả một xã hội còn đắm chìm trong đêm tối: anh bị đuổi khỏi Hội Đường và bắt đầu con đường theo làm MÔN ĐỆ Đức Giêsu.

Vậy “Niềm Vui” mà Lời Chúa hôm nay đề cập đến không phải là bất kì niềm vui nào mà phải là “niềm vui do chính Thiên Chúa mang đến”, dành cho những ai bị giam cầm trong bóng tối, nhưng đã ý thức được thân phận bất hạnh, bất lực của mình, rồi dám phó thác để cho Thiên Chúa thực hiện nơi mình một cuộc hoán cải, đổi đời, giã từ quá khứ, bước vào tương lai trong tư cách mới là môn đệ Đức Giêsu ( hình ảnh anh mù chỉ là một minh họa ).

“Niềm Vui” đó không phải là những giá trị ngoại lai của trần thế được gán ghép vào phận người vốn đã quá cồng kềnh nặng nề của nhân loại; Nhưng đó là “một mầm sống thần linh”, “một mạch Nước Hằng Sống”, “một nguồn sáng từ Trời” đã được gieo cấy vào tâm hồn con người, đang bén rễ và lớn lên, đang loại trừ dần những tàn dư của bóng tối còn sót lại trong ta. Đó là một lời khích lệ, thúc đẩy tín hữu tiếp tục CHIẾN ĐẤU; một lời nhắc nhở phải luôn xét mình xem bản thân trong giây phút hiện tại có vẫn đang đi đúng đường Chúa hay không?

Nếu đã có rồi thì sống niềm vui CẢM TẠ và tiếp tục CHIẾN ĐẤU, xin ơn khiêm nhường và phó thác để có thể đi đến Golgôtha.

Nếu xét mình chưa thấy chuyển đổi gì, thì đây là dịp mau THỨC TỈNH  và nhận ra NIỀM VUI Chúa đang đồng hành với chúng ta, nâng đỡ chúng ta và bắt đầu nếm cảm niềm vui “có Chúa ở cùng”. Đó chính là NIỀM VUI mà Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta.

BÀI ĐỌC 1 : 1Sm 16,1b.6-7.10-13a

Đoạn văn này trích từ sách Samuel cuốn 1, thuật lại giai đoạn Israel đòi có vua như các dân tộc khác chung quanh. Thiên Chúa đã bảo tiên tri Samuel chiều ý dân, chọn cho họ một người, rồi xức dầu phong cho người đó làm vị vua đầu tiên của dân Israel, khai mạc giai đoạn Israel bước vào thời quân chủ. Đó là vua Saul.

Mặc dù được Thiên Chúa tuyển chọn và phù trợ, Saul đã không tuân phục Thiên Chúa: khi đã nắm vững quyền bính trong tay, Saul đã dần đi xa đường lối của Chúa, muốn hoàn toàn tự lập, không chịu tùy thuộc vào Thiên Chúa nữa. Kinh Thánh đã thuật lại hai chuyện tiêu biểu:

  • Xâm phạm quyền tư tế của Samuel (1Sm 13,10-15).

  • Và không thi hành án biệt hiến (hủy diệt hoàn toàn chiến lợi phẩm: sinh vật, tài sản. ĐNTHTK “Biệt hiến”) trên quân Amalek (1Sm 15,1-9).

Vì thế Thiên Chúa đã quyết định loại bỏ Saul khỏi chức vụ “vua” (1Sm 15,10-25) và chọn Đavít thay thế (1Sm 16,1). Ngay lúc Saul còn tại vị, Thiên Chúa đã sai Samuel đến Bêlem để xức dầu phong vương cho Đavít, dù cậu ta đang chỉ là một thiếu niên chăn cừu cho cha cậu (16,1-13).

Bài đọc 1 là trích đoạn cuối cùng nói trên, thuật lại việc Samuel theo lệnh Chúa đến Bêlem để xức dầu phong vương cho Đavít. Vì chưa được Chúa mặc khải rõ đấng được xức dầu là ai, nên Samuel đã nhiều phen lầm khi nhận xét một con người qua dáng vẻ bên ngoài. Cuối cùng nhờ Chúa soi sáng, Samuel đã nhận ra người được tuyển chọn chính là Đavít và xức dầu tôn vương Đavít.

