VẾT SẸO THÁNH

Hôm nay lễ kính thánh Tôma tông đồ, bổn mạng lớp đồng hành bốn. Tôi hiệp cùng thánh nhân ngồi bên chân Thầy với những cảm nghiệm vui buồn. Sau khi phục sinh Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ và cho các ông xem những vết sẹo đã lành, nhưng vẫn mang một chứng tích của tình yêu vô bờ bến của Thầy: “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn” (Ga 20,20). Khi chiêm ngắm khuôn mặt vị tông đồ được mệnh danh là cứng tin: “nếu tôi không được nhìn thấy dấu đinh nơi bàn tay, bàn chân Ngài, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Ngài thì tôi chẳng có tin” Ga 20, 25),  tôi khám phám ra chính bởi lòng tin cứng cỏi nơi Tôma lại trở thành cái may và cái hay cho tôi.

  • Cái hay: Nhờ những vết sẹo nơi tay chân và thân mình Thầy mà Tôma nhận ra khuôn mặt của Đức Kitô Phục Sinh. Chắc hẳn Tôma đã run rẩy để nhìn thật lâu và thật sâu vào những vết sẹo ấy với cả trái tim bị tình yêu chinh phục. Tình yêu hy sinh mạng sống, tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục cõi lòng cứng cỏi của ông và ông thốt lên với một niềm tin mãnh liệt: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28). Qua kinh nghiệm của Tôma, đã đem lại cho tôi hạnh phúc của người không thấy mà vẫn tin vào Đấng Phục Sinh, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết (Ga 20, 29).

  • Cái may: ngang qua sự đòi hỏi quá quắt của Tôma để rối một lần nữa, những vết sẹo của Đức Kitô phục sinh giúp tôi hiểu được giá trị cao đẹp của những vết sẹo nơi cuộc đời tôi. Đó là hậu quả của những lần vấp ngã bầm dập trong cuộc đời. Nhất là nó giúp cho tôi gợi nhớ lại cả một vùng kỷ niệm về đời tu: những buồn phiền, đau đớn, thất bại ê chề. Nhưng nếu không có nó thì chẳng có phục sinh, không có thương tích thì đâu cần đến sự chữa lành, ôi những vết sẹo thật đáng yêu. Nhiều khi những cái vấp ngu vấp dại, những cái té ngã khờ khạo ấy lại trở nên nhịp cầu cứu độ tôi. Vì đời sống là một cuộc chiến đấu liên lỷ, mà có chiến đấu ắt phải có những thương tích, mà có thương tích ắt có sẹo.

Thật là một kinh nghiệm quý báu, khi vết thương bởi lòng yếu đuối lại được Chúa chữa lành, “đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20, 27). Dẫu biết rằng tin bao giờ cũng cần một bước nhảy vọt khỏi cái điều mình thấy để rồi dám hy vọng, dám cậy trông. Tôma đã làm một bước nhảy vọt từ cái tôi cứng cỏi đến cái tôi mềm mại, từ không tin đến một lời tuyên tín thật sự sâu xa: “lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Nhờ những vết sẹo của Thầy Tôm đã xác tín mạnh mẽ và giúp con trở nên người có phúc: “phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Hôm nay lễ kính Tôma, tôi mời Ngài cùng tôi ngồi chiêm ngắm, mân mê, khám phá những vết sẹo của Thầy. Chiêm ngắm hết lỗ đinh này đến vết sẹo kia, rồi đến vết sẹo lớn hơn ở cạnh sườn, vết sẹo này vẫn chưa lành hẳn, nhiều lúc còn sưng tấy và rỉ máu vì tôi, vì con người vô tình tệ bạc…

Nhìn những vết sẹo của Thầy, rồi nhìn vào những vết sẹo cuộc đời tôi, tôi chợt nhận ra những vết sẹo đó là ân ban của Thiên Chúa trải dài trên hành trình dâng hiến của tôi. Thiên Chúa đã dùng nó tôi luyện, nung đúc tôi thành “con người mới” trong thời đại hôm nay. Tôi cũng tin rằng: những vết sẹo đó sẽ là chất liệu để Thiên Chúa làm nên khuôn mặt thánh thiện độc đáo riêng nơi tôi. Và Ngài rất vui thích nhìn ngắm những vết sẹo ấy như một kỷ vật tôi dâng cho Ngài. Ôi! Vết sẹo thánh nơi thân xác thánh thiện của Thầy, cảm ơn những vết sẹo, cám ơn Tôma với những gì Ngài đã làm với con hôm nay. Xin cho con biết noi gương Ngài đặt trọn niềm tin tưởng vào Đấng Phục sinh hiện diện thật sự trong Thánh Thể, và trở nên chứng nhân đích thực của Đấng Phục Sinh.

Ngày 3/7/2022
Ly Ly