Bài Giảng Lễ Của Cha Đaminh Ngô Công Sứ

BÀI GIẢNG LỄ CỦA CHA ĐAMINH NGÔ CÔNG SỨ

TRONG LỄ TẠ ƠN MỪNG NGÂN KHÁNH LINH MỤC

CHA BÊNÊDICTÔ BÙI ĐỨC HIỀN

tại Giáo xứ Bảo Thị ngày 09-02-2017.

  1. Hôm nay cha Benedicto Bùi Đức Hiền, chánh xứ Đức Mẹ LaVang B2, giáo hạt Vĩnh Thanh, giáo phận Long Xuyên kỷ niệm 25 năm ngày chịu chức linh mục. Ngài thụ phong linh mục ngày 30-01-1992 tại giáo phận Long Xuyên. Là người con của giáo xứ Bảo Thị xa gia đình từ năm 1964 để theo một ơn gọi như trong bài đọc 1, Chúa nói với Giêrêmia về ơn gọi huyền nhiệm này : Trước khi tạo thành con trong lòng mẹ, ta đã biết con. Trước khi con lọt dạ mẹ, Ta đã thánh hiến con …. Hẳn những người đồng thời với ngài còn nhớ và xót xa kể lại chính ngày thụ phong còn bị Nhà Nước làm việc, và cả ngày tạ ơn tại giáo xứ Bảo Thị quê hương, Ngài và mẹ già phải ra trình diện CQ xã, để trả lời về các chức linh mục mới được nhận. Cái thuở đi từ xã này đến xã kia cũng phải xin giấy phép đi đường, thì lạ gì chịu chức Linh mục chắc chắn phải nhiều thứ giấy tờ thủ tục nhiêu khê. Đó là những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn của thuở ban đầu ấy. Cái thuở mà thi sĩ Hồ Dzếnh gọi là “ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”, còn chúng ta nói nôm na đây là : “miếng ngon nhớ lâu đòn đau nhớ đời”. Nhớ những lời chúc mừng và những món quà của những người thân trao tay mà ánh mắt dường như thương hại vì tân linh mục đã 42 tuổi, mà mở đầu sứ vụ toàn là những bước thương đau. Chúa nhật tuần rồi, ngài đã dâng lễ tạ ơn ngân khánh linh mục ở giáo xứ của ngài, có Đức Cha phụ tá Long Xuyên, người cùng chịu chức linh mục với ngài giảng lễ. Hôm nay xin được một lần nữa về với quê hương, lần này bầu khí dễ thở hơn, giữa bà con xóm giềng vui vẻ hơn để cùng tạ ơn Chúa, cám ơn tất cả mọi người, dù trong số đó có nhiều kẻ nay đã ra người thiên cổ.
  2.  Nếu thi hào Kahil Gibran chỉ với một một ngày thức dậy  mà đã biết cám ơn đời: “Cám ơn đời mỗi sáng mai thức dậy, Ta được thêm ngày nữa để yêu thương”. Thì  thử hỏi, sau 25 năm trong chức linh mục, cha Benedicto phải cảm ơn Chúa, cảm ơn cuộc đời, cảm ơn bao hy sinh, lời cầu nguyện và giúp đỡ của Dân Chúa, của những người thân biết mấy cho vừa, biết bao cho đủ. Nếu phải kể ra đây quãng đời 25 năm linh mục xuôi ngược nơi vùng sống nước giáo phận Long Xuyên, hay hơn nữa 53 năm theo Chúa trong đời tu giữa những gian nan thăng trầm của thời cuộc, nhất là những năm sau 1975 thời mà: “khó khăn trong ngày đầu thì ở đâu cũng có – Khó khăn trong ngày đầu, bạn bè chưa hiểu nhau – Bắt tay xây dựng lại – Bạn bè chưa tin nhau” thì làm sao nói hết được những biến cố và hồng ân. Trong ký ức của cha Benedicto, và những người thân trong gia đình, những người đã cùng ngài đi qua những chặng đường dài mục vụ chắc chắn cũng có lúc thấy đời linh mục của ngài như đường về Emau tăm tối, hay có lúc rộn ràng bước chân trở lại Giêrusalem rạng rỡ niềm vui. Cha Benedictô cũng nhận ra có bao nhiêu mộng ước tốt đẹp được gieo trên những phần đất tông đồ mình đi qua nay đã thành hoa thành trái, và có khi những hạt giống đó èo uột giữa bụi gai, hoạc chìm trời ăn mất. Đó là khi làm phó xứ Năng gù, khi phụ trách họ đạo Lộ Đức, hay giáo xứ thị trấn Núi Sập, và đến bây giờ là giáo xứ Đức Mẹ La Vang B2. …Ngài còn nợ nhiều người vì chưa đáp ứng được những yêu cầu mà đáng lý ra họ phải nhận được nơi ngài, một linh mục được sai đến chỗ nào đó vì họ, và sống cho họ. Cũng không thể quên được những món nợ với lương dân mà ngài đã gặp trên bước đường truyền giáo. Vì thế, thánh lễ tạ ơn hôm nay còn là lời xin lỗi Chúa và xin sự tha thứ của tất cả những ai đã sống và làm việc với linh mục của Chúa trong thời gian qua.