Đoạn văn phụng vụ loại bỏ những câu liên can đến tình cảm của Samuel sợ bị Saul biết chuyện sẽ sát hại mình (16,2-5), và những chi tiết lặp lại về việc Chúa không chọn 7 người con lớn của Giesê (16,8-9) để tập trung vào các ý chính: Thiên Chúa chọn Đavít và sai Samuel đi xức dầu tôn vương Đavít – Người soi dẫn giúp Samuel nhận ra Đavít và mau mắn xức dầu cho cậu, hoàn thành sứ mạng Chúa trao phó.

1.Mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa (1Sm 16,1b)

  • Lệnh truyền cho Samuel: chuẩn bị dầu thánh, đi gặp Giesê người Bêlem.

  • Lý do: Chúa đã chọn một người con của Giesê làm vua (thế Saul).

“Ta đã chọn”: hoàng triều Đavít được khai mở bằng một SÁNG KIẾN của Thiên Chúa. Đối với Đavít, làm vua là một sứ mạng Chúa trao chứ không do từ một khát vọng quyền lực cá nhân, không là một quyền lợi mà Đavít tìm chiếm đoạt. Với Israel, vua là một đoàn sủng hơn là một thẻ chế thuần chính trị. Vua được Chúa chọn thay mặt Người để giúp dân Chúa thi hành, sống Luật Giao Ước đúng như Thiên Chúa muốn.

“Một người trong các con của Giesê”: Chúa không mặc khải ngay tên Đavít. Mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa luôn là một huyền nhiệm sống đối với con người: Thiên Chúa mặc khải từng bước một và con người cũng phải từng bước một khám phá dần chứ không thể nắm bắt tất cả ngay một lúc được. Điều này đòi hỏi con người phải hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa. Ở đây, Samuel là người được chính Chúa sai đi làm nhiệm vụ, ấy vậy mà Chúa không cho biết trước cách chính xác người ông phải xức dầu là ai: ông cũng phải trải qua những bước biện phân, từ bỏ quan điểm quen thuộc của mình, chờ đón mặc khải Thiên Chúa để nhận ra được đối tượng (giống như Abram: “đi đến đất Ta sẽ chỉ cho”).

  1. 2. Tiêu chuẩn chọn lựa của Thiên Chúa (1Sm 16,6-7)

  • Chuẩn mực thông thường của con người: thấy Eliab cao lớn, Samuel tưởng đó là kẻ Chúa chọn.

  • Yavê điều chỉnh và đưa ra chuẩn mực của Người:

  • Đừng xét theo vẻ bên ngoài kiểu như người phàm chỉ nhìn thấy bằng mắt.

  • Yavê thấy tận đáy lòng.

Đừng xét theo…” : vẻ cao lớn của Eliab gợi lên vóc dáng của Saul vốn được coi là một ưu thế khi ông được chọn (1Sm 9,2; 10,23). Nhưng nay, cái to lớn bề ngoài ấy đã bị Thiên Chúa loại bỏ và dùng cái nhỏ bé để hạ bệ cái hình dáng khổng lồ: sau này Đavít hạ Goliat. Điểm này trở thành như một nguyên tắc Kinh Thánh trong mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên Chúa và Phaolô đã khám phá và cô đọng lại trong 1Cr 1,26-29.

“… Chúa thấy tận đáy lòng”: tiêu chuẩn để được Chúa chọn không nằm ở dáng vẻ bên ngoài nhưng là ở thái độ nội tâm: người được chọn phải biết đặt mình đúng vị trí trong tương quan với Thiên Chúa và với công cuộc của Người, sẵn sàng thần phục và dám đón nhận mọi phán quyết sửa phạt của Thiên Chúa cho dù đau đớn. Đọc truyện Đavít, ta thấy ông đầy tội lỗi khiếm khuyết, nhưng ông luôn có được thái độ nội tâm tùng phục, gắn bó, phó thác tất cả cho Thiên Chúa.

