CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM C

Lc 16,19-31

     Chúa nhật trước Chúa Giêsu dạy: Anh em hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ [Thiên Chúa] sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh viễn. (Lc 16,9). Chúa nhật tuần này, Chúa Nhật 26 Thường Niên Năm C, qua Tin Mừng Luca 16,19-31, Chúa Giêsu lại cho thấy một hình ảnh phản diện. Một ông nhà giàu, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình, nhưng lại không biết dùng tiền của dư giả của mình để mua lấy nước trời. Ông không hề mảy may quan tâm đến Lazarô, một người nghèo, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng nhà ông, thèm được ăn những thứ trên bàn ông rớt xuống.

      Tin Mừng nói ông ta giàu. Có thể đó là gia tài bố mẹ để lại, cũng có thể do ông ta biết cách làm ăn chân chính, không phải gian dối, bóc lột, không phải trộm cắp, lừa đảo hay tham ô. Ít ra Tin Mừng cũng không đề cập đến những điều này. Có thể nói ông ta khá liêm chính.

       Ông ta đã không phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, nhưng là trong những việc thiếu sót.

      Ông ta nhắm mắt làm ngơ trước sự khốn cùng của Lazarô, người nghèo khó ngay trước cổng nhà ông. Ông ta sống hưởng thụ, ích kỷ, chè chén say sưa, linh đình. Ông ta khép kín và vô cảm. Trái tim của ông ta đã xơ cứng, là trái tim ngục tù 

       Chúa không kết án người giàu, chỉ vì họ có nhiều của cải. Nhưng Ngài chỉ trích những ai giàu mà quên Thiên Chúa, mà keo kiệt, ích kỷ, vô cảm, tôn thờ của cải vật chất tuyệt đối.

Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”.(Lc 16,13) Chúa Giêsu còn xác quyết : “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa.(Mt 19,24)

       Đó chính là tội của người giàu có trong dụ ngôn hôm nay. Ông đã chọn tiền bạc làm chủ.Trong khi người đời nói tiền bạc là một tên đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ tồi. L’argent est un bon serviteur, mais un mauvais maître.

      Ông nhà giàu bị phạt xuống hỏa ngục chỉ vì vô cảm, không biết chia sẻ, không biết yêu thương, mà yêu thương lại chính là luật của Thiên Chúa.

      Yêu thương chính là Đức Mến– một trong ba nhân đức đối thần (Tin – Cậy – Mến). Nhưng cao trọng hơn cả là Đức Mến. (1 Cr 13:13), 

     Yêu thương là nền tảng, làm nên giá trị của mọi hoạt động chúng ta.

Thánh Phaolô viết: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, có đem cả gia tài, cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì”. (1Cr 13, 2-3). 

Có thể nói tất cả mọi tội phạm đều do bởi không có tình yêu hay không còn tình yêu.

      Sống là sống với- Vivre, c’est vivre avec. Các triết gia hiện sinh khẳng định như vậy. 

      Cha Thomas Merton cũng đã viết một cuốn sách tựa đề ‘Không ai là một hòn đảo’ (No man is an island). 

      Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng hát: ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.( Diễm Xưa ).

      Phải sống liên đới vì mọi người đều là anh em con một Cha. Chúng ta thường đọc: Lạy cha chúng con… Phải liên đới, vì đó là điều kiện vào Nước Trời.

      Ngày nay người ta có xu hướng sống khép kín, ít quan tâm đến những người khác. Lối sống mackeno ngày càng phổ biến.

     Tiền bạc đã che khuất đôi mắt thương yêu của ông nhà giàu, để ông không nhìn thấy Lazarô đang đói khát, ghẻ lở trước cổng nhà ông.

       Chúa Giêsu dạy chúng ta sống tình liên đới với nhau. Tình liên đới giúp chúng ta nâng đỡ, bảo vệ và chia sẻ với người khác, đặc biệt là những người nghèo khó, túng thiếu. 

Tiên tri Amos đã cảnh cáo: 

Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Sion, và sống an nhiên tự tại trên núi Samari… Nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ” (Am 6,1.6 ).

Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian”.(Pl 3, 19).Tiên tri Amos cũng trách cứ họ như vậy. ( x. Am 6,4-5) 

      Không liên đới với anh em em cũng có nghĩa là không liên đới với Thiên Chúa. Thánh Gioan khẳng định:” Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20) 

      Thế rồi cả người nghèo và người giàu đều chết. Người nghèo được thiên thần đem vào lòng ông Abraham, còn người nhà giàu phải vào chốn khổ hình đời đời. 

Sự tích này được nhắc đến trong bài hát cuối thánh lễ an táng, khi chủ tế cử hành nghi thức tiễn biệt. 

      Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu thương, chia sẻ và liên đới với anh em. Xin cho chúng con biết tôn thờ Chúa là cha nhân lành của chúng con.

Nguyễn Đức Lân