  3. Mặc dù ngay từ những ngày đầu đời các linh mục đều tâm niệm lời ngôn sứ Giêrêmia: “Ôi lạy Chúa, con đây còn trẻ người non dạ, con không biết ăn nói…”– và “Ta đã biết ngươi trước khi người lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa, đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”, nhưng vốn bản thân còn nhiều thiếu sót nên không ít lần trong cuộc đời đã hành xử như một người chăn thuê và không đặt mọi suy tính của mình trong tầm nhìn ngôn sứ, là “để nhổ, để xây, để trồng…” lời Thiên Chúa cho mọi người ! Hai mươi lăm năm nhìn lại, có khi vẫn chưa “thận trọng trong mọi sự, chưa bằng lòng chịu đựng đau khổ, chưa làm tròn công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của mình” như Thánh Phaolo khuyên dạy môn đệ của Ngài là Timôthê trong bài đọc II, và qua đó khuyên dạy các linh mục của Hội Thánh. Linh mục còn mắc nợ điều mà ngài cũng như các anh em thề hứa với Đức Giám mục trong ngày chịu chức, là “tin điều con đọc, dạy điều con tin, thực hành điều con dạy” và “khôn ngoan chu toàn nhiệm vụ lời Chúa trong việc rao giảng Phúc Âm và trình bày đức tin công giáo” cho mọi người.
  4.  Cha Benedictô không có ý mời chúng ta đến để than thở về đời linh mục trong ngày ngân khánh mà chỉ muốn nói với ACE rằng: dù gì linh mục cũng là con người, là chiếc bình sành dễ vỡ được Thiên Chúa dùng để cất dấu kho tàng của Ngài. Chính khi ý thức sự mỏng manh này mà linh mục phải biết cậy dựa vào ơn Chúa ban để gìn giữ chiếc bình Chúa đã chọn cho nguyên vẹn…Mấy chục năm của đời tu, và cho đến bây giờ khi “ tóc bạc, da mồi, đời xế bóng, sức tàn vơi”, linh mục đã nghe biết bao lời dạy, dự bao cuộc tĩnh tâm, bao giờ huấn đức, đọc bao sách vở… nói về thiên chức linh mục, và thiên chức này được trao phó cho những con người đầu đen máu đỏ, nên các ngài vẫn phải chịu thử thách như trăm bề như “thử vàng trong lửa, để Thiên Chúa đón nhận như của lễ toàn thiêu”.
  5.  Lời kết cho bài giảng này tôi xin anh chị em cầu nguyện cho các linh mục của chúng ta, đời các Ngài như chiếc tàu Titanic được coi là thành tựu vĩ đại và là niềm tự hào của ngành hàng hải đầu thế kỷ XX. Người ta đặt tên nó là Khổng lồ, là Titanic, vì cho rằng nó không thể bị đắm. Thế mà trong chuyến hải hành đầu tiên nó đã bị đụng vào một núi băng , gãy đôi và dần dần chìm xuống đáy biển, mang theo 1523 người trên chuyến đi định mệnh ấy, vào ngủ yên giữa lòng biển băng giá sâu gần 4000m. – Có bộ phim nói về con tầu Titanic này hấp dẫn và lãng mạn, giống như đời linh mục: có tài ba, có thế lực, có tiền của, có sức khỏe, có cuộc đời yêu thương, có người đời nâng đỡ… nhưng đó không phải là lý do để linh mục tự hào. Ngài sẽ bị tan nát như con tàu kiêu hãnh kia đi không hết chuyến hải hành đầu tiên. Nếu linh mục nghĩ khả năng mình sẽ đi hết con đường sứ vụ, Ngài sẽ bị nhận chìm trong bão táp. Nếu ngài quên chính Chúa chọn và cắt đặt ngài đi, Ngài sẽ vỡ tung giữa phong ba của biển đời.Những lúc đó, xin các linh mục nhớ lại lời nguyền muôn thuở Thiên Chúa nói với Giêrêmia trong bài đọc I:” Ta ở với ngươi”, và cam kết của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng : “Hãy ở lại trong tình yêu của thầy”. Vì những ai lãnh sứ vụ của Ngài đều do ngài chọn, và đồng hành mọi chặng đường trần gian.Câu chuyện tầu Titanic do đạo diễn James Cameron dàn dựng còn để lại một ấn tượng mà người ta khó quên, đó là khi con tầu dần chìm trong đại dương băng giá, bóng tối và tiếng gào thét không át đi tiếng nhạc của dàn hòa tấu trên boong tàu. Khi hiểm họa xảy ra, những nhạc công vẫn bình tĩnh , họ họp nhau để tấu lên nhạc phẩm bất hủ nổi tiếng “Nearer, My God, to Thee” của James Horner để thay mọi người dâng lên Chúa lời cầu trong lúc gian nguy, tiếng nhạc cứ vang mãi như xoáy sâu vào lòng đại dương đi theo những con người bất hạnh :

    Chúa ơi, con mong gần Ngài, gần bên Chúa hơn

    Dẫu muôn gian truân ngập tràn, hằng vây bủa lấy con

    Con vẫn ca khen ngày đêm : Ôi Chúa cho con được gần

    Chúa ơi, con mong gần Ngài, gần bên Chúa hơn…

    Ước gì các linh mục của Chúa giữ lời mời gọi trong bài Phúc Âm hôm nay: Hãy ở trong tình yệu Chúa, cũng có nghĩa là hát mãi lời cầu xin cho ơn Chúa phủ kín đời mình, xin ơn Chúa đủ cho đời mình, xin ơn Chúa giữ chặt đời mình :  ”Chúa ơi, con mong gần Ngài, gần bên Chúa hơn.

    Bóng đen bao quanh mịt mù, dừng bên đường nghỉ chân

    Trong giấc mơ đêm triền miên, ôi Chúa con mơ được gần

    Chúa ơi, con mong gần Ngài, gần bên Chúa hơn…

                                            Long Khánh ngày 9-02-2017

                                          Linh mục Đaminh Ngô Công Sứ