  1. 3. Mặc khải người được xức dầu (1Sm 16,10-13a)

  • Bảy người con lớn của Giesê, không ai được Chúa chọn (c.10)

  • Phải đi tìm gọi về cậu út đang chăn chiên (c.11)

  • Vài nét mô tả dung mạo Đavít: mái tóc hung, đôi mắt đẹp, khuôn mặt xinh (c.12a)

Những nét trên cho thấy Đavít rất trẻ, còn “búng ra sữa”, nhưng Thiên Chúa đã nhìn thấy trong cậu lòng phó thác tuyệt vời dám đương cự bằng lời lẫn sức để hạ tên Goliat.

  • Thiên chúa mặc khải: “đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi! Chính nó đó!” (c.12b)

  • Samuel thi hành lệnh Chúa và thần khí Chúa nhập vào Đavít (c.13)

Chọn đứa út: Chúa có tiêu chuẩn riêng của Người. Malakhi 5,1-3 : Chúa chọn làng quê Bêlem.

Nó đang chăn chiên”: Chúa chọn gọi đối tượng lúc đang làm công việc thường ngày. Công việc thường ngày của ta là cách Thiên Chúa chọn để chuẩn bị cho sứ mạng Chúa sẽ trao. Vua Israel không phải là kẻ thống trị mà là MỤC TỬ, người chăn dắt, yêu thương bảo vệ dân, làm dân nên lớn mạnh như mục tử nhân lành lo cho đần chiên mình: thêm một hình ảnh tiên trưng cho Đấng Mêsia – Mục Tử.

“Chúa phán … chính nó đó” : chỉ đến khi trực diện với Đavít và được Thiên Chúa soi sáng, Samuel mới thực sự nhận ra được đích xác đấng được Chúa xức dầu. Việc này chỉ có thể được khám phá dần bằng một kinh nghiệm gặp gỡ đích thân, dưới sự soi sáng của Thiên Chúa. Tất cả những yếu tố khác liên quan tới đấng được xức dầu đều chỉ có vai trò làm dấu chỉ, dọn đường.

“ Chính nó đó”: đây là dạng ngôi thứ ba số ít của “Chính ta là” (ngôi một số ít). Dấu chỉ báo trước Đavít là hình ảnh tiên trưng của Đức Giêsu. Thật vậy, trong bài đọc Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng tỏ mình cho anh mù dưới dạng công thức này: “anh đã thấy NÓ (Người), người đó (NÓ) là người đang nói với anh” (Ga 9,37 = “Chính NÓ đó, người đang nói với anh”).

“Xức dầu”: là một nghi thức tấn phong, thường là phong vương. Việc được xức dầu từ tay một người của Thiên Chúa, tư tế hoặc ngôn sứ, làm vua trở nên người được hiến thánh cho Thiên Chúa, đã thuộc về Thiên Chúa, được Thiên Chúa chiếm đoạt để riêng ra cho công việc của Người.

“Thần Khí Chúa nhập vào Đavít”: từ nay Đavít được nhập vào hang những tuyển nhân đặc biệt của Thiên Chúa, vì trong Cựu Ước, ơn thần khí chỉ mới được ban riêng cho một số tuyển nhân đặc biệt.

  1. 4. Tóm kết:

  • Chúa chọn Đavít thay thế Saul nên đã ra lệnh cho Samuel đi Bêlem xức dầu cho Đavít.

  • Đường lối Chúa quả là kì diệu: nâng cao kẻ khiêm tốn mọn hèn. Cậu mục đồng vô danh đã trở nên người được Thiên Chúa xức dầu, từ một mục đồng đi sau đàn chiên, ông trở nên thủ lãnh chăn dắt dân Chúa và nhất là trở nên hình ảnh tiên trưng cho Đức Giêsu.

  • Mặc dù không trực tiếp nói về ánh sáng, bài 1 vẫn cho ta thấy chủ đề ánh sáng khi thuật lại sự biến đổi thân phận của Đavít và khi Chúa từng bước soi dẫn cho Samuel nhận ra được người của Chúa.

TIN MỪNG : Ga 9,1-41

Bài đọc Tin Mừng hôm nay là một trích đoạn từ khối văn chương lớn Gioan 7,1-10,21, nói về việc Đức Giêsu tham dự Lễ Lều tại Giêrusalem. Đây là một đại lễ hội tôn giáo của người Do Thái, toàn dân ai có điều kiện thì phải hành hương về dự lễ ở Thánh Đô.

Thực ra, trước khi người Do Thái vào xâm chiếm Đất Hứa, lễ này đã có và là một lễ hội nông nghiệp: dân chúng VUI MỪNG  vì một mùa thu hoạch mùa màng thành công vừa xong, hoa màu đã cho vào kho lẫm. Dân chúng tạ ơn thần linh đã ban cho một vụ mùa phú túc, đồng thời cũng xin cho năm tới tiếp tục mưa thuận gió hòa. Bầu khí VUI MỪNG bao trùm dịp lễ.

Đến khi người Do Thái vào làm chủ Đất Hứa, lễ này được hội nhập vào dòng lịch sử riêng của họ. Lễ hội giúp dân tưởng niệm, cảm nghiệm lại nơi thế hệ mình, cuộc lữ hành dài lâu 40 năm xuyên qua hoang địa của tổ tiên họ sau khi ra khỏi ách nô lệ Ai Cập.

Trong giai đoạn lữ hành sa mạc này, dần dần dân khám phá ra Yavê không còn là một Thiên Chúa xa lạ, con người không sao vươn tới nữa, mà là một Thiên Chúa gần gũi: cụ thể, Người là một Thiên Chúa đồng hành với dân, chia sẻ cuộc sống thực tế với dân từng ngày, từng giai đoạn. Mặc dù Thiên Chúa vẫn linh thánh, đáng sợ nhưng dần dần, Thiên Chúa đi vào đồng hành với dân trong cuộc sống: Chúa cùng ở trong Lều, di chuyển chung với dân; Chúa tiếp cận với dân trong Manna, trong Nước uống; Chúa cùng bước đi với dân qua áng mây, cột lửa (Xh 13,21-22; 40,36-38).

Gioan 7,1-10,21 đã chọn LỀU, NƯỚC, ÁNH SÁNG làm các nghi thức phụng vụ long trọng nhất được cử hành dịp này:

  • Dân ở trong lều;

  • Vào ngày thứ 8, ngày bế mạc, hai nghi thức liên quan tới “Nước” (x. Ga 7,37-38) và “Ánh Sáng” (x. Ga 8,12) đóng vai trò quan trọng.

Chính trong bầu khí long trọng, vui tươi nhưng cũng có phần bát nháo đó, Đức Giêsu đã công bố “ai khát hãy đến với tôi” (7,37-38) và “chính tôi là ánh sáng cho trần gian” (8,12). Và dấu lạ chữa lành anh mù từ thuở mới sinh là một minh họa, một củng cố cho các lời công bố của Người.

Bài đọc Tin Mừng chính là dấu lạ “chữa mù” này. Bài đọc này quá dài, chỉ xin suy niệm vài ý nối kết mật thiết với bài đọc 1.

  1. 1. Dấu chỉ và ý nghĩa của nó (9,1-7)

     * Sự kiện: Đức Giêsu nhìn thấy một anh mù bẩm sinh (c.1).

  • Trước sự kiện đó cách xét đoán của Đức Giêsu khác với truyền thống (cc.2-5).

Chịu ảnh hưởng của truyền thống, các tông đồ đã cho rằng bệnh tật của anh mù là do tội lỗi của anh ta hoặc của cha mẹ anh ta: Ed 18,20; Xh 20,5.

Đức Giêsu xét đoán cách khác. Thực ra Đức Giêsu cũng nhìn nhận rằng tội là nguyên nhân của những sự dữ mà con người phải chịu (x. Ga5,14). Tuy nhiên Người không liên kết chúng theo lối nhân quả tức thời, sòng phẳng để rồi độc đoán kết án tha nhân cách tức thời, ngay trong hiện tại.Trái lại, Người xem điều bất hạnh đó như là một tai họa mà Người – và sau này là môn đệ Người – phải chiến thắng, diệt trừ để giải cứu kẻ bất hạnh và giúp cho mọi người nhận ra công việc Thiên Chúa muốn làm cho nhân loại. Do đó thay vì kết tội anh mù, Đức Giêsu chuẩn bị ra tay giải cứu anh và mặc khải cho mọi người nhận ra được công việc của Thiên Chúa ngay trong bệnh tật của anh: Người từng bước đã biến anh nên CHỨNG NHÂN về lòng nhân từ của Thiên Chúa và về Đấng Mêsia. Qua việc cứu chữa anh ta, Đức Giêsu đã tỏ mình là ÁNH SÁNG CỦA TRẦN GIAN.

“Khi trời còn sáng” = “bao lâu còn là ngày” (Cha Thuấn) (c.4): Đức Giêsu so sánh thừa tác vụ ở trần thế của Người với thời gian một ngày làm việc. Người phải nhanh chóng tận dụng thời giờ để hoàn tất sứ vụ vì “đêm đen” của đời Người sắp tới. Trước mắt là phải chữa lành anh mù để cụ thể hóa, minh họa lời Người tuyên bố “Chính tôi (êgô êimi) là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12).

  • Cách thức chữa bệnh: (cc.6-7)

  • Nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt anh mù.

  • Lệnh truyền: “ anh hãy đến hồ Silôê để rửa”.

“Nước miếng”: theo người xưa, có khả năng sát trùng, có thể dùng chữa bệnh, đặc biệt là về mắt như sử gia La Mã Tacite (55-120) có viết trong “Histoires, IV, 81”. Maccô 7,33 và 8,23 cũng kể lại hai phép lạ Đức Giêsu dùng nước miếng chữa bệnh mù và điếc. Nhưng ở đây Đức Giêsu trộn nước miếng với đất thành bùn rồi xức vào mắt anh mù, kế đó sai anh đến hồ Silôê mà rửa. Chắc đây là một hành vi có nghĩa biểu tượng gợi lại việc Thiên Chúa tạo dựng con người. Vậy qua việc chữa lành, Đức Giêsu sắp biến anh mù thành một con người mới thuộc về cộng đoàn những người tin nhận và tôn thờ Đức Giêsu như Kurios (= CHÚA). Phần tiếp của Tin Mừng cho thấy điều đó.

“Rửa tại hồ Silôê”: Silôê có nghĩa là “người gởi (nước) tới”. Tin Mừng 4 sử dụng từ này nhưng chuyển qua nghĩa chủ động: “người được sai đi” (c.7). Trong Tin Mừng 4 Đức Giêsu  được gọi là “ Đấng được sai đi” hơn 40 lần và Người vừa mới bảo các môn đệ rằng Người phải thi hành công việc của Đấng đã sai mình (c.4) (Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm A. Các Mùa trang 261), và cách Chúa chữa anh mù là “sai anh ta đi” đến rửa ở hồ Silôê. Phải chăng Đức Giêsu muốn biến anh ta thành chứng nhân cho Đức Giêsu như Đức Giêsu đã là chứng nhân cho Cha.

  1. Phản ứng của con người trước dấu chỉ (9,8-34)

2.1 Thái độ của anh mù: từ tối tăm bước vào ánh sáng.

Việc nhận được ánh sáng thể lý đã là nguyên cớ từng bước dẫn anh mù đến ánh sáng đức tin. Cũng như phụ nữ Samaria trong chương 4, chính kinh nghiệm bản thân và ơn lãnh nhận được đã làm anh mù thành chứng nhân, dám sống và bảo vệ sự thật mà anh đã cảm nghiệm và nhận lãnh được, để rồi khi gặp lại Đức Giêsu lần nữa, anh đã nên môn đệ Người:

  • “Vậy anh ta đến rửa ở hồ” và khi về thì nhìn thấy được (c.7b).

  • Ý kiến mâu thuẫn nhau của những người chứng kiến và lời xác nhận của anh mù (cc. 8-12).

Thái độ trước tiên của anh mù là nghe lời Đức Giêsu, đến hồ Silôê rửa. Bắt đầu từ đó anh ta tiến dần từ ánh sáng con mắt đến ánh sáng đức tin. Trước sự kinh ngạc và ý kiến trái ngược nhau của những người đã từng biết anh, anh đã xác nhận mình chính là kẻ ăn xin bất hạnh trước kia, nhưng nay đã được chữa lành.. Một khi dám nhìn nhận thân phận khốn cùng của mình và biết ơn ân huệ mình đã nhận, anh mù bắt đầu đi vào con đường trở thành một chứng nhân: Anh khẳng định có người tên Giêsu đã chữa lành anh bằng cách thuật lại những gì đã xảy ra cho anh và anh đã được thấy. Tới lúc đó, giữa anh và Đức Giêsu chưa có mối tương giao nào khác hơn là anh được Người chữa lành, nhưng rồi giờ này cũng chẳng biết Người là ai và đang ở đâu. Anh chỉ nói lên một điều là can đảm thuật lại cách trung thực hồng ân đã nhận được.

  • Làm chứng trước nhóm biệt phái lần 1 và tuyên xưng Đức Giêsu là ngôn sứ(cc.13-17)

Khi đối diện với nhóm biệt phái, anh lập lại chứng từ một lần nữa, nhưng lần này anh phải đối đầu với cái nhìn vụ luật, hẹp hòi, phi nhân bản của nhóm biệt phái: phủ nhận Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa vì Người làm phép lạ vào ngày Sabat. Đó lại là dịp tốt để anh mù xác tín thêm vào Đức Giêsu và đi sâu hơn vào tương quan tin tưởng Người, anh tuyên xưng Người là ngôn sứ.

  • Đối đầu với các biệt phái lần 2 (cc.24-34)

  • Biệt phái ép anh ta phải nói Đức Giêsu là người tội lỗi.

  • Anh dùng chính việc được chữa lành để xác tín Đức Giêsu là người đến từ Thiên Chúa.

  • Kết quả: anh bị mắng át đi và bị trục xuất khỏi Hội Đường.

Đức tin anh mù tiến xa hơn khi anh đối đầu với biệt phái lần nữa và hết lòng bênh vực Đức Giêsu với các lý lẽ dựa vào chính hồng ân được sáng mắt mà anh đã lãnh nhận. Trước sự chai cứng của nhóm biệt phái, tìm đủ mọi cách để bóp méo sự thật, hỏi đi hỏi lại một điều mà anh đã trình bày rõ ràng hai lần (câu 11 và 15b), anh đã bực mình mỉa mai họ: “hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy?”. Lý luận của anh thật sắc bén (cc.30-33) để bác bỏ luận cứ sai lạc của biệt phái, đồng thời bênh vực và xác tín rằng Đức Giêsu là “người bởi Thiên Chúa mà đến” mặc dù đến lúc đó anh cũng chưa rõ Người là ai trừ kinh nghiệm được Người cho sáng mắt.

Cuối cùng, anh ta dám chấp nhận bị kết án bất công: bị đuổi ra khỏi Hội Đường; nghĩa là chấp nhận mất mọi thứ bảo vệ an toàn về tôn giáo, xã hội để luôn trung thành với sự thật, sống lòng biết ơn đối với người đã chữa lành cho anh.

2.2  Phản ứng của nhóm biệt phái: Tìm mọi cách phủ nhận Đức Giêsu là người của Thiên Chúa

  • Vì Đức Giêsu vi phạm luật Sabat (c.16)

  • Vặn hỏi cha mẹ anh mù (cc.18-21), bắt anh mù phải thề “anh hãy tôn vinh Thiên Chúa” (c.24)

  • Áp lực: đuổi khỏi Hội Đường những ai tuyên xưng Đức Giêsu là Kitô (c.22.24b)

Nhóm biệt phái sáng mắt thể lý nhưng mù về đức tin và về sự thật, do sự cứng lòng, tự ái, cố chấp của mình. Trước một sự kiện hiển nhiên là anh mù được sáng mắt, họ vẫn khép lòng, khư khư bám vào một điều khoản luật Sabat mà không mở lòng để hiểu ý nghĩa và cùng đích của Luật ấy (x. Mc3,4). Càng ngày họ càng lún sâu trong sai quấy của họ: không phủ nhận được dấu chỉ, họ tìm đủ cách làm giảm giá trị con người Đức Giêsu, giải thích lệch lạc ý nghĩa của sự kiện; họ làm áp lực cho cha mẹ anh mù; họ chất vấn anh mù nhiều lần mong tìm được một chút sơ hở nào đó để dựa vào đó bẻ cong ý nghĩa của sự kiện, giống như trong Nhất Lãm họ nói Đức Giêsu trừ quỷ nhờ Beelzeboul. Họ không ngần ngại dùng phương thức hạ cấp bất công là mạt sát Đức Giêsu lúc Người khiếm diện, dùng bạo lực để ép kẻ khác đi vào dự tính của mình và cuối cùng là lạm dụng quyền bính cách bất công: trục xuất tất cả những ai tin Đức Giêsu ra khỏi Hội Đường.

  1. 3. Can thiệp chung cuộc của Đức Giêsu (9,35-41).

  • Đức Giêsu đến gặp lại anh mù và tỏ mình cho anh; anh đã tin (cc.35-38).

  • Đức Giêsu rút ra bài học về sự sáng, mù đích thực (cc.39-41).

Việc anh mù bị trục xuất khỏi Hội Đường còn mang ý nghĩa biểu tượng: phải tách rời hẳn khỏi cái thể chế cũ kỹ đã bị bóp méo này thì người ta mới đủ tự do để tin nhận Đức Giêsu và những điều mới mẻ do Người mang đến. Giờ anh mù đã tự do, Đức Giêsu đến gặp anh lần nữa và tỏ mình ra cho anh, mời anh tin vào Người: “Anh có tin vào Con Người không?… ChínhNgười đang nói với anh đây”. Sự thật đã tới mức viên mãn: anh mù không phải là tội nhân, nhưng là môn đệ; anh không hề bị trục xuất, nhưng anh được đón nhận vào Nước Trời. Đây là quyết định của Đức Giêsu, vị thẩm phán tối cao. Giá trị chắc chắn vượt xa những gì Môsê đã công bố.

Còn đối với những kẻ tự cho mình là sáng, tự cho mình quyền lên án kẻ khác thì dấu chỉ mang đến hạnh phúc cho anh mù, lại trở thành chứng cớ để xét xử, kết án họ; họ mới là kẻ mù đích thực và tội của họ vẫn còn (c.39); càng ngụy biện kháng cự thì cái sai trái của họ càng lộ rõ hơn và án phạt càng nặng hơn (cc.40-41).

  1. 4. Tóm kết:

Đức Giêsu đến tỏ cho mọi người biết Người là ÁNH SÁNG giải cứu nhân loại khỏi tối tăm. Nhưng ánh sáng đó có rọi được tới đáy thẳm tâm hồn mỗi người hay không là còn tùy thuộc vào thái độ của mỗi người đối với Đức Giêsu. Tin Mừng hôm nay là một minh họa.

Kẻ mù lại được sáng. Lúc đầu anh mù ở trong tối tăm, không biết Đức Giêsu là ai, nhưng nhờ Đức Giêsu thương đi bước trước đến trao lại cho anh sự sáng của con mắt và phần anh, nhờ biết mở lòng ra trước sự thật, can đảm chấp nhận mọi sự để biện minh cho sự thật, cho Đức Giêsu, anh đã được sáng luôn cặp mắt tâm hồn và từng bước trở thành môn đệ Đức Giêsu. Trong khi đó kẻ tưởng mình sáng, hiểu biết, thì lại phải lộ ra cái biết sai lạc, cái mù tối của mình và phải chịu án phạt do lòng chai cứng của mình khi khăng khăng khước từ sự thật. Bi kịch này là một bài học cho các Kitô Hữu là những người đã tin nhận Đức Giêsu, đã biết Người. Ước gì ta luôn mở rộng lòng trước các dấu chỉ của Thiên Chúa, để luôn canh tân cuộc sống ta theo đúng đường lối của Người và thờ lạy Người trong mọi nơi, mọi lúc, mọi tình huống của cuộc đời ta.

SUY NIỆM THÊM

“MÙ” và “SÁNG”

Đoạn văn được chọn đọc trong Chúa Nhật 4A Mùa Chay kết thúc rất có hậu: niềm vui dâng cao, anh mù gặp Đức Giêsu và tin vào Người. Kết quả ăn khớp với chủ đề MỪNG VUI  của Chúa Nhật 4 Mùa Chay.

Tuy nhiên đừng quên lộ trình dẫn đến Niềm Vui ấy. Đó là một lộ trình cam go của CHIẾN ĐẤU, TỪ BỎ, can đảm CHỌN LỰA. Trong khi đám đông, vì nhiều lý do khác nhau đã không dám đến với Đức Giêsu, biểu lộ thiện cảm đối với Người thì ANH MÙ , chỉ còn một mình anh, đơn độc đến với Đức Giêsu, tuyên tín và thờ lay Người. Anh đã dám đánh đổi mọi sự để có được Đức Giêsu.

Thật vậy, cha mẹ anh cũng đã chối từ trách nhiệm đối với việc anh được chữa lành; Xã hội lẫn tôn giáo đã bị áo bức của Biệt Phái cũng loại trừ anh.

Vậy niềm vui mà Lời Chúa muốn gửi tới cho các tín hữu trong Mùa Chay là niềm vui của CHIẾN ĐẤU, TỪ BỎ mỗi ngày một rời xa bóng tối và dẫn bước thân tình hơn vào quỹ đạo của lòng thương xót Chúa.

Vui không phải vì mọi sự đã hoàn tất, trách nhiệm đã xong; Không! Mọi sự chỉ mới bắt đầu! Một lộ trình mới. một cuộc chiến đấu mới lại mở ra với động lực và cùng đích là lòng thương xót của Chúa. Người tín hữu tiếp tục được sai đi trong tư cách mới, với động lực và mục đích mới. Thập Giá vẫn còn đó, nhưng không là một đe dọa, một nỗi sợ hãi cho kẻ tin nữa mà trở thành Niềm Vui, “mối lợi tuyệt vời” của tín hữu (Pl 3,8).

Tuy nhiên Gioan 9 không kết thúc ở 9,38 mà là ở “9,39-41” . Đoạn kết ngắn này là một lời cảnh cáo BUỒN khẩn cấp mà Lời Chúa muốn gởi tới các tín hữu là những người đã đang sáng mắt nhờ được Chúa chữa lành qua bí tích Thánh Tẩy. Chúng ta được nuôi dưỡng, lớn lên trong Luật mới, trong yêu thương, trong lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy coi chừng:

Mở đầu đoạn Tin Mừng, Biệt Phái là những người sáng mắt; Nhưng kết thúc bị Chúa mắng là “mù” và còn nặng nề hơn nữa là mù cả về tâm linh: bị trách là “đáng tội”, “tội vẫn còn” (c.41). Tại sao thế? Lời Chúa hôm nay gợi ý cho ta một câu đáp:

Vì có một cái nhìn sai lạc về Thiên Chúa, về tha nhân, về sự vật và rồi cứ cố chấp giữ khư khư cái tầm nhìn ấy, không chịu thay đổi:

  • Cái nhìn hời hợt, đánh giá theo dáng vẻ bề ngoài (Samuel: bài 1).

  • Cái nhìn định kiến: Ga 9,2.16.24b.34.

  • Cái nhìn phát sinh từ dục vọng, đam mê, ích kỷ… thấy Đức Giêsu được dân chúng hâm mộ, Biệt Phái sợ bị mất uy tín, ảnh hưởng nên tìm mọi cách để nói xấu, hạ bệ Đức Giêsu.

  • Cái nhìn bạo lực, loại trừ: 9,22-28 và “họ trục xuất anh” ra khỏi Hội Đường: 9,34.

Đó là những cái  nhìn tự mình lừa dối mình, không nhìn đúng thực tại như chúng là, không khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong các biến cố…

Nhất là không chịu thay đổi tầm nhìn, cố chấp. Do đó họ đã đi từ “chỗ sáng” qua “bóng tối”. Và họ thật đáng tội! (9,41). Lời cảnh cáo đáng sợ!

Các tín hữu đang ở trong ánh sáng. Hãy khiêm tốn xin Chúa giúp luôn biết nhìn lại chính con người mình để có được tâm hồn luôn SÁNG, đón nhận Niềm Vui do Đức Giêsu mang tới.

 Frère Pierre Đình Long FSC